Tuesday, December 23, 2008

Nhan Le Giang Sinh 2008 tai Nha Tho Chinh Toa Ha Noi


Nhân Lễ Giáng Sinh 2008 tại nhà thờ Chính Tòa Hà Nội, nhớ về một vài Lễ Giáng Sinh năm xưa

VietCatholic News (23 Dec 2008 14:56)

Vừa trở về sau cuộc xuất ngoại 2 tháng để cảm tạ, đội ơn Thiên Chúa và Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse vì những ơn tôi đã được lãnh nhận trong thời gian 50 năm Linh mục và 28 năm Giám mục của mình, tôi được tin Lễ Giáng Sinh năm nay tại Nhà thờ Chính toà Hà Nội và một số Nhà thờ trong khu vực Hà Nội sẽ không trang hoàng đèn nến đẹp đẽ như những năm xưa. Có tin cho rằng các đấng bề trên muốn dành những phí tổn trong dịp Giáng Sinh này cho người nghèo, những nạn nhân trận lũ lụt giữa lòng Thủ đô vừa qua... Thật là một cử chỉ đáng ca ngợi, chắc Chúa Hài Nhi sẽ hài lòng với cử chỉ này, rất hợp với cảnh khó nghèo Người đã được sinh ra trong hang đá năm xưa.


Song lại có dư luận cho rằng đây là cách "để tang" về việc mất nhà, mất đất, nhất là mất đi tượng Đức Mẹ vốn có dưới gốc cây đa cổ thụ hàng trăm năm là nơi linh thánh không chỉ với người Công giáo Thủ đô mà cả mọi người Việt Nam đang hướng về tâm linh trong xã hội ngày nay. Đức Mẹ trong những ngày Giáng Sinh này không biết tản cư đi đâu, có được trở về chốn xưa nơi cũ cùng với Chúa Hài Đồng trong những đêm giá lạnh của đợt gió mùa đông bắc tràn xuống miền bắc hiện nay?

Sự kiện các ngôi Nhà thờ không được trang hoàng lộng lẫy năm nay làm tôi nhớ đến một vài Lễ Giáng Sinh vào những năm 1960... Những năm đó chính quyền được thực hiện trên một nửa đất nước, nhưng có lẽ còn chịu ảnh hưởng của các nước Liên Xô cũ, chưa đi vào thời kỳ đổi mới, chính sách Tôn giáo còn cứng nhắc gây nhiều khó khăn không đáng có cho các Tôn giáo, nhất là đạo Công giáo. Dịp Giáng Sinh tới đây là thời gian thuận tiện để nhấn mạnh tới chính sách Tự Do Tín Ngưỡng đối với các Tôn giáo để chứng minh cho mọi người trong cũng như ngoài nước được biết.

Các Nhà thờ thường được khuyến khích nếu không phải là bó buộc phải trang hoàng cờ hoa đèn nến rực rỡ. Tác hại thay chính quyền lại dùng tới một Uỷ ban không được sự đồng tình của Giáo quyền và số đông giáo hữu lúc đó, như Ủy Ban Liên Lạc... Về mục đích và thành phần như thế nào chắc chúng ta đều rõ. Nhưng thực tế trong các buổi hội họp, báo chí...thường hay phê bình các chức sắc trong đạo, nhiều khi đến độ gay gắt làm mất đi uy tín của Uỷ ban.

Trong các Nhà thờ nội thành Hà Nội, có hai điểm đáng chú ý hơn cả là Nhà thờ Lớn và Nhà thờ Hàm Long đã tự thành lập các Hội Đồng Mục Vụ do UB Liên Lạc hỗ trợ, gồm một số ông chánh trương thường làm áp lực với Linh mục xứ đương thời, ví dụ ông chánh Hân ở Nhà thờ Hàm Long, hay là ông chánh Bưởi ở Nhà thờ Lớn Hà Nội. Có chuyện gì muốn gây áp lực với cha xứ thường qua các vị này làm phiền lòng các ngài rất nhiều, nhất là tại Nhà thờ Chính toà Hà Nội do Cha Giuse Trịnh Văn Căn trông coi, vốn tính hiền hoà và dịu dàng nhưng rất cương quyết khi bảo vệ những quyền lợi chính đáng của đạo Công giáo.

Giáo phận Hà Nội lúc đó có cha tổng đại diện (cha chính) là Cha J.B. Nguyễn Văn Vinh, với tính cách cương trực, sốt sáng, trọng công bình và xã hội nên đã có nhiều câu chuyện rất anh hùng, gan dạ và dám đối lập với chính quyền thực dân lúc đó, điển hình là vụ De Lattre De Cassigni... Năm đó vào khoảng 1960, UB Liên Lạc Công giáo được lệnh vận động các cha xứ trang hoàng Nhà thờ trọng thể để đón Lễ Noel. Mục đích để phô bày cho thiên hạ biết chính sách Tự Do Tín Ngưỡng của nhà nước... Nhưng các Nhà thờ lúc đó rất nghèo nàn, các đồ trang hoàng không được như ngày nay, vừa đẹp lại rất rẻ. Do đó các cha xứ cũng phải cân nhắc trong việc chi tiêu ngân quỹ... Không rõ còn có ý kiến nào không hài lòng về sự phô bày có tính cách chính trị nào nữa chăng? Nhà thờ chính toà quen gọi là Nhà thờ Lớn Hà Nội do linh mục Giuse Trịnh Văn Căn làm cha xứ (sau này Ngài là Hồng Y) cũng quyết định không trang hoàng rực rỡ đèn nến tại cửa và quảng trường Nhà thờ. Điều đó đã bị "Ban Hành Giáo" do chánh trương Bưởi cầm đầu phản đối, tự động vượt quyền cha xứ, thuê thợ điện đến treo đèn nhấp nháy từ Thánh giá trở xuống. Linh mục Căn lúc đó còn nhút nhát đã báo tin cho cha chính Vinh được biết sự kiện. Cha chính rất thẳng thắn, liền đi ra quảng trường Nhà thờ, trèo lên tháp chuông lôi mấy người thợ điện xuống, giật các dây đèn và ra lệnh không được trang trí nữa.

Lúc đó có mấy người thuộc UB Liên Lạc được sự hậu thuẫn của công an chìm nổi xông tới giữ chặt cha chính Vinh và ra lệnh cho các thợ điện tiếp tục trang trí. Linh mục Căn thấy thế thì cuống cuồng sợ hãi, liền ra lệnh cho kéo chuông Nhà thờ báo động, các giáo hữu nghe được tiếng chuông đã kéo nhau đến Nhà thờ rất đông gây xôn xao liên tiếp trong mấy giờ liền. Sau cùng ông trưởng khu công an phải đến can thiệp ra lệnh ngừng kéo chuông và thôi trang trí... Một tháng sau, liên tiếp cha chính Vinh và linh mục Căn bị triệu ra "làm việc" và cũng bị đưa ra toà án về tội gây rối trật tự công cộng (như một số bị can ở Giáo xứ Thái Hà vừa qua). Sau đó phiên toà được xử công khai (hơn sự công khai của toà án quận Đống Đa vừa qua đối với 8 bị can thuộc Giáo xứ Thái Hà), vì một số giáo hữu theo sau cha Căn khóc nức nở trước toà... Kết quả là toà tuyên án cha chính Vinh chịu 18 tháng tù giam, linh mục Căn chịu 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Cha chính Vinh bị lột áo chức đang mặc và bị đưa lên xe đến trại cải tạo. Hết hạn 18 tháng tù, cha lại bị cộng thêm những tháng năm tập trung cải tạo và Người đã qua đời tại trại giam ở Phú Thọ. Một số người ngày nay đang truy tìm chứng tích để xin Toà thánh phong chân phước cho linh mục J.B. Nguyễn Văn Vinh - Tổng đại diện Gp Hà Nội. Còn linh mục Giuse Trịnh Văn Căn trên đường về nhà được các giáo hữu vây quanh thăm hỏi, khóc nóc và chia sẻ...

Ôi! Một Lễ Giáng Sinh thảm thiết biết bao vì đã khởi đầu bằng sự xung đột và kết thúc bằng sự giam hãm hai người công chính vô tội trong tù!

Năm nay Giáng Sinh về với toàn thể nhân loại, đặc biệt với dân tộc Việt Nam, với hàng chức sắc trong Giáo Hội và mọi người trong Tổng Gp Hà Nội. Có chút gì thê thảm đau thương như Giáng Sinh xưa kia chăng? Tôi thành tâm mong rằng đất nước mình, đạo thánh của mình cũng không thiếu những người có tấm lòng thiện chí, dám can trường chịu thử thách và chấp nhận những kết quả đau thương như các bậc tiền nhân cho xã hội an bình.

Nguyện xin lời hát của các thiên thần xưa kia trong đêm Giáng Sinh được thực hiện cả với người giáo cũng như người lương, người giàu cũng như nghèo khó, trong đạo cũng như ngoài đời, nhất là cho những ai đang phải chịu cảnh bất công oan ức:

"Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người thiện tâm
"

Thái Bình, ngày 23 tháng 12 năm 2008
+GM F.X. Nguyễn Văn Sang

Sunday, December 14, 2008

Don Duong Cho Chua

DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA

Trong một trận lũ lụt kia, nhiều du khách trên tuyến đường Bắc - Nam bị kẹt ở miền Trung. Lý do là đèo Hải Vân bị sạt lở, xe cộ không đi lại được. Nhiều đoạn đường sắt bị nước lũ cuốn đi, nên tàu Bắc - Nam cũng đành ủ rũ nằm chờ. Nhiều làng bị nước ngập, dân làng muốn thoát ra nhưng không đi được vì đường sá không còn. Nhiều đoàn cứu trợ muốn đến những làng xa xôi, nhưng không có đường đi, nên đành chịu bó tay.

Những con đường thật là quan trọng. Đường đi giúp cho người bị nạn có thể thoát ra. Đường đi giúp cho người bị nạn đón nhận được sự cứu trợ. Đường đi nối liên lạc giữa người với người. Đường sá hư hỏng làm giao thông ngừng trệ, chậm trễ việc cứu trợ, ngăn cách người với người. Muốn cho giao thông mau lẹ, muốn việc cứu trợ có kết quả, muốn cho con người gần gũi nhau, phải sửa chữa đường đi cho thật tốt.

Con đường vật lý đã cần. Nhưng con đường tâm lý còn cần hơn. Nếu con đường tâm lý bị hư hỏng thì dù có ở sát cạnh nhau, người ta cũng vẫn cứ xa nhau.

Tương tự như thế, ta cần có con đường thiêng liêng thật tốt để đón Chúa đến. Thật ra Chúa đã đến từ lâu, nhưng ta chưa đón nhận được vì con đường thiêng liêng trong tâm hồn ta đã bị hư hỏng.

Tâm hồn ta có những đỉnh đồi kiêu ngạo luôn muốn nâng mình lên, luôn khoe khoang, không bao giờ chịu thua kém người khác. Tâm hồn ta có những ngọn núi tự ái cao ngất trời xanh, không bao giờ chịu nhận lỗi, không bao giờ chịu tha thứ.

Tâm hồn ta có những hố sâu tham lam muốn chiếm đoạt tất cả, muốn thu vén tất cả vào túi riêng. Tâm hồn ta có những hố sâu chia rẽ, luôn gây ra bất hoà, luôn giận hờn, luôn ganh ghét, luôn nghi kỵ. Tâm hồn ta có những hố sâu đam mê, miệt mài đuổi theo danh, lợi, thú. Tâm hồn ta có những hố sâu dục vọng nặng nề thú tính.

Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự dối trá, không thành thật với Chúa, không thành thật với người khác và không thành thật với chính mình. Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự trốn tránh bổn phận, của sự giả hình, của sự thiếu duyệt xét lương tâm.

Tâm hồn ta có những lượn sóng gồ ghề của những lời nói độc ác, tàn nhẫn. Tâm hồn ta gồ ghề vì thói lười biếng không chịu cố gắng thăng tiến bản thân. Tâm hồn ta gồ ghề vì những phê bình chỉ trích thiếu tính cách xây dựng.

Tất cả những ngọn đồi, những vực sâu, những khúc quanh co, những lượn sóng gồ ghề ấy ngăn chặn Chúa đến với ta. Nên hôm nay, Thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi ta hãy sửa chữa con đường thiêng liêng cho tốt đẹp để đón Chúa Giêsu đến.

Hãy bạt đi thói kiêu căng tự mãn. Hãy bạt đi tính tự ái ngang ngạnh. Hãy lấp đi những hố sâu tham lam, chia rẽ, bất hoà. Hãy lấp đi những hố sâu đam mê, dục vọng. Hãy uốn thẳng lại những quanh co dối trá. Hãy uốn thẳng lại những khúc quanh giả hình. Hãy san phẳng những lượn sóng gồ ghề độc ác. Hãy san phẳng những lượn sóng gồ ghề nói hành nói xấu.

Đổi mới một con đường thì dễ, nhưng đổi mới tâm hồn không dễ chút nào. Ngoài những cố gắng bản thân, còn cần đến những phương thế. Đời sống của Thánh Gioan Baotixita đề nghị cho ta 3 phương thế rất tốt.

Phương thế thứ nhất là vào sa mạc. Sa mạc là nơi hoang vu vắng vẻ giúp ta sống cô tịch. Trong cô tịch, ta dễ chìm sâu xuống đáy lòng mình để gặp gỡ Chúa. Một mình ta diện đối diện với Chúa. Trong thân mật, Chúa sẽ dạy ta biết Thánh Ý để ta thi hành. Đức Giêsu, trước khi đi rao giảng cũng đã vào sa mạc 40 ngày để tìm Thánh Ý Chúa Cha. Sa mạc đây được hiểu là những giờ cầu nguyện riêng tư thân mật một mình ta với Chúa.

Phương thế thứ hai là mặc áo da thú. Mặc áo da thú có nghĩa là ăn mặc đơn sơ, không chải chuốt. Một tâm hồn mặc áo da thú là một tâm hồn biết sống thực với chính mình, biết nhìn nhận những yếu đuối lỗi lầm và xin Chúa tha thứ. Thái độ đơn sơ khiêm nhường như thế chính là khởi điểm để tiến lên trên con đường thánh đức.

Phương thế thứ ba là ăn châu chấu và mật ong rừng. Đây có ý nói về một đời sống khổ chế. Hãm dẹp những tính mê tật xấu, hạn chế những đòi hỏi của thân xác để bắt nó quy phục linh hồn. Giảm bớt những nhu cầu không cần thiết để bồi dưỡng đời sống tâm linh.

Thánh Gioan Baotixita đã sống theo chương trình 3 điểm này, nên Ngài đã trở thành người mở đường cho Đấng Cứu Thế. Nếu chúng ta biết áp dụng 3 phương thế ấy trong Mùa Vọng này, ta sẽ biến tâm hồn ta thành một con đường thẳng tắp cho Chúa Giáng Sinh ngự đến.

Lạy Chúa, xin cứu con khỏi mọi tội lỗi để con xứng đáng đón rước Chúa. Amen.

SUY NGHĨ

1. Con đường tâm hồn tôi có những đồi núi, vực sâu, khúc quanh nào cần sửa chữa?
2. Tôi có cần đến những phương thế của Thánh Gioan Baotixita không?
3. Tôi sẽ làm gì trong tuần này để thực hành Lời Chúa?
4. Trong bài Tin Mừng Chủ nhật thứ II Mùa Vọng này, tôi tâm đắc nhất câu nào?

+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Hinh anh Thanh Gioan Tien Ho

Hình ảnh thánh Gioan Tiền Hô
VietCatholic News (13 Dec 2008 14:05)
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG

Một trong những khuôn mặt nổi bật được nhắc đến rất nhiều trong Phụng vụ Mùa Vọng đó chính là Gioan Tẩy giả, vị Tiền hô của Đấng Cứu Thế. Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu đã hết lời ca tụng Gioan, khi gọi ngài là người cao trọng hơn tất cả nam nhân do người nữ sinh ra; là “người có phúc hơn mọi người nam”. Dựa theo những gì Kinh Thánh thuật lại, chúng ta thấy ngài là một con người hết sức đặc biệt.

- Đặc biệt trong cách thức chào đời:

Cha mẹ ngài đã già nua tuổi tác, lại son sẻ không con. Nhưng rồi Thiên Chúa đã can thiệp cách kỳ diệu, qua biến cố truyền tin cho cha của ngài tại Đền thờ Giêrusalem. Có thể nói được rằng ngài là đứa con của lời hứa, đứa con của giáo ước. Ngài đã được thánh hóa ngay từ khi mới trong lòng mẹ 6 tháng tuổi, và được chính Thiên thần đặt tên cho là Gioan. Lúc được đặt tên cũng là lúc cha của ngài là ông Giacaria nói được. Bà con láng giềng cũng đã nhận ra nét đặc biệt này ngay khi ngài mới chào đời.

- Đặc biệt trong cung cách ăn mặc và lối sống:

Ngài là con của Giacaria thuộc giai cấp tư tế, mà tư tế là giai cấp được ưu tuyển để phục vụ Đền thờ. Hơn nữa ngài là người con duy nhất của gia đình, người có quyền thừa hưởng gia tài do cha mẹ để lại. Như vậy, ngài có quyền sống một cuộc sống sung túc. Thế nhưng vì lòng yêu mến Chúa, ngài đã sẵn lòng chấp nhận từ bỏ tất cả, để dành trọn cuộc đời cho Chúa. Điều này được biểu lộ qua cung cách ăn mặc và lối sống. Ăn thì ăn châu chấu. Uống thì uống mật ong rừng. Ở thì ở trong sa mạc, nơi khắc nghiệt và thiếu thốn đủ thứ. Mặc thì cũng mặc rất đơn sơ: chỉ là lông thú. Tin Mừng cho chúng ta những chi tiết rất rõ về đồ đạc mà ngài mang trên mình. Nói chung chẳng có gì đáng giá.

- Đặc biệt trong ơn gọi và sứ mạng:

Sứ mạng của Ngài là sứ mạng có một không hai. Là vị Tiền hô cho Đấng Cứu Thế, ngài được Thiên Chúa trao cho một sứ mạng đặc biệt, đó là trực tiếp dọn đường cho Đức Kitô đến, và là người dẫn người ta vào một thời kỳ mới của Lịch sử Cứu độ, thời kỳ Tân Ước. Nói cách khác, ngài là gạch nối giữa Cựu Ước và Tân ước. Chính Chúa Giêsu cũng đã xác nhận vai trò này của ngài, khi nói: Đây chính là Êlia mà Cựu ước đã báo trước. Ông đến để loan báo và chuẩn bị cho người ta đón nhận Đấng Cứu Thế. Ngài còn đặc biệt cả trong cái chết của mình: bị chặt đầu vì dám nói những lời sự thật và dám sống sự thật.

Với con người, ơn gọi và sứ mạng đặc biệt như thế, nên Gioan đã được Chúa ca tụng là “lớn nhất trong số các con cái do người nữ sinh ra”. Nghĩa là Ngài được xếp ngang hàng với các tổ phụ cở Abraham hay các tiên tri như Elia, Isaia…. Ngài còn hơn hẳn họ, vì ngài được diễm phúc sát gần bên Chúa Cứu Thế, và làm phép rửa cho chính Đấng Cứu Thế.

Dĩ nhiên sự trỗi vượt của ngài chỉ là đem so sánh với thời Cựu ước thôi, chứ không thể so sánh với thời Tân ước được. Chúa Giêsu đã quả quyết điều này: “Nhưng kẻ nhỏ nhất trong Nước trời còn cao trọng hơn ông”. Những kẻ trong Nước trời là những kẻ đã được Chúa Giêsu cứu chuộc bằng máu châu báu của Người. Bởi đó Gioan không thể cao trọng hơn Đức Mẹ hay thánh Giuse được.

Dù chúng ta không giống Gioan trong cách thức chào đời, trong lối sống và trong ơn gọi Tiền hô, nhưng qua Bí tích Thánh Tẩy, đặc biệt là Bí tích Thêm Sức, chúng ta cũng được trao phó ơn gọi và sứ mạng làm chứng cho Tin mừng, sứ mạng loan báo Đấng Cứu Thế cho người khác. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa về ơn gọi và sứ mạng đó. Đồng thời biết nổ lực cố gắng chu toàn với tất cả con tim, với tất cả lòng yêu mến. Có như thế mai sau chúng ta cũng được vinh dự đồng bàn với thánh Gioan Tiền hô và các thánh trên quê trời vĩnh phúc. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long,

Sunday, December 7, 2008

Joseph Cao Wins 2nd Congressional Seat in Louisiana

Trích từ Inside.Catholic.com :
Joseph Cao, pro-life Catholic, former Jesuit scholastic, has won the 2nd Congressional Seat in Louisiana, defeating long-time Democratic encumbent, William Jefferson.

Joshep Cao, một người Công Giáo ủng hộ Sự Sống, một cựu chủng sinh Dòng Tên, đã đánh bại vị dân biểu đương nhiệm William Jefferson để trở thành dân biểu Liên Bang đơn vị 2 tại tiểu bang Louisiana

Thursday, December 4, 2008

Ky niem 154 nam cong bo tin dieu Duc Me Vo Nhiem Nguyen Toi

Kỷ Niệm 154 năm công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Trong Tông sắc Ineffabilis Deus ngày 8-12-1854, ĐTC Piô IX đã công bố Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Nhân giáp 150 năm ban hành Tông sắc (1854-2009) thiết tưởng cũng nên tìm hiểu qua về Tín điều quan trọng này.

Tin Mừng theo Thánh Luca trình thuật việc sứ thần Gabriel vào nhà Trinh nữ và nói: Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng, Đức Chúa Trời ở cùng bà. Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa Vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại người sẽ vô cùng tận. Bà Maria thưa với sứ thần: Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng. Sứ thần đáp: Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa (Lc 1 28-35).

Lược sử hình thành Tín điều: Vào thế kỷ XII, đan sĩ Eadmer người Anh rao giảng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Thế kỷ XIV, Duns Scot hình thành học thuyết Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, dựa trên các bài giảng của các Cha Dòng Phanxicô. Trong suốt mười năm (1320-1330) tại Parme, Reggio Emilia và Crémone (Ý), các cha dòng Phanxicô tổ chức các lễ hội kính trọng thể Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Trong dân gian truyền tụng việc bầu cử ban nhiều ơn thiêng của Đức Mẹ. Bernard de Clairvaux, Peter Lombard, Thánh Bonaventure và Thánh Thomas d'Aquin đều đưa ra học thuyết Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Theo Thánh Bernard de Clairvaux, hồn xác Đức Mẹ thánh thiện trước khi được thiên thần truyền tin. ĐTC Sixte IV (1414-1484) từng là Tổng quyền Dòng Phanxicô đã ấn định ngày 8-12 hàng năm kính Đức Bà thụ thai.
Vì vậy thành phố Lyon (Pháp) tổ chức vào ngày 8-12 lễ hội ''Ánh sáng Đức tin'' (Fêtes des Lumières). Khoảng thế kỷ VIII, người Roma mừng lễ bà Thánh Anna mang thai Đức Mẹ và ngày 8-9 là sinh nhật Đức Mẹ. Từ thế kỷ XIV, các nhà thần học chủ trương Đức Mẹ không mắc tội tỗ tông. Công đồng Trente đã xác nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Từ thế kỷ 17, nhiều họa phẩm Đức Trinh Nữ hiện trên mặt trăng, bận áo choàng tung bay, có nhiều thiên thần nhỏ đứng chầu, chân giẫm đầu con rắn.

- 24 năm trước tông sắc Ineffabilis Deus: Ngày 27-11-1830, nữ tu Catherine Labouré (dòng Nữ tử Bác ái) thuật lại rằng trong giờ nguyện gẫm tối, Đức Trinh Nữ hiện ra, đứng trên quả địa cầu, giẫm trên con rắn, đeo trên tay 15 chiếc nhẫn tỏa ánh sáng chiếu soi địa cầu. Chung quanh là hàng chữ: Ô Marie, conçue sans péché, priez pour nous qui avons recours à vous: Lạy Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con kêu cầu cùng Mẹ. Đức Mẹ còn phán rằng: Đây là ơn phúc Ta rộng ban cho những ai đến cầu xin Ta. Đức Mẹ cắt nghĩa những chiếc nhẫn không chiếu sáng tượng hình những ơn không kêu cầu. Phía sau ảnh tượng là chữ M: Maria đan trên cây Thánh Giá. Phía dưới có hai hình trái tim: Thánh Tâm Chúa Giêsu đội mạo gai và Trái Tim Đức Mẹ có mũi gươm đâm ngang.

- 12 vì sao của Tượng ảnh Đức Mẹ làm phép lạ sau này trở thành biểu tượng của Liên hiệp Âu châu. Ngày 18-8-1950, Hội đồng Âu châu lập ủy ban tổ chức trưng cầu ý kiến về một huy hiệu tượng trưng các giá trị siêu nhiên và tinh thần vốn là di sản chung của các nước thành viên. Huy hiệu này phải vừa đơn giản, lại vừa dễ nhận ra, hài hòa, thẩm mỹ và quân bình. Arsène Heitz vẽ 12 ngôi sao hình tròn trên nền xanh dương. Trong phiên họp khoáng đại ngày 8-12-1955 (nhằm lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội), Nghị viện Âu châu chấp thuận biểu tượng này. Cờ hiệu màu xanh 12 ngôi sao chính thức tung bay tại Paris ngày 13-12-1955.

- 4 năm trước ngày công bố Tín điều: Năm 1846, Công nghị IV họp tại Baltimore đã quyết định tôn vinh Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là Thánh Bổn mạng của nước Mỹ. Công nghị này do sáng kiến của Đức Cha Pierre-Jean-Mathias Loras (1792-1858), sinh quán ở Lyon (Pháp). Ngài có trong số những nhà truyền giáo có công lập Giáo hội Công giáo tại Hoa Kỳ.

- 4 năm sau ngày công bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời: Từ 11-2 đến 16-7-1858. Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, truyền cho Bernadette Soubirous đọc kinh lần chuỗi cầu cho kẻ có tội. Ngày 2-3 Đức Mẹ bảo Bernadette hãy đến xin các linh mục xây một thánh đường ở linh địa này. Vào ngày lễ Truyền tin (25-3-1858), Đức Mẹ phán bằng thổ ngữ miền Gascogne: Que soy era immaculada Councepciou: Ta là (Đấng) Vô Nhiễm Nguyên Tội. ''Thụ thai'' (Conception) không phải là tên người, đối với Bernadette Soubirous là một từ ngữ chuyên môn hoàn toàn xa lạ. Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, khởi công năm 1866, đã được khánh thành ngày 15-8-1871.

Lễ Truyền tin (25-3) mừng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Tin Mừng theo Thánh Luca chép lại Bài ca Ngợi khen (Magnificat) (Lc 1 46-55), xin chuyển thể lục bát như sau:

Magnificat

Hồn tôi réo rắt tung hô,
Trí tôi vời vợi cơ đồ rủ thương.
Phận tôi thấp kém trăm đường,
Muôn đời cất tiếng xiển dương cuộc trần.

Chúa tôi giáng phúc ban ân,
Danh Ngài thánh thiện từ nhân hải hà.
Ngài hằng che chở những ai,
Thành tâm kính sợ, miệt mài sót thương.

Chúa tôi sức mạnh oai phong,
Biểu dương tiêu diệt những phường tự kiêu.
Tòa cao sụp đổ tiêu điều,
Những ai khiêm hạ Thiên triều đỡ nâng.

Giầu sang rồi cũng thanh bần,
Những ai nghèo khó Ngài ban phúc đầy.
Lời Ngài phán hứa xưa nay,
Cháu con tổ phụ ơn dầy tháng năm.

Paris, tháng 12-2008
Lê Đình Thông

VietCatholic News (03 Dec 2008 05:13)