VietCatholic News (15 May 2010 08:37)
Mấy hôm nay, sau sự từ chức và ra đi chữa bệnh của Đức Tổng Ngô Quang Kiệt, nguyên Tổng Giám Mục Giáo Phận Hà Nội, dường như có một “quả bom” vô hình làm nổ tung tâm trí của rất nhiều người Công Giáo Việt Nam, trong nước cũng như hải ngoại. Làm cho nhiều người hoang mang, nghi kỵ và ngay cả đả kích lẫn nhau.
Là một Linh-mục, tôi cảm thấy xót xa cho sự phân rẽ quá mức, mà đáng lẽ chẳng nên chút nào trong Giáo Hội vốn phải luôn Yêu thương và Đoàn Kết. Nếu tôi là một người ngoài cuộc hay là người không thích hoặc chỉ muốn triệt phá Giáo Hội Công Giáo, chắc hẳn tôi sẽ mở tiệc ăn mừng vì thấy “tự dưng chúng nó xâu xé lẫn nhau”!
Kính thưa tất cả các anh chị em Công Giáo Việt nam thân yêu. Chẳng biết anh chị em có cảm thấy đau xót và mang một chút hối hận trong tâm hồn khi anh chị em chúng ta “xâu xé” nhau vì một sự kiện mà đáng lẽ ra chúng ta phải đoàn kết và yêu thương nhau hơn không? Nếu chúng ta có một đức tin mạnh mẽ vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa thì chúng ta phải biết cảm tạ Thiên Chúa vì tất cả những sự kiện xảy ra trong đời ta và trong Giáo Hội.
Quí anh chị em nên biết một điều là chẳng có gì xảy ra ngoài sự xếp đặt trong Tình Yêu Quan Phòng của Thiên Chúa. Chẳng có thế lực trần gian nào có thể lèo lái Thiên Chúa theo ý của mình được! Nhất là Giáo Hội được Chúa Giêsu thiết lập thì chẳng có quyền lực trần gian hay ma quỉ nào có thể phá nổi. Anh chị em đừng sợ! Thiên Chúa đang đồng hành với chúng ta. Chúa đã làm cho một Phaolô bách hại trở thành một Tông-đồ hăng say rao giảng Tin Mừng Cứu độ, thì Chúa cũng có thể biến đổi tâm trí của nhiều người bách hại và chống phá Giáo Hội trở thành con cái của Chúa. Chúa không muốn mất một người nào trong chúng ta, dù tin Chúa hay không tin. Thiên Chúa có chương trình cho mỗi người và mỗi dân nước, và chương trình của Thiên Chúa thì tuyệt hảo.
Trong niềm tin đó, dù là một Linh-mục tầm thường trong cõi bao la của đất trời, tôi viết bài này để xin mời mọi người Công Giáo Việt nam hãy bình tĩnh lại và sống trọn vẹn niềm tin của mình vào Thiên Chúa. Chúng ta có những thử thách trong cuộc sống đức tin. Chúng ta có những bách hại trong trong niềm tin. Tuy nhiên, nếu dùng những cách thức của trần gian để giải quyết thì chúng ta đâu có thừa hưởng Kho Tàng Đức Tin của cả trăm ngàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam?!
Do đó, trong tâm tình yêu thương và gần gũi với Giáo Hội Việt Nam, tôi muốn nói lên một vài nhận định về sự “ra đi” của nguyên Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt. Tôi viết hai chữ “ra đi” trong ngoặc là để tránh một hiểu lầm là Ngài bị thất sủng, bị thuyên chuyển hay bị cho ra rià khỏi chức vụ Tổng Giám Mục Hà Nội. Ngài ra đi với một ý ngay lành và thánh thiện của một vị Tổng Giám Mục anh hùng và can đảm trong việc bảo vệ Giáo Hội, bảo vệ Công Lý và Sự Thật. Tôi nói đến “ý ngay lành và thánh thiện” trong mạch văn một bài phỏng vấn của Ngài cho WHD và lá thơ từ biệt mới nhất của Ngài.
Không biết anh chị em đã từng đọc bài “Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt” chưa? Tôi xin viết lại câu hỏi 6 mà Ngài khẳng định trong bài phỏng vấn:
6. Gắn liền với việc bổ nhiệm vị tổng giám mục phó Hà Nội, có dư luận cho rằng Đức Tổng phải rời khỏi Hà Nội do sức ép của Tòa Thánh, của chính quyền Việt Nam, và của cả HĐGMVN. Xin Đức Tổng soi sáng cho chúng con về vấn đề này.
Trả lời: Bản thân tôi không bị áp lực nào hết. Tòa Thánh và HĐGM luôn ở bên cạnh tôi và bênh vực khi tôi bị công kích. Các ngài không bao giờ bảo tôi, dù là gợi ý xa xôi nhẹ nhàng, phải từ chức. Tôi chỉ bị áp lực của lương tâm trách nhiệm. Từ hai năm nay sức khỏe tôi sa sút không thể làm việc trí óc có hiệu quả. Tôi đã trình bày với Tòa Thánh để xin nghỉ vì lợi ích của Giáo hội, riêng của Tổng giáo phận Hà nội. Khi đi Ad limina các Đức cha biết điều đó đã phản đối. Thậm chí các Đức cha trong giáo tỉnh Hà nội còn viết đơn khiếu nại với Tòa Thánh. Nhưng khi hiểu hoàn toàn không có áp lực từ phía Nhà Nước hay Tòa Thánh, các ngài đã tôn trọng ý kiến của cá nhân tôi. –
Qua câu hỏi và câu trả lời trên, chúng ta thấy rõ ràng là nguyên Đức Tổng Hà Nội không bị một áp lực nào cả, dù là “từ phía Nhà Nước hay Tòa Thánh”. Trong vài ngày qua, một ít bài viết đạo cũng như đời đại ý nói rằng Tòa Thánh bị áp lực bởi nhà cầm quyền Việt Nam để “đẩy” Đức Tổng Kiệt ra khỏi Hà Nội và bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Phó Phêrô Nguyễn Văn Nhơn lên thay thế, và rằng “được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Đức Giáo Hoàng đã tiến hành việc bổ nhiệm này” vv và vv... Chúng ta phải khôn ngoan và bình tĩnh trong việc nhận xét và phê bình. Đừng coi thường Tòa Thánh và đề cao nhà cầm quyền Việt Nam. Tòa Thánh Vatican không phải là con nít để ai muốn sai khiến làm sao cũng được. Tòa Thánh là một người Mẹ nhân từ, luôn yêu thương con cái mình, dù là một người con hay là cả một Giáo Hội địa phương. Đứa con bị đau và kêu xin Mẹ, Mẹ phải tìm phương cách tốt nhất để yêu thương và bảo vệ con mình.
Có ý kiến lại cho rằng, việc “đẩy” Đức Tổng Kiệt ra khỏi Hà Nội có sự bàn thảo của Hội đồng Giám mục Việt Nam, thậm chí có lập luận nêu lên là có bàn tay thông đồng giữa Hội đồng Giám mục Việt nam với nhà cầm quyền Việt Nam. Tôi muốn làm sáng tỏ thêm vấn đề được đặt ra này qua câu hỏi số 3 và câu trả lời của Đức Tổng Kiệt:
3. Hội nghị của HĐGM kết thúc và ngay sau đó Đức cha Phó Tổng Thư ký đã công bố Biên bản của Hội nghị. Văn kiện này giúp toàn thể Dân Chúa tại VN và mọi người quan tâm biết được nội dung nghị sự của các Đức giám mục.
Tuy nhiên lại có thông tin cho rằng HĐGMVN cũng đã bàn trong Hội nghị về vấn đề nhân sự của Tòa Tổng giám mục Hà Nội. Đức Tổng nghĩ gì về thông tin này?
Trả lời: Những thông tin đó tỏ ra không am hiểu cơ chế hoạt động trong Giáo hội, hoặc cố tình lái dư luận vào chiều hướng khác. Phải nói ngay rằng bổ nhiệm giám mục là quyền của Đức Thánh Cha chứ không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Giám mục. Hội đồng Giám mục chắc chắn không dám lạm bàn vấn đề này. Đàng khác tiến trình bổ nhiệm giám mục là bí mật của Tòa Thánh (secret pontifical) mà mọi người phải nghiêm cẩn tuân giữ. Có thể có những thăm dò. Nhưng thăm dò chỉ là tham khảo và không hề có tính quyết định. Cho nên chắc chắn các Đức Cha không bàn về những vấn đề không thuộc thẩm quyền.
Qua mấy câu hỏi và trả lời rõ ràng trên, tôi mong quý anh chị em Công Giáo Việt Nam chúng ta nên có một cái nhìn khách quan và bình tĩnh.
Trong trường hợp của Đức Tổng Kiệt, Ngài bị chứng mất ngủ như mọi người chúng ta đều biết. Chứng mất ngủ của Ngài đã gây biết bao khó khăn cho thể lý và tinh thần của Ngài. Từ đó ảnh hưởng đến công việc điều hành của cả một Tổng giáo phận, một trách nhiệm mà lương tâm bảo Ngài dừng lại. Thiên Chúa ban cho mỗi người một Lương Tâm, và tiếng lương tâm là tiếng trong lành nhất trong con người. Nếu Lương Tâm bảo mình làm một điều, mà mình làm ngược lại thì phải chăng mình đang chiều theo cái riêng tư của dục vọng?! Ngẫm nghĩ lại, mỗi người chúng ta tự hỏi có bao giờ chúng ta làm trái Lương Tâm chưa? Và nếu đã từng làm trái, chúng ta nghĩ như thế nào? Do đó, chúng ta phải can đảm và khách quan để chấp nhận tiếng Lương Tâm của Đức Tổng Ngô Quang Kiệt bảo ngài phải dừng lại “vì lợi ích của Giáo Hội” trong sự cao thượng, yêu thương và đoàn kết. Hãy tin tiếng nói Lương Tâm của ngài là Sự Thật và hãy chấp nhận Sự Thật trong an vui và phó thác vào sự Quan Phòng tình yêu của Thiên Chúa. Hơn nữa, hãy biết thương Đức Tổng Ngô Quang Kiệt.
Chúng ta tự đặt một giả thuyết là nếu bị áp lực của chúng ta để rồi Đức Tổng Ngô Quang Kiệt ở lại phục vụ, rồi một ngày nào đó tự dưng bị kiệt sức và ngồi một chỗ hay nằm một chỗ, chẳng còn làm được việc gì... Lúc đó, ai là người chịu trách nhiệm? Hay chúng ta trở thành những người bàng quang và đưa ra phán đoán là tại Đức Tổng làm việc quá độ và không biết gìn giữ mình?! Chúng ta hãy nhìn vào gương Chúa Giêsu. Sau khi Sống Lại, Chúa cùng ăn và cùng ở với các Môn-đệ trong 40 ngày. Các Môn-đệ yêu và nhớ thầy mình lắm chớ. Các ngài đâu có muốn Chúa lìa xa các ngài. Nhưng Chúa phải dứt đoạn về Trời. Chúa phán: “Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em.” (Ga 16: 7).
Cách đây vài hôm, Đức Tổng Ngô Quang Kiệt đã gởi Cộng đồng Dân Chúa Tổng giáo phận Hà Nội một lá thơ từ biệt, trong đó Ngài viết:
“Tôi thật có lỗi khiến anh chị em thất vọng khi nộp đơn xin từ nhiệm. Nhưng anh chị em hãy tin rằng tôi đã làm tất cả chỉ vì lợi ích của Giáo Hội, cụ thể là của Tổng Giáo Phận Hà Nội chúng ta. Thực ra khi tôi đề cập đến vấn đề này, các Bộ liên quan đều phản đối. Nhưng khi tôi trực tiếp đệ đơn lên Đức Thánh Cha, ngài đã thông cảm và với lòng hiền phụ, ngài đã chấp nhận. Cùng với đơn từ nhiệm, tôi cũng xin Tòa Thánh tìm người kế vị và Tòa Thánh đã tuyển chọn Đức cha Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam Phêrô Nguyễn Văn Nhơn. Vì vâng lời Đức cha Phêrô đã can đảm lãnh nhận nhiệm vụ nặng nề trong thời điểm đầy tế nhị hiện nay. Tất cả đã được thực hiện trong tinh thần phục vụ và yêu thương.”
Qua lá thơ này, Đức Tổng Kiệt đã bày tỏ và gói trọn tâm tình của mình trong Sự Thật. Ngài là người tranh đấu cho Sự Thật thì ngài cũng nói lên tấm lòng sâu xa của mình bằng Sự Thật. Chúng ta hãy tin vào Sự Thật mà ngài đã nói. Đừng biến những điều ngài nói thật thành những tranh luận theo ý riêng của mình để rồi “tự mình làm khổ lấy mình”! Gây nên biết bao phản cảm trong tư tưởng và lời nói. Chúng ta phải sống tinh thần Yêu Thương và Hợp Nhất để rồi thế gian thấy những người Công Giáo chúng ta sống mà nói như Chúa đã phán: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13: 35)
Trong sự Quan Phòng của Thiên Chúa quyền năng và tình yêu, qua sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chúng ta biết rằng Đức tân Tổng Giám Mục Hà Nội Phêrô Nguyễn Văn Nhơn sẽ tiếp nối công việc của Công Lý và Sự Thật, của Yêu Thương và Phục Vụ mà Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt đã đi và để lại vết son toả sáng cho chúng ta bước theo. Biết đâu Chúa sẽ dùng Đức Tổng Kiệt vào một công việc lợi ích cho Giáo Hội sau này?! Ý Chúa là nhiệm mầu, làm sao loài người có thể thấu hiểu?
Phần chúng ta, những người con của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, chúng ta cố gắng hòa nhịp và đồng hành với Giáo Hội qua sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha và Hội Đồng Giám mục, cách riêng các Giám mục trong mỗi giáo phận, và sống đúng vai trò của người theo Chúa Giêsu Kitô là: Bác Ái, Hòa Thuận và Yêu người trên đường sống và tìm Công Lý cũng như Sự Thật cho mọi người và đất nước.
Lm. Peter Hoàng Omi
No comments:
Post a Comment