“Mọi sự đã hoàn tất”?
Đối với nhiều người, thánh lễ chào mừng Đức tân Tổng giám mục phó Giáo phận Hà nội đã hoàn tất cách tốt đẹp, cho dầu vẫn có một số thắc mắc và những phản ứng của nhiều giới, đặc biệt là giáo dân Hà nội, thì cũng không thay đổi được điều gì. Tuy nhiên, những ai có tâm tình yêu mến Hội Thánh, ít nhiều cũng có những suy nghĩ rằng không biết qua biến cố này, bàn tay Thiên Chúa sẽ dẫn đưa Giáo Hội Việt Nam vào những nẻo đường nào. Bởi vì, chỉ cần suy nghĩ một chút, người ta cũng nhận thấy rằng, thánh lễ nhận chức phó tổng giám mục giáo phận Hà nội chưa phải là dấu chấm hết, mà là một khởi điểm cho một giai đoạn mới đầy cam go thử thách cho vị phó tổng giám mục nói riêng và Giáo Hội VN nói chung.
Thời gian qua, trước và sau kỳ họp của HĐGMVN, từ đông sang tây đã có rất nhiều bài viết, nhận định, phê bình với những quan điểm khác nhau, đôi khi trái ngược nhau. Nhiều người tỏ ra lo lắng vì Giáo Hội VN chưa bao giờ xảy ra những chia rẽ trầm trọng như hiện nay, dư luận cũng có những nhận định về các giám mục, than trách vị này vị kia, có người tỏ ra thất vọng vì cách hành động của một vài vị nào đó nữa. Bài viết này muốn chia sẻ một chút cảm nghĩ về Giáo Hội VN qua những điều mà tôi đọc được trên những trang web, cũng như qua những chia sẻ của bạn bè thân quen và xin được mở đầu bằng một câu chuyện vui, nội dung là thế này:
“Hôm ấy, Đức Tổng Giu-se Ngô Quang Kiệt mới bước xuống phi trường Rô-ma, ngài bỗng nhìn thấy Chúa Giê-su đang đứng gần đó bèn tiến lại chào Chúa và hỏi bằng tiếng la tinh: ‘Quo Vadis, Domine?’ (Lạy Chúa, Ngài đi đâu đấy ạ?). Chúa Giê-su trả lời: ‘Thầy đang chờ chuyến bay về Hà nội’. Đức Tổng Kiệt lấy làm ngạc nhiên: ‘Chúa về đó làm chi, bây giờ các giám mục còn đang họp để có những quyết định quan trọng và chắc là con phải rời khỏi đó vì tình hình căng thẳng lắm’. Chúa Giê-su nói: ‘Thế con tưởng sự ra đi của con sẽ đem lại bình an cho Giáo Hội của Thầy ư? Con không nhớ câu Thầy nói với anh Si-mon Phê-rô của con trong cái đêm ăn lễ Vượt Qua sau khi Thầy lập Bí Tích Thánh Thể: ‘Si-môn, Si-môn ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin… Và Phê-rô trả lời: ‘Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng’( x. Lc 22,31-33). Ngô Quang Kiệt! con là môn đệ ưu tú của Thầy, con lại không hiểu điều đó ư? Chính bản thân của Thầy đã chẳng phải chịu bao nhiêu điều cay đắng, bị hiểu lầm, vu oan, bị bỏ rơi và cuối cùng phải chịu khổ hình rồi mới vào trong vinh quang hay sao?”(x. Lc 24,26). Nói xong Chúa Giê-su biến đi. Thế rồi ít lâu sau người ta lại thấy Đức Tổng Kiệt xuất hiện tại Hà nội”.
Tôi chợt tỉnh dậy, té ra đó chỉ là một giấc mơ. Trước đây tôi đã đọc cuốn tiểu thuyết có nhan đề “Quo Vadis?” và nó đã được dựng thành phim. Ngay từ thế kỷ I, Giáo Hội thời các Tông Đồ đã gặp phải sự bách hại rất tàn khốc do vua Nê-rô và các vua kế tiếp của đế quốc Rô-ma. Để tránh bị tàn sát, các Ki-tô hữu đã phải trốn vào những nơi hoang vắng hay những hang toại đạo, nơi chôn cất những người chết. Nhưng dù phải trốn tránh, các Ki-tô hữu vẫn kiên cường giữ vững lòng tin và sống ở đâu họ cũng rao giảng về Chúa. Dựa vào những yếu tố lịch sử, một nhà văn Ba Lan đã hư cấu một số nhân vật và sự kiện để viết cuốn tiểu thuyết trên, còn tựa đề cuốn sách dựa vào một truyền thuyết của Giáo Hội kể rằng, khi thấy cuộc bách hại gắt gao, Thánh Phê-rô nghĩ rằng nếu mình cứ ở lại đây thì sẽ có nguy cơ bị bắt và Giáo Hội bị tan rã vì thiếu chủ chiên lãnh đạo, để hạ nhiệt cơn sốt bách hại của nhà cầm quyền Rô-ma, mình phải đi khỏi thành Rô-ma. Nghĩ đó là giải pháp tốt nhất, khôn ngoan nhất, Thánh Phê-rô bèn trốn khỏi thành Rô-ma, nhưng mới ra đến cửa thành thì gặp Chúa Giê-su, thánh nhân lên tiếng hỏi “Quo Vadis, Domine?”. Chúa trả lời: “Thầy vào thành Rô-ma để chịu đóng đinh lần nữa!”. Thánh Phê-rô hiểu ý Chúa, ngài lập tức quay trở lại, tiếp tục sứ mạng chủ chiên, sống chết với đoàn chiên cho đến ngày bị bắt và chịu tử đạo. Và sau cái chết của thánh nhân, Giáo Hội phát triển vững mạnh dù phải trải qua bao nhiêu bão tố của cuộc bách hại. Thế mới thấy, những suy nghĩ toan tính của con người không phải lúc nào cũng đúng, và sự khôn ngoan của con người chỉ có giới hạn, đó là lẽ khôn ngoan của người phàm, lẽ khôn ngoan của thế gian. Và phải nói thêm rằng thánh Phê-rô không còn hiện diện thể lý, nhưng tinh thần và đức tin của ngài luôn sống mạnh mẽ trong Giáo Hội qua những đấng kế vị cho đến tận thế.
Không chỉ ở thời các Tông Đồ, mà ở mọi thời và mọi nơi, Giáo Hội luôn mang thân phận bị bách hại, bị thế gian ghét bỏ, bởi vì Giáo Hội có sứ mạng làm chứng cho Chúa Giê-su giữa một thế giới gian tà bất chính. Sứ mạng làm chứng cho Chúa khiến cho Giáo Hội phải luôn luôn hiện diện và đồng hành với thế gian. Nói như vậy không có nghĩa Giáo Hội là một thực thể phi phàm, hoàn hảo, mà thực ra Giáo Hội là tất cả những con người được Chúa Cha chọn từ giữa thế gian (x. Ga 17,6), mà lại không cất họ ra khỏi thế gian, và họ vẫn ở lại trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian (x.Ga 17,11.14.15). Đó là nguyên nhân khiến Giáo Hội chẳng bao giờ được thế gian ưa chuộng, vì thế gian chỉ yêu thích những cái gì là của nó (Ga 15,19).
Những biến cố xảy ra cho Giáo Hội Việt Nam là một cơ hội tốt để Giáo Hội có thể nhìn lại chính mình, từ giáo dân đến giáo sĩ và cả hàng giáo phẩm. Chúng ta cứ luôn tự hào, đúng hơn là tự phụ, cho mình là sáng suốt, là mẫu mực. Mà thực ra chúng ta chỉ nói suông, nói nhiều và nói hay, nhưng trong cách ăn nết ở thì chẳng hơn kẻ ngoại đạo. Cho đến hôm nay, nhiều Ki-tô hữu vẫn còn cho mình là “muối” để ướp cho thế gian khỏi hư đi, mà không biết rằng mình chỉ là thứ muối vô dụng chỉ đáng vứt ra ngoài cho người ta chà đạp thôi (x. Mt 5,13). Thật ra, theo các nhà chú giải Kinh Thánh, thứ muối mà Chúa Giê-su nói là thứ muối chỉ có ở Biển Chết, nó có công dụng làm “chất xúc tác” để làm cháy dễ dàng những thứ được trộn chung với nó, vì nó chứa hàm lượng clorua magnesium rất cao. Hiểu như thế chúng ta sẽ khiêm tốn hơn để thấy mình chỉ là người mang trong mình Lời của Chúa như là chất xúc tác để giúp cho thế gian nhận ra Chúa. Theo cách nói của Thánh Phao-lô: Kho tàng vô giá lại đựng trong bình sành lọ đất (x. 2Cr 4,7). Không phải chỉ ngày hôm nay mới xảy ra những “phân tán nội bộ”, ngay từ thế kỷ đầu đã từng có những “chia rẽ và gương xấu” trong Hội Thánh tại Cô-rin-tô, đến nỗi Thánh Phao-lô phải viết thư khuyên nhủ bằng giọng văn nghiêm khắc (x.1Cr 1,10 – 4,21). Cũng như tại Cô-rin-tô, Giáo Hội VN hôm nay có quá nhiều quan điểm và lập trường, những tiếng nói có uy thế thì lại không trung thực, chỉ dám truyền thông những điều vô thưởng vô phạt. Ví dụ tôi đọc trong WHĐ những bài phỏng vấn Đức Tổng Kiệt và bài nói về sự kiện, thông tin và những góc nhìn. Nội dung chỉ là nói theo một chiều hướng biện minh cho sự việc đã được ấn định, nhất là phần cuối mang tính chất vấn, trách móc rất khéo, rồi chuyển sang lời khen theo kiểu xã giao thói đời. Tôi gọi trang này là Web Hạ Đẳng không biết có quá đáng không? Thánh Phao-lô đã chẳng nói với người Cô-rin-tô rằng: “Nước Thiên Chúa không cốt ở tài ăn nói” (1Cr 4,20) đó sao ?
Tất cả những điều đã và đang còn xảy ra trong Giáo Hội là cơ hội giúp cho các đấng bậc điều chỉnh lại cung cách mục tử của mình, bớt đi những tua áo thật dài để đừng quá cao vọng về mình, phải biết lắng nghe, hầu có thể trở nên gần gũi và gắn bó với đoàn chiên hơn, phải biết rằng mình cũng mang thân phận mỏng dòn yếu đuối như mọi người, cũng có những nết hư tật xấu như ai. Các đấng phải có can đảm nói: “Chúng tôi đã nên trò cười cho thế gian, cho thiên thần và loài người” (1Cr 4,9b). Chính lúc đó Thiên Chúa mới có thể hoạt động trong cái yếu đuối của con người. Tôi không bao giờ có ý coi thường các đấng bậc, nhưng tôi nghĩ rằng trong mọi văn kiện, cũng như tài liệu giáo lý chỉ nói các giám mục là “thầy dạy đức tin” chứ không nói “thầy dạy việc làm”. Cho nên trong thực tế, có những đấng rất hồ đồ trong việc làm, quá đáng hơn nữa có đấng còn dùng những quân sư quạt mo chỉ quen làm những chuyện “hạ đẳng” mà thôi, thì làm sao Giáo Hội trưởng thành được.
Một vài suy nghĩ dông dài, nhưng thật lòng yêu mến Hội Thánh, chỉ nguyện xin Chúa ban cho Hội Thánh Việt Nam những mục tử chân chính và can đảm, để các ngài luôn đứng về phía sự thật, sống chết với đoàn chiên mà Chúa đã giao phó cho các ngài chăn dắt.
An Lạc, ngày 12/05/2010
Pr. Nguyễn Tuấn Hoan
prhoanal@yahoo.com.vn
http://www.mehangcuugiup.info/index.php?option=com_content&view=article&id=725:gic-m-qquo-vadisq&catid=39:thi-s-trong-nc&Itemid=57
No comments:
Post a Comment