VietCatholic News (24 Mar 2009 06:20)
Cha An Mai vừa có một bài với cái tựa khá lạ là "Bẩy Mươi Chưa Gọi Là Lành!". Đọc miết thì hình như cha muốn nói lành đây là lành lặn. Bẩy mươi vẫn sứt mẻ như thường. Nhân vật được cha nhắc đến quả có nhận mình như vậy, coi đó là một vết thương, một cái ngã, và là một cái ngã khá đau, bởi bẩy mươi mà ngã, thì thịt đâu để đỡ cho khỏi đau cho được.
Tuy nhiên, có cái ngã đau mà cũng có những cái ngã chẳng đau chút nào, hay đúng ra, chẳng ngã chút nào, ít nhất cũng từ phía sau nhìn lại. Đó là cảm nghiệm thật thích thú trong hai ngày ngắn ngủi tôi được diễm phúc trở lại thăm mái trường Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Đà Lạt, nhân dịp một số học trò cũ tự động hô hào nhau tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày khai giảng lớp học đầu tiên của Học Viện.
Lớp đầu tiên ấy chính là lớp của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, hiện là giám mục giáo phận Đà Lạt kiêm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Không những thuộc lớp đầu tiên, Đức Cha Nhơn còn là người học trò đầu tiên của Học Viện được tấn phong giám mục và sau ngài, là 11 anh em cựu học viên khác cùng chen vai xát cánh với ngài chia sẻ trách nhiệm dìu dắt Giáo Hội Việt Nam. Điểm đáng nói nữa là ngài làm giám mục Giáo Phận Đà Lạt, nơi tọa lạc Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X. Ngần ấy "lý lẽ" khiến nhiều anh em cựu học viên đặt nhiều kỳ vọng vào ngài trong việc kết tình anh em cùng trường. Nhưng suốt mấy chục năm qua, kể từ ngày trường bị bức tử đóng cửa vào cuối thập niên 1970, anh em chưa có dịp nào được "tung cánh chim tìm về tổ ấm", dù phần lớn những chiếc cánh ấy giờ đây đã bắt đầu cụp xuống từ lâu rồi. Điều nghịch thường càng nghịch thường thêm khi Đức Cha Nhơn dành Tòa Giám Mục của ngài cho anh em cựu chủng sinh Đại Chủng Viện Xuân Bích họp mặt hàng năm với số tham dự viên lên đến hơn trăm người. Các cuộc họp mặt ấy đến nay đã là lần thứ 16. Anh em cựu học viên Piô X chưa được một hân hạnh nào cùng tầm cỡ.
"Ấm ức" trên đã được chính Đức Cha Nhơn "giải tỏa" phần nào nhân cuộc gặp mặt của anh em cựu học viên Piô X khắp năm châu tại Tòa Giám Mục Đà Lạt, đầu tháng Mười Hai năm ngoái, để gọi là "Kỷ Niệm 50 Năm Giáo Hoàng Học Viện Piô X" mà thực ra chỉ là để gặp nhau, ôm vai, bá cổ, chuyện trò bằng thích. Ngài cho biết: tính không nói, nhưng với tuổi 70, hình như không nói thì sợ quá trễ chăng, nên hôm nay phải nói: "Tôi sinh ra, lo cho người thì được, mà lo cho mình thì không". Ý ngài muốn bảo: lo cho anh em Xuân Bích, người anh em không ruột thịt, thì được, chứ lo cho anh em Giáo Hoàng Học Viện, người anh em ruột thịt, thì ngại lắm! Nhưng ngại thì ngại, không lo cho anh em ruột thịt lần này là không xong: tuổi bẩy mươi của bản thân mình một đàng, 50 năm kỷ niệm dễ gì mà có! Bởi thế, theo lời Đức Cha Nhơn, dù chỉ một mình Đức Cha Vĩnh Long (Đức Cha Nguyễn Văn Tân) tới tham dự, ngài cũng tổ chức họp mặt.
Thực ra, chúng tôi vẫn tin là đàng sau lý do bản thân ấy, còn nhiều lý do sâu xa hơn khiến việc tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày khai giảng niên khóa đầu tiên của Giáo Hoàng Học Viện Piô X "ì ạch" mãi mới thành hình. Và thành hình một cách không phải ai ai cũng hài lòng. Thực vậy, mấy hôm sau khi cuộc vui đã tàn, có nguồn tin phê phán "ban tổ chức" đã quên không mời vị này, vị nọ, dù các vị đó có công với Học Viện, nhất là sau năm 1975, lúc các cha Dòng Tên bị bó buộc phải rời Học Viện và sau đó rời Việt Nam, theo lệnh nhà cầm quyền lúc ấy, khiến Học Viện rơi vào tình trạng thật bơ vơ như đứa trẻ bị mang bỏ chợ. Chính trong cảnh bơ vơ ấy, theo lời kêu gọi của Đức Cha Nguyễn Sơn Lâm, một số các cha thuộc các Dòng và tu hội khác đã tới điều khiển và giảng dạy tại Giáo Hoàng Học Viện cho đến lúc nó bị bức tử vào năm 1977. Không một vị nào trong số các vị này được "mời" tham dự.
Phê phán như thế quả là không sai, nhưng có điều gọi là tổ chức chỉ là gọi theo thói quen, chứ thực ra không hề có một ban tổ chức và cũng không hề có một nghị trình hay chương trình hay nghi lễ hay nghi thức kỷ niệm chính thức nào. Và do đó, không hề có lời mời nào đối với bất cứ ai, ai nghe "chúng bạn" báo tin mà về thì cứ về. Hai vị cựu giáo sư Dòng Tên của trường cũng đã tham dự với tư cách "tự động mà đến" như cha Filipe Gomez (lúc ấy đang có mặt sẵn tại Việt Nam) hay được một trong các học trò cũ mời về như cha Paul Deslierres, 86 tuổi, (được Đức Cha Kontum, M. Hoàng Đức Oanh, mời về từ Montréal, dĩ nhiên bằng miệng).
Nói như thế chỉ để nhấn mạnh tính cách tư riêng của cuộc họp mặt lần này, hòan toàn do các cựu học viên đứng ra tổ chức dành cho các cựu học viên. Điều ấy phản ảnh một thực tại: Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X nay chỉ còn lại trong hoài niệm của các học trò thân yêu. Cái lớp học trò ấy nay đã đồng loạt bước qua ngưỡng cửa 50 năm cuộc đời. Nhiều người đã không còn trên dương gian để trở lại Đà Lạt, đứng đàng xa, mà ngả mũ chào Bà Mẹ (Alma Mater) thân yêu ngày nào, nay chỉ còn lại hình hài méo mó dưới chân đồi cạnh Hồ Xuân Hương và Sân Cù ngày cũ.
Cho nên nói là "tổ ấm" chỉ là nói theo sáo ngữ, chứ cái tổ ấm ấy hiện vẫn còn nằm ngoài vòng tay các học trò ngày xưa. Họ đành gặp nhau tại Tòa Giám Mục Đà Lạt, cách đó không xa. Tuy nhiên, không vì thế mà cuộc vui kém vui, gặp nhau họ tha hồ "ôm vai, bá cổ, chuyện trò bằng thích". Dù vẫn có những bài nói chính thức, nhưng phần lớn cử tọa thuộc loại chuyên viên nói như thế từ xưa đến nay rồi, nên họ chỉ còn chú ý đến những phần nào nhắc lại chuyện xưa, để cười bằng thích, quên cả tuổi tác, quên cả những người ngồi bên cạnh chả hiểu lý do tại sao mình lại cười. Thực vậy, trong số các cử tọa, có cả vợ con, thậm chí, cháu chắt của các cựu học viên cùng tham dự. Họ là một gia đình.
Cũng như mọi gia đình khác, cái gia đình của 50 năm nay, một gia đình có tới 500 thành viên này, không khỏi không nhắc đến các thành phần cấu tạo ra mình và cũng như mọi đại gia đình khác, đôi khi người ta quên người này người nọ.
Bản thân tôi đã được gặp một thành phần bị quên ấy, nhưng anh ta không buồn, anh ta rất vui bởi tên anh ta là Vui. Vâng đúng, anh ta là anh Vui. Theo cung cách nói chuyện của anh, tôi thấy anh rất vui, vui thật. Chả lẽ tên làm sao người làm vậy? Anh tự động đến bên tôi để nói về phong trào "Gia Đình Cùng Theo Chúa", một phong trào lần đầu tiên tôi nghe tới, tưởng chỉ là một phong trào địa phương. Sau mới biết đó là một Phong Trào đã được Hội Đồng Giáo Hoàng đặc trách Giáo Dân chính thức nhìn nhận vào năm 2000 là một hiệp hội giáo dân trong Giáo Hội theo Giáo Luật. Điều ấy không quan trọng, nghe và nhìn cách trình bày của anh Vui, tôi thấy anh hoàn toàn dấn thân vào phong trào này, say sưa với việc điều hợp công tác tông đồ của nhóm. Anh làm tôi khâm phục anh. Nhưng điều còn làm tôi khâm phục anh hơn nữa, là khi anh bảo tôi: anh là một cựu linh mục. Tôi không hỏi anh cớ sự tại sao anh trở thành cựu linh mục và cảm tưởng của anh lúc bắt đầu sống cuộc sống cựu linh mục ấy cũng như lúc này ra sao. Tất cả những câu hỏi ấy đều thừa, vì anh rất vui, rất cởi mở, rất chân thành, rất dấn thân và rất… giống như tôi, một người đã rời bỏ con đường tu trì cách nay 42 năm.
Nói rằng anh rất giống như tôi là rất giống như tôi lúc này thôi. Chứ vào năm 1966, lúc tôi rời Giáo Hoàng Học Viện Piô X để vào lại "thế gian", tôi đã tìm đến những nơi càng có ít người biết đến mình càng tốt, nhất là những người thuộc họ đương, thân quen cũ từng "ngưỡng phục thầy An". Phải một thời gian dài, tôi mới "đi đứng" bình thường và nối lại mọi liên hệ "đường xưa lối cũ". Việc nối lại ấy quả không dễ, một phần vì do tính tình của tôi đã đành mà một phần nữa cũng do môi trường bên ngoài, một môi trường vốn không khoan dung bao nhiêu đối với những người "ăn cơm nhà Đức Chúa Trời" mà nửa đường bỏ cuộc, huống hồ là đối với những người đã "đủ bẩy chức thánh" mà còn bỏ áo dòng "đèo bòng" đi lấy vợ.
Thái độ bất khoan dung đó có nhiều điểm tích cực. Trước nhất, nó biểu lộ lòng trân qúi cao độ đối với ơn gọi đi tu làm linh mục. Thứ hai, nó là một khích lệ hết sức mạnh mẽ thúc đẩy những ai đang nao núng hãy kiên nhẫn và cương quyết tiếp tục tiến lên. Nhờ thế mà hàng ngũ linh mục của Giáo Hội Việt Nam luôn luôn đông đúc. Nhưng đồng thời, nó cũng đem lại nhiều điểm không tích cực chút nào. Rất nhiều trường hợp, nói như Cha An Mai, đã "ngã" rồi mà vẫn tiếp tục sống như mình chưa "ngã", vẫn che đậy cái ngã tiếp tục của mình, hết ngày này, qua ngày khác, hết năm này qua năm khác. Tôi không nghĩ những người như thế thực sự muốn lừa đảo, muốn lợi dụng tư cách linh mục của mình để làm bậy, để phục vụ tư dục của mình. Tôi tin rằng khi làm vậy, những người ấy hết sức đau khổ, rất muốn giải quyết tình trạng mập mờ của mình, mà không sao giải quyết được. Chẳng qua là vì thái độ bất khoan dung nơi phần đông giáo dân Công Giáo nói chung kia. Thái độ này có thật. Một người cùng lớp với tôi hiện đang sống tại Hoa Kỳ, đến ngày mẹ chết, cũng không dám đến gặp mẹ, vì bà thề là sẽ không bao giờ gặp mặt "hắn" dẫu là lúc "sinh thì". Chỉ vì "hắn" đã dám ngang nhiên "bỏ chức thánh" mà đi cưới vợ. Người bạn tôi, nếu không can đảm đủ, chắc đã không vượt qua được bức tường lửa đó, mà đành lặng câm tiếp tục "ngã" trong thừa tác vụ linh mục của mình. Tôi không rõ trong trường hợp này nên oán trách ai và không nên oán trách ai.
Thái độ bất khoan dung ấy thường còn gián tiếp hay trực tiếp gây nên những biến đổi tư tưởng, tư duy có hại cho đức tin của đương sự. Nói đâu xa, một người như cựu linh mục Lê Tôn Nghiêm, giáo sư siêu hình học của tôi tại Đại Học Văn Khoa năm nào, trước khi cởi áo dòng ra lấy vợ, cũng đã rơi vào cơn khủng hoảng đức tin một cách rõ rệt. Trong khi trình bày giảng khóa "Đi Tìm Căn Cơ Siêu Hình", ông không bỏ lỡ cơ hội tấn công những mầu nhiệm như Thánh Thể trong Đạo, điều được ông gay gắt cho rằng chỉ là một biểu tượng không hơn không kém. Nhiều người đồng khóa với tôi ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn nói đùa: hình như thầy Nghiêm, sau khi tìm được "căn cơ siêu hình" với một nữ phật tử, đã không còn những lời gay gắt ấy nữa. Một điều đầy kính phục đối với thầy Nghiêm là ông đã công khai tuyên bố trước khi cởi áo dòng. Chỉ tiếc lý do ông nêu ra theo thiển nghĩ không chắc đã phản ánh thực tại trong ông: khủng hoảng về niềm tin. Tôi nghĩ đó chỉ là một cách để vượt thoát cái gọng kìm bất khoan dung kia nơi một nhà trí thức.
Thái độ bất khoan dung ấy còn gây thiệt thòi cho Giáo Hội nữa. Cựu linh mục Trần Thái Đỉnh là một luật trừ. Anh Vui là luật trừ thứ hai. Chính vì thế, khi nghe anh Vui "thú thực" mình là một cựu linh mục, tôi đã mang trường hợp của cựu linh mục Trần Thái Đỉnh ra để cùng một lúc ca tụng cả hai con người này. Họ vẫn tiếp tục sử dụng những vốn liếng của cả một đời tu luyện, nghiên cứu, học hỏi để phục vụ anh chị em mình trong cộng đồng Giáo Hội. Hiếm thấy những đóng góp nào có giá trị như những đóng góp của cựu linh mục Trần Thái Đỉnh cho Giáo Hội Việt Nam trong những ngày ông đã ra "phần đời". Anh Vui đóng góp một cách khác, và dù hiệu quả có giới hạn hơn, nhưng chắc sâu đậm không kém. Mà trong Nước Trời, số liệu nào đâu đáng kể. Một nén làm thêm nén nữa cũng đáng giá như năm nén làm thêm năm nén khác. Kant bảo: trong đạo đức học, số lượng vốn không quan trọng là thế. Nhiều người không được như anh Vui và ông Đỉnh. Họ xa lánh hoàn toàn những gì dính dáng đến Đạo. Ai nghe mà nói. Ai đọc mà viết. Thế là họ đành chôn mọi sở trường của mình, quay sang những ngành khác hẳn. Quả là một phí phạm. Không hiểu ai mới là người "làm hại nhà Đức Chúa Trời": các cựu linh mục kia hay những người nhất định bịt mắt bịt tai không nghe, không đọc họ trong những lãnh vực họ từng nghiền ngẫm, suy niệm gần cả một nửa đời người?
Hai, ba ngày cùng sinh hoạt với anh em cựu học viên Piô X Đà Lạt đã để lại nhiều ấn tượng thật đẹp trong tôi. Tôi được nghe Đức Cha Bắc Ninh đùa dỡn như "con nít" ngày nào. Ngài bảo ngài không sợ ma vì ngài vốn có cốt ma (Cosma Hoàng Văn Đạt). Ngài cũng trình bày "bẩy mối tội đầu" của Giáo Hoàng Học Viện để nhấn mạnh những cái không giống ai của lối giáo dục này: như có lần ngài cử hành thánh lễ đại trào bên một đống rơm nhà quê, chỉ vì tinh thần phục vụ, nhưng bị nhiều người chê trách là tầm thường hóa phụng vụ. Ngài xin chuyển lời chê trách ấy cho nền giáo dục của ngôi trường thân yêu ngày cũ. Tôi được chứng kiến cảnh hòa đồng của mọi phần tử trong đại gia đình Giáo Hoàng Học Viện. Tiếc rằng nhà tôi và các cháu đi theo đã có chương trình riêng từ trước, nên không cùng tôi tham dự các sinh hoạt của anh chị em, dù cũng có mặt tại Đà Lạt trong những ngày này. Nhưng khi nghe kể lại bầu không khí thân tình của những ngày họp mặt, họ thẩy đều tỏ ra tiếc rẻ. Trong bầu không khí ấy, không hề có kì thị phân biệt. Anh Vui cũng vui đầy đủ như Đức Cha Nhơn. Mà chị Vui, nếu có mặt trong bầu không khí ấy, cũng vui đầy đủ như Đức Cha Chương của Giáo Phận Hưng Hóa. Tất cả chúng tôi như trở lại trọn vẹn những ngày xưa, ngồi im lặng cung kính, vâng đúng là cung kính, lắng nghe những lời "huấn đức" của Cha Paul Deslierres, vị linh hướng của mọi cựu học viên từ năm 1958 tới năm 1975, lúc ngài buộc phải từ giã học viện, mà đến nay vẫn giữ được chiếc khăn lau bàn ghi vội mấy lời cám ơn của một người học trò. Người học trò đó chính là Đức Cha Nguyễn Chí Linh, giám mục Thanh Hóa, người đã trì chí đợi chờ 15 năm mới được thụ phong linh mục. Chúng tôi đây là bẩy giám mục, hơn một trăm linh mục (biệt danh là họ Men-ki-xê-đéc) và chừng 40 "bố đời" (biệt danh là họ Bô-na-ven-tu-ra) và gia đình… Nhưng cảm kích hơn cả phải kể từ Học Viện, đã xuất thân những con người dù ở hoàn cảnh bất cứ nào của đất nước, của xã hội, hay của chính bản thân mình, vẫn một mực dấn thân phục vụ anh chị em trong chính lãnh vực mà Học Viện đã truyền cho. Tôi nghĩ không hành vi biết ơn nào bằng hành vi biết ơn của những người như anh Vui đối với ngôi trường đã ấp ủ anh. Anh có "ngã" hay không, tôi nghĩ chỉ có anh mới biết. Phần tôi, tôi cho anh không ngã.
Vũ Văn An
No comments:
Post a Comment