Saturday, October 26, 2013

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung: Mẹ Maria là mẫu gương cho Giáo Hội

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung hơn 80 ngàn tín hữu hành hương sáng ngày 23-10-2013, ĐTC Phanxicô diễn giải về đề tài: Mẹ Maria mẫu gương của Giáo Hội, và ngài nhắn nhủ các tín hữu noi gương tin tưởng của Mẹ Maria giữa những khó khăn, gương yêu thương nhưng không như Mẹ, đối xử với nhau như anh chị em, và sống kết hiệp với Chúa Giêsu.

Huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em

Tiếp tục bài giáo lý về Giáo Hội, hôm nay tôi muốn nhìn lên Đức Mẹ Maria như hình ảnh và mẫu gương của Giáo Hội. Tôi lấy lại một kiểu nói của Công Đồng chung Vatican 2. Hiến Chế Lumen gentium, Ánh Sáng Muôn Dân, khẳng định: "Như thánh Ambrosio đã dạy, Mẹ Thiên Chúa là hình ảnh của Giáo Hội về đức tin, đức mến và sự kết hiệp hoàn hảo với Chúa Kitô" (n.63)

1. Chúng ta đi từ khía cạnh thứ nhất: Mẹ Maria như mẫu gương đức tin. Theo nghĩa nào Mẹ Maria là mẫu gương đức tin của Giáo Hội? Chúng ta hãy nghĩ xem Đức Trinh Nữ Maria là ai: là một thiếu nữ Do thái, hết lòng mong đợi ơn cứu chuộc dân tộc của mình. Nhưng trong tâm hồn người thiếu nữ Israel ấy có một bí mật mà chính Mẹ chưa biết: theo ý định tình thương của Thiên Chúa, Mẹ được tiền định trở thành Mẹ Đấng Cứu Chuộc. Trong lúc Truyền Tin, Sứ thần của Thiên Chúa gọi Mẹ là "Người đầy ơn phúc" và tỏ lộ cho Mẹ dự án ấy. Mẹ Maria thưa "xin vâng" và từ lúc ấy đức tin của Mẹ Maria nhận được ánh sáng mới: đức tin tập trung vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhận lấy xác thể từ Mẹ và nơi Chúa, mọi lời hứa của toàn thể lịch sử cứu độ được viên mãn. Đức tin của Mẹ Maria là sự viên mãn niềm tin của Israel, nơi Mẹ có tập trung trọn con đường của dân tộc trong đức tin, mong đợi ơn cứu chuộc, và theo nghĩa đó Mẹ là mẫu gương đức tin của Giáo Hội, có trọng tâm là Chúa Kitô, Đấng là hiện tình thương vô biên của Thiên Chúa.

Và Mẹ Maria đã sống niềm tin ấy như thế nào? Thưa Mẹ đã sống niềm tin ấy trong sự đơn sơ giữa hàng ngàn công việc bận rộn hằng ngày của mỗi bà mẹ, như chăm lo lương thực, quần áo, chăm sóc nhà cửa... Chính cuộc sống bình thường của Đức Mẹ là môi trường diễn ra quan hệ đặc thù và một cuộc đối thoại sâu xa giữa Mẹ và Thiên Chúa, giữa Mẹ và Chúa Con. Lời "xin vâng" của Mẹ Maria, vốn đã hoàn hảo ngay từ đầu, tăng trưởng cho đến giờ thập giá. Tại đó tình mẫu tử của Mẹ càng mở rộng, ấp ủ mỗi người chúng ta, đời sống chúng ta, để hướng dẫn chúng ta đến cùng Chúa Con. Mẹ Maria luôn sống chìm đắm trong mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, như người môn đệ đầu tiên và hoàn hảo của Chúa, suy gẫm mọi sự trong tâm hồn dưới ánh sáng của Thánh Linh, để hiểu và thực hành trọn thánh ý Thiên Chúa.

Chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta có để cho mình được đức tin của Đức Maria, Mẹ chúng ta, soi sáng hay không? Hay là chúng ta nghĩ Mẹ xa xăm và quá khác biệt với chúng ta? Trong những lúc khó khăn, thử thách, đen tối, chúng ta có nhìn lên Mẹ như mẫu gương tín thác nơi Thiên Chúa, Đấng luôn luôn mong muốn và chỉ muốn điều thiện cho chúng ta mà thôi?

2. Bước sang điểm thứ hai: Mẹ Maria là mẫu gương đức mến. Mẹ Maria là mẫu gương sống động về đức mến như thế nào cho Giáo Hội? Chúng ta hãy nghĩ đến thái độ sẵn sàng của Mẹ đối với bà chị họ Elisabeth. Khi viếng thăm bà, Đức Trinh Nữ Maria không những chỉ mang đến một sự trợ giúp vật chất, nhưng còn mang Chúa Giêsu, đang sống trong lòng Mẹ. Mang Chúa Giêsu đến nhà ấy có nghĩa là mang niềm vui, niềm vui trọn vẹn. Bà Elisabeth và ông Zaccaria vui mừng vì có thai, một điều dường như không thể xảy ra được ở tuổi già của họ, nhưng chính thiếu nữ Maria đã mang cho ông bà niềm vui tràn đầy, niềm vui đến từ Chúa Giêsu và từ Chúa Thánh Linh và biểu lộ trong tình bác ái nhưng không, trong sự chia sẻ, tương trợ, cảm thông lẫn nhau.

Đức Mẹ cũng muốn mang đến cho tất cả chúng ta, hồng ân cao cả là Chúa Giêsu, và cùng với Ngài Mẹ mang tình thương, an bình và niềm vui của Mẹ. Giáo Hội cũng vậy: giống như Mẹ Maria. Giáo Hội không phải là một cửa tiệm, một cơ quan từ thiện, không phải là một tổ chức phi chính phủ, Giáo Hội được sai đi mang Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người. Giáo Hội không mang chính mình, nhưng mang Chúa Giêsu. Và Giáo Hội phải như Mẹ Maria, khi Mẹ đi viếng bà chị họ Elisabeth. Mẹ mang gì? Thưa mang Chúa Giêsu. Đây là điểm trung tâm của Giáo Hội: mang Chúa Giêsu. Giả sử Giáo Hội không mang Chúa Giêsu nữa, thì đó là một Giáo Hội chết!

Còn chúng ta thì sao? Đâu là tình thương mà chúng ta mang đến cho tha nhân? Đó có phải là tình yêu của Chúa Giêsu, Đấng chia sẻ, tha thứ, tháp tùng, hay là một thứ tình yêu bị hóa loãng? Khi người ta làm loãng rượu, thì nó giống như nước? Phải chăng tình yêu chúng ta giống như thế, hoặc tình yêu lúc mạnh lúc yếu theo thiện cảm, tìm kiếm sự đáp trả? Một tình yêu vụ lợi. Nhưng thử hỏi: Chúa Giêsu có muốn tình yêu vụ lợi hay không? Tình yêu phải là một tình yêu nhưng không, như tình yêu của Chúa. Đâu là những quan hệ trong các giáo xứ, các cộng đoàn của chúng ta? Chúng ta có đối xử với nhau như anh chị em hay không? Hay là chúng ta đoán xét, nói xấu nhau, mỗi người chỉ chăm lo "mảnh vườn riêng" của mình?

3. Và tôi nói vắn tắt về khía cạnh cuối cùng: Mẹ Maria là mẫu gương sự kết hiệp với Chúa Kitô. Đời sống của Đức Trinh Nữ rất thánh là đời sống của một phụ nữ trong dân của Ngài; cầu nguyện, làm việc, đi đến Hội đường.. Nhưng mỗi hành động luôn được thi hành trong sự kết hiệp hoàn hảo với Chúa Giêsu. Sự kết hiệp này đạt tới tột đỉnh trên đồi Canvê: tại đây Mẹ Maria kết hiệp với Con trong cuộc tử đạo nội tậm, và trong sự dâng hiến cuộc sống cho Chúa Cha để cứu độ nhân loại. Đức Mẹ đã đón nhận sự đau khổ của Con làm của mình và cùng với Chúa Con đã chấp nhận thánh ý Chúa Cha, trong sự vâng phục mang lại hoa trái, mang lại chiến thắng đích thực trên sự ác và sự chết.

Thực tại mà Mẹ Maria dạy chúng rất là đẹp: luôn sống kết hiệp với Chúa Giêsu. Chúng ta có thể tự hỏi: phải chăng chúng ta chỉ nhớ đến Chúa Giêsu khi có điều gì không ổn và chúng ta cần một cái gì đó, hoặc chúng ta có một tương quan liên lỷ, một tình bạn sâu xa, cả khi phải theo Chúa trên con đường thập giá?

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân thánh, sức mạnh của Ngài để trong cuộc sống chúng ta và trong đời sống của mỗi cộng đoàn Giáo Hội có phản ánh mẫu gương của Đức Maria, Mẹ Giáo Hội.

Chào thăm các tín hữu

Sau bài giáo lý trên đây, các giám chức và LM tại Tòa Thánh đã lần lượt tóm tắt ý chính bài huấn giáo của ĐTC, cũng như dịch những lời chào của ngài từ tiếng Ý sang các ngôn ngữ chính.

Chào các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC nhắc đến các tín hữu thuộc giáo phận Angoulême do Đức Cha Dagens hướng dẫn, và nhiều nhóm giáo xứ, người trẻ, đến từ Pháp, Thụy Sĩ và Bỉ.

Ngỏ lời với các tín hữu nói tiếng Anh, đến từ Anh quốc, Ailen, Đan Mạch, Na Uy, và từ nhiều nước Á châu như Ấn độ, Nhật Bản, Philippines, Thái Lan, ĐTC đặc biệt nhắc đến một nhóm liên quốc hội liên đảng tại Anh quốc về Tòa Thánh.

Khi chào đông đảo các tín hữu hành hương đến từ nước Đức, ĐTC nói đến các đoàn từ Đan Mạch và nhiều giáo phận Đức về Roma hành hương nhân dịp kỷ niệm 25 năm phong chân phước Niels Stensen, dưới sự hướng dẫn của ĐHY Meisner TGM giáo phận Koeln.

Với các tín hữu Ba Lan, ĐTC mời gọi họ trong tháng 10 này cầu nguyện cách riêng cho hòa bình trên thế giới, và sự phục hồi các giá trị Tin Mừng.

Sau cùng, khi chào các phái đoàn bằng tiếng Ý, ĐTC nhắn nhủ rằng tháng 10 nhắc nhớ chúng ta về sự dấn thân của mỗi người trong sứ mạng loan báo Tin Mừng. Ngài nói: "Các bạn trẻ thân mến, đặc biệt các chủng sinh ở Verona, và những người trẻ từ giáo phận Manfredonia-Vieste- San Giovanni Rotondo miền nam Italia, các con hãy trở thành những chứng nhân can đảm của đức tin Kitô. Và hỡi anh chị em bệnh nhân thân mến,hãy dâng thánh giá hằng ngày của anh chị em để cầu cho sự hoán cải những người xa lìa ánh sáng Tin Mừng; và sau cùng, hỡi các đôi tân hôn, anh chị em hãy trở thành những người loan báo tình thương của Chúa Kitô, đi từ gia đình của anh chị em."

G. Trần Đức Anh OP
http://vi.radiovaticana.va/news/2013/10/23/%C4%91%E1%BB%A9c_th%C3%A1nh_cha_ti%E1%BA%BFp_ki%E1%BA%BFn_chung:_m%E1%BA%B9_maria_l%C3%A0_m%E1%BA%ABu_g%C6%B0%C6%A1ng_cho_gi%C3%A1o_h%E1%BB%99i/vie-740013

Monday, October 14, 2013

Các Câu Lạy

Lạy rất thánh trái tim Đức Chúa Giêsu,
 - Thương xót chúng con.

Lạy trái tim cực thanh cực tịnh rất thánh Đức Bà Maria,
- Cầu cho chúng con.

Lạy ông thánh Giuse là bạn thanh sạch Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh,
- Cầu cho chúng con.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam,
- Cầu cho chúng con.

Nữ Vương ban sự bằng an,
- Cầu cho chúng con.

Kinh Trông Cậy

Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ đồng trinh, hiển vinh sáng láng.
- Hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

Kinh Lạy Nữ Vương

Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy. Thân lạy Mẹ, chúng con, con cháu E-và ở chốn khách đầy, kêu đến cùng Bà; Chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khấn Bà thương. Hỡi ôi! Bà là Chúa bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con. Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu, Con lòng Bà gồm phúc lạ.

Ôi khoan thay! nhân thay! dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.

Kinh Tin Kính

Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất. Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh: chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Philatô, chịu đóng đanh trên cây Thánh-giá, chết và táng xác; xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại; lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết. Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần. Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các thánh thông công. Tôi tin phép tha tội. Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen.

Kinh Sáng Danh

Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen.

Kinh Kính Mừng

Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

Kinh Lạy Cha

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

Kinh Đức Chúa Thánh Thần

Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng. Chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống, đầy lòng chúng con là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con; chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.

- Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.

Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dậy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rầy chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống, yên ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành, vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.

Sunday, October 6, 2013

TIN VÀ KHIÊM HẠ

Chúa Nhật 27 Thường Niên Năm C
Kb 1, 2-3; 2, 2-4, 2 Tm 1, 6-8.13.14, Lc 17, 5-10

Nói đi nói lại, nói tới nói lui, căn cốt nhất của đời người vẫn là niềm tin. Niềm tin làm cho con người vững sống và vui sống. Khi con người tin vào Chúa, vào Thượng Đế, vào Ông Trời của đời mình thì mọi chuyện êm ả vì có Chúa, có Thượng Đế, có Ông Trời lo. Và vì thế, cũng chẳng lạ gì khi cuộc sống gặp khó khăn, thử thách người ta vẫn thường chạy đến Chúa, đến Thượng Đế, đến Ông Trời của mình.

Tâm tình cầu khẩn Đức Chúa của mình khi gặp thử thách gian nan được tiên tri Khabacuc ghi lại thật dễ thương. Dân chúng lâm vào cảnh khốn cùng và đã than thở với Đức Chúa của mình rằng :

Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa,
con kêu cứu mà Ngài chẳng đoái nghe,
con la lên: "Bạo tàn! " mà Ngài không cứu vớt?
Sao Ngài bắt con phải chứng kiến tội ác hoài,
còn Ngài cứ đứng nhìn cảnh khổ đau?
Trước mắt con, toàn là cảnh phá phách, bạo tàn,
chỗ nào cũng thấy tranh chấp và cãi cọ.

Tiếng kêu cầu ấy đã "thấu tai" Đức Chúa và Đức Chúa trả lời :

"Hãy viết lại thị kiến
và khắc vào tấm bia cho ai nấy đọc được xuôi chảy.
Đó là một thị kiến sẽ xảy ra vào thời ấn định.
Nó đang tiến nhanh tới chỗ hoàn thành,
chứ không làm cho ai thất vọng.
Nếu nó chậm tới, thì cứ đợi chờ,
vì thế nào nó cũng đến, chứ không trì hoãn đâu.
Này đây, ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục,
còn người công chính thì sẽ được sống,
nhờ lòng thành tín của mình."

Nghe tiếng kêu than của dân, Đức Chúa đã quả quyết : Ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục còn người công chính thì sẽ được sống nhờ lòng thành tín của mình.

Lời ai oán, lời chất vấn về Thiên Chúa, về Đức Chúa của mình không chỉ ở thời của vị ngôn sứ Khabacuc mà ở mãi mọi thời.

Thời Khabacuc, Đức Chúa còn ở xa dân chúng thì dân chúng kêu gào Đức Chúa cứu giúp mình khi gặp thử thách gian nan là chuyện hợp lý, là chuyện dĩ nhiên.

Hôm nay, chúng ta được Thánh Luca thuật lại cũng những lời chất vấn về niềm tin nhưng chất vấn một cách trực tiếp với chính Chúa Giêsu. Nghĩ về các môn đệ, ắt hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên và buồn cười khi Thầy Giêsu sống với mình, đồng hành với mình mà lòng tin còn trục trặt, còn lung lay. Có lẽ "cây kim trong bọc có ngày cũng lòi ra" để rồi các môn đệ nói với Chúa Giêsu luôn : "Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con." Nghe xong, Chúa Giêsu trả lời : "Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc", nó cũng sẽ vâng lời anh em."

Câu trả lời thật bí nhim ! Lớn bằng hạt cải là bao nhiêu ? Hạt cải bé xíu xiu ấy vậy mà Chúa Giêsu lại đòi lòng tin lớn bằng hạt cải. Hình ảnh về lòng tin hết sức là trừu tượng và khó hiểu. Hạt cải vô cùng bé và Chúa Giêsu cũng mời gọi các môn đệ "Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải" thôi. Hạt cải thật nhỏ bé đấy nhưng lòng tin nhỏ như hạt cải cũng khó khăn lắm để mà có.

Thử thách luôn luôn có trong cuộc đời chúng ta nhưng liệu rằng khi ấy có niềm tin hay không mà thôi.

Một lần vào bệnh viện thăm cha già nọ, trên con đường ra cổng thì thấy một nữ tu quen thuộc. Hỏi thăm thì nữ tu ấy cho biết em mình đang nằm cấp cứu. Em của sơ cũng là người thân quen trong niềm tin Kitô giáo thôi.

Vào thăm bệnh nhân đang nằm trong phòng cấp cứu mới niệm thấy những biến cố của cuộc đời. Bệnh nhân đi làm thợ hồ, thứ Bảy, dọn dẹp chuẩn bị về thì bị ngã vào cạnh bàn bằng kính. Thế là toàn thân của anh bị mặt kiếng rạch một đường thật dài và thật sâu. Máu lai láng băng-ca. Uống thuốc cầm máu vô hiệu quả. Bác sĩ thấy nguy kịch nên khâu sống ngay tại chỗ chứ không dám đợi đến lúc đưa vào phòng mổ.

Đau đớn tột cùng khi khâu da, khâu cơ và động mạch !

Bệnh nhân đâu có tội đâu có lỗi gì để mà đón nhận tai nạn quá nghiệt ngã như vậy. Thử hỏi nếu đặt trường hợp này vào niềm tin thì ta có bối rối không ? Tại sao Chúa lại để như thế này ? Trong lúc đau đớn bệnh nhân cũng sẽ hỏi Chúa ở đâu như dân Israel ngày xưa hỏi Chúa. Trong lúc đau đớn như thế này thì bệnh nhân cũng phải thốt lên như các môn đệ là xin thêm lòng tin. Chính lúc đau đớn tột cùng này là lúc thử thách của lòng tin.

Nhìn lại cuộc đời của các môn đệ chúng ta thấy rõ điều này. Giữa biết bao nhiêu phong ba bão táp của cuộc đời, nhiều lần nhiều lúc lòng tin của các Ngài phải nói là đứng bên bờ vực thẳm nhưng may quá, lòng tin khi đứng bên bờ vực thẳm của các ngài vừa đủ lớn như hạt cải để rồi các Ngài đã thành công.

Về lòng tin, Thánh Phaolô đã khuyên nhủ Timôthê môn đệ của Ngài qua đoạn thư mà chúng ta vừa nghe : Vì lý do đó, tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh. Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ. Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng. Với đức tin và đức mến của một người được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su, anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy. Giáo lý tốt đẹp đã giao phó cho anh, anh hãy bảo toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta.

Thánh Phaolô đã dặn Timôthê rằng với đức tin và đức mến của một người kết hợp với Đức Kitô thì cuộc đời của anh sẽ tốt đẹp. Nhờ Thánh Thần ngự trong mỗi người thì chúng ta sẽ không nhút nhát, được đầy tình thương và sức mạnh.

Quả thật, ngay cả Thánh Phaolô, các tông đồ và những ai tin và kết hợp mật thiết với Chúa thì cuộc đời sinh viên thành công và sinh viên được hưởng phần phúc Chúa hứa sinh viên ban cho.

Hôm nay, Chúa Giêsu không chỉ mời gọi các môn đệ về niềm tin nhưng Ngài đi một bước xa nữa là lòng khiêm hạ. Niềm tin và lòng khiêm hạ thường vẫn đi đôi với nhau. Hễ đã tin, đã tín thác vào Chúa thì cũng khiêm hạ trao phó cuộc đời của mình trong vòng tay quan phòng của Ngài. Chúa Giêsu dạy các môn đệ : "Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: "Mau vào ăn cơm đi", chứ không bảo: "Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau! ? Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi."

"Những đầy tớ vô dụng" : câu nói hết sức khiêm nhường và dễ thương.
Con người vẫn thường kẹt trong cái giằng co của chủ và tớ. Nhiều người vẫn nghĩ và cho mình là chủ cuộc đời của mình để rồi mình huyên hoang tự cao tự đại. Nghĩ một cách chính xác, nghĩ một cách nghiêm túc thì mỗi người đều nằm trong lòng bàn tay của Chúa thôi. Ấy vậy mà người ta quên đi cái căn tính của mình, người ta đã hoán đổi vị trí của mình để cho mình làm chủ cuộc đời. Người chủ đích thực ấy chính là Chúa chứ không phải là con người.

Đặt mình vào vị trí của ông chủ. Ông chủ sẽ khen, sẽ rất thích những người đầy tớ khiêm hạ. Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta cũng sống tâm tình khiêm hạ cho rằng mình chỉ là những đầy tớ vô dụng mà thôi.

Vẫn còn đó những thử thách về lòng tin. Vẫn còn đó những thử thách về lòng kiêu ngạo của con người. Thế nhưng những thử thách lòng tin, những thử thách về lòng kiêu ngạo sẽ tan biến mất khi ta sống kết hợp mật thiết với Chúa và hoàn toàn tín thác cuộc đời của ta vào trong lòng bàn tay của Thiên Chúa.

"Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con." Chúng ta hãy bắt chước các môn đệ ngày xưa để chạy đến với Chúa Giêsu xin Chúa ban cho ta thêm lòng tin để sống giữa cuộc đời đầy phong ba thử thách này.

Lm. Anmai, C.Ss.R.
(2 tháng 10-2010)

Friday, October 4, 2013

Homily Of Holy Father Francis at Saint Francis Square, Assisi.

HOMILY OF HOLY FATHER FRANCIS

Saint Francis Square, Assisi
Friday, 4 October 2013

I give you thanks, Father, Lord of heaven and earth, for you have hidden these things from the wise and understanding, and revealed them to babes” (Mt 11:25).

Peace and all good to each and every one of you! With this Franciscan greeting I thank you for being here, in this Square so full of history and faith, to pray together.

Today, I too have come, like countless other pilgrims, to give thanks to the Father for all that he wished to reveal to one of the “little ones” mentioned in today’s Gospel: Francis, the son of a wealthy merchant of Assisi. His encounter with Jesus led him to strip himself of an easy and carefree life in order to espouse “Lady Poverty” and to live as a true son of our heavenly Father. This decision of Saint Francis was a radical way of imitating Christ: he clothed himself anew, putting on Christ, who, though he was rich, became poor in order to make us rich by his poverty (cf. 2 Cor 8:9). In all of Francis’ life, love for the poor and the imitation of Christ in his poverty were inseparably united, like the two sides of the same coin.

What does Saint Francis’s witness tell us today? What does he have to say to us, not merely with words – that is easy enough – but by his life?

1. The first thing he tells us is this: that being a Christian means having a living relationship with the person of Jesus; it means putting on Christ, being conformed to him.

Where did Francis’s journey to Christ begin? It began with the gaze of the crucified Jesus. With letting Jesus look at us at the very moment that he gives his life for us and draws us to himself. Francis experienced this in a special way in the Church of San Damiano, as he prayed before the cross which I too will have an opportunity to venerate. On that cross, Jesus is depicted not as dead, but alive! Blood is flowing from his wounded hands, feet and side, but that blood speaks of life. Jesus’ eyes are not closed but open, wide open: he looks at us in a way that touches our hearts. The cross does not speak to us about defeat and failure; paradoxically, it speaks to us about a death which is life, a death which gives life, for it speaks to us of love, the love of God incarnate, a love which does not die, but triumphs over evil and death. When we let the crucified Jesus gaze upon us, we are re-created, we become “a new creation”. Everything else starts with this: the experience of transforming grace, the experience of being loved for no merits of our own, in spite of our being sinners. That is why Saint Francis could say with Saint Paul: “Far be it for me to glory except in the cross of our Lord Jesus Christ” (Gal 6:14).

We turn to you, Francis, and we ask you: Teach us to remain before the cross, to let the crucified Christ gaze upon us, to let ourselves be forgiven, and recreated by his love.

2. In today’s Gospel we heard these words: “Come to me, all who labour and are heavy laden, and I will give you rest. Take my yoke upon you and learn from me, for I am gentle and lowly in heart” (Mt 11:28-29).

This is the second witness that Francis gives us: that everyone who follows Christ receives true peace, the peace that Christ alone can give, a peace which the world cannot give. Many people, when they think of Saint Francis, think of peace; very few people however go deeper. What is the peace which Francis received, experienced and lived, and which he passes on to us? It is the peace of Christ, which is born of the greatest love of all, the love of the cross. It is the peace which the Risen Jesus gave to his disciples when he stood in their midst (cf. Jn 20:19-20).

Franciscan peace is not something saccharine. Hardly! That is not the real Saint Francis! Nor is it a kind of pantheistic harmony with forces of the cosmos… That is not Franciscan either! It is not Franciscan, but a notion that some people have invented! The peace of Saint Francis is the peace of Christ, and it is found by those who “take up” their “yoke”, namely, Christ’s commandment: Love one another as I have loved you (cf. Jn 13:34; 15:12). This yoke cannot be borne with arrogance, presumption or pride, but only with meekness and humbleness of heart.

We turn to you, Francis, and we ask you: Teach us to be “instruments of peace”, of that peace which has its source in God, the peace which Jesus has brought us.

3. Francis began the Canticle of the Creatures with these words: “Praised may you be, Most High, All-powerful God, good Lord… by all your creatures (FF, 1820). Love for all creation, for its harmony. Saint Francis of Assisi bears witness to the need to respect all that God has created and as he created it, without manipulating and destroying creation; rather to help it grow, to become more beautiful and more like what God created it to be. And above all, Saint Francis witnesses to respect for everyone, he testifies that each of us is called to protect our neighbour, that the human person is at the centre of creation, at the place where God – our creator – willed that we should be. Not at the mercy of the idols we have created! Harmony and peace! Francis was a man of harmony and peace. From this City of Peace, I repeat with all the strength and the meekness of love: Let us respect creation, let us not be instruments of destruction! Let us respect each human being. May there be an end to armed conflicts which cover the earth with blood; may the clash of arms be silenced; and everywhere may hatred yield to love, injury to pardon, and discord to unity. Let us listen to the cry of all those who are weeping, who are suffering and who are dying because of violence, terrorism or war, in the Holy Land, so dear to Saint Francis, in Syria, throughout the Middle East and everywhere in the world.

We turn to you, Francis, and we ask you: Obtain for us God’s gift of harmony, peace and respect for creation!

Finally, I cannot forget the fact that today Italy celebrates Saint Francis as her patron saint. I greet all the Italian people, represented by the Head of Government, who is present among us. The traditional offering of oil for the votive lamp, which this year is given by the Region of Umbria, is an expression of this. Let us pray for Italy, that everyone will always work for the common good, and look more to what unites us, rather than what divides us.

I make my own the prayer of Saint Francis for Assisi, for Italy and for the world: “I pray to you, Lord Jesus Christ, Father of mercies: Do not look upon our ingratitude, but always keep in mind the surpassing goodness which you have shown to this City. Grant that it may always be the home of men and women who know you in truth and who glorify your most holy and glorious name, now and for all ages. Amen.” (The Mirror of Perfection, 124: FF, 1824).

+ Pope Francis

Source: http://www.vatican.va/holy_father/francesco/homilies/2013/documents/papa-francesco_20131004_omelia-visita-assisi_en.html

Thursday, October 3, 2013

Lần Hạt Mân Côi


  1. Làm dấu Thánh Giá và đọc Kinh Tin Kính
  2. Kinh Lạy Cha
  3. Ba Kinh Kính Mừng
  4. Kinh Sáng Danh
  5. Sau mỗi màu nhiệm:
  • Kinh Lạy Cha
  • 10 Kinh Kính Mừng.
  • Kinh Sáng Danh
  • Lời nguyện Mân Côi: "Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con. Xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhầt là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn."
  1. Kinh Lạy Nữ Vương, Kinh Trông CậyCác Câu Lạy
  2. Làm dấu Thánh Giá.

Năm Sự Vui  (Thứ Hai, Thứ Bảy):
Thứ nhất thì ngắm: Thiên thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.
Thứ hai thì ngắm: Đức Đà đi viếng Bà Thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người.
Thứ ba thì ngắm: Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu trong hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.
Thứ tư thì ngắm: Đức Bà dâng Đức Chúa Giêsu trong đền Thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.
Thứ năm thì ngắm: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giêsu trong Đền thánh. Ta hãy xin cho đươc giữ nghĩa cùng Chúa luôn.

Năm Sự Thương (Thứ Ba, Thứ Sáu):
Thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.
Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.
Thứ ba thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.
Thứ tư thì ngắm: Đức Chúa Giêsu vác Thánh Giá. Ta hãy xin cho được vác Thánh Giá theo chân Chúa.
Thứ năm thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh Giá. Ta hãy xin đóng đanh tính xác thịt vào Thánh Giá Chúa.

Năm Sự Mừng (Thứ Tư, Chúa Nhật):
Thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.
Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.
Thứ ba thì ngắm: Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.
Thứ tư thì ngắm: Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời. Ta hãy xin ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.
Thứ năm thì ngắm: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên nước thiên đàng.

Năm Sự Sáng (Thứ Năm):
Thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu phép Rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa.
Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu dự tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng của Ngài.
Thứ ba thì ngắm: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy xin cho được hoán cải và đón nhận Tin Mừng.
Thứ tư thì ngắm: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ta hãy xin cho được lắng nghe và thực hành lời Chúa.
Thứ năm thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Ta hãy xin cho được năng kết hiệp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể.

Wednesday, October 2, 2013

Trách Nhiệm Với Nhau

Chúa nhật 26 thường niên, năm C-2013

Người giầu. Người nghèo. Người cùng khốn. Xã hội nào, thời đại nào cũng
có những lớp người đó. Nhưng khi kể dụ ngôn Lagiarô và người giầu có,
Chúa không chú trọng đến giầu hay nghèo cho bằng cách người ta dùng tiền
của của mình. Tiền của Chúa ban cho con người không phải là để phục vụ
cho riêng mình, nhưng như người quản lý, con người phải dùng nó theo ý
của chủ, nghĩa là phải dùng nó để phục vụ người khác. Vì thế, giúp đỡ
người nghèo khó được coi là một trách nhiệm.

Từ thời Cựu ước, lề luật và các tiên tri đã dạy dân riêng của Chúa phải
biết cho người đói ăn, chăm sóc cô nhi quả phụ, đối xử công bằng với
ngoại kiều... Nói khác đi, là có sự quan tâm đối với anh chị em đồng
loại. Mối quan tâm này không phải chỉ là quan tâm suông, nhưng là cần có
những việc cụ thể. Và đó là điều người giầu có đã không làm. Ông ăn sung
mặc sướng suốt cuộc đời. Thân thì mang vải gấm; của ăn thì toàn là cao
lương mỹ vị. Trong khi Lagiarô thân mang ghẻ lở; ước mong được ăn những
mẩu bánh rớt xuống từ trên bàn ăn mà cũng không được. Ấy vậy, mà người
giầu không một chút quan tâm. Ông đã vô cảm trước những khốn khổ của một
người anh em đồng loại.

Xã hội chúng ta đang sống cũng đầy dẫy những người nghèo khó. Hình ảnh
những em bé chỉ còn da bọc xương ở Phi Châu; những người vô gia cư co ro
dưới gầm cầu trong đêm giá lạnh ở nhiều nơi trên nước Mỹ; những người
tàn tật què quặt không ai chấp chứa ở Việt Nam. Đó là những hình ảnh
chúng ta đã thấy qua TV, báo chí, và có khi, chúng ta đã thấy tận mắt.
Có lẽ cũng vì vậy mà lòng chúng ta phần nào đã bị chai cứng khi đứng
trước những khổ đau của tha nhân.

Gia đình ông Jones Gunn một hôm đang trên đường về thì bị dừng lại vì
đèn đỏ. Vừa dừng lại, thì một bà bế một em bé trên tay đến xin tiền để
mua sữa cho con. Ông Jones rút một tờ 20 đồng cho bà. Bà vợ cảm thấy hơi
khó chịu vì gia đình đâu giầu có gì, nhưng chưa kịp có phản ứng gì thì
cô con gái 7 tuổi lên tiếng: "Ba có nghĩ là bà ấy đi mua sữa không?" "Ba
không biết!" Cậu con trai 11 tuổi hỏi tiếp: "Vậy tại sao ba lại cho bà
ấy tiền?" "Vì Chúa muốn chúng ta là những người cho đi một cách vui vẻ.
Ba không phải chịu trách nhiệm về cách bà ấy dùng số tiền đó. Bà ấy sẽ
phải trả lẽ với Chúa. Ba chỉ chịu trách nhiệm về phần của ba." Thực tế
là không phải là dễ để có thể phân biệt khi phải đối diện với những hoàn
cảnh tương tự như ông Jones Gunn, nhưng nếu chúng ta luôn đặt vấn đề để
rồi từ chối không giúp đỡ, thì có lẽ chúng ta cần xét lại thái độ của mình.

Dù sao, điều quan trọng khi nghe lời Chúa hôm nay, là chúng ta cần nhìn
lại lòng mình, để xem mình có còn cảm thông, còn đau xót, khi chứng kiến
những khổ đau của người khác hay không. Một khi có lòng cảm thông đó,
với ơn Chúa, chúng ta sẽ biết nên phải có thái độ và hành vi nào.

Lm. Cao Vũ Nghi, CMC