Wednesday, March 20, 2013

19 tháng 3 lễ thánh Giuse: Sống Đức Tin Theo Gương Thánh Giuse

+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Lễ thánh Giuse
2S 7,4-5a.12-14a.16; Rm 4,13.16-18.22; Mt 1,16.18-21.24a

Thánh Giuse được Tin mừng hôm nay công khai tuyên dương là “người công chính”. Công chính là gì?

Theo luân lý, công chính là trả cho người khác cái thuộc về họ. Trong Tin mừng, Chúa Giêsu cũng có lần nói: “Của Xêda hãy trả cho Xêda. Của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa”. Việc thánh Giuse muốn kín đáo bỏ trốn được giải thích nhiều cách khác nhau. Nhưng cách giải thích chính xác nhất là của thánh Bênađô. Ngài nói:

“Lý do Giuse muốn rời bỏ Maria cũng là lý do mà Phêrô đã xin Chúa tránh xa ông: "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi! " (Lc 5:8). Đó cũng là lý do viên đại đội trưởng không dám mời Đức Giêsu vào nhà : “Thưa thầy tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi” (Lc 7:6). Như vậy, vì tự coi mình không xứng đáng và là người tội lỗi, nên Giuse tự nhủ rằng mình chẳng là gì hết để có thể sống chung với một con người vĩ đại như Đức Maria... Phêrô đã sợ hãi sự cao cả của quyền năng, viên đại đội trưởng đã e sợ sự hiện diện uy nghi, Giuse cũng thế, ông sợ hãi trước sự mới lạ, trước chiều sâu của một mầu nhiệm lớn lao, nên muốn rời bỏ bà cách kín đáo.. . Lý do khiến Giuse muốn rời bỏ Maria là thế đó”.

Thánh Giuse công chính không dám nhận những gì không phải của mình. Ngài muốn trả cho Thiên Chúa điều thuộc về Thiên Chúa. Bào thai trong lòng Đức Mẹ là quyền năng của Thiên Chúa. Thánh Giuse không dám lãnh nhận địa vị cao cả đó.

Đặc biệt hơn, công chính là sống đức tin. Đó chính là điều thánh Phaolô quả quyết khi nói về tổ phụ Abraham trong thư Rôma 4, 3.18-22 mà chúng ta nghe một phần trong bài sách thánh thứ hai: “Ông Abraham đã tin Thiên Chúa, và vì thế được kể là người công chính….Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin..., vì ông hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện. Bởi thế ông được kể là người công chính”.

Quả thật Abraham luôn tin tưởng vào Thiên Chúa. Vì tin tưởng nên ông mau mắn vâng lời, thi hành mệnh lệnh Thiên Chúa truyền dạy. Thiên Chúa truyền cho ông bỏ quê hương xứ sở, lập tức ông lên đường. Thiên Chúa truyền dòng dõi ông sẽ đông như sao trên trời, như cát dưới biển, dù lớn tuổi, ông vẫn tin. Khi Isaac, con trai ông, đứa con của lời hứa, được mười hai tuổi, Thiên Chúa truyền ông sát tế dâng cho Người, ông lập tức thi hành.

Cũng trong thư Rôma, thánh Phaolô nhắc lại lời tiên tri Habacuc: “Người công chính sống bởi đức tin” (Hab 2,4// Rm 1,17// Gal 3,11). Sống đức tin là sống công chính. Vì ai tin vào Lời Chúa, thi hành mệnh lệnh của Thiên Chúa là trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Thiên Chúa là tất cả. Ta chẳng là gì. Mọi sự là của Thiên Chúa. Ta chẳng có gì. Vì thế tuyệt đối vâng lệnh Thiên Chúa và mau mắn thi hành mệnh lệnh của Người là điều hợp lý.

Thánh Giuse là người công chính vì thánh nhân tuyệt đối tin tưởng lời Thiên Chúa, dù lời Thiên Chúa nói với thánh nhân trong giấc ngủ. Thánh nhân tin vào lời Thiên Chúa, trong những sự việc bình thường và hợp lý. Như khi truyền cho thánh nhân đem Chúa Giêsu và Đức Mẹ trốn sang Ai cập và sau đó trở về. Thánh nhân còn tuyệt đối tin tưởng ngay cả trong những trường hợp bất thường và lý trí không giải thích được. Như khi thánh nhân định trốn đi, nhưng Thiên Chúa truyền cho thánh nhân ở lại để nhận Đức Mẹ về làm bạn. Không những tuyệt đối tin tưởng, thánh nhân còn mau mắn thi hành không chút chậm trễ. Đức tin của thánh nhân thật lớn lao. Và vì thế sự công chính của thánh nhân thật trổi vượt, xứng đáng được Tin Mừng chính thức ca tụng.

Chúng ta đang sống trong Năm Đức Tin. Nhưng xem ra chúng ta còn thiếu đức tin. Nếu “người công chính sống bởi đức tin” thì ta chưa sống bởi đức tin. Vì ta còn thiếu công chính. Ta chưa trả cho người khác những gì thuộc về họ. Bất công lớn lao đang tràn lan khắp nơi. Ta chiếm đoạt những gì không phải của mình. Từ chiếm đoạt vật chất của cải, đến chiếm đoạt danh dự, phẩm giá của người khác. Từ chiếm đoạt quyền lợi, đến chiếm đoạt cả tự do. Từ chiếm đoạt uy tín, đến chiếm đoạt cả tiếng nói, cả ý kiến của người khác. Nhất là khi sự chiếm đoạt bât công được thể chế hóa qua guồng máy có tổ chức, được hợp thức hóa qua luật lệ. Tiếm quyền, tiếm danh, tiếm ngôn đang được thực hiện khắp nơi. Nhưng trên hết con người đang chiếm đoạt quyền lợi, và vị trí của Thiên Chúa.

Cần sửa chữa những tệ nạn này bằng một đời sống công chính. Đó là điều mà Hội đồng Giám mục Việt nam đã thể hiện qua bản góp ý để sửa đổi Hiến pháp nước Việt nam. Hãy trả cho từ ngữ đúng ý nghĩa của nó. Hãy trả cho người dân đúng quyền lợi của họ. Hãy trả cho đảng phái đúng vị trí của nó. Và hãy trả cho các cơ quan chính quyền đúng chức năng của nó.

Hôm nay chúng ta vui mừng hiệp thông với toàn thể Giáo hội trong ngày lễ đăng quang của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Thánh Cha là người thao thức với đời sống đức tin thể hiện qua sự công chính. Vì thế suốt đời mục tử ngài quan tâm tới đoàn chiên nghèo khổ. Đòi công bằng cho người nghèo được nghe rao giảng Tin mừng, ngài đã nói với các linh mục: "Chúa Giêsu dậy chúng ta một phương cách khác: Hãy đi. Hãy đi chia xẻ chứng tá của các bạn, hãy đi mà giao dịch với các anh chị em, hãy đi và chia xẻ, đi và thăm hỏi. Hãy trở thành Lời Chúa bằng cả thân xác lẫn tinh thần.”

Đòi công bằng cho người nghèo được quan tâm nên Ngài đã lên án các đồng sự lãnh đạo giáo hội là đạo đức giả vì đã quên rằng Chúa Giêsu Kitô đã làm cho người phong cùi được sạch và ăn uống với phụ nữ làng chơi. Để chia sẻ với người nghèo, bản thân ngài thường đi xe buýt đến sở làm, tự nấu ăn lấy và thường xuyên thăm viếng các khu xóm nghèo nàn xung quanh thủ đô nước Argentina.

Cũng vì luôn đứng về phía người nghèo và luôn bảo vệ công lý, chống lại bất công, bất bình đẳng trong xã hội, Ngài không ngại lên tiếng chỉ trích những điều bất công, phi lý. Mark Rice-Oxley trên nhật báo The Guardian tại Anh, hôm 13/03, năm 2009, cho biết Ngài đã chỉ trích chính phủ của Tổng thống Ernesto Kirchner, chồng của Tổng thống hiện tại của Argentina là Cristina Fernández de Kirchner, là xấu xa và bất chính khi để bất bình đẳng tại nước này gia tăng. Theo báo La Croix, Ngài đấu tranh chống nghèo đói vì Ngài coi nghèo đói là một sự vi phạm nhân quyền. Cũng theo bài viết này, trong một đất nước mà đối lập hầu như không tồn tại, Ngài thực sự là tiếng nói duy nhất dám đương đầu với vợ chồng Tổng thống Kirchner – người mà Ngài không ngừng chỉ trích là độc đoán, chuyên quyền.

Tạ ơn Chúa đã ban cho thời đại chúng ta một vị Giáo hoàng sống đức tin mãnh liệt trong đức công chính lớn lao. Chúng ta hãy đồng hành với ngài và noi gương ngài sống đức tin trong Năm Đức Tin này bằng đời sống công chính.

Lạy Thánh Cả Giuse là Đấng Công Chính, xin nâng đỡ Đức Thánh Cha Phanxicô.

+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Tuesday, March 19, 2013

Thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của Đức Thánh Cha Phanxicô, Giám Mục Roma


VATICAN. 200 ngàn tín hữu cùng với đại diện chính quyền 132 quốc gia cũng như nhiều phái đoàn các Giáo Hội Kitô và liên tôn đã tham dự thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của ĐTC Phanxicô từ lúc 9.30 sáng ngày 19-3-2013 tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Lúc 8 giờ 45, ĐTC Phanxicô đã đi trên chiếc xe díp màu trắng, mui trần, không có kiếng chắn đạn, tiến ra Quảng trường thánh Phêrô. Ngài tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu, reo vui, vẫy cờ quốc gia của họ. Có một lúc ĐTC truyền dừng xe lại, ngài xuống xe ôm hôn một người khuyết tật, và những lúc khác, ngài ôm hôn các em bé do các nhân viên an ninh bế lên ngài.

Trước thánh lễ, lúc 9 giờ 20 phút, ĐTC đã xuống hầm dưới bàn thờ chính của Đền Thờ Thánh Phêrô và đến trước mộ của Thánh Tông Đồ trưởng. Tại đây, cùng với 10 thủ lãnh các Giáo hội Công Giáo nghi lễ Đông Phương, trong đó có 4 vị Thượng Phụ Giáo Chủ, 4 vị Tổng Giám Mục trưởng, trong số này 4 vị là Hồng Y, ngài cầu nguyện và xông hương trên mộ Thánh Nhân. Từ mộ thánh Phêrô, hai thầy Phó tế đã lấy hai chiếc đĩa: một đựng dây Pallium và một đựng nhẫn Ngư Phủ của ĐTC, để tháp tùng ngài trong đoàn rước tiến ra lễ đài trên thềm đền thờ thánh Phêrô.

Thành phần tham dự

Đi trước ĐTC trong đoàn rước là 180 vị đồng tế, hầu hết là các Hồng Y, trong phẩm phục màu trắng vàng, trong khi ca đoàn Sistina của Tòa Thánh hát kinh cầu các Thánh xin các vị phù giúp Đức tân Giáo Hoàng.

Trong đoàn đồng tế, đặc biệt cũng có 2 LM đó là Cha José Rodriguez Carballo người Mêhicô, và Cha Aldolfo Nicolás Pachón, người Tây Ban Nha, Bề trên Tổng quyền dòng Tên. Hai vị được mời đồng tế trong tư cách là Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hiệp Hội các Bề trên Tổng quyền dòng nam.

Việc giúp lễ do 15 tu sĩ Phanxicô thuộc Đền thánh La Verna ở miền trung Italia, nơi thánh Phanxicô Assisi nhận 5 dấu thánh, đảm trách với sự phụ giúp của 4 thầy thuộc dòng Phanxicô Viện Tu ở Roma. Phần thánh ca trong buổi lễ do Ca đoàn Sistina của Tòa Thánh gồm 65 ca viên do Nhạc trưởng là Đức ông Massimo Palombella điều khiển, cộng thêm với Ca đoàn tổng hợp gồm 80 ca viên.

Bên trái bàn thờ là 200 GM và 33 phái đoàn của các Giáo Hội Kitô anh em, đứng đầu là Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople bên Thổ Nhĩ Kỳ, và cũng được coi là vị thủ lãnh danh dự chung của toàn Chính Thống giáo. Các vị lãnh đạo các Giáo Hội Tin Lành, Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô, và cả thầy Alois Loeser, tu viện trưởng tu viện Đại kết Taizé bên Pháp.

Cũng ở bên trái nhưng xuống phía trước bàn thờ là phái đoàn của các tôn giáo bạn, từ Do thái giáo, Phật giáo, Hồi giáo, đạo Sikh, Jaina và Ấn Giáo. Sau đó là 1.200 LM và chủng sinh.

Bên hông phải bàn thờ là chỗ dành cho 132 phái đoàn chính thức của các nước, đứng đầu là Tổng thống Cộng hòa Italia, ông Giorgio Napolitano, Bà Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner của Argentina, 6 vị vua, 32 vị Tổng thống, 3 thái tử, phần còn lại là các thủ tướng chính phủ, phu nhân Tổng thống, hoặc Phó tổng thống, trong đó có Ông Joseph Biden của Hoa Kỳ.

Chính quyền thành Roma đã bố trí một số màn hình khổng lồ tại khu vực quảng trường Thánh Phêrô và đường Hòa Giải để dân chúng có thể tham dự thánh lễ.

ĐTC tiến ra lễ đài trước sự vỗ tay vang dội của mọi người. Nhiều lá cờ quốc gia cũng được các tín hữu phất lên, dưới bầu trời đẹp.

Nghi thức nhận Pallium và nhẫn Ngư Phủ

Nghi thức khai mạc sứ vụ Phêrô, theo qui định của ĐTC Biển Đức 16, nay được cử hành liền trước thánh lễ, vì không phải là bí tích. Nghi thức này gồm phần trao dây Pallium Giáo Hoàng và trao nhẫn Ngư Phủ.

Dây Pallium được trao cho ĐTC là dây làm bằng lông chiên màu trắng, có 6 hình Thánh Giá màu đỏ, khi được đeo vào cổ, có một phần dài ở phía trước ngực và một phần dài ở sau lưng. Đây là biểu hiệu cổ kính nhất của Giám Mục. Simeon thành Tessalonica viết: "Dây Pallium chỉ Chúa Cứu Thế khi gặp chúng ta như chiên lạc đàn, Ngài vác lên vai, và khi nhận lấy nhân tính con người trong cuộc nhập thể, Ngài thần hóa nhân tính ấy bằng cái chết của Ngài trên Thánh Giá, Ngài dâng chúng ta cho Chúa Cha, và qua cuộc phục sinh, Ngài nâng chúng ta lên cao".
Vì thế dây Pallium nhắc nhớ vị Mục Tử nhân lành (cf Ga 10,11), vác trên vai con chiên lạc (cf Lc 15,4-7), và 3 câu trả lời yêu mến đáp lại 3 câu Chúa Giêsu Phục Sinh hỏi thánh Phêrô, và Chúa dạy thánh nhân hãy chăn các con chiên con và chiên mẹ của Ngài (cf Ga 21,15-17).

3 vị Hồng Y là Angelo Sodano, niên trưởng HY đoàn, trưởng đẳng GM, ĐHY Godfried Danneels, nguyên TGM Bruxelles bên Bỉ, trưởng đẳng HY Linh Mục, và ĐHY Jean Louis Tauran, người Pháp, trưởng đẳng HY Phó tế lần lượt tiến lên trước mặt ĐTC. ĐHY Tauran cầu xin Thiên Chúa của hòa bình ban cho ĐGH dây Pallium đã lấy từ bàn thờ tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô Tông Đồ, là Đấng mà Mục Tử nhân lành đã truyền chăn dắt các chiên con và chiên mẹ của Ngài, và ngày hôm nay ĐTC kế vị thánh nhân. Xin Thánh Thần Chân Lý ban ơn soi sáng và phân định cho sứ vụ của ĐTC củng cố các anh em trong đức tin duy nhất.

Rồi ĐHY trưởng đẳng Phó tế tiến lên đeo dây Pallium vào cổ Đức tân Giáo Hoàng, tiếp đến ĐHY trưởng đẳng LM Danneels kết thúc với lời nguyện: "xin Thiên Chúa chúc lành và củng cố ơn Thánh Linh để sứ vụ của Đức tân Giáo Hoàng tương ứng với sự cao cả của đoàn sủng mà Chúa đã ban cho Người."

Sau đó là nghi thức trao nhẫn Ngư Phủ. Ngay từ ngàn năm thứ I, nhẫn là biểu hiệu riêng của Giám Mục. Chiếc nhẫn Ngư Phủ được trao cho ĐTC Phanxiô bằng bạc có hình thánh Phêrô đang cầm chìa khóa, có nghĩa đó là nhẫn chứng thực thực đức tin và nói lên nghĩa vụ được ủy thác cho thánh Phêrô là củng cố các anh em mình (cf Luca 22,32). Nhẫn này được gọi là Nhẫn Ngư Phủ vì thánh Phêrô là Tông Đồ Ngư Phủ (cf Mathêu 4,18-19). Sau khi tin vào lời Chúa Giêsu (cf Luca 5,5), thánh nhân đã thả lưới và kéo vào bờ mẻ cá lạ lùng (cf Gioan 21,3-14).

ĐHY Angelo Sodano, trưởng đẳng GM, nói: "Kính thưa Đức Thánh Cha, chính Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, là Mục tử và là Giám mục của các linh hồn chúng ta, Đấng đã xây dựng Giáo Hội trên đá tảng, ban cho ĐTC Nhẫn này, ấn tín của Thánh Phêrô Ngư Phủ, Người đã sống niềm hy vọng trên biển Tiberiade và Chúa đã trao cho Người chìa khóa nước trời. Ngày hôm nay, ĐTC kế vị Thánh Phêrô trong Giám mục đoàn của Giáo Hội này, làm đầu trong tình hiệp thông hiệp nhất theo giáo huấn của Thánh Phaolô Tông Đồ. Xin Thánh Thần tình yêu được phú vào tâm hồn chúng ta làm cho ĐTC được tràn đầy sức mạnh và sự dịu dàng để giữ gìn các tín hữu Chúa Kitô, qua sứ vụ của ĐTC, trong sự hiệp thông duy nhất".

Rồi ĐHY Sodano trao Nhẫn Ngư Phủ cho ĐTC, giữa tiếng vỗ tay vang dội của cộng đoàn.

Tiếp đến là nghi thức tuân phục. Hồi ĐGH Biển Đức 16 khai mạc sứ vụ, ngoài các Hồng y còn có các đại diện LM, tu sĩ nam nữ và giáo dân, tổng cộng là 12 người, nhưng lần này chỉ có 6 HY đại diện, mỗi đẳng GM, LM và Phó tế 2 vị. Hai vị đứng đầu là ĐHY Giovanni Battista Re và ĐHY Bertone.

Trong nghi thức này không có đại diện LM, tu sĩ nam nữ và giáo dân vì họ sẽ cử hành nghi thức tuân phục trong buổi lễ ĐTC Phanxicô sẽ cử hành trong mùa Phục Sinh khi đến nhận Nhà thờ chính tòa giáo phận Roma của ngài là Đền thờ thánh Gioan Laterano.

Thánh lễ kính Thánh Giuse với kinh nguyện và các bài đọc đi kèm bắt đầu sau nghi thức nhận Pallium và nhẫn Ngư Phủ của ĐTC.

Bài Tin Mừng được hát bằng tiếng Hy Lạp kể lại sự tích thánh Giuse sau khi thấy Đức Maria có thai, thì toan tính âm thầm bỏ rơi Người, nhưng đã được Sứ thần Chúa hiện ra trong giấc mộng và dạy hãy đón nhận Đức Maria về nhà mình.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng tiếp đó bằng tiếng Ý, ĐTC nói:

Anh chị em thân mến,

Tôi cảm tạ Chúa vì được cử hành Thánh Lễ này, khai mạc sứ vụ Phêrô trong ngày lễ trọng kính Thánh Giuse, Hôn Phu của Đức Trinh Nữ Maria, và là Bổn Mạng của Giáo Hội: đây là một dịp trùng hợp đầy ý nghĩa và cũng là lễ bổn mạng của Vị Tiền Nhiệm Đáng Kính của tôi: chúng ta gần gũi ngài trong kinh nguyện, đầy lòng quí mến và biết ơn (vỗ tay).

Tôi thân ái chào các anh em Hồng y và Giám Mục, các linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em giáo dân. Tôi cám ơn các đại diện của các Giáo Hội và Cộng đoàn Giáo Hội khác hiện diện nơi đây cũng như các đại diện của cộng đồng Do thái và các cộng đồng tôn giáo khác. Tôi gửi lời chào nồng nhiệt đến các vị Quốc trưởng và Thủ tướng chính phủ, các phái đoàn chính thức của bao nhiêu nước trên thế giới và ngoại giao đoàn.

Chúng ta đã nghe trong Tin Mừng rằng "Giuse làm như Thiên Thần Chúa đã truyền và đón nhận hiền thê của mình" (Mt 1,24). Trong những lời này có gồm tóm sứ mạng mà Thiên Chúa ủy thác cho Giuse, sứ mạng làm người canh giữ. Nhưng canh giữ ai? Thưa là canh giữ Mẹ Maria và Chúa Giêsu, nhưng đó là một sự canh giữ được nới rộng cho toàn thể Giáo Hội, như Chân phước Gioan Phaolô 2 đã nhấn mạnh: "Thánh Giuse, vì yêu thương chăm sóc Mẹ Maria và vui mừng tận tụy giáo dục Đức Giêsu Kitô, như thế Ngài cũng giữ gìn và bảo vệ nhiệm thể của Ngài là Giáo Hội, mà Đức Thánh Trinh Nữ là hình ảnh và gương mẫu" (Tông Huấn Redemptoris Custos, 1).

Thánh Giuse thi hành công việc canh giữ ấy như thế nào? Thưa một cách kín đáo, khiêm tốn, trong thinh lặng, nhưng với một sự hiện diện liên lỷ và trung tín hoàn toàn, cả khi Ngài không hiểu. Từ khi kết hôn với Mẹ Maria cho đến biến cố Chúa Giêsu 12 tuổi tại Đền thờ Jerusalem, Ngài ân cần yêu thương đồng hành trong mọi lúc. Ngài ở cạnh Maria Hiền thê của Ngài trong những lúc thanh thản cũng như trong những lúc khó khăn của cuộc sống, trong hành trình đi Bêlem để kiểm tra dân số, và trong những giờ hồi hộp và vui mừng của cuộc sinh hạ; trong lúc bi thảm tị nạn sang Ai Cập và trong cuộc vất vả tìm con tại Đền Thờ; và rồi trong cuộc sống hằng ngày tại nhà Nazareth, trong phòng làm việc nơi thánh nhân đã dạy nghề cho Chúa Giêsu.

Thánh Giuse đã sống ơn gọi gìn giữ Mẹ Maria, Chúa Giêsu và Giáo Hội như thế nào? Thưa trong sự luôn quan tâm để ý tới Thiên Chúa, cởi mở đối với những dấu hiệu của Chúa, sẵn sàng đối với dự phóng của Chúa, không phải tới điều riêng của mình, nhưng điều mà Thiên Chúa yêu cầu Vua Davít, như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ I; Thiên Chúa không mong ước một nhà do con người làm ra, nhưng Chúa muốn lòng trung thành với Lời Ngài, với kế hoạch của Ngài; và chính Thiên Chúa xây dựng căn nhà, nhưng bằng những viên đá sống động nhờ Thánh Thần của Ngài. Và thánh Giuse là người "canh giữ", vì Ngài biết lắng nghe Thiên Chúa, để cho thánh ý Chúa hướng dẫn, và chính vì thế thánh nhân càng nhạy cảm hơn đối với những người được ủy thác cho Ngài, biết đọc các biến cố một cách thực tế, chú ý đến những gì ở chung quanh và biết đưa ra những quyết định khôn ngoan hơn. Các bạn thân mến, chúng ta thấy thánh Giuse đáp ứng ơn gọi của Chúa như thế nào, với thái độ sẵn sàng, mau mắn, nhưng chúng ta cũng thấy đâu là trung tâm điểm ơn gọi Kitô, là chính Chúa Kitô! Chúng ta hãy gìn giữ Chúa Kitô trong đời sống chúng ta, để giữ gìn những người khác, để giữ gìn thiên nhiên, công trình sáng tạo.

"Nhưng ơn gọi của người canh giữ không phải chỉ liên hệ đến các tín hữu Kitô chúng ta mà thôi, nhưng còn có một chiều kích đi trước và nhân bản, liên hệ tới tất cả mọi người. Đó là việc bảo tồn toàn thể thiên nhiên, vẻ đẹp của công trình tạo dựng, như được trình bày cho chúng ta trong Sách Sáng Thế và như thánh Phanxicô Assisi đã chỉ cho chúng ta; đó là tôn trọng đối với mỗi thụ tạo của Thiên Chúa và môi trường trong đó chúng ta sinh sống. Đó là giữ gìn con người, chăm sóc tất cả mọi người, mỗi người, với tình yêu thương, đặc biệt là các trẻ em, người già, những người yếu đuối hơn và thường ở ngoài lề tâm hồn chúng ta. Đó là chăm sóc lẫn nhau trong gia đình: vợ chồng gìn giữ nhau, và trong tư cách là cha mẹ, họ chăm sóc con cái, rồi với thời gian cả con cái cũng trở thành những người gìn giữ cha mẹ. Đó là sống những tình bạn chân thành, là một sự gìn giữ nhau trong sự tín nhiệm, trong sự tôn trọng và trong thiện ích. Xét cho cùng, tất cả đều được ủy thác cho sự gìn giữ của con người, và đó là một trách nhiệm liên hệ tới tất cả chúng ta. Anh chị em hãy trở thành những người gìn giữ hồng ân của Thiên Chúa.

"Và khi con người thiếu sót trách nhiệm của mình, khi chúng ta không chăm sóc công trình tạo dựng và các anh chị em chúng ta, thì khi ấy xảy ra sự tàn phá và con tim trở nên chai đá. Rất tiếc là trong mỗi thời đại, đều có những "vua Hêrôđê" đề ra những mưu đồ chết chóc, hủy hoại và bóp méo khuôn mặt của con người nam nữ.
Tôi muốn xin tất cả những người đang nắm giữ các vai trò trách nhiệm trong lãnh vực kinh tế, chính trị hoặc xã hội, tất cả những người thiện chí: "Chúng ta hãy trở thành những người gìn giữ công trình tạo dựng, gìn giữ kế hoạch của Thiên Chúa được ghi khắc trong thiên nhiên, giữ gìn tha nhân, môi sinh; chúng ta đừng để cho những dấu hiệu tàn phá và chết chóc tháp tùng hành trình của thế giới chúng ta! Nhưng để "gìn giữ" thì chúng ta cũng phải chăm sóc chính mình! Chúng ta hãy nhớ rằng oán ghét, ghen tương, kiêu ngạo làm cho cuộc sống bị nhơ bẩn! Gìn giữ có nghĩa là canh chừng những tâm tình chúng ta, con tim chúng ta, vì chính từ đó nảy sinh những ý hướng tốt hay xấu: những ý hướng xây dựng và những ý hướng hủy hoại! Chúng ta không được sợ sự tốt lành, và cũng đừng sợ sự dịu dàng!

"Và ở đây, tôi muốn ghi nhận thêm điều này: chăm sóc, giữ gìn, đòi phải có sự tốt lành, đòi phải được sống với sự dịu dàng. Trong các sách Phúc Âm, thánh Giuse xuất hiện như một người mạnh mẽ, can đảm, chuyên cần làm việc, nhưng trong tâm hồn Ngài trổi vượt một sự rất dịu dàng, đây không phải là đức tính của kẻ yếu, trái lại, nó chứng tỏ một tâm hồn mạnh mẽ và có khả năng chú ý, cảm thương, thực sự cởi mở đối với tha nhân, yêu thương. Chúng ta không được sợ sự tốt lành và dịu dàng!

"Ngày nay, cùng với lễ Thánh Giuse, chúng ta cử hành khởi đầu sứ vụ của tân GM Roma, người Kế Vị Thánh Phêrô, cũng bao gồm một quyền bính. Dĩ nhiên Chúa Giêsu Kitô đã ban quyền cho thánh Phêrô, nhưng đó là quyền bính gì thế? Sau ba câu Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô về tình yêu, có 3 lời mời gọi: hãy chăn các chiên con, hãy chăn giắt các chiên mẹ của Thầy. Chúng ta không bao giờ được quên rằng quyền bính đích thực là phục vụ và cả Giáo Hoàng, để thi hành quyền bính này, ngày càng phải tiến sâu hơn vào việc phục vụ ấy, việc phục vụ có tột đỉnh sáng ngời trên Thập Giá; Giáo Hoàng phải nhìn đến sự phục vụ khiêm tốn, cụ thể, đầy đức tin, của thánh Giuse và như thánh nhân, mở rộng vòng tay để giữ gìn toàn thể Dân Chúa và yêu thương, dịu dàng, đón nhận toàn thể nhân loại, nhất là những người nghèo nhất, yếu đuối nhất, những người nhỏ bé nhất, những người mà thánh Mathêu mô tả trong cuộc phán xét chung về đức bác ái: những người đói, khát, ngoại kiều, người trần trụi, bệnh nhân, tù nhân (Xc Mt 25,31-46). Chỉ những ai phục vụ với lòng yêu mến mới biết giữ gìn!

Trong bài đọc thứ hai, Thánh Phaolô nói về Abraham, người "đã tin, kiêm vững trong niềm hy vọng bất chấp mọi nghịch cảnh" (Rm 4.18). Kiên vững trong niềm hy vọng, bất chấp mọi nghịch cảnh! Cả ngày nay, đứng trước bao nhiêu chân trời đen xám, chúng ta cần thấy ánh sáng hy vọng và chính chúng ta trao ban hy vọng. Giữ gìn công trình tạo dựng, mỗi người nam nữ, với cái nhìn dịu dàng và yêu thương, đó chính là mở rộng chân trời hy vọng, là mở ra một luồng sáng giữa bao nhiêu mây mù, là mang sức nóng hy vọng! Và đối với tín hữu, đối với các tín hữu Kitô chúng ta, như Abraham, như thánh Giuse, niềm hy vọng mà chúng ta mang có chân trời của Thiên Chúa được mở rộng cho chúng ta trong Chúa Kitô, được xây dựng trên đá tảng là Thiên Chúa.

"Giữ gìn Chúa Giêsu với Mẹ Maria, giữ gìn toàn thể công trình sáng tạo, giữ gìn mỗi người, đặc biệt là người nghèo nhất, giữ gìn chính chúng ta; đó là một công tác phục vụ mà Giám Mục Roma được kêu gọi chu toàn, nhưng đó cũng là ơn gọi mà tất cả chúng ta được mời gọi làm cho ngôi sao hy vọng được chiếu sáng rạng ngời: Chúng ta hãy gìn giữ với lòng yêu mến điều Thiên Chúa đã ban cho chúng ta!

"Tôi cầu khẩn sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, của Thánh Giuse, của thánh Phêrô và Phaolô, thánh Phanxicô, xin Chúa Thánh Linh tháp tùng sứ vụ của tôi, và tôi nói với tất cả anh chị em rằng: xin cầu nguyện cho tôi! Amen
Các ý nguyện

Bài giảng của ĐTC bị ngắt quãng nhiều lần vì những tiếng vỗ tay của các tín hữu, lần đầu khi ngài chúc mừng lễ Bổn mạng của Vị Tiền nhiệm và mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho Người.

Trong phần lời nguyện phổ quát, đã có 5 ý nguyện được xướng lên là tiếng Nga, Pháp, Arap, Swahili bên Phi châu và tiếng Hoa, lần lượt cầu cho Giáo Hội: Xin Thiên Chúa toàn năng nâng đỡ mọi người, các mục tử và tín hữu, sống tuân phục vô điều kiện đối với Tin Mừng; xin Chúa gìn giữ ĐGH Phanxicô trong việc thi hành sứ vụ của Người Kế Nhiệm Thánh Phêrô và Chủ Chăn của toàn thể Giáo hội; cầu cho các người cầm quyền: xin Chúa soi sáng tâm trí và hướng dẫn họ trong việc xây dựng nền văn minh tình thương; cầu cho những người nghèo khổ trên trái đất: xin Chúa bồi dưỡng, an ủi và ban cho họ niềm hy vọng nhờ lòng bác ái của các tín hữu Kitô; sau cùng là cầu cho gia đình của Thiên Chúa đang tụ họp trong thánh lễ: xin Chúa biến đổi cuộc sống của tất cả các tín hữu nên giống Chúa Giêsu.

Để rút ngắn thời gian buổi lễ, không có phần tiến dâng lễ vật, và ĐTC cũng không đích thân cho rước lễ, nhưng một thầy Phó tế đã làm thay. Trong khi đó có 500 LM mang Mình Thánh Chúa phân phát cho các tín hữu tại khu vực hành lễ. Sau thánh lễ, ở bên trong Đền thờ Thánh Thánh Phêrô, ĐTC đã chào thăm các vị thủ lãnh của 132 phái đoàn chính thức do chính phủ các nước gửi đến dự lễ. Bắt đầu là bà tổng thống Cristina Kirchner của Argentina và tổng thống Giorgio Napolitano của Italia.

Lễ khai mạc sứ vụ của ĐTC kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ và được nhiều tín hữu trên thế giới theo dõi qua truyền hình.

G. Trần Đức Anh OP

http://vi.radiovaticana.va/news/2013/03/19/th%C3%A1nh_l%E1%BB%85_khai_m%E1%BA%A1c_s%E1%BB%A9_v%E1%BB%A5_ph%C3%AAr%C3%B4_c%E1%BB%A7a_%C4%91%E1%BB%A9c_th%C3%A1nh_cha_phanxic%C3%B4,_gi%C3%A1m_m%E1%BB%A5/vie-674825


Saturday, March 16, 2013

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến giới truyền thông

VATICAN. Sáng ngày 16-3-2013, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến hàng ngàn người thuộc giới truyền thông. Ngài kêu gọi họ hãy để ý tới bản chất đặc biệt của Giáo Hội khi thông tin về các hoạt động của Hội Thánh, và kể lại lý do tại sao ngài chọn tên Phanxicô.

Hiện diện tại Đại thính đường Phaolô 6 trong buổi tiếp kiến từ lúc 11 giờ có lối 2.500 người, họ đại diện cho khoảng 6 ngàn người thuộc 81 quốc gia có mặt tại Roma để thông tin về các hoạt động của Tòa Thánh, từ sau khi Đức Biển Đức 16 từ nhiệm, cho tới việc bầu Giáo Hoàng mới và các hoạt động đầu tiên của ngài.

Đức TGM Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh truyền thông xã hội, đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC và giới thiệu với ngài các thành phần chính trong giới truyền thông hiện diện.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC đã cám ơn những người thuộc giới truyền thông đã hoạt động rất nhiều trong những ngày này; ngài đề cao vai trò ngày càng quan trọng của các phương tiện truyền thông và nói thêm rằng: "Tôi đặc biệt cám ơn những người đã biết quan sát và trình bày những biến cố này trong lịch sử Giáo Hội, để ý đến viễn tượng đúng đắn nhất trong đó cần phải đọc các biến cố ấy, viễn tượng đức tin... Các biến cố Giáo Hội chắc chắn là không phức tạp hơn các biến cố chính trị hoặc kinh tế! Nhưng chúng có một đặc tính đặc thù sâu xa: đó là đáp ứng một tiêu chuẩn chủ yếu không thuộc các biến cố trần thế, và chính vì thế không dễ giải thích và thông truyền cho một công chúng rất rộng lớn và khác biệt. Thực vậy Giáo Hội tuy là một tổ chức con người và lịch sử, với tất cả những yếu tố đi kèm, nhưng Giáo Hội không có một bản chất chính trị, trái lại Giáo Hội nòng cốt là tinh thần: là Dân Thiên Chúa. Dân Thánh của Thiên Chúa đang tiến bước về cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô. Chỉ khi nào đặt mình trong viễn tượng ấy ta mới có thể hoàn toàn giải thích được những gì Giáo Hội thực hiện".

ĐTC cũng nhấn mạnh rằng "Chính chúa Kitô là vị Mục Tử của Giáo Hội, nhưng sự hiện diện của Chúa trong lịch sử, tiến qua tự do của con người, trong đó một người được chọn để phục vụ như Đại Diện của Chúa, là Người Kế nhiệm thánh Phêrô Tông Đồ, nhưng Chúa Kitô là trung tâm chứ không phải là Phêrô".

Tại sao chọn danh hiệu Phanxicô

ĐTC ứng khẩu giải thích cho giới truyền thông lý do tại sao ngài chọn tên hiệu là Phanxicô. Ngài nói:

"Một số người không biết tại sao GM Roma đã muốn được gọi là Phanxicô. Một số người nghĩ đến Phanxicô Xavie, Phanxicô đệ Salê, và Phanxicô Assisi. Tôi kể cho các bạn lịch sử. Trong cuộc bầu phiếu, ở bên cạnh tôi có Đức TGM hồi hưu của giáo phận São Paulo, và nguyên là Tổng trưởng Bộ giáo sĩ, đó là ĐHY Claudio Hummes (OFM): một người bạn rất thân! Khi sự việc trở nên nguy hiểm hơn, ĐHY khích lệ tôi. Và khi số phiếu lên đến 2 phần 3, thì cộng đoàn vỗ tay như thói quen vì đã bầu được Giáo Hoàng. ĐHY Hummes ôm lấy tôi và nói: "Bạn đừng quên người nghèo nhé!". Và lời ấy đã đi vào tâm trí tôi: người nghèo, người nghèo!. Rồi ngay lúc ấy cùng với người nghèo tôi đã nghĩ đến thánh Phanxicô Assisi. Rồi tôi cũng nghĩ đến các cuộc chiến tranh, trong khi cuộc khui phiếu tiếp tục, cho đến tất cả các phiếu. Thánh Phanxicô là người hòa bình. Và thế là tên Phanxicô đi vào tâm hồn tôi: Phanxicô Assisi. Người khó nghèo, người hòa bình, người yêu mến và bảo tồn thiên nhiên, trong lúc này chúng ta đang có một quan hệ không tốt lắm đối với Đấng Tạo Hóa. Đó là vị mang lại cho chúng ta tinh thần hòa bình, con người thanh bần. A, tôi mong ước một Giáo Hội thanh bần và cho người nghèo dường nào! Sau đó một vài hồng y đã nói đùa với tôi: "Lẽ ra bạn phải được gọi là Adriano, vì ĐGH Adriano VI là một nhà cải cách, cần phải cải tổ...". Một vị khác nói: "Không, không, tên của bạn phải là Clemente". Nhưng tại sao? "Clemente XV: như thế bạn trả đũa được ĐGH Clemente XIV là người đã giải tán dòng Tên!". Đó là những câu nói đùa thôi..."

Giới truyền thông hiện diện đã nồng nhiệt vỗ tay vì những tiết lộ trên đây của ĐTC. Cuối buổi tiếp kiến, ngài đã bắt tay chào thăm hàng chục đại diện của giới báo chí và truyền thanh truyền hình. (SD 16-3-2013)

G. Trần Đức Anh OP
http://vi.radiovaticana.va/news/2013/03/16/%C4%91%E1%BB%A9c_th%C3%A1nh_cha_phanxic%C3%B4_ti%E1%BA%BFp_ki%E1%BA%BFn_gi%E1%BB%9Bi_truy%E1%BB%81n_th%C3%B4ng/vie-674032

Short version in English


Full version
http://www.youtube.com/watch?v=IP6qxwSRERk


Friday, March 15, 2013

Kính chào Đức Thánh Cha Phanxicô

Vũ S.J.
T5, 14/03/2013 - 15:12

WGPSG -- 19 giờ 07 phút ngày 13 tháng 3 năm 2013, làn khói trắng tỏa ra từ Nhà nguyện Sistine đã đánh động toàn thể thế giới. Thế giới truyền thông chuyển động mọi tập trung dồn về Rôma; các hãng tin lớn cắt ngang mọi chương trình để trực tiếp quan sát nhịp thở lịch sử của Giáo hội. Người quan sát hồi hộp dõi theo tích tắc của chiếc đồng hồ đang chờ đợi vị cha chung.

20 giờ 25 phút, Đức Thánh Cha bước ra trong tiếng reo hò của hàng vạn người tập trung ở quảng trường thánh Phêrô và hàng triệu người theo dõi qua các phương tiện truyền thông. Đức Thánh Cha điềm đạm vẫy tay chào mọi người với dáng đứng nghiêm nghị vốn có pha chút xúc động tỏ lộ trên khuôn mặt hiền từ. Ai nhìn cũng thấy rõ căng thẳng! Và Đức Thánh Cha đã mỉm cười nhân hậu đáp lại sự căng thẳng trong thời khắc ấy. Ngài mở lời dí dỏm duyên dáng nhưng sâu sắc: "Nhiệm vụ của Mật tuyển viện là để chọn vị Giám mục Roma. Có thể thấy rằng các Đức hồng y đã đi đến tận cùng trái đất để chọn người… và chúng ta đã có được người ấy". Ngay sau đó, Đức Thánh Cha đã hướng lòng thế giới đến Đức Bênêđictô XVI với lòng biết ơn và tín thác vị tiền nhiệm trong sự bảo bọc của Thiên Chúa với sự bầu cử của Đức Maria.

Đẹp thay, khi Đức Thánh Cha xướng lên những lời kinh đơn sơ mà người tín hữu nào cũng biết đến từ thủa vỡ lòng. Mọi người cùng cất lên những lời kinh vỡ lòng ấy bằng ngôn ngữ của mình; rập theo tâm tình của Đức Thánh Cha. Ngài qui tụ mọi người bằng tâm tình câu nguyện đơn thành và tấm lòng chân thành tri ân hướng về Đức Bênêđictô XVI, vị tiền nhiệm trong sứ vụ kế vị Thánh Phêrô.

Đẹp tuyệt vời khi Đức Thánh Cha bất ngờ xin mọi người cầu nguyện cho ngài trước khi ban phép lành cho dân chúng. Ngài cúi mình trong thinh lặng, và cả quảng trường với hàng vạn người ấy cũng được Đức Thánh Cha dẫn vào tĩnh lặng đến bất ngờ. Ngài đã qui hướng tín hữu khắp nơi đi vào chiều sâu nội tâm, ở nơi đó thành tâm của con người chạm được đến lòng từ tâm của Thiên Chúa. Với khoảnh khắc ấy, trong thâm sâu của tĩnh lặng không gian, con nghĩ Đức Thánh Cha đã tín thác sứ vụ mục tử trong sâu thẳm của đức tin để cùng với toàn thể Hội thánh đặt mình dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Một giây phút hiệp thông trong đức tin bừng sáng lên lòng hiệp nhất trong đức cậy. Với niềm tin và hi vọng ấy, Đức Thánh Cha đã khởi đầu cuộc lữ hành đức tin trong sứ mạng kế vị Thánh Phêrô và kế nhiệm Đức Bênêđictô XVI. Ngài cầu xin cho Hội thánh được hiệp thông trong đức mến và hiệp nhất trong đức cậy. Ngài cũng cầu chúc cho thế giới vững mạnh trong yêu thương. Con gọi thông điệp đầu tiên Đức Thánh Cha trao gửi mọi người hôm nay là sứ điệp yêu thương!

Trước khi giã từ giây phút gặp gỡ lịch sử ấy, Đức Thánh Cha đã nán lại để đón nhận sự chào đón của mọi người. Và dường như ngài đã xúc động khi bộc lộ một tình cảm thiêng liêng rất đơn sơ và riêng tư: "Ngày mai tôi muốn đi viếng và cầu nguyện với Đức Mẹ. Xin Mẹ gìn giữ…" Đức Thánh Cha đã gợi lại kinh nghiệm linh thao mà ngài thao luyện hơn 40 năm qua, đó là lời cầu xin Đức Mẹ "đặt con với Con của Mẹ" mà thánh I-nhã đã tâm nguyện trong hành trình thiêng liêng ở La Storta năm 1537. Con không được biết tâm trạng của Đức Thánh Cha, nhưng con cảm nghiệm bằng đồng cảm của cùng một linh đạo: người tu sĩ dòng Tên khiêm tốn biết mình lỗi tội và bất xứng với Thiên Chúa, nhưng cũng trân trọng xác tín biết mình được Thiên Chúa yêu thương gọi mời bước theo Đức Kitô, song hành với thập giá. Và vì thế, Đức Thánh Cha đã tìm đến sự cầu bầu của Đức Mẹ với tất cả tình cảm đơn thành: xin được kiên trung bước theo Con của Mẹ. Tâm tình đó cũng bừng cháy khát khao mãnh liệt suốt cuộc đời của thánh I-nhã: để yêu thương và phục vụ trong mọi sự [en todo amar y server].

Con tin rằng suốt cuộc đời hiến dâng đã qua và suốt quãng đời dấn thân tiếp đến, Đức Thánh Cha đã và sẽ nung nấu trong tim mình tâm tư của Đức Giêsu để sẵn sàng ứng trực với mọi sứ vụ trong yêu thương và phục vụ. Yêu thương và phục vụ đến hủy mình cũng là 2 đặc sủng lớn nơi cuộc đời 2 vị thánh mang tên Phanxicô mà Đức Thánh Cha đã chọn cho sứ vụ mới của mình: Phanxicô Assisi và Phanxicô Xavier. Hai vị thánh truyền giáo lỗi lạc bằng đời sống thầm lặng đến nhiệm mầu! Và khi nhắc đến sự thầm lặng nên thánh ấy, không khỏi liên tưởng đến ngày khai mạc sứ vụ mục tử toàn thể Hội thánh mà Đức Thánh Cha đã chọn cũng là ngày Giáo hội mừng kính thánh Giuse, vị thánh thầm lặng trong kiên trung để tín thác trọn vẹn vào kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa. Thánh Giuse thầm lặng nhưng đức kiên trung của thánh nhân thì trổi vượt đến nỗi ngài được đặt làm bổn mạng của Giáo hội hoàn vũ. Thánh Giuse cũng là Đấng bảo trợ dòng Tên, nơi mà Đức Thánh Cha đã bắt đầu hành trình dâng hiến.

Người ta đã nói nhiều về Đức Thánh Cha trên mọi phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội. Nhưng những người thân gần với Đức Thánh Cha đều có nhận xét chung rằng ngài rất lặng lẽ và giản dị, thuộc mẫu người có lập trường nhưng cũng rất tình cảm. Làm Tổng Giám mục giữa chốn đô hội của thủ đô Buenos Aires, Argentina, ngài đã chọn cho mình lối sống bình dân: ở đơn sơ, ăn mộc mạc. Truyền thông còn thích thú khi khám phá ra rằng Đức Thánh Cha thường thích tự tay nấu nướng cho bản thân mình và hay đi mục vụ bằng những phương tiện vận chuyển công cộng để gần dân và hiểu dân, nhất là những người dân nghèo. Thi hành sứ vụ ở một Tổng giáo phận lớn với những ảnh hưởng của tiêu cực văn hóa và sa đọa nhân phẩm, ngài đã can đảm và kiên trì bảo vệ và ưu tiên cho những người nghèo bị bỏ rơi bên lề xã hội. Ngài gần dân và bình dân đến độ người dân gọi vị Hồng y mục tử của họ cách đơn sơ là "Cha Jorge"!

Truyền thông sẽ tiếp tục "khai thác" Đức Thánh Cha với từng bước đi của ngài nhưng con tin chắc rằng Đức Thánh Cha sẽ là mối dây hiệp thông giữa những nghi kị và khác biệt, đố kị và chia rẽ. Con tin rằng Đức Thánh Cha đã bắt đầu sứ vụ nặng nề và khó khăn này bằng đức ái mục tử theo gương Thầy Giêsu để sẵn sàng yêu thương và phục vụ trong mọi sự. Và con cũng tin rằng với tâm thế mục vụ theo gương Đức Giêsu, Đức Thánh Cha sẽ hiệp nhất mọi người trong Vinh Quang của Chúa – Đấng là Tình Yêu.

Lạy Chúa là Mục Tử luôn giữ gìn chăm sóc đoàn chiên,
Chúa đã chọn Đức Thánh Cha Phanxicô
để người kế vị thánh Phêrô, đại diện Chúa Kitô,
lãnh đạo Hội thánh trên trần gian này.
Xin giúp người trong sứ mạng nâng đỡ anh em,
để người xây dựng tình thương,
kiến tạo hòa bình, tăng cường hiệp nhất.
Nhờ đó, người sẽ tìm được nơi Chúa sự thật và sự sống muôn đời.
(Trích lời nguyện Thánh lễ Cầu cho Đức Thánh Cha, mẫu B)

Vũ, S.J.
Tối 13 tháng 3 năm 2013
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20130314/20659

Thursday, March 14, 2013

Những hoạt động đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô


ROMA. Khoảng 8 giờ sáng 14-3-2013, Đức tân Giáo Hoàng Phanxicô đã đến kính viếng và cầu nguyện tại Đền Thờ Đức Bà Cả ở Roma, để cầu xin Mẹ Thiên Chúa dìu dắt ngài trong việc phục vụ và hướng dẫn Giáo Hội.

ĐTC được ĐHY Giám quản Roma Agostini Vallini tháp tùng và được ĐHY Santos Abril y Castelló, Giám quản Đền thờ, cùng với các kinh sĩ Đền thờ và các cha dòng Đa Minh giải tội, các tu sĩ Phanxiô coi nhà thánh, chào đón. Hiện diện tại đây cũng có ĐHY Bernard Law, nguyên Giám quản Đền thờ Đức Bà Cả và Đức TGM Georg Gaenswein, Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng.

Sau khi đặt vòng hoa trên bàn thờ và cầu nguyện riêng lối 10 phút trước tượng ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma tại nhà nguyện Paolina, ĐTC Phanxicô đã viếng thánh tích Máng Cỏ ở dưới bàn thờ chính và viếng Nhà Nguyện Sistina nơi có bàn thờ mà thánh Ignatio Loyola đã dâng thánh lễ đầu tiên vào lễ Giáng Sinh. Ngài cũng kính viếng di hài thánh Piô 5 Giáo Hoàng tại cùng nhà nguyện.

Tiếp đến, ĐGH chào thăm từng vị kinh sĩ và các cha giải tội, và nhân viên. Trên đường về Vatican, ĐGH đã dừng lại tại nhà trọ giáo sĩ quốc tế ở đường Scrofa số 70 để lấy hành lý. Đây là nơi ngài trọ trong những ngày trước khi vào mật nghị. Trước khi rời nơi đây, ĐGH đã trả tiền trọ những ngày trước đó để làm gương. Nhân viên từ chối không dám lấy nhưng ngài ép phải lấy và nói rằng "Đây là tiền trọ của tôi trong tư cách là Hồng Y".

Xe ĐTC di chuyển sáng hôm qua chỉ là một xe thường của Hiến binh Vatican, chứ không phải là xe dành cho Giáo Hoàng.

Lúc 5 giờ chiều hôm qua, ĐTC đã cử hành thánh lễ với các Hồng y tại Nhà nguyện Sistina để bế mạc mật nghị. Thánh lễ không có dân chúng tham dự nhưng được trực tiếp truyền hình.

Sau đó ngài đã viếng thăm căn hộ Giáo Hoàng. Căn hộ này đã được niêm phong kể từ khi việc từ nhiệm của ĐGH Biển Đức 16 bắt đầu có hiệu lực vào cuối ngày 28-2 vừa qua.

Lịch trình hoạt động của ĐTC

Phòng báo chí Tòa Thánh cũng bố lịch trình hoạt động của Đức Tân Giáo Hoàng trong những ngày tới đây:

Lúc 11 giờ sáng thứ sáu, 15-3, ĐTC sẽ tiếp kiến tất cả các Hồng y, kể cả các vị trên 80 tuổi.
- Lúc 11 giờ sáng thứ bẩy, 16-3, ngài sẽ tiếp kiến đại diện của giới truyền thông hiện diện tại Roma trong những ngày này.

Tính đến ngày 12-3 vừa qua có hơn 5.600 ký giả và nhân viên truyền thông các nước đăng ký tại Phòng báo chí Tòa Thánh để theo dõi và tường thuật về các sinh hoạt tại Tòa Thánh nhân dịp bầu Giáo Hoàng mới.
Con số trên đây không 650 ký giả đăng ký thường trực, gồm 400 ký giả báp chí, 57 nhiếp ảnh viên, 201 ký giả và nhân viên truyền hình.

Số người xin đăng ký nhân dịp mật nghị Hồng y bầu Giáo Hoàng mới là 5.683 người, và có 5.2143 đơn được chấp nhận. Trong số này có 1.845 người thuộc giới báo chí và phóng viên, 1036 người là nhân viên thu hình, 999 kỹ thuật viên, 595 người sản xuất chương trình, 414 nhiếp ảnh viên, 132 người thực hiện các chương trình truyền hình.

Các nhân viên truyền thông trên đây đến từ 76 quốc gia và nói 26 ngôn ngữ.

- Sáng chúa nhật 17-3, ĐTC sẽ chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin lần đầu tiên với các tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô.

- Sáng thứ ba, 19-3, ĐTC Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ lúc 9 giờ rưỡi sáng tại Quảng trường Thánh Phêrô để khai mạc sứ vụ Phêrô.

- Sau cùng ngày thứ tư, 20-3 sẽ không có buổi tiếp kiến chung các tín hữu, nhưng ĐTC sẽ tiếp phái đoàn các Giáo Hội Kitô anh em.

Trong cuộc họp báo, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết ban tối ngày 13-3-2013 sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, ĐTC Phanxicô đã điện thoại thăm hỏi Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 và sẽ đến thăm Người tại Castel Gandolfo trong những ngày tới đây.

Chiều tối ngày thứ tư 13-3-2013, sau khi đắc cử, Đức tân Giáo Hoàng đã đứng trước bàn thờ và nhận sự chúc mừng của các Hồng Y. Sau đó khi trở về nhà trọ thánh Marta, ĐGH đã từ chối dùng xe riêng của Giáo Hoàng, nhưng đi chung xe bus với các Hồng Y.

Vào cuối bữa ăn tối trong bầu không khí thật vui vẻ, ĐGH đã cám ơn các Hồng y và nói rằng: "Xin Chúa tha thứ cho anh em vì những gì anh em đã làm!". Ngài ám chỉ đến việc các Hồng y đã bầu ngài làm Giáo Hoàng.
Sau cùng, cha Lombardi trả lời câu hỏi của giới báo chí và cho biết ĐTC Phanxicô sử dụng các thứ tiếng: Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức và Anh (SD 14-3-2013)

Lm G. Trần Đức Anh OP
http://vi.radiovaticana.va/


Những bất ngờ thú vị từ Đức Tân Giáo Hoàng


§ Lm Giuse Nguyễn Thành Long

Sau hai tuần lễ náo nức hồi hộp chờ đợi, thế giới đã có Giáo Hoàng mới (Habemus Papam), Đức Phanxicô Đệ Nhất. Ngày mà ngài được bầu làm Thủ Lãnh Giáo Hội hoàn vũ rất đẹp, gắn liền với ba con số 3: ngày 13 tháng 3 năm 2013. Ngài cũng là vị Giáo Hoàng đi vào lịch sử Giáo Hội với 3 cái "đầu tiên", cũng là những cái làm nên những bất ngờ thú vị.

- Vị Giáo Hoàng đầu tiên đến từ Mỹ Châu Latinh.

Mỹ Châu là châu lục có số người Công Giáo đông nhất, chiếm 50% dân số Công Giáo Thế giới. Người ta vẫn chờ đợi từ lâu một vị Giáo Hoàng đến từ châu lục này. Tuy nhiên chưa từng xuất hiện trong lịch sử Giáo Hội một vị Giáo Hoàng nào người Châu Mỹ. Trong 4 thập niên trở lại đây người ta nói đến nhiều về Giáo Hội tại Mỹ Châu Latinh. Giáo Hội tại Mỹ Châu Latinh cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn nạn nghiêm trọng, trong đó có vấn nạn rất nhiều người Công Giáo rời bỏ Giáo Hội để chạy theo các giáo phái khác. Có lẽ thời điểm hiện tại là thời điểm đã chín muồi để chọn một vị Giáo Hoàng đến từ Mỹ Châu. Và có lẽ đây cũng là lý do tại sao Mật Nghị Hồng Y đã bầu ra được vị Tân Giáo Hoàng trong một khoảng thời gian ngắn hơn (chưa đầy 2 ngày) khoảng thời gian mà nhiều người dự đoán.

- Vị Giáo Hoàng đầu tiên xuất thân từ Dòng Tên.

Điểm lại lịch sử Giáo Hội, ta thấy rằng mặc dù là một dòng tu trí thức nổi tiếng thế giới, nơi sản sinh ra nhiều nhà thần học lỗi lạc như Henri de Lubac, Karl Rhaner,…; nhưng Dòng Tên chưa hề được vinh danh trong những lần đăng quang Giáo Hoàng trước đây. Trong khi đó, dòng Biển Đức, dòng Đaminh và đặc biệt là dòng Phanxicô, đã nhiều lần được vinh danh. Nhiều vị Giáo Hoàng đã từng xuất thân từ những dòng tu này. Trong đó có các vị nổi danh như Đức Sistô IV và V, Đức Piô X, và XII (dòng Phanxicô), thánh Giáo Hoàng Piô V, Đức Bênêđictô XIII (Dòng Đaminh), Đức Piô VII, Đức Grêgôriô VII (dòng Biển Đức)…

Nay sau 5 vòng bỏ phiếu của Cơ Mật Viện 2013, ĐHY Jorge Mario Bergoglio, Tổng Giáo Mục giáo phận Buenos Aires đã chính thức trở thành vị Giáo Hoàng đầu tiên xuất thân từ Dòng Tên, còn gọi là Dòng Chúa Giêsu. Đây sẽ là một vinh dự lớn lao cho dòng Tên nói chung và Tỉnh dòng Tên Argentina nói riêng.

- Vị Giáo Hoàng đầu tiên chọn Tông hiệu là Phanxicô.

Có những cái tên như Gioan đã được 22 vị Giáo Hoàng (*) chọn làm Tông hiệu; Grêgôriô và Bênêđictô, mỗi cái tên đã được ít nhất là 16 vị Giáo Hoàng chọn; Piô đã có 12 vị; thậm chí cái tên kép "Gioan Phaolô" cũng đã được 2 vị Giáo Hoàng đương đại chọn làm tước hiệu cho triều đại Giáo Hoàng của mình. Còn Phanxicô là cái tên lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách Tông hiệu của các vị Giáo Hoàng.

Chúng ta biết rằng thông thường Tông hiệu do Tân Giáo Hoàng tự quyết định. Tông hiệu được chọn có thể là để vinh danh tên của vị Giáo Hoàng tiền nhiệm mà ngài cảm thấy yêu mến hoặc để đi theo đường hướng của các vị tiền nhiệm. Tân Giáo Hoàng cũng có thể chọn tên một vị thánh hay một nhân vật nào đó trong Kinh Thánh. Nếu Tông hiệu của Đức Giáo Hoàng thứ 266 là tên của thánh Phanxicô, vậy thì thánh Phanxicô nào: Xaviê hay là Assisi? Rất có thể là Phanxicô Xaviê, vì Ngài là một trong những vị thánh tổ phụ sáng lập Dòng Tên, nơi mà Đức Tân Giáo Hoàng xuất thân. Còn nếu ngài chọn Danh hiệu là Phanxicô Assisi thì có lẽ cũng hợp với lối sống của ngài: đơn sơ khiêm nhường. Được biết ngay khi đã là Hồng Y Tổng Giám Mục, ngài vẫn thích sống trong một căn hộ nhỏ thay vì Toà Giám Mục sang trọng, thích sử dụng phương tiện đi lại công cộng và có khi còn tự nấu ăn lấy.

Tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo hội một vị Giáo Hoàng, đẹp từ tên gọi đến cung cách sống. Nguyện chúc cho ngài luôn xứng đáng là vị Mục Tử Tối Cao như lòng Chúa mong ước, để tiếp nối triều đại rạng ngời của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđictô XVI.

(*) Theo tục lệ đếm số của thế kỷ 11, không có số XX, nên sau giáo hoàng XIX là giáo hoàng XXI. Vì thế Đức Gioan XXIII là vị giáo hoàng thứ 22 lấy tông hiệu là Gioan (x. Danh 266 vị Giáo Hoàng, Bách Khoa Toàn Thư).

Lm Giuse Nguyễn Thành Long

Đức Phanxicô I và bộ áo chùng trắng đơn giản

§ Vũ Văn An

Linh tính cho tôi thấy rất có thể có khói trắng lần này, nên tôi thức dậy sớm, vào lúc 4 giờ 50 sáng giờ Sydney. Một mình ra ngồi ở phòng TV, không dám bật đèn sợ các cháu thức giấc, tôi rón rén mở TV, Đài CNN. Màn ảnh rực sáng với hàng chữ Vatican City 18.55. Lúc ấy, CNN đang chiếu một số chương trình quảng cáo. Kiên nhẫn nằm chờ. Khởi đầu là ống khói với bản tin sơ khởi. Khói chưa phun. Nhưng rồi sự chờ đợi của tôi được tưởng thưởng hả hê, sau bản tin về Syria: đúng lúc 5 giờ 07 giờ Sydney, khói tuôn ra từ ống khói, một mầu trắng không thể nào lầm lẫn được. Không như năm 2005, mầu khói lần này được tôi chắc mẩm là trắng ngay từ phút đầu tiên. Tôi vào phòng gọi bà xã ra coi: khói trắng rồi, em ơi! Trước khi chuông Nhà Thờ Thánh Phêrô xác nhận sự chắc mẩm của mình.

Và rồi kiên nhẫn nằm chờ hơn một giờ nữa, mãi lúc 6 giờ 11 phút, Đức Hồng Y Louis Tauran mới xuất hiện ở bancông để công bố "Habemus Papam". Lời ngài không được truyền thanh rõ như năm 2005, nên chính CNN cũng không biết là vị hồng y nào được bầu làm giáo hoàng, mãi một hai phút sau, họ mới xác nhận là Đức Hồng Y Bergoglio của Buones Aires, Argentina, vị hồng y từng đứng thứ nhì sau Đức HY Ratzinger về số phiếu được bầu. Nhớ lại lời một người bạn mấy ngày hôm trước, tôi biết vị hồng y này thuộc Dòng Tên. Nhưng sao lại chọn tên Phanxicô, một cái tên lạ hoắc, phải chăng ngài không phải là Dòng Tên mà là Dòng Phanxicô. Đến khi CNN nhắc đến việc ngài không ngụ tại tòa giám mục lộng lẫy mà ngụ tại một căn hộ đơn giản và nổi tiếng về lòng khiêm nhường, thì tôi hiểu tu sĩ Dòng Tên vẫn có quyền chọn Thánh Phanxicô làm người hướng dẫn, làm đuốc soi đường cho hành trình giáo hoàng đầy cam go của mình.

Rồi tân giáo hoàng xuất hiện trong bộ áo chùng trắng đơn giản, không có cả dây stola, cử chỉ đơn giản, dơ cao một tay như để ban phép lành. Nhưng không phải, ngài chỉ ban phép lành sau khi xin dân chúng ban phép lành cho ngài. Cả Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô như nhôn nhao cả lên. Giáo hoàng xin tín hữu chúc lành trước khi giáo hoàng chúc lành cho họ. Một điều chưa bao giờ xẩy ra trong lịch sử Giáo Hội. Và ngài cũng là vị giáo hoàng đầu tiên đọc đủ kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh cùng với cộng đoàn nay trở thành đoàn chiên của mình trước khi cùng ban phép lành cho nhau. Phần cầu nguyện kéo dài hơn cả phần diễn văn, trong lần xuất hiện đầu tiên của Đức Phanxicô. Chúc lành xong rồi, Đức Phanxicô I lại cởi dây Stola ra, trở thành vị giáo hoàng với bộ áo chùng trắng đơn giản. Giáo Hội trong những ngày tới chắc chắn sẽ loại bỏ nhiều điều rườm rà không cần thiết, để nắm lấy điều căn bản, điều cần thiết duy nhất như Chúa Giêsu đã nói với Marta xưa: em con đã chọn phần tốt hơn!

Cám ơn Chúa đã cho chúng con một giáo hoàng đúng lúc để đem chúng con lại gần Chúa hơn, chứ không gần trần gian hơn, như nhiều người tưởng tượng.

Vài hàng ghi vội về vị tân giáo hoàng: Jorge Bergoglio sinh tại Buenos Aitres, một trong 5 người con của một công nhân hoả xa Ý. Sau khi học ở chủng viện Villa Devoto, ngài vào Dòng Tên năm 1958, đậu thạc sĩ triết học tại Colegio Máximo San José ở San Miguel, rồi dạy văn chương và tâm lý học tại Colegio de la Inmaculada ở Santa Fe, và Colegio del Salvador ở Buenos Aires. Được thụ phong linh mục năm 1969, ngài theo học tại Phân Khoa Triết và Thần Học San Miguel, rồi làm giám tập và giáo sư thần học.

Cảm phục trước tài lãnh đạo của ngài, Dòng Tên đã cử ngài làm giám tỉnh Argentina trong các năm 1973 tới 1979. Năm 1980, ngài trở thành giám đốc chủng viện San Miguel, cho tới na8m 1986. Ngài hoàn tất luận án tiến sĩ tại Đức, rồi về nước làm cha giải tội và linh hướng tại Córdoba.

Ngài kế nhiệm Đức HY Quarracino vào ngày 28 tháng Hai năm 1998. Đức Gioan Phaolô II phong ngài lên hồng y linh mục ngày 21 tháng Hai, năm 2001. Trong tư cách hồng y, ngài nổi tiếng về lòng khiêm nhường, bảo thủ về tín lý nhưng dấn thân cho công bằng xã hội. Lối sống đơn giản càng làm lòng khiêm nhường của ngài được biết đến nhiều hơn. Ngài sống trong một căn hộ nhỏ, chứ không sống tại toà giám mục lộng lẫy, không dùng xe riêng mà dùng phương tiện giao thông công cộng, và có người cnò cho là ngài nấu ăn lấy.

Lúc Đức Gioan Phaolô II băng hà, ngài được coi là một trong những papabili. Và trong cơ mật viện năm 2005, có lời đồn là số phiếu bầu ngài sít sao với số phiếu bầu Đức HY Ratzinger cho tới lúc ngài khóc lóc xin các hồng y anh em đừng bỏ phiếu cho ngài.

Henry Chu, viết trên Los Angeles Times ngày 13 tháng 3/2013, nhận định rằng: vận tốc cuộc bầu cử, chỉ vài giờ lâu hơn thời gian cơ mật viện lần trước nhằm bầu Đức Bênêđíctô năm 2005, cho thấy các vị hồng y đã nhanh chóng kết hợp sau một ứng viên bất chấp các phúc trình cho rằng có sự chia rẽ gia tăng giữa các hồng y trong việc lựa chọn. Báo chí thế tục quả có nhiều điều cần học hỏi qua việc chọn bầu Đức Phanxicô I.

Vũ Văn An
(http://danchuausa.net)

Đức Hồng Y Bergoglio được bầu làm tân Giáo Hoàng Phanxicô

VATICAN. ĐHY Jorge Mario Bergoglio, 76 tuổi, TGM giáo phận Buenos Aires, Argentina, đã được bầu làm Giáo Hoàng và ngài lấy danh hiệu là Phanxicô.

Lúc 19 giờ 6 phút tối hôm 13-3-2013, khói trắng bắt đầu xông ra từ ống khói trên mái nhà nguyện Sistina, giữa tiếng reo vui mừng của hàng chục ngàn tín hữu kiên nhẫn đứng chờ đợi hàng giờ trước đó dưới trời mưa.
Khói trắng thật rõ ràng, các chuông của Đền thờ thánh Phêrô được gióng lên liên hồi, báo hiệu đã có Giáo Hoàng mới.

Tin này được loan đi lập tức trên khắp thế giới. Các đài truyền hình và phát thanh tạm ngưng chương trình đang phát để loan đi tin quan trọng này.

Tại Roma, hàng chục ngàn tín hữu và dân chúng dùng mọi cách để tuốn về Quảng trường thánh Phêrô để chào mừng vị tân Giáo Hoàng.

Quảng trường đông chật người, các tín hữu nhẩy mừng, reo hò ca hát, phất cờ quốc gia của họ. Có những những nhóm trương biểu ngữ hoan hô Đức Giáo Hoàng.

Trong khi chờ đợi ban quân nhạc của Hiến binh Vatican, cùng với đoàn vệ binh Thụy Sĩ và ban quân nhạc của hiến binh Italia và đoàn liên quân của nước này tiến ra thềm Đền thờ Thánh Phêrô để sẵn sàng chào mừng Đức Tân Giáo Hoàng. Ông Đô trưởng Roma, Gianni Alemano, cũng có mặt để chào mừng.

1 giờ 5 phút sau khi bắt đầu có khói trắng, ĐHY Jean Louis Tauran, người Pháp, trưởng đẳng Phó tế, xuất hiện tại bao lơn đền thờ thánh Phêrô, giữa tiếng reo hò vui mừng của mọi người. Viva il Papa. Bầu trời lúc này đã tạnh mưa. ĐHY long trọng tuyên bố:

Tôi loan báo cho anh chị em một tin vui lớn: Chúng ta đã có Giáo Hoàng. Đó là ĐHY Bergoglio. Ngài lấy danh hiệu là Phanxicô,

Lời chào của Đức Tân Giáo Hoàng

Ít phút sau đó, Đức tân Giáo Hoàng xuất hiện, Ngài ứng khẩu nói với mọi người:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em
Anh chị em biết là nghĩa vụ của mật nghị Hồng y là cung cấp một GM cho Roma. Dường như các anh em Hồng y của tôi đi đến hầu như tận cùng thế giới để lấy vị đó, nhưng bây giờ chúng ta đang ở đây. Tôi cám ơn anh chị em vì sự tiếp đón. Cộng đồng giáo phận Roma dành cho GM của mình. Cám ơn Anh chị em.

Trước tiên tôi muốn cầu nguyện cho Đức nguyên GM Roma Biển Đức 16. Tất cả chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho ngài, xin Chúa chúc lành cho ngài và xin Mẹ Maria gìn giữ ngài.

Tiếp đến Đức Tân Giáo Hoàng và mọi người đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh.

Rồi ĐTC Phanxicô nói tiếp: "Và giờ đây chúng ta bắt đầu hành trình này, GM và dân chúng, hành trình của Giáo Hội Roma là Giáo Hội chủ trì toàn thể các Giáo Hội khác trong đức bác ái, một hành trình huynh đệ và yêu thương, tín nhiệm giữa chúng ta. Chúng ta hãy luôn cầu nguyện cho chúng ta, cầu cho nhau. Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thế giới để có một tình huynh đệ đậm đà hơn. Tôi cầu mong cho anh chị em sao cho hành trình này của Giáo Hội mà hôm nay chúng ta bắt đầu, và cho người giúp đỡ tôi là ĐHY Giám quản hiện diện ở đây, được nhiều thành quả cho công cuộc rao giảng Tin Mừng tại thành phố đẹp đẽ này.

"Và giờ đây tôi muốn ban phép lành cho anh chị em. Nhưng trước tiên tôi xin anh chị em một ân huệ. Trước khi GM chúc lànhc ho dân, tôi xin anh chị em cầu xin Chúa chúc lành cho tôi. Kinh nguyện của dân, cầu xin Chúa ban phép lành cho GM của mình. Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng, anh chị em cầu nguyện cho tôi.
Sau cùng, ĐHY Tauran loan báo ĐTC ban phép lành với ơn toàn xá cho các tín hữu, cho Roma và toàn thế giới.

Vài dòng tiểu sử

ĐTC Jorge Mario Bergoglio thuộc dòng Tên, sinh ngày 17 tháng 12 năm 1936 tại Buenos Aires. Ngài gia nhập dòng Tên ngày 11-3 năm 1958 và theo học các môn nhân văn tại Chile và năm 1963 ngài trở về thủ đô Argentina, tốt nghiệp triết học tại Phân khoa triết tại Học viện San José. Trong hai năm từ 1964 đến 1965, ngài làm giáo sư văn chương và tâm lý tại Học viện Đức Mẹ Vô Nhiễm ở thành phố Santa Fe, rồi sau đó tại Học viện Salvatore tại Buenos Aires.

Từ năm 1967 đến 1970 ngài học thần học và tốt nghiệp tại Học viện San Miguel. Ngày 13-12 năm 1969, thầy Bergoglio thụ phong linh mục lúc đã 33 tuổi. Rồi năm sau Cha làm nhà tập thứ hai ở Tây Ban Nha trước khi khấn trọng ngày 22-4-1973.

Cha Bergolio làm giáo tập, rồi giáo sư tại phân khoa thần học, trước khi làm Giám tỉnh dòng Tên ở Argentina năm 1973.

10 năm sau đó, Cha Bergoglio sang Đức dọn luận án tiến sĩ . Năm 1992 ngài được Đức Gioan Phaolô 2 bổ nhiệm làm GM Phụ tá tổng giáo phận Buenos Aires và 6 năm sau trở thành TGM giáo phận chính tòa của Giáo phận này. 3 năm sau, 2001, ngài được thăng hồng y.

ĐHY Bergoglio vốn là vị, theo báo chí, đã được nhiều phiếu nhất sau ĐHY Ratzinger trong mật nghị bầu Giáo Hoàng cách đây 8 năm.

Khi làm TGM giáo phận Buenos Aires, nổi tiếng là gần gũi dân chúng và sống khiêm nhường. Ngài vẫn thường đi xe bus, viếng thăm người nghèo, sống trong một căn hộ đơn sơ và tự nấu ăn. Đối với nhiều người dân Buenos Aires, ngài thường được gọi bằng danh hiệu đơn sơ là "Cha Jorge".

ĐHY Bergoglio thiết lập các giáo xứ mới, chỉnh đốn các văn phòng hành chắnh, hướng dẫn các sáng kiến bảo vệ sự sống và bắt đầu các chương trình mục vụ mới, như thành lập một Ủy ban về những người ly dị. Trong Thượng HĐGM thế giới kỳ 10 hồi tháng 10 năm 2001, ngài được bổ nhiệm làm Tổng tường trình viên. Từ năm 2005 đến 2011 ngài làm Chủ tịch HĐGM Argentina.

ĐHY Bergoglio đã viết các sách và linh đạo và suy niệm, và cũng thường lên tiếng chống lại nạn phá thai, hôn nhân đồng phái.

Hồi năm 2010, khi Argentina trở thành quốc gia Nam Mỹ đầu tiên ban hành luật công nhân hôn nhân đồng phái, ĐHY khuyến khích các LM toàn quốc kêu gọi các tín hữu Công Giáo chống lại luật này vì nó làm thương tổn gia đình trầm trọng. Trước đó năm 2006, ngài cũng phê bình dự luật cho phá thai.

Đắc cử Giáo Hoàng

ĐHY Bergoglio đã đắc cử Giáo Hoàng trong lần bỏ phiếu thứ 5 tại mật nghị Hồng y tại nhà nguyện Sistina.
Theo nghi thức về mật nghị, sau khi HY hội đủ số phiếu ít là 2 phần 3 để đắc cử, ĐHY Giovanni Battista Re, 79 tuổi, là vị kỳ cựu nhất trong số các HY thuộc đẳng GM trong mật nghị, tiến đến trước mặt ĐHY và hỏi: "Ngài có chấp nhận việc bầu ngài làm Giáo Hoàng chiếu theo giáo luật không?". Sau khi ĐHY trả lời khẳng định thì ĐHY Re hỏi tiếp: "Vậy ngài muốn được gọi bằng tên nào?" Đức tân Giáo Hoàng cho biết ngài chọn tên là Phanxicô.
Tiếp đến, Đức Ông Guido Marini, trưởng ban nghi lễ phụng vụ của ĐGH, cùng với một công chứng viên tông tòa và 2 chức sắc phụ tá khác với tư cách là nhân chứng, sẽ soạn văn kiện chính thức về cuộc bầu cử và tên hiệu của vị tân Giáo Hoàng.

Lúc đó các lá phiếu được đốt đi và máy xông khói trắng được dùng để báo hiệu cho toàn thế giới bên ngoài.
Đức tân Giáo Hoàng đi vào căn phòng nhỏ cạnh nhà nguyện Sistina quen gọi là "Phòng nước mắt". Tại đây đã có sẵn 3 bộ áo Giáo Hoàng theo 3 kích thước khác nhau, để Đức tân Giáo Hoàng thay đổi phẩm phục.

Rồi ngài trở lại Nhà nguyện Sistina để cầu nguyện với Hồng y cử tri, và các vị đến chúc mừng Đức tân Giáo Hoàng, hứa vâng phục ngài, rồi cộng đoàn cùng nhau hát kinh Te Deum, Tạ Ơn Chúa.

Trước khi xuất hiện tại bao lơn Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng mới đã dừng lại tại Nhà nguyện Paolina để cầu nguyện chốc lát trước Mình Thánh Chúa.

Lm G. Trần Đức Anh OP
http://vi.radiovaticana.va/


Wednesday, March 13, 2013

Pope Francis: his first words

2013-03-13 Vatican Radio
Brothers and sisters good evening. 
You all know that the duty of the Conclave was to give a bishop to Rome. It seems that my brother Cardinals have come almost to the ends of the earth to get him… but here we are. I thank you for the welcome that has come from the diocesan community of Rome.
First of all I would say a prayer pray for our Bishop Emeritus Benedict XVI.. Let us all pray together for him, that the Lord bless him and Our Lady protect him.
Our Father…
Hail Mary…
Glory to the Father…
And now let us begin this journey, the Bishop and people, this journey of the Church of Rome which presides in charity over all the Churches, a journey of brotherhood in love, of mutual trust. Let us always pray for one another. Let us pray for the whole world that there might be a great sense of brotherhood . My hope is that this journey of the Church that we begin today, together with help of my Cardinal Vicar, be fruitful for the evangelization of this beautiful city.
And now I would like to give the blessing, but first I want to ask you a favour. Before the bishop blesses the people I ask that you would pray to the Lord to bless me – the prayer of the people for their Bishop. Let us say this prayer – your prayer for me – in silence. 
[The Protodeacon announced that all those who received the blessing, either in person or by radio, television or by the new means of communication receive the plenary indulgence in the form established by the Church. He prayed that Almighty God protect and guard the Pope so that he may lead the Church for many years to come, and that he would grant peace to the Church throughout the world.]
[Immediately afterwards Pope Francis gave his first blessing Urbi et Orbi – To the City and to the World.]
I will now give my blessing to you and to the whole world, to all men and women of good will.
Brothers and sisters, I am leaving you. Thank you for your welcome. Pray for me and I will be with you again soon.
We will see one another soon. 
Tomorrow I want to go to pray the Madonna, that she may protect Rome.
Good night and sleep well!


Tuesday, March 12, 2013

Prayer For The Election Of A Pope

Lord God, You are our Eternal Shepherd and Guide. In Your mercy grant Your Church a shepherd who will walk in Your ways and whose watchful care will bring us Your blessing. We ask this through our Lord Jesus Christ, Your Son, who lives and reigns with You and the Holy Spirit, One God, for ever and ever. Amen.

(EWTN.com)

Monday, March 11, 2013

Mật nghị Hồng Y bầu Giáo Hoàng sẽ bắt đầu ngày 12-3-2013

§ Lm Trần Đức Anh, OP

VATICAN. Chiều ngày 8-3-2013, Hồng y đoàn đã bỏ phiếu quyết định bắt đầu mật nghị từ ngày thứ Ba 12-3-2013 để bầu Giáo Hoàng mới.

Quyết định trên đây được các Hồng y thông qua trong phiên họp toàn thể thứ 9 từ lúc 17 đến 19 giờ chiều thứ Sáu vừa qua.

Sáng ngày 12-3, sẽ có thánh lễ xin ơn Chúa Thánh Thần tại Đền thờ Thánh Phêrô để cầu cho việc bầu Giáo Hoàng, ban chiều các Hồng Y sẽ tiến vào Nhà Nguyện Sistina và bắt đầu cuộc bỏ phiếu.

115 Hồng y cử tri sẽ bốc thăm để nhận phòng tại Nhà Trọ Thánh Marta ở nội thành Vatican. Trong thời gian mật nghị, các HY không được tiếp xúc với bên ngoài bằng bất kỳ phương tiện nào, và cũng không được theo dõi tin tức qua báo chí hoặc các phương tiện truyền thông khác.

Ngôi nhà 5 tầng này cũng sẽ được bao phủ bằng hệ thống phá sóng để ngăn chặn việc sử dụng điện thoại di động.

Tất cả các chức sắc và nhân viên phục vụ tại Nhà Trọ thánh Marta, dù là giáo sĩ hay giáo dân, đều phải tuyên thệ giữ bí mật về những gì liên quan đến việc bầu Giáo Hoàng. Trong số các nhân viên này có 2 bác sĩ, y tá, những người làm bếp và dọn bàn, vệ sinh, những người coi nhà thánh, chuyên viên kỹ thuật. Ngoài ra có vị Tổng thư ký Hồng y đoàn là Đức TGM Lorenzo Baldisseri, cũng là Tổng thư ký Bộ GM, và Đức Ông Guido Marini, Trưởng Ban nghi lễ phụng vụ của ĐGH.

Danh sách những chức sắc và nhân viên trên đây được ĐHY nhiếp chính Tarcisio Bertone và 3 HY Phụ tá phê chuẩn, chiếu theo Tông Hiến "Mục tử toàn thể đoàn chiên Chúa". Sau khi đọc lời tuyên thệ giữ bí mật về mật nghị bầu Giáo Hoàng, đương sự phải ký tên vào bản tuyên thệ trước mặt ĐHY nhiếp chính và hai chức sắc về nghi lễ của Tòa Thánh.

Cách đây 8 năm, Hồng đoàn đã nhóm 12 phiên họp trước khi bắt đầu mật nghị Hồng Y bầu Giáo Hoàng. Phiên nhóm cuối cùng diễn ra ngày 16-4-2005 và mật nghị bầu cử bắt đầu sáng ngày 18-4-2005 với thánh lễ lúc 10 giờ sáng tại Đền thờ Thánh Phêrô để cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Ban chiều cùng ngày các Hồng y cử tri tề tựu tại Nhà nguyện Paolina trong dinh Tông Tòa và đi rước vào Nhà nguyện Sistina.

Đến chiều ngày 19-4-2005, ĐHY Joseph Ratzinger đắc cử và trở thành vị Giáo Hoàng thứ 265 trong lịch sử Giáo Hội.

Lm Trần Đức Anh, OP

Sunday, March 10, 2013

Xin bỏ ngoài tai những tin đồn vô căn cứ của các Tiên Tri Giả

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Nhân biến cố Đức Thánh Cha Biển Đức XVI từ chức, trong mấy ngày qua, nhiều tin đồn đã được đưa ra trên Internet về việc chọn Đức Giáo Hoàng mới, gây hoang mang cho nhiều tín hữu khi vô tình đọc được những tin này qua emails

Cụ thể, các "tiên tri" giả này đã phóng đại tưởng tượng của họ về Tân Giáo Hoàng sẽ là người thế này thế nọ và còn "tiên tri" rằng ngày tận thế đã gần kề và quỉ vương sẽ ra đời !

Liên quan cụ thể đến điều họ gán cho ngôn sứ Malachi đã "tiên tri" về tân Giáo hoàng, xin được minh xác như sau:

1- Tiên tri hay Ngôn sứ Malachi (hay Malakia = Sứ thần của Ta) là ngôn sứ cuối cùng trong thời Cựu Ước, sống vào khoảng thế kỷ thứ V trước Chúa Giáng Sinh. Sách của ngài chỉ có 3 chương được chia làm hai phần nói về tình thương của Chúa đối với dân Israel và phê phán giới tư tế đã không chu toàn trách nhiệm tế lễ của họ.

Cụ thể, qua miệng ngôn sứ, Thiên Chúa nhắc lại tình thương của Người cho Israel mặc dù dân này luôn phản bội, hoài nghi tình thương của Chúa:

"Ta đã yêu thương các ngươi, Đức Chúa phán, thế mà các ngươi nói:
Ngài yêu thương chúng con ở chỗ nào?" (Ml 1:2)

2- Không những dân Israel bội bạc với Chúa, sống xa đường lối của Người, mà hàng tư tế Israel cũng không chu toàn nhiệm vụ tế lễ của họ cách xứng hợp khiến Chúa đã phải quở trách họ như sau:

"Ta chẳng hài lòng chút nào về các ngươi, ĐỨC CHÚA các đạo binh phán, và Ta chẳng ưng thuận lễ phẩm từ tay các ngươi dâng." (Ml 1 :10)

Như thế cho thấy là ngôn sứ Malachi chỉ nói về dân Do Thái phản bội tình thương bao la của Thiên Chúa dành cho họ, cũng như nói về hàng tư tế Do Thái đã không chủ trọng thi hành nhiệm vụ tế lễ của họ mà thôi. Tuyệt nhiên, ngôn sứ Malachi không tiên tri điều gì về các thế hệ tương lai khiến người ta có thể dựa vào để tiên đoán về những việc sẽ xảy ra trong Giáo Hội sau này.

Có chăng là những lời "tiên tri" mà người ta gán cho Thánh Malachy (1094-1148), Tổng giám mục Armagh, người đã có công canh tân phụng vụ Ái Nhĩ Lan dựa theo Phụng Vụ Rôma.cũng như đã góp phần tái lập kỷ luật của Giáo Hội và đưa các tu sĩ Dòng Xi-tô (Cistercian Monks) vào Ái Nhĩ Lan (Ireland).

Ngài mất năm 1148 trong Tu viện Clairvaux (Pháp) và ít năm sau được phong thánh. Lễ kinh ngài là ngày 2 tháng 11.

Sau khi ngài mất năm 1148, đến thế kỷ 16, người ta thấy xuất hiện những lời "tiên tri" gán cho ngài là tác giả. Những lời tiên tri huyền hoặc này nói về 111 vị Giáo Hoàng kế tiếp lên ngôi sau khi Đức Giáo Hoàng Celestine II qua đời năm 1144. Mỗi vị Giáo Hoàng kế vị đó đều được mang một biệt danh bằng tiếng Latinh. Nhưng cho đến nay, không một lời "tiên tri" nào của ai bịa đặt nói trên đã ứng nghiệm với các Giáo Hoàng nối tiếp lên ngôi sau Giáo Hoàng Celestine II như những lời "tiên tri" huyền hoặc kia đã bịa đặt.

Nay nhân việc Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đột nhiên từ chức vì lý do sức khỏe, và trong lúc Giáo Hội sắp tiến hành thủ tục bầu Tân Giáo Hoàng lên thay thế, một số người giầu tưởng tượng và muốn làm "tiên tri" đã vội vin vào những lời tiên tri giả gán cho thánh Malachy, lưu truyền từ thế kỷ 16, để đưa ra những lời "tiên tri hoang đường" về Tân Giáo Hoàng sắp được bầu lên để kế vị Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.

Chắc chắn đây là những lời "tiên đoán huyền hoặc" không có chút cơ sở giáo lý, Kinh thánh hay tài liệu căn bản nào của Giáo hội cho người tín hữu tin và hy vọng.

Do đó, là tín hữu chân chính, chúng ta chỉ nên cầu nguyện để Chúa Thánh Thần soi sáng, chỉ dẫn cho các Hồng Y sắp họp Mật Nghị (Conclave) để các ngài chọn đúng người Chúa muốn lên kế vị Đức Thánh Cha Biển Đức để cai trị Giáo Hội và chăn dắt toàn dân Chúa trong giai đoạn mới này mà thôi. Vị tân Giáo Hoàng chắc sẽ không phải là người mà những "tiên tri giả" kia đang loan truyền. Nghĩa là chúng ta phải bỏ ngoài tai mọi lời "tiên tri giả" mọi tin đồn vô căn cứ, mọi suy đoán theo khôn ngoan của người đời quanh việc chọn Tân Giáo Hoàng cho Giáo Hội.

Đây phải là công việc của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn hiện diện và dẫn dắt Giáo Hội của Chúa Kitô từ thủa sơ khai ban đầu cho đến ngày này và còn mãi về sau cho đến ngày cánh chung.

Có thể nói : nếu không có Chúa Thánh Thần hiện diện và dìu dắt, thì Giáo Hội không thể trường tồn và huy hoàng như ngày nay được, vì có quá nhiều "sóng gió" làm nghiêng ngửa Con Thuyền Phêrô, chở Giáo Hội trong quá khứ.

Mặc dù có thời Giáo Hội đã sai lầm trong việc chọn các vị lãnh đạo cũng như sai lầm trong việc điều hành, nhưng Chúa Thánh Thần đã giúp Giáo Hội kịp sửa sai để trở nên Hiền Thê đích thực và trung tín của Chúa Kitô, Đấng đã thiết lập và yêu thương Giáo Hội là Hiền Thê, là Thân Thể Nhiệm mầu của Người trong trần thế.

Vậy Chúng ta hãy sốt sắng cầu xin Chúa Thánh Thần trong những ngày này để Người hướng dẫn Giáo Hội- cụ thể là các Hồng Y sắp nhóm họp, để các ngài chọn đúng Chủ Chăn mới cho Giáo Hội, đáp đúng nhu cầu rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng trong hoàn cảnh quá nhiễu nhương và thách đố của thế giới hiện nay. Chắc chắn Chúa Thánh Thần sẽ nâng đỡ và dẫn dắt Giáo Hội trong mọi lãnh vực để giúp Giáo hội chu toàn sứ mệnh mà Chúa Kitô đã trao phó.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
http://danchuausa.net/song-dao/xin-bo-ngoai-tai-nhung-tin-don-vo-can-cu-cua-cac-tien-tri-gia/

Saturday, March 9, 2013

Pope Benedict XVI’s Address on Last General Audience

Venerable Brothers in the Episcopate and in the Presbyterate!
Distinguished Authorities!
Dear Brothers and Sisters!

I thank all of you for having come in such great numbers to this last General Audience.

Heartfelt thanks! I am truly moved and I see the Church alive! And I think we should also says thanks to the Creator for the fine weather which he gives us even on this winter day.

Like the Apostle Paul in the biblical text which we have heard, I too feel a deep need first and foremost to thank God, who gives guidance and growth to the Church, who sows his word and thus nourishes faith in his people. At this moment my heart expands and embraces the whole Church throughout the world; and I thank God for all that I have "heard" in these years of the Petrine ministry about the faith in the Lord Jesus Christ and the love which truly circulates in the Body of the Church and makes it live in love, and about the hope which opens and directs us towards the fullness of life, towards our heavenly homeland.

I feel that I bear everyone in prayer, in a present, God's present, in which I gather together every one of my meetings, journeys and pastoral visits. In prayer I gather each and all, in order to entrust them to the Lord: that we might be filled with the knowledge of his will, with all spiritual wisdom and understanding, and that we might lead a life worthy of him and of his love, bearing fruit in every good work (cf. Col 1:9-10).

At this moment I feel great confidence, because I know, we all know, that the Gospel word of truth is the Church's strength, it is her life. The Gospel purifies and renews, it bears fruit, wherever the community of believers hears it and receives God's grace in truth and charity. This is my confidence, this is my joy.

When on 19 April nearly eight years ago I accepted the Petrine ministry, I had the firm certainty that has always accompanied me: this certainty of the life of the Church which comes from the word of God. At that moment, as I have often said, the words which echoed in my heart were: Lord, why are you asking this of me, and what is it that you are asking of me? It is a heavy burden which you are laying on my shoulders, but if you ask it of me, at your word I will cast the net, sure that you will lead me even with all my weaknesses. And eight years later I can say that the Lord has truly led me, he has been close to me, I have been able to perceive his presence daily. It has been a portion of the Church's journey which has had its moments of joy and light, but also moments which were not easy; I have felt like Saint Peter with the Apostles in the boat on the Sea of Galilee: the Lord has given us so many days of sun and of light winds, days when the catch was abundant; there were also moments when the waters were rough and the winds against us, as throughout the Church's history, and the Lord seemed to be sleeping. But I have always known that the Lord is in that boat, and I have always known that the barque of the Church is not mine but his. Nor does the Lord let it sink; it is he who guides it, surely also through those whom he has chosen, because he so wished. This has been, and is, a certainty which nothing can shake. For this reason my heart todays overflows with gratitude to God, for he has never let his Church, or me personally, lack his consolation, his light, his love.

We are in the Year of Faith which I desired precisely to reaffirm our faith in God in a context which seems to push him more and more into the background. I should like to invite all of us to renew our firm confidence in the Lord, to entrust ourselves like children in God's arms, certain that those arms always hold us, enabling us to press forward each day, even when the going is rough. I want everyone to feel loved by that God who gave his Son for us and who has shown us his infinite love. I want everyone to feel the joy of being a Christian. In one beautiful morning prayer, it says: "I adore you, my God, and I love you with all my heart. I thank you for having created me and made me a Christian…". Yes, we are happy for the gift of faith; it is our most precious possession, which no one can take from us! Let us thank the Lord for this daily, in prayer and by a consistent Christian life. God loves us, but he also expects us to love him!

But it is not only God whom I want to thank at this moment. The Pope is not alone in guiding the barque of Peter, even if it is his first responsibility. I have never felt alone in bearing the joy and the burden of the Petrine ministry; the Lord has set beside me so many people who, with generosity and love for God and the Church, have helped me and been close to me. Above all you, dear brother Cardinals: your wisdom, your counsel and your friendship have been invaluable to me; my co-workers, beginning with my Secretary of State who has faithfully accompanied me in these years; the Secretariat of State and the whole Roman Curia, as well as all those who in various sectors offer their service to the Holy See: many, many unseen faces which remain in the background, but precisely through their silent, daily dedication in a spirit of faith and humility they have been a sure and trustworthy support to me. I also think in a special way of the Church of Rome, my Diocese! I cannot forget my Brothers in the Episcopate and in the Presbyterate, the consecrated persons and the entire People of God: in my pastoral visits, meetings, audiences and journeys I have always felt great kindness and deep affection; yet I too have felt affection for each and all without distinction, with that pastoral charity which is the heart of every Pastor, and especially of the Bishop of Rome, the Successor of the Apostle Peter. Every day I have borne each of you in prayer, with the heart of a father.

I would like my greeting and my thanksgiving to extend to everyone: the heart of the Pope reaches out to the whole world. And I wish to express my gratitude to the Diplomatic Corps accredited to the Holy See which represents the great family of the nations. Here I think too of all those who work for good communications and I thank them for their important service.

At this point, I would also like to thank most heartily all those people throughout the world who in these recent weeks have sent me moving expressions of concern, friendship and prayer. Yes, the Pope is never alone; now I once again experience this so overwhelmingly that my heart is touched. The Pope belongs to everyone and so many persons feel very close to him. It is true that I receive letters from world leaders – from heads of state, from religious leaders, from representatives of the world of culture, and so on. But I also receive many many letters from ordinary people who write to me simply and from the heart, and who show me their affection, an affection born of our being together with Christ Jesus, in the Church. These people do not write to me in the way one writes, for example, to a prince or some important person whom they do not know. They write to me as brothers and sisters, as sons and daughters, with a sense of a very affectionate family bond. Here one can sense palpably what the Church is – not an organization, an association for religious or humanitarian ends, but a living body, a communion of brothers and sisters in the Body of Christ, which makes us all one. To experience the Church in this way and to be able as it were to put one's finger on the strength of her truth and her love, is a cause for joy at a time when so many people are speaking of her decline. But we see how the Church is alive today!

In these last months I have felt my energies declining, and I have asked God insistently in prayer to grant me his light and to help me make the right decision, not for my own good, but for the good of the Church. I have taken this step with full awareness of its gravity and even its novelty, but with profound interior serenity. Loving the Church means also having the courage to make difficult, painful decisions, always looking to the good of the Church and not of oneself.

Here, allow me to go back once again to 19 April 2005. The real gravity of the decision was also due to the fact that from that moment on I was engaged always and forever by the Lord. Always – anyone who accepts the Petrine ministry no longer has any privacy. He belongs always and completely to everyone, to the whole Church. In a manner of speaking, the private dimension of his life is completely eliminated. I was able to experience, and I experience it even now, that one receives one's life precisely when one gives it away. Earlier I said that many people who love the Lord also love the Successor of Saint Peter and feel great affection for him; that the Pope truly has brothers and sisters, sons and daughters, throughout the world, and that he feels secure in the embrace of your communion; because he no longer belongs to himself, he belongs to all and all belong to him.

The "always" is also a "for ever" – there can no longer be a return to the private sphere. My decision to resign the active exercise of the ministry does not revoke this. I do not return to private life, to a life of travel, meetings, receptions, conferences, and so on. I am not abandoning the cross, but remaining in a new way at the side of the crucified Lord. I no longer bear the power of office for the governance of the Church, but in the service of prayer I remain, so to speak, in the enclosure of Saint Peter. Saint Benedict, whose name I bear as Pope, will be a great example for me in this. He showed us the way for a life which, whether active or passive, is completely given over to the work of God.

I also thank each and every one of you for the respect and understanding with which you have accepted this important decision. I will continue to accompany the Church's journey with prayer and reflection, with that devotion to the Lord and his Bride which I have hitherto sought to practise daily and which I would like to practise always. I ask you to remember me in prayer before God, and above all to pray for the Cardinals, who are called to so weighty a task, and for the new Successor of the Apostle Peter: may the Lord accompany him with the light and strength of his Spirit.

Let us call upon the maternal intercession of the Virgin Mary, Mother of God and Mother of the Church, that she may accompany each of us and the whole ecclesial community; to her let us commend ourselves with deep confidence.

Dear friends! God guides his Church, he sustains it always, especially at times of difficulty. Let us never lose this vision of faith, which is the one true way of looking at the journey of the Church and of the world. In our hearts, in the heart of each of you, may there always abide the joyful certainty that the Lord is at our side: he does not abandon us, he remains close to us and he surrounds us with his love. Thank you!

To special groups:

I offer a warm and affectionate greeting to the English-speaking pilgrims and visitors who have joined me for this, my last General Audience. Like Saint Paul, whose words we heard earlier, my heart is filled with thanksgiving to God who ever watches over his Church and her growth in faith and love, and I embrace all of you with joy and gratitude.

During this Year of Faith, we have been called to renew our joyful trust in the Lord's presence in our lives and in the life of the Church. I am personally grateful for his unfailing love and guidance in the eight years since I accepted his call to serve as the Successor of Peter. I am also deeply grateful for the understanding, support and prayers of so many of you, not only here in Rome, but also throughout the world.

The decision I have made, after much prayer, is the fruit of a serene trust in God's will and a deep love of Christ's Church. I will continue to accompany the Church with my prayers, and I ask each of you to pray for me and for the new Pope. In union with Mary and all the saints, let us entrust ourselves in faith and hope to God, who continues to watch over our lives and to guide the journey of the Church and our world along the paths of history.

I commend all of you, with great affection, to his loving care, asking him to strengthen you in the hope which opens our hearts to the fullness of life that he alone can give. To you and your families, I impart my blessing. Thank you!

I offer a warm and affectionate greeting to the English-speaking pilgrims and visitors who have joined me for this, my last General Audience. I commend all of you, with great affection, to his loving care, asking him to strengthen you in the hope which opens our hearts to the fullness of life that he alone can give. To you and your families, I impart my blessing. Thank you!

Lastly, my thoughts turn to the young people, the sick and the newlyweds. May the Lord fill with love the heart of each one of you, dear young people, so that you may be ready to follow him with enthusiasm; May he sustain you, dear sick people, so that you may accept the burden of suffering serenely; and may he guide you, dear newlyweds, so that you may raise your families in holiness.


© Copyright 2013 - Libreria Editrice Vaticana
Source: http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/audiences/2013/documents/hf_ben-xvi_aud_20130227_en.html

Friday, March 8, 2013

Pope Renounces Papal Throne

Vatican City, 11 February 2013 (VIS) – The Holy Father, at the end of today's consistory for causes for canonization, announced his resignation from ministry as Bishop of Rome to the College of Cardinals. Following is the Holy Father's complete declaration, which he read in Latin:

"I have convoked you to this Consistory, not only for the three canonizations, but also to communicate to you a decision of great importance for the life of the Church. After having repeatedly examined my conscience before God, I have come to the certainty that my strengths, due to an advanced age, are no longer suited to an adequate exercise of the Petrine ministry. I am well aware that this ministry, due to its essential spiritual nature, must be carried out not only with words and deeds, but no less with prayer and suffering. However, in today’s world, subject to so many rapid changes and shaken by questions of deep relevance for the life of faith, in order to govern the barque of Saint Peter and proclaim the Gospel, both strength of mind and body are necessary, strength which in the last few months, has deteriorated in me to the extent that I have had to recognize my incapacity to adequately fulfil the ministry entrusted to me. For this reason, and well aware of the seriousness of this act, with full freedom I declare that I renounce the ministry of Bishop of Rome, Successor of Saint Peter, entrusted to me by the Cardinals on 19 April 2005, in such a way, that as from 28 February 2013, at 20:00 hours, the See of Rome, the See of Saint Peter, will be vacant and a Conclave to elect the new Supreme Pontiff will have to be convoked by those whose competence it is."

"Dear Brothers, I thank you most sincerely for all the love and work with which you have supported me in my ministry and I ask pardon for all my defects. And now, let us entrust the Holy Church to the care of Our Supreme Pastor, Our Lord Jesus Christ, and implore his holy Mother Mary, so that she may assist the Cardinal Fathers with her maternal solicitude, in electing a new Supreme Pontiff. With regard to myself, I wish to also devotedly serve the Holy Church of God in the future through a life dedicated to prayer."