Tuesday, May 25, 2010

Những khủng hoảng giúp tình yêu lớn lên

Thưa quý độc giả, đối chiếu cuộc sống tâm linh của người tín hữu nói chung và người tận hiến nói riêng với cuộc sống hôn nhân, rồi đối chiếu hành trình cá nhân với lịch sử Hội Thánh, ta thấy mỗi bên đều có những cuộc khủng hoảng tương tự. Mãi khi xong cuộc hành trình, nhìn lại người ta mới hiểu ra ý nghĩa và giá trị của mỗi đợt khó khăn thử thách. Bài viết này dựa trên giáo huấn của Thánh Gioan Thánh Giá, muốn gợi ý rằng những khó khăn Giáo Hội Việt Nam và Giáo Hội Toàn Cầu đang gặp phải đều là những thử thách cần thiết để Giáo Hội được thanh tẩy và lớn lên trong tình yêu và đức tin. Chính Thiên Chúa đang dùng thử thách để cùng lúc vừa thanh luyện Hội Thánh Ngài (Ep 5,26-27) vừa đào tạo từng cá nhân tín hữu. Mỗi tín hữu cần nhận ra được Thiên Chúa đang muốn giáo dục bản thân họ điều gì.

Những thử thách này hết sức lạ, đúng là từ trên trời trút xuống. Dường như người ta càng cố gắng xoay xở để thoát ra, càng bị lún sâu vào. Cả bản thân và ngoại cảnh (khi thử thách ở bình diện cá nhân), cả bề trên lẫn bề dưới (khi thử thách buông xuống trên tập thể) đều vô tình góp phần khiến mọi sự thêm trầm trọng. Tựa như khi dầu đang cháy, người ta càng tạt nước vào, đám cháy càng lan rộng.

Theo Thánh Gioan Thánh Giá, ở đây nhà điêu khắc là Thiên Chúa đang dùng búa rìu để đẽo gọt, dùng dao, dùng đục để chạm trổ, nói chung là Ngài dùng những dụng cụ hết sức sắc bén để làm nên kiệt tác của Ngài. Khối đá hay khúc gỗ Ngài chọn càng ngoan ngoãn đón nhận các thao tác của nhà điêu khắc, càng sớm hoàn bích. Còn nếu nó chống lại và muốn tự thể hiện theo ý mình, tác phẩm sẽ bị hỏng và phải vất bỏ.

Cơn thử thách hiện nay Giáo Hội toàn cầu nói chung cũng như Giáo Hội Việt Nam nói riêng đang trải qua đều nằm trong điều đã được chính Chúa Giêsu đã báo trước: “1Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. 2Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. 3Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. 4Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi”(Ga 16,1-4).

Một số kinh nghiệm trong bài có thể hơi xa lạ với nhiều độc giả, tuy nhiên hy vọng rằng với một chút thinh lặng trầm tư, độc giả có thể nắm bắt được và sẽ tìm thấy một số ánh sáng cho mình cũng như cho bạn hữu trước thời cuộc, để có thể tiến bước trong bình an.

Khoa tâm lý học cho biết trong cuộc đời hôn nhân, các đôi bạn thường gặp 4 khủng hoảng chính:

  • Khủng hoảng vỡ mộng
  • Khủng hoảng nhàm chán
  • Khủng hoảng thất bại
  • Khủng hoảng bị bỏ rơi
Trong cuộc sống tự nhiên cũng như cuộc sống tâm linh, bao giờ những khủng hoảng kéo đến cũng ngoài ý muốn của ta. Có bao nhiêu yếu tố có vẻ như ngẫu nhiên trùng hợp khiến ta rơi vào một thế kẹt và ra không được. Thoạt đầu nó khiến ta nản lòng nhưng khi bắt đầu nhận ra ý nghĩa của nó ta lại thấy nó thật cần thiết để ta được lớn lên, và lúc đó ta sẽ đón nhận nó trong bình an. Trên bình diện tâm linh, ta cần học ra bài học này để không những được bình an đón nhận ý Chúa mà còn được lớn lên trong tình yêu.

Cuộc khủng hoảng đầu tiên: vỡ mộng

Khủng hoảng vỡ mộng trong hôn nhân
Thường thường trước lễ cưới, đôi bạn trẻ chỉ thấy những cái đẹp của nhau. Sau lễ cưới, họ mới dần dần khám phá ra những điều mà họ không ngờ trước: Có những khác biệt, những giới hạn, những tật xấu… cộng thêm những khó khăn về quan hệ giữa hai gia đình và những lo lắng về kinh tế… Cao điểm của sự khủng hoảng này thường xẩy ra vào khoảng tháng thứ bảy, thứ tám hay một năm sau ngày cưới. Nhưng lúc đó có một cơ may là đứa con đầu lòng ra đời, và sự hiện diện của đứa trẻ sẽ chuyển đổi mọi suy nghĩ của đôi bạn. Hai người đều tập trung lo lắng cho đứa con và cơn khủng hoảng bớt căng thẳng. Những khủng hoảng đầu tiên này của đời sống hôn nhân sẽ làm tăng trưởng tình yêu. Trước đây tình yêu của họ có tính cách vụ lợi, chiếm đoạt, nay được chuyển sang tình yêu dâng hiến.

Khủng hoảng vỡ mộng trong đời tu
Một số người trước khi đi tu thường có một cái nhìn rất đẹp về đời tu. Họ thấy các tu sĩ như những thiên thần. Khi đã bước chân vào, nhiều chuyện không như họ tưởng. Trước đây họ chỉ nhìn thấy một số nét chủ quan, họ thích tìm những cái đẹp theo như họ nghĩ chứ chưa đi tìm một phương hướng hay một điều kiện thuận lợi để dâng hiến tình yêu mình cho thiên Chúa.

Có những người qua một thời gian sống trong đời tu đã thốt lên: Tôi không ngờ đời tu là như thế. Bởi vì khi sống trong cộng đoàn, mỗi người một tính tình khác nhau, mỗi người một ý nghĩ, một quan niệm… Một dạng khác: Khi lên đường theo Chúa người ta cũng ôm theo những ước mơ và dự phóng thật đẹp cho công cuộc Nước Trời, đẹp đến nỗi họ không dám buông ra, và thà mất ơn gọi hơn là phải buông bỏ các dự phóng ấy… Có những người đi tu cốt để làm linh mục, để làm việc mục vụ công khai, nhưng hoàn cảnh không cho phép họ đạt được điều đó. Từ đó họ mới phát hiện ra rằng lâu nay không phải họ theo Chúa nhưng là theo một chức vụ hoặc một công cuộc nhân loại… Giáo huấn của thánh Gioan Thánh Giá trong“Các biện pháp phòng chống” rất thiết thực để giúp vượt thắng khủng hoảng thứ nhất này.

Cuộc khủng hoảng trong đời tu này cũng rất cần thiết để thanh tẩy cái nhìn của chúng ta, giúp ta nhận ra được đâu là điểm chính, đâu là điểm phụ. Qua cơn khủng hoảng, ta dần dần khám phá ra rằng chính Chúa kêu gọi ta chứ không phải là một lý tưởng hay một chức vụ. Chính Chúa đang yêu mến ta, chính tình yêu đang mời gọi và mong muốn cho người yêu được lớn lên. Cũng như trường hợp các đôi bạn, nhờ can đảm và kiên nhẫn, ta sẽ vượt qua được những khó khăn ban đầu. Rồi sau đó sẽ thu hoạch được những kết quả đầu tiên và những kết quả này sẽ làm cho ta được phấn khởi tiến lên.

Khủng hoảng vỡ mộng trong đời tín hữu
Người thiếu niên lớn lên trong gia đình và giáo xứ, gần như tuyệt đối tin tưởng cha mẹ và các linh mục cũng như các tu sĩ. Thế rồi một hôm họ đã đau khổ khám phá ra rằng người lớn cũng rất bất toàn…. Những anh chị em được ơn tin Chúa khi đã lớn, lúc học giáo lý có thể nhìn thấy Hội Thánh thật lý tưởng. Họ bước vào Hội Thánh thật nồng nhiệt. Thế rồi, một số đụng chạm đã khiến họ sớm hoài nghi… Những hoài nghi này khá cần thiết để họ hiểu rõ hơn về thực tế của Hội Thánh, vừa mang tính yếu đuối của nhân loại vừa có nguồn gốc thần linh…

Cuộc khủng hoảng thứ hai: nhàm chán

Khủng hoảng nhàm chán trong hôn nhân
Khoảng bảy hoặc tám năm sau khi kết hôn, đôi bạn thường cảm thấy mệt mỏi, nhàm chán. Trước kia họ thấy người bạn mình là một thế giới kỳ diệu, khám phá mãi không hết. Đến nay, cả những điều bí ẩn nhất cũng đều đã biết cả, đã biết rất rõ, không còn gì mới lạ. Bên cạnh đó, trách nhiệm gia đình cứ đè nặng mỗi ngày, đều đều, ngày này sang ngày khác. Người ta cảm thấy mệt mỏi, nhàm chán, muốn có một cái gì “thay đổi bầu không khí”, muốn “tìm của lạ”. Tình trạng đó là nguyên nhân của nhiều vụ ngoại tình. Để vượt qua khủng hoảng ấy, đôi bạn được khuyên làm một tuần trăng mật mới. Cùng đi chơi xa dăm ngày một tháng, hoặc đổi chỗ ở, hoặc sơn phết lại nhà cửa, sắp đặt lại phòng ốc… Nói tóm là tạo một khung cảnh mới cho tình yêu được đổi mới.

Điều phải đổi mới trong tình yêu ở đây là tập trung cái nhìn vào chính ngôi vị của bạn mình, yêu bạn mình vì chính bản thân bạn mình chứ không vì điều gì khác. Ngôi vị của bạn mình là giá trị cao hơn mọi cái hay cái tốt về thể chất hay tinh thần họ có. Vượt trên những điều phụ thuộc, tình yêu trở nên trần trụi hẳn đi và vì thế cũng tinh tuyền hẳn lên.

Khủng hoảng nhàm chán trong đời tu
Đời tu cũng có những nhàm chán tương tự. Công việc đều đều từ ngày này sang ngày khác. Thiên Chúa phong phú vô cùng vô tận, nhưng Ngài vô hình, người tu sĩ có thể mệt mỏi vì không thấy khám phá thêm điều gì mới. Hoặc lắm khi, họ hài lòng với những gì đã biết, họ có cảm tưởng đã biết hết, đã quen quá rồi. Để chống lại nhàm chán, người ta cũng bị cám dỗ chiều theo những của lạ dễ dãi, ngược với sự tiết độ, ngược với ba lời khấn. Cách riêng, khủng hoảng thứ hai này đến một cách thường xuyên trong việc cầu nguyện. Người tu sĩ có thể cảm thấy chán ngán việc cầu nguyện và lao đầu vào công việc, cả đang khi cầu nguyện cũng mải mê nghĩ đến công việc. Để giúp tránh khủng hoảng này, các tu sĩ cứ phục vụ ít lâu lại được đổi nhiệm sở… Các ngày lễ trong cộng đoàn, cách riêng là những ngày kỷ niệm khấn dòng, giúp ta có dịp làm mới lại cuộc sống. Cách riêng là các cuộc tĩnh tâm để giúp đổi mới tình yêu.

Tuy nhiên những khó khăn cũng như những cách giải quyết vừa nói chỉ là những chuyện bên ngoài. Thánh I Nhã và thánh Gioan Thánh Giá hướng cái nhìn của chúng ta vào những khó khăn sâu xa hơn. Trong những chỉ dẫn về an ủi và phiền muộn, thánh I Nhã cho thấy các phiền muộn có thể do ba nguyên nhân khác nhau (LT 322). Nguyên nhân thứ hai Ngài nêu ra tương đương với điều được thánh Gioan Thánh Giá gọi là đêm khô khan, là bước chuyển tiếp từ suy niệm lên chiêm niệm, là lúc đứa bé phải cai sữa để tập ăn (2Lên, cc. 13-14; 2Đêm, cc. 8-9; Lửa 3,32-37). Ngài cũng nêu rõ ba dấu chỉ giúp nhận rõ bước chuyển này (2Lên, cc. 13-14). Như thế, đêm đen hay cuộc khủng hoảng này là một bước chuyển cần thiết để ta được lớn lên trong tình yêu, không có gì phải sợ.

Cha Thomas Green SJ tổng hợp chỉ dẫn của hai vị thánh nơi 2 tác phẩm hiện đang bán tại các nhà sách: “Drinking from a dry well” và “Darkness in the marketplace”.

Khủng hoảng nhàm chán trong đời tín hữu
Không riêng các tu sĩ, mọi tín hữu đều có thể được Thiên Chúa thanh luyện bằng khó khăn này. Lắm người buông xuôi và trở thành những tín hữu vụ hình thức, quên mất chiều sâu của lòng yêu mến. Lắm người khác đã nỗ lực để vượt qua sự khô khan nhàm chán, và lớn lên trong sự quảng đại.

Cuộc khủng hoảng thứ ba: thất bại

Tuổi 45-50, cả người nam và người nữ đều thấy đời mình thất bại. Cách riêng là thất bại trong hôn nhân. Tuy nhiên, họ không dám nhìn nhận điều đó. Họ quy lỗi cho người kia. Họ vuốt ve tự ái bằng những thành công dễ dãi và chứng minh năng lực của mình bằng cách lao vào các hoạt động xã hội; chạy trốn thực tế bằng bói toán, cờ bạc, những phiêu lưu tình cảm ngang trái với những người bằng tuổi con mình. Cũng vì thế người ta gọi đây là cuộc khủng hoảng hồi xuân.

Trên đường theo Chúa, người ta cũng gặp nhiều thất bại. Không riêng nơi những dự phóng bản thân, nơi cuộc sống cộng đoàn và hoạt động tông đồ mà lắm khi dường như ta cảm thấy mình đã thất bại khắp nơi mọi lúc, từ bên ngoài đến bên trong… Rồi cũng tương tự như trong đời sống hôn nhân, người thánh hiến có thể chạy trốn sự thất bại của mình bằng những thành tích lòe loẹt bên ngoài: cơ sở, hội nhóm, sinh hoạt, hình thức, số lượng… nhiều dạng thỏa hiệp với con đường rộng. Ta đã xác tín con đường hẹp và hành động theo đó. Nhưng đi cho đến tận cùng không dễ. Một lúc nào đó, thấy cơ may thành công mong manh quá, những kết quả ít ỏi và chậm chạp quá, trong khi những điều kiện thuận lợi lại sẵn trong tầm tay, có thể ta sẽ tạm thời biến báo để cho mọi việc được giải quyết nhanh gọn. Ta sẽ tạm thời tin vào các phương tiện trần gian hơn là tin vào thập giá, và rồi đúng như thế, những kết quả của nó thật thần diệu. Và cũng thần diệu thay, càng lúc nó càng làm cho ta lạc xa mà vẫn cứ tưởng mình rất chung thủy.

Trong Lâu Đài Nội Tâm, mẹ thánh Têrêxa Chúa Giêsu cho biết có những người đã vươn tận đỉnh cao và đã đạt tới cuộc sống hiệp nhất với Thiên Chúa mà rồi đã quay đầu trở lại và bị thua những âm mưu lừa gạt của quỷ dữ. Ngài nêu câu hỏi: Làm sao họ lại bị lừa? Quỷ dữ đã len lỏi vào bằng lối nào? (5Cư 4,6-7). “Để trả lời câu hỏi thứ nhất, tôi xin nói rằng, nếu linh hồn luôn gắn bó với ý Thiên Chúa thì hẳn sẽ không bị lạc. Thế nhưng quỷ dữ cứ bám sát và lừa gạt cách tài tình. Nó dẫn dụ linh hồn dưới màu sắc điều tốt trong những chuyện rất nhỏ và cố sức làm cho linh hồn nghĩ rằng đó là tốt để rồi chiều theo một đôi điều trong đó. Thế là dần dần nó sẽ khiến cho trí hiểu ra tăm tối, nhiệt tình của lòng muốn nguội dần, rồi khiến lòng tự ái gia tăng cho đến lúc bằng cách này hay cách khác, nó kéo được linh hồn ra khỏi ý Thiên Chúa và lôi vào con đường riêng của nó.” (5Cư 4,8).

Đây là lúc để đọc kỹ Đêm Dày quyển II. Đêm tâm linh có thể đang khởi đầu với những cảm nghiệm về sự thất bại. Thất bại trong công việc sẽ trở thành bi thảm hơn khi nó kèm với sự thất bại trong đời sống cộng đoàn. Ta đã đổ ra bao thiện chí để rồi cuối cùng chỉ gặt được cô đơn, ốc đảo. Chẳng còn ai hiểu ta. Ta mệt mỏi bước dưới cơn nắng buổi trưa, lẻ loi, một mình mồ hôi nhễ nhại. Bỗng bên vệ đường xòe ra một bóng mát thật quyến rũ, ta thèm lăn vào đó, ngủ vùi quên đi tất cả, giữa vũng lầy êm ái. Thế nhưng,

Đừng để điều gì khiến bạn xao xuyến
Đừng để điều gì khiến bạn sợ hãi
Mọi sự đều qua đi
Thiên Chúa không bao giờ thay đổi
Kiên nhẫn rồi sẽ được tất cả
Ai có Thiên Chúa sẽ chẳng thiếu gì
Một mình Thiên Chúa là đủ cho ta.
(Thánh nữ Têrêxa Chúa Giêsu)

Tiến sâu vào thinh lặng nội tâm
Trong chuyện tình của Chúa, thường Ngài vẫn dồn ta vào tình thế ấy, để gợi cho ta nhớ rằng chính Ngài đã bị bỏ rơi trên thập giá vì ta, để ta thấy Ngài với ta đồng thuyền, đồng hội, và ta sẽ gắn chặt với Ngài. Trong cuộc sống hôn nhân, thất bại là lúc hai vợ chồng được thật sự xoá mình để hiểu rằng mình cần đến người kia. Trong cuộc sống theo Chúa, thất bại chính là lúc để ta thật sự tin rằng ngoài Chúa ra, ta không thể làm gì được! Bị cô đơn, bị hiểu lầm chính là thế cờ buộc ta phải níu lấy một mình Ngài. Như đôi bạn trẻ yêu nhau, càng không được gia đình và bạn bè thông cảm, họ càng tìm đến với nhau, bởi vì trên cõi đời chỉ có một người thật sự hiểu họ và tôn trọng họ.

Những điều Chúa muốn dệt nên một tiếng gọi định hướng và làm thành đời ta. Ngài vừa gọi vừa làm cho ta thinh lặng để nghe được tiếng Ngài. Nhờ cảm nghiệm sự thất bại, tiếng ồn của những lời khen bên ngoài và những tự hào bên trong bị dập tắt, tuy nhiên lại có thể nổi lên những tiếng ồn khác của tự ái, xót xa, đắng cay, tiếc nuối và dằn vặt. Muốn dẹp yên chúng, ta cần tập trung cái nhìn vào Chúa Giêsu, phó thác tất cả cho Ngài trong một cái nhìn thiết tha trìu mến. Dù suối lòng ta có đục ngầu vì cả một đời sai lầm và tội lỗi, hãy cứ dìm Ngài xuống đó. Ngài sẽ gạn đục khơi trong và sẽ tẩy sạch tất cả như đã tẩy sạch dòng nước sông Giođan. Câu chuyện kẻ gian phi thống hối cho thấy rằng, nếu ta đến với Ngài thì, dù chỉ còn một giây phút chót, Ngài vẫn đổi mới lòng ta kịp thời trước khi đồng hồ cuộc sống chuyển sang nhịp gõ đời đời. “Hãy đến với Ta, hỡi tất cả những ai lao đao và vác nặng, Ta sẽ cho nghỉ ngơi lại sức.” (Mt 11,28)

Khủng hoảng thất bại trong đời tín hữu
Người ta nản lòng vì một nhược điểm nào đó đã ăn quá sâu không sửa được, vì một vài tội lỗi nào đó cứ sa đi ngã lại… Lắm người có thể nhờ đó mà khám phá ra mình cần bám víu vào Chúa… Ngược lại lắm người dần dà quay lại với những “ngẫu tượng” cũ, mà Kinh Thánh gọi là sự ngoại tình hay đàng điếm…

Bình tĩnh sau những quyết định sai
Nhờ việc theo dõi các tín hiệu nội tâm, thường thì càng lúc ta càng biết chọn đúng theo ý Thiên Chúa trong những việc cụ thể hằng ngày. Thỉnh thoảng, do lơ đãng và thiếu tỉnh táo, ta vẫn có thể bị lừa và quyết định sai. Nhiều khi, do những nếp quen từ nhỏ đã ăn sâu, dù đã già người ta vẫn có thể phản ứng sai theo cùng một cách như hồi còn trẻ. Những điều đó sẽ giúp ta khiêm nhường nhận rõ sự yếu đuối của mình và bám víu vào Thiên Chúa.

Đáng sợ là khi ta đánh giá sai và quyết định sai trong những điều tương đối quan trọng. Lúc đó ta dễ hoảng hốt với cảm giác khôn ba năm dại một giờ. Ma quỷ sẽ tô màu phóng đại sự thất bại, khiến ta tiếc ngẩn ngơ và dằn vặt khổ sở vì đã gây ra những thiệt hại không sao cứu vãn được. Ta thấy nản lòng, chỉ vì cái sẩy mà để nầy cái ung, chỉ vì thiếu tỉnh táo trong một chuyện cỏn con mà đã vô tình giật sập cả một công cuộc. Đây là một thời điểm thử thách rất hệ trọng. Nếu ta mất bình tĩnh, quỷ dữ sẽ bôi đen hết mọi sự để ta thêm hoảng hốt, thất vọng và hành động lung tung. Ta mong sửa chữa lại lầm lỗi của mình nhưng thay vì sửa chữa, những hành động hấp tấp này càng gây thêm nhiều vấn đề rắc rối khiến tình thế càng trở nên xấu hơn. Ngược lại, nếu bình tĩnh một chút, ta sẽ nhận ra rằng, dù sai lỗi ấy có nặng nề đến đâu, nếu ta biết tin tưởng phó thác tất cả trong tay Chúa thì vẫn không có gì bế tắc, mọi chuyện vẫn có lối thoát. Cứ tạ ơn theo hơi thở, đến với Chúa bằng tất cả cõi lòng rồi sẽ được bình an và nhận ra được điều giản dị phải làm và những giá phải trả, trong bình an.

Cả vua Saul và vua Đavít đều đi qua kinh nghiệm này nhưng hai vị đã phản ứng khác nhau. Vua Saul không thành tâm nhận lỗi, ông đòi giữ thế chủ động, muốn tự mình tìm cách vớt vát cho bằng được, nên chi đã gặt hái kết quả thật bi thảm. Còn vua Đavít thú nhận sự sai lỗi, ông trở nên thụ động, phó mình vào tay Chúa ngay, cho nên Chúa lại tạo cho ông những vận hội mới. Nhờ sự chín chắn về tâm linh, ông mau mắn đón nhận bài học từ sự thất bại. Ông can đảm xác nhận sự thất bại của mình để tạo điều kiện cho Thiên Chúa thành công.

Tóm lại, những thử thách này chính là trường học dạy ta khiêm nhường và phó thác chính mình trong tay Thiên Chúa. Sau khi đã học yêu Chúa cách vô vụ lợi, ta phải vượt thêm cuộc thi lên cấp; cuộc thi của Phaolô trong 2Cor 12, 7-10. Đó cũng là cuộc thi gần cuối đời Gioan Tẩy giả: “Tôi phải suy giảm cho Ngài được tiến lên” (Gio 3, 30).

Chúng ta thất bại, phải, nhưng cần nuốt lấy nó cho Chúa Cứu Thế được thành công. Ta phải trở nên trẻ nhỏ để Ngài dắt ta đi: “Khi ngươi còn trẻ, ngươi tự thắt lưng mình và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, ngươi sẽ giang tay ra để người khác thắt lưng cho và lôi đi nơi ngươi không muốn” (Gio 21, 18). Đó là điều kiện để vào nước trời: “Ai không đón nhận lấy nước trời như một trẻ nhỏ thì không được vào trong đó″ (Mt 18, 3).

Cuộc khủng hoảng thứ tư: bị bỏ rơi
Chúng ta đã theo dõi tiến trình tình yêu của con người. Trong tình yêu hôn nhân của đời thường, qua các lứa tuổi, người ta gặp những khó khăn khác nhau. Trong cuộc sống tâm linh, trên đường yêu mến Chúa chúng ta cũng gặp những khó khăn tương tự. Không những theo tuổi tự nhiên, đôi khi có thể sớm hơn hoặc muộn hơn so với tuổi tự nhiên của con người.

Thánh Têrêsa chết lúc 24 tuổi nhưng đã là một con người rất già dặn trong yêu thương. Ngược lại, có người đã cao niên mà vẫn còn đang loay hoay với những bước khởi đầu. Vì thế khi nói cuộc khủng hoảng thứ tư ở cuối đời người, chúng ta cũng phải hiểu rằng có thể xảy ra ngay lúc ta còn trẻ.

Quan sát những cụ già chung quanh ta, nhiều cụ làm suốt ngày không nghỉ tay. Dù con cái có phiền trách, cụ vẫn làm không nghỉ, vì cụ nghĩ rằng không làm gì thì vào bàn ăn sẽ tủi lắm, mình không còn giúp gì cho ai, chỉ báo hại thôi. Các cụ buồn tủi vì thấy mình bị mất hết uy quyền.

Trong tình cảnh già yếu và không còn được trao những trách nhiệm quan trọng trong gia đình hay trong công việc thường ngày, người già dễ có tâm trạng thấy mình như một cái vỏ chanh, người ta đã vắt hết nước và bây giờ đem bỏ. Các cụ thấy bị sỉ nhục, thấy mình thừa ra và vô dụng.

Cả trong quan hệ vợ chồng cũng vậy. Người này cảm thấy mình đã dâng hiến quá nhiều cho người kia, và giờ đây người kia không cần mình nữa. Điều đó khiến cho tình trạng của nhiều đôi vợ chồng rất đáng thương. Có những đau khổ kinh khủng: Người ta dằn vặt, đay nghiến, cắn xé nhau thay vì trở nên những đôi bạn già đầy yêu thương trìu mến và cảm thông.

Tâm trạng ấy có thể xẩy ra nơi những người già của chúng ta trong các dưỡng đường: Các linh mục và các tu sĩ già. Đôi khi chúng ta quá vô tình để cho các vị cảm thấy bị bỏ rơi. Hội thánh cần phải nỗ lực hơn nữa để an ủi các người già đã phục vụ suốt bao nhiêu năm. Về phần bản thân, chúng ta cần biết chuẩn bị để đón nhận những khó khăn loại này như thể đón nhận một cuộc thi cuối cùng, để mình được đi tới đỉnh cao nhất trong yêu thương.

Những khó khăn trong tuổi già, tuổi già của đời sống thường và tuổi già tâm linh, là một cuộc thi đầy ưu ái mà Chúa yêu thương dành cho chúng ta. Cuộc thi trước khi vào lãnh thưởng, cuộc thi cuối cùng. Chúng ta đừng để mình bắt hụt vào phút chót. Có lắm người lái xe đi khắp các nẻo đường quê hương đất nước, luôn luôn giật những thành tích làm hài lòng mọi người, không bao giờ gây tai nạn, nhưng khi đưa xe về đến nhà, cho xe vào garage lại gây tai nạn ngay trước cửa garage nhà mình.

Chính khi ta bị mọi người bỏ rơi, ta lại dễ thuộc về Chúa hơn bao giờ; chính khi ta thấy mình thừa ra và vô dụng đối với cuộc sống thường nhật, ta lại được ơn khiêm nhường như lời Chúa trong Lc 17, 10. Hiến dâng rồi tự thưa rằng: “Tôi là một đầy tớ vô dụng”. Nhiều lúc ta cũng cảm thấy mình bị bó buộc phải trở lại tình trạng trẻ con, không tự lo cho mình được mọi thứ mà phải nhờ đến kẻ khác, và đó là tình trạng thích hợp để được vào nước trời.

Như thánh nữ Têrêxa Hài Đồng, ta sẽ tập vui mừng khi thấy mình bị quên đi, bị coi là dư thừa và không quan trọng, bị xài xể và sai vặt như một đầy tớ. Ta sẽ tập đón nhận mà không tìm cách trả ơn, để buộc mình phải nhớ ơn mãi mãi, và hãy xin cho mình được ơn xác tín vào hiệu năng tông đồ của kinh nguyện. Có những lúc ta sẽ nằm bất động trên giường bệnh, cảm thấy mình chỉ làm phiền người khác thôi. Chính đó là dịp để ta xác tín rằng: Hy sinh và kinh nguyện đem lại một hiệu năng tông đồ còn hơn cả những ngày chúng ta xông pha hoạt động rất hăng hái.

ĐÊM TÂM LINH TRONG LỊCH SỬ HỘI THÁNH
Sau cùng, ta nên đối chiếu những khủng hoảng trên đây với những khủng hoảng trong lịch sử Hội Thánh. Nhờ đó, ta có thể được bình an hơn trước những khó khăn của chính mình cũng như của Hội Thánh. Đồng thời ta cũng thấy rõ chính ý muốn của Thiên Chúa đang hướng dẫn và dệt nên lịch sử đời ta cũng như lịch sử Hội Thánh.

Từ tuần trăng mật đến khủng hoảng thất bại
Hội Thánh đã lên đường như người thiếu nữ trong thơ Hàn Mặc Tử:
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.

Tiếp đến là tuần trăng mật:

Chúa dẫn tôi vào hầm rượu lạ,
Uống rồi, tôi chếnh choáng bước ra,
Không còn biết đất trời gì nữa,
Mất cả bầy chiên – mới đó mà!
Ở đó Chúa cho tôi lòng Chúa,
Ngài dạy tôi khoa học tuyệt vời.
Tôi cũng đã cho Ngài tất cả,
Nguyện xe tơ kết tóc một đời.
Thế đó, hồn tôi Ngài hớp mất,
Từ nay tôi chỉ phụng sự Ngài.
Chẳng chăn cừu, chẳng làm gì khác,
Chỉ còn nguyên một việc yêu thôi.
Nếu có ai đầu đường cuối phố
Thương hỏi sao chẳng thấy tôi kìa,
Làm ơn nhắn hộ rằng tôi lạc
Tôi mất tôi cho Chúa lượm về.
(Khúc Linh Ca, 26-29)

Thế nhưng rồi những cuộc khủng hoảng hay những đêm dày đã tuần tự xảy ra cho cuộc tình của Hội Thánh với Chúa của mình. Ba thế kỷ bách hại buổi đầu chẳng khác nào cơn khủng hoảng vỡ mộng (x. các thư 1Tx, 2Tx và 1Pr), đồng thời cũng có thể nói là nhịp thụ động thứ nhất. Tiếp đến, với sự hỗ trợ của thế quyền, Hội Thánh đã lao vào nhịp chủ động suốt nhiều thế kỷ.

Sau sự suy đồi ở các thế kỷ IX, X và XI có thể sánh với cơn khủng hoảng nhàm chán, những sự đua đòi theo tinh thần ngoại giáo ở thời Phục Hưng (thế kỷ XV và XVI) rồi phong trào Duy Tân đòi hợp lý hoá mặc khải theo khoa học và lý trí (ở thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX) đã kéo dài nhịp chủ động thêm nhiều thế kỷ.

Thế nhưng những sự kiện ấy cũng đồng thời tố cáo rằng Dân Chúa đã không dám nhìn nhận sự thất bại của mình và đã chạy theo những cuộc tình lẻ trớ trêu và rẻ tiền. Giờ đây, thiên niên kỷ mới dường như đã khởi sự một giai đoạn thụ động mới cho Hội Thánh. Hội Thánh đang được nếm cảm cái thất bại của mình ở mức thấm thía nhất. Những lời Chúa Giêsu báo trước đang nghiệm đúng từng chữ một: “Vì tội ác gia tăng nên lòng mến nơi nhiều người sẽ bị nguội mất” (Mt 24,12) và“Liệu chừng khi Con Người trở lại, Ngài còn thấy đức tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8). Dường như chúng ta đang chứng kiến một sự rơi theo gia tốc, càng lúc càng nhanh. Những xã hội trước đây theo Ki-tô-giáo đang gỡ bỏ dần các giá trị Ki-tô-giáo. Sự từ chối đức tin và luân lý Ki-tô-giáo đang được khẳng định cách công khai, thậm chí còn được ấn định thành luật pháp. Nhan nhản những sách báo, phim ảnh và các phương tiện truyền thông đại chúng được dùng để xuyên tạc Đức Kitô và bôi nhọ Hội Thánh Ngài. Có những vùng mênh mông đang bỏ đạo. Có những vùng khác rộng hơn từ trước chưa được biết Chúa Kitô thì nay được biết Ngài và Hội Thánh Ngài cách méo mó lệch lạc. Từ Mỹ, Philippines, Ireland và bao nhiêu nơi khác nữa Hội Thánh đang phải lên tiếng xin lỗi cộng đồng xã hội vì những gương xấu do các chức sắc của mình. Hội Thánh phải thú nhận sự thất bại ngay từ bên trong. Có lẽ đây chính là lúc toàn thể Dân Chúa đang tiến dần vào đêm đức tin.

Thế nhưng, liệu chừng chúng ta đã dám nhìn thẳng vào sự thật và để cho đêm đen giải thoát chúng ta khỏi chính mình, hay một lần nữa, chúng ta tìm cách chạy trốn thất bại bằng những thoả hiệp đáng thương? (x. 2Cr 12,7-10)

Đêm tâm linh của Dân Chúa
Đêm Dày quyển II sẽ cho thấy rằng sau những cảm nghiệm về thất bại, đêm tâm linh còn vùi lấp ta trong sỉ nhục đau thương. “Vì các ngươi, Danh Ta đã bị sỉ nhục giữa muôn dân.” (x. Gr 36,20) Nỗi sỉ nhục này vừa kéo xuống trên chính Chúa vừa kéo xuống trên số sót còn lại của Dân Thánh. Nỗi sỉ nhục này chính là dấu hiệu cụ thể của đêm đức tin. Nó đến với chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu cách âm thầm lặng lẽ khi người cha mà chị coi như hiện thân của Vua Trời bị mất trí. Nó đến với chúng ta cách ồn ào ầm ĩ khi người mẹ Hội Thánh là Bạn Trăm Năm Yêu Dấu của Đức Kitô đang bị phơi bày trước mặt thế gian như một người đàn bà lăng loàn trắc nết đáng bị ném đá.

Đêm buông dày không riêng trên tâm hồn bạn mà trên toàn thể số sót của Dân Thánh. Để làm gì? - Để chúng ta được chia sẻ những nỗi niềm riêng của Đức Lang Quân trong cuộc Thương Khó. “Các tông đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan dạ vui mừng vì thấy mình được coi là xứng đáng chịu sỉ nhục vì Danh Đức Giêsu” (Cv 5,41). Đây cũng là ơn ta xin trong Ngắm thứ ba mùa Thương của Kinh Mân Côi: Chúa Giêsu chịu đội mạo gai, ta hãy xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng.

Hiệp thông liên đới trách nhiệm, ta vui nhận thực tế những “con sâu làm rầu nồi canh” trong Hội Thánh, vui nhận tình cảnh “quít làm cam chịu”, “một người làm bậy cả họ mang nhơ”, trong tâm tình chia sẻ với Đức Kitô chịu lăng nhục, bị khạc nhổ vào mặt. Sống tâm tình ấy, ta sẽ có được sự khiêm nhường chân thành đối với mọi người.

Nếu có khi nào bạn cảm thấy ngao ngán nản lòng vì những gương xấu đầy dẫy trong Hội Thánh trên toàn cầu và ngay trong cộng đoàn bé nhỏ của bạn, hãy nhớ rằng chính Đức Kitô đã báo trước về tất cả những điều ấy (x. Mt 24, 24,9.11-13; Lc 18,8). Khi thấy đắng cay vì thất bại, hãy nhớ rằng chính Chúa đã chấp nhận thất bại trong việc chinh phục con người. Chính Chúa cũng đã từng thất bại đối với bạn và đối với tôi. Hãy chọn đứng về phía hạt giống đang mục nát (Ga 12,24), phía của hạt giống đã gieo và đang âm thầm mọc (Mc 4,26-29). Cũng như thân thể Chúa trong cuộc thương khó, Nhiệm Thể Chúa ngày nay cũng phải bầm dập về mọi mặt.

Những điều Chúa báo trước trong bài giảng về ngày thế mạt đang được thể hiện, và giữa những thử thách ấy, ta nghe vọng lại lời Ngài: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21,28).

Rồi cuối phiên toà lịch sử, Đức Giêsu sẽ “ngẩng mặt lên bảo mọi người: “Ai trong các người vô tội, cứ việc lấy đá mà ném trước đi!” Rồi Ngài lại cúi xuống mà viết trên đất” (Ga 8,7b-8) . Quả thật, mãi mãi chúng ta không hề xứng đáng, mãi mãi chúng ta chỉ là người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang được Ngài ban lời tha thứ (Ga 8,11) và được Ngài đổ máu ra rửa sạch (x. Ep 5,26), để rồi được trình diện trước nhan Ngài như Tân Nương trinh trắng đã trang điểm sẵn sàng (x. Ep 5,26-27; 2Cr 11,2; Kh 19,8). Thế nhưng từ đây tới đó, chúng ta còn phải đi qua kinh nghiệm sự vắng mặt của Thiên Chúa.

Người ẩn nơi nao, Hỡi người Yêu Dấu,
Mà bỏ em rên rỉ?
Như một con nai, Người trốn biệt,
Sau khi đã làm cho em bị thương,
Em chạy ra, gọi với theo Người, thì Người đã đi.
(Thánh Gioan Thánh Giá, Những Ca Khúc Tâm Linh, 1)

Và rồi hừng đông
Đêm có ba phần. Phần giữa tăm tối nhất và đàng nào nó cũng phải trôi qua rồi mới tới được phần thứ ba là lúc đêm chuyển dần sang hừng đông. “Đêm có ba phần nhưng tất cả chỉ là một đêm, bởi vì đêm này cũng gồm ba phần như đêm thường vậy. Phần thứ nhất, đêm giác quan, sánh được với phần trước nửa đêm, khi ta không còn bận tâm tới sự vật chung quanh. Phần thứ hai, đêm đức tin, sánh được với lúc nửa đêm, hoàn toàn tăm tối. Và phần thứ ba, tức là Thiên Chúa, giống như rạng đông, mà sau đó tiếp liền là ánh sáng ban ngày.” (1Lên 2,5).

Con đường đi qua đau thương và sỉ nhục Thiên Chúa đã chọn cho Đức Kitô và Hội Thánh Ngài là con đường tất yếu để sửa lại sự sai lầm do tội kiêu ngạo và không vâng phục của Ađam. Bước vào đời, Đức Kitô đã thưa: “Này con đây, con xin đến để làm theo ý Chúa” (Dt 10,7). Ngài đã hạ mình vâng phục cho đến nỗi chết trên thập giá (x. Pl 2,6-7). Trên đỉnh Gôngôtha, đêm đen đã phủ kín đất trời khi Ngài thốt lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”(Mt 27,46). Cần phải đạt tới giây phút nửa đêm mịt mù ấy của đức tin để cho mọi sự được hoàn tất (x. Ga 19,30), để rồi tất cả chuyển sang bình an của hừng đông: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” (Lc 23,46).

Sau khi từ cõi chết sống lại, Ngài sẽ nhắc cho các môn đệ nhớ Ngài đã báo trước với họ rằng mọi điều Thánh Kinh ghi chép về Ngài phải được ứng nghiệm, ý muốn của Thiên Chúa phải được nên trọn nơi Ngài (x. Lc 24,44). Theo bước Đức Phu Quân, Hội Thánh sẽ là “những người đã đến sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao, đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu của Con Chiên” (Kh 7,14). Mọi dấu vết đàng điếm sẽ bị quét sạch (Kh 17,1-18), để Hội Thánh thực sự trở thành “Tân Nương, Hiền Thê của Con Chiên” (Kh 21,9).

Như thế, dù con người đón nhận hay chối từ, ý định ngàn đời của Thiên Chúa vẫn cứ được thực hiện, cho mỗi người cũng như cho toàn thể Hội Thánh và nhân loại. “Đừng niêm phong những sấm ngôn trong sách này, vì thời giờ đã gần đến. Kẻ gian ác cứ làm điều gian ác nữa đi, kẻ ô uế cứ ra ô uế nữa đi, người công chính cứ hành động công chính nữa đi, và người thánh thiện cứ sống thánh thiện nữa đi!”. “Đây, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến, và Ta đem theo lương bổng để trả cho mỗi người tuỳ theo việc mình làm. Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng. Phúc thay những kẻ giặt sạch áo mình, để được quyền hưởng dùng cây Sự Sống!” (Kh 22,10-14).

Qui Nhơn, lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 2010
Linh mục Trăng Thập Tự
Nguồn Dũng Lạc

No comments: