Nguyễn Hoàng Đức
Thứ sáu, ngày 7/05/2010 một Thánh lễ rất đặc thù, long trọng và rất “cá biệt” đã diễn ra tại Nhà Thờ Lớn Hà Nội, thu hút sự chú ý, quan tâm rất lớn, rất chú mục, rất trọng thị, thậm chí rất lo âu xao xuyến của hàng giám mục Việt Nam, các linh mục cùng các giáo dân.
Thánh lễ gì mà lớn vậy, đặc thù vậy, đến mức tức thì nó vọt qua những tính từ định dành cho nó ? Bởi vì đó là thánh lễ Đức cha Ngô Quang Kiệt tiến hành để đón tiếp Đức giám mục Nguyễn Văn Nhơn từ Đà Lạt nổi tiếng là một thung lũng đầy hoa, thật hiền lành về thủ đô không chỉ là trung tâm kinh tế, vằn hóa, mà còn đang trở thành chảo lửa, một vòng xoáy lốc mãnh liệt dữ dội của đức tin thiêng liêng vốn còn đang nóng hổi với những vết thương còn chưa kịp lên da non cùng các biến cố nhuốm cả lệ và máu như vụ đòi đất của Tòa Khâm Sứ, đất của Thái Hà, và đặc biệt hơn là vụ đập phá Thánh Giá, biểu tượng linh thánh cao nhất của Giáo Hội hoàn vũ trên núi xứ Đồng Chiêm…Nhưng dường như đó vẫn chỉ là phần nổi của của tảng băng chìm. Tại sao ? Bởi vì Hà Nội đang bước vào lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, chủ nghĩa thế tục đang gặp cơn khủng hoảng sâu xa chưa từng thấy, tài chính coi như sụp đổ và tỉ lệ lãi ngân hàng cao nhất thế gới; định chế vay lãi thực tế mấp mé 25% năm, đó là tỉ lệ vay lãi chợ đen, vay lãi kiểu mafia, và nó chỉ còn tồn tại nhờ mệnh lệnh áp đặt hành chính theo kiểu “kinh tế tiếp máu”, thiếu chỗ nào bơm vào chỗ đó. Về chính trị Việt Nam là vụ mót sau cùng những hạt giống trên cánh đồng lý thuyết cộng sản đã xác xơ. Chủ nghĩa cộng sản đã tan rã và sụp đổ từ Đông Âu xuyên thẳng qua bộ tham mưu.là Liên Xô pháo đài đỏ tưởng chừng bất khẩ xâm phạm. Lý thuyết của chủ nghĩa công sản chính là ánh sáng và mục đích của chủ nghĩa xà hội. Ánh sáng và mục đích đó không còn nữa, chính quyền Việt Cộng muốn tồn tại đành cố tình tưởng tượng ra ánh sáng đó, và thực tế họ giống kẻ mù lòa sờ soạng trong đêm tối, thỉnh thoảng lại nhấp nháy bật lên một ngọn đèn pin yếu ớt vì sợ dẫm lên nhau, ngọn đèn đó rất nôm na và nghịch lý, bởi lẽ, đó là ngọn đèn tư tưởng Hồ Chí Minh, một ngọn đèn chưa bao giờ có tính lập hiến, bởi vì như chính ông đã xưng danh là cha, là bác của dân tộc, chứ không phải là quý ngài lãnh tụ quốc gia, điều này cũng đã được các học viện chính trị và ban tuyên huấn cộng sản thừa nhận như một niềm tự hào rất cọc cạch. Tự hào về tư tưởng của một con người không bao giờ định có tư tưởng, và chính thức trên các phương tiện thông tin đại chúng bài học “về tư tưởng Hồ Chí Minh” đã được thay thế bằng “đạo đức Hồ Chí Minh”. Điều đó cũng là hợp lẽ, vì bất kỳ ai muốn có tư tưởng, thì sau tên riêng phải có hậu tố “isme” ghép vào. Nhưng chưa ai đã từng nghe, thấy và đọc tên Hồ Chí Minh kéo theo chiếc rơ-moóc “isme”.
Chủ nghĩa thế tục đang khủng hoảng sâu xa về kinh tế, về chính trị, về cả cơ cấu nhân sự, cũng như con đường vươn tới mục đích. Đúng lúc đó, chủ nghĩa thế tục nhìn thấy Công giáo là nơi để xả lũ, là cái để “đá thúng đụng nia”, cũng là địa chỉ để “giận cá chém thớt”… đó là chiến thuật sơ đẳng, thường trực của tất cả các thế lực chính trị, khi gặp khủng hoảng, họ luôn luôn phải tìm ra đối tượng nào đó để thị uy. Than ôi, một quyền thế độc tài, sẽ làm sao chứng tỏ mình còn tồn tại nếu nó không biểu hiện sức mạnh phi lý của nó ? Càng phi lý thì càng mạnh, vì đó là quy tắc vĩnh cửu của luật áp đặt.
Các giám mục, các linh mục, đông đảo giáo dân dồn về Nhà Thờ lớn để muốn dự báo và thể nghiệm sự thất sủng của giáo quyền trước thế quyền sẽ rách ra từ vết nứt thế nào ? Và vết nứt đầu tiên đó có tên là Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt. Bên ngoài, thánh lễ ngày 7/5/2010, là thánh lễ nhận Giám mục Nguyễn Văn Nhơn về làm Phó Tổng Giám mục, nhưng ai cũng hiểu từ thẳm sâu nguyên tắc, cũng như có các chứng từ chính thức rằng : Đức Cha Ngô Quang Kiệt sẽ thoái vị để êm ái chuyển ngôi cho Đức Cha phó của mình. Một chức phó chỉ là phần đệm mỏng như một long-đen để ngày đó chiếc đinh xoắn sẽ vặn vào ốc để tạo nên chiếc ghế cầm đầu của một giáo triều mới, được đặt ngay giữa trung tâm Hà Nội, bộ não, trái tim của cả nước.
Sự kiện Đức Cha Ngô Quang Kiệt thoái lui, với nhiều người thực chất là sự gục ngã của một anh hùng tay vẫn giương cao ngọn cờ chân lý đức tin, và ngang trái thay ông cũng là một hy tế toàn thiêu bị chính bàn thờ chính tòa của giáo hội được đặt ở Vatican từ chối ! Đau xót thay! Một món quà hiến tế, theo chân Thánh Giá của Đức Jesus lại bị chính bàn thờ của nhà mình từ chối. Tại sao ? Trong thời kỳ nước sôi lửa bỏng nhất, Đức Cha Ngô Quang Kiệt đã luôn đi đầu dẫn dắt chiên của mình băng vào giữa thử thách ở ngay Tòa Khâm Sứ, rồi nhà thờ Thái Hà và Thánh giá Đồng Chiêm. Vậy mà vị mục tử đó không được trở thành quà hiến tế lên bàn thờ nhân danh công lý, mà lại trở thành món quà mặc cả giữa chính quyền và giáo quyền. Nguyên nhân chắc chắn và giản dị không thể khác được rằng: Ngài là một chủ chiên từng dẫn dắt đàn chiên đông đảo của mình đã phản tỉnh chính quyền trong các vụ Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Đồng Chiêm, và vì thế Ngài trở thành một địa chỉ để chính quyền bày tỏ sức mạnh vào lúc đã quá lung lay, chính quyền muốn bẩy Ngài đi ! Thế mà họ cũng làm được hơn cả thế, đó là buộc Ngài thoái vị, về hưu. Tất nhiên số phận của ngài không thể nằm ngoài cuộc đàm thoại trao đổi của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Vatican, khi viếng thăm chính thức Tòa Thánh.
Để xem xét sự việc một cách chính đáng và công lý, chúng ta không thể không bám lấy truyền thống và mục tiêu của Giáo Hội từ xưa đến nay. Khi gần gũi Đức Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận, tôi đã từng được Đức Cha chia sẻ. Phương châm xuyên suốt của Giáo hội Kitô giáo trong suốt lịch sử là: “Mềm mỏng về thái độ, nhưng cứng rắn, thậm chí không bao giờ thay đổi về nguyên tắc”. Giáo Hội đã kiên gan và mãnh liệt đến mức khi hoàng đế Napoleon gặp đón Đức Giáo Hoàng đội vương miện lên đầu, đã nói rằng: Tôi có thể hủy diệt Vatican trong một ngày, thì Đức Giáo Hoàng đã bình tĩnh đáp lại: Ông không làm được đâu, vì chính những giáo sĩ như chúng tôi đã muốn phá và giải tán Giáo Hội cả ngàn năm nay mà không làm được. Tại sao Đức Giáo Hoàng lại có thể bình tĩnh đến như vậy? Chắc hẳn ngài không nghĩ: dù Napoleon có bao nhiêu binh hùng tướng mạnh ở trong tay, nhưng đó chỉ là sức mạnh và vũ khí của thế tục, không cách gì để phá đổ Giáo Hội là ngôi nhà của Chúa, nơi nhân danh thế lực vũ trụ ngự trên các tầng trời.
Nhưng đâu rồi nguyên tắc cứng rắn không thay đổi của Vatican khi áp dụng vào trường hợp của Đức cha Ngô Quang Kiệt? Thay vì phải biểu dương chứng nhân xung kích hy sinh cho Giáo Hội, Vatican đã quay lưng lại phía ngài để chứng tỏ sự ưu ái với cộng sản Việt Nam. Việc làm đó chẳng khác gì “ đá chó nhà để nịnh khách phương xa”.
Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận còn nói về phương châm lãnh đạo và hành động xuyên suốt của Vatican cũng như của Giáo Hội là:
Faire faire toujours
Jamais faire tout
Quelque fois laisser faire
Có nghĩa là:
Luôn luôn ra lệnh
Nhưng đừng làm tất cả
Đôi khi hãy kệ cho người ta làm
* “Luôn luôn ra lệnh” vì là cấp trên nếu anh không ra lệnh thì cấp dưới sẽ nghỉ ngơi, lười biếng”.
* “Đừng làm tất cả”, vì không nên bao biện làm thay tất cả các việc của mọi người.
* “Kệ người ta làm”, là nên biết tôn trọng, tin vào người khác, trao cho người khác cơ hội tự do để hoàn thiện công việc của chính mình.
Xét theo phương châm đó, thì Vatican đã không hề thực thi trong trường hợp của Đức tổng Ngô Quang Kiệt. Lẽ ra phải để Giáo hội Việt Nam nhìn người đang dầm mình trong hiện tại dấn thân với xứ sở của mình tham mưu, cố vấn và tự ý hành động theo xu hướng nào có ích nhất, thì Vatican lại mắc bệnh cố hữu là chủ nghĩa độc đoán giáo quyền. Đưa một lệnh thuyên chuyển áp đặt thay thế người lính xung kích của đức tin, một anh hùng dấn thân công lý, một chứng nhân của sự thật Tin mừng bằng một giám mục mới chỉ có nghiệp vụ “ trồng hoa” ở Đà Lạt nơi sơn cùng thủy tận Việt Nam về.
Có nhiều người bàn Vatican không dại khi thế lá bài Ngô Quang Kiệt để đổi lấy cả ván bài ngoại giao với Hà Nội. Vatican không hiểu được bản tính của những người cộng sản tiểu nông Việt Nam. Họ không bao giờ hoan hô Vatican cả, bởi vì dân chân đất mắt toét giống những chiếc kèn lá ngẫu hứng bản năng không bao giờ hiểu được và chào đón bữa tiệc của giàn giao hưởng tâm linh. Hà Nội không bao giờ chào đón Vatican, giống như một anh nhà quê không bao giờ hoan hô một kẻ trưởng giả về làng làm phơi ra những kém cỏi ấu trĩ của mình. Hà Nội còn đang sợ cả những cái ấm ớ như “ diễn biến hòa bình” thì làm sao có thể mở tay đón cả đoàn rước mang những tháp chuông nghều nghện, những kinh thánh bọc da, những đoàn thánh ca mang theo cả đàn óoc khổng lồ ngâm nga âm thanh thấu các tầng mây…
Hơn cả thế, Hà Nội với các quan chức thích “ăn cơm tầu” không bao giờ dám qua mặt các đại ca Trung Cộng để bắt tay với Vatican. Việc này đã có rất nhiều tiền lệ. Ngay mới đây, khi Việt Nam tưởng có thể hăm hở bước vào sân WTO, với tất cả các cánh cửa đã mở, nhưng đại ca Trung Quốc liền ngáng chân, để thực hiện rằng: “này tiểu để, hãy để đại ca vào WTO trước, còn chú sẽ tính sau”. Rút cục đúng là như vậy.
Cộng sản Việt Nam rất hiểu phương ngôn “Nước xa không cứu được lửa gần”, Trung Cộng vừa là một bể nước ở rất gần, nếu cần có thể nhờ đại ca thò vòi sang dập lửa. Việt Cộng cũng coi Trung Quốc là nồi cơm nguội, khi cần có thể cứu đói. Có rất nhiều quan chức cộng sản đã đi Trung Quốc để nhận các ân huệ vì bộ chính trị Việt Nam đã mở đường từ những năm 60 của thế kỷ trước, hàng năm quyết định cho Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Trung Quốc nghỉ mát vô thời hạn, theo dấu chân đó rất nhiều quan chức Việt Cộng cũng được hít sái “ ăn cơm nắm, nằm gậm giường nữa”. Vì thế cộng sản Việt Nam không bao giờ dám đánh đổi nồi cơm nguội Trung Quốc để vượt mặt đàn anh mở nền ngoại giao chính thức trước với Vatican.
Cộng sản Việt Nam cũng nổi tiếng với các chiến thuật lâm thời ngắn hạn để xoay xở tồn tại trước mắt. Bằng chứng là sau gần một thế kỷ chính quyền vẫn không có Nhà Quốc Hội mà chỉ có hội trường giống các cơ quan, người lên phát biểu, người ở dưới vỗ tay. Vì thế lá bài Ngô Quang Kiệt chỉ là một giải pháp tình huống tạm thời, cho kết quả chóng vánh và qua chuyện, sau đó với bạn tình cố hữu của mình và hoàn cảnh bị đàn anh Trung Quốc khuất phục, Việt Cộng còn lâu mới thò bàn tay cho Vatican ?
Chúng ta sẽ đợi xem, dù sao thì Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã và đang trở thành phép thử để chúng ta nhìn thấy cuộc đến giữa thế quyền và giáo quyền. Keo một, thế quyền đã thắng. Keo hai, rồi sau đó giáo quyền sẽ được gì khi chính mình đã từ bỏ nguyên tắc xuyên suốt bấy lâu?
Tòa Giám mục Xã Đoài
Nguyễn Hoàng Đức
Lời BBT: Nguyễn Hoàng Đức sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nguyên là cán bộ Cục An ninh của Nhà nước Cộng sản Việt Nam, người đã được phân công canh giữ Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận và học ngoại ngữ với ngài trong thời gian ngài bị giam ở Hà Nội. Về sau, anh được Đức Hồng Y cảm hóa và năm 1989, anh bỏ nghề Công an, rồi đi làm cho một Hãnh Dầu khí ở Sài Gòn. Chướng tai gai mắt trước cảnh chèn ép trong công ty, anh trở về Hà Nội và khởi sự viết văn và làm báo cho đến nay.
Từ khi gặp Đức Hồng Y anh đã tìm hiểu Công giáo và cầu nguyện và sau đó là đi lễ. Thời gian ở Sài Gòn anh sinh hoạt tôn giáo ở nhà thờ Đức Bà, Tân Định và Kỳ Đồng. Ở Hà Nội anh sinh hoạt tôn giáo tại nhà thờ Phùng Khoang và Thái Hà. Năm 2003, anh được đón nhận bí tích Thánh Tẩy tại Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội ngay sau đó anh đã viết bằng tay bài: “CON ĐƯỜNG ĐỨC TIN VÀO NƯỚC CHÚA QUA CÂY CẦU HỒNG Y PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN VĂN THUẬN”- một bài chia sẻ hết sức xúc động mà bản chính hiện nay đã được Bộ Phong Thánh đưa về Roma lưu trong hồ sơ phong chân phúc cho Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận./.
http://www.mehangcuugiup.info/index.php?option=com_content&view=article&id=722:s-kin-c-cha-ngo-quang-kit-co-lc-ng-giao-hi&catid=39:thi-s-trong-nc&Itemid=57
No comments:
Post a Comment