Thursday, May 27, 2010

Pope Benedict XVI's Remark to General Audience on 26 May 2010

Munus regendi

Dear Brothers and Sisters,

In these final days of the Year for Priests, I would like to speak of the priest’s ministry of governing, in the name of Christ, the flock entrusted to his care. Authority, in the Christian understanding, is a service to the true, ultimate good of the person, which is our salvation in Christ; exercised in the Lord’s name, it is an expression of the constant presence and care of the Good Shepherd. The spiritual authority conferred in Holy Orders should be matched by the priest’s interior fidelity to his pastoral mission and his personal readiness to follow obediently the lead of Christ. Understood in the light of faith, this authority, while involving the exercise of power, remains a service to the building up of the Church in holiness, unity and truth. Christ’s power was expressed in the washing of feet, and his kingship by the wood of the Cross; so too, the priestly ministry of governance must be expressed in pastoral charity. I ask all of you to support your priests in their ministry of leading men and women to God, bearing witness to the truth of the Gospel and its message of hope. In a special way I also ask you to pray for my own ministry of governance in the Church, and for the spiritual fruitfulness of the celebrations at the conclusion of the Year for Priests.

* * *

I welcome all the English-speaking visitors present at today’s Audience, especially those from England, Ireland, Sweden, Australia, India, Barbados, Canada and the United States of America. Upon you and your families I cordially invoke Almighty God’s blessings of joy and peace!

+Pope Benedict XVI

Source: http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/audiences/2010/documents/hf_ben-xvi_aud_20100526_en.html

Để cai quản dân Chúa Linh Mục phải để cho Chúa Kitô dẫn dắt mình

Để là Chủ Chăn theo con tim của Thiên Chúa (x. Gr 3,15) linh mục cần phải đâm rễ sâu trong tình bạn sinh động với Chúa Kitô, không phải chỉ với trí thông minh mà cả sự tự do và ý chí nữa, có một ý thức rõ ràng về căn tính đã nhận lãnh trong Lễ Truyền Chức Linh Mục, một sự sẵn sàng vô điều kiện trong việc dẫn dắt đoàn chiên được trao phó, ở nơi nào Chúa muốn chứ không phải trong chiều hướng xem ra thích hợp hay dễ dãi nhất với mình.

Đức Thánh Cha đã khẳng định như trên trước hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 26-5-2010 tại quảng trường thánh Phêrô.

Chỉ còn hai tuần nữa là Năm Linh Mục sẽ kết thúc với đại hội các Linh Mục toàn thế giới triệu tập tại Roma trong các ngày từ mùng 9 tới 11 tháng 6. Vì thế trong trong buổi tiếp kiến sáng hôm qua Đức Thánh Cha đã trình bầy nhiệm vụ thứ ba của Linh Mục là cai quản, hướng dẫn cộng đoàn dân Chúa được trao phó cho các vị, với quyền của Chúa Kitô. Con người thời nay dị ứng với ý niệm về quyền bính nên khó mà hiểu nó theo tinh thần kitô. Đức Thánh Cha nêu bật các lý do của sự dị ứng này như sau:

Các kinh nghiệm văn hóa, chính trị và lịch sử của qúa khứ mới đây, đặc biệt là các chế độ độc tài tại Đông âu và Tây âu trong thế kỷ XX, đã khiến cho con người thời nay nghi ngờ đối với ý niệm này. Sự nghi ngờ này thường được diễn tả ra qua chủ trương cần phải hủy bỏ mọi quyền bính không bắt nguồn từ con người, hay không nằm dưới quyền con người hoặc do con người kiểm soát. Nhưng chính khi nhìn vào các chế độ trong thế kỷ vừa qua đã gieo kinh hoáng và chết chóc nhắc nhớ cho biết rằng quyền bính trong mọi lãnh vực mà không được thi hành với quy chiếu về Đấng Siêu Việt, tách rời khỏi Quyền Bính Tối Cao là Thiên Chúa, thì rốt cuộc chống lại con người một cách không thể tránh né được. Vì thế thật là điều quan trọng khi thừa nhận rằng quyền bính nhận loại không bao giờ là một mục đích, mà chỉ luôn luôn là một phương tiện, và mục đích trong mọi thời đại luôn luôn là con người, được Thiên Chúa tạo dựng nên với phẩm giá bất khả xâm phạm và được mời gọi bước vào trong tương quan với Đấng Tạo Hóa trên con đường cuộc sống trần gian và trong cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Nó là một quyền bính được thi hành với tinh thần trách nhiệm trước Thiên Chúa và Đấng Tạo Hóa. Một quyền bính được hiểu như thế chỉ có mục đích duy nhất là phục vụ thiện ích đích thật của con người và là sự trong sáng của Sự Thiện Tối Cao là Thiên Chúa; nó không xa lạ với con người, mà trái lại là sự trợ giúp qúy báu trên con đường tiến tới sự hiện thực tràn đầy nơi Chúa Kitô, tiến tới ơn cứu rỗi.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói Giáo Hội được mời gọi dấn thân thi hành loại quyến bính phục vụ đó, không nhân danh mình, nhưng nhân danh Chúa Giêsu Kitô, là Đấng đã nhận được từ Thiên Chúa Cha mọi quyền bính trên trời dưới đất (x. Mt 28,18). Thật thế, qua các Chủ Chăn của Giáo Hội Chúa Kitô chăn dắt đoàn chiện của Ngài: chính Chúa hướng dẫn, che chở, khích lệ, vì Ngài yệu thương đoàn chiên một cách sâu thẳm. Nhưng Chúa Giêsu là Mục Tử tối cao của linh hồn chúng ta, đã muốn Đoàn Tnog Đồ, ngày nay là các Giám Mục, trong niềm hiệp thông với Người Kế Vị Thánh Phêrô, và các linh mục là các cộng sự viên qúy báu của các vị, tham dự vào sứ mệnh lo lắng cho Dân Chúa, là những người giáo dục trong đức tin, hướng dẫn, linh hoạt và nâng đỡ cộng đoàn kitô... Như thế mỗi một Chủ Chăn là vị trung gian, qua đó chính Chúa Kitô yêu thương con người: chính qua chức thừa tác của chúng ta Chúa đến với các linh hồn, dậy dỗ họ, giữ gìn họ và hướng dẫn họ. Trong sách Chú giải Phú Âm thánh Gioan thánh Agostino nói: ”Ước chi việc chăn dắt đoàn chiến đó là sự dấn thân của tình yêu” (123,5). Đây là điều luật tối thượng cho cung cách sống của các vị thừa tác viên của Thiên Chúa, một tình yêu vô điều kiện, như tình yêu của Mục Tử Nhân Lành, tràn đầy niềm vui, rộng mở cho tất cả mọi người, chú ý tới kẻ ở gần cũng như lưu tâm tới người ở xa (S. Agostino, Discorso 340,1: Discorso 46,15), tế nhị đối với các người yếu đuối, bé nhỏ, đơn sơ, kẻ tội lỗi, để biểu lộ lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, với các lời trấn an trao ban hy vọng (x. Id., Lettera 95,1). Rồi Đức Thánh Cha nêu bật các điều kiện để là Chủ Chăn theo lòng Chúa muốn như sau:

Để là Chủ Chăn theo con tim của Thiên Chúa (x. Gr 3,15) Linh Mục cần phải đâm rễ sâu trong tình bạn sinh động với Chúa Kitô, không phải chỉ với trí thông minh mà cả với sự tự do và ý chí nữa, và có một ý thức rõ ràng về căn tính đã nhận lãnh trong Lễ Truyền Chức Linh Mục, một sự sẵn sàng vô điều kiện trong việc dẫn dắt đoàn chiên được trao phó, ở nơi Chúa muốn chứ không phải trong chiều hướng xem ra thích hợp hay dễ dãi nhất đối với mình. Điều này trước hết đòi hỏi phải sẵn sàng liên tục để cho chính Chúa Kitô cai quản cuộc sống linh mục. Thật vậy không ai có khả năng chăn dắt đoàn chiên của Chúa Kitô, nếu không sống sâu thẳm và đích thực sự vâng lời Chúa Kitô và Giáo Hội. Và sự ngoan ngoan của Dân Chúa đối với các linh mục tùy thuộc sự ngoan ngoãn của các linh mục đối với Chúa Kitô. Vì thế ở nền tảng của thừa tác muc vụ luôn luôn có sự gặp gỡ cá nhân và liên lỉ với Chúa, hiểu biết Chúa sâu đậm và đồng hình dạng với ý muốn của Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ rằng trong các thập niêm cuối cùng này người ta thường dùng tính từ ”mục vụ” hầu như đối chọi với tính từ phẩm trật, ám chỉ truyền thống cấu trúc quyền bính trong Giáo Hội gồm ba bậc của Bí Tích Truyền Chức là giám mục, linh mục và phó tế. Dư luận công cộng thường hiểu thực tại phẩm trật như là sự vâng phục và pháp lý, trái nghịch với sự mềm dẻo, sinh động của mục vụ và lòng khiêm nhường theo tinh thần tin mừng. Sự hiểu lầm này về phẩm trật cũng do các lạm dụng quyền bính và óc ham hố chức tước gây ra trong lich sử, nhưng chúng xa lạ với nguồn gốc ý niệm về phẩm trật. ”Gerarchia” phẩm trật có nghĩa là ”lãnh vực thánh thiêng”, nhưng nghĩa thật của nó là ”nguồn gốc thánh thiêng”; nghĩa là quyền bính này không đến từ con người, mà có nguồn gốc nơi sự thánh thiêng, nơi Bí Tích. Nó đặt để con người dưới ơn kêu gọi, dưới mầu nhiệm của Chúa Kitô, và biến cá nhân trở thành đầy tở của Chúa Kitô, và chỉ như là đầy tờ của Chúa Kitô người đó mới có thể cai quản và hướng dẫn cho Chúa Kitô và vời Chúa Kitô. Vì thế ai bước vào trong Chức Thánh của Bí Tích, bước vào ”nguồn gốc thánh” thì không phải là một người chuyên chế, mà là người bước vào trong một mối dây tương quan mới của sự vâng lời Chúa Kitô: họ bị cột buộc vào Chúa Kitô trong sự hiệp thông với các chi thể khác của Chức Thánh, của Chức Linh Mục. Cả Đức Giáo Hoàng - là điểm tham chiếu của tất ưả mọi Chủ Chăn khác và của sự hiệp thông của Giáo Hội - cũng không thể làm điều mình muốn; trái lại Giáo Hoàng là người giữ gìn sự vâng phục Chúa Kitô, vâng phục lời của Chúa được tóm tắt trong ”luật đức tin”, trong Kinh Tin Kính của Giáo Hội; và Giáo Hoàng phải đi trước làm gương trong việc vâng phục Chúa Kitô và Giáo Hội Ngài. Từ Phẩm trật như thế bao gồm một mối dây có ba chiều kích: trước hết là nối kết với Chúa Kitô và trật tự mà Chúa ban cho Giáo Hội Ngài; thứ hai, nối kết với các Chủ Chăn khác trong sự hiệp thông duy nhất của Giáo Hội; và thứ ba, nối kết với các tín hữu được giao phó cho từng vị trong trật tự của Giáo Hội.

Như thế sự hiệp thông và phẩm trật không trái nghịch nhau mà điều kiện hóa nhau. Cả hai chỉ là một sự hiệp thông phẩm trật. Chủ Chăn là người hướng dẫn và giữ gìn đoàn chiên và ngăn ngừa để nó khỏi tản lạc. Ngoài quan niệm siêu nhiên rõ ràng sáng tỏ đó, không thể nào hiểu được nhiệm vụ cai quản riêng của các linh mục. Trái lại được nâng đỡ bởi tình yêu thương đối với ơn cứu rỗi của từng tín hữu, nhiệm vụ đó đặc biệt qúy báu và cần thiết cả trong thời đại của chúng ta nữa. Nếu mục đích là đem lời loan báo Chúa Kitô tới với con người và dẫn đưa con người đến chỗ gặp gỡ Chúa để họ được ơn cứu độ, được sự sống, thì nhiệm vụ hướng dẫn là việc phục vụ được sống với sự tận hiến hoàn toàn cho việc xây dựng đoàn chiên trong chân lý và sự thánh thiện, thường phải đi ngược dòng và nhắc nhớ cho biết rằng ai lớn nhất phải làm như người nhỏ nhất, ai cai trị phải sống như người phục vụ (x. LG 27).

Chỉ nơi Chúa Kitô linh mục mới có thể kín múc được sức mạnh để thực thi chức phục vụ của mình trong sự trung thành với Chúa Kitô và với Giáo Hội, noi gương các thánh trong đó có Cha Thánh Gioan Vianney, thi hành chức vụ linh mục của mình với tình yêu thương tận tụy, chỉ nhắm một mục đích duy nhất là mưu ích cho các linh hồn, dám trả giá mắc mỏ cho tới chỗ tử đạo để trung thành với chân lý và công lý của Tin Mừng. Đức Thánh Cha đã khích lệ các linh mục đừng sợ hãi hướng dẫn từng tín hữu đến với Chúa Kitô, đào tao Chúa Kitô nơi trái tim từng người, và để cho Chúa Kitô sống trong từng tín hữu.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã xin mọi người cầu nguyện cho ngài cũng như cho các Giám Mục và linh mục toàn thế giới để các vị biết săn sóc đoàn chiên Chúa trao phó, kể cả các con chiên lạc. Ngài mời gọi các linh mục tham dự đại hội kết thúc Năm Linh Mục trong các ngày từ mùng 9 đến 11 tạ Roma.

Sau khi chào tín hữu và du khách bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải
http://vietcatholic.net/News/Html/80623.htm

Wednesday, May 26, 2010

Đức Thánh Cha khuyến khích giáo dân dấn thân chính trị

VATICAN - ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi các tín hữu Công Giáo dấn thân trong lãnh vực chính trị và chứng tỏ rằng đức tin giúp họ đọc các thực tại một cách mới mẻ và biến đổi chúng.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 21-5-2010 dành cho 100 tham dự viên khóa họp toàn thể lần thứ 24 của Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân nhóm từ ngày 20 đến 22-5-2010 về chủ đề ”Chứng nhân của Chúa Kitô trong cộng đồng chính trị”.

ĐTC khẳng định rằng: ”Giáo Hội không có sứ mạng huấn luyện chuyên môn cho các nhà chính trị. Đã có nhiều tổ chức khác theo đuổi mục đích ấy. Sứ mạng của Giáo Hội là ”đưa ra một phán đoán luân lý cả về những điều liên quan tới lãnh vực chính trị, khi các quyền căn bản của con người và phần rỗi các linh hồn đòi hỏi.. và Giáo Hội chỉ sử dụng những phương thế phù hợp với Tin Mừng và thiện ích của mọi người, theo thời đại và hoàn cảnh khác nhau” (GS 76).

Đức Thánh Cha khuyến khích giáo dân dấn thân chính trị

ĐTC nhắc nhớ rằng: ”Giáo dân có nhiệm vụ chứng tỏ một cách cụ thể trong đời sống bản thân và gia đình, trong đời sống xã hội, văn hóa và chính trị, rằng đức tin cho phép đọc các thực tại một cách mới mẻ và sâu xa đồng thời biến đổi chúng; niềm hy vọng Kitô mở rộng chân trời hạn hẹp của con người và phóng dội nó về chiều cao đích thực của con người, hướng về Thiên Chúa. Các tín hữu giáo dân cũng có nhiệm vụ cho thấy đức bác ái trong chân lý là sức mạnh hữu hiệu nhất có thể biến đổi thế giới, Tin Mừng là bảo đảm cho tự do và sứ điệp giải thoát.. Các tín hữu giáo dân có nhiệm vụ tham gia tích cực vào đời sống chính trị, phù hợp với giáo huấn của Hội Thánh, chia sẻ những lý do có nền tảng vững chắc và các lý tưởng cao cả trong nền dân chủ và trong sự tìm kiếm đồng thuận sâu rộng với tất cả những người quan tâm bảo vệ sự sống và tự do, bảo vệ chân lý và thiện ích của gia đình, tình liên đới với người túng thiếu và sự tìm kiếm công ích” (SD 21-5-2010)

LM Trần Đức Anh, OP

Tuesday, May 25, 2010

Những khủng hoảng giúp tình yêu lớn lên

Thưa quý độc giả, đối chiếu cuộc sống tâm linh của người tín hữu nói chung và người tận hiến nói riêng với cuộc sống hôn nhân, rồi đối chiếu hành trình cá nhân với lịch sử Hội Thánh, ta thấy mỗi bên đều có những cuộc khủng hoảng tương tự. Mãi khi xong cuộc hành trình, nhìn lại người ta mới hiểu ra ý nghĩa và giá trị của mỗi đợt khó khăn thử thách. Bài viết này dựa trên giáo huấn của Thánh Gioan Thánh Giá, muốn gợi ý rằng những khó khăn Giáo Hội Việt Nam và Giáo Hội Toàn Cầu đang gặp phải đều là những thử thách cần thiết để Giáo Hội được thanh tẩy và lớn lên trong tình yêu và đức tin. Chính Thiên Chúa đang dùng thử thách để cùng lúc vừa thanh luyện Hội Thánh Ngài (Ep 5,26-27) vừa đào tạo từng cá nhân tín hữu. Mỗi tín hữu cần nhận ra được Thiên Chúa đang muốn giáo dục bản thân họ điều gì.

Những thử thách này hết sức lạ, đúng là từ trên trời trút xuống. Dường như người ta càng cố gắng xoay xở để thoát ra, càng bị lún sâu vào. Cả bản thân và ngoại cảnh (khi thử thách ở bình diện cá nhân), cả bề trên lẫn bề dưới (khi thử thách buông xuống trên tập thể) đều vô tình góp phần khiến mọi sự thêm trầm trọng. Tựa như khi dầu đang cháy, người ta càng tạt nước vào, đám cháy càng lan rộng.

Theo Thánh Gioan Thánh Giá, ở đây nhà điêu khắc là Thiên Chúa đang dùng búa rìu để đẽo gọt, dùng dao, dùng đục để chạm trổ, nói chung là Ngài dùng những dụng cụ hết sức sắc bén để làm nên kiệt tác của Ngài. Khối đá hay khúc gỗ Ngài chọn càng ngoan ngoãn đón nhận các thao tác của nhà điêu khắc, càng sớm hoàn bích. Còn nếu nó chống lại và muốn tự thể hiện theo ý mình, tác phẩm sẽ bị hỏng và phải vất bỏ.

Cơn thử thách hiện nay Giáo Hội toàn cầu nói chung cũng như Giáo Hội Việt Nam nói riêng đang trải qua đều nằm trong điều đã được chính Chúa Giêsu đã báo trước: “1Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. 2Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. 3Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. 4Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi”(Ga 16,1-4).

Một số kinh nghiệm trong bài có thể hơi xa lạ với nhiều độc giả, tuy nhiên hy vọng rằng với một chút thinh lặng trầm tư, độc giả có thể nắm bắt được và sẽ tìm thấy một số ánh sáng cho mình cũng như cho bạn hữu trước thời cuộc, để có thể tiến bước trong bình an.

Khoa tâm lý học cho biết trong cuộc đời hôn nhân, các đôi bạn thường gặp 4 khủng hoảng chính:

  • Khủng hoảng vỡ mộng
  • Khủng hoảng nhàm chán
  • Khủng hoảng thất bại
  • Khủng hoảng bị bỏ rơi
Trong cuộc sống tự nhiên cũng như cuộc sống tâm linh, bao giờ những khủng hoảng kéo đến cũng ngoài ý muốn của ta. Có bao nhiêu yếu tố có vẻ như ngẫu nhiên trùng hợp khiến ta rơi vào một thế kẹt và ra không được. Thoạt đầu nó khiến ta nản lòng nhưng khi bắt đầu nhận ra ý nghĩa của nó ta lại thấy nó thật cần thiết để ta được lớn lên, và lúc đó ta sẽ đón nhận nó trong bình an. Trên bình diện tâm linh, ta cần học ra bài học này để không những được bình an đón nhận ý Chúa mà còn được lớn lên trong tình yêu.

Cuộc khủng hoảng đầu tiên: vỡ mộng

Khủng hoảng vỡ mộng trong hôn nhân
Thường thường trước lễ cưới, đôi bạn trẻ chỉ thấy những cái đẹp của nhau. Sau lễ cưới, họ mới dần dần khám phá ra những điều mà họ không ngờ trước: Có những khác biệt, những giới hạn, những tật xấu… cộng thêm những khó khăn về quan hệ giữa hai gia đình và những lo lắng về kinh tế… Cao điểm của sự khủng hoảng này thường xẩy ra vào khoảng tháng thứ bảy, thứ tám hay một năm sau ngày cưới. Nhưng lúc đó có một cơ may là đứa con đầu lòng ra đời, và sự hiện diện của đứa trẻ sẽ chuyển đổi mọi suy nghĩ của đôi bạn. Hai người đều tập trung lo lắng cho đứa con và cơn khủng hoảng bớt căng thẳng. Những khủng hoảng đầu tiên này của đời sống hôn nhân sẽ làm tăng trưởng tình yêu. Trước đây tình yêu của họ có tính cách vụ lợi, chiếm đoạt, nay được chuyển sang tình yêu dâng hiến.

Khủng hoảng vỡ mộng trong đời tu
Một số người trước khi đi tu thường có một cái nhìn rất đẹp về đời tu. Họ thấy các tu sĩ như những thiên thần. Khi đã bước chân vào, nhiều chuyện không như họ tưởng. Trước đây họ chỉ nhìn thấy một số nét chủ quan, họ thích tìm những cái đẹp theo như họ nghĩ chứ chưa đi tìm một phương hướng hay một điều kiện thuận lợi để dâng hiến tình yêu mình cho thiên Chúa.

Có những người qua một thời gian sống trong đời tu đã thốt lên: Tôi không ngờ đời tu là như thế. Bởi vì khi sống trong cộng đoàn, mỗi người một tính tình khác nhau, mỗi người một ý nghĩ, một quan niệm… Một dạng khác: Khi lên đường theo Chúa người ta cũng ôm theo những ước mơ và dự phóng thật đẹp cho công cuộc Nước Trời, đẹp đến nỗi họ không dám buông ra, và thà mất ơn gọi hơn là phải buông bỏ các dự phóng ấy… Có những người đi tu cốt để làm linh mục, để làm việc mục vụ công khai, nhưng hoàn cảnh không cho phép họ đạt được điều đó. Từ đó họ mới phát hiện ra rằng lâu nay không phải họ theo Chúa nhưng là theo một chức vụ hoặc một công cuộc nhân loại… Giáo huấn của thánh Gioan Thánh Giá trong“Các biện pháp phòng chống” rất thiết thực để giúp vượt thắng khủng hoảng thứ nhất này.

Cuộc khủng hoảng trong đời tu này cũng rất cần thiết để thanh tẩy cái nhìn của chúng ta, giúp ta nhận ra được đâu là điểm chính, đâu là điểm phụ. Qua cơn khủng hoảng, ta dần dần khám phá ra rằng chính Chúa kêu gọi ta chứ không phải là một lý tưởng hay một chức vụ. Chính Chúa đang yêu mến ta, chính tình yêu đang mời gọi và mong muốn cho người yêu được lớn lên. Cũng như trường hợp các đôi bạn, nhờ can đảm và kiên nhẫn, ta sẽ vượt qua được những khó khăn ban đầu. Rồi sau đó sẽ thu hoạch được những kết quả đầu tiên và những kết quả này sẽ làm cho ta được phấn khởi tiến lên.

Khủng hoảng vỡ mộng trong đời tín hữu
Người thiếu niên lớn lên trong gia đình và giáo xứ, gần như tuyệt đối tin tưởng cha mẹ và các linh mục cũng như các tu sĩ. Thế rồi một hôm họ đã đau khổ khám phá ra rằng người lớn cũng rất bất toàn…. Những anh chị em được ơn tin Chúa khi đã lớn, lúc học giáo lý có thể nhìn thấy Hội Thánh thật lý tưởng. Họ bước vào Hội Thánh thật nồng nhiệt. Thế rồi, một số đụng chạm đã khiến họ sớm hoài nghi… Những hoài nghi này khá cần thiết để họ hiểu rõ hơn về thực tế của Hội Thánh, vừa mang tính yếu đuối của nhân loại vừa có nguồn gốc thần linh…

Cuộc khủng hoảng thứ hai: nhàm chán

Khủng hoảng nhàm chán trong hôn nhân
Khoảng bảy hoặc tám năm sau khi kết hôn, đôi bạn thường cảm thấy mệt mỏi, nhàm chán. Trước kia họ thấy người bạn mình là một thế giới kỳ diệu, khám phá mãi không hết. Đến nay, cả những điều bí ẩn nhất cũng đều đã biết cả, đã biết rất rõ, không còn gì mới lạ. Bên cạnh đó, trách nhiệm gia đình cứ đè nặng mỗi ngày, đều đều, ngày này sang ngày khác. Người ta cảm thấy mệt mỏi, nhàm chán, muốn có một cái gì “thay đổi bầu không khí”, muốn “tìm của lạ”. Tình trạng đó là nguyên nhân của nhiều vụ ngoại tình. Để vượt qua khủng hoảng ấy, đôi bạn được khuyên làm một tuần trăng mật mới. Cùng đi chơi xa dăm ngày một tháng, hoặc đổi chỗ ở, hoặc sơn phết lại nhà cửa, sắp đặt lại phòng ốc… Nói tóm là tạo một khung cảnh mới cho tình yêu được đổi mới.

Điều phải đổi mới trong tình yêu ở đây là tập trung cái nhìn vào chính ngôi vị của bạn mình, yêu bạn mình vì chính bản thân bạn mình chứ không vì điều gì khác. Ngôi vị của bạn mình là giá trị cao hơn mọi cái hay cái tốt về thể chất hay tinh thần họ có. Vượt trên những điều phụ thuộc, tình yêu trở nên trần trụi hẳn đi và vì thế cũng tinh tuyền hẳn lên.

Khủng hoảng nhàm chán trong đời tu
Đời tu cũng có những nhàm chán tương tự. Công việc đều đều từ ngày này sang ngày khác. Thiên Chúa phong phú vô cùng vô tận, nhưng Ngài vô hình, người tu sĩ có thể mệt mỏi vì không thấy khám phá thêm điều gì mới. Hoặc lắm khi, họ hài lòng với những gì đã biết, họ có cảm tưởng đã biết hết, đã quen quá rồi. Để chống lại nhàm chán, người ta cũng bị cám dỗ chiều theo những của lạ dễ dãi, ngược với sự tiết độ, ngược với ba lời khấn. Cách riêng, khủng hoảng thứ hai này đến một cách thường xuyên trong việc cầu nguyện. Người tu sĩ có thể cảm thấy chán ngán việc cầu nguyện và lao đầu vào công việc, cả đang khi cầu nguyện cũng mải mê nghĩ đến công việc. Để giúp tránh khủng hoảng này, các tu sĩ cứ phục vụ ít lâu lại được đổi nhiệm sở… Các ngày lễ trong cộng đoàn, cách riêng là những ngày kỷ niệm khấn dòng, giúp ta có dịp làm mới lại cuộc sống. Cách riêng là các cuộc tĩnh tâm để giúp đổi mới tình yêu.

Tuy nhiên những khó khăn cũng như những cách giải quyết vừa nói chỉ là những chuyện bên ngoài. Thánh I Nhã và thánh Gioan Thánh Giá hướng cái nhìn của chúng ta vào những khó khăn sâu xa hơn. Trong những chỉ dẫn về an ủi và phiền muộn, thánh I Nhã cho thấy các phiền muộn có thể do ba nguyên nhân khác nhau (LT 322). Nguyên nhân thứ hai Ngài nêu ra tương đương với điều được thánh Gioan Thánh Giá gọi là đêm khô khan, là bước chuyển tiếp từ suy niệm lên chiêm niệm, là lúc đứa bé phải cai sữa để tập ăn (2Lên, cc. 13-14; 2Đêm, cc. 8-9; Lửa 3,32-37). Ngài cũng nêu rõ ba dấu chỉ giúp nhận rõ bước chuyển này (2Lên, cc. 13-14). Như thế, đêm đen hay cuộc khủng hoảng này là một bước chuyển cần thiết để ta được lớn lên trong tình yêu, không có gì phải sợ.

Cha Thomas Green SJ tổng hợp chỉ dẫn của hai vị thánh nơi 2 tác phẩm hiện đang bán tại các nhà sách: “Drinking from a dry well” và “Darkness in the marketplace”.

Khủng hoảng nhàm chán trong đời tín hữu
Không riêng các tu sĩ, mọi tín hữu đều có thể được Thiên Chúa thanh luyện bằng khó khăn này. Lắm người buông xuôi và trở thành những tín hữu vụ hình thức, quên mất chiều sâu của lòng yêu mến. Lắm người khác đã nỗ lực để vượt qua sự khô khan nhàm chán, và lớn lên trong sự quảng đại.

Cuộc khủng hoảng thứ ba: thất bại

Tuổi 45-50, cả người nam và người nữ đều thấy đời mình thất bại. Cách riêng là thất bại trong hôn nhân. Tuy nhiên, họ không dám nhìn nhận điều đó. Họ quy lỗi cho người kia. Họ vuốt ve tự ái bằng những thành công dễ dãi và chứng minh năng lực của mình bằng cách lao vào các hoạt động xã hội; chạy trốn thực tế bằng bói toán, cờ bạc, những phiêu lưu tình cảm ngang trái với những người bằng tuổi con mình. Cũng vì thế người ta gọi đây là cuộc khủng hoảng hồi xuân.

Trên đường theo Chúa, người ta cũng gặp nhiều thất bại. Không riêng nơi những dự phóng bản thân, nơi cuộc sống cộng đoàn và hoạt động tông đồ mà lắm khi dường như ta cảm thấy mình đã thất bại khắp nơi mọi lúc, từ bên ngoài đến bên trong… Rồi cũng tương tự như trong đời sống hôn nhân, người thánh hiến có thể chạy trốn sự thất bại của mình bằng những thành tích lòe loẹt bên ngoài: cơ sở, hội nhóm, sinh hoạt, hình thức, số lượng… nhiều dạng thỏa hiệp với con đường rộng. Ta đã xác tín con đường hẹp và hành động theo đó. Nhưng đi cho đến tận cùng không dễ. Một lúc nào đó, thấy cơ may thành công mong manh quá, những kết quả ít ỏi và chậm chạp quá, trong khi những điều kiện thuận lợi lại sẵn trong tầm tay, có thể ta sẽ tạm thời biến báo để cho mọi việc được giải quyết nhanh gọn. Ta sẽ tạm thời tin vào các phương tiện trần gian hơn là tin vào thập giá, và rồi đúng như thế, những kết quả của nó thật thần diệu. Và cũng thần diệu thay, càng lúc nó càng làm cho ta lạc xa mà vẫn cứ tưởng mình rất chung thủy.

Trong Lâu Đài Nội Tâm, mẹ thánh Têrêxa Chúa Giêsu cho biết có những người đã vươn tận đỉnh cao và đã đạt tới cuộc sống hiệp nhất với Thiên Chúa mà rồi đã quay đầu trở lại và bị thua những âm mưu lừa gạt của quỷ dữ. Ngài nêu câu hỏi: Làm sao họ lại bị lừa? Quỷ dữ đã len lỏi vào bằng lối nào? (5Cư 4,6-7). “Để trả lời câu hỏi thứ nhất, tôi xin nói rằng, nếu linh hồn luôn gắn bó với ý Thiên Chúa thì hẳn sẽ không bị lạc. Thế nhưng quỷ dữ cứ bám sát và lừa gạt cách tài tình. Nó dẫn dụ linh hồn dưới màu sắc điều tốt trong những chuyện rất nhỏ và cố sức làm cho linh hồn nghĩ rằng đó là tốt để rồi chiều theo một đôi điều trong đó. Thế là dần dần nó sẽ khiến cho trí hiểu ra tăm tối, nhiệt tình của lòng muốn nguội dần, rồi khiến lòng tự ái gia tăng cho đến lúc bằng cách này hay cách khác, nó kéo được linh hồn ra khỏi ý Thiên Chúa và lôi vào con đường riêng của nó.” (5Cư 4,8).

Đây là lúc để đọc kỹ Đêm Dày quyển II. Đêm tâm linh có thể đang khởi đầu với những cảm nghiệm về sự thất bại. Thất bại trong công việc sẽ trở thành bi thảm hơn khi nó kèm với sự thất bại trong đời sống cộng đoàn. Ta đã đổ ra bao thiện chí để rồi cuối cùng chỉ gặt được cô đơn, ốc đảo. Chẳng còn ai hiểu ta. Ta mệt mỏi bước dưới cơn nắng buổi trưa, lẻ loi, một mình mồ hôi nhễ nhại. Bỗng bên vệ đường xòe ra một bóng mát thật quyến rũ, ta thèm lăn vào đó, ngủ vùi quên đi tất cả, giữa vũng lầy êm ái. Thế nhưng,

Đừng để điều gì khiến bạn xao xuyến
Đừng để điều gì khiến bạn sợ hãi
Mọi sự đều qua đi
Thiên Chúa không bao giờ thay đổi
Kiên nhẫn rồi sẽ được tất cả
Ai có Thiên Chúa sẽ chẳng thiếu gì
Một mình Thiên Chúa là đủ cho ta.
(Thánh nữ Têrêxa Chúa Giêsu)

Tiến sâu vào thinh lặng nội tâm
Trong chuyện tình của Chúa, thường Ngài vẫn dồn ta vào tình thế ấy, để gợi cho ta nhớ rằng chính Ngài đã bị bỏ rơi trên thập giá vì ta, để ta thấy Ngài với ta đồng thuyền, đồng hội, và ta sẽ gắn chặt với Ngài. Trong cuộc sống hôn nhân, thất bại là lúc hai vợ chồng được thật sự xoá mình để hiểu rằng mình cần đến người kia. Trong cuộc sống theo Chúa, thất bại chính là lúc để ta thật sự tin rằng ngoài Chúa ra, ta không thể làm gì được! Bị cô đơn, bị hiểu lầm chính là thế cờ buộc ta phải níu lấy một mình Ngài. Như đôi bạn trẻ yêu nhau, càng không được gia đình và bạn bè thông cảm, họ càng tìm đến với nhau, bởi vì trên cõi đời chỉ có một người thật sự hiểu họ và tôn trọng họ.

Những điều Chúa muốn dệt nên một tiếng gọi định hướng và làm thành đời ta. Ngài vừa gọi vừa làm cho ta thinh lặng để nghe được tiếng Ngài. Nhờ cảm nghiệm sự thất bại, tiếng ồn của những lời khen bên ngoài và những tự hào bên trong bị dập tắt, tuy nhiên lại có thể nổi lên những tiếng ồn khác của tự ái, xót xa, đắng cay, tiếc nuối và dằn vặt. Muốn dẹp yên chúng, ta cần tập trung cái nhìn vào Chúa Giêsu, phó thác tất cả cho Ngài trong một cái nhìn thiết tha trìu mến. Dù suối lòng ta có đục ngầu vì cả một đời sai lầm và tội lỗi, hãy cứ dìm Ngài xuống đó. Ngài sẽ gạn đục khơi trong và sẽ tẩy sạch tất cả như đã tẩy sạch dòng nước sông Giođan. Câu chuyện kẻ gian phi thống hối cho thấy rằng, nếu ta đến với Ngài thì, dù chỉ còn một giây phút chót, Ngài vẫn đổi mới lòng ta kịp thời trước khi đồng hồ cuộc sống chuyển sang nhịp gõ đời đời. “Hãy đến với Ta, hỡi tất cả những ai lao đao và vác nặng, Ta sẽ cho nghỉ ngơi lại sức.” (Mt 11,28)

Khủng hoảng thất bại trong đời tín hữu
Người ta nản lòng vì một nhược điểm nào đó đã ăn quá sâu không sửa được, vì một vài tội lỗi nào đó cứ sa đi ngã lại… Lắm người có thể nhờ đó mà khám phá ra mình cần bám víu vào Chúa… Ngược lại lắm người dần dà quay lại với những “ngẫu tượng” cũ, mà Kinh Thánh gọi là sự ngoại tình hay đàng điếm…

Bình tĩnh sau những quyết định sai
Nhờ việc theo dõi các tín hiệu nội tâm, thường thì càng lúc ta càng biết chọn đúng theo ý Thiên Chúa trong những việc cụ thể hằng ngày. Thỉnh thoảng, do lơ đãng và thiếu tỉnh táo, ta vẫn có thể bị lừa và quyết định sai. Nhiều khi, do những nếp quen từ nhỏ đã ăn sâu, dù đã già người ta vẫn có thể phản ứng sai theo cùng một cách như hồi còn trẻ. Những điều đó sẽ giúp ta khiêm nhường nhận rõ sự yếu đuối của mình và bám víu vào Thiên Chúa.

Đáng sợ là khi ta đánh giá sai và quyết định sai trong những điều tương đối quan trọng. Lúc đó ta dễ hoảng hốt với cảm giác khôn ba năm dại một giờ. Ma quỷ sẽ tô màu phóng đại sự thất bại, khiến ta tiếc ngẩn ngơ và dằn vặt khổ sở vì đã gây ra những thiệt hại không sao cứu vãn được. Ta thấy nản lòng, chỉ vì cái sẩy mà để nầy cái ung, chỉ vì thiếu tỉnh táo trong một chuyện cỏn con mà đã vô tình giật sập cả một công cuộc. Đây là một thời điểm thử thách rất hệ trọng. Nếu ta mất bình tĩnh, quỷ dữ sẽ bôi đen hết mọi sự để ta thêm hoảng hốt, thất vọng và hành động lung tung. Ta mong sửa chữa lại lầm lỗi của mình nhưng thay vì sửa chữa, những hành động hấp tấp này càng gây thêm nhiều vấn đề rắc rối khiến tình thế càng trở nên xấu hơn. Ngược lại, nếu bình tĩnh một chút, ta sẽ nhận ra rằng, dù sai lỗi ấy có nặng nề đến đâu, nếu ta biết tin tưởng phó thác tất cả trong tay Chúa thì vẫn không có gì bế tắc, mọi chuyện vẫn có lối thoát. Cứ tạ ơn theo hơi thở, đến với Chúa bằng tất cả cõi lòng rồi sẽ được bình an và nhận ra được điều giản dị phải làm và những giá phải trả, trong bình an.

Cả vua Saul và vua Đavít đều đi qua kinh nghiệm này nhưng hai vị đã phản ứng khác nhau. Vua Saul không thành tâm nhận lỗi, ông đòi giữ thế chủ động, muốn tự mình tìm cách vớt vát cho bằng được, nên chi đã gặt hái kết quả thật bi thảm. Còn vua Đavít thú nhận sự sai lỗi, ông trở nên thụ động, phó mình vào tay Chúa ngay, cho nên Chúa lại tạo cho ông những vận hội mới. Nhờ sự chín chắn về tâm linh, ông mau mắn đón nhận bài học từ sự thất bại. Ông can đảm xác nhận sự thất bại của mình để tạo điều kiện cho Thiên Chúa thành công.

Tóm lại, những thử thách này chính là trường học dạy ta khiêm nhường và phó thác chính mình trong tay Thiên Chúa. Sau khi đã học yêu Chúa cách vô vụ lợi, ta phải vượt thêm cuộc thi lên cấp; cuộc thi của Phaolô trong 2Cor 12, 7-10. Đó cũng là cuộc thi gần cuối đời Gioan Tẩy giả: “Tôi phải suy giảm cho Ngài được tiến lên” (Gio 3, 30).

Chúng ta thất bại, phải, nhưng cần nuốt lấy nó cho Chúa Cứu Thế được thành công. Ta phải trở nên trẻ nhỏ để Ngài dắt ta đi: “Khi ngươi còn trẻ, ngươi tự thắt lưng mình và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, ngươi sẽ giang tay ra để người khác thắt lưng cho và lôi đi nơi ngươi không muốn” (Gio 21, 18). Đó là điều kiện để vào nước trời: “Ai không đón nhận lấy nước trời như một trẻ nhỏ thì không được vào trong đó″ (Mt 18, 3).

Cuộc khủng hoảng thứ tư: bị bỏ rơi
Chúng ta đã theo dõi tiến trình tình yêu của con người. Trong tình yêu hôn nhân của đời thường, qua các lứa tuổi, người ta gặp những khó khăn khác nhau. Trong cuộc sống tâm linh, trên đường yêu mến Chúa chúng ta cũng gặp những khó khăn tương tự. Không những theo tuổi tự nhiên, đôi khi có thể sớm hơn hoặc muộn hơn so với tuổi tự nhiên của con người.

Thánh Têrêsa chết lúc 24 tuổi nhưng đã là một con người rất già dặn trong yêu thương. Ngược lại, có người đã cao niên mà vẫn còn đang loay hoay với những bước khởi đầu. Vì thế khi nói cuộc khủng hoảng thứ tư ở cuối đời người, chúng ta cũng phải hiểu rằng có thể xảy ra ngay lúc ta còn trẻ.

Quan sát những cụ già chung quanh ta, nhiều cụ làm suốt ngày không nghỉ tay. Dù con cái có phiền trách, cụ vẫn làm không nghỉ, vì cụ nghĩ rằng không làm gì thì vào bàn ăn sẽ tủi lắm, mình không còn giúp gì cho ai, chỉ báo hại thôi. Các cụ buồn tủi vì thấy mình bị mất hết uy quyền.

Trong tình cảnh già yếu và không còn được trao những trách nhiệm quan trọng trong gia đình hay trong công việc thường ngày, người già dễ có tâm trạng thấy mình như một cái vỏ chanh, người ta đã vắt hết nước và bây giờ đem bỏ. Các cụ thấy bị sỉ nhục, thấy mình thừa ra và vô dụng.

Cả trong quan hệ vợ chồng cũng vậy. Người này cảm thấy mình đã dâng hiến quá nhiều cho người kia, và giờ đây người kia không cần mình nữa. Điều đó khiến cho tình trạng của nhiều đôi vợ chồng rất đáng thương. Có những đau khổ kinh khủng: Người ta dằn vặt, đay nghiến, cắn xé nhau thay vì trở nên những đôi bạn già đầy yêu thương trìu mến và cảm thông.

Tâm trạng ấy có thể xẩy ra nơi những người già của chúng ta trong các dưỡng đường: Các linh mục và các tu sĩ già. Đôi khi chúng ta quá vô tình để cho các vị cảm thấy bị bỏ rơi. Hội thánh cần phải nỗ lực hơn nữa để an ủi các người già đã phục vụ suốt bao nhiêu năm. Về phần bản thân, chúng ta cần biết chuẩn bị để đón nhận những khó khăn loại này như thể đón nhận một cuộc thi cuối cùng, để mình được đi tới đỉnh cao nhất trong yêu thương.

Những khó khăn trong tuổi già, tuổi già của đời sống thường và tuổi già tâm linh, là một cuộc thi đầy ưu ái mà Chúa yêu thương dành cho chúng ta. Cuộc thi trước khi vào lãnh thưởng, cuộc thi cuối cùng. Chúng ta đừng để mình bắt hụt vào phút chót. Có lắm người lái xe đi khắp các nẻo đường quê hương đất nước, luôn luôn giật những thành tích làm hài lòng mọi người, không bao giờ gây tai nạn, nhưng khi đưa xe về đến nhà, cho xe vào garage lại gây tai nạn ngay trước cửa garage nhà mình.

Chính khi ta bị mọi người bỏ rơi, ta lại dễ thuộc về Chúa hơn bao giờ; chính khi ta thấy mình thừa ra và vô dụng đối với cuộc sống thường nhật, ta lại được ơn khiêm nhường như lời Chúa trong Lc 17, 10. Hiến dâng rồi tự thưa rằng: “Tôi là một đầy tớ vô dụng”. Nhiều lúc ta cũng cảm thấy mình bị bó buộc phải trở lại tình trạng trẻ con, không tự lo cho mình được mọi thứ mà phải nhờ đến kẻ khác, và đó là tình trạng thích hợp để được vào nước trời.

Như thánh nữ Têrêxa Hài Đồng, ta sẽ tập vui mừng khi thấy mình bị quên đi, bị coi là dư thừa và không quan trọng, bị xài xể và sai vặt như một đầy tớ. Ta sẽ tập đón nhận mà không tìm cách trả ơn, để buộc mình phải nhớ ơn mãi mãi, và hãy xin cho mình được ơn xác tín vào hiệu năng tông đồ của kinh nguyện. Có những lúc ta sẽ nằm bất động trên giường bệnh, cảm thấy mình chỉ làm phiền người khác thôi. Chính đó là dịp để ta xác tín rằng: Hy sinh và kinh nguyện đem lại một hiệu năng tông đồ còn hơn cả những ngày chúng ta xông pha hoạt động rất hăng hái.

ĐÊM TÂM LINH TRONG LỊCH SỬ HỘI THÁNH
Sau cùng, ta nên đối chiếu những khủng hoảng trên đây với những khủng hoảng trong lịch sử Hội Thánh. Nhờ đó, ta có thể được bình an hơn trước những khó khăn của chính mình cũng như của Hội Thánh. Đồng thời ta cũng thấy rõ chính ý muốn của Thiên Chúa đang hướng dẫn và dệt nên lịch sử đời ta cũng như lịch sử Hội Thánh.

Từ tuần trăng mật đến khủng hoảng thất bại
Hội Thánh đã lên đường như người thiếu nữ trong thơ Hàn Mặc Tử:
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.

Tiếp đến là tuần trăng mật:

Chúa dẫn tôi vào hầm rượu lạ,
Uống rồi, tôi chếnh choáng bước ra,
Không còn biết đất trời gì nữa,
Mất cả bầy chiên – mới đó mà!
Ở đó Chúa cho tôi lòng Chúa,
Ngài dạy tôi khoa học tuyệt vời.
Tôi cũng đã cho Ngài tất cả,
Nguyện xe tơ kết tóc một đời.
Thế đó, hồn tôi Ngài hớp mất,
Từ nay tôi chỉ phụng sự Ngài.
Chẳng chăn cừu, chẳng làm gì khác,
Chỉ còn nguyên một việc yêu thôi.
Nếu có ai đầu đường cuối phố
Thương hỏi sao chẳng thấy tôi kìa,
Làm ơn nhắn hộ rằng tôi lạc
Tôi mất tôi cho Chúa lượm về.
(Khúc Linh Ca, 26-29)

Thế nhưng rồi những cuộc khủng hoảng hay những đêm dày đã tuần tự xảy ra cho cuộc tình của Hội Thánh với Chúa của mình. Ba thế kỷ bách hại buổi đầu chẳng khác nào cơn khủng hoảng vỡ mộng (x. các thư 1Tx, 2Tx và 1Pr), đồng thời cũng có thể nói là nhịp thụ động thứ nhất. Tiếp đến, với sự hỗ trợ của thế quyền, Hội Thánh đã lao vào nhịp chủ động suốt nhiều thế kỷ.

Sau sự suy đồi ở các thế kỷ IX, X và XI có thể sánh với cơn khủng hoảng nhàm chán, những sự đua đòi theo tinh thần ngoại giáo ở thời Phục Hưng (thế kỷ XV và XVI) rồi phong trào Duy Tân đòi hợp lý hoá mặc khải theo khoa học và lý trí (ở thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX) đã kéo dài nhịp chủ động thêm nhiều thế kỷ.

Thế nhưng những sự kiện ấy cũng đồng thời tố cáo rằng Dân Chúa đã không dám nhìn nhận sự thất bại của mình và đã chạy theo những cuộc tình lẻ trớ trêu và rẻ tiền. Giờ đây, thiên niên kỷ mới dường như đã khởi sự một giai đoạn thụ động mới cho Hội Thánh. Hội Thánh đang được nếm cảm cái thất bại của mình ở mức thấm thía nhất. Những lời Chúa Giêsu báo trước đang nghiệm đúng từng chữ một: “Vì tội ác gia tăng nên lòng mến nơi nhiều người sẽ bị nguội mất” (Mt 24,12) và“Liệu chừng khi Con Người trở lại, Ngài còn thấy đức tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8). Dường như chúng ta đang chứng kiến một sự rơi theo gia tốc, càng lúc càng nhanh. Những xã hội trước đây theo Ki-tô-giáo đang gỡ bỏ dần các giá trị Ki-tô-giáo. Sự từ chối đức tin và luân lý Ki-tô-giáo đang được khẳng định cách công khai, thậm chí còn được ấn định thành luật pháp. Nhan nhản những sách báo, phim ảnh và các phương tiện truyền thông đại chúng được dùng để xuyên tạc Đức Kitô và bôi nhọ Hội Thánh Ngài. Có những vùng mênh mông đang bỏ đạo. Có những vùng khác rộng hơn từ trước chưa được biết Chúa Kitô thì nay được biết Ngài và Hội Thánh Ngài cách méo mó lệch lạc. Từ Mỹ, Philippines, Ireland và bao nhiêu nơi khác nữa Hội Thánh đang phải lên tiếng xin lỗi cộng đồng xã hội vì những gương xấu do các chức sắc của mình. Hội Thánh phải thú nhận sự thất bại ngay từ bên trong. Có lẽ đây chính là lúc toàn thể Dân Chúa đang tiến dần vào đêm đức tin.

Thế nhưng, liệu chừng chúng ta đã dám nhìn thẳng vào sự thật và để cho đêm đen giải thoát chúng ta khỏi chính mình, hay một lần nữa, chúng ta tìm cách chạy trốn thất bại bằng những thoả hiệp đáng thương? (x. 2Cr 12,7-10)

Đêm tâm linh của Dân Chúa
Đêm Dày quyển II sẽ cho thấy rằng sau những cảm nghiệm về thất bại, đêm tâm linh còn vùi lấp ta trong sỉ nhục đau thương. “Vì các ngươi, Danh Ta đã bị sỉ nhục giữa muôn dân.” (x. Gr 36,20) Nỗi sỉ nhục này vừa kéo xuống trên chính Chúa vừa kéo xuống trên số sót còn lại của Dân Thánh. Nỗi sỉ nhục này chính là dấu hiệu cụ thể của đêm đức tin. Nó đến với chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu cách âm thầm lặng lẽ khi người cha mà chị coi như hiện thân của Vua Trời bị mất trí. Nó đến với chúng ta cách ồn ào ầm ĩ khi người mẹ Hội Thánh là Bạn Trăm Năm Yêu Dấu của Đức Kitô đang bị phơi bày trước mặt thế gian như một người đàn bà lăng loàn trắc nết đáng bị ném đá.

Đêm buông dày không riêng trên tâm hồn bạn mà trên toàn thể số sót của Dân Thánh. Để làm gì? - Để chúng ta được chia sẻ những nỗi niềm riêng của Đức Lang Quân trong cuộc Thương Khó. “Các tông đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan dạ vui mừng vì thấy mình được coi là xứng đáng chịu sỉ nhục vì Danh Đức Giêsu” (Cv 5,41). Đây cũng là ơn ta xin trong Ngắm thứ ba mùa Thương của Kinh Mân Côi: Chúa Giêsu chịu đội mạo gai, ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.

Hiệp thông liên đới trách nhiệm, ta vui nhận thực tế những “con sâu làm rầu nồi canh” trong Hội Thánh, vui nhận tình cảnh “quít làm cam chịu”, “một người làm bậy cả họ mang nhơ”, trong tâm tình chia sẻ với Đức Kitô chịu lăng nhục, bị khạc nhổ vào mặt. Sống tâm tình ấy, ta sẽ có được sự khiêm nhường chân thành đối với mọi người.

Nếu có khi nào bạn cảm thấy ngao ngán nản lòng vì những gương xấu đầy dẫy trong Hội Thánh trên toàn cầu và ngay trong cộng đoàn bé nhỏ của bạn, hãy nhớ rằng chính Đức Kitô đã báo trước về tất cả những điều ấy (x. Mt 24, 24,9.11-13; Lc 18,8). Khi thấy đắng cay vì thất bại, hãy nhớ rằng chính Chúa đã chấp nhận thất bại trong việc chinh phục con người. Chính Chúa cũng đã từng thất bại đối với bạn và đối với tôi. Hãy chọn đứng về phía hạt giống đang mục nát (Ga 12,24), phía của hạt giống đã gieo và đang âm thầm mọc (Mc 4,26-29). Cũng như thân thể Chúa trong cuộc thương khó, Nhiệm Thể Chúa ngày nay cũng phải bầm dập về mọi mặt.

Những điều Chúa báo trước trong bài giảng về ngày thế mạt đang được thể hiện, và giữa những thử thách ấy, ta nghe vọng lại lời Ngài: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21,28).

Rồi cuối phiên toà lịch sử, Đức Giêsu sẽ “ngẩng mặt lên bảo mọi người: “Ai trong các người vô tội, cứ việc lấy đá mà ném trước đi!” Rồi Ngài lại cúi xuống mà viết trên đất” (Ga 8,7b-8) . Quả thật, mãi mãi chúng ta không hề xứng đáng, mãi mãi chúng ta chỉ là người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang được Ngài ban lời tha thứ (Ga 8,11) và được Ngài đổ máu ra rửa sạch (x. Ep 5,26), để rồi được trình diện trước nhan Ngài như Tân Nương trinh trắng đã trang điểm sẵn sàng (x. Ep 5,26-27; 2Cr 11,2; Kh 19,8). Thế nhưng từ đây tới đó, chúng ta còn phải đi qua kinh nghiệm sự vắng mặt của Thiên Chúa.

Người ẩn nơi nao, Hỡi người Yêu Dấu,
Mà bỏ em rên rỉ?
Như một con nai, Người trốn biệt,
Sau khi đã làm cho em bị thương,
Em chạy ra, gọi với theo Người, thì Người đã đi.
(Thánh Gioan Thánh Giá, Những Ca Khúc Tâm Linh, 1)

Và rồi hừng đông
Đêm có ba phần. Phần giữa tăm tối nhất và đàng nào nó cũng phải trôi qua rồi mới tới được phần thứ ba là lúc đêm chuyển dần sang hừng đông. “Đêm có ba phần nhưng tất cả chỉ là một đêm, bởi vì đêm này cũng gồm ba phần như đêm thường vậy. Phần thứ nhất, đêm giác quan, sánh được với phần trước nửa đêm, khi ta không còn bận tâm tới sự vật chung quanh. Phần thứ hai, đêm đức tin, sánh được với lúc nửa đêm, hoàn toàn tăm tối. Và phần thứ ba, tức là Thiên Chúa, giống như rạng đông, mà sau đó tiếp liền là ánh sáng ban ngày.” (1Lên 2,5).

Con đường đi qua đau thương và sỉ nhục Thiên Chúa đã chọn cho Đức Kitô và Hội Thánh Ngài là con đường tất yếu để sửa lại sự sai lầm do tội kiêu ngạo và không vâng phục của Ađam. Bước vào đời, Đức Kitô đã thưa: “Này con đây, con xin đến để làm theo ý Chúa” (Dt 10,7). Ngài đã hạ mình vâng phục cho đến nỗi chết trên thập giá (x. Pl 2,6-7). Trên đỉnh Gôngôtha, đêm đen đã phủ kín đất trời khi Ngài thốt lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”(Mt 27,46). Cần phải đạt tới giây phút nửa đêm mịt mù ấy của đức tin để cho mọi sự được hoàn tất (x. Ga 19,30), để rồi tất cả chuyển sang bình an của hừng đông: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” (Lc 23,46).

Sau khi từ cõi chết sống lại, Ngài sẽ nhắc cho các môn đệ nhớ Ngài đã báo trước với họ rằng mọi điều Thánh Kinh ghi chép về Ngài phải được ứng nghiệm, ý muốn của Thiên Chúa phải được nên trọn nơi Ngài (x. Lc 24,44). Theo bước Đức Phu Quân, Hội Thánh sẽ là “những người đã đến sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao, đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu của Con Chiên” (Kh 7,14). Mọi dấu vết đàng điếm sẽ bị quét sạch (Kh 17,1-18), để Hội Thánh thực sự trở thành “Tân Nương, Hiền Thê của Con Chiên” (Kh 21,9).

Như thế, dù con người đón nhận hay chối từ, ý định ngàn đời của Thiên Chúa vẫn cứ được thực hiện, cho mỗi người cũng như cho toàn thể Hội Thánh và nhân loại. “Đừng niêm phong những sấm ngôn trong sách này, vì thời giờ đã gần đến. Kẻ gian ác cứ làm điều gian ác nữa đi, kẻ ô uế cứ ra ô uế nữa đi, người công chính cứ hành động công chính nữa đi, và người thánh thiện cứ sống thánh thiện nữa đi!”. “Đây, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến, và Ta đem theo lương bổng để trả cho mỗi người tuỳ theo việc mình làm. Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng. Phúc thay những kẻ giặt sạch áo mình, để được quyền hưởng dùng cây Sự Sống!” (Kh 22,10-14).

Qui Nhơn, lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 2010
Linh mục Trăng Thập Tự
Nguồn Dũng Lạc

Monday, May 24, 2010

GP Vinh nổi sóng: 5.000 giáo dân Hạt Cầu Rầm phản đối việc cướp đất nhà thờ bán cho tư nhân

Sáng 23/5/2010, ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, tại Hạt Cầu Rầm giáo dân các giáo xứ Cầu Rầm, Yên Đại, Kẻ Gai đã tập trung về khu đất của Nhà thờ Cầu Rầm để phản đối việc nhà cầm quyền CSVN tỉnh Nghệ An rắp tâm cướp chiếm khu đất này bán cho Công ty Trường Giang (Sài Gòn). Công ty này đã khởi công xây dựng khu cao ốc để bán chia chác khối tài sản bao đời nay của giáo dân Hạt Cầu Rầm.

Nhà thờ Cầu Rầm trước đây tọa lạc tại khu Cửa Nam Thành phố Vinh, là một khu đất rất rộng rãi, thoáng mát gần hồ nước. Khuôn viên gồm nhà thờ với đầy đủ các công trình phụ trợ của một Giáo hạt lâu đời. Nhà thờ Cầu Rầm vốn nổi tiếng là một công trình kiến trúc được người dân Xứ Nghệ tự hào về vẻ đồ sộ và kiến trúc đẹp của Thành Phố Vinh, một tỉnh miền Trung Việt Nam.

Những năm chiến tranh, cả Thành phố Vinh cũng như khu vực miền trung là khu vực bom đạn ác liệt nhất, lại gần các trọng điểm đánh phá như phà Bến Thủy, tuyến đường huyết mạch vào Nam, vì vậy nhà thờ cũng đã bị bom đạn triệt hạ.

Những tưởng rằng, nhân dân Nghệ Tĩnh với một lượng người công giáo đông đảo đã không quản ngại con người, tài sản… tất cả đều “theo đảng lên đường ra trận” để thống nhất đất nước. Và sau khi hết chiến tranh sẽ được “Xây dựng hơn mười ngày nay” và “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời Hồ Chí Minh đã hứa trước cả dân tộc khi động viên họ đổ máu cho chiến tranh.

Nhưng không, sau chiến tranh, đảng và nhà nước đã dùng chiêu bài mà sau này họ lại tiếp tục dùng cho Tam Tòa là biến khu Nhà Thờ, nhà xứ… Cầu Rầm thành “Khu di tích tội ác Đế quốc Mỹ”(?).

Không những lời hứa của Hồ Chí Minh trước dân tộc đã theo gió bay đi, ngược lại để làm con đường lên quê Hồ Chí Minh, chính quyền Nghệ An đã ngang nhiên cướp đất nhà thờ làm một con đường cắt qua giữa nhà thờ Cầu Rầm. Phần còn lại để giành làm “Khu di tích tội ác Đế quốc Mỹ” khi giáo dân yêu cầu được tái thiết Nhà thờ và nhà xứ Cầu Rầm.

Vậy nhưng, khi đất đai trở nên có giá, khu đất thoáng mát, đẹp đẽ đó của nhà thờ Cầu Rầm trở thành miếng đất vàng, luôn là miếng mồi ngon mà quan chức Nghệ An ngày đêm thèm muốn.

Vì vậy, mới đây họ bất chấp tất cả những nguyện vọng giáo dân, đạo lý làm người và cũng chẳng cần “Di tích tội ác Đế quốc Mỹ”, họ dần biến nơi đây thành công viên, rồi dần dần bán cho tư nhân để chia chác.

Một Công ty của Sài Gòn là Công ty Cổ phần Trường Giang, đã được mời chào để làm “Dự án xây dựng khu cao ốc” và chính quyền Nghệ An đã dấm dúi bật đèn xanh cho công ty của tư nhân này vào phá hoại nền móng dưới sâu của Nhà thờ, nhà xứ Cầu Rầm để thi công.

Sau khi có đơn từ, khiếu nại nhiều năm không được giải quyết mà công ty này vẫn cứ tiếp tục thi công, ngày hôm nay, 23/5/2010, hồi 8h30 khoảng 5.000 giáo dân Hạt Cầu Rầm đã cùng nhau về khu đất Nhà Thờ để phản đối Công ty Trường Giang thi công trên đất của họ, đồng thời phản đối chính sách cướp chiếm của chính quyền Nghệ An.

Các giáo dân đã giương cờ, biểu ngữ để nói lên ý nguyện của họ quyết tâm bảo vệ tài sản đất đai cha ông họ đã đổ mồ hôi, xương máu mới có được, cũng như những con em họ đã đổi mạng sống của mình để có ngày hôm nay thì tài sản của họ lại bị chiếm cướp.

Theo giáo dân cho biết, cho đến nay, giáo dân Hạt Cầu Rầm chưa bao giờ bán, tặng hoặc cho, đổi tài sản đất đai này cho bất cứ ai, nên mọi sự xâm phạm vào tài sản này đều là bất hợp pháp và bất hợp hiến. Bởi vì Hiến pháp và pháp luật từ xưa đến nay luôn ghi rõ là đất đai thờ tự được pháp luật bảo hộ và bảo vệ.

Hiện nay, tình hình đang căng thẳng và chắc sẽ có nhiều diễn biến tiếp theo.

Giáo dân Giáo phận Vinh và Hạt Cầu Rầm hi vọng rằng: Giáo phận Vinh mới có một Giám mục được bổ nhiệm kế vị Đức Cha cao niên can trường Cao Đình Thuyên, vị tân Giám mục này sẽ có những hành động mạnh mẽ để ủng hộ giáo dân và bảo vệ tài sản giáo hội theo đúng chức năng mục tử của mình.

Nữ Vương Công Lý sẽ cập nhật các thông tin về vụ việc này.

Một số hình ảnh sáng ngày 23/5/2010 của giáo dân Hạt Cầu Rầm trước khu đất đai, tài sản nhà thờ Cầu Rầm:
Bản đồ khu đất Nhà thờ Cầu Rầm đã bị chiếm cướp, con đường lên quê Hồ Chí Minh mới được làm qua khu nhà thờ
Báo biên phòng nói đến Nhà thờ Cầu Rầm tại Vinh có từ trước 1945
Khu đất Nhà thờ Cầu Rầm lấy làm "Di tích tội ác Đế quốc Mỹ" rồi dần dần biến tướng thành công viên
Rồi từ công viên, đất Nhà thờ Cầu Rầm được bán cho công ty tư nhân để chia chác
Và nay thì đã rõ: Di tích tội ác cũng không cần bằng tiền bỏ túi quan tham
Nhưng giáo dân xứ Nghệ thì không bao giờ chấp nhận điều này
Họ đã sôi sục xuống đường để đòi lại tài sản của cha ông họ đã đổ máu xương mà có
Và họ ý thức được rằng: trên sách vở, thì Hiến pháp và pháp luật bảo vệ họ
Họ có nghĩa vụ và quyền lợi đòi lại tài sản của mình bị chiếm đoạt bất công và trái pháp luật, phi đạo đức
Họ cũng rất nhã nhặn nói với những kẻ đã bỏ tiền ra chạy chọt mua bán khu đất này từ quan tham

Nữ Vương Công Lý
LAST UPDATED ( SUNDAY, 23 MAY 2010 20:17 )

Điểm son và vết nhơ

Nguyễn Trãi với bài Bình Ngô đại cáo và câu nói bất hủ:
"Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phân định tại Thiên thư
",

đã ghi một điểm son chói lọi vào lịch sử Việt Nam. Còn Lê Chiêu Thống với thân phận bù nhìn, bán rẻ nước nhà cho triều đình Trung quốc, đã bôi lên mình một vết nhơ tồi tệ muôn đời không thể xoá. Hai nhân vật đó với hai hành động khác nhau, đã tô son cho mình và cũng trát tro trấu lên mặt mình nữa. Đó là chuyện xưa, dấu vết không thể phai nhoà trong lịch sử.

Còn chuyện nay, trong lịch sử Giáo hội Việt Nam cũng có điểm son hay vết nhơ. Điểm son là khi những ai nắm quyền cao chức trọng trong Giáo hội mà giữ đúng cương vị của mình với tư cách là những mục tử chân chính, tận tình lo cho đàn chiên. Còn vết nhơ là khi đi ngược lại những điều thánh Âu-tinh nói liên tiếp qua các bài giảng về các mục tử, có ghi lại trong sách Bài đọc Kinh sách Chúa nhật XXIV và XXV Mùa Thường Niên. Đây là những bài nói về các mục tử, mục tử chân chính và mục tử giả hiệu.

Nhìn vào những bài đọc này, người ta thấy ngay ai là chân chính, ai là giả hiệu, theo chân dung Đức Giê-su dã phác hoạ trong bài Tin Mừng Chúa nhật IV Mùa Phục sinh năm C. Mục tử giả hiệu chuốc lấy vết nhơ cho mình và gây nhức nhối cho đàn chiên.

Dư luận gần đây xôn xao nhiều về một số các vị mục tử ở cấp cao trong Giáo hội tại Việt Nam. Người ta buồn phiền, bực bội, chán nản, không còn tin tưởng gì ở khả năng, đức độ của những vị ấy nữa. Thậm chí có người, vì những lý do đó, đã muốn bỏ Công giáo sang Tin lành Chỉ cần đọc các bài trên mạng của những người như Nguyễn Phúc Lịên, Đỗ Mạnh Tri, Trần An Bài, J.B Nguyễn Hữu Vinh, Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, Alf. Hoàng Gia Bảo v.v… cũng đủ rõ sự ngao ngán, thất vọng, bực bội về cách hành xử trong việc bổ nhiệm ĐC Phê-rô Nguyễn văn Nhơn, Giám mục Đà Lạt, đương kim Chủ Tịch HĐGMVN ra Hà Nội làm Phó TGM với quyền kế vị, lên cao tới mức độ nào.

Cả Vatican lẫn HĐGMVN đều bị thành vấn đề.

Nay sự việc đã rồi, khó còn cách nào khác để cứu vãn tình thế nữa. Có chăng chỉ còn cách này như nhiều người nghĩ và đề nghị là ĐC Nhơn từ chức. Tình hình và thái độ của giáo dân khắp nơi, cách riêng tai TGP Hà Nội không thụận lợi gì cho ĐC Nhơn. Người ta sẽ lạnh nhạt, bất tín nhiệm, dù bên ngoài xem ra như vẫn thuận phục.

Ngược lại, dư luận trong nước cũng như ngoài nước sẽ cảm phục, nếu ĐC Nhơn từ chức. Làm như vậy, ĐC sẽ cứu vãn được danh dự cho mình, không bị mang tiếng là ham quyền cố vị. Hẳn ĐC biết kiến nghị của giáo dân trong nước cũng như ngoàì nước gửi ĐTC Biển Đức XVI, sau 12 tiếng đồng hồ, khi tin bổ nhiệm được chính thức công bố cũng như làn sóng phản đối theo sau đó. Nhiều người cho rằng nếu nhận thì ĐC Nhơn sẽ lao mình vào một cuộc phiêu luu rất đỗi éo le. Có người đề nghị ĐC nên theo gương ĐC Stanislaw Wielgus từ chức Tổng Giám Mục, sau khi ĐC này biết mình bị tố cáo hợp tác với công an cộng sản.

Còn nếu ĐC bất chấp dư luận và sự phản đối của đông đảo giáo dân, tu sĩ và linh mục ở khắp nơi mà nhận thì e rằng ĐC sẽ bị lịch sử phê phán và chuốc lấy cho mình một vết nhơ. Vết nhơ đó là thoả hiệp với một chế độ đã gây ra biết bao oan trái cho quê hương và đồng bào. Từ đây ĐC phải làm việc dưới quyền điều động của người ta, nếu ĐC muốn được yên thân và hưởng mọi sự dễ dàng.

Lm. Anrê Đỗ xuân Quế O.P
Nguồn: nuvuongcongly.net

Hãy tin vào Giáo Hội!

VietCatholic News (23 May 2010 18:03)
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống mời gọi chúng ta suy nghĩ về bản chất và sứ mạng của Hội Thánh, và nhắc nhở ta hãy yêu mến và tin tưởng Hội Thánh hơn.

1- Tôi tin Hội Thánh

Giáo Hội đã xuất hiện công khai trong ngày lễ Ngũ Tuần tại Giêrusalem khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ (x. Cv 2,1-13), và lập tức các ngài toả ra đường phố rao giảng về Chúa Giêsu Kitô chết và phục sinh … Thời của Giáo Hội đã khai mạc như thế, vào lúc mà các lời hứa và các sấm ngôn liên quan cách tỏ tường tới Đấng Bảo Trợ, tới Thần Khí ban sự sống và Thần Khí sự thật bắt đầu được thực hiện trên các Tông Đồ một cách mạnh mẽ và hiển nhiên. Đức Kitô là người sáng lập Giáo Hội, nhưng người ta cũng gọi Chúa Thánh Thần là Đấng đồng sáng lập Giáo Hội. Những gì Chúa Thánh Thần đã làm với Chúa Giêsu trong cuộc đời và sứ vụ của Ngài ở trần gian thì Người cũng sẽ làm tương tự như vậy với Giáo Hội lữ hành. Vì thế, rồi đây mỗi khi cùng nhau lấy những quyết định hệ trọng, các Tông Đồ thường tuyên bố: Thánh Thần và chúng tôi quyết định …

Cộng đoàn Giáo Hội sẽ lớn lên; những tổ chức cơ cấu ngày càng phức tạp hơn sẽ phải được thiết lập như bất cứ tập thể xã hội nào, nhưng Chúa Thánh Thần mãi mãi là linh hồn của Giáo Hội, sức mạnh của Giáo Hội. Giáo Hội không thể hoàn thành sứ mạng nếu không có Thần Khí của Chúa Cha, cũng đồng thời là Thần Khí của Chúa Kitô tác sinh và hướng dẫn. Không trung thành với Thần Khí, Giáo Hội (dù ở cấp nào) luôn có nguy cơ chỉ còn là một cơ chế xã hội tìm kiếm và hoạt động theo sự khôn ngoan và tiêu chuẩn trần thế, xa lìa Tin Mừng, như lịch sử Hội Thánh vẫn cho thấy.

Như thế, chúng ta là con cái Giáo Hội phải hiểu Giáo Hội cho đúng bản chất và sứ vụ riêng của Giáo Hội. Chúng ta phải TIN Giáo Hội như ta vẫn tuyên xưng trong kinh Tin Kính. Nếu Giáo Hội chỉ là một tổ chức xã hội, thì việc gì phải TIN? Ta tin Giáo Hội thánh thiện, công giáo và tông truyền. Thật là sai lầm những ai nói: chúng tôi tin Chúa Giêsu Kitô nhưng chúng tôi không tin Giáo Hội. Có đôi lúc người ta lìa bỏ Giáo Hội (hữu hình) để -như họ nói- trung thành với Chúa, với Tin Mừng. Nghĩ và hành động như thế thì đã hết là môn đệ Chúa Kitô rồi. Có những người chỉ muốn một Giáo Hội theo như ý họ: hoặc là một Giáo Hội tinh tuyền “vô tì tích” (như mai sau trên trời) hoặc một Giáo Hội đầy uy lực, hiệu năng với những phương tiện và đường hướng hoạt động như các tổ chức chính trị, xã hội khác. Đó không phải là Giáo Hội như Chúa Giêsu muốn.

Tôi không muốn biện minh cho những lỗi lầm của Giáo Hội, của các vị lãnh đạo Giáo Hội do những bất trung phản bội cố tình hay ngoan cố đối với Đấng Sáng Lập của mình. Giáo Hội là thánh thiện vì phát sinh từ Thiên Chúa và là Nhiệm Thể của Chúa Kitô, nhưng Giáo Hội cũng bao gồm những con người yếu đuối mỏng giòn tội lỗi, phải chiến đấu luôn để ngày càng nên hoàn thiện hơn, xứng đáng hơn trong tư cách làm con cái Cha trên trời và môn đệ Chúa Kitô. Vì thế Công đồng Vaticanô II đã nhắc lại một nguyên tắc xưa cũ: Ecclesia semper reformanda, nghĩa là Giáo Hội phải được canh tân đổi mới không ngừng.

2- Vài hậu quả

Tóm lại những điều trên đây muốn nhấn mạnh rằng Giáo Hội là một mầu nhiệm.

Trong một bài giảng gần đây, Đức cha Nguyễn Chí Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng nhắc nhở chúng ta không được quên chiều kích siêu việt, thần linh của Giáo Hội khi muốn nói về Giáo Hội hay đánh giá Giáo Hội. Không phải là một sự lưu ý không có lý do.

Tôi thấy thái độ của Đức nguyên TGM Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt trong tình hình nóng bỏng vừa qua thật đáng khâm phục. Ngài luôn nhìn vụ việc có liên quan đến mình một cách bình an tin tưởng trong tinh thần Giáo Hội, như một người con đích thực của Giáo Hội và như một chủ chăn đầy trách nhiệm; ngài tỏ ra “tự do” và “can đảm” khi lặp đi lặp lại rằng mình không hề bị áp lực mà chỉ muốn lợi ích của Hội Thánh mà thôi, cho dù biết rằng một tuyên bố như thế sẽ không hợp với chờ đợi của một số thành phần ủng hộ ngài. Và quả thực có những người không bằng lòng. Nếu người ta yêu mến ngài, thiết tưởng phải tin vào ngài, thay vì chỉ nhấn mạnh những điều đúng với ý mình và nghi ngờ những điều khác…

Nếu chúng ta yêu mến Giáo Hội và muốn điều tốt cho Giáo Hội, tưởng cũng phải tin vào Giáo Hội, vào Đức Thánh Cha, vào các giám mục chúng ta. Tại sao và nhân danh cái gì mà phê phán các ngài, bảo các ngài phải thế này không được thế kia, hoặc “chấm điểm” vị này “được” vị kia “không được”? Nên nghe theo các ngài là những đại diện Chúa Kitô hay nghe theo ai khác hoặc bám chắc vào ý kiến riêng mình, - đàng nào hợp lý hơn cho một người công giáo?

Đành rằng trong những vấn đề mới đây, các giám mục chúng ta đã có thể có những sai sót chi tiết nào đó nhưng không thể nói chủ trương chung là sai. Muốn tin vào Giáo Hội thì phải tin vào Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong Giáo Hội, và Người có thể -cùng với các giám mục- làm được những việc mà con người chúng ta nghĩ là không thể và với những phương cách mà ta coi là không thích hợp. Chúa là Chúa, ta chỉ là ta. Hãy uốn nắn tư tưởng của ta theo tư tưởng của Chúa, không phải tìm cách làm ngược lại! Lịch sử Giáo Hội buổi đầu mà Phụng vụ cho ta nghe lại trong suốt mùa Phục Sinh nhắc bảo ta như thế.

Xét cho cùng, những khác biệt và có khi đối nghịch giữa một bên là Toà Thánh và HĐGM Việt Nam và bên kia là một nhóm nào đó trong thời gian qua đã phát sinh do mỗi bên đứng vào một quan điểm: quan điểm đức tin và giáo hội và quan điểm trần tục nặng tính ý thức hệ.

(Lễ Hiện Xuống 2010)
Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM

Sunday, May 23, 2010

IN FLESH - IN SPIRIT

A man was dressed up ready to go to work. Before leaving the house, he went into the kitchen to take a cup of coffee. As he was walking toward the breakfast table, his 6 years old son, still half asleep, ran in to him. The hot coffee spilled out all over his shirt and pants. He jelled and cursed at his son for being careless. He blamed his wife for not watching the boy. Angrily, he went back to his room, changed his clothes. He slammed the door as he walked out to his car and drove off to work in his madness.

Not wanting to be late for work, so he was driving fast. Suddenly police car came from behind flashing. He was given a ticket for speeding.

He showed up late at work and realized that he had left his suitcase at home.

His boss was not happy with him because he was late and had missed an important meeting at the office. His whole day was ruined.

At home, his wife resented him for his upset and for the way he reacted to his son. She had to deal with the boy’s crying and hurt feelings. He refused to finish his breakfast and did not want to go to school.

What would happen if the father had chosen to react to his son differently?

For example, he could be calmly saying “Son, be careful and watch before you turn and walk around here in the kitchen. I don’t want you and me or anyone in this house to get burned and hurt around here. Now what can I get for you? Do you want milk or orange juice? Please be careful and watch your steps. Then he calmly walked up to his room to change and go to work.

Which response is more in the Spirit? The second one! Right, it is the second one.

The first response was the reaction in the flesh!

The second response was the reaction in the Spirit. It gives us a sense of goodness, peaceful, forgiving and loving. We have many opportunities in daily life to respond in the spirit or in the flesh. We often blame others for our bad attitude or behaviours.

He made me angry.
She hit me first.
He was lying to me.
She cheated on me.
He made me do it.
She told me to take it etc...

Pentecost

Today the Church celebrates the feast of the Pentecost. This is not just a celebration of the old Pentecost recorded in the Acts of the Apostles. The feast of the Pentecost is not just a ‘relic’ of the Church in the past. We read the stories of the first Pentecost in order to be aware of the power of God acting in the Church today. God continues to work in the Church. Jesus promised to be with the Church through the Holy Spirit till the end of time. So each time we celebrate this feast, we invoke the coming of the Holy Spirit upon us. We ask God to send his Holy Spirit to renew us and renew the face of the earth. This is reflected in the prayers of the Church on this day:

God our Father, let the Spirit you sent on your Church to begin the teaching of the gospel continue to work in the world through the hearts of all who believe.

Or, “Father of light, from whom every good gift comes, send your Spirit into our lives with the power of a mighty wind, and by the flame of your wisdom open the horizons of our minds. Loosen our tongues to sing your praise in words beyond the power of speech, for without your spirit man could never raise his voice in words of peace or announce the truth that Jesus is Lord.

The Disciples

The readings today show us a church that is with the Holy Spirit. The disciples were all together in the upper room waiting. And suddenly the room is filled with the sound of a wind. They couldn’t tell where it was coming from; they could only hear it. They were wondering what’s going on, then suddenly the Holy Spirit spread through their ranks and they started speaking in different languages. They couldn’t understand each other but those who were staying in Jerusalem for the feast heard them speaking in their own native tongues. They understood them. Some supposed they were drunk, but Peter quickly put an end to that line of thinking with a powerful speech which he made. He clearly explains the Gospel to these people and boldly declares the good news about Jesus Christ. These apostles, who previously had not had the courage to even stand up with Jesus when he was being persecuted, were suddenly changing the world. Peter who had denied that he had even known Jesus was now preaching to the multitudes.

What happened? What caused such a significant change?

Indications

A person who is in the Spirit is making himself available to serve. The disciples were making themselves available for God to use them. They experienced life-changing attitudes and behaviours. If we are in the Spirit of God, we also make ourselves ready and available to God. If we are in the Spirit, our hearts, our minds, and our actions will also be guided by the Spirit in our services.

Last Thursday, I was invited out to lunch with two parishioners, Dr. Dan Stuckey and Tom Allum, the two leaders in our parish’s ministry for life. We also met with a young lady Dorothy Richardson, a 21 years old assistant of the Go Mobile for Life project. She introduced us into their mission to start a Mobile Crisis Pregnancy Center, providing free pregnancy tests . . . free ultrasounds for abortion-minded women entering the new $26 million Planned Parenthood abortion Center on the Gulf Freeway. This new abortion clinic is located right across the Catholic Charismatic Center near downtown Houston. Last Friday, I felt sad when I read the Houston Chronicle and saw the picture of the new Mayor of Houston, joined the officials of the Planned Parenthood to cut the ribbon for the opening of this abortion clinic. I felt more committed to have St. Bartholomew joining the Houston Coalition for Life as one of the first 40 Churches in Houston, to gather to pray and show our support for life at this new Abortion Center. I believe that we are inspired by the Spirit of the Lord to do this. We want to bring the Spirit of God there to awaken those who will enter into that clinic. We want to invite them to change from living according to the flesh into living according to the Spirit of the Lord.

A person who lives in the Spirit of the Lord will be able to communicate to people from different cultures and speaks in different languages. Living in the Spirit of God, the English speaking should be able to communicate, understand, relate and accept the Spanish speaking people. And the Spanish speaking people should be able to understand, relate and accept the English speaking people. People of different ministries would be able to work together, respect, love and support and appreciate one another.

The Perpetual Adoration people should be able to understand and relate to the Bingo Players on Friday nights. The Happy Hearts should be able to understand and relate to the CCE Students. The young should be able to relate to the elderly. The Prayer Group should be able to communicate and relate to the poor who come to St. Vincent de Paul’s Social Services for assistance, and not be afraid of their presence. Having peace, love, unity are indications that we are living in the Spirit of the Lord.

Taking the Time to Care

Douglas Maurer, 15, of Creve Coeur, Missouri, had been feeling bad for several days. Mrs. Maurer took Douglas to the hospital in St. Louis where he was diagnosed as having leukaemia.

The doctors told him in frank terms about his disease. They said that for the next three years, he would have to undergo chemotherapy. They didn’t sugar-coat the side effects. They told Douglas he would go bald and that his body would most likely bloat. Upon learning this, he went into a deep depression.

His aunt called a floral shop to send Douglas an arrangement of flowers. She told the clerk that it was for her teenage nephew who had leukaemia. When the flowers arrived at the hospital, they were beautiful. Douglas read the card from his aunt without emotion. Then he noticed a second card. It said: "Douglas - I took your order. I work at Brix Florist. I had leukaemia when I was seven years old. I’m 22 years old now. Good Luck. My heart goes out to you. Sincerely, Laura Bradley."

His face lit up. "Oh wow!" he said.

Rev. John Kha Tran
Source: http://www.nguoitinhuu.com/phungvu/baigiang/NamC/hienxuongtk.html

Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Tại Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội

Hà Nội, 23/5/2010, vào lúc 9h tại nhà thờ Chính Tòa Hà Nội, Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã chủ sự Thánh Lễ mừng ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trên các Tông Đồ. Đồng tế với ngài có Đức Giám Mục Phụ Tá Lôrenxô và các linh mục trong hạt Chính Tòa, chủng sinh, nam nữ tu sỹ và đông đảo anh chị em giáo dân.

Mở đầu Thánh Lễ, Đức TGM Phêrô đã chia sẻ với cộng đoàn bức điện thư vừa nhận được từ Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, nguyên TGM Tổng Giáo Phận Hà Nội. Ngài cho biết: Đức TGM Giuse hiện đang sống bình an trong một tu viện thoáng mát và yên tĩnh. Ngài luôn cầu nguyện cho TGP Hà Nội giữ được ơn hiệp nhất, bình an, và phát triển. Trong niềm tri ân và yêu mến Đức TGM Giuse, Đức TGM Phêrô đã mời gọi cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện cho Đức TGM Giuse luôn được bình an và mạnh khỏe. Đồng thời, ngài mời gọi cộng đoàn hướng về Chúa Thánh Thần trong ngày đại lễ hôm nay.

Chia sẻ trong Thánh Lễ, Đức TGM Phêrô nhấn mạnh: Chính Chúa Thánh Thần quy tụ chúng ta nên một Hội Thánh duy nhất. Mặc dù Hội Thánh có từ nhiều thành phần, từ nhiều tiếng nói, từ nhiều chức năng, từ nhiều ngôn ngữ, và nhiều ý kiến khác nhau nhưng Chúa Thánh Thần dần dần quy tụ chúng ta, làm cho chúng ta nên một Hội Thánh duy nhất, một thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô. Và ngài mời gọi: trong sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy tiếp tục ra đi rao giảng Tin Mừng về Chúa Kitô cho toàn thể nhân loại, để mọi người được nên một trong Chúa Kitô.

Kết thúc Thánh Lễ, Đức TGM Phêrô đã nhiều lần chúc lành trên giáo dân trong niềm vui của ngài đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.


Nguồn: http://tgphanoi.org/

Friday, May 21, 2010

Chạnh lòng thương

VietCatholic News (19 May 2010 20:16)

“Chạnh Lòng Thương” là khẩu hiệu Giám Mục của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt. Chạnh Lòng Thương đã đổi đời của một con người. Tình yêu chạnh lòng đã làm nên một cuộc đời hiến dâng cao cả. Chúa đã quan phòng mọi sự cách lạ lùng. Chúa ban cho, rồi Chúa lại lấy đi. Điều quan trọng nhất là làm theo thánh ý Chúa trong mọi sự, mọi nơi và mọi lúc.

Sách Giảng Viên đã nói:

Ở dưới bầu trời này,
mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời:
một thời để chào đời, một thời để lìa thế;
một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây;
một thời để giết chết, một thời để chữa lành;
một thời để phá đổ, một thời để xây dựng;
một thời để khóc lóc, một thời để vui cười;
một thời để than van, một thời để múa nhảy;
một thời để xé rách, một thời để vá khâu;
một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng;
một thời để yêu thương, một thời để thù ghét;
một thời để gây chiến, một thời để làm hoà
(Giảng Viên 3:1-4, 7-8).

Con xin chia sẻ một vài suy tư về biến cố Đức Cựu TGM Ngô Quang Kiệt xin từ nhiệm. Tin hành lang về sự ra đi của ngài đã có từ lâu. Nhưng niềm hy vọng giữ ngài ở lại vẫn khơi dậy trong lòng yêu thương và qúy mến của nhiều người. Cuối cùng cái gì đến đã đến. Qua sự sắp xếp êm đẹp và hài hòa của Giáo Hội và của chính Đức Cựu Tổng Giuse, sự từ nhiệm ra đi đã để lại nhiều luyến nhớ trong lòng người.

Khi tôi vào mạng lưới để tìm hiểu về đời sống mục vụ và họat động của Đức Giám Mục Ngô Quang Kiệt, kết quả mà các tác giả đã viết đến Tên của ngài là 2,620,057 lần. Có nghĩa là trên 2 triệu 600 ngàn lần và không biết có bao nhiêu bài đã viết và nói về ngài trên các báo chí khác. Trong khoảng thời gian từ năm 1999 đến 2010, các bài viết về Giám Mục Ngô Quang Kiệt không còn giới hạn trong khuôn khổ một địa phận hay một nước, mà đã lan trải cả trên thế giới. Không chỉ các bài viết bằng tiếng Việt, mà hầu hết các ngôn ngữ chính như tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Ba Lan, Đức, Nga,…Các bài đã đăng tải trên mạng lưới hoàn cầu nói về đời sống mục vụ, những thăng trầm, những đấu tranh cho công lý và họat động của Đức Giám Mục Ngô Quang Kiệt.

Qua các phương tiện truyền thông như phát thanh, báo chí, video, youtube, ở trong nước cũng như ở Hải Ngọai, không phải mọi việc làm của Giám Mục Ngô Quang Khải đều được phản ảnh tốt đẹp hay hoàn toàn được tán thưởng. Mở những trang mạng, chúng ta thấy có rất nhiều quan điểm khác nhau, rất nhiều những suy tư đồng thuận cũng như ngược chiều. Có những ủng hộ, khuyến khích, nâng đỡ và khen thưởng. Cũng không thiếu những lời dèm pha, kết án, mạt sát, chê bai và tẩy chay. Trong cuộc đấu tranh tư tưởng, thật ra chẳng ai thắng và cũng chẳng ai thua. Thua hay thắng, thành hay bại còn tùy thuộc vào cái Tâm. Hữu tâm hay vô tâm. Điều chính yếu là chúng ta xây dựng cuộc sống trên sự thật hay trong sự lừa đảo dối trá. Dù sao đi nữa, tên Giuse Ngô Quang Kiệt đã đi vào lịch sử. Nhưng con người và vai trò của ngài đã thay đổi. Đức Cựu TGM Giuse đã rời chức vụ và từ nhiệm. Dưới con mắt của nhiều người, có thể họ nghĩ rằng sự ra đi này là một thất bại hay một sự bỏ cuộc. Có nhiều người lại thất vọng, luyến tiếc hoặc thương tiếc cho số phận ngặt nghèo.

Nhìn lại những diễn tiến trong cuộc đời của ĐGM Ngô Quang Kiệt. Trong một thời gian ngắn, ngày 31 tháng 5, 1991, Thầy Ngô Quang Kiệt được thụ phong linh mục, thuộc Giáo Phận Long Xuyên, rồi làm Chánh Văn Phòng Tòa Giám Mục Long Xuyên.

Ngày 29 tháng 6, 1999, được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm là Giám Mục Chánh Tòa Cao Bằng Lạng Sơn và được thụ phong Giám mục tại Nhà Thờ Chánh Tòa Long Xuyên.

Ngày 26 tháng 4, 2003 Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt làm Giám Quản Tông Tòa Tổng Giáo Phận Hà Nội.

Ngày 19 tháng 2, 2005, Đức Thánh Cha JP II đã bổ nhiệm Đức Cha Ngô Quang Kiệt là Tổng Giám mục Giáo Phận Hà Nội. Ngày 19 tháng 3, ngày Lễ thánh Giuse quan thầy, nhậm chức Tổng Giám Mục Hà Nội.

Ngày 13 tháng 5, 2010, Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã từ nhiệm.

Tất cả là hồng ân: “Từ bụi tro, Chúa nâng con lên hàng khanh tướng”. Lời Xin Vâng đầu tiên đã trổ sinh bông trái. Vâng lời đến để phục vụ. Ngài từ Miền Nam xa xôi đồng ruộng Kiên Giang đến với Miền Cực Bắc Cao bằng Lạng Sơn, núi đồi trùng trùng điệp điệp. Đức Cha Giuse đã ghi dấu chân từ Nam ra Bắc. Chúa đã trao ban cho ngài nhiều trách vụ nặng nề. Rồi tiếp tục qua sự bổ nhiệm của bề trên, ngài đã về Thủ Đô, lãnh trên vai trọng trách nặng nề làmTổng Giám Mục Hà Nội. Chức cao quyền trọng trong Giáo Hội. Ngài đã hết lòng phục vụ đoàn chiên được trao phó. Ngài đã sống mãnh liệt trong yêu thương và phục vụ. Hết mình vì đoàn chiên. Với khẩu hiệu: “Chạnh lòng thương” đã nhuần nhuyễn trong máu huyết của ngài. Ngài đã sống khẩu hiệu của mình từng giây phút trong đời phục vụ. Đức Cựu Tổng Giuse đã đặt nền móng đức tin và hướng đi cho Tổng Giáo Phận. Tuy thời gian ngắn ngủi trong phục vụ nhưng ngài đã để lại dấu ấn trong trái tim mỗi người và sẽ không bị phai nhòa.

Xa gần rải rác trong nhiều trang mạng, tôi đọc những bài viết liên quan đến Đức Cựu Tổng Giuse. Tôi cố gắng theo dõi tình hình trong và ngoài Giáo Hội. Khi đọc bài phỏng vấn của Mặc Lâm, phóng viên RFA vào ngày 14 tháng 5, 2010, với Đức cha Nguyễn Chi Linh, Phó Chủ Tịch HĐGMVN, chúng ta nhìn ra vấn đề rất tế nhị là dường nào. Trong thời điểm này, có lẽ “im lặng là vàng”. Vì có suy diễn cách nào đi nữa, cũng khó thuyết phục được lòng người ngưỡng mộ sẵn có đối với Đức Cựu Tổng Giuse. Không lý do nào có thể đáp ứng những mong ước và lòng qúy mến mà anh chị em đã dành cho ngài.

Chúng ta biết rằng, cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Nguyên nhân xa hoặc gần. Nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp. Nguyên nhân đó đã ảnh hưởng không ít đến con người cả tinh thần, lẫn thể lý. Không những thế, khi làm việc cần có sự tương trợ đối ngoại và đối nội, cần có những môi trường thuận lợi, thì công việc mới thành công. Chúng ta nhớ rằng muốn đạt được kết qủa tốt, điều cần thiết phải có là: Thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Nếu thiếu một trong ba cột trụ trên, công việc sẽ bị trì hoãn và không mang lại kết qủa tốt.

Chúng ta cũng không chối từ những biến cố khó khăn và dồn dập xảy đến cho Đức Cựu Tổng Giuse. Theo dõi những diễn biến qua mạng lưới trong cũng như ngoài Giáo Hội đã xảy ra tại Giáo phận Hà Nội vào cuối năm 2007 và đầu năm 2008, khởi đầu từ thơ của Đức TGM Giuse gởi giáo dân Hà Nội xin cầu nguyện cho vấn đề sở hữu đất đai Tòa Khâm Sứ, lúc đầu chỉ là những nhóm nhỏ cầu nguyện, nhưng dần dần phạm vi lan rộng ra các giáo xứ và giáo phận. Và nhất là ngài đã nêu lên một hướng đi mới trong hoàn cảnh cuộc sống. Rồi có nhiều người cũng đã lợi dụng tình hình làm cho biến cố lan rộng và nóng bỏng. Tình hình thực sự càng lúc càng diễn biến căng thẳng hơn. Nói xa, nói gần, chúng ta biết Đức Cựu Tổng Giuse đã không thể tiếp tục công việc vì bị rất nhiều ảnh hưởng và sứ ép chung quanh. Về cá nhân của ngài, chúng ta biết ngài đã có ý định xin từ nhiệm từ lâu vì lý do sức khỏe. Lý do sức khỏe là chính đáng. Mỗi người tự biết được cái gì đang xảy ra trong thân xác của mình. Sức khỏe là vàng. Ai mà không muốn mạnh khỏe để sống và hoạt động tốt. Bệnh hoạn tật nguyền đâu loại trừ một ai. Có người được mạnh khỏe suốt đời, có người bị èo ọt ngay từ khi sinh ra. Mỗi người một chứng, một bệnh. Chúng ta không thể nói trước về bệnh họan đựợc. Người biết chính mình luôn là người khôn ngoan. Biết dừng chân đúng lúc.

Linh mục Peter Hoàng Omi đã nhắc nhở cộng đoàn giáo dân rằng “Người Công Giáo Việt Nam: Hãy bình tĩnh lại! Mấy hôm nay, sau sự từ chức và ra đi chữa bệnh của Đức Tổng Ngô Quang Kiệt, nguyên Tổng Giám Mục Giáo Phận Hà Nội, dường như có một “quả bom” vô hình làm nổ tung tâm trí của rất nhiều người Công Giáo Việt Nam, trong nước cũng như hải ngoại. Làm cho nhiều người hoang mang, nghi kỵ và ngay cả đả kích lẫn nhau.”

Linh mục Stephanô Hùynh Trụ đã cống hiến cho chúng ta một câu truyện cổ rất ý nghĩa. “Duật bạng tương tranh, ngư nhân đắc lợi.” Tô Đại kể: “Trên đường đến nước Triệu, đi qua Dịch Thuỷ, thần thấy một con trai mở hai vỏ ra, phơi nắng bên bờ sông. Một con cò đến mổ thịt con trai. Con trai liền dùng hết sức lực đóng vỏ lại, kẹp cứng mõ con cò. Cò nghĩ: “Không sao, hôm nay không mưa, mai không mưa, mi phải chết khô, giờ đó mới ăn thịt mi.” Con trai cũng không chịu thua, nó nghĩ: “Không sao, mõ mi hôm nay không rút ra được, mai không rút ra được, mi cũng chết, ai thắng ai bại còn chưa biết.” Con trai và cò không nhường nhau. Một ngư ông đi qua bắt được cả hai một cách dễ dàng.” Đức cha Phó chủ tịch HĐGMVN lên tiếng về sự kiện Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt từ chức. Đức cha Nguyễn Chí Linh phát biểu rằng: “Đức Tổng Kiệt luôn lập đi lập lại là người ta cứ hiểu lầm là mình bị sức ép để mà từ chức nhưng thật ra sức khỏe của ngài suy yếu cách nay đã lâu cho nên ngài đã làm đơn từ chức trước khi xảy ra vụ Tòa khâm sứ và vụ Thái Hà. Dư luận cứ cho đó là sức ép của phía nọ phía kia. Cách đây không lâu tôi đã trực tiếp hỏi Đức tổng Giuse nhiều lần, mãi đến mấy ngày vừa qua, chúng tôi rất ngạc nhiên không hiểu tại sao ngài lại từ chức vào lúc này. Ngài trả lời chỉ đơn giản là ngài không làm việc được. Mỗi lần nghĩ tới công việc thì đã bủn rủn tay chân. Cơ thể thì cứ ngày một suy nhược đi.”Trong lời từ biệt của Đức TGM Ngô Quang Kiệt, ngài viết rất chân tình: “Tôi thật có lỗi khiến anh chị em thất vọng khi nộp đơn xin từ nhiệm. Nhưng anh chị em hãy tin rằng tôi đã làm tất cả chỉ vị lợi ích của Giáo Hội, cụ thể là của Tổng Giáo Phận Hà Nội chúng ta”. Trong phần cuối của lá thơ từ biệt, ngài viết lời rất thân thương: “Trong tình yêu thương hợp nhất sẵn có, tôi tin chắc anh chị em sẽ yêu mến Đức cha Phêrô như đã yêu mến tôi và sẽ cộng tác với ngài như đã cộng tác với tôi. Ngài sẽ thay thế vị trí của tôi ở giữa cộng đoàn yêu thương của chúng ta, để mạch yêu thương không bao giờ đứt đọan.”

Đức cha Gioan B. Bùi Tuần đã viết trong bài Suy Niệm về Thánh Phaolô trong cuộc giã từ cộng đoàn rất sâu sắc. “Xin phó thác cho Chúa” (Cv 20,34) “Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến” (Cv 20,32). “Những lời tạ từ trên đây là một tuyên xưng đức tin đầy khiêm tốn, bình an và nhung nhớ khôn nguôi. Ra đi, nhưng hẹn sẽ gặp lại nhau trên cõi thiên đàng. Ra đi, mà vẫn lo cho nhau trong cuộc sống còn nhiều gian khổ. Giã từ trên đây của thánh Phaolô cũng đã và đang diễn lại nhiều nơi trong Hội Thánh khắp nơi. Người mục tử ra đi đã làm trọn sứ vụ của mình, ngay trong chính lúc giã từ. Đoàn chiên ở lại sẽ giữ mãi hình ảnh đẹp của mục tử, ngay trong chính lời từ giã.”

Bài Chia Sẻ Lễ Giỗ 20 Năm Đức Cố Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn vào ngày 19 tháng 5, 2010. Đức cha Đặng Đức Ngân đã chia sẻ rằng “Vào ngày 02 tháng 06 năm 1963, ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, tại Nhà thờ Chính tòa Hà-Nội; Đức Tổng Giám mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê đã chủ sự Tấn Phong Giám mục cho vị linh mục có 42 tuổi đời là Cha Giuse Maria Trịnh Văn Căn, với tước vị Tổng Giám Mục Phó Giáo phận Hà-Nội trong sự ngỡ ngàng của Dân Chúa vì không được thông báo trước.” Đức cha đã soi tỏ cho chúng ta rằng có những hoàn cảnh tạo sự ngỡ ngàng. Trong vòng vài tuần lễ vừa qua, đã có nhiều sự cố bất ngờ và sự thay đổi nhân sự quan trọng trong HĐGMVN.

Giây phút ngỡ ngàng đã qua và Tổng Giáo Phận Hà Nội đã vinh hạnh đón nhận Đức Tổng Giám Mục Phêrô. Ngày 19 tháng 5, cha Vincent Nguyễn Văn Xuyên, Tổng Đại Diện Giáo Phận Hà Nội, đã chúc mừng Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyến văn Nhơn: “Hôm nay, chúng con vinh dự chúc mừng Đức Cha đã được Chúa đặt lên chức vị cao cả là Tổng Giám Mục của TGP Thủ đô của nước Việt Nam thân thương này. Chúng con cùng đặt niềm tin tưởng nơi Đức Cha là hiện thân của Đức Kitô, thực thụ là người cha, người thầy và là người lãnh đạo chúng con.”

Nhìn vào lịch sử Cứu Độ, chúng ta nhận ra bàn tay quan phòng của Chúa trong mọi hoàn cảnh. Lời của Thánh Phaolô viết cho Cộng Đoàn Corintô, đã nhắn nhủ chúng ta: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể. Kẻ trồng người tưới đều như nhau, nhưng ai nấy sẽ được thù lao theo công khó của mình. Thật vậy, chúng tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên (1Cor 3:6-9).

Thay lời kết, Tổng Giáo Phận Hà Nội đã có Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn cai quản. Một sự chuyển giao quyền hành rất mau lẹ và hiệu qủa. Cả hai Đức Tổng phải hy sinh và vâng lời. Vâng lời trong phục vụ. Chúng ta cùng cầu nguyện cho cả hai Vị trong chức vụ của mình. Cầu cho Đức Cựu TGM Ngô Quang Kiệt được mau bình phục sức khỏe để phục vụ dân Chúa trong hoàn cảnh mới. Cầu nguyện cho Đức TGM Phêrô luôn can đẩm làm chứng nhân cho sự thật, tình yêu và công lý. Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng, gìn giữ và dìu dắt, để ngài luôn là mục tử tốt lành dám hy sinh cho đàn chiên. Xin Thiên Chúa chúc lành cho Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt cho mọi thành phần thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội trong Năm Thánh 2010 này.

Bronx, New York
LM Giuse Trần Việt Hùng

Nhận định về Giáo Hội Việt Nam trước thách đố mới

Với sự bùng nổ thông tin và phương tiện truyền thông, Giáo Hội Việt Nam đang đối diện với một hoàn cảnh mới, trong đó có nhiều thách đố mà có thể nói là chưa từng xảy ra trong quá khứ. Giáo Hội Việt Nam không thể chọn tư thế tự vệ, hay co cụm mình lại, nhưng phải khôn ngoan, tỉnh táo để đọc ra “những dấu chỉ thời đại” (x. Gaudium et Spes, s. 4), biết phân tích và tìm ra những phương thế mới, những hướng đi mới giúp Giáo Hội thực thi sứ mạng của mình cách hiệu quả hơn.

Vậy đâu là thách đố mà Giáo Hội Việt Nam đang phải đối diện trong thời gian gần đây? Bài viết này xin đề cập tới một số khuynh hướng nổi bật như “dấu chỉ thời đại” mà Giáo Hội Việt Nam đang phải đối diện.

Khuynh hướng “chính trị hóa” Giáo Hội

Chỉ cần vào các trang web điện tử Việt Nam, chúng ta dễ dàng nhận thấy nổi bật khuynh hướng chính trị hóa Giáo Hội và các vấn đề Giáo Hội qua các bài viết. Khuynh hướng này khởi đi từ chính kiến của mỗi người về Giáo Hội. Giáo Hội chỉ được nhìn bởi lăng kính chính trị. Nên Giáo Hội được coi như là một tổ chức chính trị như bao nhiêu tổ chức chính trị khác và có vai trò chính trị.

Khách quan mà nói: Giáo Hội là một tổ chức hữu hình, hiện diện trong một thế giới, một xã hội cụ thể. Giáo Hội không thể ở bên ngoài thế giới, tách rời khỏi xã hội. Giáo Hội không thể có thái độ khoanh tay vô cảm, bàng quan trước những vấn đề chính trị, xã hội và con người, nhất là những vấn đề về công lý, nhân quyền và tự do tôn giáo vv. Giáo Hội có sứ mạng đấu tranh, cổ võ cho những giá trị này theo tinh thần của Phúc Âm. Khi làm như thế Giáo Hội đang thi hành sứ mạng ngôn sứ mình.

Nhưng nếu chúng ta chỉ nhìn Giáo Hội theo khía cạnh chính trị, thì đó là cái nhìn rất giảm thiểu và một chiều về Giáo Hội. Chúng ta sẽ dễ rơi vào nguy cơ là muốn lôi kéo Giáo Hội về với “chính kiến” của mình, về “phe ta”; chúng ta muốn Giáo Hội phải phục vụ mục đích chính trị của “phe nhóm mình”; Giáo Hội phải đứng lên, nổi dậy, phải làm cách mạng giải phóng dân tộc vv... Nếu Giáo Hội không đáp ứng được nhu cầu đó, thì Giáo Hội bị coi là “quốc doanh”, là bị “cộng sản hóa” vvv…

Phải chăng làm như thế chúng ta chẳng khác gì những người Do Thái ngày xưa: muốn đưa Chúa lên làm vua, theo kiểu trần thế. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã thẳng thắn từ chối đi vào con đường đó khi Người “đã lánh mặt, đi lên núi một mình, vì biết dân chúng sắp đến bắt đem đi để tôn Người làm vua” (x. Ga 6:15) đó sao?

Là người Công Giáo ai cũng biết đến câu nói nổi tiếng của Chúa Giêsu trước Philatô: “Nước Tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18:36). Sau bao nhiêu thăng trầm lịch sử, Giáo Hội Công Giáo đã xác định vị trí và sứ mạng của mình đối với xã hội và thế giới. Quan điểm đó được đúc kết trong giáo huấn của Công Đồng Vaticano II: Giáo Hội không thuộc về một đảng phái chính trị nào. Giáo Hội hiện diện trong thế gian như là men, là muối, là ánh sáng cho thế gian nhưng không thuộc về thế gian (x. Hiến Chế Lumen gentium và Gaudium et Spes). Giáo lý của Giáo Hội đã nói rõ điều này như sau: “Do ủy nhiệm và chức năng, Giáo Hội không bị lẫn lộn bất cứ cách nào với một cộng đồng chính trị. Cho nên, Giáo Hội là dấu chỉ và là sự bảo vệ cho tính cách siêu việt của nhân vị con người. Giáo Hội tôn trọng và thăng tiến sự tự do chính trị và trách nhiệm của người công dân” (x. Giáo Lý Công Giáo, số 2245).

Ngỏ lời lời các giám mục Việt Nam trong dịp Ad Limina vào tháng 06 năm 2009, Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI đã nhắc lại lập trường của Giáo Hội: “Giáo Hội không đòi hỏi phải thay thế các nhà trách nhiệm của Chính Phủ, nhưng chỉ mong rằng Giáo Hội có thể, trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng nhau, góp phần xứng đáng vào sinh hoạt quốc gia, vào việc phục vụ tất cả người dân” (ĐGH Benedetto XVI, Discorso ai Vescovi Vietnamita ad limina 26/06/2009).

Nếu giảm thiểu Giáo Hội và hoạt động của Giáo Hội dưới theo lăng kính chính trị, thì chúng ta sẽ đánh mất chiều kích hiệp thông (communio) của Giáo Hội và lúc đó có nguy cơ chúng ta tự chia rẽ và cắn xé lẫn nhau.

Khuynh hướng “trần thế hóa” Giáo Hội

Song song với khuynh hướng chính trị hóa Giáo Hội, chúng ta nhận thấy khuynh hướng “trần thế hóa” (secularization) Giáo Hội. Phong trào trần thế hóa đã có từ lâu đời rồi ở Châu Âu, và đã phát triển mạnh nhất ở Nước Pháp trong những thế kỷ qua. Khuynh hướng này nhìn Giáo Hội dựa theo phương diện và tiêu chuẩn trần thế. Hay nói đúng hơn khuynh hướng này muốn “giải thiêng” Giáo Hội.

Với lăng kính duy trần thế hóa, người ta nhìn Giáo Hội theo những gì bên ngoài, hữu hình và khía cạnh trần thế của Giáo Hội, và đánh giá chúng dựa theo những tiêu chuẩn trần thế. Cái nhìn này có nguy cơ đánh mất chiều kích “mầu nhiệm” và “thần linh” của Giáo Hội.

Yves Congar, một nhà thần học gia nổi tiếng về giáo hội học của thế kỷ XX, đã nói rằng: “Giáo Hội một cách chắc chắn là đối tượng của đức tin. Chúng ta thấy tất cả những gì Giáo Hội làm với chất liệu của thế giới này. Điều này cả những người không tin, những nhà xã hội học và các chính trị gia cũng thấy điều đó. Nhưng chúng ta còn tin rằng Chúa hoạt động trong Giáo Hội theo kế hoạch ân sủng của Người. Và đây, Giáo Hội … vừa là thực tại trần thế, được giao phó cho lịch sử, vừa là công trình của Thiên Chúa, là “mầu nhiệm” mà chỉ có đức tin mới nhận biết”1.

Nếu chỉ dừng lại ở những gì chúng ta “thấy” Giáo Hội với những gì bên ngoài, dựa trên những khía cạnh trần thế, thì chưa đủ, vì rất phiến diện, cần phải “tin” vào Giáo Hội. Tin vào sự hiện diện của Chúa Kitô, tin vào sự hoạt động và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội, qua Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, các linh mục và mọi thành phần dân Chúa. Đó là thái độ của đức tin. Người Công Giáo được mời gọi thể hiện niềm tin đó qua thái độ và phản ứng của mình trước những vấn đề của Giáo Hội hiện nay. Giữa bao tiếng nói ồn ào, chúng ta chọn lắng nghe tiếng nói của Giáo Hội. Giữa bao sự nhiễu nhương, chúng ta chọn đứng về phía Giáo Hội. Giữa bao thái độ tiêu cực, chúng ta chọn yên mến và xây dựng Giáo Hội.

Khuynh hướng hoài nghi và chống Giáo Hội gia tăng

Hơn bao giờ hết, Giáo Hội Việt Nam đang đối diện với “búa rìu dư luận” của truyền thông. Truyền thông đã gieo vào lòng người Công Giáo hôm nay sự hoài nghi về Giáo Hội, về các vị lãnh đạo và các giáo sỹ một cách khủng khiếp!

Trong Giáo Hội, tính phản biện và sự chống đối không luôn là tiêu cực, nó cũng có giá trị của nó. Khuynh hướng này có thể giúp cho Giáo Hội Việt Nam có cái nhìn về các vấn đề một cách toàn diện và bao quát hơn, nhất là trong bối cảnh của thế giới đa nguyên. Nhiều khi những ý kiến khác biệt, đối lập lại bổ túc cho nhau trước những vấn đề lớn. Giáo Hội được mời gọi biết lắng nghe những tiếng nói khác nhau của mọi thành phần Dân Chúa. Nhờ đó Giáo Hội có những giải pháp tốt hơn, hoàn hảo hơn cho từng vấn đề. Nhưng đồng thời Giáo Hội phải ý thức rằng không phải vì “sợ dư luận”, để đẹp lòng mọi người, hay chiều theo thị hiếu mà hy sinh chân lý, quên mất sứ mạng và bổn phận của mình.

Một điều luôn gây đau khổ cho Giáo Hội, đó là việc chống Bề Trên, chống đối các nhà lãnh đạo Giáo Hội lại xảy ra ngay trong lòng Giáo Hội, do các thành viên của mình. Việc chống đối Giáo Hội có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, do sự bất công trong Giáo Hội, do sự những sai lầm của người lãnh đạo, vv… nếu như thế thì Bề Trên cần khiêm tốn để sửa đổi. Nhưng sự chống đối cũng có thể đến từ chính lòng của mỗi người, do thái độ đón nhận của chúng ta. Theo nghiên cứu tâm lý học chiều sâu, việc chống đối Bề Trên có thể ẩn chứa những dấu hiệu tâm lý tình cảm chưa trưởng thành của chủ thể. Những người này có thể vì sự mặc cảm oedipus về quyền lực (theo Sigmul Freud), về chức vụ và đia vị, hoặc vì so sánh hơn kém trong Giáo Hội, đã đưa đến những thái độ bất mãn, không cộng tác, và cuối cùng là hay tấn công Bề Trên. Nếu ai rơi vào tình trạng này, thì cần phải xem lại mình, dù linh mục hay là giáo dân.

Đối với người Công Giáo nói chung, việc chống Giáo Hội, chống các nhà lãnh đạo Giáo Hội một cách thiếu bác ái, thiếu tinh thần xây dựng, thiếu tính khách quan là thái độ cần tránh, vì đó không phải là tinh thần của Tin Mừng. Đối với các giáo sỹ hôm nay, cần tránh thái độ “giáo sỹ trị” và thái độ “cha chú” khi phục vụ giáo dân của mình.

Thách đố về phương tiện truyền thông

Thế giới hôm nay là thế giới bùng nổ thông tin. Ai nắm giữ phương tiện thông tin là nắm quyền lực điều khiển mọi người. Giáo Hội Việt Nam đang đối diện với thách đố về những phương tiện truyền thông.

Thách đó lớn nhất của truyền thông hôm nay là tính khách quan và toàn diện của các vấn đề trong Giáo Hội. Nhà thần học Lonergen đã đưa ra một nguyên tắc giúp chúng ta tránh rơi vào sự chủ quan: “Sự việc nó quan trọng vì tự thân nó chứ không phải quan trọng vì tôi: the importance in itself and importance for me”2. Nên khi đánh giá một con người, một sự kiện, chúng ta không chỉ dựa trên tình trạng tình cảm của mình, mà phải cố gắng dựa trên tính khách quan của sự việc. Không nên giảm thiểu một con người trong một câu nói, hay đánh giá một sự kiện chỉ dựa trên một khía cạnh tiêu cực thôi. Trước những vấn đề lớn và phức tạp cần tránh những kết luận phiếm diện, chủ quan một chiều. Ở bình diện lý luận, đó là sự ấu trỉ của tri thức và phán đoán. Chúng ta cần phải thoát ra những não trạng này để lớn lên, để xây dựng Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam.

Với quyền tự do ngôn luận, ai cũng có thể viết bài, có quyền phát biểu ý kiến của mình. Nhưng đồng thời cần phải ý thức trách nhiệm về những gì mình viết, mình nói. Vì sự ảnh hưởng của nó thật lớn lao và mang tính toàn cầu. Một điều dễ xảy ra trong thế giới thông tin hiện nay: đó là một vài ý kiến cá nhân lại có sức mạnh khuynh đảo và thay đổi dư luận cả thế giới và chi phối tình hình, “một con sâu có thể làm rầu cả nồi canh” hơn lúc nào hết.

Sự lương thiện trong tri thức buộc chúng ta phải cố gắng trình bày chân lý, sự việc một cách khách quan, như nó là, và tránh thái độ bẻ cong sự thật, uốn nắn sự việc theo ý của mình, để phục vụ cho lợi ích cá nhân, hoặc phe nhóm mình. Khi nói điều đó chúng ta không quên giới răn yêu thương Chúa dạy, trong đó bao gồm cả việc bác ái trong lời nói và ngay thẳng trong phán đoán. Việc “xét đoán xấu”, rêu rao lỗi lầm và “chụp mũ” người khác một cách bất công ở trên mạng internet không phải là phản Tin Mừng, là tội “nói hành” đó sao?

Ngày hôm nay phương tiện truyền thông đã trở thành một phương tiện truyền giáo rất hữu hiệu. Đã đến lúc các Giám Mục Việt Nam phải nghĩ đến việc “mục vụ truyền thông”, truyền giáo phương tiện truyền thông và sử dụng truyền thông để mang sứ điệp Tin Mừng đến cho mọi người. Giáo Hội Việt Nam cần phải chuẩn bị nhân sự, đào tạo những chuyên viên về lãnh vực này như các Giáo Hội khác đã làm để thi hành sứ vụ mình cách hiệu quả hơn.

Kết luận

Giáo Hội thời nào cũng đều có những khó khăn, thách đố và thuận lợi của thời đó. Những thách đố có thể trở thành cơ hội cho Giáo Hội trong việc loan báo Tin Mừng nếu Giáo Hội biết nhận ra và nắm bắt.

Hy vọng lời phát biểu của Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh trong ngày lễ nhận chức của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn tại Hà Nội mở ra viễn tượng đó cho Giáo Hội Việt Nam: “Kỷ niệm 50 năm thành lập, Hàng Giáo phẩm Việt Nam bước vào một giai đoạn mới qua đó, các bậc chủ chăn được lắng nghe tiếng nói cộng đồng Dân Chúa cách phong phú và cụ thể hơn, đồng thời cũng học được bài học biện phân cách bình tĩnh hơn đối với những thông tin mỗi lúc một đa dạng, đa chiều và phức tạp hơn...

Hơn bất kỳ đâu, tại thủ đô Hà Nội này, tất cả những ai có thiện chí đối với quê hương dân tộc Việt Nam, trong cũng như ngoài Giáo Hội, đều phải xây dựng và vun vén tình đoàn kết anh em một nhà và đại đồng xã hội
”.

Chú thích
*1. Cf. Yves Congar, Credo nello Spirito Santo, Querinina, Brescia 1998-1999, 204.
*2. Cf. B. Lenorgen, Method of theology, University of Toronto Press 1992, 30-40.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
http://vietcatholic.net/News/Html/80380.htm