Saturday, March 22, 2014

THÁNH GIUSE THINH LẶNG

Đọc Phúc Âm để tìm hiểu thánh Giuse, tôi thấy một bầu khí âm thầm bao phủ Ngài. Có một chọn lựa khiêm nhường trong bầu khí đó. Khiêm nhường ấy đầy khó nghèo và khôn ngoan.

Ngắm nhìn các ảnh tượng thánh Giuse, tôi thấy lòng sùng kính các nơi dành cho thánh Giuse thực rất phong phú và đa dạng.

Nhưng năng lui tới thánh Giuse trong đời sống hằng ngày, nhất là qua các giờ phút cầu nguyện, gẫm suy, tôi thấy thánh Giuse rất gần gũi, rất sống động, nhất là rất dễ thương. Có một điểm dễ thương nơi Ngài đã gây ấn tượng sâu sắc nơi tôi, đó là sự thinh lặng của Ngài.

Sự thinh lặng của Ngài là trường dạy tôi về tu đức, mục vụ và truyền giáo. Tôi gọi đây là sự thinh lặng thánh.

Bởi vì không phải thinh lặng nào cũng tốt cả. Ai cũng biết có vô số thứ thinh lặng tiêu cực. Như thinh lặng vì kiêu căng. Thinh lặng vì lập dị. Thinh lặng vì dốt nát. Thinh lặng vì sợ sệt. Thinh lặng vì bất cần. Thinh lặng vì dửng dưng. Thinh lặng vì hờn giận. Thinh lặng vì ích kỷ vv...

Trái lại, sự thinh lặng của thánh Giuse là một hoạt động thường xuyên tích cực.

1. Trước hết sự thinh lặng của thánh Giuse tích cực ở chỗ Ngài luôn vâng phục đức tin.

Ngài tin con trẻ mà thiên thần báo mộng sẽ sinh ra bởi Ðức Maria, đúng thực là "Ðấng Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta" (Mt 1, 23). Cho dù gặp muôn vàn thử thách, Ngài vẫn vững tin: Ðấng Thiên Chúa ở cùng chúng ta đó chính là Con Thiên Chúa giáng trần. Con trẻ đó chính là Ðấng cứu thế.

Ngài tin Thiên Chúa thương yêu Ngài một cách hết sức đặc biệt. Ngài biết tình thương đặc biệt Chúa dành cho Ngài là hoàn toàn nhưng không, chứ không phải do công phúc nào của Ngài.

Ngài tin vào sứ vụ Chúa trao phó cho Ngài là vô cùng lớn lao. Sứ vụ đó là bảo vệ Ðức Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Ngài biết Chúa Giêsu sẽ làm chuyện lớn, nhưng bề ngoài chưa thấy có gì là lớn. Thực nhiệm mầu. Ngài chỉ biết tin. Ngài chưa hiểu hết. Nhưng không thắc mắc. Một sự kín đáo trong niềm tin đầy khiêm tốn, với nhận thức sâu sắc về tình trạng khó nghèo, bất xứng của mình, đó là một sự thinh lặng đáng kính phục.

Bảo vệ Ðức Mẹ và Chúa Giêsu trong hoàn cảnh thời đó nơi đó đầy khó khăn là một trách nhiệm rất nặng nề, đòi nhiều khôn ngoan sáng suốt và đức tin vững vàng. Ngài đã tin vững vàng và khôn ngoan sáng suốt trong thinh lặng. Thinh lặng đó không phải vì sợ. Nhưng vì vâng phục đức tin.

Tin Mừng là một mầu nhiệm "vốn được giữ kín từ ngàn xưa" (Rm 16, 25) sẽ được biểu lộ, sẽ được thông báo cách nào, lúc nào, bởi ai, cho ai, thì phải tuỳ ở Thiên Chúa là Ðấng khôn ngoan thượng trí mà thôi. Chúa muốn như vậy (Rm 16, 27).

Tôi thiết nghĩ thánh Giuse đã có đức tin như thế, và đã vâng phục đức tin đó. Vì thế mà Ngài khiêm tốn thinh lặng, Ngài tin rằng: Sứ mạng Chúa trao cho Ngài không phải là loan báo, mà là bảo vệ và giữ kín.

2. Ngoài ra, sự thinh lặng của thánh Giuse là rất tích cực ở chỗ Ngài được âm thầm đào tạo để có một sự tự do mới.

Ðọc Sách Thánh và chuyện các thánh, tôi thấy Thiên Chúa có một lối đào tạo độc đáo đối với các người của Ngài. Khi Thiên Chúa tính chuyện trao cho ai một sứ mệnh khó khăn, Ngài thường đưa họ vào sa mạc. Hoặc sa mạc địa lý là nơi vốn thanh vắng. Hoặc sa mạc tâm hồn là nơi phải thinh lặng.

  • Ông Môisen vào sa mạc Madian.
  • Thánh Gioan tiền hô vào sa mạc Giuđê.
  • Thánh Phaolô vào sa mạc Syria.
  • Thánh Benedictô lên núi Subiacô.
  • Thánh Phanxicô khó khăn vào hang Assisi.
  • Chính Chúa Giêsu vào sa mạc 40 đêm ngày.

Ðối với thánh Giuse, sa mạc là tâm hồn thinh lặng của Ngài. Trong sự thinh lặng của sa mạc tâm hồn, Chúa đào tạo cho Ngài có một sự tự do mới. Ðó là một sự tự do biết chọn Chúa là tất cả, chọn ý Chúa là trên hết. Một sự tự do sẵn sàng dứt bỏ ý riêng, để mau lẹ thực thi ý Chúa.

Ðọc Phúc Âm, tôi gặp thấy một cách nói hay được dùng, khi thuật lại việc phục vụ của thánh Giuse, để vâng phục ý Chúa. Cách nói đó là sẵn sàng và mau lẹ.

Ngài sẵn sàng đón Maria về nhà mình (Mt 1, 24). Ngài mau lẹ đang đêm, đưa Hài Nhi và Mẹ Ngài trốn sang Ai Cập (Mt 2, 14). Ngài liền vội vã chỗi dậy đem Hài Nhi và Mẹ Ngài về đất Israel (Mt 2, 21).

Những thái độ đó, được sự thinh lặng đào tạo, chứng tỏ thánh Giuse có một tâm hồn rất tự do. Không phải tự do đối với của cải và ý riêng, mà là tự do cho Chúa và cho những việc Chúa muốn.

Tôi có cảm tưởng là Chúa đôi khi cũng muốn bản thân tôi và những người thuộc về Ngài, phải bắt chước thánh Giuse xưa, có lúc phải vào sa mạc mà tế lễ Chúa. Tế lễ trong sa mạc là tế lễ trong tình trạng rất thiếu thốn: Không có nhà thờ, bàn thờ, đồ thờ. Không có những trang trọng vật chất. Không có cả những nhân đức cần có. Chỉ còn tập trung vào một mình Chúa đầy tình yêu thương xót. Chỉ còn chính bản thân mình là của lễ mà thôi. Thiếu tất cả, nhưng được tất cả. Chỉ còn thinh lặng tôn thờ và vâng phục với lửa thiêng của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mình như tia hy vọng. Sẽ rất nghèo, nhưng cũng rất vui mừng. Vì thấy mình được thông công vào việc Chúa cứu độ.

3. Sau cùng, tôi thấy thinh lặng của thánh Giuse là rất tích cực trong sự hiện diện phong phú của Ngài giữa đời.

Kinh nghiệm cho thấy: Nhiều khi sự hiện diện thinh lặng vẫn có sức gây được cảm tưởng tốt về Tin Mừng, hơn một sự hiện diện nhiều lời. Nhất là khi sự hiện diện đó có Chúa ở cùng. Tôi có cảm tưởng là thời nay tại Việt Nam này, dân chúng vẫn trân trọng và khát khao những người, tuy không nói, nhưng toả ra được ánh sáng tâm linh, lửa thiêng tâm hồn, hương thơm từ những giá trị nội tâm. Họ thinh lặng nhưng có chiều sâu tâm hồn, biết phân định, biết phấn đấu, biết sắp xếp, biết thanh luyện, biết ý tứ, biết tế nhị.

Ðiều đó không có nghĩa là thinh lặng luôn luôn có giá trị hơn nói. Tôi thiết nghĩ chọn thinh lặng hay chọn nói là một chọn lựa tuỳ ơn gọi. Các ơn gọi và các ơn thánh rất khác nhau. Con đường tốt hơn ta nên chọn là con đường mà sứ vụ Chúa trao cho ta, con đường mà hoàn cảnh chỉ cho ta, con đường mà ta thấy thích hợp cho tính tình và khả năng của ta, con đường mà ta cho rằng có thể thực hiện tốt hơn việc mến Chúa yêu người trong những hoàn cảnh cụ thể, đúng với yêu cầu của thời điểm.

Riêng tôi, trong năm Mân Côi này, tôi xin thánh Giuse cho tôi và mọi người chúng ta

  • biết thinh lặng hơn để nghe ý Chúa,
  • biết thinh lặng hơn để suy niệm các mầu nhiệm Mân Côi,
  • biết thinh lặng hơn để đón nhận ơn cứu độ,
  • biết thinh lặng hơn để cộng tác vào chương trình cứu độ,
  • biết thinh lặng hơn để khám phá ra những kỳ diệu Chúa Thánh Thần đang làm trong các linh hồn,
  • biết thinh lặng hơn, để đón nhận những bất ngờ Chúa gởi đến với đức tin sáng suốt.

Hình như nhiều linh hồn đang được ơn ấy. Họ là những người đơn sơ tỉnh thức và thinh lặng như thánh Giuse. Họ đang thinh lặng gieo rắc hạt giống Tin Mừng giữa xã hội Việt Nam hôm nay.

GM J.B. Bùi Tuần

Saturday, March 8, 2014

Giáo Dục Con Cái Trong Gia Đình Tín Hữu

1.LỜI CHÚA: Thánh Phao-lô dạy về việc giáo dục con cái như sau: "Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái phẫn nộ, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy" (Ep 6,4).

2.CÂU CHUYỆN: CHA BẮT CON TRAI 11 TUỔI ĂN PHÂN NGƯỜI

Trang mạng điện tử VnMedia đã ghi nhận câu chuyện một người cha giáo dục con cách độc ác như sau:

Mất mẹ khi mới 6 tuổi, Thuận bị bố bỏ rơi và được bà nội đón về chăm sóc. Bất ngờ, người bố lấy vợ ba rồi đòi quyền nuôi con. Sống cùng bố và dì ghẻ, bé trai 11 tuổi thường xuyên bị đánh bằng dây điện và bị bắt ăn… phân người. Tại nhà của bà Nguyễn Thị Dụn (61 tuổi, ở đội 2, thôn Minh Kha, xã Đồng Thái, An Dương, Hải Phòng), cháu Bùi Xuân Thuận (11 tuổi, hiện là học sinh lớp 5A Trường Tiểu học Đồng Thái) cho biết, cháu thường xuyên bị cha đẻ là Bùi Xuân Phong (33 tuổi) đánh đập dã man nhiều lần.

Theo trình bày của bé Thuận, vào ngày 6/10, Thuận lấy điện thoại của người chú để chơi điện tử. Đang chơi thì bất ngờ Phong trở về. Bé Thuận sợ quá nên không dám để điện thoại vào chỗ cũ mà vứt ở ngoài hiên nhà. Một lát sau, người chú tìm điện thoại và hỏi Thuận xem có lấy không, bé Thuận nói dối là không lấy. Khi tìm được chiếc điện thoại ở ngoài hiên, biết là do bé Thuận để ở đó, Phong đã nổi trận lôi đình đánh con. Người bố tàn ác đã bắt bé Thuận cởi trần truồng rồi dùng dây điện có lõi bằng đồng, chập hai, chập ba làm hung khí thẳng tay quật vào người con. Khắp người cháu bé chi chit những vết bầm tím, sưng tấy. Đến thời điểm bé Thuận được công an xã và bà nội đưa đi khám tại Bệnh viện đa khoa huyện An Dương thì vết thương đã trải qua 5 ngày, nhưng mức độ nghiêm trọng vẫn hằn sâu trên da thịt đứa trẻ. Theo kết quả khám thương, bé Thuận bị nhiều vết bầm tím tại cánh tay, cẳng tay, lưng và hai mông. Cậu bé đau đớn kể: "Cháu thường bị bố đánh bằng dây điện, có lần bị đánh bằng cây que. Bố đánh vào người, vào đầu…". Lần khám thương này, Thuận mới chỉ được khám ngoài da, còn vùng đầu chưa được giám định. Bé Thuận kể lại rằng, có lần, khi Thuận đi chơi về thì bố và dì đang ngồi ăn cơm. Khi bố gọi vào ăn, Thuận trả lời đã ăn rồi thì bất ngờ Phong lại nổi cáu vì cho rằng Thuận nói dối. Lần đó, người bố mất nhân tính đã đánh đập Thuận rồi nhốt vào hố xí sau nhà. Chưa dừng lại ở đó, Phong còn sai đứa con thứ hai (em trai ruột của Thuận, 5 tuổi – PV) cầm bát sứ ăn cơm ra sau nhà xúc một bát phân người vào bắt Thuận ăn. Thấy Phong quá độc ác, một người hàng xóm đã ra sức can ngăn nên Phong đã thôi, không bắt bé Thuận ăn bát phân ấy. Khi công an xã hỏi về chi tiết này, Phong cho rằng y chỉ... dọa.

3.SUY NIỆM:

Chúng ta thường được giáo dục để trở nên những đứa con tốt trong gia đình, nhưng rất ít khi chúng ta được giáo dục để trở nên những cha mẹ tốt. Ở trường học, chúng ta học rất nhiều môn, nhưng không môn nào dạy ta nghệ thuật làm cha mẹ, nghệ thuật mà ta phải áp dụng suốt cả cuộc đời kể từ khi có con, đồng thời cũng là một nghệ thuật hết sức quan trọng cho hạnh phúc của ta cũng như cho tương lai của con cái. Vì thế, đa số nhân loại khi lên làm cha mẹ đã không biết phải đóng vai trò đó như thế nào cho đúng. Thường thì chỉ khi làm cha mẹ chúng ta mới bắt đầu học nghệ thuật ấy, học theo kiểu "nghề dạy nghề", tự mò mẫm học, phải tự suy nghĩ để tìm ra phương pháp. Cũng có những sách nói về nghệ thuật này, nhưng không nhiều.

1. Đừng quá kỳ vọng vào con cái:

Con người không ai hòan hảo: "Nhân vô thập tòan", nên cha mẹ đừng đòi con cái phải tốt lành hoàn hảo làm hài lòng ta hoàn toàn. Vì khi nghĩ lại chính chúng ta cũng thấy mình bất tòan và không làm cho cha mẹ ta hài lòng. Dù vậy ta cũng nên đòi hỏi con cái thế nào để chúng cố gắng hơn. Cần biết khen ngợi khi thấy con có sự tiến bộ.

2. Hãy chấp nhận giới hạn của chúng:

Do ai cũng có giới hạn, mà dù có cố gắng đến đâu cũng khó lòng vượt qua. Điều quan trọng là đặt ra mục tiêu phù hợp với khả năng của con cái để động viên chúng thực hiện. Thông thường, cha mẹ hay đòi hỏi con mình phải thế này thế kia… Nhưng trong nhiều trường hợp, những kỳ vọng đó lại vượt quá khả năng của chúng. Ta không nên lấy mình làm khuôn mẫu cho con cái. Điều đó có thể làm cho chúng mang mặc cảm tự ti và bị nhụt chí khi. Hãy chấp nhận mức độ cao nhất mà chúng có thể đạt được. Cần đặt mình vào hòan cảnh của con để đánh giá sự việc cách chính xác.

3. Hãy dành thì giờ đối thoại với con:

Nên bỏ ra mỗi ngày ít nhất 15-20 phút tiếp xúc trò chuyện với con để tìm hiểu chúng thường là trong các bữa ăn. Nên khuyến khích chúng nói ra những điều chúng nghĩ và lắng nghe. Phải phản ứng kịp thời qua sự tán thành hay khen ngợi những gì chúng nói… Phải tập nói chuyện với chúng như bạn bè, nhất là khi chúng được 10 tuổi trở lên. Đừng để chúng trở thành hư hỏng lúc nào mà ta không biết.

4. Hãy tạo mối quan hệ thân mật với con cái:

Con cái ta cần được cha mẹ yêu thương, khuyến khích và hỗ trợ để phát triển. Do đó, cha mẹ cần liệu sao để chúng cảm nhận được tình thương của mình. Cần biểu lộ tình cảm của ta ra bên ngoài, qua ánh mắt, qua những cử chỉ âu yếm, những lời nói ngọt ngào, những hy sinh cụ thể của ta. Càng nhỏ, chúng càng nhạy cảm với tình thương của cha mẹ. Chúng cần tình thương để lớn lên và phát triển giống như cần thức ăn nước uống. Đừng chỉ yêu thương con bằng khối óc dù rằng rất cần, mà còn phải yêu chúng bằng con tim nữa.

5. Cần tạo cho con cái tin tưởng vào cha mẹ:

Trẻ mong tìm được những bảo đảm yêu thương từ nơi cha mẹ, nên ta phải trở nên chỗ dựa vững chắc cho chúng về mọi mặt. Phải sống làm sao để chúng cảm thấy an tâm. Mọi lời ta nói phải đúng để chúng tin tưởng, mọi việc ta làm phải tốt để chúng noi theo. Phải làm sao để chúng tin vào tình yêu, sự thành thật, khả năng hy sinh và sự cao thượng của cha mẹ.

6. Hãy luôn đồng hành với con cái:

Tuy nhiên, ta không nên tự thần tượng hóa mình trước mặt con cái. Tới một lúc nào đó, ta phải cho chúng thấy rằng chính ta cũng là người bất toàn đang phải nỗ lực tiến tới hoàn thiện. Ta chỉ là người đi trước và có trách nhiệm dẫn dắt chúng trong những bước đầu đời của chúng, đưa chúng đi vào đời sống nhân bản, và sau này, chính ta cũng cần sẵn sàng nhận lại sự nâng đỡ của con cái. Cần phải khiêm tốn nhận những khuyết điểm của mình. Cha mẹ nên trở thành bạn đồng hành của con cái và sẵn sàng nhận sự góp ý xây dựng của chúng.

7. Cần tôn trọng phẩm giá của con cái:

Đừng cấm đoán con cái những gì vô hại chỉ vì không hợp với sở thích của mình. Nên tôn trọng giờ học, giờ ngủ và giờ chơi của con cái. Nếu cần sửa phạt thì thì nên sửa phạt đúng mức, hợp lý và tránh sự quá đáng như mắng con bằng những lời thậm tệ, xúc phạm tới phẩm giá hoặc làm tổn thương tự ái của chúng. Đừng bêu xấu con trước mặt trẻ khác. Nếu được cha mẹ tôn trọng thì con cái mới biết tự trọng và sẽ có sự tự tin hơn.

8. Hãy tập cho con "đứng trên chính đôi chân của mình":

Khi còn nhỏ, con cái lệ thuộc cha mẹ về mọi mặt. Lúc đó, ta phải bắt chúng vâng lời, làm theo ý ta để phát triển đúng hướng. Nhưng ta phải giáo dục thế nào để chúng từng bước trưởng thành, có khả năng tự do và tự lập về mọi mặt. Đừng bắt chúng phải lệ thuộc và phải luôn làm theo ý ta. Cần phải biến con cái thành những người bạn ngang hàng với mình, liệu sao cho chúng có đủ điều kiện phát triển và ngày một trưởng thành hơn.

9. Hãy từng bước trao trách nhiệm cho con cái:

Phải tập cho con cái tinh thần trách nhiệm ngay từ khi chúng còn nhỏ bằng cách trao cho chúng những việc làm giúp đỡ cha mẹ từ dễ đến khó trong gia đình. Phải tập cho con cái dần dần quán xuyến được mọi việc trong nhà. Và khi chúng được 20 - 25 tuổi, phải tập cho chúng làm những việc người lớn như: làm ăn, giao thiệp, điều hành công việc,… Cần tập cho chúng làm hầu hết những công việc của cha mẹ, thậm chí có thể thay thế cha mẹ khi cần. Nên sớm giao trọng trách cho con cái đang khi chúng ta còn đứng đàng sau để hướng dẫn trợ giúp. Đừng để tới lúc ta không còn làm được gì nữa mới trao trách nhiệm cho con thì đã muộn, chúng có thể mắc phải sai lầm mà ta đành chịu bất lực vì không thể giúp gì được cho chúng.

10. Về việc giáo dục đức tin cho con cái:
Các cha mẹ Công Giáo cần ý thức trách nhiệm truyền đạt đức tin cho con cái ngay từ khi chúng còn nhỏ. Như một người trồng cây cảnh, muốn có cây cảnh có giá trị nghệ thuật, mang hình hươu nai hay chim phượng đẹp mắt… Ngoài việc chọn giống cây thích hợp và áp dụng kỹ thuật tưới bón theo từng loại cây, còn phải quan tâm định hình cho cây ngay từ khi cây mới ra cành non. Tránh để khi cây đã phát triển mới uốn thì đã muộn. Cũng vậy, cha mẹ tín hữu phải giáo dục đưc tin cho con cái ngay từ trong trứng nước, như có người nói: "Phải giáo dục đứa con ngay từ trước khi nó sinh ra 20 năm", nghĩa là phải giáo dục chính cha mẹ của nó. Từ cái khuôn đạo đức của cha mẹ mà đứa con sẽ được định hình phù hợp với đức tin truyền thống gia đình. Giáo dục đức tin không chỉ dừng lại ở các việc đạo đức như đọc kinh lần hạt, lập bàn thờ, treo tranh ảnh đạo, dự lễ tại nhà thờ, theo học các lớp giáo lý theo lứa tuổi… mà còn phải dạy con học sống lời Chúa, tuân giữ đặc biệt giới răn yêu thương qua thái độ luôn nghĩ đến người khác, qua cách ứng xử tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đinh. Cha mẹ biết dùng lời Chúa mà dạy dỗ con, nêu gương cầu nguyện tự phát phù hợp với hoàn cảnh trong các giờ kinh tối gia đình hay vào các ngày giỗ tết trong năm…

Kết luận:
Thế hệ con cái chúng ta có đức tin, đức hạnh và tài năng hay không phần lớn tùy thuộc vào sự giáo dục nhận được từ cha mẹ ngay từ nhỏ. Vì thế, các bậc cha mẹ cần phải biết cách giáo dục con cái cách khôn ngoan, phù hợp với khoa tâm lý giáo dục. Đừng phó mặc nhiệm vụ quan trọng này cho may rủi. Cũng đừng làm cách tùy tiện được chăng hay chớ.

4. THẢO LUẬN:
1) Bạn có đồng ý với các lời khuyên về việc giáo dục con cái nêu trên hay không ? Tại sao ?
2) Theo bạn, điều nào trong 10 lời khuyên nói trên là quan trọng nhất : Tại sao ?
3) Đọc đoạn Tin Mừng đầu bài và dâng lời cầu nguyện cho mình chu toàn bổn phận làm cha mẹ đối với con cái.

5.LỜI NGUYỆN:

Lạy Thiên Chúa Cha từ bi nhân ái. Xin cho các bậc cha mẹ chúng con biết noi gương Cha để yêu thương dạy dỗ con cái chúng con. Xin cho chúng con biết cách dạy dỗ con bằng tình yêu thương và bằng việc nêu gương sáng cho chúng. Xin cho chúng con biết xây dựng một thể chế gia đình nề nếp gia phong, trên thuận dưới hòa theo truyền thống đức tin Công Giáo, để gia đình chúng con trở nên thiên đàng ngay từ trần gian hôm nay và chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời cho các gia đình chưa nhận biết Chúa,- AMEN.

LM ĐAN VINH - HHTM

Sunday, March 2, 2014

Thời Tôn Thờ Con Bò Vàng

Alphonse Marie Trần Bình An
Chia sẻ Tin Mừng Chúa nhật 8 Thường niên, Năm A


Thời Tôn Thờ Con Bò Bàng


Sau khi động đất tại Nhật Bản hồi tháng 3, 2011 vừa qua đi, lực lượng cứu hộ bắt đầu các hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Và khi họ tiếp cận đống đổ nát từ ngôi nhà của một phụ nữ trẻ, họ thấy thi thể của cô qua các vết nứt. Nhưng tư thế của cô có gì đó rất lạ, tựa như một người đang quỳ gối cầu nguyện; cơ thể nghiêng về phía trước, và hai tay cô đang đỡ lấy một vật gì đó. Ngôi nhà sập lên lưng và đầu cô.

Đội trưởng đội cứu hộ đã gặp rất nhiều khó khăn khi anh luồn tay mình qua một khe hẹp trên tường để với tới thi thể nạn nhân. Anh hy vọng rằng, người phụ nữ này có thể vẫn còn sống. Thế nhưng cơ thể lạnh và cứng đờ cho thấy cô đã chết.

Cả đội rời đi và tiếp tục cuộc tìm kiếm ở tòa nhà đổ sập bên cạnh. Không hiểu sao, viên đội trưởng cảm thấy như bị một lực hút kéo trở lại ngôi nhà của người phụ nữ. Một lần nữa, anh quỳ xuống và luồn tay qua khe hẹp để tìm kiếm ở khoảng không nhỏ bên dưới xác chết. Bỗng nhiên, anh hét lên sung sướng: "Một đứa bé! Có một đứa bé!".

Cả đội đã cùng nhau làm việc; họ cẩn thận dỡ bỏ những cái cọc trong đống đổ nát xung quanh người phụ nữ. Có một cậu bé 3 tháng tuổi được bọc trong một chiếc chăn hoa bên dưới thi thể của người mẹ. Rõ ràng, người phụ nữ đã hy sinh để cứu con mình. Khi ngôi nhà sập, cô đã lấy thân mình làm tấm chắn bảo vệ con trai. Cậu bé vẫn đang ngủ một cách yên bình khi đội cứu hộ nhấc em lên.

Bác sĩ đã nhanh chóng kiểm tra sức khỏe của cậu bé. Sau khi mở tấm chăn, ông nhìn thấy một điện thoại di động bên trong. Có một tin nhắn trên màn hình, viết: "Nếu con có thể sống sót, con phải nhớ rằng mẹ rất yêu con". Chiếc điện thoại di động đã được truyền từ tay người này sang tay người khác. Tất cả những ai đã đọc mẩu tin đều không ngăn nổi dòng nước mắt.

Tình mẫu tử một lần nữa lại sáng chói trên bầu trời ảm đạm thế thái nhân tình. Tình mẹ phản ảnh phần nào lòng thương yêu vô vàn của Thiên Chúa với con người, như tiên tri Isaia đã khéo ví von: "Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau?  Cho dù nó có quên đi nữa thì Ta, Ta sẽ cũng chẳng quên ngươi bao giờ." (Is 49, 15)

Con bò vàng

Hầu hết các Cty, xí nghiệp và nhà người ngoài Kitô giáo, đều có bàn thờ Thần Tài, Ông Địa ở ngay phòng khách. Theo truyền thuyết, Thần Tài chính là Triệu Công Minh, người đời nhà Tần. Ông lánh đời đi tu tại núi Chung Nam. Về sau đắc đạo, ông được phong làm Chính Nhất Huyền Đàn Nguyên Soái, coi việc đuổi trừ ôn dịch, cứu bệnh trừ tà. Hơn nữa, ai bị oan ức đến cầu cứu ông thì được giúp đỡ. Người buôn bán thì cúng cầu ông để được phát đạt may mắn.

Hiện tượng thờ bái vật không chỉ thờ Thần Tài, mà còn thờ tất cả những gì họ cho là có thể đem lại danh lợi, thỏa mãn thị hiếu, cũng như tham vọng. Đó chính là hình thái thờ con bò vàng trong Cựu Ước (Xh 32, 1-35)

Con bò vàng hôm nay có thể là tiền bạc, của cải, chức tước, bổng lộc, quyền hành, thế lực. Con bò vàng còn là những phương tiện vật chất, nhà cao cửa rộng, tiện nghi, nội thất sang trọng, áo quần diêm dúa thời trang, phương tiện nghe nhìn hiện đại, vật dụng cá nhân cao cấp, xe cộ xa hoa đắt tiền,… Dĩ nhiên, khi tôn thờ con bò vàng, người ta dứt khoát chối bỏ Thiên Chúa, hiện diện trong đời. Hoặc chỉ thờ lạy Chúa trên môi mép, còn lòng trí thì quy hướng, tôn sùng con bò vàng. "Dân này thờ kính ta bằng môi bằng miệng, nhưng tâm hồn chúng thì xa ta." (Mc 7, 6)

Tín thác

Khi hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa Quan Phòng, đặt hết vào Ngài lòng trông cậy, niềm hy vọng, mới có thể thoát khỏi ách nô lệ con bò vàng, thoát khỏi những đam mê vật chất, cám dỗ thực dụng, tham sân si u mê mù quáng. "Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho." (Mt 6, 33)

Tìm kiếm Nước Thiên Chúa là đón nhận những điều mà thiên hạ vẫn cho là điên dại, dở hơi hay ngu đần, lo tránh xa tựa dịch bệnh, như tinh thần nghèo khó, chịu đau khổ, hiền lành, đói khát sự công chính, biết xót thương yêu người, tâm hồn trong sạch, hòa nhã, chịu bắt bớ vì sự công chính. Tất cả đã được gói ghém đầy đủ trong Bát Phúc, Hiến Chương Nước Trời.

Tìm đức công chính của Thiên Chúa là tuân theo, vâng phục Thánh Ý Chúa, trọn vẹn bổn phận, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Tu thân, tích đức cho cuộc đời sau viên mãn.

Tóm lại, "Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ." (Mt 6, 24). Đức Giêsu không chấp nhận sự chọn lựa cố tình nhập nhằng giữa Thiên Chúa hằng hữu và thế gian phù phiếm hư ảo.  "Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta." (Kh 3, 16).

"Theo Thầy bấy lâu nay, con có thiếu gì không?"- "Thưa Thầy không." Con bỏ tất cả, nhưng theo Chúa Quan Phòng, con còn lo gì? (Đường Hy Vọng, số 70)

Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con đường ngay nẻo chính để được hạnh phúc bên Chúa. Nhưng chúng con còn nặng lòng với thế gian, còn nuối tiếc củ hành, củ tỏi như dân Do Thái xưa nuối tiếc kiếp nô lệ Ai Cập. Xin Chúa ban cho chúng con ơn sủng ăn năn, sám hối, cũng như sáng suốt và sức mạnh chiến thắng bản thân, thế gian và ma quỷ, để trở thành chiên ngoan của Chúa.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng con biết sống khiêm nhường, khó nghèo và trung thành vâng theo Thánh Ý Chúa trọn đời. Amen.

Alphonse Marie Trần Bình An