Sunday, September 13, 2009

Dien van cua Duc Thanh Cha Benedict XVI



Diễn văn của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đọc trong buổi triều yết dành cho các Đức Giám mục Việt Nam ngày 27-6-2009, Vatican

Kính thưa Đức Hồng y
Anh Em trong Hàng Giám mục quý mến,

Thật là niềm vui mừng lớn lao khi tôi được tiếp đón Anh Em, các mục tử của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam. Cuộc gặp gỡ của chúng ta có một ý nghĩa đặc biệt trong những ngày này khi toàn thể Giáo Hội trọng thể mừng kính các Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, và cuộc gặp gỡ này đối với tôi là một sự nâng đỡ lớn lao vì tôi vẫn biết các mối dây liên hệ thật sâu xa trong sự trung thành và tình thương mà các tín hữu của xứ sở của Anh Em vẫn có đối với Giáo Hội và đối với Đức Thánh Cha.

Chính tại Mộ của hai Vị Tông đồ Cả mà Anh Em đến để bày tỏ sự hiệp thông của Anh Em đối với Người Kế vị thánh Phêrô và tăng cường sự hiệp nhất cần phải luôn được thể hiện giữa Anh Em và phải lớn lên thêm nữa. Tôi cám ơn Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám mục giáo phận Đà Lạt, Chủ tịch Hội đồng Giám mục của Anh Em, vì những lời thân thương mà ngài đã nói với tôi nhân danh Anh Em. Xin cho phép tôi chào thăm cách đặc biệt các giám mục được bổ nhiệm tại Việt Nam từ lần thăm viếng ad limina cuối cùng trước đây. Tôi cũng muốn tưởng nhớ ở đây Đức Hồng y đáng kính Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, Tổng Giám mục Hà Nội trong nhiều năm. Cùng với Anh Em, tôi tạ ơn Thiên Chúa vì lòng nhiệt thành mục tử mà Ngài đã thể hiện cách khiêm nhường trong tình yêu hiền phụ sâu xa đối với đoàn dân của Ngài và với tình huynh đệ lớn lao đối với các linh mục. Chớ gì gương thánh thiện, khiêm tốn, lối sống đơn sơ của các vị mục tử vĩ đại của xứ sở của Anh Em, trở nên cho Anh Em những gương khích lệ trong sứ vụ giám mục khi phục vụ dân tộc Việt Nam, dân tộc mà tôi biểu lộ lòng trân trọng sâu xa.

Anh Em trong Hàng Giám mục thân mến, Năm Linh mục vừa bắt đầu được mấy ngày qua. Năm này cho phép chúng ta làm sáng tỏ sự cao cả và vẻ đẹp của sứ vụ của các linh mục. Tôi vui mừng tỏ lòng biết ơn các linh mục giáo phận và các linh mục tu sĩ của xứ sở của Anh Em vì đã hiến dâng đời sống cho Chúa và vì những cố gắng mục vụ để mưu cầu công việc thánh hóa Dân Thiên Chúa. Anh Em hãy lo lắng cho họ, hãy bày tỏ tràn đầy lòng cảm thông và hãy giúp đỡ các linh mục để hoàn thành việc thường huấn của họ. Để trở nên người hướng đạo chính thực và theo như lòng Chúa và để theo đúng các giáo huấn của Giáo Hội, linh mục phải đào sâu đời sống nội tâm và lo hướng tới sự thánh thiện như Cha sở thánh thiện và khiêm nhường của họ Ars đã tỏ ra. Sự phát sinh dồi dào các ơn gọi linh mục và tu sĩ, nhất là trong đời sống thánh hiến của nữ giới, đó là một ơn huệ mà Chúa Kitô ban cho Giáo Hội của Anh Em. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì những đặc sủng riêng này và Anh Em đang khuyến khích nhưng vẫn tôn trọng và cổ võ.

Trong Bức Thư Mục vụ năm vừa qua, Anh Em đã biểu lộ mối quan tâm đặc biệt đối với các tín hữu giáo dân khi làm cho rõ ràng vai trò của ơn gọi của họ trong phạm vi gia đình. Thật là điều rất đáng mong ước, đó là mỗi gia đình công giáo, trong khi dạy cho con cái biết sống hòa hợp với Phúc Âm qua một lương tâm ngay thẳng, trong sự liêm chính và sự thật, thì gia đình trở nên trung tâm các giá trị và đức tính nhân bản, một trường dạy đức tin và tình yêu đối với Thiên Chúa. Còn phần họ, các giáo dân công giáo phải làm sao tỏ ra bằng đời sống của họ dựa trên đức ái, sự lương thiện, việc quý trọng công ích, vì mỗi người công giáo tốt cũng là một công dân tốt. Để được như thế Anh Em hãy chú ý cẩn thận mà tạo cho họ có được việc huấn luyện tốt trong khi cổ võ đức tin và trong mức độ văn hóa để họ có thể phục vụ hữu hiệu Giáo Hội và xã hội. Tôi muốn trao phó một cách đặc biệt cho sự lo lắng ân cần của Anh Em các người trẻ, đặc biệt là các người trẻ tại nông thôn là những người đang bị cuốn hút về thành phố để thăng tiến học hành cấp cao hơn và để tìm được việc làm. Mong rằng Anh Em tìm ra được đường hướng mục vụ thích hợp cho các người trẻ di dân trong nước này, qua việc tăng cường sự hợp tác giữa các giáo phận gốc của người trẻ và các giáo phận họ đến và bằng việc đưa ra các lời khuyên bảo trong phạm vi luân lý và các chỉ dẫn thực hành.

Giáo Hội tại Việt Nam hiện đang chuẩn bị mừng 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm tại Việt Nam. Việc mừng biến cố này sẽ được đánh dấu cách rất đặc biệt bằng Năm Thánh vào năm 2010, sẽ làm cho Giáo Hội này hăng say chia sẻ niềm vui đức tin với tất cả mọi người Việt Nam trong khi canh tân những dấn thân truyền giáo. Ơn huệ này đã được tiếp nhận cách quảng đại, đã sống và được chứng nhận bằng đông đảo các Vị Tử đạo, là những người muốn loan báo chân lý và tính phổ quát của niềm tin vào Thiên Chúa. Theo ý nghĩa này, chứng tá về Chúa Kitô là một việc phục vụ cao cả nhất mà Giáo Hội có thể hiến tặng cho dân tộc Việt Nam và cho tất cả mọi người tại Á Châu, bởi vì nó đáp ứng lại sự tìm kiếm sâu xa chân lý và các giá trị bảo đảm cho sự phát triển nhân bản toàn diện (x. Giáo Hội tại Á Châu). Trước những thách đố thật nhiều mà chứng tá này hiện đang gặp phải, thì một sự hợp tác chặt chẽ giữa các giáo phận với nhau, giữa các giáo phận với các dòng tu, cũng như giữa các dòng tu với nhau là thật cần thiết.

Bức thư mục vụ mà Hội đồng Giám mục của Anh Em công bố năm 1980, nhấn mạnh về điểm "Giáo Hội Chúa Kitô giữa lòng Dân Tộc". Trong khi đem tới cái cá biệt của mình – là việc loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô – Giáo Hội đóng góp vào việc phát triển nhân bản và thiêng liêng của con người, nhưng cũng đồng thời đóng góp vào sự phát triển của xứ sở. Việc tham gia vào tiến trình này là một bổn phận và một sự đóng góp quan trọng nhất là trong lúc mà nước Việt Nam cũng đang nhận ra việc từ từ cởi mở đối với cộng đồng quốc tế.

Anh Em cũng như tôi đều biết rằng một sự hợp tác lành mạnh giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị có thể thực hiện được. Về điểm này, Giáo Hội mời gọi các phần tử của mình dấn thân một cách lương thiện để xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng. Giáo Hội không đòi hỏi phải thay thế các nhà trách nhiệm của Chính Phủ, nhưng chỉ mong rằng Giáo Hội có thể, trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng nhau, góp phần xứng đáng vào sinh hoạt quốc gia, vào việc phục vụ tất cả người dân. Trong khi tham gia cách tích cực, theo như chỗ đứng xứng đáng dành cho mình vào theo ơn gọi cá biệt của mình, Giáo Hội không bao giờ miễn trừ cho mình việc thực hành bác ái theo như các hoạt động được tổ chức của các tín hữu, và, đàng khác, không bao giờ có một tình trạng trong đó mà người ta lại không cần tới bác ái của mỗi Kitô hữu, bởi vì con người, ngoài công bình ra, vẫn cần và sẽ còn cần tới tình yêu (Tđ. Thiên Chúa là tình yêu, s. 29). Ngoài ra, tôi thấy điều này là quan trọng là phải nhấn mạnh rằng các tôn giáo không gây ra một mối nguy hiểm cho tình đoàn kết quốc gia, bởi vì tôn giáo nhằm giúp đỡ cá nhân thánh hóa chính mình và, qua các cơ chế, các tôn giáo quảng đại tự đặt mình phục vụ tha nhân trong cách thế hoàn toàn vô vị lợi.

Kính thưa Đức Hồng y, Anh Em trong Hàng Giám mục, khi Anh Em trở về nhà, xin Anh Em hãy chuyển lời chào thăm nồng nhiệt của Đức Giáo Hoàng tới các linh mục, tu sĩ nam nữ, tới các chủng sinh, các giáo lý viên và tới tất cả tín hữu, nhất là những người nghèo khổ và đau đớn phần hồn và phần xác. Tôi nồng nhiệt khuyến khích tất cả hãy trung thành với đức tin đã lãnh nhận từ các Thánh Tông đồ mà họ là chứng tá quảng đại trong các hoàn cảnh thường là khó khăn và hãy khiêm nhường tỏ ra sự kiên quyết mà Tông Huấn "Giáo Hội Tại Á Châu" (s. 9) đã chân nhận như là đặc tính của họ. Xin Chúa Thánh Thần của Đức Kitô là Vị hướng đạo và là sức mạnh cho họ. Tôi trao phó Anh Em cho sự che chở hiền mẫu của Đức Mẹ La Vang và nơi sự bầu cử của các Thánh Tử đạo Việt Nam, tôi vui lòng ban cho tất cả Phép Lành Tông Tòa trong tình thân mến.

+ ĐTC Bênêđictô XVI

Người dịch: Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả Rôma, 27-6-2009

No comments: