Monday, May 17, 2010

Khi Người Ta Bất Chấp

Ở đời, để đạt được điều gì đó, người ta phải nỗ lực, người ta phải cố công tìm kiếm thì mới có được điều người ta mong muốn. Khổ nổi, con người sống trong xã hội, trong cộng đồng nên điều người ta mong đạt được đó thường kèm theo phản ứng của dư luận, kèm theo sự đồng tình của cộng đồng.

Người ta quá quen với câu nói : "lấy dân làm gốc" và đôi khi nói đến sức mạnh của cộng đồng người ta hay nói "ý dân là ý trời". Nôm na ý của câu nói "lấy dân làm gốc" hay "ý dân là ý trời" là trong đời sống của con người, ý của câu nói đó là ý kiến của tập thể, ý kiến của cộng đồng hết sức quan trọng.

Ở những quốc gia có nền tự do dân chủ rõ ràng thì người dân tự do nói lên tiếng nói của mình và khi bầu cử họ hoàn toàn tự do chọn những khuôn mặt đáng tin đáng cậy để giúp nước giúp dân. Cũng ở những quốc gia dân chủ, sau khi được dân chúng tín nhiệm bầu báng và giữ chức vụ quan trọng thì họ cố gắng hết sức mình để tạo lòng tin xứng đáng với lòng tín nhiệm của dân. Trong quá trình giữ chức vụ, trong quá trình lãnh trách nhiệm, nếu có sự cố nào đó liên quan dù xa dù gần trong trách nhiệm, chức vụ của mình thì ta thấy người đứng đầu lên tiếng xin lỗi hoặc phải từ nhiệm trước khi người ta bãi nhiệm.

Thực tế ta vẫn thấy ở những nước mà người ta sống thật dân chủ và có lòng tự trọng cao thì có một cây cầu nào gãy hay là bị cúp điện dài ngày thì người đứng đầu ngành điện lực và ngành giao thông xin từ nhiệm. Xét ở một góc cạnh nào đó cầu gãy là do lỗi kỹ thuật của công nhân và cúp điện là do nhân viên điện lực chứ không dính dáng nhiều đến các vị đứng đầu nhưng vì lòng tự trọng và nhận phần trách nhiệm của mình và các vị đã từ nhiệm. Những vị ấy khi từ nhiệm thì một lần nữa được dân chúng, đươc cộng đồng ngưỡng mộ vị nhân cách, vì lòng tự trọng của ông ta.

Ngược lại với những vị lãnh đạo cao thượng ấy thì có những vị lãnh đạo đã cố tìm hết mọi lý mọi lẽ để phủi tay trách nhiệm của mình. Dẫu rằng ngành của ông có quá nhiều vấn đề, có quá nhiều sai phạm nhưng ông vẫn "dung dăng dung dẻ" ngồi trên ghế bất chấp tiếng nói của dư luận.

Điều hết sức sợ hãi khi người ta đạt được điều gì đó mà bất chấp dư luận cũng như bất chấp lương tâm. Dẫu chẳng làm được gì cả nhưng dư luận hình như là cảm thấy không đồng thuận cũng như không tuân phục người ấy dù họ đạt được mục đích của họ. Và con người, ai cũng có tiếng nói lương tâm tự đáy lòng của họ nhưng khi không còn lương tâm thì chẳng còn bàn đến người đó nữa.

Con người, dù bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ địa vị nào cũng cần lắm những giây phút dừng lại để nghe tiếng nói của dư luận, nghe tiếng nói của lương tâm. Người càng làm lớn, người quyền cao chức trọng là người hơn bao người khác cần phải nghe và thấu hiểu tiếng nói của dân và tiếng nói của lương tâm.

Xét riêng một chút ở Giáo Hội Công Giáo, vị lãnh tụ tinh thần của giáo dân hết sức quan trọng. Giáo Hội Công Giáo dùng hình ảnh hết sức dễ thương từ vị Thầy Chí Thánh Giêsu để lại của người mục tử chăn dắt đoàn chiên. Chủ chiên thì nghe tiếng chiên và ngược lại chiên thì nghe tiếng chủ. Thế nhưng mà, đáng tiếc thay có những lúc chiên gào thét về vị chủ chiên của mình nhưng hình như chủ chiên cứ ngoảnh mặt giả điếc làm ngơ.

Có những người như "đỡ đạn" cho những vị chủ chiên đang bị phản đối bằng những lý luận hết sức dễ thương : Vị chủ chiên đó vì bận rộn nên không nghe được những dư luận của cộng đồng dân Chúa, những dư luận đó chẳng là gì cả vì các đấng các bậc sống tinh thần vâng phục và theo ý Chúa, các đấng các bậc thì khôn ngoan hơn giáo dân … Lý luận thì vẫn là lý luận nhưng nhìn vào thực tế ắt hẳn cũng để lại nhiều tâm tư, nhiều suy nghĩ cho cộng đồng.

Nhìn hình ảnh trớ trêu về buổi lễ mà người ta nghinh đón một vị chủ chăn thật bi hài. Tấm băng-rôn nghinh đón vị chủ chăn mới quá nhỏ bé so với những băng-rôn cầm trên tay của đông đảo giáo dân ngưỡng mộ vị chủ chăn đã bị chà đạp. Mới đây, người ta tham dự Thánh Lễ, dẫu rằng vị chủ chăn bị chà đạp và bị hất ra bên ngoài nhưng những tấm băng-rôn và hình ảnh về vị chủ chăn kính mến ấy vẫn còn. Hơn nữa, họ còn đi diễu hành trong khuôn viên toà Tổng Giám Mục và tề tựu bên Thánh Cả Giuse – bổn mạng của Giáo phận ấy – để cầu nguyện.

Nhìn hình ảnh vị mục tử được giáo dân in ra kèm theo dòng chữ "Hãy can đảm, hãy hy sinh, hãy yêu mến như Đức Tổng Giuse. Bất diệt. Bất diệt. Bất diệt ! Sao mà đau lòng quá ! Trải dài suốt lịch sử Giáo Hội Công Giáo 350 năm qua chưa bao giờ có những hình ảnh và hành động đau đớn như vậy. Hình như từ cái ngày nghiệt ngã 7-5-2010 người ta lên Nhà Thờ Lớn không còn tâm tình sốt sắng đi dâng Lễ nữa mà người ta đến đó để tìm hiểu, để trông chờ xem những sự lạ. Cũng từ sau cái ngày nghiệt ngã ấy họ không đến đó để dâng Lễ như thường lệ mà họ đến đó để đi diễu hành, để ca hát, để tỏ lòng kính mến với vị Tổng Giám Mục vừa rời khỏi nhiệm vụ, để cầu nguyện với Thánh Cả Giuse …

Chua xót thay, cay đắng thay cho những vị lãnh đạo tinh thần lại bị người ta hành động như vậy. Chắc chắn là con người không phải ai cũng hoàn hảo và khi đứng trên cương vị đứng đầu được đông đảo cộng đồng ủng hộ nhưng khi phần đông giáo dân phản ứng như vậy cũng đủ hiểu tâm tình, nguyện vọng của đàn chiên bé nhỏ.

Khi cộng đoàn dân Chúa còn để trong lòng hay chuyền tai nhau về sự bất đồng về vị lãnh đạo tinh thần nào đó thì cũng đã là "có chuyện" đàng này họ phản ứng một cách công khai và hết sức khẳng khái. Không ai có thể làm thoả mãn ý nguyện của tất cả mọi người nhưng khi nhiều người lên tiếng thì mình phải xem lại bản thân mình.

Câu nói ngàn xưa của cha ông vẫn còn đó : "không có lửa làm sao có khói!". Các đấng các bậc nên chăng xét lại hành vi của mình, quyết định của mình xem sao để cho con chiên phải phản ứng hết sức gay gắt như vậy. Các đấng các bậc cũng nên chăng đặt mình trong vai trò con chiên khi thấy các mục tử hành động như thế thì các đấng các bậc sẽ hành xử ra sao ? Con chiên cũng đau lòng khi hành xử như vậy vì cũng chẳng tốt đẹp gì nhưng có lẽ "tức nước vỡ bờ" nên họ làm như vậy. Họ làm như vậy như một tiếng lòng gửi đến các đấng các bậc mà từ xưa đến giờ họ một lòng tôn kính.

Cái gì nó cũng có cái giá của nó. Khi người ta nắm quyền, khi người ta lãnh đạo mà người ta được nhiều người đồng tình ủng hộ thì quyền và sự lãnh đạo của người ta sẽ khác. Và khi người ta nắm quyền, khi người ta lãnh đạo mà bất chấp lương tâm, bất chấp dư luận và bị dân chúng kêu la inh hỏi thì quyền và sự lãnh đạo ấy nó làm sao ấy và cũng rất khó diễn tả.

Phải chăng những cơn sóng dữ, những cơn khủng hoảng đang trào dâng một lần nữa cho người lãnh đạo Công Giáo có cơ hội nhìn lại chính mình. Nếu như được lòng dân, nếu như được sự tín nhiệm của dân thì ta nên "ngồi trên ghế" tiếp tục còn không thì người "ngồi trên ghế" tự bôi tro trát trấu vào mặt mình chứ không phải là người khác.

Có người nhận xét rằng các đấng các bậc thừa biết nhưng các đấng tham quyền cố vị đó thôi. Phải chăng đó là nhận xét đúng. Nếu không, khi thăm dò ý kiến của giáo dân và phản ứng thực tế của giáo dân thì các đấng các bậc sẽ thấy con chiên có tôn trọng và yêu mến mình hay không?

Con người vẫn hoàn toàn tự do lựa chọn lối sống cho mình. Con người vẫn hoàn toàn tự chọn để cho dư luận có lòng mến, lòng cảm phục về mình và cũng hoàn toàn tự chọn thái độ khinh bỉ và đả đảo về những hành vi của mình.

Khi người ta đã bất chấp để đạt được mục đích thì người ta cũng không thể nào chấp được những hành động của đông đảo cộng đoàn dân Chúa đang bày tỏ.

Thanh Tâm

No comments: