Wednesday, August 28, 2013

Đừng sợ hãi bước qua cửa hẹp của Chúa Giêsu để gia nhập gia đình của Thiên Chúa

Chúa Giêsu là cửa dẫn chúng ta vào trong gia đình ấm êm của Thiên Chúa
và sự hiệp thông với Người. Chúng ta đừng sợ hãi bước qua cửa niềm tin
nơi Chúa Giêsu, để cho Người luôn ngày càng bước vào trong cuộc sống
chúng ta, để chúng ta ra khỏi các ích kỷ, các khép kín, các thờ ơ của
chúng ta đối với tha nhân.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời khích lệ như trên trước mấy chục
ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyên Tin
trưa Chúa Nhật 25-8-2013 tại quảng trường thánh Phêrô.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta
suy tư về đề tài ơn cứu rỗi. Chúa Giêsu đang từ Galilea đi lên thành
Giêrusalem và dọc đường, thánh sử Luca kể, có một người nọ tới gần và
thưa với Người: "Lậy Chúa, có ít người được cứu rỗi phải không?" (Lc
13,23). Chúa Giêsu không trả lời cậu hỏi một cách trực tiếp: không là
điều quan trọng biết xem có bao nhiêu người đươc cứu rỗi, mà quan trọng
hơn biết đâu là con đường của ơn cứu rỗi. Chúa Giêsu trả lời câu hỏi
băng cách nói: "Các con hãy cố gắng vào cửa hẹp, bởi vì nhiều người sẽ
tìm vào mà không thành cộng" (c. 24). Chúa Giêsu muốn nói gì vậy? Đâu là
cửa mà chúng ta phải vào? Và tại sao Chúa Giêsu lại nói về cửa hẹp? Đức
Thánh Cha trả lời như sau:

Cửa đó là chính Chúa Giêsu (x. Ga 10,9). Người là cửa, là đường cho sự
cứu rỗi. Người dẫn chúng ta tới Thiên Chúa Cha. Và cửa là Giêsu không
bao giờ đóng, cửa này không bao giờ đóng, nó luôn luôn mở và mở cho tất
cả mọi người, không phận biệt, không loại trừ, không đặc ân. Bởi vì anh
chị em biết không, Chúa Giêsu không loại trừ ai hết. Có lẽ có ai đó
trong anh chị em sẽ có thể nói với tôi rằng: Nhưng mà thưa cha, chắc
chắn là con bị loại trừ rồi, bởi vì con là một kẻ tội lỗi lắm: con đã
làm những điều xấu xa, con đã làm biết bao nhiêu, trong cuộc sống..."
Không, bạn không bị loại trừ đâu! Chính vì điều đó mà ban là người được
ưa thích, bởi vì Chúa Giêsu luôn luôn ưa thích kẻ có tội hơn. Để tha thứ
cho họ, để yêu thương họ... Chúa Giêsu đang chờ đợi bạn để ôm bạn vào
vòng tay của Người, để tha thứ cho bạn... Đừng sợ: Ngài chờ đợi bạn. Hãy
linh hoạt lên, hãy can đảm bước vào cửa của Người.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói hình ảnh cái cửa hay trở lại
trong Phúc Âm, và nhắc nhờ tới cửa nhà, của tổ ấm gia đình, nơi chúng ta
tìm thấy an ninh, tình yêu và hơi ấm. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng
có một cửa làm cho chúng ta bước vào trong gia đình của Thiên Chúa,
trong sự ấm áp của nhà Thiên Chúa, của sự hiệp thông với Người. Tất cả
chúng ta đều được mời gọi bước qua cửa đó, bước qua cửa của đức tin và
vào trong cuộc sống của Người, để cho Người vào trong cuộc sống của
chúng ta, để Người biến đổi nó, canh tân nó, ban cho nó niềm vui tràn
đầy và lâu bền.

Ngày nay chúng ta đi qua trước biết bao nhiêu cửa mời gọi vào bằng cách
hứa hẹn một hạnh phúc, mà rồi chúng ta nhận ra rằng nó chỉ kéo dài một
lát, nó cạn kiệt trong chính nó, và không có tương lai. Nhưng tôi xin
hỏi anh chị em: Chúng ta vào qua cửa nào đây? Và chúng ta muốn cho ai
vào qua cửa cuộc sống chúng ta? Và Đức Thánh Cha mạnh mẽ mời gọi như sau:

Tôi muốn mạnh mẽ nói rằng: chúng ta đừng sợ hãi bước qua cửa niềm tin
nơi Chúa Giêsu, để cho Người ngày càng bước vào hơn trong cuộc sống
chúng ta, để ra khỏi các ích kỷ của chúng ta, ra khỏi các đóng kín của
chúng ta, ra khỏi các thờ ơ của chúng ta đối với các người khác. Bởi vì
Chúa Giêsu soi sáng cuộc sống chúng ta với một ánh sáng không tắt nữa.
Nó không phải một pháo bông, không phải là một ánh chớp: không. Nó là
một ánh sáng yên tĩnh kéo dài luôn mãi, và trao ban cho chúng ta hòa
bình. Chúa Giêsu là ánh sáng mà chúng ta gặp, nếu chúng ta qua cửa của
Chúa Giêsu. Dĩ nhiên cửa của Chúa Giêsu là một cửa hep, không phải bởi
vì nó là một phòng tra tấn. Không, không phải vì vậy! Nhưng bởi vì người
đòi hỏi chúng ta mở con tim ra cho Người, nhận biết chúng ta là kẻ tội
lỗi, cần đến ơn cứu rỗi của Người, sự tha thứ của Người, tình yêu của
Người, khiêm tốn tiếp nhận lòng thương xót của Người và để cho Người
canh tân chúng ta. Trong Phúc Âm Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng là tín
hữu kitô không phải là một nhãn hiệu! Tôi xin hỏi anh chị em: anh chị em
là tín hữu kitô của nhãn hiệu hay của sự thật? Mỗi người hãy tự trả lời
trong lòng mình nhé. Không bao giờ là tín hữu kitô của nhãn hiệu! Nhưng
là kitô hữu thực thụ của con tim. Là kitô hữu là sống và làm chứng cho
đức tin trong lời cầu nguyện, trong các việc bác ái, trong việc thăng
tiến công lý, và thực thi điều thiện. Toàn cuộc sống chúng ta phải đi
qua cửa hẹp là Chúa Kitô.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: Chúng ta hãy xin Đức
Trinh Nữ Maria, là Cửa Trời, giúp chúng ta đi qua cửa đức tin, để cho
Con Mẹ biến đổi cuộc sống chúng ta như đã biến đổi cuộc sống của Mẹ, để
đe, tin vui của Phúc Âm tới cho tất cả mọi người.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh
cho mọi người

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã lại kêu goi hòa bình cho dân nước
Siria. Ngài nói: Tôi tiếp tục theo đõi tình hình tại Siria với nỗi đau
đớn lớn lao và sự âu lo. Việc gia tăng bạo lực trong một trận chiến
huynh đệ với, các tai ương và hành động tàn ác gia tăng, mà chúng ta tất
cả cũng đã có thể trông thấy trong các hình ảnh kinh khủng của những
ngày này, lại một lần nữa thúc đẩy tôi lên tiếng để cho tiếng súng im
lặng. Không phải xung đột cống hiến các viễn tượng hy vọng giúp giải
quyết các vấn đề, nhưng là khả năng gặp gỡ và đối thoại.

Từ cùng tận trái tim tôi, tôi muốn bầy tỏ sự gần gũi của tôi, qua lời
cầu nguyên và tình liên đới, với tất cả các nạn nhân của cuộc xung đột
này, với tất cả những người đau khổ, đặc biệt là các trẻ em, và tôi xin
mời gọi họ luôn giữ cho niềm hy vọng hòa bình cháy sáng. Tôi kêu gọi
Cộng đồng quốc tế tỏ ra nhậy cảm hơn đối với tình hình thê thảm này và
dấn thân để trợ giúp Quốc gia Sirai thân yêu tìm ra một giải pháp cho
một cuộc chiến gieo tàn phá và chết chóc. Chúng ta tất cả cùng cầu
nguyện, Chúng ta tất cả cùng xin Đức Mẹ, Nữ Vương Hòa Bình: Lậy Mẹ
Maria, Nữ Vương Hòa Bình cầu cho chúng con. Xin tất cả mọi người: Lậy Mẹ
Maria, Nữ Vương Hòa Bình cầu cho chúng con.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm tín hữu khác nhau và chúc mọi người trở
về với cuôc sống thường ngày an lành và cùng nhau nhìn tương lai với
niềm hy vọng.

Linh Tiến Khải
(http://vi.radiovaticana.va)

Monday, August 26, 2013

Vatican ban hành sắc lệnh thay đổi bản văn Phép Rửa Tội một chút

Bùi Hữu Thư 8/22/2013

VATICAN ngày 22/8/2013: Để nhấn mạnh là Bí Tích Rửa Tội chính thức đem
một người vào trong Giáo Hội của Thiên Chúa, chứ không chỉ vào một cộng
đồng Kitô giáo địa phương, Vatican đã ban hành sắc lệnh thay đổi bản văn
Phép Rửa Tội đôi chút.

Vào lúc khởi đầu nghi thức, thay vì nói: "Cộng đồng Kitô giáo hân hoan
đón chào bạn," vị chủ sự sẽ nói: "Giáo Hội của Thiên Chúa hân hoan đón
chào bạn."

Sắc lệnh của Thánh Bộ Phụng Tự và Bí Tích viết như sau: "Phép Rửa là bí
tích của đức tin trong đó một người được tiếp nhận vào Giáo Hội của Chúa
Kitô, nghĩa là Giáo Hội Công Giáo, do đấng kế vị Thánh Phêrô cùng với
các giám mục hiệp thông với ngài cai quản."

Sắc lệnh này được ban hành ngày 22 tháng Hai, và được đăng trong bản tin
"Notitiae" cuối cùng của Thánh Bộ.

Sắc lệnh do Đức Hồng Y Canizares Llovera, bộ trưởng và Tổng Giám Mục
Arthur Roche, thư ký thánh bộ đồng ký. Sắc lệnh nói rằng, lời văn của
Phép Rửa được thay đổi trong tiếng La Tinh và các ngôn ngữ địa phương và
đã được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI phê chuẩn ngày 28 tháng Giêng; sau đó
một tháng thì ngài từ nhiệm.

Bản văn mới, theo sắc lệnh, nhấn mạnh rõ hơn học thuyết của đạo Công
Giáo về sự kiện qua Phép Rửa một người được sát nhập vào Giáo Hội hoàn
vũ chứ không chỉ được tiếp nhận vào một giáo xứ mà thôi.

Mặc dầu phần còn lại của nghi thức vẫn như cũ, bằng cách khởi đầu với sự
khẳng định là toàn thể Giáo Hội chào đón người sắp chịu phép rửa, vị chủ
sự cũng bầy tỏ rõ ràng là bí tích này được cử hành nhân danh Giáo Hội
thay vì nhân danh một cộng đồng điạ phương.

Trước khi có sự thay đổi, bản văn nguyên thủy như sau: "Cộng đồng Kitô
giáo hân hoan đón chào bạn. Nhân danh cộng đồng, tôi thu nhận bạn cho
Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta bằng dấu thánh giá."

Sắc lệnh nói việc thay đổi phải được thực hiện bằng tiếng La tinh vào
ngày 31 tháng Ba.

Đức Ông Rick Hilgartner, giám đốc điều hành của Ủy Ban Phụng Tự trong
Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nói: các giám mục đang chờ đợi bản dịch sơ khởi
của Nghi Thức Rửa Tội Trẻ Em sẽ hoàn tất sang năm, và tin rằng sự sửa
đổi sẽ được sát nhập vào ấn bản đã tu chính khi được chấp thuận và phổ biến.

Thursday, August 22, 2013

MỘT CHÚT SUY NGHĨ TRƯỚC SỰ RA ĐI CỦA HAI ĐỨC GIÁM MỤC

1.
Ngày thứ Bảy, 17.8.2013 là một ngày buồn.
Buổi sáng, Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm, Giám mục Bùi Chu, qua đời.
Buổi tối, Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân, Giám mục Vĩnh Long, cũng đột ngột qua đời.
Tôi hiểu cái chết của hai Đức Cha là một chọn lựa của chính Chúa. Chúa gọi. Hai môn đệ Chúa lập tức ra đi.
Các ngài ra đi mau lẹ, bỏ lại tất cả, dứt khoát phải vâng theo ý Chúa.

2.
Tôi coi biến cố này như một sứ điệp. Chúa nhắn nhủ tôi cũng những lời Chúa đã gọi các tông đồ thuở xưa. Chúa gọi trong suốt đời tôi. "Hãy theo Thầy" (Ga 1,43) Chúa gọi mà không cắt nghĩa gì. Hơn nữa, Chúa còn nói: "Ai không vác thập giá mình mà đi theo Thầy, thì không thể làm môn đệ Thầy được" (Lc 14,27).
Thánh sử Luca thuật lại những đòi hỏi dứt khoát của Chúa Giêsu.
Một người được Chúa gọi, xin Chúa cho phép mình về an táng người cha của mình, thì được Chúa trả lời: "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết. Phần anh, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa".
Người khác được Chúa gọi, xin Chúa cho phép trở về từ giã những người thân, thì được Chúa trả lời: "Ai cầm cày trong tay mà còn nhìn lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa" (Lc 9,59-62).
Người khác được Chúa gọi, xin theo Chúa, tưởng sẽ được giàu sang ở đời này, thì được Chúa cho biết: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ dựa đầu" (Lc 9,57-58).

3.
Các môn đệ Chúa xưa cũng đã rất dứt khoát trong việc trả lời tiếng Chúa gọi: "Họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Chúa Giêsu" (Lc 5,11).
Tất cả sự dứt khoát của người theo Chúa là: Từ bỏ mọi sự, tin vào Chúa, và đi theo Chúa. Nhờ vậy, họ được đổi mới.

4.
Những gì các tông đồ xưa đã làm khi theo Chúa Giêsu, vẫn được truyền lại cho mọi thế hệ các môn đệ Chúa tới bây giờ.
Khi dứt khoát xin theo Chúa với tất cả những gì Chúa đòi hỏi về sự từ bỏ và dấn thân, tôi nhận thức rất rõ về sự yếu đuối của tôi. Nhưng tôi theo gương Đức Mẹ Maria và các tông đồ xưa mà thưa "Xin vâng". Đó là một lời "xin vâng" thành thực, được Chúa chấp nhận và Chúa sẽ thánh hoá.
Suốt cuộc đời theo Chúa Giêsu được tôi cảm nghiệm như "một hạt lúa gieo vào lòng đất, để có thể sinh ra nhiều hạt khác" (Ga 12,24). Do phải từ bỏ, phải vác thánh giá, phải hy sinh mạng sống mình.

5.
Nhưng càng bước theo Chúa như vậy, tôi càng được Thánh Thần của Chúa đồng hành. Người cho tôi tin vững vàng vào sự Phục Sinh.
Ngày thứ bảy tuần thánh là ngày đợi chờ Chúa Phục Sinh. Đợi chờ bên Đức Mẹ Maria, người mẹ đã sống niềm tin vững vàng trong một tình hình đầy tối tăm chán nản.
Tôi xin phép nói với hai Đức Cha mới ra đi là nhiều người trong Hội Thánh Việt Nam cũng như hai Đức Cha sẽ đi theo Chúa một cách dứt khoát, trong niềm tin vững vàng vào Chúa Giêsu Phục Sinh, Đấng Cứu Chuộc loài người, mà chúng ta hết lòng tin tưởng, yêu mến và cậy trông.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cứng lòng, nhiều dửng dưng trước lời Chúa gọi. Cơn thử thách lớn đang tới gần, dù muốn dù không, chúng ta sẽ phải bỏ lại và ra đi, sẽ không kịp gì. Xin Chúa thương chúng con.

Long Xuyên, ngày 20 tháng 8 năm 2013.
+ Gm. Gioan Baotixita Bùi Tuần

Saturday, August 17, 2013

CẢNH BÁO CÁC MỤC TỬ

1.
Chỉ mới một thời gian vắn từ ngày nhận trách nhiệm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tỏ rõ quyết tâm của Ngài muốn đổi mới Hội Thánh.
Để đổi mới Hội Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã coi vấn đề đổi mới các mục tử là ưu tiên số một.
Một bước được coi là quyết liệt nhất, đó là những lời Ngài cảnh báo các mục tử với lời lẽ khá nặng nề.
Người ta sẽ dễ thông cảm với Ngài, khi được biết những lời cảnh báo nặng nề đó không chút gì mới mẻ, nhưng chỉ tiếp tục những gì Ngài đã làm khi còn là Hồng Y coi sóc giáo phận thủ đô rộng lớn của một nước đa số là Công giáo.

2.                                               
Ngài coi việc cảnh báo là một bổn phận Chúa trao phó cho Ngài.
Trong bài giảng lễ tại Buenos-Aeres, ngày 4.9.2009, Đức Hồng Y Jorge Bergolio đã mở đầu bằng Lời Chúa nói với tiên tri Isaia: "Cứ lấy hết gân cổ mà kêu lên, đừng kìm hãm, kêu lớn tiếng lên như tù và, báo cho dân Ta hay tội ác của chúng, cho nhà Giacóp biết những lỗi lầm đã phạm" (Is 58,1).
Ngài cảnh báo thủ đô của Ngài, đồng thời, Ngài cảnh báo những ai được danh dự gọi các người khác là con cái mình. Ngài cảnh báo sự dửng dưng của họ trước cảnh khổ đau của dân.
Ngài trách: "Họ đã quên khóc, bởi vì chính họ đã bán con cái mình. Họ đã quên khóc, bởi vì chính họ đã loại trừ con cái mình. Họ đã quên khóc, bởi vì chính họ đã đẩy con cái mình vào thân phận nô lệ".
Ngài cảnh báo một tình hình đau đớn: "Chúng ta đã ra cứng lòng. Chúng ta đã đánh mất trái tim".

3.
Hồi đó, Ngài nặng lời như thế. Hôm nay, Ngài vẫn cảnh báo một cách nghiêm khắc không kém. Chứng tỏ tình hình là nghiêm trọng.
Ngài quả quyết: "Khi trái tim đã ra xơ cứng, thì tâm hồn sẽ trở thành ác độc một cách mau lẹ". Xem ra theo Ngài, khủng hoảng lớn nhất nơi nhiều mục tử hiện nay là ở trái tim.
Nhưng Ngài không bi quan. Ngài rao giảng niềm hy vọng vào Chúa giàu lòng thương xót. "Chúa sẽ ban tình yêu cho ta. Nhưng ta phải biết đón nhận, phải biết vun tưới, phải biết diễn tả."

4.
Đọc những lời cảnh báo liên tục của Đức Thánh Cha Phanxicô, từ hồi Ngài còn là Hồng Y cho đến hôm nay, tôi vừa lo sợ và cũng vừa hy vọng.
Lo sợ có lúc rất mạnh. Nhưng rồi bao giờ hy vọng cũng hiện lên sáng sủa. Bởi vì tôi thực sự đã cảm nghiệm thấy tình Chúa xót thương là vô cùng vô tận.

5.
Tôi thấy trong Hội Thánh tại Việt Nam, hiện tượng cứng lòng không phải là hiếm, hiện tượng đánh mất trái tim cũng không phải là ít, hiện tượng độc ác cũng có đó đây. Nhưng những hiện tượng như thế không xảy ra đều khắp, càng không tồn tại và phát triển một cách vững bền và cố chấp. Một dấu chỉ đáng mừng báo hiệu niềm hy vọng, đó là sự khiêm nhường.

6.
Sự khiêm nhường đang hình thành từ nhiều phía.
Phía đáng kể hiện nay là gương sáng về khiêm nhường của Đức Phanxicô. Ngài giản dị, khó nghèo, khiêm tốn, gần gũi. Các mục tử tại Việt Nam rất khâm phục Ngài.
Một phía đáng kể khác hiện nay là gương sáng về khiêm nhường của nhiều mục tử tại Việt Nam. Khiêm nhường nơi các ngài là sự các ngài chân thành nghĩ tới những sai lầm của mình. Một trong những sai lầm, mà nhiều vị sám hối là sự các ngài nhiều khi đã để mình sa sút về đời sống nội tâm, do đó  đã không nhận thấy rõ những khổ đau của con chiên mình, để cảm thương và để cứu họ.

Một trong những sai lầm khác mà nhiều vị lo sợ, là sự các ngài nhiều khi có thể đã dung dưỡng những thói quen xấu, mà các tư tế thời xưa đã tự hào, và đã bị Chúa Giêsu khiển trách, đó là thói quen đạo đức nặng về hình thức, căn cứ vào luật nọ luật kia, để tìm tư lợi, né tránh việc bác ái cứu người đau khổ.

7.
Những việc khiêm nhường trên đây là những khởi đầu tốtcho việc đổi mới Hội Thánh nói chung và đổi mới bản thân mục tử nói riêng.
Tội lỗi và yếu đuối đến mấy, nhưng có khiêm nhường, thì sẽ được ơn đổi mới. Trái lại, thành công và đạo đức đến mấy, nhưng không có khiêm nhường, thì sẽ mất hết.
Vì thế, lúc này, thiết tưởng chúng ta nên nhắc nhiều đến khiêm nhường. Bởi vì tình hình rất cần được đổi mới, đổi mới này phải nhờ ơn Chúa. Thánh Phêrô quả quyết: "Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường" (1 Pr 5,5).

8.
Tôi có cảm tưởng là những cảnh báo của Đức Thánh Cha Phanxicô đang nhắc lại những gì Đức Mẹ đã cảnh báo ở Fatima. Nếu nhắc lại đó lại có nghĩa như chuẩn bị cho một tai hoạ khủng khiếp đã được báo ở Fatima, thì chúng ta phải đón nhận lời cảnh báo của Đức Phanxicô với lòng khiêm nhường sám hối thành thực và khẩn cấp. Khiêm nhường nhất là niềm tin vào Chúa Giêsu.
Đức Thánh Cha nói: "Đức Giêsu không buộc anh chị em phải là kitô hữu. Nhưng nếu anh chị em là kitô hữu, thì anh chị em phải tin vào Chúa Giêsu. Một mình Người có sức mạnh đổi mới thế giới, đổi mới cuộc đời của anh chị em, đổi mới gia đình của anh chị em, đổi mới cộng đoàn của anh chị em, đổi mới tất cả mọi người. Đó là sứ điệp chúng ta phải mang theo mình ngay từ hôm nay. Chúng ta cầu xin Chúa Cha thương giúp chúng ta biết lắng nghe tiếng Thánh Thần, là Thánh Thần của Đức Giêsu, Đấng sẽ làm việc đó" (ĐHY. Bergolio, lễ Thêm Sức ở nhà thờ thánh Lôrensô, Rôma, ngày 18.02.2012).

9.
Với sứ điệp trên đây, chúng ta tin sẽ có đổi mới. Đổi mới cách nào đều sẽ do Chúa Giêsu. Vì thế, ngay từ bây giờ, chúng ta hãy đón nhận sự đổi mới ấy và cộng tác vào sự đổi mới ấy bằng sự khiêm nhường. Khiêm nhường bằng sự sám hối, khiêm nhường trong tình yêu đón nhận, khiêm nhường trong tình yêu cho đi, để trở thành người con của Thiên Chúa là tình yêu, mở rộng Nước Chúa là Nước tình yêu, gắn bó với mọi người bằng tình yêu phục vụ liên đới.
Như vậy, cảnh báo của Đức Thánh Cha Phanxicô gởi các mục tử đúng là một cảnh báo của tình yêu. Chúng ta khiêm nhường đón nhận như một ân huệ Chúa trao ban.
Hãy lo sám hối sửa mình, như một ưu tiên đổi mới.
Hãy cầu nguyện thực nhiều, để biết nhìn vào sự thực nơi chính mình, một sự thực đầy những yếu đuối.
Hãy cầu nguyện thực nhiều, để biết can đảm gỡ bỏ các thứ hào quang giả tạo, để khiêm tốn phó thác mình cho tình yêu thương xót Chúa.
Hãy cầu nguyện thực nhiều, để biết nhận thấy cái xà trong con mắt mình hơn là cái rác nơi con mắt người khác.
Hãy cầu nguyện thực nhiều, để biết trở về với Chúa Giêsu, Đấng hiền lành và khiêm nhường, tự nguyện chịu chết trên thánh giá, để cứu chuộc loài người. Hãy phấn đấu yêu thương như Chúa đã yêu thương.
Cúi xin Đức Mẹ Maria thương dẫn dắt chúng ta trên đường khiêm tốn "xin vâng".

+ Gm. Gioan Baotixita Bùi Tuần

Wednesday, August 14, 2013

Có mấy loại bất ngờ, và làm sao để loại bất ngờ

Lm Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

CN 19-C TN: Tuần báo KHPT số ngày 3/8/2001 có đăng mẩu tin ngắn này: cô Army Dolby 26 tuổi, sống ở Yorshire nước Anh, có người yêu là anh Johnstone sống ở Sydney Úc. Vì nhớ nhung và vì muốn làm một ngạc nhiên bất ngờ cho nên nàng đã lằng lặng đáp máy bay vượt 20.000 km để đến thăm chàng. Nhưng khi đến Sydney, thì nàng mới hay, chàng người yêu của nàng cũng muốn làm một ngạc nhiên bất ngờ cho nàng, nên đã không báo trước gì cả, lấy máy bay bay qua Anh, tới Yorshire để gặp nàng. Hai bất ngờ gặp nhau trong một ngày, cho nên chẳng ai gặp được ai. Còn bài Tin Mừng hôm nay vang lên bên tai ta: chính giờ phút anh em không ngờ, Con Người sẽ đến. Bất ngờ là đề tài suy niệm Lời Chúa hôm nay, với 2 điểm: (1) Có những loại bất ngờ nào ? và (2) Làm sao để loại bất ngờ ?

1. Có những loại bất ngờ nào ?

Chắc các vị càng lớn tuổi càng trải qua nhiều bất ngờ không ngờ. Một nhạc sĩ nào đó đã viết lên lời ca, đại ý : Người ngỡ đã đi xa ai ngờ bỗng thật gần… Đó có thể là loại bất ngờ về không gian. Tưởng xa mà bất ngờ lại thật gần. Đang đi đường, bất ngờ con chó chạy qua, cán phải, phải vào nhà thương. Không phải chó vào, mà người vào. Tưởng không thể thương nhau được, mà bất ngờ có biến cố nào đó xảy đến, hai người gắn bó với nhau. Ngược lại cũng không thiếu. Tưởng gắn bó được với nhau suốt đời, mà bất ngờ phải xa nhau mãi mãi. Những bất ngờ trong tình yêu này, tiểu thuyết, phim ảnh khai thác hoài mà không phai. Có rất nhiều loại bất ngờ, nhưng dựa vào Lời Chúa hôm nay, xin nói đến 2 loại bất ngờ: bất ngờ về thời gian và bất ngờ về tính cách.

a) Thời gian

Không ai chối cãi được rằng Lời Chúa trong bài Tin Mừng nhấn mạnh rất nhiều đến sự bất ngờ và là sự bất ngờ về thời gian:

"Anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến".
"Nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến"
"Anh em hãy sẵn sàng vì chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến".

Rõ ràng những chi tiết trong lời Đức Giêsu đều nhấn mạnh đến sự bất ngờ về thời gian. Vào ngày không ngờ, giờ không biết chính là lúc Chúa đến.

Trong cuộc sống thường ngày, ta rất thường gặp những bất ngờ về thời gian. Bất ngờ nhưng lại rất thường gặp. Đúng là mâu thuẫn ngay trong ngôn từ. Giống như thành ngữ Tây: "Hãy vội vã một cách thong thả." Hâtez-vous lentement. Bất ngờ về thời gian, nhưng thường xảy ra trong dòng đời. Đang tán gẫu, bất ngờ ông chủ tới. Vài lần bất ngờ như thế, là bất ngờ mình bị thôi việc. (Thực ra thì chẳng bất ngờ gì cả việc mình bị thôi việc này). Trong giờ học, đang đọc tiểu thuyết, bất ngờ giám thị tới. Tiểu thuyết bị thu, hạnh kiểm điểm trừ. Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm, nên biết bố mẹ đi vắng lâu, ở nhà dẫn lâu la về phá phách, bất ngờ ông bà quay trở lại, bắt gặp. Bất ngờ về thời gian rất thường xảy ra trong gia đình, nơi học đường, ngoài xã hội. Chúng là những bài học tốt cho ta chuẩn bị cái bất ngờ về ngày giờ Chúa đến. Ngày không ngờ, giờ không biết, Chúa đến… Ngài còn sẵn sàng hạ xuống để ví mình như kẻ trộm rình đến trong thời gian đêm tối nữa kìa. Và như thế từ bất ngờ về thời gian ta chuyển qua bất ngờ về tính cách. Chúa mà lại có tính cách như kẻ trộm, kẻ trộm đêm hôm.

b) Tính cách.

Bất ngờ này có lẽ ta ít quan tâm hơn nhưng lại rất cần chú ý.

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta một bất ngờ về tính cách. Khi chủ trở về, thấy tớ tỉnh thức, chủ sẽ vào vai tớ để phục vụ tớ : "Chủ sẽ thắt lưng, đưa tớ vào bàn ăn và đến bên từng đầy tớ mà phục vụ"

Trong dòng lịch sử, khi Đức Giêsu đến cũng vậy. Chúa đã đến viếng thăm dân Người, nhưng dân Người lại không nhận biết. Vì Người đã đến trong một tính cách hoàn toàn khác với ước mong và dự định của con người. Người ta đã nuôi sẵn trong đầu óc và tâm tưởng hình ảnh về Đấng phải đến phải là: giàu sang, quyền qúy, uy nghi, hùng mạnh. Đang khi đó, Ngài lại đến trong cảnh khó nghèo, cơ cực, yếu đuối... từ khi sinh ra đến lúc chết đi. Làm sao có thể nhận ra Ngài cho dẫu Ngài đang ở giữa họ và chung sống với họ.

Bất ngờ về tính cách ta vẫn thường gặp trong đời thường. Ai cũng tưởng ông ấy nghèo, ăn xin, nhưng khi nằm xuống, mới biết ông ta có bạc triệu cất giấu. Trước đây, ai cũng nghĩ Trần văn Giao, giám đốc công ty xây dựng và kinh doanh nhà Đông Phương là giám đốc giỏi, trẻ tuổi mà tài cao. Bất ngờ, bị bắt, mới vỡ lẽ mình giao tiền cho Trần văn Giao là tên lừa đảo. Danh sách bị bất ngờ, lên tới cả ngàn, trong đó có cả những công ti lớn, quốc doanh, như nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội. Đọc báo chí, chúng ta thấy như vậy. Nhiều người tưởng thương dân, lo cho dân, nhưng thật ra chỉ lấy của dân lo cho họ. Nếu nói bằng ngôn ngữ hình ảnh của Tin Mừng hôm nay, có sự bất ngờ của tên kẻ trộm đến giữa đêm khuya, mà cũng có cả sự bất ngờ của tên ăn cướp đến giữa ban ngày, đi xe con, mặc áo veste... Ai cũng tin tưởng quý mến, nhưng thực chất của hắn vẫn chỉ là tên ăn cướp! Cướp đêm là trộm, cướp ngày là… vẫn có. Cuộc sống hôm nay đầy dẫy những thứ bất ngờ như thế

2. Làm sao để loại bất ngờ ?

Bất ngờ về thời gian và bất ngờ về tính cách là hai loại bất ngờ thường gặp. Làm sao để loại hai loại bất ngờ này. Câu chữ nghiêng đặt đầu bài Tin Mừng hôm nay cho ta lời đáp: Hãy tỉnh thức để được sẵn sàng. Nói cách khác, để không bị bất ngờ thì hãy tỉnh thức.

Người thức thì thường khó mà tỉnh. Người thức đêm, thì phải ngủ ngày bù lại. Còn người đã làm việc ban ngày, cộng thêm thức đêm canh chừng, thì không thể tỉnh được quá ba đêm, cho dù cà-phê đậm đặc được cung cấp. Cho nên tỉnh thức Chúa nói đây, cái chính không phải là thức, mà là tỉnh.

Ta hay nói: Sự việc bất ngờ xảy ra mà ông ta tỉnh bơ như không có gì. Tỉnh bơ có thể là xấu, vì đó là thái độ dửng dưng: tỉnh bơ không ngó tới. Nhưng tỉnh bơ cũng mang nghĩa tốt, lúc đó, tỉnh bơ có nghĩa là quen thuộc lắm rồi, chẳng có gì là bất ngờ cả.

Làm quen với sự bất ngờ về thời giờ Chúa đến bằng cách gặp Chúa hoài, thì có gì là bất ngờ nữa. Gặp Chúa trong giờ kinh, gặp Chúa trong giờ lễ, gặp Chúa trong nhà thờ, gặp Chúa trong giờ thờ phượng, thì ta cứ đi ngủ thẳng chân, mà chẳng lo bất ngờ giờ Chúa đến, vì cả lúc ngủ mà ta vẫn tỉnh, tỉnh nghĩa là quen.

Làm quen với sự bất ngờ về tính cách trong cách Chúa đến, bằng cách gặp Chúa trong hình bánh, gặp Chúa trong công việc, và nhất là gặp Chúa trong người nghèo, thì có gì là bất ngờ nữa khi Chúa đến với bất cứ tư cách nào.

Thánh Phaolô viết thư cho dân Roma giữa ban ngày, mà người nói: Đã đến lúc anh em phải thức dậy. Không thức làm sao đọc được lá thư đó. Thức dậy lâu rồi. Người còn nói thêm: Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Chắc tín hữu Roma cũng phải buồn cười khi giữa thanh thiên bạch nhật, mà Phaolô lại nói: đêm sắp tàn, ngày gần đến, nếu như không có câu đi theo: anh em hãy loại bỏ những hành vi đen tối và cầm lấy khí giới sự sáng.

Nhưng khi nào là đêm và lúc nào là ngày? Làm sao biết được ranh giới giữa ngày và đêm? Một vị sư phụ đã nêu câu hỏi trên với các đệ tử của mình: "Chúng con có biết khi nào đêm chấm dứt và lúc nào ngày bắt đầu?" Một anh nhanh nhảu: "Thưa thầy, ấy là lúc ta thấy một con vật từ đàng xa và phân biệt được nó là con bê hay con lừa." Một anh khác: "Thưa thầy, ấy là lúc ta phân biệt được đâu là cô gà mái đâu là cậu gà trống." Một anh khác, sau lúc suy tư cũng xin góp ý: "Thưa thầy, khi nào ta nhìn thấy người bộ hành và phân biệt được là thù hay bạn." Nhiều câu trả lời nữa cũng được đưa ra nhưng dường như vị sư phụ không thoáng chút hài lòng nào. Cuối cùng cả đám xin thầy giải thích. Sau phút trầm ngâm như muốn thấm sâu giòng tư tưởng, vị sư phụ lên tiếng: "Khi nào các con nhìn vào người khác và nhận ra đó chính là anh chị em ruột của mình thì đêm đã tàn và ngày đã tới."

Thế ra không phải việc "phân biệt" con vật này hay con vật kia hoặc người này hay người nọ, song là "nhận ra" tha nhân là anh chị em mình, mới làm cho bóng tối tan đi và ánh sáng toả rạng.

Đêm đen sẽ mãi thống trị tâm hồn nếu đời tôi cứ đắm chìm trong hiềm khích, hận thù, bất công, chia rẽ, vô luân, lừa dối. Còn khi để cho yêu thương dẫn lối đưa đường, ngày mới cuộc đời đã bắt đầu lên ngôi, nhờ khí giới sự sáng soi tỏ mọi lối đường.

Nhưng vượt cao hơn lời giải thích của sư phụ, ta còn có thể mạnh dạn nói : đêm sẽ tàn, ngày sẽ tới khi ta nhìn người khác, nhất là người khác đây là người cùng khổ, người bị bỏ rơi –như bệnh nhân Aids hôm qua 1/12 thế giới cử hành ngày hướng về—nhìn họ như là chính khuôn mặt của Chúa Kitô chịu đóng đinh. Không phải chỉ nhìn họ như anh chị em mình, mà nhìn họ như chính hiện thân của Chúa. Nếu vậy, ta chẳng còn gì là bất ngờ cả, hay nói đổi lời, ta loại được bất ngờ khi Chúa đến với ta dưới bất cứ tư cách nào: bởi vì ta đang tỉnh –tỉnh nghĩa là quen—quen nhận biết khuôn mặt của Ngài.

Bất ngờ về thời giờ Chúa đến và bất ngờ về tư cách Chúa trở lại đã được ta phân tích để loại bỏ bất ngờ bằng cách năng gặp Chúa và biết nhận ra Người nơi người anh em, nhất là anh em cùng khổ. Đó là ta loại bỏ được tính bất ngờ đáng sợ, nhưng đồng thời lại đón nhận được cái bất ngờ đáng yêu—ở đời cũng thường có những bất ngờ thích thú đáng yêu, như nàng Dolby kia từ Anh bay qua Úc để gặp người yêu, tạo ngạc nhiên thích thú cho chàng Johnstone; như "em nhắm lại, anh cho em xem cái này…" chắc chắn khi mở mắt ra, trước mặt em không phải là ổ bánh mì thịt nguội, hay cái bánh ú nóng, mà là phải ngạc nhiên bất ngờ hơn nhiều—thì thánh Phaolo nói trong Thư thứ hai gửi Corintô rằng, "điều mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, lòng người chưa hề tưởng nghĩ," tức là những cái thật bất ngờ ngạc nhiên, Thiên Chúa đã dành sẵn cho kẻ có lòng yêu mến Người. Chớ gì chúng ta cũng được những bất ngờ đáng yêu đó. Amen.

Lm Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

Sunday, August 4, 2013

Làm Giàu Chỉ Với…Một Xu

PM. Cao Huy Hoàng

Suy Niệm Lời Chúa CN 18 TN C, 2013

Tất cả là phù vân.

Sách Giảng Viên mời gọi mỗi chúng ta có cái nhìn chính xác về những thực tại trần thế, tất cả là phù vân. Cuộc sống con người chóng vánh, ngắn ngủi. Cả đất trời kia uy hùng lộng lẫy cũng có năm, có tuổi, có thời hạn, huống chi thân xác con người, nhà cửa, bạc tiền, danh vọng lại vô hạn, lại tồn tại mãi được sao? Vậy mà của phù vân có sức mạnh kinh khủng đến độ con người ta phải làm nô lệ cho nó cho tới chết.

Nhớ năm 1996, tôi đưa cha Phanxico đi xức dầu cho cụ già Tư. Đến nơi, cụ đang nằm trên giường. Cha giải tội cho cụ. Cụ nghiêng qua xưng tội. Dưới lưng cụ có mấy tờ bạc 500, 1000, 2000 đồng. Giải tội xong, cha cười, hỏi: "Sao lại để tiền dưới lưng nhiều thế?". Ông thản nhiên trả lời: "Cho nó ấm người cha ạ".

Vâng, biết là phù vân, mà vẫn cứ để lòng lao xao, để bị cuốn hút đến lao đao đeo đuổi cả một đời không dứt. Nhất là, loại phù vân mang tên tình yêu không đích thực, loại tình yêu làm cho con người ta thỏa mãn cái tính dục trong con người thì càng có sức cuốn hút hơn. Tình yêu phù vân đích thực ấy lại có sức điều hành cả kẻ dốt nát quê mùa lẫn người trí thức, người có chức có quyền, có danh vọng địa vị, và đôi khi làm chao đảo cả những con người từng thưa lời tận hiến.

Cảnh phù vân, của phù vân, tình phù vân nào cũng làm cho người ta tưởng như là hạnh phúc. Và khi một thực tế trả lời về sự dại dột của mình thì mới sáng mắt ra nổi. Thực tế ấy là một thất bại trắng tay tiền của, trắng tay quyền lực, trắng tay danh vọng, người tình bắt cá hai ba tay…Nhưng rồi lòng tham vô đáy cứ còn xúi giục con người ta trở lại con đường cũ. Ngay cả cái thực tế phủ phàng nhất là tuổi già và sự chết cũng không lay chuyển được lòng tham thế sự phù vân. Phù vân mà kinh khủng thật!

Hãy tìm kiếm những gì thuộc về thượng giới

Tìm cho được một người thoát ra được vòng giam hãm trong cái ngục thất tham lam sự đời thật không dễ chút nào. Sự đời là phù vân nhưng muôn màu muôn vẻ cuốn hút hấp dẫn. Kẻ luôn khát tình, người luôn khát dục, kẻ khát tiền bạc, nhà cửa, người khát danh vọng, tên tuổi, kẻ khát quyền lực, khát thống trị, người khát an thân, ích kỷ… Tất cả khát khao ấy dẫn con người ta tới chỗ ra công tìm kiếm cho bằng được bất chấp mọi khó khăn, bất chấp mọi thủ đoạn. Tưởng như là hạnh phúc.

Thư Thánh Phao-lô gửi Colose, Cl 3,1-5.9-11: (1)Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. (2) Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.

Khi nói: "Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô", cách nào đó, Thánh Phao-lô đã xác nhận kiếp người phù vân, nhưng sẽ không còn phù vân nữa vì đã được Chúa Giê-su Ki-tô cứu khỏi cái chết muôn đời. Vì đã được cứu, thánh Phao-lô dạy chúng ta hãy "tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa".

Tìm ở đâu ra những gì thuộc về thượng giới, nếu không tìm nơi chính Đức Giê-su, người từ thượng giới mà xuống, người đã đền tội cho nhân loại vì một lẽ công bằng mạng thế mạng. Sự chết của Adam đổi sự chết của Ngài, để sự sống của Ngài đổi lấy sự sống cho nhân loại. Chỉ có tình yêu thương mới thôi thúc Ngài thực thi lẽ công bằng với Thiên Chúa Cha vậy.

Có câu chuyện cô M bán bún thịt nướng kể rằng: có một lần cô thối tiền cho một người lộn tờ 500.000, vì cũng xanh giống tờ 20.000. Người mua hàng là khách lạ. Chỉ nhớ là cậu trai chừng 30 tuổi, thấp nhỏ, da ngăm đen khắc khổ. Hai tuần sau, cô em của cô M gặp hai vợ chồng cậu ấy đi chợ, chỉ cho cô M . Cô M thử hỏi "Có lần ghé nhà chị mua bún thịt nướng mang về phải không em?" Cậu ấy trả lời "có". "Hình như chị thối lộn tiền cho em không?" Vợ cậu ấy trả lời ngay: "Của chị hả, hôm ấy ảnh đi mua mấy thứ linh tinh hai ba nơi về dư ra tờ tiền 500 ngàn mà không biết của ai. Em lo quá, nay biết của chị rồi. Em sẽ trả chị". Hai ngày sau cô vợ ấy đến trả cho cô M 500 ngàn, toàn tiền lẻ. "Chị thông cảm, tiền em bán nước cho học sinh". Cô M nhận tiền và biếu lại cô ấy 100 ngàn. Nhưng cô ấy không nhận.

Hóa ra những gì thuộc về thượng giới không ở đâu xa, ở ngay trong lương tâm công chính thật thà, trong đời sống công bằng, phải lẽ, ở ngay trong tình thương của người dành cho người, nhất là người cùng khốn.

Thuộc về thượng giới là không còn lòng tham lam của cải ở đời, nhưng có lòng khát khao những điều thiện hảo, không tham lam những gì chóng vánh tiêu tan, nhưng khát khao những gì là bền vững, vĩnh cửu.

Điều vĩnh cửu ấy Chúa Giê-su gọi là "làm giàu trước mặt Thiên Chúa".

Làm giàu trước mặt Thiên Chúa

Dụ ngôn phú hộ Chúa Giê-su đưa ra mời gọi chúng ta đừng quá lệ thuộc vào của cải, danh vọng, xác thịt, vật chất phù vân, nhưng hãy thuộc về Thiên Chúa ngay trong khi còn sống trên thế gian này. Thuộc về Thiên Chúa là thực thi những gì Chúa Giê-su Con Thiên Chúa đã dạy: khiêm nhượng, hiền lành, khó nghèo, yêu thương tha nhân, nhân hậu, tha thứ, chạnh lòng thương, sẻ chia cơm áo, cho đi chút nước lã cầm hơi... tất cả vì Chúa Giê-su Ki-tô đang hiện thân nơi mỗi anh em đồng loại.

Làm giàu trước mặt Thiên Chúa không cho phép tham lam tích trữ của cải phù vân, không cho phép hưởng thụ của cải đời này cách quá đáng mà quên cõi đời sau, nhưng ngược lại, làm giàu trước mặt Thiên Chúa là ra công xây dựng tình bác ái huynh đệ, xây dựng cuộc sống tràn tin yêu hy vọng vào một ngày hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa trong Nước của Người.

Xin mượn mấy câu thơ trong bài thơ Một Xu của Hương Nam (Thi Ca cầu Nguyện số 126) để kết đôi dòng suy tư hèn mọn:

Tay con nắm cả phù vân
Hóa ra một mớ bụi trần bay bay
Có gì nắm được trong tay
Nếu không nắm lấy chính Ngài, Giê-su

Kho tàng châu báu thiên thu
Mỗi ngày bỏ ống một xu hiền lành
Một xu tin tưởng chân thành
Một xu bác ái để dành muôn sau
……

Một xu yêu mến Giê-su
Sống theo lời dạy thiên thu an bình
Một xu bác ái chân tình
Yêu thương, giúp đỡ, hy sinh cho người
…….

PM. Cao Huy Hoàng, 02-8-2013

Friday, August 2, 2013

Đức Maria, Người Mẹ gương mẫu của chúng ta

Jos. Tú Nạc, NMS

Bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước khi đọc Kinh Truyền Tin vào lúc kết thúc Thánh Lễ Bế mạc ngày GTTG lần thứ 28 tại bãi biển Copacabana ở Rio de Janeiro.
* * *

Anh chị em thân mến,

Vào cuối Thánh Lễ này, trong đó chúng ta đã hát khen chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa chúng ta, Người ta đã ban cho chúng ta mọi ân sủng mà chúng ta đã lãnh nhận trong những ngày diễn ra Đại hội GTTG, một lần nữa tôi muốn gửi lời cảm ơn đến Đức Tổng Giám mục Orani Tempesta và Đức Hồng Y Relko về những lời tốt đẹp mà các ngài đã dành cho tôi. Tôi cũng cảm ơn các bạn, những bạn trẻ thân mến, tất cả mọi niềm vui mà các bạn đã dành cho tôi trong những ngày này. Tôi mang hình ảnh của mỗi người trong các bạn trong trái tim tôi! Giờ đây, chúng ta hãy hướng niềm tin của chúng ta về Mẹ Thiên Đàng, Đức Trinh Nữ Maria.

Trong những ngày này, Chúa Giê-su đã tha thiết và liên lỉ mời gọi các bạn trở thành những môn đệ truyền giáo của Người; các bạn đã lắng nghe giọng nói của Chúa Chiên lành, gọi tên từng bạn, và các bạn đã nhận ra giọng nói này đang kêu gọi các bạn (xem Jn. 10: 4). Trong giọng nói này có thể, vang vọng trong tâm hồn các bạn, các bạn có cảm nhận được sự trìu mến của tình yêu Thiên Chúa không? Các bạn có cùng với những người khác, trong Giáo Hội trải nghiệm được vẻ đẹp theo Chúa không? Các bạn có hiểu sâu sắc hơn rằng Tin Mừng là câu trả lời đối với sự khao khát cho một cuộc sống bình thản tràn đầy hơn không (xem Jn. 10: 10)?

Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên tội trên Thiên Đàng đã phù hộ chúng ta với tư cách một người Mẹ từ nhân trông nom con cái. Xin Mẹ Maria dạy bảo chúng ta bằng cuộc sống của Người những gì là ý nghĩa muốn nói để trở thành môn đệ truyền giáo. Mỗi khi chúng ta nguyện Kinh Truyền Tin, chúng ta nhớ lại sự kiện này đã thay đổi lịch sử nhân loại mãi mãi. Khi Thiên thần Gabriel truyền tin với Mẹ Maria rằng Mẹ sẽ trở thành Mẹ của Chúa Giê-su Đấng Cứu Độ, thậm chí Mẹ không hiều đầy đủ ý nghĩa quan trọng của lời loan truyền này, nhưng Mẹ đã tin tưởng vào Thiên Chúa và đáp lại: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lk.1: 38). Nhưng ngay sau đó Mẹ đã làm những gì? Nhận ân sủng là Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể, Mẹ đã không nhận món quà đó cho bản thân, Mẹ phấn chấn, rời khỏi nhà, vội vã lên đường để giúp đỡ Bà Elizabeth, người thân của mình cần sự trợ giúp (xem Lk. 1: 38-39). Mẹ đã thực hiện một hành động của tình yêu, của lòng nhân từ thi hành sứ vụ, cưu mang Chúa Giê-su trong lòng Mẹ. Và Mẹ đã làm tất cả điều này một cách mau mắn!

Các bạn thân mến của tôi, ở đó, chúng ta có một mẫu gương. Mẹ đã nhận được món quà quí trọng nhất của Thiên Chúa. Khi sự đáp lại tức khắc của Mẹ phấn chấn để trở thành người phục vụ và cưu mang Chúa Giê-su. Cũng vậy chúng ta cầu xin Đức Mẹ giúp đỡ chúng ta để ban niềm vui của Đức Ki-tô cho gia đình chúng ta, những người đồng hành của chúng ta, những bạn bè của chúng ta, và cho mọi người. Đừng bao giờ sợ mình trở nên hào phóng với Đức Ki-tô. Đó chính là giá trị tuyệt đối! hãy ra đi và phấn chấn với lòng can đảm và quảng đại, để mỗi người trong chúng ta, nam hay nữ có thể gặp gỡ Thiên Chúa.

Các bạn trẻ thân mến, chúng ta có một cuộc hẹn vào Đại hội GTTG lần tới vào năm 2016 tại Krakow, Ba Lan. Qua sự chuyển cầu của Mẹ từ tâm Maria, chúng ta hãy cầu xin ánh sáng của Chúa Thánh Thần chiếu soi chuyến hành trình này sẽ dẫn đưa chúng ta tới giai đoạn kế tiếp trong lễ kỷ niệm hân hoan chan chứa đức tin và tình yêu của Đức Ki-tô Chúa chúng ta.

+ Đức Giáo Hoàng Phanxicô 
Jos. Tú Nạc, NMS dịch

* * *
On Mary: Our Model and Mother
Rio de Janeiro, Brazil, July 28, 2013 (Zenit.org)

Here is the translation of the Holy Father's address prior to the recitation of the Angelus at the conclusion of the Closing Mass of the 28th World Youth Day at Copacabana Beach in Rio de Janeiro.

* * *

Dear Brothers and Sisters,

At the end of this Mass, in which we have raised up to God our song of praise and thanksgiving for every grace received during this World Youth Day, I would like once more to thank Archbishop Orani Tempesta and Cardinal Ryłko for their kind words. I thank you too, dear young friends, for all the joy you have given me in these days. I carry each one of you in my heart! Now let us turn our gaze to our heavenly Mother, the Virgin Mary.

During these days, Jesus has insistently and repeatedly invited you to be his missionary disciples; you have listened to the voice of the Good Shepherd, calling you by name, and you have recognized the voice calling you (cf. Jn10:4). Could it be that in this voice, resounding in your heart, you have felt the tenderness of God’s love? Have you experienced the beauty of following Christ together with others, in the Church? Have you understood more deeply that the Gospel is the answer to the desire for an even fuller life? (cf. Jn10:10).

The Immaculate Virgin intercedes for us in heaven as a good mother who watches over her children. May Mary teach us by her life what it means to be a missionary disciple. Every time we pray the Angelus, we recall the event that changed the history of mankind for ever. When the Angel Gabriel proclaimed to Mary that she would become the Mother of Jesus the Saviour, even without understanding the full significance of that call, she trusted God and replied: “Behold, I am the handmaid of the Lord; let it be to me according to your word” (Lk1:38). But what did she do immediately afterwards? On receiving the grace of being the Mother of the Incarnate Word, she did not keep that gift to herself; she set off, she left her home and went in haste to help her kinswoman Elizabeth, who was in need of assistance (cf. Lk1:38-39); she carried out an act of love, of charity, of practical service, bringing Jesus who was in her womb. And she did all this in haste!

There, my dear friends, we have our model. She who received the most precious gift from God, as her immediate response sets off to be of service and to bring Jesus. Let us ask Our Lady to help us too to give Christ’s joy to our families, our companions, our friends, to everyone. Never be afraid to be generous with Christ. It is worth it! Go out and set off with courage and generosity, so that every man and every woman may meet the Lord.

Dear young friends, we have an appointment for the next World Youth Day in 2016 in Kraków, Poland. Through Our Lady’s maternal intercession, let us ask for the light of the Holy Spirit upon the journey that will lead us to this next stage in our joyful celebration of faith and the love of Christ.

Now let us pray together ...

+ Pope Francis

(July 28, 2013) © Innovative Media Inc.