Thursday, November 18, 2010

Bệnh chuẩn mực trần tục

Lấy tinh thần, não trạng trần tục làm chuẩn mực cho cuộc sống mình. Làm việc Chúa, nhưng không theo tinh thần Phúc Âm mà lại dùng tiêu chuẩn hoàn toàn trần tục để chuẩn định. Người Công Giáo kiểu đó thường hay trở thành Công Giáo tùy thời: Thịnh thì Công Giáo, suy thì chối. Công Giáo vụ lợi: Có mùi vật chất thì tới, không thì miễn. Công Giáo danh dự: Chỉ siêng năng xuất hiện khi có lễ lạc được mời lên ghế danh dự, không thì biệt tăm chẳng bao giờ thấy.

Nhiều khi chẳng phải là bản chất, chẳng tội lỗi gì, nhưng là vì mình đua đòi. Chính đua đòi này làm cho cuộc đời khổ sở. Sang đây thấy người ta có xe đẹp, nhà rộng; mình đua đòi muốn hơn người nên phải nô lệ cho công việc, cả nhà làm việc quá mức. Và chuẩn mực trần thế thường được căn cứ theo báo chí, truyền thanh truyền hình. Báo bảo cái gì hay là hay, cái gì số đông theo là tốt... mặc dù những cái đó không hợp với lương tâm.

Năm ngoái tôi ghé Na Uy tới thăm một bà giáo sư giữ một ghế thứ trưởng trong nội các. Na Uy đa số theo Tin lành và Giáo Hội này, như tại các nước Tin Lành khác, phải tùy thuộc thế quyền. Bà phàn nàn: nguy quá cha ơi, Giáo Hội chúng tôi đang sa lầy trong vòng kềm toả dư luận. Chính phủ ra lệnh cho Giáo Hội; Quốc Hội ra lệnh (bằng đạo luật) cho chính phủ; mà đạo luật thì lại hình thành do áp lực dư luận truyền thông; vừa rồi chính phủ mới cách chức hai Mục Sư vì họ chống lại việc phá thai!

Một số cơ quan truyền thông chửi bới Ðức Giáo Hoàng, kết ngài vào tội thiếu thực tế, thiếu tiến bộ. Nhưng khi Ðức Giáo Hoàng đến với giới trẻ thì hàng triệu anh chị em trẻ lại tuôn đến với ngài. Tất cả chỉ vì ngài là người dám nói lên sự thật, bất chấp dư luận. Tuổi trẻ hôm nay đang bị chao đảo trong một thế giới khủng hoảng niềm tin và giá trị. Nên chi họ cần người tín cẩn dám nói thẳng cho họ đâu là điều đúng, đâu là sai. Cái khó và nguy hiểm của ngày hôm nay là người ta phạm tội, nhưng lại bắt cả nhà nước và Giáo Hội coi đó là nhân đức. Chẳng hạn như chuyện đồng tính luyến ái. Dư luận đang bắt mọi giới phải xem đó là chuyện hợp luân thường đạo lý. Giáo Hội thương cảm, nhưng Giáo Hội cần nói sự thật. Ðức Thánh Cha nói: "không cần ai bỏ phiếu cho sự thật" vì sự thật vẫn là sự thật.


Phúc âm giả

Phúc âm giả thì khác Phúc âm thật.
Thánh Phao lô đã nói đến thứ "Phúc âm" khác với thứ tôi rao giảng.
Làm sao phân biệt?
Cứ xem sự phân biệt giữa người theo Phúc âm nào mà phân biệt.
Phải phát hiện ra nào là công lý giả, tự do giả, giải phóng giả.
Muốn được thế con phải Phúc âm hoá chính bản thân con,
Kẻo con không có đủ Phúc âm trong con,
hay con chưa sống Phúc âm đích thực.
Con phải làm cho con, cho người khác,
cho xã hội hôm nay đầy Phúc âm,
chỉ lúc ấy con mới gặp được người mới, xã hội mới.
Một mình con sống tốt cho bản thân con chưa đủ,
Cần phải dấn thân vào trong thế giới hôm nay.
Chúng con có trách nhiệm:
Một ngày kia chúng con sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa,
chúng con đã tận tụy hay đã hững hờ trước những đau khổ của anh em.
Con thích suy niệm bài Phúc âm:
"Thầy là cây nho, các con là cành" (Gioan 15,5).
Nếu chúng con để nhựa sống Phúc âm là Chúa Giêsu thấm nhuần chúng con,
Chúng con sẽ nên người mới,
Chúng con sẽ có "Phúc âm chính hiệu",
Vì chúng con đầy Chúa Giêsu trong lòng.


+Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
Niềm Vui Sống Ðạo (1998)

No comments: