Sunday, November 22, 2015

Xây Núi Cúi Để Làm Gì?

§ Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Được biết ở một địa phận kia bên nhà, người ta đang có chương trình vĩ đại là xây NÚI CÚI tốn phí đến cả ngàn tỷ đồng VN để lôi cuốn du khách đến viếng thăm và cũng để chào mừng Đức Thánh Cha sẽ sang thăm Việt Nam trong năm 2016 theo sự tưởng tượng vô căn cứ của họ. Chúng ta nghĩ gì về công trình lớn lao mang tính chất phô trương bề ngoài trên đây ?

Trước hết, phải hỏi xem Chúa và Đức Mẹ có hài lòng được tôn thờ và tôn vinh với công trình hoành tráng và tốn phí trên hay không?

Chắc chắn là không, vì Chúa chỉ muốn ngự trị trong tâm hồn của những ai thành tâm yêu mến Người, chứ không vui thích được tôn thờ ở những nơi sang trọng lộng lẫy bề ngoài.Vì thế xưa kia, để trả lời cho một phụ nữ Samaritana kia nói với Chúa rằng "cha ông chúng tôi đã thờ phương Thiên Chúa trên núi này", Chúa Giêsu đã nói như sau:

"Nhưng giờ đã đến- và chính là lúc này đây-
Giờ những người thờ phượng đích thực
Sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật
Vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế.
" (Ga 4: 23)

Về phần Đức Mẹ -vốn khiêm cung và khó nghèo-, cũng sẽ không vui thích được tôn vinh với công trình quá tốn phí bề ngoài như thế.

Do đó, đáng lẽ phải xây đền thờ, xây NÚI CÚI trong tâm hồn của mọi tín hữu cho Chúa và cho Đức Mẹ ngự trị, chứ không nên xây phô trương bên ngoài cho thiên hạ chiêm ngưỡng để hãnh diện với họ về khả năng tài chính phong phú của mình, trong khi thực tế, giáo dân nhiều người còn túng thiếu, khó khăn với việc sinh sống, nên không có tiền để đóng góp vào công trình quá tốn kém này.

Nh
ư vậy, nếu dùng tiền xây cất quá tốn phí này để trợ giúp cho người nghèo khó thì chắc chắn hữu ích và có lợi hơn cho việc phúc âm hóa, tức mở mang Vương Quốc tình yêu, công bằng, bác ái và thánh thiện của Chúa trong tâm hồn mọi người để đánh tan bóng đen của tội lỗi và sự dữ gây ra bởi "văn hóa sự chết" đang bao phủ thế giới và tâm hồn của quá nhiều người ở khắp nơi trên thế giới tục hóa, phi luân, và vô nhân đạo ngày nay. Văn hóa sự chết thể hiện rõ nét ở lối sống tôn thờ tiền bạc của cải vật chất, tôn thờ khoái lạc (hedonism) sa hoa ngạo nghễ và dửng dưng trước sự nghèo đói, đau khổ của biết bao người xấu số, nạn nhân của mọi bất công xã hội ở khắp nơi,

Như thế, thử hỏi : việc xây công trình lớn lao trên có cần thiết, có làm vinh danh Chúa, Đức Mẹ và có lợi gì cho mục tiêu tái Phúc Âm Hóa -hay ngược lại- là phản Phúc Âm hóa (anti-re evangelization) của giáo hội địa phương ?

Phải nói ngay là không có lợi gì cho mục đích mở mang Nước Chúa vì thực chất sa hoa hào nhoáng bề ngoài không phù hợp với tinh thần nghèo khó mà Giáo Hội phải sống từ trong tâm hồn ra đến hành động bên ngoài để làm chứng tá cho Chúa Kitô, Đấng đã nghèo khó đến nỗi "không có chỗ tựa đầu, trong khi chim trời có tổ, cáo chồn có hang." (Mt 8: 20)

Chúa Kitô đã thực sự khó nghèo, sống lang thang như người vô gia cư (homeless) trong suốt cuộc đời tại thế, từ lúc sinh ra trong hang bò lừa cho đến ngày chết trần trụi trên thập giá chỉ vì muốn cho con người được cứu độ và vui hưởng sự sang giầu đích thực của Nước Trời.

Trong bài giảng trên núi, Chúa đã nói rõ : "phúc cho ai có tình thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ."(Mt 5: 1)

Phải có tinh thần nghèo khó để không làm nô lệ cho tiền của khiến tôn thờ tiền bạc (cult of money) như Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê bình thế giới tục hóa ngày nay. Phải có tinh thần nghèo khó để khinh chê những của cải phù du, nhứng tiện nghi sa hoa và hào nhoáng ở đời này để dễ nâng tâm hồn lên cùng Chúa là cội nguồn của mọi phú quí giầu sang và hạnh phúc đích thực..

Phải khó nghèo thực sự để không lãng phí tiền bạc vào những việc mà thực chất chỉ là phô trương, hào nhoáng bề ngoài, tuyệt đối không có lợi gì cho việc rao giảng Tin mừng của Chúa Kitô trong hoàn cảnh xã hội đầy bất công với đa số người dân-trong đó có những giáo dân-còn nghèo nàn, chật vật với cuộc sống bên cạnh môt thiểu số sang giầu tư bản đỏ và đai gia không hề có chút cảm thông bác ái đối với đa số quần chúng nghèo khó, thấp cổ bé miệng, nạn nhân của bất công bóc lột

Trong một hoàn cảnh xã hội như vậy, người Tông Đồ của Chúa Kitô phải đứng về phía những người nghèo khó theo gương Chúa Kitô mà Đức Thánh Cha Phanxicô đang là chứng nhân hùng hồn, hay đứng về phía những đại gia và tư bản đỏ để thi đua với họ về giầu sang hào nhoáng bề ngoài với những thánh đường lộng lẫy, nhà xứ và tòa giám mục sang trọng -và đặc biệt là xây NÚI CÚI tốn phí hàng ngàn tỷ đồng, một việc làm hoàn toàn không cần thiết để phúc âm hóa môi trường.

Rao giảng Chúa Kitô khó nghèo mà không sống khó nghèo thì sẽ không thuyết phục được ai tin lời mình giảng dạy, nếu không muốn nói là làm trò cười cho họ.

Nói khác đi, thi hành mục đích tái phúc âm hóa thế giới mà Giáo Hội đã kêu gọi từ mấy năm nay có cần đến công trình xây cất quá tốn phí kia hay không, hay đây chỉ là sự phô trương không cần thiết vẻ hào nhoáng bề ngoài, một việc hoàn toàn trái nghịch với tinh thần và đời sống khó nghèo của Chúa Kitô, "Đấng vốn giầu sang phú quí, nhưng đã tự ý trở nên khó nghèo vì anh em để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giầu có," (2 Cr 8: 9)

Nếu Giáo Hội mà không sống tinh thần khó nghèo của Chúa Kitô thì sẽ là nhân chứng cho ai ? cho khát vọng được giầu sang phú quí đich thực trên Nước Trời hay cho sự sang giầu phù phiếm chóng qua ở đời này ?

Lại nữa, việc làm trên cũng đi ngược lại đường lối sống và mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã chọn Thánh Phanxicô khó khăn thành Assisi làm khẩu hiệu cho triều đại Giáo Hoàng của mình. Chắc ch
n ngài sẽ không hài lòng về công trình phô trương quá tốn kém trên mà người ta đang phóng đại trí tưởng tượng về việc ngài sẽ sang thăm Việt Nam trong năm 2016 để moi tiền đóng góp của giáo dân trong và ngoài nước.

Và nếu quả thực Đức Thánh Cha sẽ sang thăm Việt Nam như người ta đang tưởng tượng vô căn cứ, thì chắc chắn ngài sẽ không đến chiêm ngưỡng NÚI CÚI mà sẽ đến thăm nhừng tù nhân, những người già yêu không có ai săn sóc và những trẻ mồ côi, khuyết tật, là những thành phần xấu số trong mọi xã hội mà ngài ưu tiên quan tâm đến họ, vì Chúa Kitô nghèo khó đang hiện diện trong những người xấu số này.

Vì thế, là nhân chứng cho Chúa Kitô khó nghèo, và là cộng sự viên đắc lực của Đức Thánh Cha yêu thương người nghèo, sống giản dị khó nghèo, mọi người có trách nhiệm phục vụ cho Dân Chúa trong Giáo Hội phải sống tinh thần khó nghèo của Chúa và gương mẫu phục vụ của Đức đương kim Giáo Hoàng để đời sống và việc làm của minh không mâu thuẫn với lời mình rao giảng cho người khác. Có như vậy thì việc phúc âm hóa, hay tái phúc âm mới có kết quả tốt đẹp mong muốn.

Ngươc lại, cứ lo xây nhà thờ cho sang cho đẹp, xây tượng đài tốn phí để phô trương và là lý do để tiếp tục thi nhau ra nước ngoài xin tiền cho những nhu cầu bất tận, thì mục tiêu phúc âm hóa sẽ không bao giờ mang lại kết quả nào, nếu không muốn nói là trống đánh xuôi kèn thổi ngược.

Trống đ
ánh xuôi kèn thổi ngược vì trong khi giáo dân nhiều người còn nghèo túng, giữa một xã hội đầy bất công và tụt hậu thê thảm về luân lý đạo đức, mà Giáo Hội lại kiêu hãnh với những công trình hoành tráng, quá tốn phí như xây NÚI CÚI thì quả thật là một mỉa mai trơ trẽn, một thất bại trông thấy cho mục tiêu phúc âm hóa của giáo hội địa phương.

Ở những quốc gia giầu có như Hoa Kỳ, Canada, ÚC Châu, Pháp, Đức ... người ta cũng không phô trương hào nhoáng với những công trình xây cất đồ sộ. Vậy tại sao ở một nước còn nghèo và lạc hậu như Viêt Nam mà giáo hội địa phương lại ngạo nghễ với công trình xây cất quá tốn phí như vậy, mà thực chất chỉ để phô trương sự phồn thịnh của giáo hội địa phương và phản tác dụng cho mục tiêu phúc âm hóa môi trường để mời gọi thêm nhiều người nữa nhận biết và tin Chúa Kitô dể được cứu rỗi. Đây phải là sứ vụ quan trọng nhất của Giáo Hội ở khắp nơi.

Tại hại hơn nữa, việc xây cất kia còn vô tình đánh bóng cho chế độ cai trị, vô tình biện minh là có tự do tôn giáo, nên mới có công trình lớn lao tốn phí như vậy, trong khi thực tế Giáo Hội vẫn còn tiếp tục bị hạn chế về tự do hành đạo, chưa đáng được tiếp tay tô điểm qua việc làm phô trương hào nhoáng trên đây.

Đáng lẽ, cần thiết hơn cả là xây dựng niềm tin vững chắc trong lòng người tín hữu được trao phó cho mình coi sóc, để giữa một xã hội tụt hậu thê thảm về luân lý đạo đức, họ sẽ là chứng nhân hùng hồn cho Chúa Kitô bằng đời sống công bình, yêu mến sự thiện hảo và khinh chê sự giầu sang hợm hĩnh của những người không có niềm tin Chúa nên chỉ biết vơ vét của cải để làm giầu, bất chấp công bình bác ái và nhân đạo.

Thêm vào đó, một nhu cầu quan trọng không kém là đào tạo hàng giáo sĩ cho có chiều sâu thực sự để họ biết phục vụ hữu hiệu và công bình trong thực tế. Cụ thể, phải sửa đối cách phục vụ để không bất công với người nghèo, không cho họ mang xác người quá cố vào trong nhà thờ, không cho cả thân nhân người quá cố là linh mục được đồng tế trong lễ tang; trong khi cho xác người giầu được đem vào trong nhà thờ và cho nhiều linh mục được đồng tế trong lễ tang, như có nhân chứng đã kể lại.

Một điều bất công đáng nói nhất là ở các giáo phận bên nhà cho đến nay, các linh mục chánh hay phó xứ không được trả lương tối thiểu đồng đều, nên người coi xứ giầu thì được giầu có theo, coi xứ nghèo thì thiệt thòi hơn.Vì thế, mạnh ai nấy tìm cách ra nước ngoài để xin tiền cho những nhu cầu bất tận.

Thử hỏi giám mục có kiểm soát được các linh mục của mình ra nước ngoài xin tiền hay không, và có biết các linh mục kiếm được bao nhiêu tiền và đem về chi tiêu cho mục đích gì ?

Nếu không biết thì vô tình vẫn làm ngơ cho giáo sĩ, tu sĩ của mình thi nhau ra nước ngoài kiếm tiền bỏ túi hay chi phí cho những mục đích không ai biết.Chúa nói : "anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được." (Lc 16: 13)

Lời Chúa trên đây phải là đèn soi bước đi cho hàng giáo sĩ và tu sĩ cách riêng ở khắp nơi trong Giáo Hội. Không ai có thể dạy cho người khác điều mà chính mình lại không sống để làm gương, và như vậy sẽ trở thành phản chứng thay vì là nhân chứng trung thực cho Chúa Kitô, Người đã nói: "ai có tai nghe thì nghe." (Mt 13: 43; Mc 7: 16; Lc 8: 8).

Tóm lại, Giáo Hội không thể rao giảng hữu hiệu Chúa Kitô khó nghèo cho ai nếu đời sống và việc làm của mình lại mâu thuẫn với điều mình giảng dậy cho người khác.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

No comments: