Tuesday, 18 May 2010 05:52 Nữ Vương Công Lý
Thưa quý vị độc giả,
Như trong "Thư gửi quý vị độc giả", bắt đầu từ hôm nay, chúng tôi sẽ khởi đăng loạt bài "Sự kiện Ngô Quang Kiệt".
Đức Tổng Giám mục đã ra đi khỏi TGPHN như những gì chúng tôi đã loan tin, ngài ra đi trong im lặng, trong đêm tối. Ngài ra đi trong sự đau đớn, luyến tiếc của giáo dân và những người yêu công lý, sự thật. Có vẻ như “Cuộc khổ nạn Ngô Quang Kiệt” đã đến hồi kết?
Không phải vậy, mọi vấn đề vẫn còn đang phía trước. Bởi cuộc khổ nạn Ngô Quang Kiệt, thực chất chỉ là bước mở đầu, điểm nút cho một “cuộc khổ nạn” khác của Giáo hội Công giáo Việt Nam với mô hình giáo hội “Phúc âm - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” là mục đích.
Chúng ta cần hiểu được điều này: Thời gian qua, không thể có cách nói nào xuyên tạc được sự thật là Đức TGMHN buộc phải ra đi khỏi ngai Tòa TGMHN vì những yêu cầu của chính nhà nước Cộng sản Việt Nam. Bằng con đường nào, bằng cách nào để họ thực hiện được điều đó là điều cần nói tới.
Sự phản kháng mãnh liệt của giáo dân Hà Nội và khắp nơi với quyết định này, thực chất là sự phản kháng việc can thiệp vào tôn giáo, nhất là Giáo hội Công giáo VN của nhà cầm quyền CSVN. Điều đó làm cho nhà cầm quyền CSVN rất đau nhưng không thể can thiệp, và nguy cơ bạch hóa đường dây họ đã mất công cài cắm bấy lâu nay bị bại lộ càng làm cho họ mất ăn mất ngủ mà không thể trực tiếp can thiệp. Hiện họ đang dùng bộ máy công an và an ninh theo dõi và làm việc này.
Nhiều người cho rằng, GHCGVN sẽ bị ảnh hưởng? Tất nhiên, sau mấy chục năm can thiệp khi trắng trợn, khi âm thầm cách tinh vị vào từng giai đoạn, từng công việc, nhất là nhân sự, chính quyền CSVN đã đạt được một số kết quả nhất định là cài cắm một số nhân vật thỏa hiệp, buông xuôi hoặc bị “tóm gót chân Asin” vào những vị trí có ảnh hưởng đến GHCGVN và sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu vô lý của nhà cầm quyền CSVN mà vụ việc TGMHN Giuse Ngô Quang Kiệt là điển hình.
Vì thế, việc bóc trần những âm mưu, những thủ đoạn này sẽ liên quan đến một số nhân vật trong GHCGVN mà nhiều người chưa nhìn thấy được bản chất, sự thật sẽ dẫn đến những hoang mang và nghi kỵ.
Nhưng không thể cứ để Giáo hội CGVN dần dần đi theo “sự lãnh đạo sáng suốt của đảng” và biến GHCGVN thành cái vỏ bọc, chỉ còn là hình thức.
Những điều không thể nói ra từ Đức TGM
Lá thư từ biệt của Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt ngày 13/5/2010, cũng như bài phỏng vấn Ngài trên website của Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) được đưa ra để giải thích bằng nhiều cách khác nhau cho “sự kiện Ngô Quang Kiệt”.
Nhiều trang mạng cũng như những người có trách nhiệm, lo ngại cho uy tín của một số người liên quan đã đưa ra lời giải thích nhằm trấn an dư luận trước nỗi bất bình của giáo dân khi nghe tin về sự ra đi của Đức TGM này với nhiều câu hỏi khác nhau chưa có lời giải.
Nhiều người đọc bài phỏng vấn cũng như lá thư để lại của ngài, đã có thể không hiểu hết những sự thật ẩn giấu khéo léo đằng sau những lời viết, câu nói đó.
Nói cách khác, trong hoàn cảnh của Đức GM Giuse Ngô Quang Kiệt thời gian qua, nhiều sự thật được ngài nói ra với phương pháp “ý tại ngôn ngoại”. Những sự thật về sự kiện này, theo như lời ngài nói trong một cuộc họp với linh mục đoàn Hà Nội, thì “không phải ai cũng hiểu hết vì không phải ai cũng có trình độ để hiểu”.
Đằng sau những lời nói, những câu chữ đó là gì? Trước khi tìm hiểu những vấn đề đó, chúng ta hãy nhìn nhận lại vị TGMHN kiên cường này đúng thực chất và hoàn cảnh của ngài.
Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt - Ngài là ai?
Chắc hẳn ít có ai không hiểu về thân thế sự nghiệp của Đức GM Giuse Ngô Quang Kiệt nếu họ chú ý đến những thông tin về giáo hội VN những ngày qua. Nhưng có những sự kiện chắc rằng mọi người không được thông tin nhiều bởi nhiều lẽ:
- Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt là người đã chấp nhận nhiều áp lực khi đứng lên đồng hành cùng giáo dân, nỗi cô đơn của ngài vấp phải lại chính từ một số GM trong GHCGVN. Trong khi là người đơn sơ, thánh thiện và không chứa chấp mưu mô thế gian nên ngài đã bị ăn từ quả lừa này đến quả lừa khác một cách cay đắng kể cả từ lãnh đạo cộng sản VN, thậm chí từ một số đấng bậc có thế giá trong Giáo hội. Đến nỗi cuối cùng, khi nói chuyện với một số người thân tín, ngài đã phải thốt ra “tôi sợ rồi, tôi đã bị lừa quá nhiều nên tôi sợ”.
- Trong vai trò là người đứng đầu Tòa TGMHN, một nơi đầy sóng gió, ngài đã được sự yêu mến nhiệt thành của giáo dân, ngài không muốn tất cả được huỵch toẹt nói ra, sẽ ảnh hưởng lớn lao đến Giáo hội, đặc biệt là sự kính trọng cần thiết trong phẩm trật giáo hội. Ngài sợ rằng điều đó sẽ dẫn đến sự chia rẽ, sự nghi kỵ mà chính CSVN đang muốn có để tấn công GHVN, chính vì vậy ngài không nói ra những điều bất thường trong các vụ việc liên quan đến ngài một cách thẳng thừng.
- Với cá nhân ngài, ngài chấp nhận khi đã có bước đi lỡ bước, nhất là trong việc viết đơn từ chức trong hoàn cảnh bó buộc “không thể khác” như ngài đã nói. Chính việc viết đơn từ chức này là nỗi đau và sự ân hận của ngài khi giáo dân thể hiện sự yêu quý ngài cách mạnh mẽ và nhiệt thành. Vì vậy, ngày đã nói trong cuộc họp các linh mục đón Đức TGM Phó Nguyễn Văn Nhơn rằng: “Nếu nói rằng có tội thì con là người có tội lớn nhất đã gây ra sự việc này”.
- Sự ra đi của ngài, đúng là vì quyền lợi của giáo hội, của giáo phận và tín hữu Hà Nội, bởi nếu ngài ở lại, chắc chắn ngài sẽ không được yên như đã từng không được yên bởi ngoài những mưu mô của nhà cầm quyền cộng sản, thì còn bị áp lực bởi một số vị giám mục đồng nhiệm của ngài.
Những giám mục này là ai? Chúng tôi sẽ trình bày lần lượt với quý vị độc giả.
Xin nhắc lại rằng, không phải toàn bộ các giám mục trong HĐGMVN, mà thực chất trong đó chỉ có một đường dây, một nhóm có thế lực đã khuynh loát tất cả. Chỉ tiếc rằng, đa số các vị còn lại với tinh thần đơn sơ, đặc biệt là HĐGMVN là một tổ chức chưa có một quy tắc, một điều nào quy định trong giáo luật về ứng xử, về vận hành… nên hầu như đã im lặng chỉ chăm chú cho giáo phận của mình và nhóm này mặc sức khuynh loát, hướng dẫn.
Và nếu khi không thể yên, nếu có những phản kháng của ngài chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đối với toàn thế TGPHN và cả giáo hội công giáo VN.
Vì vậy, ngài chấp nhận tất cả, ngài bị dồn vào thế “đau nhưng không được kêu”, không yêu vẫn phải nói rằng “tôi mến”.
Nếu cho đến nay, một số người vẫn “cố đấm ăn xôi”, bất chấp sự sám hối và nhìn nhận theo đường lối ngay thẳng. Thì những sự thật cần minh bạch rõ ràng, để giáo dân hiểu hơn không chỉ về cá nhân Đức GM Giuse Ngô Quang Kiệt, mà ẩn giấu đằng sau đó là một loạt những âm mưu, những hành động có nguy cơ dẫn Giáo hội VN đi theo con đường của những kẻ vô thần can thiệp và dẫn dắt.
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt bước lên “vũ đài” từ khi nào?
Khi Đức Giám mục Lạng Sơn Ngô Quang Kiệt được bổ nhiệm làm Giám quản Tông tòa và rồi Tổng Giám mục Hà Nội, mọi chuyện tưởng như bình thường nhưng bắt đầu đã có những thay đổi thể hiện bản lĩnh của một vị chủ chăn xác định được cái gì thuộc quyền của mình và những gì thuộc quyền của giáo dân. Tuy quan hệ với các cơ quan chính quyền vẫn bình thường, nhưng ngài đã hành động khá kiên quyết để thể hiện vài trò của mình như một sự “phá lệ” bắt đầu từ việc giành quyền Giám mục của mình phong chức cho các linh mục không cần phải xin phép đối với hai linh mục Nguyễn Văn Thật và Nguyễn Văn Phượng, mở đầu cho việc không cần xin phép thụ phong linh mục như trước đây.
Đến một ngày bình thường, khi nhìn thấy Tòa Khâm sứ bị người ta tháo dỡ sàn, mái… để bàn giao cho một ngân hàng cổ phần nào đó, thì ngài là người đứng đầu TGPHN, buộc phải lên tiếng.
Những tiếng kêu từ Tòa TGMHN xưa nay, hầu như chẳng có chút giá trị gì với nhà nước CSVN, cách đó 8 năm, Tòa Khâm sứ cũng đã từng nằm trong âm mưu cướp của chính quyền CSVN. Khi đó Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng và linh mục đoàn đã hai lần đưa kháng thư nhưng không được trả lời. Chỉ đến khi toàn TGP có phong trào lấy chữ ký và kháng thư ở tất cả các nhà thờ và được giáo dân rầm rộ hưởng ứng, thì sự việc mới dừng lại và nhà nước CSVN buộc phải bỏ dở miếng mồi béo bở, nhưng vẫn rắp tâm chiếm cướp bằng được.
Bắt đầu từ việc ngài ra văn thư kêu gọi cầu nguyện, một phong trào rầm rộ đều khắp TGP và được sự hưởng ứng khắp nơi trong và ngoài nước. Đây là cơn địa chấn đối với chế độ độc tài vốn sợ những cuộc tập hợp đông đảo người dân mà không do họ tổ chức và kiểm soát.
Rồi những ngày căng thẳng đó, phong trào cầu nguyện cho Sự Thật, Công Lý, Hòa Bình được phát triển và lan rộng đã làm nhà nước CSVN đau đầu. Nhà cầm quyền đã phải huy động cả hệ thống chính trị, nhân tài, vật lực và mọi phương tiện, bằng mọi cách kể cả phương cách nhơ bẩn nhất để hòng đánh gục được một TGM kiên cường và giáo dân Hà Nội bản lĩnh.
Và từ đó bắt đầu một “cuộc khổ nạn Ngô Quang Kiệt”.
Những khó khăn thăng trầm, những đau đớn, những đơn độc, thiếu hiệp thông… những ngón đòn được thi thố bằng nhiều cách, nhưng con bài tẩy được sử dụng cho một âm mưu…
Để cuối cùng, Đức TGMHN Giuse Ngô Quang Kiệt phải ra đi khỏi TGPHN theo đúng yêu cầu của nhà cầm quyền CSVN.
Điểm lại quá trình vừa qua, trong lịch sử GHCGVN, xuất hiện một TGM Ngô Quang Kiệt như một hiện tượng, công khai đòi tự do tôn giáo, công lý, sự thật và hòa bình.
Nữ Vương Công Lý
Kỳ tới: Hé lộ sự thật qua các phát biểu chính thức và các văn kiện Tòa Thánh
Last Updated ( Tuesday, 18 May 2010 07:01 )
No comments:
Post a Comment