Tuesday, June 16, 2009

Le Hien Phu Noi Chuyen Xung Ho


Lễ Hiền Phụ Nói Chuyện Xưng Hô

§ Lm Ansgar Phạm Tĩnh

Hôm nay nhân dịp ngày lễ Hiền Phụ (Fathers'Day), tôi xin chia sẻ với bạn nội dung lá thư có liên quan đến chuyện xưng hô CHA-CON, mà tôi đã trả lời cho một độc giả nữ, tạm gọi là chị Tiến Lên, người đã nêu lên thắc mắc như thế này: "Thưa linh mục Phạm Tĩnh…Tiến Lên có thắc mắc này: 'Tiến Lên không muốn gọi ai ngoại trừ Thiên Chúa là CHA, và Tiến Lên cảm thấy bối rối khi gặp các linh mục vì không biết xưng hô như thế nào cho phải phép… Tiến Lên sợ xưng hô không đúng thì trở thành người vô lễ và bất kính vì thực ra trong lòng của Tiến Lên không phải vậy!"

Chị Tiến Lên thân mến,

Năm nay tôi đã 41 tuổi, nếu chị lớn hơn dù chỉ là 1 ngày thôi thì tôi cũng xin được gọi bằng chị. Còn nếu chị vẫn còn trẻ hơn cái tuổi 41 của tôi thì tôi cũng gọi chị bằng chị luôn. Chị biết tại sao vậy không? Là bởi vì văn hóa Việt Nam của mình khá rắc rối so với các nền văn hóa của người Tây và của người Tàu… lớn bé, già trẻ gì thì cũng YOU với I, NGỘ với NỊ rất đơn giản, không có nhiều danh xưng đi theo cặp, gắn theo đôi như tiếng Việt.

Những Cặp Từ Xưng Hô Thường Gặp Trong Đời Sống

Ở mỗi một miền (Bắc, Trung, Nam) đều có những lối xưng hô khác nhau, thế nhưng theo phong tục và cách hành xử của người bắc (hay ít là trong gia đình, họ hàng nhà họ Phạm của tôi) thì cách xưng hô phải có thứ tự và lớp lang như sau:

  • Khi gọi một người (có vai vế lớn hơn hay lớn tuổi hơn mình) là ANH hay CHỊ thì phải xưng là EM.
  • Khi gọi một người là ÔNG, BÀ, BÁC, CHÚ, CÔ, DÌ, THÍM, MỢ thì phải xưng là CON hay CHÁU
  • Khi gọi một người là THẦY hay CÔ thì phải xưng là CON hay EM
  • Khi gọi một tu sĩ là THẦY hay SƠ thì phải xưng là EM hay CON
  • Khi gọi CHA hay ĐỨC CHA thì phải xưng là CON

Xưng hô trật một chút hay lệch lạc không đúng cặp, đúng đôi thì sẽ bị xem là người vô giáo dục và phiền toái vô cùng! Người ta sẽ đánh giá, phê phán và thậm chí còn tỏ thái độ khinh thường tôi và cả cha mẹ của tôi nữa nếu tôi không biết cách xưng hô cho đúng phép, đúng kiểu, đúng cách.

Tại Sao Người Việt Nam Cứ Hỏi Tuổi Tác Khi Gặp Nhau Lần Đầu?

Vì cái sự không đơn giản trong nền văn hóa của họ Mít nhà ta như vậy cho nên (không biết chị có để ý hay không?) cứ mỗi lần gặp nhau thì thiên hạ hay hỏi thăm nhau về tuổi tác, tên họ, chức nghiệp, địa vị, thân phận… của nhau lắm ! Không phải là dân Mít nhà mình tò mò, tọc mạch, hay thích xen vào đời tư của kẻ khác đâu! Nhưng là vì bà con nhà mình muốn xưng hô cho đúng cách, đúng kiểu và nhất là không muốn đối tượng mà mình đang nói chuyện hay người ở xung quanh đánh giá mình là một người vô lễ, thô lỗ và…thiếu văn hóa.

Cá nhân tôi, khi xưng hô với anh chị em giáo dân… tôi vẫn luôn ghi nhớ lời của thánh Phaolô dạy trong thư gửi cho ông Timothy khi khuyên nhủ, hãy coi các cụ như cha; hãy coi các thanh niên như anh em, các cụ bà như mẹ, các thiếu nữ như chị em… (1Tm 5:1-2).

Đối với những người tôi không hề biết tuổi, không biết mặt mũi dài ngắn, tròn méo ra sao (anh chị em bà con giáo dân thuộc giáo xứ Internet như chị chẳng hạn) thì khi viết bài chia sẻ, tôi thường kêu BẠN và xưng TÔI. Còn trong những trường hợp biết tuổi tác, vai vế thì tôi sẽ tùy cơ ứng biến, sẽ xưng hô theo đúng danh phận và cấp bậc… ví dụ như:

  • Hễ ai lớn tuổi hơn thân phụ mẫu của tôi thì tôi gọi là CỤ, ÔNG, BÀ, BÁC xưng CON, hay CHÁU.
  • Nếu trẻ tuổi hơn ba mẹ của tôi thì tôi kêu CHÚ, CÔ, THÍM và xưng là CHÁU.
  • Với những anh chị có tuổi đời hơn số 41 thì tôi gọi ANH CHỊ và xưng là EM.
  • Còn với những người dưới hàng 41 thì tùy cơ ứng biến, hễ mặt nhìn giống như ông cụ thì kêu ANH CHỊ xưng TÔI, còn nếu nhìn còn trẻ thì CẬU, MÌNH, MI, TỚ…
  • Đối với các linh mục cao niên thì tôi gọi CHA xưng CON. Nếu còn trẻ cùng lứa tuổi, dễ chịu, không khách sáo, quen thân một chút và trông có vẻ… chịu chơi thì gọi là ANH xưng EM, SƯ HUYNH xưng TIỂU ĐỆ.. Còn nếu vị linh mục trẻ hơn tôi mà thuộc loại cụ non thì tôi gọi CHA xưng CON để gọi là… vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi!
  • Riêng với cái đám nhoi nhoi, choai choai thuộc phái yếu thì tôi gọi chúng nó là CHÚNG MÀY và xưng TAO ráo trọi.

Đừng vội đánh giá tôi là thô lỗ, bất lịch sự, thiếu văn hóa khi tôi gọi đám choai choai bằng MÀY TAO nhé! Sở dĩ tôi gọi chúng nó bằng những danh xưng hơi sống sượng và khó nghe như vậy để bản thân những người trẻ và nhất là những phóng viên của đài FM Con Vịt, hay là những ông, những bà quan tòa bất đắc dĩ khỏi có cơ hội kết án, đóng đinh và đem treo tôi lên thập giá: "Cha xưng tên với tao, chắc ổng có tình ý gì đây ... Bà biết không, chị có thể tin được không… cha gọi con Hợi bằng em và xưng anh với nó đấy ... Cha cụ gì mà nói chuyện với con gái ngọt như đường vậy?... "

Cách Xưng Hô Mang Tính Lịch Sự & Xã Giao

Trong trường hợp xã giao hay gặp gỡ những nhân vật có những tước vị (title) hay có những danh xưng ví dụ như là bác sĩ, luật sư, nha sĩ, dược sĩ, thị trưởng, giám đốc, hiệu trưởng, tổng thống, thủ tướng… thì theo sự thường, tôi sẽ dùng những tước vị hay những danh xưng đó để chào hỏi hay đàm luận, chuyện trò với họ trong office, nơi hội nghị hay trong những buổi họp, tiệc tùng ở nhà hàng... "Thưa bác sĩ Đông… Thưa luật sư Tây… Thưa nha sĩ Nam… Thưa ông (bà) thị trưởng Bắc… Thưa ông thị trưởng Tứ… Thưa bà giám đốc Phương…"

Khi nói chuyện với những người có tước vị (chức tước & vị vọng) như vậy, chị nghĩ là tôi có thể bỏ hết những danh xưng của họ, chỉ cần gọi cái tên cúng cơm của họ như ông Đông, bà Tây, anh Nam, chị Bắc, chú Tứ, cô Phương… được không? Dĩ nhiên là được nhưng tôi chỉ xưng hô như vậy trong những trường hợp sau đây:

  • Thứ nhất: Khi chính họ lên tiếng yêu cầu: "Làm ơn đừng khách sáo như vậy, mình là ngưòi nhà (là bạn bè, là anh em…) cả mà!"
  • Thứ nhì: Họ phải là bạn thân, rất thân của tôi hay của gia đình tôi
  • Thứ ba: Cuộc đàm luận hay truyện trò có tính cách cá nhân, thân thiện ở tư gia hay trong phòng ăn của gia đình với những người thân trong gia đình.

Linh Mục Là Một Tước Vị Được Công Nhận Trong Xã Hội

Tôi vẫn thường gặp và giao tiếp với nhiều người chẳng phải là Công Giáo. Họ thường hỏi thăm và chào hỏi tôi: "Anh là linh mục Công Giáo hả? Are you a Catholic priest?… Thưa linh mục, tôi muốn ngài chứng nhận cho con tôi đang theo học ở trường Francis Xavier… Cậu là một linh mục của Giáo Hội Công Giáo, cậu nghĩ gì về những vụ tai tiếng mới xảy ra đây…"

Và cả những vị cao niên đang sống trong căn chung cư ở Vancouver này với tôi bằng tuổi và thậm chí còn lớn hơn tuổi thân phụ mẫu của tôi mà họ vẫn cứ gọi tôi bằng CHA và xưng CON tỉnh bơ. Khi các vị này gọi tôi là CHA và xưng là CON với tôi , chị có nghĩ là tâm tình của họ, hay lòng kính trọng của họ đối với tôi giống y như là đối với cha ruột của họ không? No way! Tôi không nghĩ như vậy! Họ xưng hô như vậy là bởi vì phép lịch sự, là vì khách sáo, là vì họ tôn trọng chức vị và thân phận của tôi là một kẻ tu hành, chỉ có vậy thôi!

Tương tự như thế! Khi tôi tiếp chuyện với một nhà tu hành thuộc các tôn giáo khác, ví dụ như một vị Hoà Thượng chẳng hạn, thì tôi sẽ không ngần ngại gọi vị ấy là THẦY hay SƯ PHỤ và xưng CON. Danh xưng THẦY hay SƯ PHỤ bao hàm ý nghĩa là thầy dạy, "nhất tự vi sư, bán tự vi sư" là vậy! Vị Hòa Thượng ấy đâu có dạy tôi ngày nào, chẳng hề cho tôi dù là nửa chữ… mà tại sao tôi lại gọi là THẦY, là SƯ PHỤ? Chẳng qua là vì tôi tôn trọng cái chức vị của vị Hòa Thượng ấy và tôn trọng những người Phật tử đứng xung quanh tôi.

Bạn nghĩ thử mà xem, những Phật tử (lớn tuổi hơn tôi…) kêu vị tu sĩ ấy là THẦY và xưng CON, còn tôi (trẻ hơn họ) mà lại kêu khác đi thì bạn thấy có lập dị, có kỳ cục không?! Tôi xưng hô lịch sự với vị Hòa Thượng như vậy có mất mát gì không? Thưa không! Trái lại tôi còn gây được tình cảm thân thiện với những người xung quanh nữa. "Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau!" Là như vậy đấy!

Còn dưới con mắt đức tin của những người Công Giáo, như tôi đã chia sẻ trong bài "Những Sự Khác Biệt Giữa Linh Mục và Giáo Dân" thì anh chị em giáo dân tin rằng linh mục là người đại diện cho Thiên Chúa, là hình ảnh của Chúa Kitô, linh mục đóng một vai trò như là một người cha tinh thần của họ bởi vìtrong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ Tin Mừng, [và qua phép Rửa] chính [linh mục] đã sinh ra [họ] (1 Cor 4:15). Như thế khi anh chị em giáo dân mở miệng kêu một vị linh mục (mặt còn búng ra…café sữa… đá như tôi) là CHA thì tôi cam đoan với chị là cái ý nghĩa của từ CHA và những tâm tư tình cảm của bà con hoàn toàn khác khi họ xưng hô với người CHA đẻ ra họ và lẽ dĩ nhiên khác xa với cái từ CHA khi họ cầu nguyện với Chúa khi họ mở miệng đọc kinh LẠY CHA CHÚNG CON Ở TRÊN TRỜI…

Tại sao linh mục lại được gọi là cha? Mời chị cùng với tôi xem qua một số đoạn trong thư của thánh Phaolô gửi cho ông Titus:

Phần anh, hãy dạy những gì phù hợp với giáo lý lành mạnh. Hãy khuyên các cụ ông phải tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại. Các cụ bà cũng vậy, phải ăn ở sao cho xứng là người thánh, không nói xấu, không rượu chè say sưa, nhưng biết dạy bảo điều lành. Đó là những điều anh phải nói, phải khuyên, phải sửa dạy với tất cả uy quyền. Chớ gì đừng có ai coi thường anh. (Ti 2:2-3,15).

Chị thấy lạ không? Titus là một người còn trẻ, nhưng lúc đó, ngài đã được giao phó cho trách nhiệm của một người cha đấy!

  • … dạy những gì phù hợp với giáo lý lành mạnh…
  • … khuyên các cụ ông… cụ bà…
  • … phải nói, phải khuyên, phải sửa dạy với tất cả uy quyền…

Nếu giáo dân thời bấy giờ không nhìn nhận rằng Titus là một vị đại diện cho Chúa Kitô, là người cha thiêng liêng, và là người nhận được quyền dạy dỗ từ Thiên Chúa…thì làm sao ông dám thi hành những công việc như răn dạy, khuyên bảo, sửa chữa…những người già và cả những người trẻ được?

Khi giáo dân của Titus gọi ngài là CHA thì chắc chắn trong tâm tư của họ không hề có ý nghĩ ông là THIÊN CHÚA CHA hay là ông thân sinh ra họ đâu! Thật đấy!

Khi gọi một người tu hành là CHA và xưng CON, người giáo dân tỏ ra sự kính trọng MÓN QUÀ của Thiên Chúa là chức LINH MỤC và cũng chứng tỏ rằng họ hiểu thấu lời của Chúa Giêsu: "Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm" (Mt 23:2). Chức vụ của những người Pha-ri-sêu được coi trọng chứ không phải là con người và hành vi của họ. Chị đồng ý không?

Có thể chị đang thắc mắc là không biết khi tôi nghe người ta xưng hô cha con như vậy với tôi như vậy thì tôi có cảm giác như thế nào chứ gì? Thú thật với chị là chẳng dễ chịu chút nào cả! Nhất là khi gặp những cụ đáng tuổi ông bà nội, ông bà ngoại… của tôi kêu CHA và xưng CON với tôi! Thế nhưng thưa chị, làm sao tôi có thể thay đổi được truyền thống, niềm tin và sự kính trọng của người khác đối với thiên chức linh mục được? Dù muốn, dù không thì khi tôi cử hành bí tích Rửa Tội tôi đã đóng vai trò của một người cha để sinh ra và dưỡng nuôi những người con tinh thần ấy! "Linh Mục phải săn sóc các tín hữu như những người cha trong Chúa Kitô vì đã sinh họ cách thiêng liêng nhờ Bí tích Rửa Tội và giáo huấn"(Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội # 28)

Như vậy, nếu chị không ngại dư luận, không sợ bị người khác phê bình hay chỉ trích thì khi xưng hô với những kẻ đi tu như tôi hay vị linh mục ở giáo xứ của chị… thì chị cứ tùy ý, muốn gọi, muốn xưng làm sao đó cho thoải mái và tiện lợi cho chị, miễn là trong lòng chị vẫn kính trọng cái CHỨC VỤ và ƠN GỌI của các linh mục là tốt rồi! Chứ nếu gọi CHA xưng CON nhưng trong lòng khinh thường hay cảm thấy khó chịu, ấm ức, gò bó, bực bội và không cảm thấy thoải mái chút nào cả thì có khác gì "miệng tụng nam mô mà lòng cả bồ dao găm" thật chẳng có ích gì cả mà còn thêm tội nữa.

Những danh xưng CHA, FATHER, MASTER, TEACHER… chỉ là vấn đề xã giao, lịch sự và lễ giáo mà thôi, chẳng ảnh hưởng gì đến hòa bình của thế giới cả. Tôi tin rằng khi chị xưng hô đúng kiểu đúng cách với những người có chức vị thì chỉ có lợi cho chị thôi chứ những vị ấy chẳng được lợi lộc gì cả, chị nghĩ thử xem có đúng không? Tôi nói thật đấy! Cho dù cho chị có kêu những kẻ tu hành là linh mục, hay là kêu tôi là cha, là father, là shẩn phu, hoặc An-cha, thằng Tĩnh, thằng Tư hay bất cứ danh xưng gì đi chăng nữa thì tôi cũng vẫn là tôi thôi, chẳng béo thêm và cũng chẳng gầy đi tí nào cả! Đó là quyền tự do của mỗi cá nhân, tùy vào lòng tin, nền văn hóa và suy nghĩ cũng như quan niệm riêng của mỗi người.

Chị có quyền và có thể gọi tất cả những người đi tu là LINH MỤC và xưng bằng tên của chị. Nhưng mà tôi nói thật với chị, không phải lúc nào chị cũng dễ dàng như vậy đâu! Ví dụ như khi chị được cử lên thay mặt công đoàn ngỏ lời cám ơn một vị linh mục giảng phòng chẳng hạn! Chị dám phát biểu như thế này không?

"Kính thưa linh mục, Tiến Lên xin thay mặt cho cộng đoàn cám ơn linh mục đã đến dâng thánh lễ cầu nguyện cho cộng đoàn của Tiến Lên, xin Chúa trả công bội hậu cho linh mục…"

Có thể chị dám lắm chứ! Nhưng tôi e rằng khi chị xưng hô như vậy với một linh mục cao niên đáng tuổi cha, chú hay bác của chị nơi nhà thờ thì những khẩu đại bác ở bên dưới nhất là những quả đạn cối của các bậc cao niên sẽ không nằm yên đâu! Những viên đạn đại bác sẽ nhắm vào chị và sẽ…pháo cho mà xem! Cầu chúc chị bình an, vui tươi và khoẻ mạnh trong tình yêu Thiên Chúa.

Lm Ansgar Phạm Tĩnh



Wednesday, June 3, 2009

Chia se Loi Chua trong Thanh Le An Tang cu Phero Nguyen Ba Can

Chia sẻ Lời Chúa trong Thánh Lễ An Táng Cụ Phêrô Nguyễn bá Cẩn

Kính thưa Cụ Bà Elizabeth Nguyễn bá Cẩn và tất cả tang quyến.
Kính thưa quí vị quan khách, quí ông bà và anh chị em giáo hữu thân mến,

Trong bộ Kinh thánh của Giáo hội Công giáo có một cuốn sách với tựa đề là Sách Giảng Viên. Tác giả sách Giảng viên tóm lược tư tưởng chính yếu của ông trong câu 11 đoạn 3 như sau: Thiên chúa đã làm mọi sự hợp thời và đúng lúc. Thiên chúa cũng ban cho con người biết nhận thức về vũ trụ, tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu biết hết ý nghĩa công trình của Thiên chúa thực hiện trong vũ trụ. Do đó khi suy nghĩ về cuộc sống và sự chết, tác giả Giảng viên nói rằng:

Ở dưới bầu trời nầy mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời của nó.
Một thời để chào đời. Một thời để lìa cõi thế.
Một thời để trồng cây. Một thời để nhổ cây.
Một thời để giết chết. Một thời để chữa lành.
Một thời để phá đổ. Một thời để xây dựng.
Một thời để khóc lóc. Một thời để vui cười.
Một thời để đánh mất. Một thời để tìm kiếm.
Một thời để giữ lại. Một thời để vất đi.
Một thời để làm thinh. Một thời để lên tiếng.


Kính thưa quí vị.
Thử nhìn lại đời mình, có lẽ không ai trong chúng ta thoát khỏi những điều tác giả sách Giảng viên vừa nói trên đây. Hôm nay chúng ta nhìn vào cuộc đời của Cụ Nguyễn bá Cẩn, một người bạn, một chiến hữu quốc gia, Chủ tịch Quốc hội, Hạ nghị viện, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, người tín hữu Công giáo:

Một thời để chào đời: Cụ Nguyễn bá Cẩn sinh ngày 9 tháng 9 năm 1930 tại tỉnh lỵ Cần thơ, thuộc đồng bằng sông Cửu long, trong một gia đình nông dân. Cậu bé Nguyễn bá Cẫn lớn lên nơi thôn quê ruộng đồng và từ đây bắt đầu 'Một thời để xây dựng': xây dựng cho bản thân; xây dựng cho gia đình; và xây dựng cho tổ quốc dân tộc.

Xây dựng bản thân: với đức tính kiên nhẫn, chí khí mạnh mẽ và trí khôn thông minh trời ban, chàng trai Nguyễn bá Cẩn đã thành đạt tốt đẹp trên con đường học vấn, tốt nghiệp các trường Sĩ Quan Trừ Bị, Trường Quốc Gia Hành Chánh. Kể từ đây ông Nguyễn bá Cẩn đã học hành trong nghề nghiệp và không ngừng xây dựng cho bản thân mình để thành nhân. Có thể nói triết lý nhân sinh của Ông dựa trên nguyên tắc phải thành nhân để thành công.

Xây dựng gia đình: Vào tháng 12 năm 1950, trước khi vào quân trường Thủ đức, chàng trai Nguyễn bá Cẩn xây dựng gia đình với cô Elizabeth Nguyễn thị Tu. Và Chúa thương cho ông bà có ba người con.

Xây dựng tổ quốc dân tộc: Có thể nói việc xây dựng tổ quốc dân tộc là lý tưởng cao đẹp mà Cụ Nguyễn bá Cẩn luôn ấp ủ và sống lý tưởng nầy cho đến giờ phút cuối cuộc đời của Cụ. Kể từ năm 1951, sau khi tốt nghiệp trường Quốc Gia Hành Chánh, Cụ Nguyễn bá Cẩn đã xây dựng tổ quốc qua việc phục vụ đất nước trong các chức vụ: Quận trưởng, Phó Tỉnh trưởng, Dân biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Hạ viện, và sau cùng là Thủ tướng Chính phủ.

Thưa quí vị và anh chị em thân mến,
Lịch sử của mỗi người chúng ta ai cũng có những biến cố lớn nhỏ xảy ra trong đời mình, có những biến cố lớn mà chúng ta thường coi là những biến cố đổi đời. Lịch sử dân tộc Việt nam năm 1975 đưa đến cho nhiều người trong chúng ta đây một cuộc đổi đời, đổi lớn, đổi dữ dội, đổi khủng khiếp. Cũng như tất cả những người tỵ nạn từ năm 1975, Cụ Thủ tướng Nguyễn bá Cẩn phải qua một cuộc đổi đời không kém phần dữ dội. Cụ phải lập lại cuộc đời từ con số không. Nhìn thấy trước sự phát triển khoa học kỷ thuật của xã hội Hoa kỳ, Cụ theo học computer science programmer, và đã thành đạt trong việc học cũng như việc làm.

Ngoài những biến cố đổi đời trong cuộc sống vật chất, Cụ Nguyễn bá Cẩn còn có một biến cố đổi đời khác, mạnh mẽ hơn, sâu đậm hơn, đó là biến cố Cụ được ơn chữa lành đôi mắt qua sự bầu cử của Ðức Trinh Nữ Maria, nhân chuyến hành hương Ðức Mẹ Lộ đức ở Pháp. Và cũng từ đây hạt giống đức tin nẩy mầm trong Cụ. Ðầu năm 1996 Cụ Thủ tướng xin tôi giúp Cụ tìm hiểu giáo lý của Chúa. Suốt gần một năm, cứ mỗi ngày Thứ Bảy, Cụ lái xe lên nhà thờ của tôi ở Saratoga học giáo lý. Chúng tôi thỏa thuận với nhau mỗi lần học là 2 tiếng đồng hồ, nhưng có nhiều lần kéo dài hơn 3 tiếng, vì Cụ muốn tìm hiểu cặn kẽ về giáo lý và cuộc sống của người Kitô hữu, nhất là gương sống của các thánh trong giáo hội. Tôi cung cấp sách cho Cụ đọc, thế là cả trò lẫn thầy đào sâu nhiều vấn đề đạo cũng như đời. Cụ Nguyễn bá Cẩn có kiến thức rất rộng về chính trị, kinh tế, quân sự và xã hội. Ðiều quan trọng là Cụ dùng cái học của mình để phục vụ Tổ Quốc và Dân Tộc. Ðến cuối năm 1996, vào ngày 7 tháng 12 tôi cử hành Bí tích Thánh tẩy cho Cụ. Khi chọn thánh bổn mạng Cụ chọn Thánh Phêrô và nói: cha chọn Thánh Phaolô cho nên con phải chọn Thánh Phêrô, vì Phêrô và Phaolô thường đi đôi với nhau. Tôi nói: Cụ có tài lãnh đạo, Cụ điều khiển chính phủ, Cụ chọn Phêrô hợp lắm, mà Cụ biết không Phêrô là boss của Phaolô đó, như vậy là 'con hơn cha...'

Kính thưa quí vị,
Khi chọn bài đọc Phúc âm cho Thánh lễ An táng Cụ Thủ tướng Nguyễn bá Cẩn hôm nay, tôi đã trở lại môt trong những bài giáo lý tôi hướng dẫn Cụ đó là đoạn Phúc âm Thánh Matthêu về bài giảng trên núi của Chúa Giêsu: Tám Mối Phúc Thật.

Chúa nói: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước trời là của họ. Phúc thay ai hiền lành vì họ sẽ được Ðất hứa làm gia nghiệp. Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên chúa ủi an. Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên chúa cho thỏa lòng. Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên chúa xót thương. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên chúa. Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước trời là của họ. Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta xỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao. Ở phần cắt nghĩa và thảo luận, tôi nói với Cụ: đây là bản hiến chương Nước Trời, sống đúng theo hiến chương nầy chúng ta được bảo đảm hạnh phúc Thiên đàng.

Hôm nay cùng với Cụ Bà Elizabeth và các con, chúng ta cám ơn Thượng đế, cám ơn Thiên chúa đã cho chúng ta một món quà quí giá một gương mẫu sống như lời Cụ tâm sự: "Tổng kết cuộc đời, tôi đã lãm việc gần 30 năm cho VNCH và 20 năm cho đại tư bản Hoa Kỳ. Suốt 50 năm không nghỉ ngơi! Tại vùng Vịnh của San Francisco này, mỗi ngày tôi phải lái xe trên 100 miles để đi làm... về nhà thì giặt giũ, phụ giúp việc nội trợ, vệ sinh... tôi làm mọi việc mà vẫn thấy yêu đời, yêu cuộc sống, bởi lương tâm tôi thanh thản vì đã phụng sự cho Tổ Quốc mà chưa hề làm gì tổn hại cho Tổ Quốc và đồng bào. Ðối với gia đình thì tôi vẫn luôn luôn là người chồng, người cha nhân ái và gương mẫu…"

Xin Chúa ban phần thưởng hạnh phúc Nước Trời cho Cụ. Tạm biệt Cụ.
LM Phaolô Lưu Đình Dương

http://vietcatholic.net/News/Html/67637.htm