§ + GM Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ
Kính thưa Đức Tổng giám mục chủ sự và toàn thể cộng đoàn,
Ngày 18.1.1615, ba anh em Dòng Tên là cha Phanxicô Buzomi, người Ý, một linh mục người Bồ Đào Nha và một tu huynh người Bồ Đào Nha, đặt chân lên Cửa Hàn, nay là Đà Nẵng: đó là một mốc quan trọng hàng đầu trong lịch sử Hội Thánh tại Việt Nam. Hôm nay chúng ta họp nhau đây mở đầu một năm Dòng Tên tạ ơn Chúa và xin Chúa ban ơn để trung thành và can đảm tiếp bước các bậc tiền nhân. Từ Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội này, xin gửi lời chúc mừng đến giáo phận Đà Nẵng và giáo xứ Hội An hôm nay cùng kỷ niệm biến cố có thể nói là ngày khai sinh giáo phận và giáo xứ.
Trước ngày 18.1.1615, đã có những người đến rao giảng Tin Mừng ở Việt Nam. Thánh Giá được khắc trên đá ở Cù Lao Chàm năm 1523 là dấu hiệu đầu tiên của Kitô giáo trên quên hương chúng ta. Các thừa sai dòng Phanxicô và Đaminh cũng đến truyền giáo ở Đàng Trong (tức Miền Nam) và Đàng Ngoài (tức Miền Bắc), nhưng kết quả cụ thể không thấy lịch sử ghi nhận.
Ban đầu các vị thừa sai Dòng Tên chỉ muốn đến giúp các tín hữu Công Giáo Nhật Bản phải trốn đến Hội An để tránh cuộc bách hại khốc liệt trong nước. Chẳng bao lâu, các ngài thấy tâm hồn người Việt Nam rất gần với Tin Mừng, nên nhận ra Việt Nam là mảnh đất tốt để gieo Lời Chúa. Dịp lễ Phục Sinh năm ấy, các ngài đã đón nhận 10 tín hữu đầu tiên. Từ Hội An, các ngài mở rộng hành động truyền giáo đến Bình Định rồi Điện Bàn. Thật lạ lùng! Trong bối cảnh chạy loạn, Tin Mừng đã đến với dòng giống Con Rồng Cháu Tiên. Nhiều bậc tiền bối của chúng ta đã mở lòng đón nhận và Tin Mừng đã thấm dần vào dòng máu Việt mỗi ngày một sâu hơn.
Thấy Việt Nam đúng là mảnh đất mầu mỡ, từ trụ sở tại Macao, Dòng Tên tiếp tục gửi các thừa sai khác đến, trong đó vị nổi tiếng nhất là cha Alexandre de Rhodes mà ngày nay chúng ta quen gọi là cha Đắc Lộ. Sau một thời gian vất vả học tiếng Việt, ngài đã có thể giao tiếp và giảng dạy cho dân chúng. Ngày lễ thánh Giuse 19.3.1627, ngài cùng với một thừa sai khác đặt chân lên Cửa Bạng ở Thanh Hóa, rồi Kẻ Chợ, tức là Hà Nội, chính thức khởi đầu công cuộc truyền giáo ở Miền Bắc, lúc ấy gọi là Đàng Ngoài. Nhờ thông thạo ngôn ngữ và phong tục, nhất là nhờ gương sáng về đời tu và lòng bác ái, ngài đã mau chóng đón nhận đông đảo người xin học đạo và gia nhập đạo.
Ở Hà Nội, cha Đắc Lộ khởi sự hai việc rất ý nghĩa. Trước hết là quyển Phép Giảng Tám Ngày, quyển giáo lý Công Giáo đầu tiên bằng tiếng Việt, và cũng là quyển sách đầu tiên được viết bằng chữ Quốc Ngữ. Thật ra chữ Quốc Ngữ đã được các thừa sai và các thầy giảng Việt Nam khởi sự từ trước. Nhưng việc một quyển sách được in bằng chữ Quốc Ngữ cho thấy cách viết này đã có thể coi như hoàn chỉnh. Thứ đến là ngài đã quy tụ một số người có học và nhiệt thành lập nên Hội Thầy Giảng. Tổ chức này đã tỏ ra rất hiệu quả trong hoạt động truyền giáo, ngay cả khi không có các linh mục. Với quyển Phép Giảng Tám Ngày và Hội Thầy Giảng, có thể nói là Hội Thánh đã thực sự nhập thể trong xã hội Việt Nam: như xưa thánh Phaolô nói "Do Thái với người Do Thái, Hy Lạp với người Hy Lạp", thì với cha Đắc Lộ, chúng ta có thể nói đạo Chúa đã trở nên Việt Nam với người Việt Nam.
Công cuộc truyền giáo luôn luôn là một việc khó khăn. Đối với vua quan cũng như dân chúng Việt Nam, đạo Chúa là điều hoàn toàn mới lạ. Những hiểu lầm và ngay cả những vu cáo là điều hầu như không thể tránh được. Xã hội Việt Nam thời bấy giờ quen với tam cương ngũ thường, quen với con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa, nên khó lòng chấp nhận những điều mới mẻ như mọi người đều bình đẳng, lại phải thương yêu nhau như anh chị em một nhà; vua quan chẳng những không được áp bức bóc lột dân mà phải phục vụ dân như đầy tớ. Cha Đắc Lộ cho biết vào Tuần Thánh năm 1628, ngài rửa chân cho giáo dân trong thánh lễ chiều thứ năm tại Hà Nội, mọi người đều kinh ngạc. Người Việt Nam mau chóng gọi Công Giáo là đạo "thương nhau".
Dù vậy, các cuộc bách hại lẻ tẻ liên tiếp diễn ra và đã có nhiều người hy sinh mạng sống vì đức tin. Vị nổi tiếng nhất chính là chân phước thầy giảng Anrê Phú Yên,vị tử đạo tiên khởi của Việt Nam, mở đầu cho những trang sử hào hùng của Giáo Hội Việt Nam, trong đó có 16 anh em Dòng Tên, kể cả các thừa sai và người Việt Nam. Sau nửa thế kỷ, các thừa sai Dòng Tên đã rửa tội cho hơn 100 ngàn người ở Đàng Ngoài và chừng 50 ngàn người ở Đàng Trong, trước khi Tòa Thánh thiết lập hai giáo phận tiên khởi Đàng Trong và Đàng Ngoài. Đây là khởi đầu cho một Giáo Hội được coi là phát triển nhất ở khu vực Đông Á.
Lời Chúa trong thánh lễ khai mạc Năm Thánh hôm nay cho chúng ta một xác tín quan trọng: việc loan báo Tin Mừng xuất phát từ trái tim yêu thương của Thiên Chúa mong muốn cho con người được cứu độ và hạnh phúc đời đời. Chúa Giêsu nói với các tông đồ: Hãy đi giảng dạy muôn dân… Tại sao? Thánh Phaolô trả lời: "Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý." Truyện ông Giôna với thành Ninivê và cây thầu dầu cho thấy lòng con người nhỏ bé, trong khi trái tim Thiên Chúa thật cao cả.
Trong 400 năm qua, nói cho đúng thì Dòng Tên chỉ đóng góp một phần bé nhỏ trong lịch sử Hội Thánh tại Việt Nam. Bao nhiêu thừa sai khác, bao nhiêu dòng tu khác, bao nhiêu tâm hồn quảng đại và can đảm khác đã góp phần hết sức quan trọng vào công cuộc loan báo Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh tại Việt Nam. Đặc biệt chúng ta không quên được hơn 100 ngàn tín hữu thuộc đủ mọi thành phần đã lấy chính mạng sống mình làm chứng cho Chúa, trong đó 117 vị đã được tôn vinh lên bậc hiển thánh.
Sau khi bị giải thể năm 1773, Dòng Tên vắng bóng ở Việt Nam trong 150 năm. Hiện nay, sau hơn 50 năm trở lại miền đất thân yêu Việt Nam, Dòng Tên hân hạnh tiếp tục đóng góp phần nhỏ bé với một Giáo Hội đầy sức sống. Đâu là ước nguyện của Dòng Tên xưa cũng như nay? Xin phép được dùng một truyện để minh họa.
Trên rừng có muôn vàn loài cây, nhưng có thể chia làm 3 loại chính. Loại thứ nhất gồm những cây không ước mơ cũng không phấn đấu. Loại thứ hai gồm những cây có ước mơ nhưng không phấn đấu. Loại thứ ba gồm những cây vừa có ước mơ vừa biết phấn đấu. Trong loại ba này có 3 cây con. Cây thứ nhất ước mơ và phấn đấu để trở thành một cây gỗ quý, có thể dùng làm tráp cho vua chúa và hàng quý tộc đựng vàng bạc châu báu. Cây thứ hai ước mơ và phấn đấu trở thành một cây thật to và chắc, có thể đóng thuyền cho vua vượt đại dương. Cây thứ ba ước mơ và phấn đấu thành một cây cao, ai nhìn lên ngọn thì thấy trời và ai trèo lên đến ngọn thì cũng lên đến trời.
Một tiều phu lên rừng đốn củi: ông chẳng phân biệt cây loại này với cây loại kia, đem tất cả về bán cho ai trả giá hợp lý. Cây con thứ nhất rơi vào tay một nhà nông: thay vì làm tráp đựng vàng bạc châu báu thì ông đóng được một cái máng cho bò ăn cỏ. Cây con thứ hai rơi vào tay một người đóng thuyền: thay vì làm thuyền cho vua vượt đại dương, ông đóng được một cái thuyền đánh cá. Cây con thứ ba cong queo và sù sì rơi vào tay một bà nội trợ: bà chất đống củi đợi ngày cho vào bếp. Thật là đáng thất vọng cho cả ba.
Nhưng khi Chúa Giêsu sinh ra, Đức Mẹ đã đặt Chúa trong máng cỏ: đó chính là cây con thứ nhất. Khi Chúa Giêsu đi rao giảng, Chúa đã mượn thuyền của thánh Phêrô: đó chính là cây con thứ hai. Khi lính Rôma tìm gỗ làm thập giá đóng đinh Chúa, họ đã lấy chính cây con thứ ba trong đống củi của bà nội trợ. Quả thật ai nhìn lên cây thập giá của Chúa thì thấy trời cao và Chúa Giêsu nói: Khi được đưa lên cao, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.
Ngoài Thiên Chúa, những ước mơ của con người sẽ trở thành ảo vọng. Với Thiên Chúa, những ước mơ của con người trở thành hiện thực hơn chính con người mong đợi. Đó chính là điều thánh Inhã chờ mong nơi con cái của Dòng Tên: trở thành khí cụ trong tay Chúa để Chúa thực hiện kế hoạch cứu độ kỳ diệu cho con người.
Lời mời gọi của Chúa Giêsu vẫn tiếp tục vang lên trong lòng chúng ta hôm nay: Hãy lên đường! Hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy. Hãy làm cho cả đất nước Việt Nam này nhận biết Đấng là đường, sự thật và sự sống. Hôm nay khởi đầu tuần lễ cầu nguyện cho Hội Thánh được hiệp nhất, xin Chúa cho tất cả chúng ta luôn một lòng với Hội Thánh như ước nguyện của thánh Inhã trong Linh Thao. Chúng ta cũng vừa đón nhận tông huấn Niềm Vui Phúc Âm của Đức Thánh Cha Phanxicô, xin cho chúng ta cùng với cả Hội Thánh cảm nghiệm sâu xa niềm vui được làm những môn đệ thừa sai để tiếp bước Chúa Giêsu, các tông đồ, các nhà truyền giáo đã đem Tin Mừng đến cho quê hương thân yêu của chúng ta.
Hãy đặt cuộc đời bình thường của chúng ta trong tay Thiên Chúa tình yêu và Ngài sẽ thực hiện qua chúng ta những điều chính con người không dám mơ ước. Xin Thánh Inhã và các thánh Dòng Tên phù hộ chúng ta. Amen.
+ GM Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ
No comments:
Post a Comment