Friday, May 14, 2010

Khổ Thân Đức Cha Nhơn

Như trước đây tôi đã từng viết bài “Khổ thân cha Cương” để thương xót ngài về việc có người đã từng vu khống ngài: làm đơn dâng hiến khu đất toà Khâm sứ với tư cách là linh mục quản lý, không phải chủ sở hữu. Lại đến vụ đất đai Thái Hà, tôi cũng viết bài “Khổ thân cha già Bích” cũng bị cái “tội” tương tự; nay đến chuyện Đức cha Nhơn được toà Thánh cử làm Phó Tổng Giáo phận Hà Nội, nên tôi xin đặt tựa đề bài này là: Khổ thân Đức Cha Nhơn.

Thực ra, tin Toà Thánh cử Đức cha Nhơn làm Phó Tổng Giám mục Hà Nội - xét về mặt căn bản mà không bị ảnh hưởng bởi các bình luận trái chiều khác nhau, thì theo tôi nó chỉ có ý nghĩa đơn thuần là Phó Tổng có quyền kế vị. Đức Tổng Giuse vẫn là Tổng Giám mục Hà Nội mà không nói rõ là bao giờ ngài từ chức, thuyên truyền đi nơi khác, nên theo ý nghĩa chính của tin này là: Đức cha Ngô Quang Kiệt vẫn là Tổng Giám Mục Hà Nội (mặc dù ốm đau hoặc âm mưu, âm thầm chia rẽ của một phe phái nào muốn cho ngài rời khỏi thủ đô HN). Và tôi cũng đã đề nghị ngài cứ nên ở HN để điều trị bệnh, không phải đi đâu xa, và như vậy biết đâu ngài sẽ làm Tổng Giám Mục HN cho đến lúc chết… theo ý định của Thiên Chúa! Và cũng biết đâu vài tháng nữa sau công nghị Hồng Y ở Rôma, ngài sẽ được lĩnh mũ Hồng Y của vị Hồng Y đệ ngũ Việt Nam chăng - tôi vẫn tin như vậy.

Còn việc Đức cha Nhơn, cho đến nay vẫn chỉ là Tổng Giám mục phó có quyền kế vị, để dự phòng khi có lý do Chính đáng (như Đức tổng Giuse bị bệnh quá nặng; nhất là thân phận con người mỏng giòn: ốm đau, bệnh tật, chết chóc… mà con người với nhau cần phải thông cảm), lúc đó Đức cha Nhơn mới được quyền kế vị Tổng Giám mục (ngài kế vị hai, ba hoặc nhiều năm thì không ai biết được, phải nhờ Thánh ý Chúa). Cho nên, việc Đức cha Nhơn được điều ra làm Phó Tổng Giám mục HN, tự bản chất, không đáng là điều làm chúng ta lo lắng biện luận phải trái. Những việc trong tương lai chúng ta chưa biết được, chỉ là phán đoán mò mẫm mà thôi.

Vậy nên thật khổ thân cho Đức cha Nhơn. Về bản thân tôi, trong những năm tháng được tiếp xúc với ngài cách riêng tư hay trong HĐGM, tôi thấy ngài là người tốt lành, nhân hậu (Dẫu cho khuôn mặt của ngài thoáng nhìn có vẻ khó gần - điều này chính ĐHY Fx. Nguyễn Văn Thuận đã có lần nói: trông ngài thế thôi, nhưng tốt lành nhân hậu).

Ngài là người cha đã gây dựng cho Giáo phận Đà Lạt trưởng thành về mọi mặt, được Đức Giám mục Barth. Nguyễn Sơn Lâm tín nhiệm, và ngài đã góp phần đào tạo được hai vị Giám mục lỗi lạc trong HĐGMVN ngày nay, đó là Đức cha Minh (Nha Trang) và Đức cha Đọc (Mỹ Tho). Ngài là cha hiền lành của những người Thượng, đã biên tập những bản kinh phục vụ và được Toà Thánh phê chuẩn. Trong HĐGMVN, ngài đã có nhiều công đóng góp và đã được anh em giám mục bầu làm Chủ Tịch HĐGM một cách xứng đáng.

Một số dư luận trách cứ người về việc ứng xử xã giao trong xã hội, như chào thăm hỏi, đón tiếp, bắt tay, tặng hoa… chính quyền, thiết nghĩ đó là những ứng xử ngoại giao phải có, chẳng nên chê trách, còn việc đất cát hiến dâng, mất mát, ta nên tìm hiểu ngọn ngành có bằng chứng cụ thể không nên suy đoán kẻo mắc tội vu oan, giáng hoạ…

Vậy nên, khổ thân cho Đức cha Nhơn khi vâng lời Toà Thánh làm Phó Tổng Giám mục Hà Nội trong lúc này. Chắc như Chúa Giêsu trong Vườn Nhiệt Simani, ngài cũng đã thưa với Chúa: “Chớ gì xin cho Con khỏi uống chén đắng này, nhưng xin đừng theo ý Con một theo ý Cha”.

Vì những lý do, theo dư luận, một số đông người cho rằng Đức cha Nhơn sẽ thay thế Đức cha Kiệt, như vậy sẽ đáp ứng được mong ước của một số vị lãnh đạo Hà Nội - đã đòi hỏi một cách vô lý và trái với lòng mong mỏi của đa số chức bậc & giáo dân tổng giáo phận Hà Nội. Đã có nhiều dư luận mạnh mẽ nổi lên cho rằng Toà Thánh Vatican và HĐGMVN có dính líu vào những thay đổi này, và họ đã tạo dựng nên một hình ảnh đẹp đẽ về Đức Tổng Giuse như là “biểu tượng công lý và hoà bình”. Trước những sự kiện ấy, Đức cha Nhơn bị đánh giá và thiệt thòi nhiều lắm; không hiểu các vị thẩm quyền bên Vatican đã cân nhắc rõ ràng hay chưa… tôi không dám võ đoán kẻo phạm tội bất kính nhưng cũng thấy “khổ thân cho Đức cha Nhơn” nhiều lắm.

Lý do thứ hai, việc bổ nhiệm Đức cha Nhơn vào ngôi vị Phó tổng Giám mục Hà Nội trong Năm Thánh 2010 (kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận Đàng Trong, Đàng Ngoài và 50 năm thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam) có điểm đáng quan ngại. Là một Giám mục chính cống “đặc sệt” Miền Nam, sinh trưởng và lớn lên ở Sài Gòn, việc ngài ra Hà Nội là một biến cố quan trọng, là một sự thay đổi (từ trước đến nay trong hàng giáo phẩm Việt Nam, một người hoàn toàn gốc Miền Nam ra làm Giám mục Miền Bắc là điều cực kỳ hiếm) trong tâm tưởng của nhiều Công giáo miền Bắc (mặc dầu trước đây đã có 2 vị ra làm Giám mục tại Phát Diệm và Bùi Chu, nhưng ngay tại thủ đô Hà Nội thì tầm quan trọng và ý nghĩa khác nhau).

Những năm gần đây, các Đức Giám mục thường được chọn từ Nam ra Bắc - nhưng là người gốc Bắc, như bản thân Đức Tổng Ngô Quang Kiệt. Nay là trường hợp một vị Giám mục hoàn toàn sinh trưởng và hoạt động tại Miền Nam ra Bắc, là một sự khởi đầu gây bỡ ngỡ cho nhiều người. Chúng ta cũng nên nhớ lại lập trường của ĐHY Trịnh Như Khuê, Phạm Đình Tụng, nhất là ĐHY Trịnh Văn Căn đã có những tư tưởng trái ngược, nhiều khi đến chỗ cực hữu, nhưng không phải là không có lý do chính đáng - điều này tôi đã đề cập tới trong cuốn “Hồi ký của một Giám mục cao tuổi”.

Theo một số ý kiến thì thật là tủi thân và xấu hổ cho các chức phẩm Giáo hội Miền Bắc, sau 350 năm đón nhận Phúc Âm và 50 năm thành lập hàng giáo phẩm… cộng với biết bao cố gắng không mệt mỏi xây dựng, đổi mới…(như gửi hàng trăm linh mục đi học ở các nơi trên thế giới, kể cả Roma) mà không được một nhân vật nào đủ tài đức cho Toà Thánh lựa chọn, mà phải theo giải pháp đưa Đức cha Nhơn đã cao tuổi ra Hà Nội (theo như cách nói của một số người là “bị đẩy” ra Bắc làm Phó TGM), vậy nên cười hay nên khóc? Và chính tôi cũng đã đề nghị nên giải quyết việc Tổng Giám mục Hà Nội theo chính sách khoan giãn, là nên đặt những vị đương chức tại Miền Bắc (cũng là từ Miền Nam mà ra nhưng là người gốc Bắc, như Đức cha Nguyễn Chí Linh - Thanh Hoá, Vũ Huy Chương - Sơn Tây làm giám quản trong một thời gian). Chính sách “hãy đợi đấy” chắc có nhiều thời gian để điều chỉnh và hợp với chính sách Toà Thánh xưa nay vẫn là: “Chầm chậm nhưng chắc chắn”, nay bỗng nhiên sự việc nổ ra cách bất ngờ gây phản ứng không có lợi cho chính Đức cha Nhơn và khổ thân cho ngài là vì vậy. Chúng ta không có những bằng chứng về ảnh hưởng của HĐGMVN và một số giám mục nói riêng, cách cụ thể và rõ rệt (trong những quyết định này), cho nên thật bất công và phạm đến đức bác ái khi chúng ta võ đoán theo cảm tính của mỗi người mà phê bình chỉ trích.

Dẫu sao tin Toà Thánh đưa ra rõ ràng, chắc chắn và sẽ được thực hiện, nhưng Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt vẫn là Đức tổng chính thức của Hà Nội cho tới khi Chúa trao ban cho người sứ vụ khác.

Đức Giám mục Pr. Nguyễn Văn Nhơn sẽ ra Hà Nội nhận chức phó tổng Giám mục Hà Nội (nghe nói vào đầu tháng 5), cho nên xin mọi người sốt sáng cầu nguyện cho Đức Tổng Giuse, nhất là cho Đức cha Nhơn được “theo ý Cha đừng theo ý Con”, vững lòng vác Thánh Giá Chúa cho đến cùng.

Tôi là một Giám mục đã mãn nhiệm, già cả, bệnh tật chẳng có ý kiến nào mới lạ chỉ “nhai lại” những lời Thánh Kinh và một số tư tưởng của các vị tài cao đức trọng trong Giáo Hội mà thôi. Nhưng cũng xin chắp tay cầu nguyện thổn thức tự đáy lòng mà kêu lên: “khổ thân cho Đức cha Nhơn”. Xin mọi người hãy cầu nguyện.

Thái Bình, 30/04/2010
F.X. Nguyễn Văn Sang
Nguyên Gm phụ tá Hà Nội
Nguyên Gm Thái Bình

No comments: