Saturday, November 22, 2008

Tu Dao Thoi Nay


Tử đạo thời nay

Chúa là ưu tiên một.

Tử đạo là các thánh đã đặt và chọn Chúa Giêsu là ưu tiên nhất. Do đó, khi phải chọn giữa của cải, danh vọng và ngay cả mạng sống, các ngài đã chọn Chúa.

Sự lựa chọn này phản ảnh một tình yêu và một niềm phó thác trọn vẹn vào Chúa.

Tử đạo theo tiến trình xưa -và để Giáo hội tuyên dương hiển thánh hoặc chân phước (mà thường gọi là phong thánh)- không phải là kết quả của một biến cố nhưng là một tiến trình. Tiến trình có thể kéo dài vài tháng hoặc vài năm.

Do đó, nhiều người sau thời gian đổi đời -và ngay bây giờ- ước ao rằng giá mà bỗng dưng quân cấm đạo, hoặc kẻ thù, bước chân vào nhà thờ, bắt mình đứng trước bàn thờ rồi hỏi: "Có bỏ đạo không? Nếu không sẽ bị bắn. Mình nhất định tuyên xưng đạo, nó bắn. Mình nên thánh." Sau đó mình làm thánh. Nếu như vậy, có thể được gọi là tử vì đạo thôi, chứ không chắc được "phong thánh" đâu.

Dằn vặt của lương tâm

Trong tiến trình tử đạo, các thánh nhân cha ông của chúng ta có đau khổ không? Có. Như Chúa chịu đau khổ trong tiến trình cứu chuộc. Nhưng trong đau khổ, các ngài tìm thấy và nhận được an bình.

Những dằn vặt này không chỉ là sự lựa chọn giữa thiện và ác, chân lý và sai lầm, nhưng còn là dằn vặt giữa hai điều thiện hảo. Nhiều lần, gia đình, nhất là vợ dại con thơ - cả nhà chỉ trông vào sự hướng dẫn và nuôi nấng của các ngài- đến tìm gặp cha, gặp chồng, xin các ngài thương gia đình, nhất là thương đàn con còn nhỏ dại, xin các ngài "tạm" làm ra bộ bỏ đạo; nhưng các ngài vẫn không thể lừa dối lương tâm. Đã có lần -nhiều lần- các ngài chối đạo về với gia đình, rồi lại tuyên xưng, rồi lại chối đạo, rồi lại tuyên xưng.

Dằn vặt lương tâm quả là không dễ dàng.

Phải chăng thực sự Thiên Chúa cần đến sự tuyên xưng của các ngài? Phải chăng Thiên Chúa muốn và cần con cái mình chết? Tệ hơn nữa, trong nhiều trường hợp, các ngài bị đồng hoá với quân phản loạn, với người bội bạc cùng tổ tiên, cùng truyền thống cha ông. Theo Kitô giáo là từ bỏ dòng tộc, từ bỏ Đạo Hiếu.

Lựa chọn của lương tâm quả thực khó khăn.

Nhưng các ngài đã chấp nhận Thiên Chúa là ưu tiên một và duy nhất. Các ngài đã vâng theo lời dậy dỗ của thánh kinh "Ai công khai tuyên tín rằng họ thuộc về Ta, Ta sẽ cũng làm như vậy trước mặt Cha Ta trên Trời. Nhưng ai chối bỏ Ta, Ta sẽ chối bỏ trước mặt Cha Ta trên Trời." (Mt. 10: 32-33)

Các ngài có ham sống không? Có. Nhưng khi ham sống, vẫn nhớ đến Chúa và đời sau. Chúng ta gọi là phó thác.

Các ngài có sợ không? Có. Nhưng trong cái sợ vẫn có niềm tin. Chính Chúa trong vườn cây dầu, trước giờ tử nạn, đã than thở: "Linh hồn Thầy lo buồn đến nỗi chết" (Mt 26: 38). Cho nên, nếu cảm nhận đau khổ, sợ hãi, thấy mất mát mà chấp nhận tử đạo, mới thực là hy sinh.

Chính trong an bình, phó thác và tin tưởng mà các ngài bằng lòng chịu tử đạo.

Sự chấp nhận tử đạo của các ngài phát xuất tự tâm với lòng thành thật. Các ngài không sống đạo tại tâm, nhưng sống đạo từ tâm với các tuyên xưng minh nhiên. Nhiều người khuyên các ngài giả vờ bước chân qua vòng tròn nhưng nói là thập giá, hoặc nhắm mắt như "vô tình" bước qua thập giá, hoặc đồng ý để quan nói là đã bước qua thập giá, nhưng thực tế thì không. Các ngài đã không bao giờ chấp nhận.

Đôi khi có người thắc mắc. Đời sống các ngài có bị cám dỗ không?

Có bị cám dỗ không?

Nghe đọc tiểu sử, hình như các ngài không bị, hoặc ít bị cám dỗ. Hình như các ngài luôn chăm chú đọc kinh cầu nguyện. Mà nếu thường xuyên đọc kinh cầu nguyện thì sẽ ít bị cám dỗ. Thánh trẻ Trần văn Thiện, dù còn nhỏ sắp vào tiểu chủng viện, đã có lòng đạo đức đặc biệt. Cậu siêng năng đi lễ và giúp việc nhà thờ. Được quan khuyến dụ cho ăn học thành tài làm quan, cậu vẫn từ chối. Lịch sử kể lại cha Dũng Lạc luôn ăn chay các ngày thứ tư và thứ sáu (còn chúng ta ăn chay một năm có 2 ngày đã thấy khó). Khi bị bắt, bổn đạo thương Ngài và xin đóng góp để giúp ngài thoát cảnh tù tội. Họ lý luận "nếu cha còn sống, thì sẽ giúp ích chúng con hơn. Ngài nói:

- Đây là lần thứ 3 tôi bị bắt, đúng là ý Chúa. Đừng mất tiền chuộc tôi làm gì.

Ngay quan huyện cũng khâm phục sự thông minh và can đảm của ngài, muốn cứu, nên nói

- Thầy còn trẻ, sao chịu chết? Hãy nhắm mắt bước qua thánh giá hoặc để lính của ta khiêng qua thánh giá, ta sẽ tha cho.

Ngài cám ơn lòng tốt của quan nhưng không đồng ý.

Còn thánh Lê văn Phụng là gương mẫu sáng ngời của gia trưởng một gia đình đạo hạnh với 9 người con. Gia đình giầu có, ngài không những xây nhà thờ cho họ đạo, nhà dòng cho các Sơ mà còn không quản ngại chính mình làm các việc lành bác ái. Ngài nổi tiếng khắp lành không chỉ vì đời sống đạo đức mà nhất là vì thực thi lòng từ thiện. Mười bốn mối phúc thật là kim chỉ nam đời sống. Là ông trùm họ, ngài khuyến khích giáo hữu vững lòng tin vào đạo Chúa và khuyên nhủ mọi người giúp đỡ lẫn nhau. Khi sắp bị tử hình, ngài cho người cháu gái thánh giá đang đeo và dặn dò:

"Ong cho cháu thánh giá này, còn quý hơn vàng bạc. Cháu hãy luôn đeo trên cổ và nhớ đến Chúa."

Trên thực tế, là người, các ngài cũng chịu và cũng có những cám dỗ như chúng ta. Thánh Huy, khi làm lính, thường xuyên xa nhà, đã có vợ hai. Quan tỉnh và lính tráng chế diễu:

"Người ta đạo đức, tốt lành cho nên mới muốn tử vì đạo, còn nhà ngươi thuộc vào loại 'vợ cả vợ hai, hai vợ đều là vợ cả', vậy mà muốn tử đạo à?"

Ngài thẳng thắn trả lời:

"Tôi sai lỗi và tôi hối lỗi. Chúa tha tôi và Chúa thương tôi."

Nhiều vị sống tinh thần hài hước tế nhị. Khi con gái đến thăm và thương mẹ vì những vết máu, mủ, bầm đọng trên áo, Thánh Anê Lê thị Thành trả lời với nụ cười:

"Trông thấy giống hoa hồng không con? Đó là hoa hồng của Chúa đấy con ạ."

Vị thánh khác, khi biết tính quan huyện thích ăn hối lộ, và khi ngài không đủ tiền đưa cho quan thì quan nặng tay, ra lệnh cho lính đánh phạt, và chỉ đánh một bên mông, như vậy sẽ đau đớn hơn, đã nói với quan:

"Lạ nhỉ, làm quan mà không công bằng. Có hai mông mà không chịu đối xử cho công bằng, nhất bên trọng nhất bên khinh. Đánh có một mông, còn mông kia để làm gì?"

Lính ôm miệng cười, còn quan thì tím mặt xấu hổ.

Tử đạo thời nay

Ngày nay cơ hội tử đạo không còn như xưa. Đương nhiên, cám dỗ và tử đạo mỗi thời một khác. Đau khổ vì thế cũng khác nhau. Ngày nay, để tử đạo qua cái chết không còn phổ thông lắm. Kẻ thù của Chúa và của Giáo hội biết nhiều cách tàn phá đạo Chúa và con cái Chúa cách tinh vi hơn. Tử Đạo không chỉ còn là sự lựa chọn giữa có và không, giữa sống và chết, nhưng là một cuộc tranh đấu kiên trì giữa tự do thật và phóng túng, thiện hảo thật và thiện hảo giả, quyền thực sự đương nhiên phải có và độc tài. Tử đạo thời nay không chỉ giới hạn trong phạm vi tôn giáo, trong nhà thờ. Tử đạo thời nay là cuộc tranh đấu giữa chính và tà, giữa Thiên Chúa và ma quỷ.

Tự do thật và phóng túng.

Giáo hội Công giáo và nhiều giáo hội Kitô giáo khác trong vài thập kỷ vừa qua phải đương đầu với nhiều phong trào nghe như dân chủ và có lý, nhưng ngược với quyền tự nhiên và quyền thiêng liêng của con người. Định nghĩa về tự do phá thai, về đồng tính luyến ái thành hôn và những thí dụ biểu tượng. Khoa học gia nào, bác sĩ nào với lương tâm chân chính của mình dám khẳng quyết rằng đúng 24 tuần thì thai nhi là người. Thế còn nếu một ngày, một giờ trước đó thì sao? Thai nhi chưa là người? Vậy dựa trên quyền gì để nói rằng phá thai trước 24 tuần là vô tội?

Tại một vài tiểu bang, nếu trẻ em dưới 14 tuổi đi xỏ lỗ tai, cần có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người chịu trách nhiệm, nhưng nếu đi phá thai thì không cần xin phép. Ý kiến của đám đông chưa hẳn là ý kiến đúng nếu không dựa trên luật tự nhiên và thần luật chân chính.

Thiện hảo thật và thiện hảo giả

Phải chăng mọi thứ đa số con người muốn đều là thiện hảo? Phải chăng đa số đồng ý thì sẽ trở nên thiện hảo? Phải chăng bất cứ phương tiện nào cũng là đúng nếu đạt được mục đích tốt? Phải chăng cần và nên hy sinh quyền cá nhân để đạt đến thành tựu lớn lao cho dân tộc? Các chính phủ thời Đức quốc xã và cộng sản ủng hộ phương pháp biện minh cho phương tiện. Chế độ tư bản cũng mặc nhiên cho rằng kiếm nhiều tiền là trên hết. Cách nào có tiền cũng đều có giá trị và người nào kiếm ra nhiều tiền là kiểu mẫu! Do đó, không ai lạ khi các triệu phú nhờ bài bạc, nhờ đánh "boxing", nhờ đóng phim -dù bất cứ loại phim gì-, nhờ chơi thể thao đều trở thành "heroes" cho tuổi trẻ!!! Lợi nhuận do phim ảnh xấu, do cờ bạc và do bán các vũ khí giết người tính theo tiền tỷ tỷ!!! Còn lương công chức của một người cần mẫn thì không đủ sống. Đâu là thiện hảo thật, đâu là thiện hảo giả?

Nhân quyền và độc tài

Quyền phải có đương nhiên khác với quyền xin-cho và càng khác với độc tài. Các nhà cầm quyền độc tài -dù là tư bản hay cộng sản- đều rất thâm độc khi điều hành. Thay vì đàn áp dân lành, biểu lộ rõ sự độc tài, họ dùng nhóm mang quyền lợi chống lại nhóm bị trị kia. Họ bảo vệ nhóm người của họ và nhóm người mang lợi ích cho họ. Dân bị trị, thỉnh thoảng được hưởng một chút quyền lợi lẽ ra đương nhiên phải có, cảm thấy hài lòng. Theo thời gian, họ trở thành nhu nhược và rồi khó chịu ngay cả với các người mà lẽ ra họ phải mang ơn và kính phục.

Hiến pháp nhiều quốc gia được tô vàng chuốt lục, rất đẹp và tuyệt hảo trên lý thuyết, nhưng khi áp dụng thì hoàn toàn khác với điều mà người có tâm lý bình thường mong đợi. Cũng có khi, nhóm lãnh tụ cởi mở một vài lãnh vực, rồi khép chặt các khía cạnh khác liên quan đến tôn giáo, tinh thần và tín ngưỡng. Người bảo vệ luân lý, tôn giáo trở thành kẻ bơi ngược dòng, trở thành người tử đạo thiếu người ủng hộ. Họ bị khép tội phỉ báng chế độ và bị khép bệnh tâm thần, mất bình thường. Nhiều trường hợp, họ thiếu sự nâng đỡ ngay từ những người thân cận nhất. Có rất nhiều người tử đạo cô đơn thời nay.

Gần đây, Giáo hội tuyên dương cha Kolbe, nạn nhân Đức quốc xã, lên bậc hiển thánh, tử đạo, không phải vì ngài trực tiếp chết nhân danh Chúa Giêsu. Ngài chết vì bác ái, vì Chúa Giêsu, khi đồng ý chịu tử hình thay cho một tội nhân khác, mà hoàn cảnh gia đình thực đáng thương. Cách đó 2000 năm, một vị tử đạo nổi tiếng chết vì công lý. Đó là thánh Gioan Bautixita.

Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đến quỳ trước mộ giám mục Romero và nói "Tôi đến thăm một đấng tử đạo." Đức cha Romero chết vì bênh vực người nghèo, chống lại chế độ độc tài.

Con cháu các thánh tử đạo Việt Nam và tử đạo mới.

Đôi khi chúng ta hiểu lầm rằng chỉ qua cái chết trực tiếp vì Chúa mới là tử đạo. Chúa Giêsu, trong 8 mối phúc thật, đã đưa ra tiêu chuẩn không chỉ sống đạo để nên thánh, mà còn là thánh tử đạo.

"Phúc thay ai tâm hồn nghèo khó, vì nước Trời là của họ."

"Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì nước Trời là của họ."

"Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta xỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao" (Mt 5: 1; 10-12).

Hãy nhìn chung quanh. Hãy vui mừng khi thấy chúng ta không thiếu những vị tử đạo thời mới đang chịu bách hại vì công chính, vì người nghèo, vì người bị áp bức, vì tự do phải có, vì bảo vệ nhân quyền, vì bảo vệ thiện hảo đích thực, vì sống bác ái, vì sống lời dậy dỗ của Chúa trong thánh kinh. Tử đạo thời nay là tiến trình tranh đấu cả đời, là sự lựa chọn giữa chính và tà.

Lm. Anthony Đào quang Chính, O.P.
VietCatholic News (Thứ Sáu 21/11/2008 23:28)

Wednesday, November 19, 2008

Ngày Nhà Giáo Việt Nam 2008

Tòa Giám Mục Kontum
56 Trần Hưng Đạo - Kontum
Việtnam - abrahamvn@yahoo.ca
Số 116/VT-MV/’08/Tgmkt

NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 2008

Mến gửi: Các Học sinh Sinh viên Công Giáo
Giáo Phận Kontum.

Các con rất yêu quý,
Trong bầu khí hân hoan mừng ngày nhà giáo, Cha xin chia sẻ niềm vui với các con. Cha muốn qua các con gửi tới từng thầy cô giáo những tâm tình quý mến và biết ơn. Cha hiểu rõ những hy sinh, vất vả và tâm sức của thầy cô giáo dành cho các con trong thời điểm nhiều khó khăn chồng chất hôm nay. Cha muốn góp phần chia sẻ gánh nặng, trọng trách cao cả này bằng lời cầu nguyện, bằng cách giúp các con trở thành những học sinh chăm ngoan. Với tinh thần chăm học, các con sẽ trở thành niềm vui cho thầy cô. Cha tự hỏi làm sao để ngày biết ơn thầy cô trở thành ngày có ích lợi nhất cho các con cũng như cho thầy cô và cho mọi người?

Biết ơn là đỉnh cao của đời sống yêu thương, là con đường đưa người học trò trở thành người hơn, là động lực thôi thúc người học trò chăm ngoan hơn, học giỏi hơn và góp phần làm cho môi trường giáo dục tốt đẹp hơn. Các con chính là phần thưởng to lớn của cuộc đời thầy cô. Sau cha mẹ, các thầy cô là những người đi sát các con trên quãng đường dài làm người.

Làm người khó lắm các con ạ! Đòi hỏi cả một thời gian dài đào tạo rèn luyện. Một thời gian dài khổ công đào tạo các con nên những con người phát triển toàn diện, hài hòa và đồng đều giữa cái đầu, con tim và đôi tay, nếu không sẽ trở thành quái thai hoặc khuyết tật. Sợ nhất là chỉ phát triển cái đầu với đôi tay. Lịch sử đã phải gánh chịu bao tang thương và đổ nát do những con người như Hitler, như Pôlpôt... Các con biết ít lâu nay đã thấy xuất hiện khẩu hiệu “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” tại nhiều nơi. Muốn là những người trưởng thành của “thế giới ngày mai”, các con hãy kính yêu thầy cô và chăm ngoan từ hôm nay.

Ngành giáo dục là một trong các ngành cao quý, nhưng cũng lắm thiệt thòi so với các ngành nghề khác. Cuộc sống khó khăn hoặc một nguyên do nào đó đã làm phát sinh hình thức dạy kèm, dạy thêm tràn lan. Đây có thể nói đang là một hình thức tra tấn, khủng bố đời học tập của các con và dày vò tâm hồn những ai thiết tha tới nền giáo dục của đất nước! Nó tác động lớn tới đời sống của chính các con cũng như gia đình và xã hội. Việc học thêm học kèm đã cướp hết thời gian dành cho bản thân, cho gia đình, cho giáo hội, cho xã hội. Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, các con đừng quên lời Chúa Giêsu dạy: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20). Chăm lo học tập và chuẩn bị thi cử cho tốt là cách sống công chính. Đây cũng là cách hữu hiệu để dẹp bỏ được những hình thức dạy thêm, dạy kèm. Cha cũng cầu mong các thầy cô Công Giáo ý thức và có thể tự nguyện từ chối dạy kèm dạy thêm, để môi trường giáo dục trong sạch hơn.

Các con thân mến,
Trong khi chuẩn bị mừng ngày nhà giáo, học sinh sinh viên Công Giáo lại đang xôn xao về chương trình thi học kỳ I năm nay trùng vào chính ngày đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh. Nhiều người muốn cha lên tiếng. Cha cần suy nghĩ thêm. Còn ở đây cha có chút tâm tình với các con.

Việc thi cử đúng vào lễ Chúa Giáng Sinh hằng năm là vấn đề nhức nhối cho học sinh Công Giáo tại Việt Nam từ 1975 đến nay. Khắp nơi trên thế giới, ngày lễ Chúa Giáng Sinh (Noël) là ngày nghỉ quốc tế, nhà nhà người người được nghỉ ngơi để mừng lễ. Ngày đó, không chỉ dành cho những người có đạo, mà trở thành ngày truyền thống, trừ một vài nước chưa được nghỉ ngày đó, trong đó có Việt Nam chúng ta. Ngay cả Nước Cuba cũng đã công nhận ngày lễ Giáng Sinh là ngày lễ nghỉ. Cha và nhiều vị lãnh đạo trong Giáo Hội Kitô đã nhiều lần góp ý với Chính Quyền các cấp về vấn đề này trong hơn 30 năm qua. Có lẽ các nhà phụ trách chương trình giáo dục đào tạo tại Việt Nam chưa nghe rõ cũng như chưa cảm nhận được cái quyền sống đạo của người trẻ có đạo? Cách tốt nhất các con có thể làm lúc này là bình tĩnh chuẩn bị cho ngày thi thật tốt đẹp. Đừng có ai trong các con thốt lên những lời nói xúc phạm hay có thái độ bực dọc trước chủ trương tổ chức thi vào chính ngày lễ Giáng Sinh. Có người nghĩ bắt thi vào chính ngày lễ Giáng Sinh là một việc làm báng bổ Đạo Chúa, có người lại coi đây là một hình thức phân biệt kỳ thị. Cũng có người còn nghĩ đây là một hình thức bách đạo tế vi. Cha chưa dám nghĩ như thế, nhưng cha nhớ ngay tới tâm sự Nhà văn Voltaire - một người đã báng bổ Đạo Chúa – đã thổ lộ trước giờ chết: “Tôi chỉ vô thần trên bàn giấy. Còn trước cái chết chẳng ai vô thần được nữa”.

Phần các con, nếu ngày thi “vẫn còn bị giữ” đúng vào ngày đại lễ mừng Chúa Giáng Sinh, các con hãy “hân hoan vui sướng như các thánh tông đồ xưa” (x. Cv 5,34-41) và biến trường lớp các con thành hang đá Belem sống động. So với hang đá đầu tiên là chuồng bò lừa, hôi tanh, vắng vẻ, thì trường lớp của các con là những hang đá sạch đẹp hơn nhiều. Hãy bước tới trường thi như các mục đồng xưa rủ nhau tới chiêm bái Chúa Hài Nhi bằng tâm tình cầu nguyện, cảm tạ tôn vinh Chúa, bằng cách chuẩn bị thi và thi thật tốt. Chính thái độ sống quảng đại như thế là lời loan báo tin vui giáng sinh cho mọi người! Hãy là những nhà truyền giáo bé nhỏ cho các thầy cô và bạn bè qua các bài thi thật tốt của các con. Các con sẽ được thấy những Phaolô mới xuất hiện trong cuộc đời mình như Tiến sĩ Phan Như Ngọc, như Bác sĩ Nguyễn Văn Ngoạn.... Tất cả đã vượt qua những đêm tối dò dẫm để tìm đến ánh sáng của chân lý, của tình yêu, của sự sống. Cha mong các con có dịp đọc lại cuộc đời của các vị này.

Cha cầu mong các con có nhiều niềm vui khi mừng ngày nhớ ơn Thầy cô. Cầu mong các con có nhiều quyết tâm mới cho mai ngày tươi sáng. Xin Thần Khí Thiên Chúa ở cùng các con.
Thương mến chào các con,

Kontum, 16 tháng 11 năm 2008
Giám mục Giáo phận Kontum
+ GM Micae Hoàng Đức Oanh

Sunday, November 16, 2008

Mot vai ky niem voi Duc Tong Giam Muc Nguyen Kim Dien

Đức TGM Nguyễn Kim Điền


Một vài kỷ niệm với Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền

Vào khoảng đầu thập niên 1970, nhân một dịp ra thăm Huế, tôi được mời đến tham dự một buổi lễ điạ phương tổ chức tại Toà Ðại Biểu Chính Phủ bên bờ sông Hương. Sau buổi lễ, trong phần tiếp tân, ông Tỉnh Trưởng dẫn tôi đến trước mặt Ðức Cha Nguyễn Kim Ðiền, Giám Mục Tổng Giáo Phận Huế và giới thiệu tôi với Ngài. Trước sự ngạc nhiên của ông Tỉnh Trưởng, Ðức Tổng Giám Mục vồn vã nắm chặt lấy tay tôi và nói:
-Chào anh giáo sư. Ðã hơn mười năm rồi mới được gặp lại anh!

Rồi ông quay sang ông Tỉnh Trưởng nói tiếp:
-Tôi quen với ông giáo sư này từ trước khi tôi làm Giám mục Ðiạ phận Cần Thơ, cách đây mười mấy năm rồi. Hôm nay nhờ ông Tỉnh Trưởng mà tôi lại được gặp lại một người bạn cũ, tôi cám ơn ông Tỉnh nhiều lắm!

Ðại Tá Lê Văn Thân cũng cười nói với Ngài:
-Thưa Ðức Tổng, con quen biết ông này cũng lâu rồi, bây giờ nhờ Ðức Tổng mới biết ông ấy ngày xưa làm giáo sư.

Sau một hồi hàn huyên, Ðức Cha hỏi tôi chừng nào trở về Sài Gòn và sau khi tôi thưa rằng tôi còn ở lại Huế vài ba hôm nưã thì Ngài hỏi tôi:
-Ngài mai anh đến thăm tôi nhé! Tôi muốn gặp riêng anh để hỏi thăm chuyện cũ hồi ở Cần Thơ. À này, anh nhớ đến ăn cơm trưa với tôi nghe!

Hồi cuối thập niên 1950, tôi dạy học tại trường Trung Học Phan Thanh Giản, một trường công lập tại Tây Ðô. Tiếng là thủ đô của miền Tây nhưng Cần Thơ chỉ là một thành phố nhỏ bên dòng sông Hậu Giang, không có nhiều môn giải trí cho nên bọn chúng tôi, một nhóm độc thân đa số là luật sư, bác sĩ, kỹ sư, công chức và giáo sư sau giờ làm việc thường tụ họp với nhau ở qúan Ngọc Lợi tại sân quần vợt để đấu láo, ăn tục nói phét và nói chuyện trên trời dưới đất...

Chuyện trên trời dưới đất đối với chúng tôi hồi đó, ngoài những chuyện liên quan đến văn chương, lịch sử, kinh tế, xã hội và cả những chuyện về chính trị bên Tây, bên Tàu, bên Nga, bên Mỹ và dĩ nhiên là cũng có nhiều chuyện xảy ra ngay trong đất nước. Ða số chúng tôi đều là những người trẻ tuổi, chẳng biết sợ trời sợ đất gì cả cho nên chẳng cần phải giữ gìn lời ăn tiếng nói, ưa thích ai thì khen người đó mà không thích ai thì chỉ trích thẳng thừng chẳng nể nang gì, mỗi người một ý kiến và do đó mà những buổi gặp gỡ hàng ngày đều vô cùng thú vị, nhất là những lần nói chuyện về tình hình đất nước.

Có một buổi chiều, Luật sư Nguyễn Văn Anh đưa một người bạn của anh đến chơi và giới thiệu với chúng tôi:
“Ðây là anh Ðiền, ở bên Tây mới về!”

Khi được hỏi anh đang làm việc ở đâu thì anh Ðiền chỉ cho biết anh đang làm cho một chương trình xã hội và lao động. Anh nói với chúng tôi nưả đùa nửa thật:
-Sự thật thì tôi làm lao động nhưng mà nói như vậy thì chắc rằng các anh không tin đâu!

Dĩ nhiên là chúng tôi không thể nào tin được chuyện đó vì một người “ở bên Tây về” thì không thể nào lại đi làm công việc lao động ở cái xứ Việt Nam vừa mới dành được độc lập cách đấy chỉ có mới hơn ba năm. Về sau nhiều lần chúng tôi hỏi Luật sư Anh về nghề nghiệp của anh Ðiền thì anh chàng này chỉ nói quanh nói quất rằng anh Ðiền đang làm công việc có liên quan đến ngành lao động. Tuy vậy bọn chúng tôi cũng không thể nào tin rằng một người từng đi du học Pháp trở về, nhất làcó vóc dáng và gương mặt trí thức như anh Ðiền mà lại làm nghề có liên quan đến giới lao động.

Sau lần đó, anh Ðiền trở lại tham dự vào những buổi chuyện phiếm của chúng tôi nhiều lần và được chúng tôi qúy mến vô cùng.

Anh Ðiền là người khôi ngô, cao ráo, đẹp trai, mũi cao, đôi mắt hiền hoà với nụ cười khả ái, tuy ăn mặc giàn dị và ít nói nhưng không dấu được nét thông minh với vầng trán rộng. Anh vào trạc trên ba mươi mấy tuổi, so với chúng tôi thì anh Ðiền lớn hơn chúng tôi khoảng trên mười mấy tuổi, cho nên chúng tôi coi anh như là một bậc đàn anh. Nếu chúng tôi ăn to nói lớn, ăn tục nói phét thì anh Ðiền là người điềm đạm và ăn nói năng từ tốn, chững chạc, nếu chúng tôi thường chỉ trích những người trong chính quyền thì anh Ðiền thường chỉ ngồi nghe chứ ít khi phát biểu ý kiến. Có nhiều khi chúng tôi yêu cầu anh phát biểu ý kiến thì anh viện cớ là ở ngoại quốc mới về Việt Nam cho nên anh muốn nghe để học hỏi thêm về chuyện quê hương đất nước chứ không dám có ý kiến.

Anh Ðiền thường né tránh như vậy mỗi khi chúng tôi nói chuyện về chính trị, tuy nhiên khi thảo luận về những vấn đề văn hoá và xã hội thì anh cũng đóng góp nhiều ý kiến, nhất là nói về những kinh nghiệm của anh ở Pháp và Bắc Phi. Khi nghe anh nói về Bắc Phi, chúng tôi vô cùng thích thú vì đó là một vùng đất mà chúng tôi chỉ nghe nói qua sách vở, qua những bài học về điạ lý đơn sơ, về những con người mà chúng tôi không hề có cảm tình vì dưới thời thực dân Pháp, không có một người Việt Nam nào mà lại không sợ mấy ông Tây Ma-rốc, Sénégalais “rạch mặt” v.v... Anh kể cho chúng tôi nghe về sa mạc Sahara mà anh đã có nhiều dịp du hành vào vùng đó và nhất là nói về ý nghiã của danh từ “ốc đảo” (oassis) mà chúng tôi chỉ nghe nói chứ không có một khái niệm nào.

Tôi còn nhớ anh Ðiền nói với chúng tôi: “Các anh không thể nào hiểu được “ốc đảo” nếu mà các anh chưa vào sa mạc Sahara, chưa chịu đựng qua cái nóng cháy người của ánh mặt trời và những cơn bão cát trong sa mạc, chưa chịu đựng qua cái khát kinh người sau một ngày ngất ngư trong sa mạc... Chỉ có sau những sự chịu đựng đó thì các anh mới hiểu được hai chữ “ốc đảo” vì ốc đảo là tất cả những cái gì con người mơ ước trong sa mạc, những cái gì trái ngược với những sự chịu đựng tột cùng đó của thể xác con người...”

Có lẽ tôi là một trong những ngưòi lấy làm thích thú nhất về ốc đảo do anh Ðiền mô tả cho nên khoảng hai mươi năm sau, trong thời gian làm việc tại Bắc Phi, tôi đã lần mò đi vào sa mạc Sahara tận vùng cực nam nước Tunisie và tôi đã biết ơn anh Ðiền, vì nhờ anh tôi đã lãnh hội được ý nghiã của danh từ “ốc đảo” mà anh đã nói với chúng tôi ở Cần Thơ hồi trước.

Hồi cuối thập niên 1950, năm sáu năm sau Hiệp định Genève, đất nước đang được sống trong cảnh thanh bình thịnh trị và về chính trị thì người dân nói chung và giới trí thức nói riêng đều được hưởng một cuộc sống tự do và cởi mở rất nhiều so với thời đất nước còn bị người Pháp cai trị. Chúng tôi biết ơn nền Ðệ Nhất Cộng Hoà, tuy nhiên không vì thế mà nhắm mắt ca ngợi chế độ vì chế độ này vẫn còn non trẻ và do đó vẫn còn có rất nhiều sai lầm cũng như là khuyết điểm. Những bậc lão thành thì dù có bất mãn họ cũng không nói ra một cách công khai, tuy nhiên là những người còn trẻ tuổi, mới ngoài đôi mươi, chúng tôi chẳng cần giữ gìn, chẳng cần ý tứ dè dặt gì cả, hễ nghe hay thấy “chuyện bất bình thì chẳng tha.” Chẳng tha đây là chẳng tha chỉ trích những sai lầm của chế độ còn có ai nghe hay không thì chuyện đó cũng chẳng có gì quan trọng. Chúng tôi chỉ trích từ “ông Cậu” tức là ông Ngô Ðình Cẩn ở miền Trung, chỉ trích “bà Cố” tức là bà Cố Vấn Ngô Ðình Nhu ở Sài Gòn và đặc biệt là chỉ trích “Ðức Cha” tức là Giám Mục Ngô Ðình Thục, Giám mục điạ phận Vĩnh Long, chỉ cách Cần Thơ có một dòng sông Hậu Giang.

Ông Cậu thì ở tận ngoài Huế nên chúng tôi ít nói về ông, tuy nhiên Bà Cố thì ngoài những chuyện đồn đại ở Sài Gòn liên quan đến bộ Luật Gia Ðình, mà chúng tôi không chống đối, bà lại bị chúng tôi chỉ trích về việc ông Cố Vấn Chính Trị của Tổng Thống và Bà Ðệ Nhất Phu Nhân lại không cho con cái đi học trường của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà mà tất cả đều đi học trường... Tây, và tệ hơn nưã, ông bà cùng con cái luôn luôn chỉ nói tiếng... Tây với nhau trong gia đình.

Riêng về Ðức Cha Thục thì tôi là người thường chỉ trích ông nhiều nhất vì chuyện ông chỉ là một vị giám mục mà gần như hầu hết các nhân vật cao cấp trong chính quyền hồi đó đều phải về Vĩnh Long “triều kiến” ông, còn đối với những cấp chỉ huy hành chánh cũng như là quân sự ở miền Tây thì khỏi nói, người ta đồn rằng nếu người nào làm điều gì ông không hài lòng thì thế nào cũng bị mất chức. Về chuyện này, tôi còn nhớ trong giới trí thức hồi đó, người ta đã sưả một câu vè nổi tiếng lại như sau: “Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế... Vĩnh Long!”

Dạo ấy, ông có làm một cái lễ kỷ niệm gì đó, hình như là kỷ niệm mấy chục năm làm giám mục điạ phận Vĩnh Long chứ chưa phải là lễ Ngân Khánh kỷ niệm 25 năm thụ phong giám mục vào năm 1963. Cái việc làm lễ kỷ niệm đó chỉ là chuyện riêng của ông, gia đình của ông và giáo dân của ông, vậy mà Bộ Giáo Dục lại ra lệnh trừ một ngày lương của tất cả giáo sư, giáo viên và công chức trên toàn quốc để đóng góp vào ngân qũy làm lễ này. Sở dĩ tôi bất mãn như vậy không phải là bị trừ đi một ngày lương mà vì vấn đề nguyên tắc: Ðức Cha Ngô Ðình Thục tuy là anh ruột của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm nhưng có ăn nhằm gì đến đám giáo sư và giáo viên trên toàn quốc mà ông Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục Trần Hữu Thế, một đàn em thân tín của Ðức Cha Thục, lại bắt chúng tôi phải góp tiền để làm lễ kỷ niệm cho ông Giám Mục? Ông lấy tư cách gì mà ra lệnh cho ông Bộ Trưởng Giáo Dục ký chỉ thị trừ một ngày lương của tất cả nhân viên trong bộ trên toàn quốc? Chuyện này ông Tổng Thống có biết hay không và nếu ông Tổng Thống có biết mà không ra lệnh ngưng việc đó hay khiển trách ông Bộ Trưởng thì đó là một sự vi phạm nghiêm trọng đến nguyên tắc “séparation de l’état et de l’église” (phân quyền giưã nhà nước và giáo hội), một nguyên tắc mà giới trí thức trẻ chúng tôi nhiệt thành ủng hộ.

Những lần như vậy thì anh Ðiền chỉ lẳng lặng ngồi nghe, không hề bày tỏ một ý kiến gì tuy nhiên khi nhìn vào khuôn mặt anh, tôi thấy anh không dấu được nét đăm chiêu trong ánh mắt. Tuy không biết rõ anh làm nghề gì nhưng chúng tôi, và riêng tôi, bao giờ cũng bày tỏ sự kính mến đối với con người lớn tuổi đầy kinh nghiệm, hiểu nhiều biết rộng nhưng lại vô cùng khiêm tốn này và tất cả chúng tôi ai ai cũng đều dành cho anh Ðiền sự kính trọng và cảm tình vô cùng nồng hậu. Có nhiều khi năm ba ngày không thấy anh ghé đến chơi, chúng tôi hỏi Luật sư Anh thì anh chàng này cho biết rằng anh Ðiền ở tận trong Bình Thủy, cách thành phố Cần Thơ lối chừng chưa đến mười cây số, do đó chỉ khi nào anh Ðiền nhắn thì anh ấy mới vô Bình Thủy đón anh ra Cần Thơ chơi.

Ðến khoảng cuối năm 1960 thì anh Ðiền gần như không đến gặp chúng tôi nưã và sau cuộc đảo chánh bất thành ngày 11 tháng 11 năm 1960 thì chúng tôi cũng trở nên dè dặt trong lời ăn tiếng nói hơn trước. Riêng tôi thì lại càng dè dặt hơn sau khi bị Ðoàn Công Tác Ðặc Biệt Miền Trung “hỏi thăm sức khoẻ,” do đó những buổi nói chuyện trên trời dưới đất của bọn chúng tôi lại quay sang đề tài vô thưởng vô phạt, chẳng hạn như là nói về... chuyện chưởng.

Chúng tôi gần như quên anh Ðiền thì vào khoảng tháng 3 năm 1961, nhà trường chỉ thị cho một số giáo sư, trong đó có tôi, phải đến tham dự buổi thánh lễ do vị tân Giám Mục Ðiạ phận Cần Thơ làm chủ tế lần đầu tiên sau khi được thụ phong tại Sài Gòn cách đó chừng hơn một tháng.

Tôi không phải là người theo Thiên Chúa giáo, lại không thích lễ ở nhà thờ vì hồi mới vào trung học, tôi sống nội trú trong một trường Thánh La Salle và ngày nào cũng phải dậy sớm để dự thánh lễ từ năm giờ sáng. Do đó khi đến dự lễ tại nhà thờ chánh toà Cần Thơ thì tôi tìm cách đứng sau tận cùng nhà thờ, thỉnh thoảng lại còn lén ra ngoài hút thuốc lá, do đó cũng không để ý gì nhiều đến vị tân giám mục. Tuy nhiên khi vị chủ tế đưa thánh giá lên và nghe tiếng chuông leng keng thì tôi thật mừng vì biết rằng buổi lễ sắp kết thúc, từ cuối nhà thờ, tôi nhìn lên phiá bàn thờ và ngạc nhiên khi thấy vị tân giám mục trông có vài nét quen thuộc, tuy nhiên sau buổi lễ, tôi ra về nhưng cũng không để ý gì đến chuyện đó vì tôi không hề quen biết với một vị linh mục hay giám mục nào trong vùng Hậu Giang này cả.

Ít lâu sau đó, một vài người trong đó có tôi nhận được thư mời của Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền đến dự một bữa cơm thân mật tại Toà Giám Mục. Tôi rất ngạc nhiên vì tôi không hề quen biết với ông tân giám mục này, khi tôi hỏi Luật sư Anh thì hắn ta chỉ cười cười nói với tôi rằng: “Thì lát nưã toa gặp ông ấy rồi sẽ biết!” Tuy hắn nói như vậy nhưng tôi bỗng chợt nghĩ ra: “Không lẽ ông tân giám mục lại là... anh Ðiền? ”

Khi Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền ra tiếp đón chúng tôi thì tôi chưng hửng, vưà ngạc nhiên vưà thích thú vì đúng như sự tiên đoán của tôi, Ðức Giám Mục chính là... anh Ðiền!

Ngay lúc đó, dù rằng có sự quen biết nhưng giưã vị tân giám mục và chúng tôi thì đã có một khoảng cách thật xa vì đối với chúng tôi thì ông không còn là anh Ðiền khi xưa nưã mà đã trở thành người lãnh đạo tinh thần của một tôn giáo lớn tại miền Tây. Tuy nhiên, khi gặp lại chúng tôi, Ðức Cha Ðiền tiếp đãi chúng tôi vô cùng cởi mở và thân thiện, từ cử chỉ đến lời ăn tiếng nói, ông vẫn đối xử với chúng tôi như xưa.

Tôi vô cùng cảm động và nói với ông: -Thưa Ðức Cha, con xin thành thật xin lỗi là trong thời gian qua, chúng con không hề được biết Ðức Cha là linh mục cho nên đôi khi đã có nhiều điều thất lễ đối với Ðức Cha. Kính xin Ðức Cha niệm tình tha thứ cho tất cả chúng con.”

Ðức Cha cười lớn rồi nói với chúng tôi: -Thưa các anh, đáng lý ra thì tôi phải mời các anh đến nói chuyện ở Quán Ngọc Lợi như chúng ta vẫn thường nói chuyện trước kia, tuy nhiên chuyện đó bây giờ không thích hợp với điạ vị giám mục của tôi và tôi lấy làm tiếc là đã không được cùng các anh ngồi nói chuyện trong khung cảnh thân mật hơn đó. Hôm nay tôi mời các anh đến đây, trước hết là xin ngỏ lời cám ơn các anh đã dành cho tôi thật nhiều cảm tình trước đây và nhất là cám ơn các anh đã cho tôi biết được nhiều chuyện ở ngoài đời mà với cuộc sống của một người linh mục phục vụ trong giới người lao động nghèo khó thì tôi khó mà biết được. Chính vì lẽ đó mà tôi đã căn dặn anh Luật sư Anh nhiều lần là không bao giờ cho các anh biết tôi là linh mục vì nếu các anh biết tôi là linh mục thì các anh sẽ trở nên dè dặt với tôi và những buổi nói chuyện của chúng ta sẽ mất đi phần hứng thú rất nhiều. Thú thật với các anh là từ ngày ở ngoại quốc trở về Việt Nam, chưa bao giờ tôi được sống những giờ phút đầy thú vị, cả về phương diện tinh thần lẫn dân tộc vì tôi được sống giưã những người Việt Nam, được nghe thảo luận về những vấn đề của Việt Nam và nhất là được biết những người Việt Nam có lòng yêu quê hương, yêu đất nước, yêu đồng bào và yêu xã hội... của giới trẻ như các anh. Tôi rất vui mừng vì các anh cũng có cùng chí hướng như tôi, vì các anh cũng muốn cải thiện đời sống của người dân, các anh cũng muốn nâng cao dân trí, cũng muốn sửa đổi những sai lầm, những khuyết điểm trong xã hội để xây dựng một cuộc sống tươi đẹp hơn cho người dân Miền Nam nói chung và vùng Hậu Giang nói riêng. Thú thật với các anh là cũng chính vì chí hướng đó mà tôi đã xin tình nguyện gia nhập Dòng Tiểu Ðệ, một dòng “hèn mọn”với lý tưởng phục vụ cho dân lao động, đã sang phục vụ tại Phi Châu và khi về Việt Nam, tôi cũng đã làm những công việc lao động để phục vụ cho người dân nghèo từ Sài Gòn và sau này về Cần Thơ và được gặp các anh...

"Tôi xin cám ơn các anh rất nhiều...”

Trong buổi gặp gỡ đó, Ðức Cha Ðiền cho chúng tôi biết một vài chi tiết về cuộc đời của Ngài: vào chủng viện năm 1930, thụ phong linh mục năm 1947, sau đó làm giáo sư tại chủng viện Sài Gòn và trở thành giám đốc chủng viện vào năm 1949. Năm 1955, Ðức Cha xin tình nguyện gia nhập Dòng Tiểu Ðệ tức là dòng Little Brothers of Jesus hay là dòng Foucauld do Linh mục Charles de Foucauld khai sáng.

Tử Tước Vicomte Charles Eugène de Foucauld (1858-1916) là con nhà thế gia vọng tộc, tốt nghiệp trường Võ Bị Saint Cyr của Pháp vào năm 1876 rồi phục vụ trong quân đội Pháp tại Algérie. Khi còn trẻ ông sống một cuộc đời ăn chơi phóng đãng, nhưng đến năm 1882 thì ông rời khỏi quân đội sang khảo cứu tại nước Maroc (Morocco). Năm 1890, ông vào tu theo dòng Trappist (một dòng tu theo khổ hạnh) nhưng 7 năm sau thì bỏ dòng tu này, sang Algérie sống như một nhà ẩn sĩ tại vùng Tamanghasset thuộc miền Nam nước Algérie, trong vùng sa mạc Sahara. Ông được thụ phong linh mục vào năm 1901, lúc bấy giờ đã 43 tuổi. Charles de Foucauld xem tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, chủng tộc và giai cấp đều là anh em (brothers), chị em (sisters). Foucauld đưa ra những tư tưởng căn bản để thành lập một dòng tu mới nhằm mục đích phục vụ cho người nghèo khổ, tuy nhiên ước vọng này của ông bất thành vì vào năm 1916 thì ông lại bị người Ả Rập Hồi giáo giết chết.

Tư tưởng của ông về sau được Louis Massignon thu thập lại và in thành cuốn sách “Directory” và đến năm 1933 thì một dòng tu mới dựa vào đường lối và tư tưởng của Linh Mục Foucauld được 5 vị chủng sinh thành lập tại Giáo đường Thánh Tâm (Sacre-Coeurs) ở Montmartre, Paris. Dòng tu mới này mang tên là Little Brothers of Jesus (Tiểu Ðệ) dành cho phái nam và Little Sisters of Jesus (Tiểu Muội) dành cho phái nữ, tuy nhiên nhiều người đã gọi là Dòng Foucauld.

Ba quy luật căn bản của dòng tu này là sự nghèo khổ (poverty), sự thanh khiết (chastity) và sự vâng lời (obedience) mà tất cả mọi người gia nhập dòng này đều phải tuyệt đối tuân phục.

Gần một thế kỷ sau khi ông bị người Ả Rập giết chết, Linh mục Charles de Foucauld đã được Toà Thánh Vatican xem như là một vị tử đạo và ông đã được Ðức Giáo Hoàng Benedict XVI phong thánh vào ngày 13 tháng 11 năm 2005.

Ðức Cha Nguyễn Kim Ðiền đã là một linh mục từ năm 1947 nhưng đến năm 1955 thì ông lại xin gia nhập vào Dòng Tiểu Ðệ. Ông đã sang tu học tại Bắc Phi, sống tập thể cùng với các tu sĩ dòng Tiểu Ðệ ở El-Abiodh và Saint Maximin ở Algérie và phục vụ cho những người nghèo khổ trong vùng sa mạc Sahara ở phiá nam nước Algérie. Tháng 11 năm 1956, ông đã nhận áo dòng Tiểu Ðệ trước mặt Ðức Cha De Provenchère, Linh mục Voillaume và một số các Soeurs dòng Tiểu Muội.

Ðến năm 1957, ông trở về Việt Nam phục vụ cho người nghèo với nghề lao động chân tay như đạp xích lô, thợ mộc, thợ hồ v.v. tại Sài Gòn, Lâm Ðồng và cuối cùng về Cần Thơ sống tại Bình Thủy. Cuối tháng 11 năm 1960, ông được Toà Thánh Vatican bổ nhiệm làm Giám Mục Ðiạ Phận Cần Thơ dù rằng ông đã cố gắng từ chối vinh dự này, chỉ muốn được ở lại làm một người “Tiểu Ðệ” mà thôi. Trong bút ký ghi ngày 8 tháng 12 năm 1960, Linh mục Nguyễn Kim Ðiền viết như sau: “Chân thành mà nói, tôi khổ tâm mà không thể hiểu nổi. Ðại diện Toà Thánh nói rằng tôi không có thể khước từ. Tôi xin chấp nhận sứ mệnh này như lời mời đón nhận Thánh Giá...

Giám mục Phi-lip-phê Nguyễn Kim Ðiền là người Việt Nam đầu tiên gia nhập Dòng Tiểu Ðệ và ông cũng là vị linh mục đầu tiên của dòng này trên toàn thế giới đã được thụ phong Giám mục và sau đó là Tổng Giám Mục.

Sau lần đó, lâu lâu Ðức Cha lại cho mời tôi đến Toà Giám mục nói chuyện. Có lần tôi hỏi Ngài: -Thưa Ðức Cha, tại sao đang là một vị linh mục, làm giáo sư và giám đốc một đại chủng viện lớn ở Sài Gòn mà Ðức Cha lại bỏ tất cả để tình nguyện gia nhập một dòng tu khổ hạnh tương đối là mới mẻ, ở mãi tận bên Phi Châu và Việt Nam rất ít người biết đến?

Ngài nhìn tôi mỉm cười rồi trả lời:
-Tôi có hoài bão được phục vụ cho Thiên Chúa nhưng mà cũng có tâm nguyện được phục vụ cho những người nghèo khổ và được chia xẻ với họ những sự khốn khó trên đời. Khi đọc được những tư tưởng của Cha de Foucauld thì tôi nhận chân ra rằng đây là con đường mà Thiên Chúa đã chọn cho tôi, do đó mà tôi đã tình nguyện sang Phi Châu để gia nhập dòng Tiểu Ðệ. Tôi muốn phục vụ cho người nghèo khổ...

Rồi Ðức Cha hỏi lại tôi:
-Anh không phải là người miền Nam, tại sao anh lại về dạy học ở tận xứ Cần Thơ này?

Tôi trả lời:
-Thưa Ðức Cha, do một sự tình cờ mà vào mùa Xuân năm 1953, con theo một người bạn về thăm Tây Ðô và do đó mà rất có cảm tình với miền Tây. Khi đi dạy học, con nghĩ rằng trước đó, cả miền Tây tức là toàn miền Hậu Giang chỉ có mỗi một trường trung học mà thôi và như vậy thì những người trẻ tuổi ở vùng này cần đến giáo sư nhiều hơn là những nơi khác. Con nghĩ rằng sau mười năm chiến tranh, người nông dân có nhu cầu phải cho con cái của họ có được một nền học vấn mà họ chưa hề được hưởng, con nghĩ rằng một trong những con đường giúp cho người dân thoát được cảnh nghèo đói là học vấn, có học thì mới được mở mang trí tuệ để tìm cho cá nhân của họ và giúp cho đồng bào của họ có được một cuộc sống tốt đẹp hơn về vật chất, về kinh tế, về xã hội cũng như là tinh thần... Do đó mà con đã chọn nơi này với ý nguyện giúp cho những người trẻ tuổi xuất thân từ những gia đình nông dân chân lấm tay bùn...

Ðức Cha nhìn tôi rồi nói với một giọng đầy cảm tình:
-Tôi cũng nhận thấy điều đó qua những lời phát biểu của anh trong thời gian được gần gũi các anh và do đó mà tôi rất có cảm tình với anh. Tôi thấy rằng dù không cùng đi theo một con đường nhưng chúng ta đều cũng có cùng chung một mục đích, đó là phục vụ cho những người nghèo khổ, phục vụ cho những người thiếu học vấn, phục vụ cho những ngưòi kém may mắn...

Lần sau cùng tôi được gặp Ðức Cha là lần tôi đến thăm để từ biệt Ngài trước khi lên đường nhập ngũ. Lúc đó vào khoảng năm 1963, vụ Phật giáo vưà bùng nổ tại miền Trung và đang lan ra tại Sài Gòn, tuy nhiên tại miền Tây thì vẫn còn yên tĩnh. Ðức Cha hỏi ý kiến tôi về vụ này thì tôi thưa rằng tôn giáo là một lãnh vực mà chính quyền bất cứ tại quốc gia nào cũng đều không nên xâm phạm đến vì trong lãnh vực tôn giáo, chính quyền bao giời cũng sẽ gặp nhiều điều bất lợi hơn là có lợi.

Ðức Cha hỏi tôi:
-Anh có nghĩ rằng trong cương vị một giám mục cai quản điạ phận Cần Thơ, tôi đã có hành động nào chống lại hoặc làm mất cảm tình với bên Phật giáo hay không?

Tôi trả lời:
-Thưa Ðức Cha, với người khác thì con không rõ, tuy nhiên đối với con, một người đã từng từ bỏ chức vụ giám đốc chủng viện tại Sài Gòn để tình nguyện sang Phi Châu xin gia nhập vào Dòng Tiểu Ðệ như Ðức Cha thì không thể nào lại có tư tưởng kỳ thị tôn giáo cả.. Hơn nưã trong mấy năm nay, Ðức Cha chỉ biết đóng vai trò của một vị chủ chiên tại miền Hậu Giang, Ðức Cha tránh không hề giao thiệp với chính quyền từ trung ương đến điạ phương, Ðức Cha luôn luôn hòa đồng với các tôn giáo khác do đó đã chiếm được cảm tình của mọi người, mọi tôn giáo ở vùng này. Miền Tây là điạ bàn của Phật Giáo Hoà Hảo nhưng con không nghe họ chỉ trích gì về Ðức Cha, trái lại là đằng khác.

Ðức Cha nhìn tôi mỉm cười, ông không nói gì tuy nhiên tôi cũng nhìn thấy trên gương mặt của ông thoáng hiện vẻ ưu tư. Khi tôi xin kiếu từ, Ðức Cha ân cần dặn dò tôi:
-Sau này khi nào có dịp thì anh phải nhớ đến thăm tôi nghe!

Tôi vào quân đội rồi sau cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963, Ðức Cha cũng rời Cần Thơ ra Huế nhận chức Giám Qủan Tổng Giáo Phận Huế thay cho Tổng Giám mục Ngô Ðình Thục. Huế thuộc Vùng I Chiến Thuật nhưng trong suốt thời gian tại ngũ, tôi chưa hề có dịp được phục vụ tại Vùng I, do đó chưa từng có dịp gặp lại Ðức Cha Ðiền cho đến ngày hôm đó.

Ngày hôm sau, y như lời hẹn, tôi đến Toà Tổng Giám Mục Huế thăm Ðức Cha Nguyễn Kim Ðiền. Ngài đón tiếp tôi với một sự chân tình, với sự thân mật mà Ngài đã dành cho tôi như trên mười năm về trước. Ngài trách tôi đã không tìm đến thăm Ngài thì tôi viện cớ rằng tôi ít có dịp ra miền Trung, vả lại mỗi lần ra Huế, tôi chỉ ở lại có vài ngày và không dám đến thăm vì sợ làm phiền Ðức Cha. Ông nhìn tôi rồi nghiêm mặt nói:
-Này ông giáo sư! Ðối với ông thì bao giờ tôi cũng là Anh Ðiền ở Cần Thơ như ngày xưa. Ðừng có bao giờ nghĩ như vậy vì bao giờ tôi cũng nhớ đến Cần Thơ, bao giờ tôi cũng nhớ đến các anh, bao giờ tôi cũng muốn gặp lại các anh...

Ðức Cha hỏi tôi về cuộc đời của tôi trong quân đội thì tôi thưa với Ngài rằng tôi được giải ngũ vào năm 1967 rồi lại bị tái ngũ sau Tết Mậu Thân và hiện giờ đang phục vụ tại một cơ quan ở Sài Gòn. Ông hỏi thăm tôi về Cần Thơ, về những người bạn cũ của tôi thì tôi thưa rằng từ ngày đi lính tôi cũng ít có dịp trở về Tây Ðô và cũng ít có dịp gặp lại những người bạn cũ, chỉ nghe nói mà thôi. Ông hỏi về những người ông còn nhớ như Luật sư Nguyễn Văn Anh thì tôi cho biết Luật sư Anh lúc đó đang làm đại sứ Việt Nam Cộng Hoà tại Thụy Sĩ, ông hỏi về anh Ðàm Quang Ðôn thì tôi cho biết anh Ðôn đắc cử vào Quốc Hội Lập Hiến và hiện đang hành nghề luật sư ở Cần Thơ, ông hỏi về Bác sĩ Ngô Văn Hiếu thì tôi cho biết Bác Sĩ Hiếu cũng đã đắc cử vào Quốc Hội...

Ðột nhiên Ðức Cha hỏi tôi:
-Hôm qua sau khi anh đi rồi thì tôi gặp Ôn Thích Mật Nguyện và được Ôn cho biết anh là Phật tử và là đệ tử của một vị cao tăng ở Huế. Vậy mà lâu nay anh không hề cho tôi biết anh là Phật tử cả.

Tôi thưa với Ðức Cha:
-Thưa Ðức Tổng, mẹ con là một Phật tử vì khi còn trẻ, bà tình nguyện đến hầu hạ săn sóc cho Cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự, kế cạnh chùa Từ Ðàm, do đó bà có dịp được quen biết với nhiều vị tăng ni lui tới viếng thăm, đàm luận với Cụ Phan. Sau này mẹ con xin quy y và cả gia đình đã được một vị hoà thượng bạn của Cụ Phan đỡ đầu. Tuy cả gia đình theo đạo Phật nhưng riêng con thì chỉ là loại non-practiquant mà thôi. Vì con trưởng thành tại miền Nam cho nên có quan niệm rất cởi mở, bạn bè của con có người theo Công Giáo, có người theo Phật giáo, có người theo Tin Lành, có người theo Cao Ðài và cũng có người theo Hoà Hảo v.v., tuy nhiên chúng con không bao giờ phê bình hay thảo luận về bất cứ một tôn giáo nào.

Rồi Ðức Cha quay sang chuyện khác:
-À, hôm qua Ôn Mật Nguyện cũng còn cho tôi biết chính anh là người đã khuyên Ðại Tá S. không nên ra làm tỉnh trưởng Thưà Thiên. Tôi nghe nói ông S. là người rất tốt, ngoài này cả hai bên Phật giáo và Công giáo đều rất có cảm tình, nhất là phiá bên Công giáo, tại sao anh lại khuyên ông ta như vậy?

Tôi cười khổ, phân trần:
-Thưa Ðức Tổng, chuyện ông Ðại Tá S. từ chối không nhận ra Huế làm tỉnh trưởng là quyết định của ông ấy chứ con có trách nhiệm gì đâu? Sự thật thì khi nghe tin sẽ được chỉ định làm tỉnh trưởng, ông ấy có hỏi ý kiến con và con đã phân tách những yếu tố lợi và hại để ông ấy quyết định: tuy ông là người Công giáo nhưng ông nội của ông là Phật tử, lại là bạn rất thân với Hoà Thượng Thích Ðôn Hậu, do đó mà bên Phật giáo rất có cảm tình với ông; người ông thay thế là Ðại Tá Lê Văn Thân, một sĩ quan theo Thiên Chúa giáo và là người miền Bắc nhưng lại vô cùng khôn khéo cho nên rất được lòng bên Phật giáo và giới sinh viên trẻ; vợ của Ðại Tá S. lại có liên hệ họ hàng rất gần với gia đình cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và nhất là yếu tố khi Ðại Tá S. từ Hoa Kỳ trở về Việt Nam vào cuối tháng 10 năm 1963, ông ra Huế thăm gia đình đúng vào lúc cuộc đảo chánh xẩy ra, chính ông là người đã đưa ông Ngô Ðình Cẩn từ Phủ Cam đến Dòng Chúa Cứu Thế để tỵ nạn...

Sau khi đưa ra những yếu tố đó, con có nói với Ðại Tá S. rằng khi bình yên vô sự thì chẳng có sao, nhưng khi có một vài sự trục trặc nào đó, liệu sinh viên Huế có để yên cho Ðại Tá S. về liên hệ của ông với gia đình Tổng Thống Ngô Ðình Diệm hay không? Liệu ông có tránh khỏi việc bị lên án là “Cần Lao ác ôn” hay không? Ngoài ra, Huế là điạ bàn hoạt động của nhiều đảng phái chính trị, liệu ông có đủ khả năng và kinh nghiệm để làm vừa lòng tất cả các đảng phái đó hay không?

Về phương diện binh nghiệp, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tốt nghiệp khoá 1 trường Sĩ Quan Huế, Ðại Tá S. tốt nghiệp khoá 2; khi Trung Tá Nguyễn Văn Thiệu làm Chỉ Huy Trưởng trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt thì Thiếu Tá S. làm Chỉ Huy Phó; khi sang Hoa Kỳ thay thế cho Trung Tá Cao Văn Viên làm Tùy Viên Quân Lực thì ông S. cũng đã mang cấp bậc Trung Tá, bây giờ ông Cao Văn Viên làm Ðại Tướng còn ông S. thì chỉ mới có Ðại Tá, như vậy thì đi giữ chức vụ tỉnh trưởng có lợi gì hay không cho cuộc đời binh nghiệp, nhất là ông biết rất rõ rằng ông sẽ không bao giờ được cử vào chức vụ tư lệnh sư đoàn để lên tướng?

Thưa Ðức Tổng, sự thật thì con chỉ có đưa ra những yếu tố như vậy và từ chối không đi làm tỉnh trưởng là quyết định của Ðại Tá S. Cách đây hai hôm, con có được Ôn Thích Mật Nguyện kêu lên chùa để hỏi về chuyện này và bị Ôn la cho một trận. Ôn nói rằng con là người Phật giáo mà lại đi “hại” Phật giáo vì đã khuyên Ðại Tá S. không nên đi làm tỉnh trưởng Huế. Con cũng đã giải thích mọi sự như vậy cho Ôn nghe và sau đó thì Ôn đã thông cảm rồi.

Bây giờ Ðức Tổng lại hỏi thì con cũng xin trình bày như vậy, quyết định từ chối không đi làm tỉnh trưởng hoàn toàn là do Ðại Tá S. quyết định.

Ðức Cha suy nghĩ một hồi rồi nói với tôi:
-Thật ra thì ở ngoài này ai nấy cũng đều rầt mừng khi nghe tin Ðại Tá S. được đề cử thay thế Ðại tá Thân làm tỉnh trưởng vì ông S. là người nổi tiếng là đạo đức và trong sạch, do đó khi nghe tin ông từ chối thì ai cũng thất vọng cả. Bây giờ nghe anh nói thì tôi mới biết có những nguyên nhân bên trong như vậy và tôi cũng thông cảm với ông Ðại tá S. vì quyết định như vậy thật là sáng suốt. (Sau khi từ chối không nhận chức tỉnh trưởng Thưà Thiên, Ðại Tá S. được bổ nhiệm làm Tùy Viên Quân Lực tại London và hiện nay đang làm Thầy Sáu tức là Phó Tế tại London, Anh Quốc.)

Sau một hồi chuyện vãn, bỗng Ðức Cha quay sang hỏi tôi về một vấn đề khác:
-Anh ở Sài Gòn chắc là biết nhiều về tình hình chính trị. Ở đây rất gần giới tuyến, điều người dân ở đây lo ngại nhất là liệu Cộng sản có xua quân tấn công vào miền Nam qua vĩ tuyến 17 hay không?

Tôi thưa với Ngài rằng hiện nay cả bốn phe Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hoà, Cộng sản Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng miền Nam đang tham gia hoà đàm tại Paris. Cộng sản nắm được một lợi điểm chiến lược, đó là ai cũng biết Hoa Kỳ đã quyết định rút quân từ năm 1969 và quân số Hoa Kỳ tại miền Nam càng ngày càng giảm, họ đang giao hết gánh nặng chiến tranh cho Việt Nam qua chương trình Việt Nam hoá chiến tranh. Chỉ trong vòng hai năm, Nixon đã rút từ trên nưả triệu quân xuống còn có khoảng 150,000 và như vậy thì Cộng sản Bắc Việt đã thấy rõ là Hoa Kỳ đang thay đổi chính sách, từ đương đầu trực tiếp trên chiến trường với Cộng sản, họ đã để cho VNCH thay thế vai trò đó và họ chỉ còn chú trọng đến giải pháp thương thuyết tại Paris mà thôi, điều đó có nghiã là rất có thể các lực lượng Hoa Kỳ sẽ không can thiệp nếu Cộng sản mở các cuộc tấn công tại miền Nam.

Nếu Cộng sản tin tưởng vào sự tính toán đó thì rất có thể họ sẽ mở một cuộc tấn công đại quy mô qua vỹ tuyến thứ 17 và trong trường hợp đó, nếu không có sự can thiệp của Hoa Kỳ thì lực lượng Việt Nam Cộng Hoà tại vùng giới tuyến khó mà đương đầu nổi với sự tấn công của Cộng sản.

Ðức Cha Ðiền hỏi tôi rằng nếu giả thử Cộng sản chiếm được Huế thì họ sẽ đối xử với người Công giáo, với những người lãnh đạo Công giáo như thế nào? Tôi trả lời rằng đối với Cộng sản thì tất cả mọi tổ chức tôn giáo tại miền Nam, bất cứ là Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Ðài hay Hoà Hảo, tất cả đều bị họ xem như là những thành phần thù nghịch và phản động, họ sẽ tìm mọi biện pháp để kiểm soát rất gắt gao. Bản chất của chủ nghiã Cộng sản là không chấp nhận tín ngưỡng cho nên họ sẽ tìm cách tiêu diệt mọi tín ngưỡng và nếu chưa làm được thì họ để cho những tổ chức ngoại vi như là Mặt Trận Tổ Quốc cũng như là đưa cán bộ vào để nắm quyền kiểm soát những tín ngưỡng này và đồng thời họ cũng sẽ tìm cách thanh toán những nhà lãnh đạo tôn giáo có uy tín.

Riêng đối với Thiên Chúa giáo La Mã thì Cộng sản đã có nhiều kinh nghiệm tại các nước Ðông Âu sau Ðệ Nhị Thế chiến: lúc ban đầu, họ đàn áp Thiên Chúa giáo, nhất là các vị lãnh đạo nhưng sau một thời gian thì họ không đối đầu với cá nhân các vị giám mục và linh mục nữa mà nói chuyện trực tiếp với Vatican. Tôi nêu ra với Ðức Cha trường hợp hai vị hồng y: Hồng Y Stephan Wyszynski, Tổng Giám Mục Varsovie, Ba Lan, bị Cộng sản bắt giam từ năm 1953 đến năm 1956 và Hồng Y Joseph Mindszenty, Tổng Giám Mục Giáo Hội Hung Gia Lợi (Archbishop of Esztergom) đã bị Cộng sản bắt giam vào năm 1948 và bị đưa ra toà về những tội như phản quốc, âm mưu chống nhà nước Hung Gia Lợi. Trong phiên toà này, Hồng Y Mindszenty đã tuyên bố hoàn toàn phủ nhận tội trạng và yêu cầu giáo dân không nên tin vào những lời khai trong bản cáo trạng vì những lời khai này đã bị công an mật vụ Cộng sản ép buộc phải ký trong những cuộc tra tấn dã man. Sau cuộc Cách mạng tháng 10 năm 1956, nghe theo lời khuyên của Thủ Tướng Imre Nagy, trước khi ông bị mật vụ Liên Xô xử tử, Ðức Hồng Y Mindszenty xin vào tỵ nạn trong toà đại sứ Hoa Kỳ ở Budapest trong 15 năm trời. (Ðến năm 1971, Ðức Hồng Y mới được chính phủ Cộng sản Hung cho phép sang sống tại Vienna, thủ đô nước Áo.)

Ðó là chính sách của Cộng sản đối với Giáo Hội Công Giáo thời Stalin và sau này thì có phần cởi mở hơn, tuy nhiên không rõ những người Cộng sản Việt Nam sẽ theo chiều hướng nào.

Ðức Cha ngạc nhiên hỏi tôi: “Sao anh không phải là người Công Giáo mà lại biết nhiều như vậy về hai vị hồng y này?” Tôi thưa với Ðức Cha rằng tôi đang làm công việc về nghiên cứu cho nên mới được biết một vài chuyện ở bên Ðông Âu như vậy.

Ðức Cha Ðiền lặng lẽ nhìn tôi rồi nói bằng một giọng kiên quyết:
-Là người được Ðức Thánh Cha trao cho nhiệm vụ Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Huế, trong trường hợp Cộng sản chiếm được thành phố này thì tôi sẽ ở lại với giáo dân vì tôi là “người chủ chăn” của họ. Một trong ba châm ngôn của Dòng Tiểu Ðệ là ‘Vâng Lời’ và tôi sẽ vâng theo những lời dạy của Toà Thánh, đó là phải sống bên cạnh giáo dân để hướng dẫn giáo dân trong những cơn nguy biến.

Trong bưã cơm trưa thân mật sau hơn mười năm cách biệt, Ðức Cha đã dành cho tôi sự ưu ái và cảm tình như thưở nào ở Cần Thơ và khi từ biệt Ngài bắt tôi phải cho Ngài điạ chỉ cùng số điện thoại để Ngài liên lạc mỗi khi vào Sài Gòn. Ngài cũng bắt tôi phải hứa là khi nào có dịp ra Huế thì phải đến thăm Ngài.

Vào khoảng năm 1974, một hôm tôi nhận được điện thoại của Ngài mời tôi ngày hôm sau đến gặp Ngài ở Toà Tổng Giám Mục Sài Gòn trên đường Phan Ðình Phùng. Sau khi chào hỏi, thấy tôi cứ nhìn Ngài chăm chú, Ðức Cha bèn hỏi tôi:
-Tôi có gì lạ mà anh cứ nhìn chăm chú như vậy?

Tôi thưa với Ngài:
-Thưa Ðức Tổng, con muốn xem Ðức Tổng “đỏ” cỡ nào?

Ngài cười lớn hỏi lại tôi:
-À! Vậy là anh cũng có nghe mấy ông nhà báo ở bên Rô-ma gọi tôi là vị “Giám mục Ðỏ” phải không?

Năm đó Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền sang La Mã tham dự Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới và khi được một số ký giả ngoại quốc hỏi rằng “Có dư luận nói rằng Cộng sản Bắc Việt sẽ chiếm trọn miền Nam, Ngài nghĩ sao về Cộng sản Việt Nam?” thì Ngài trả lời rằng: “Là giám mục Công giáo, tôi không bao giờ chấp nhận chủ nghiã Cộng sản, nhưng người Cộng sản Việt Nam cũng là người anh em của tôi.” Vì trả lời như vậy cho nên có một số ký giả ở Rô-ma đã gọi Ngài là “Vị Tổng Giám mục Ðỏ.”

Tôi không nhớ báo chí Sài Gòn có đăng tin đó hay không nhưng tôi có được đọc tin đó do hãng thông tấn Reuters đăng trên télétype (viễn ấn) cho nên được biết chuyện này.

Ðức Cha Ðiền hỏi tôi:
-Anh nghĩ sao khi tôi nói rằng “...người Cộng sản Việt Nam cũng là anh em của tôi”?

Tôi trả lời:
-Thưa Ðức Tổng, người dân miền Nam chúng ta tuy chống lại Cộng sản nhưng chúng ta vẫn xem những người miền Bắc, kể cả những người Cộng sản, đều là người Việt Nam, tức là đều là anh em với nhau cả. Ðức Tổng nói như vậy thì chẳng có gì là không đúng. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ người Cộng sản miền Bắc có xem người miền Nam chúng ta, nhất là những người Công giáo miền Nam, là anh em của họ hay không? Vào năm 1946, gần một năm sau khi Cộng sản Việt Minh giết nhà cách mạng Tạ Thu Thâu tại Qủang Ngãi, khi bị những người trí thức Pháp và Việt Nam chất vấn tại Paris về việc Tạ Thu Thâu bị thủ tiêu thì ông Hồ Chí Minh đã trả lời như thế này: “Tạ Thu Thâu là một người yêu nước, tôi đã khóc về cái chết của ông ta. Tuy nhiên, tất cả những ai không đi theo đường lối do chúng tôi đã hoạch định thì chúng tôi cần phải tiêu diệt.” Vậy thì đối với người Cộng sản, họ không có anh em với những người không đứng chung một hàng ngũ với họ, do đó khi Ðức Tổng nói rằng “là giám mục Công giáo, tôi không chấp nhận chủ nghiã Cộng sản”tức là không theo đường lối của họ thì làm sao mà họ lại xem Ðức Tổng và những tín đồ Công giáo là anh em của họ được?

Ðức Cha Ðiền suy nghĩ một hồi rồi nói với tôi:
-Anh còn nhớ cách đây mấy năm tôi có nói với anh rằng nếu Việt Cộng chiếm thành phố Huế thì tôi sẽ ở lại với giáo dân vì sứ mạng của tôi là bảo vệ cho giáo dân, là chia xẻ mọi nổi đau thương khổ hận của họ. Toà Thánh đã ra lệnh cho các linh mục và giám mục là phải luôn luôn làm nhiệm vụ chăn dắt con chiên dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì tôi luôn luôn vâng lệnh của Toà Thánh, tôi sẽ ở lại với giáo dân, dù họ có xem tôi không phải là anh em thì tôi vẫn sẽ ở lại để thi hành nhiệm vụ và trách nhiệm do giáo hội giao phó. À, nhân tiện tôi cũng cám ơn anh đã đề cập đến hai vị Hồng Y Stephan Wyszynski, Tổng Giám Mục Varsovie, và Hồng Y Joseph Mindszenty, Tổng Giám Mục Giáo Hội Hung Gia Lợi. Trong thời gian ở Rô-ma, tôi đã có cơ hội tìm hiểu về cuộc đời của hai ngài và nhờ đó đã có được một khái niệm về chính sách của Cộng sản đối với giáo hội Công Giáo tại Ðông Âu.

Sau một hồi chuyện vãn, Ðức Cha nói với tôi:
-Này anh giáo sư, sao anh lại dấu tôi hai chuyện: một là anh không cho tôi biết anh đang làm việc ở đâu, hai là anh không nói cho tôi biết anh là bạn của Linh Mục Raymond de Jaegher!

Tôi thưa với Ðức Cha:
-Thưa Ðức Tổng, về chuyện công việc thì con quan niệm rằng là một quân nhân, con không có quyền chọn lưạ, con phải phục vụ bất cứ đơn vị hay cơ quan nào mà quân đội chỉ định mà thôi. Sở dĩ con không trình với Ðức Tổng nơi con làm việc là vì con biết Ðức Tổng không có mấy cảm tình với ông “sếp” của con, do đó muốn giữ cho mối liên hệ với Ðức Tổng thân tình và tốt đẹp mãi mãi như xưa cho nên con đã không nói, không nói vì Ðức Tổng không hỏi đến chứ không phải là dấu Ðức Tổng. Còn chuyện Cha De Jaegher thì con không nói vì nếu tự dưng nói ra thì chẳng hoá ra rằng con khoe với Ðức Tổng về sự quen biết này hay sao?

Ðức Cha Ðiền nói với tôi:
-Tôi rất thích bản tính khiêm tốn của anh, nếu Ðức Tổng Sài Gòn không nói ra thì tôi có biết gì đâu! Ðức Tổng Sài Gòn nói với tôi rằng Cha De Jaegher rất thích anh và khen ngợi anh nhiều lắm. Ðức Tổng Sài Gòn cũng rất có cảm tình với anh. Kể ra thì cũng thật là lạ lùng, một người không phải là Công giáo như anh mà lại quen biết thân tình với cả hai vị tổng giám mục Huế và Sài Gòn cùng với một linh mục nổi tiếng người Mỹ nưã! Sao anh lại quen Cha De Jaegher?

Tôi thưa với Ngài:
-Cha Raymond de Jaegher là một nhân vật nổi tiếng, tác giả nhiều cuốn sách trong đó có hai cuốn rất nổi tiếng tại Việt Nam, đó là “Kẻ Nội Thù” (The Ennemy Within) và cuốn “Vệ Binh Ðỏ” (Red Guards). Truớc năm 1963, Ngài là cố vấn về Cộng sản cho Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và Tổng Thống Tưởng Giới Thạch, một người nổi tiếng như vậy thì làm sao mà con có tham vọng được quen biết? Nhân dịp tham dự một hội nghị ở Ðài Bắc, con được giới thiệu với Cha Jaegher rồi sau đó, Việt Nam Cộng Hoà được ủy nhiệm phụ trách một nguyệt san bằng Anh ngữ mà hồi Ðệ Nhất Cộng Hoà do chính Cha Jaegher làm chủ nhiệm. Con là người được chỉ định phụ trách phần bài vở của nguyệt san đó, cho nên về sau, mỗi lần Cha Jaegher sang Sài Gòn, Ngài thường trú ngụ tại Toà Tổng Giám Mục và liên lạc với con về công việc, do đó mà trở nên thân tình. Con được may mắn quen biết với Ðức Tổng Sài Gòn cũng là nhờ sự giới thiệu của Cha de Jaegher. <.i>

Ðức Cha Ðiền quay sang hỏi tôi về chuyện khác:
-Anh đến thăm tôi như thế này, nếu “ông sếp” của anh mà biết được thì anh có ngại gì không?

Tôi không ngần ngại trả lời:
-Thưa Ðức Tổng, con được quen biết với Ðức Tổng cả chục năm trước khi về làm việc dưới quyền “ông sếp”, bởi vậy nếu ngại thì con đã không đến và nay con đã đến thì chẳng có e ngại gì cả.

Vào thời gian đó có một bản tuyên ngôn chống tham nhũng do một số linh mục ký tên được phổ biến tại Sài Gòn và nhân dịp gặp Ðức Tổng Giám Mục, tôi mạo muội hỏi Ngài:
-Nhân tiện con xin được phép hỏi Ðức Tổng về một vấn đề thời sự có liên quan đến Giáo Hội Công giáo Việt Nam. Con đã được đọc Bản Tuyên Ngôn Chống Tham Nhũng Và Tệ Ðoan Xã Hội của Hàng Linh Mục Việt Nam công bố tại nhà thờ Tân Sa Châu ngày 18 tháng 6 năm 1974, do 301 vị linh mục ký tên. Con không thấy tên của hai Ðức Tổng trên bản tuyên ngôn này, tuy nhiên nhân dịp được gặp Ðức Tổng, con xin phép hỏi: Ðức Tổng có được hỏi ý kiến về Bản Tuyên Ngôn này hay không?

Sau một hồi trầm ngâm, Ðức Cha hỏi lại tôi:
-Anh có nghĩ rằng tôi ủng hộ Bản Tuyên ngôn này?

Tôi trả lời:
-Thưa Ðức Tổng, trong bản tuyên ngôn này không có tên hai vị Tổng Giám Mục Sài Gòn và Huế, tuy nhiên theo chỗ con biết thì các vị linh mục này đã dưạ vào tinh thần của Lá Thư Chung Của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam ngày 29 tháng 9 năm 1973 và Bản Tuyên Ngôn Của Hội Ðồng Giám Mục ngày 10 tháng 1 năm 1974. Cả hai vị Tổng Giám Mục cùng với tất cả các vị giám mục khác đều có ký tên vào trong hai bản văn này. Như vậy thì một cách gián tiếp, các vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Việt Nam coi như là đã đồng ý với tinh thần của bản tuyên ngôn của 301 vị linh mục?

Ðức Tổng hỏi lại tôi:
-Bây giờ tôi hỏi anh: Lá Thư Chung và Bản Tuyên Ngôn của Hội Ðồng Giám Mục có mang lại ảnh hưởng nào không?

Tôi trả lời:
-Thưa Ðức Tổng, cả hai bản văn này được phổ biến rất là hạn chế vì ít được báo chí đăng tãi, do đó có rất ít người biết đến, kể cả một số linh mục nổi tiếng như L.M. Hùynh Văn Nghi (sau này là giám mục) cũng không hề được biết. Tuy nhiên, có dư luận nói rằng việc Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cải tổ chính phủ, thay thế bốn vị tổng trưởng cũng như là giáng cấp một số sĩ quan cao cấp trong đó có cả hai vị tướng tư lệnh Vùng 4 và Vùng 2 gần đây, một phần là do hậu qủa của hai bản bản tuyên ngôn này. Như vậy thì hai bản tuyên ngôn của Hội Ðồng Giám Mục cũng đã mang lại kết qủa tốt vì cuộc cải tổ của Tổng Thống Thiệu, tuy chỉ là cải tổ nhỏ giọt, nhưng cũng được nhiều giới hoan nghênh.

Ðức Tổng hỏi tôi:
-Tôi biết anh rất tôn trọng nguyên tắc “phân quyền giưã nhà nước và giáo hội” nhưng trong trường hợp hai bản tuyên ngôn này, anh có nghĩ rằng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, trong đó có tôi, đã vi phạm vào nguyên tắc này hay không?

Tôi thưa:
-Thưa Ðức Tổng, ngày xưa con vẫn lớn tiếng chỉ trích Giám Mục Ngô Ðình Thục vì ông đã lạm dụng vị thế quốc trưởng của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm để làm những điều có lợi cho riêng cá nhân của ông. Ðức Tổng cũng biết người xưa thường nói “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Sau Hiệp Ðịnh Paris, tình trạng chính trị, kinh tế và nhất là quân sự càng ngày càng suy sụp tại miền Nam và do đó, tất cả mọi công dân đều phải có trách nhiệm nói lên tiếng nói của mình để chính quyền phải sưả sai những sai lầm, khuyết điểm ngõ hầu cải thiện chế độ để giữ nước và cứu nước. Con nghĩ rằng những bậc tu hành, dù thuộc bất cứ tôn giáo nào, trước hết họ cũng là công dân của nước Việt Nam Cộng Hoà và do đó họ có bổn phận phải nói lên tiếng nói của họ để cứu nước. Họ lên tiếng vì quyền lợi của đất nước, vì quyền lợi của toàn dân chứ không phải vì quyền lợi của cá nhân họ, do đó con không nghĩ rằng các vị giám mục và linh mục đã vi phạm vào nguyên tắc “phân quyền giưã nhà nước và giáo hội.”

Ðức Tổng Giám Mục kết luận:
-Tôi nghĩ rằng anh cũng cùng một chí hướng với tôi và rất cám ơn anh đã thông cảm với tôi trong hoàn cảnh khó xử này: dù là Tổng Giám Mục nhưng trước hết tôi là một người công dân Việt Nam. Tôi xin anh đọc lại đoạn kết lụân trong Lời Tuyên Bố trong buổi họp báo hồi tháng 6 năm 1974 để hiểu rõ hơn về lập trường của cá nhân tôi.”

Về sau tôi tìm đọc lại Bản Tuyên Ngôn của 301 vị linh mục ngày 18 tháng 6 năm 1974 tại Nhà Thờ Tân Sa Châu thì đoạn kết nguyên văn như sau:

...Hiến pháp Việt Nam Cộng Hoà đã long trọng công nhận khi ghi vào Ðiều I Khoản 2 như sau: “Chủ quyền Quốc gia thuộc về toàn dân.

“Mặc dầu thế, chúng tôi không muốn gây xáo trộn, bởi quốc gia đã chịu qúa nhiều xáo trộn. Chúng tôi chỉ muốn lên tiếng cảnh tỉnh vì sự sống còn của dân tộc để chính quyền kịp thời sửa sai, thay đổi hoàn toàn chính sách và nhân sự hầu tránh sụp đổ trước khi quá muộn. Nếu không chịu sửa sai để cho đất nước này lâm vào cảnh mạt vong thì chắc chắn Quân Dân không chịu cúi đầu cam chịu làm vật hy sinh mãi mãi cho một thiểu số tham nhũng không còn biết đến Dân Tộc và Tổ Quốc là gì nưã. Khi ấy, cùng tất biến, những gì phải xẩy ra sẽ xẩy ra, ngoài ý muốn của chúng tôi, bởi lẽ như Thánh Thomas d’Aquin đã nói:

“Chính Quyền Ðã Phản Nghịch!”

Sau lần đó, đến khoảng tháng 3 năm 1975, chỉ vài ngày sau khi Cộng sản tấn công Ban Mê Thuột, tôi nhận được điện thoại của Ðức Tổng Giám Mục mời tôi đến gặp ông. Ngài nói với tôi:
-Tôi muốn gặp anh vì tôi đang tìm mọi cách trở về Huế ngay. Ai cũng biết là chẳng sớm thì muộn, Cộng sản Bắc Việt sẽ tấn công vào Vùng I và trong trường hợp đó, chính anh trước đây cũng đã nói với tôi rằng chúng ta không đủ sức giữ Huế. Tôi phải trở về Huế trước khi thành phố này bị thất thủ vì như tôi đã nói với anh trước đây, tôi muốn cho giáo dân thấy rằng giáo hội luôn luôn ở bên cạnh họ, luôn luôn bảo vệ đời sống tinh thần của họ và luôn luôn chia xẻ với họ mọi nổi thống khổ của họ... Là người chủ chăn, tôi có nhiệm vụ phải thi hành sứ mạng mà Giáo Hội giao phó cho tôi, đó là sống chết với con chiên. Tôi muốn gặp anh là để từ giã một người bạn cũ đã từng quen biết nhau hơn mười mấy năm trời, người mà tôi đã dành nhiều cảm tình và sự qúy mến từ ngày còn ở Cần Thơ...

Tôi nhìn Ðức Cha Ðiền, nghẹn ngào vì xúc động. Một lúc sau, tôi ngập ngừng thưa với Ngài:
-Thưa Ðức Tổng, con muốn xin Ðức Tổng ban cho con một đặc ân.

Ngài nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên rồi hỏi lại:
-Xưa nay có bao giờ anh xin tôi một ân huệ nào đâu?

Tôi nhìn Ngài rồi nói:
-Con là người ngoại đạo nhưng muốn xin Ðức Tổng ban cho một ân huệ, đó là cho con được phép hôn nhẫn của Ðức Tổng!

Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền nhìn tôi thật lâu rồi đưa tay ra, tôi qùy xuống hôn lên chiếc nhẫn giám mục của Ngài lần đầu tiên trong đời. Tôi cố dằn cơn xúc động nhưng tự dưng mắt tôi rưng rưng và nghẹn ngào nói với Ngài:
-Thưa Ðức Tổng, được Ðức Tổng dành cho nhiều sự ưu ái trong bao nhiêu năm qua là một điều vô cùng vinh dự cho một người thầy giáo nhỏ bé ở xứ Cần Thơ xa xưa và con xin Ðức Tổng nhận nơi đây lòng biết ơn chân thành của con. Con chỉ biết cầu chúc cho Ðức Tổng được nhiều sức khoẻ và hồng ân của Thiên Chúa để hoàn thành sứ mạng của Giáo Hội giao phó trong những ngày khó khăn sắp tới...

Ðó là lần cuối tôi gặp Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền. Tôi viết bài này theo lời yêu cầu của một số bạn bè và cựu học sinh của tôi ở Cần Thơ vì tất cả chúng tôi, mọi người ai ai cũng đều kính mến vị giám mục tiên khởi của giáo phận Cần Thơ, một con người mà tất cả mọi người dân Cần Thơ không phân biệt tôn giáo đều yêu mến và kính trọng.

Tôi viết bài này với những hoài niệm vô cùng trân qúy về một thời xưa cũ cách đây đúng nửa thế kỷ, tình cờ may mắn được quen biết với một người “lao động” đạp xe ba bánh, một người “lao động” làm thợ hồ ở Tây Ðô rồi sau đó trở thành một vị giám mục, rồi tổng giám mục của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Ông đã sống trọn với châm ngôn của Dòng Tiểu Ðệ mà ông gọi là “Dòng hèn mọn”, đó là sự nghèo khó, sự thanh khiết và sự vâng lời.

Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền đã sống trọn cuộc đời với sự nghèo khó, sống với sự thanh khiết và sống với sự vâng lời đối với Giáo Hội.

Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền đã từ giã cõi đời trong sự nghèo khó, từ giã cõi đời trong sự thanh khiết của một bậc chân tu và đã từ giã cõi đời trong sự vâng lời và đã hoàn thành sứ mạng mà Giáo Hội đã giao phó: vị Chủ Chăn phải sống chết với Con Chiên.

Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền đã từng tuyên bố rằng “Là giám mục Công giáo, tôi không bao giờ chấp nhận chủ nghiã Cộng sản, nhưng người Cộng sản Việt Nam cũng là người anh em của tôi,” nhưng Cộng sản Việt Nam sau năm 1975 lại không xem Ngài là anh em, họ xem Ngài là kẻ “phản động” và hậu qủa là Ngài đã bị họ đầu độc chết tại Sài Gòn vào ngày 8 tháng 6 năm 1988.

Ngài đã được Ðức Giáo Hoàng John Paul II phong tặng danh hiệu “Vị Giám Mục Uy Dũng.”

Ðối với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Ðức Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền không những chỉ là một vị Giám Mục Uy Dũng mà còn là một vị Thánh Tử Ðạo.

Ðối với người Miền Nam, Ðức Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền lại là một vị Anh Hùng vì với tư cách là một công dân Việt Nam, Ngài đã không kể đến sự an nguy của bản thân khi dám công khai đứng lên chống lại bạo quyền Cộng sản để đòi hỏi cho toàn thể nhân dân Miền Nam Việt Nam có được quyền Tự Do Tín Ngưỡng và Quyền Làm Người.

California, Mùa Thu 2008
Trần Ðông Phong

Saturday, November 15, 2008

Kito Huu, nguoi duoc sai den the gian

Kitô hữu, người được sai đến thế gian
(Bài giảng của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh tại Nhà thờ Chính Toà Kontum, ngày 14.11.2008)

Anh chị em rất thân mến,

Dưới ánh sáng Lời Chúa hôm nay, tôi xin chia sẻ đôi điều.

1. Ơn gọi của kitô hữu: Sống chứng nhân Tin Mừng:

- Kitô hữu, người được sai đến thế gian (x. Bài đọc 3):

Qua Lời kinh hiến tế trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã thưa với Chúa Cha. “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha….” Là vị thiên sai, với tâm tình hiếu thảo, Chúa Giêsu thưa cùng Chúa Cha: “Như cha đã sai con đến trong thế gian, con cũng sai họ đến thế gian, để họ được sự thật thánh hiến và họ thánh hiến thế gian trong sự thật”.

Là thụ tạo bởi Thiên Chúa và thuộc về Thiên Chúa, người kitô hữu tiếp tục ở lại giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Ở giữa thế gian, dầu bị thế gian ghét bỏ với trăm ngàn gian nan thử thách, người kitô hữu có sứ mạng được sai đến thế gian đề thánh hiến thế gian thoát khỏi ác thần, thoát khỏi lầm lạc, gian dối và hưởng trọn vẹn hạnh phúc người con Chúa.

- Cùng cộng đồng dân Chúa:

Trứơc mặt anh chị em hiện có 12 tiến chức. Anh chị em có suy nghĩ gì không? Tôi xin chia sẻ tâm tình của tôi.

Mừng 100 năm thành lập Hội Yao Phu, mừng 160 năm cha ông dân tộc đón nhận Tin Mừng, thế mà hôm nay không có một tiến chức nào xuất thân từ các gia đình bản địa sắc tộc. Đối với tôi đây là một vấn đề nhức nhối!

Trong số 12 tiến chức thì đã có tới 8 tiến chức từ các giáo phận khác đến. Thật choáng váng! Chẳng lẽ chúng ta tự ru ngủ và an phận sao? Cánh đồng truyền giáo bao la, thợ thì ít. Chúng ta phải cầu xin và cần có những sáng kiến và quyết tâm. Gia đình Phanxicô Xaviê là một giải pháp cho vần đề ơn gọi này. Cần sự tham gia góp phần công sức, tiền của và cả những ngừơi con yêu quý. Đây phải là một trong các công tác ưu tiên và cấp bách hàng đầu của cả giáo phận: của gia đình và xứ đạo, của các cha và của các tu sĩ, của mọi đoàn thể trong gia đình giáo phận.

- Mẫu gương Gia đình Maccabê (x. Bài đọc 1):

Vâng gia đình Maccabê trong bài đọc 1 hôm nay là một tấm gương sống đạo tuyệt vời. Khổ đau và sự chết không giập tắt được niềm tin bất khuất vào tình thương và quyền năng Thiên Chúa. Bà mẹ Maccabê biết giáo dục con cái đi theo đúng con đừơng “chính đạo”. Đứng trứơc cái chết, chúng ta hãy nghe Bà dạy dỗ con cái của Bà: ”Con ơi, con hãy thuơng me: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ”. Bài giáo lý tuyệt vời. Lời tuyên tín hùng hồn, mạnh mẽ, dứt khoát!

Là phận nữ mỏng dòn, là con trẻ dòn thơ dại, bà Maccabê và các con của bà đã sống hùng, sống mạnh, sống thánh như thế trước mọi tra tấn và cả cái chết. Nhờ đâu? Nhờ quyền năng Thiên Chúa (x.Bài đọc 2)? Chúng ta hãy nghe Thánh Phaolô quả quyết:

“Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai sẽ chống lại được chúng ta?...Nhưng trong mọi thử thách, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,31b-39).

Xin Chúa ban cho các bà mẹ, các ngừơi cha biết giáo dục đào tạo các con cháu như Bà Mẹ Maccabê hôm nay.

2. Với các Yao Phu: Gương sống của anh chị em Yao Phu:

Anh chị em Yao Phu thân mến, cùng anh chị em, cả giáo phận dâng lời cảm tạ và tôn vinh Chúa.

* Cảm tạ và tôn vinh Chúa, vì Chúa đã thương ban cho Giáo Phận Kontum Hội Yao Phu suốt 100 năm qua. Hội Yao Phu là kiệt tác của Chúa Thánh Thần. Hội Yao Phu là kho báu độc đáo của Giáo Phận Kontum. Lịch sử 100 năm là những năm tháng anh chị em sống trọn vẹn cuộc đời tin yêu. Tạ ơn Chúa qua bao thăng trầm của lịch sử, anh chị em vẫn kiên vững trong đức tin và hăng say nhiệt thành phục vụ cộng đoàn dân Chúa. Hình ảnh sống đạo kiên vững của Gia đình Maccabê chúng ta nghe thuật lại trong Bài đọc 1 hôm nay mãi mãi là tấm gương phản chiếu đời sống nhiều gia đình anh chị em yao phu trong quá khứ.

* Cảm tạ & tôn vinh Chúa, vì Chúa đã cho chúng tá một năm thánh với bao hồng ân Chúa ban; một năm tĩnh tâm, bồi dưỡng sau bao năm đói lời Chúa, đói lời dạy của Mẹ Hội Thánh; một năm để nhìn lại quãng đừơng đi qua và thêm xác tín vào tình thương vô biên của Chúa. Ngài là chủ lịch sử. Ngài có cách chăm lo của Ngài.

Và ngày lễ bế mạc Năm Thánh Yao Phu hôm nay được coi như là khởi đầu một giai đoạn sống đạo mới, giai đoạn truyền đạo mới với những quyết tâm mới.

* Quyết tâm sống gương mẫu người Yao Phu trong gia đình, nơi cộng đoàn, khắp mọi nơi. Cách riêng quyết tâm từ bỏ “tệ nạn say sưa” bấy lâu nay đã làm khổ gia đình và cộng đoàn cùng xã hội.

* Quyết tâm cùng Linh mục quản nhiệm chăm lo cho cộng đoàn được nuôi dưỡng dồi dào Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh.

* Quyết tâm lo cho các con em trong gia đình và cộng đoàn được học hành đến nơi đến chốn không? Học đạo học đời để trở thành người có đời sống hài hòa tốt đẹp cả đời lẫn đạo. Từ đó sẽ có nhiều con em được hướng dẫn và đào tạo trở thành tông đồ, trở thành linh mục tu sĩ thừa sai lo cho công cuộc truyền giáo.

3. Còn các tiến chức:

Còn các tiến chức, các con thân mến. Cám ơn các con đã hang say chọn mảnh đất truyền giáo Tây Nguyên làm noi phục vụ. Cám ơn gia đình các con đã hy sinh dâng hiến các con cho Giáo hội tại Kontum này. Giờ phút long trọng này, Cha nh?c l?i v?i các con

4. Điều Cần Nhớ:

1. Một nhớ: “Hãy nhớ tôi là một con người”. Một con ngừơi mỏng dòn yếu đuối, giới hạn, luôn cần được tôi luyện liên tục theo con đường nên trọn lành để thành người trưởng thành, biết sống hài hòa với mọi người và để phục vụ mọi người.

2. Hai nhớ: Con đừơng nên trọn lành chính là con đường thơ ấu của Hài Nhi Giêsu, con đừơng khó nghèo của Tin Mừng. Hãy cố giữ nếp sống giản đị nhất có thể, nhẹ nhàng nhất có thể, để dễ dàng “trở nên ngừơi của mọi người

3. Ba nhớ: “Tôi là người của Thiên Chúa”. Là ngừơi của Thiên Chúa, nên luôn bám theo Chúa, sống theo Lời Chúa d?y qua Hội Thánh. Hãy để Chúa làm chủ đời sống của mình. Đặc biệt qua đời sống cân đối hài hòa giữa ba chiều kích truyền giáo, phụng tự và bác ái xã hội để.

4. Bốn nhớ: “Tôi là linh mục trên mảnh đất truyền giáo”. Truyền giáo là Bản chất của Đạo, Bản chất của Giáo Hội, Bản chất đời sống đạo. Lại càng là bản chất đời sống linh mục. Lòng hăng say truyền giáo phải nung đốt ngày sống các con. Cần cảm nhận: “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng”. Loan báo Tin Mừng là công việc cấp bách và ưu tiên tuyệt đối trong cuộc đời linh mục các con. Tinh thần truyền giáo phải chi phối tất cả ngày sống và đòi hỏi phải sắp xếp mọi sinh hoạt theo bậc thang ưu tiên tuyệt đối này. Mất tinh thần truyền giáo, cuộc đời linh mục sẽ “thu về mình”, sớm bị chai lì và mất sức sống. Cao điểm của đời sống truyền giáo là bác ái yêu thương!

* Lời kết. Xin Chúa thương đón nhận những tâm tình cảm tạ và tôn vinh của gia đình giáo phận. Xin Chúa thương ban cho mọi thành phần trong giáo phận hăng say tiếp bứơc chân loan báo Tin Mừng của cha ông. Và xin Chúa thương ban cho giáo phận thêm nhiều ơn gọi linh mục, tu sĩ, yao phu và tông đồ giáo dân.

+ GM Micae Hoàng Đức Oanh

Tuesday, November 11, 2008

Thu cua duc TGM Ngo Quang Kiet keu goi giup do nan nhan lu lut mien Bac

TÒA TỔNG GIÁM MỤC
40, Nhà Chung – HÀ NỘI
Hà nội, ngày 6 tháng 11 năm 2008

Thư Chung Của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt

- Gửi các Linh mục, Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh
- Và Anh chị em Giáo dân Tổng Giáo phận Hà nội
- Kêu gọi giúp đỡ nạn nhân lũ lụt miền Bắc

Anh chị em thân mến,

Từ một tuần qua, mưa lớn kéo dài đã gây nên ngập lụt trong nhiều tỉnh phía Bắc, đặc biệt tại thủ đô Hà nội. Số người thiệt mạng đã lên đến con số kỷ lục trong một đợt mưa, 79 người. Trong số đó có chị Mađalêna Hân, 33 tuổi, giáo dân của giáo xứ Đồng Chiêm, huyện Mỹ đức, mới được sát nhập vào thành phố Hà nội.

Chúng tôi đã đi thăm những nơi ngập sâu và thấy tại thành phố có nhiều nhà cửa và đồ đạc bị hư hỏng, tại miền quê nhiều hoa mầu mất trắng. Chắc chắn sự thiệt hại là rất lớn. Và để khắc phục những hậu quả sẽ còn tốn kém nhiều hơn nữa.

Vì thế xin Quý Cha hãy nhanh chóng tổ chức quyên góp trong các giáo xứ. Xin anh chị em hãy rộng tay đóng góp để trợ giúp các nạn nhân vượt qua khó khăn về tinh thần cũng như vật chất. Chắc chắn trận lụt có ảnh hưởng tới mọi người chúng ta, nhất là trong tình hình kinh tế hiện nay. Nhưng trong tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát, anh chị em hãy quảng đại thể hiện đức bác ái của Chúa, tình tương thân tương ái của nhân loại và nghĩa đồng bào của dân tộc trong dịp này.

Ngoài ra, tại các địa phương, anh chị em hãy tích cực tham gia công tác phòng chống lũ lụt, hộ đê, cứu người. Với sự chung tay góp sức của mọi người, chúng ta mới có thể ngăn chặn được tai họa, không để tổn thất thêm về tài sản và nhất là về nhân mạng nữa.

Tôi gửi lời thăm hỏi ân cần tới những gia đình có người thiệt mạng, có tài sản bị hư hại. Xin Chúa chúc phúc cho anh chị em vì có tấm lòng quảng đại biết cảm thương và chia sẻ với tha nhân trong cơn hoạn nạn.

Mọi sự đóng góp giúp đỡ nạn nhân lũ lụt, xin gửi về theo địa chỉ sau:

1. Tòa Tổng Giám mục Hà nội
Số 40 phố Nhà Chung – Hà nội
Đt: (84-43) 8254424
Fax: (84-43) 9285073
Email: ttgmhn@gmail.com
(Địa chỉ email này đang được bảo vệ khỏi chương trình thư rác,
bạn cần bật Javascript để xem nó)

2. Hoặc theo tài khoản ngân hàng:
ASIA COMMERCIAL BANK
Address: 184-186 Ba trieu str. Hai Ba Trung – Hanoi
SWIFT code: ASCB VNVX Account: Rev. Nguyen xuan Thuy
Address: Toa Tong Giam muc – 40 pho Nha Chung – Hanoi
Số tài khoản (account):
- USD: 2863599
- VND: 2815449
- EUR: 23711899

Khi gửi giúp đỡ, xin ghi chú: Tiền giúp đỡ nạn nhân lũ lụt

+Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt


Saturday, November 1, 2008

“No Catholic Can in Good Conscience Vote for Obama.”

From http://www.catholic.org/politics/story.php?id=30221
Bishop Rene H. Gracida has released a stunningly clear radio ad concerning Catholics voting for Barack Obama.

He boldly states:

"This is Bishop Rene H. Gracida, reminding all Catholics that they must vote in this election with an informed conscience. A Catholic cannot be said to have voted in this election with a good conscience if they have voted for a pro-abortion candidate. Barack Hussein Obama is a pro-abortion candidate."

Bishop Gracida recorded the radio spot in English and Spanish; it can be heard at www.randallterry.com.

Muon Duoc Phong Thanh Nhung Lai Ngai Lam Thanh

Muốn được phong thánh nhưng lại ngại làm thánh

Hằng năm cứ tháng 11 lại về Mẹ Hội Thánh dẫn đoàn con sống mầu nhiệm hiệp thông. Đây là một tín điều trong bản tuyên xưng đức tin Công giáo hay còn gọi là “kinh Tin Kính”: Tôi tin các thánh thông công. Các tín hữu đã qua đời trong ơn nghĩa Chúa và các tín hữu đang còn lữ thứ trần gian luôn hiệp thông với nhau trong cùng một sự sống thần linh và có thể chuyển thông công nghiệp cho nhau. Trong số các tín hữu đã qua đời trong ơn nghĩa Chúa có một số đông các vị đã được Hội Thánh tuyên phong hiển thánh. Là tín hữu, chúng ta buộc nhìn nhận các Ngài đã được hưởng kiến nhan thánh Chúa cách trọn hảo, nghĩa là đã được hưởng hạnh phúc viên mãn “trên trời”.

Trong Cựu ước, từ “thánh” được dùng để chỉ những người được tuyển chọn, được tách riêng ra để thi hành sứ mạng Chúa giao phó. Trong Tân ước, từ ngữ này được dùng để chỉ các Kitô hữu (x. Cv 9,13; 31-41; 1 Cr 1,1; Rm 16,2). Các Kitô hữu được gọi là các thánh vì họ được Thiên Chúa tuyển chọn. Nhờ ân sủng Chúa Thánh Thần, họ được tham dự vào chính sự thánh thiện của Thiên Chúa, làm nên dân tộc thánh thiện. Họ được mời gọi dùng chính bản thân con người và đời sống mình làm thành hy lễ thánh thiện hiến dâng Thiên Chúa (x. Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh hạn từ “Các Thánh”). Dần dà về sau, có phải Kitô hữu nhận thấy sự thật này là dù đã được chết đi cho con người cũ và sống lại với Chúa Kitô trong sự sống mới thì cuộc sống của họ dường như ít đổi thay, và cũng có thể có không ít người không vượt qua được cám dỗ “ngựa quen đường cũ”, mà hai từ các thánh chỉ dành riêng cho những người có lối sống trổi vượt về đức hạnh ? Trong số những người có đời sống đạo hạnh thì càng về sau người ta lại chỉ dành chữ “thánh” cho những ai đã qua đời. Đã một thời Hội Thánh lại thận trọng tuyên phong hiển thánh cho một ai đó khi mà những người đương thời với vị ấy đang còn sống. Phải chăng chuyện “nhân bất thập toàn” là một rào cản tâm lý ?

Tâm lý muốn được “phong thánh”: tâm lý thường tình

Là người, là Kitô hữu, sự thường ai cũng có cám dỗ muốn được người khác nhìn nhận phẩm giá của mình. Một chước cám dỗ tự nó không phải là xấu. Xuất hiện ở đời này, theo năm tháng khi trí khôn phát triển, con người dần khám phá bản thân và tự ý thức về sự hiện hữu của mình. Khi biết được đây là tôi, thì tôi lại muốn tha nhân nhìn nhận đây chính là tôi. Khi người khác nhìn nhận đây là tôi thì vẫn chưa đủ. Tôi còn muốn tha nhân công nhận tôi là thế này, tôi là thế kia theo những tiêu chí mà xã hội mỗi thời trân trọng. Có lẽ thưở sơ khai thì con người thích chứng tỏ mình “mạnh” hơn. Mình mạnh hơn nghĩa là mình xứng đáng có quyền làm đầu với sức mạnh của cơ bắp. Xã hội phát triển dần lên thì con người muốn chứng tỏ mình là có tài hơn, khôn ngoan hơn. Lúc này con người muốn đứng trên kẻ khác bằng tài năng, bằng trí khôn của mình. Cám dỗ muốn chứng tỏ mình đạo đức hơn xem ra tinh tế và đáp ứng được khát vọng của nhiều người hơn. Dù tôi không được khôn ngoan, dù tôi kém tài hay yếu sức nhưng tôi rất có thể sống đàng hoàng, đức hạnh hơn ai đó. Và thế là cũng có cái để hơn người. Quả thật, người ta thường nể sợ những người mạnh sức, thông minh, lắm tài nhưng người ta lại mến mộ người đạo hạnh cho dù họ ở cương vị nào, thân phận ra sao. Mong ước được phong thánh nghĩa là muốn được nhìn nhận phẩm hạnh của mình là một ước mong chính đáng và tốt đẹp. Đây là một trong những nét trổi vượt của con người so với các loài thọ tạo hữu hình khác. Trong điều kiện bình thường, môi trường bình thường thì con người luôn có đó khát vọng vươn lên.

Sợ phải làm thánh: chuyện bình thường kiếp người

Trong khi vẫn muốn sống tốt hơn, đạo đức hơn thì con người lại bị một sức ì, một lực cản cầm giữ. Thánh Phaolô cảm nghiệm nơi bản thân Ngài: “Những điều tôi muốn thì tôi không làm, còn những điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,15). Truyền thống gọi tình trạng này là hậu quả của nguyên tội. Nói đến nguyên tội, Kitô hữu trước đây rất dễ đón nhận nội dung giáo lý, đặc biệt được thánh Augustinô triển khai cách tượng hình. Với sự tiến bộ của các ngành khoa học lẫn thần học thánh kinh thì cách trình bày nội dung tội nguyên tổ như trước đây hình như thiếu tính thuyết phục. Tuy nhiên chúng ta khó chối bỏ cái thực tế trong kiếp người như thánh Phaolô thú nhận: “Tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa, nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể của tôi” (Rm 7,21-23).

Xu hướng vị kỷ một cách nào đó đang tồn tại trong mỗi người chúng ta. Nó biểu lộ dưới dạng này hay dạng khác thì đều có điểm chung là “có lợi cho mình”. Xét theo khía cạnh tiêu cực thì càng ít điều thiệt cho mình càng tốt. Bên cạnh đó còn vương cái tâm lý ngại hy sinh, sợ gặp sự khó, điều không hay, không may. Xu hướng vị kỷ này còn cám dỗ ta muốn sống yên phận. Người ta sao thì mình vậy. Sống khác người làm chi cho thiệt thân. An mình trong đám đông là một cách thế khôn ngoan đấy chứ. Cái xu hướng này không ít thì nhiều cũng có trong đời sống Kitô hữu chúng ta. Là Giám mục, miễn sao như chư huynh anh em là được. Là linh mục, cứ bình bình như “các cha” là ổn. Là tu sĩ nam nữ, thật hiếm thấy nhiều người dám lội dòng nước ngược như Phanxicô khó khăn, như Gioan Thánh Giá…, hay gần đây như mẹ Têrêxa thành Calcuttta. Là tín hữu giáo dân, miễn sao được lãnh nhận các Bí tích là đủ rồi. Cái lý do thường được viện dẫn quả có tình có lý. Mình có hơn gì ai. Một con én không làm nên mùa xuân. Không nên làm nổi, chơi trội khác người. Nếu không được gì hoặc giả có sơ suất nào thì tiếng tăm khó mà che được.

Tuy nhiên, rà soát sâu xa tận đáy lòng thì chúng ta có thể nhận ra chước cám dỗ này là ta ngại phải sống tốt hơn. Muốn được phong thánh thì cũng muốn mà lại sợ phải sống thánh thiện hơn. Chỉ cần vào được thiên đàng là đủ hay ít ra có một chỗ trong luyện ngục là chắc ăn. Đến đây thì ta mới thấy cái xu hướng vị kỷ hiện rõ mặt thật. Có người còn hiện sinh hơn dựa vào câu nói của Pascal: “con người không phải là súc vật cũng không phải là thiên thần. Khi nó muốn trở nên thiên thần thì sẽ rơi xuống hàng súc vật”. Phải chăng, lắm khi muốn trở thành thánh thì ta trở nên ác quỷ ? Cũng có thể có nhiều trường hợp ấy chứ. Ma quỷ tinh tế lắm. Cám dỗ một ai đó để họ tưởng rằng mình phải là thánh là chước cám dỗ xảo quyệt nhất. Tổ tiên loài người đã không từng ngã gục trước chước cám dỗ đó sao. Không gì hơn, hãy biết “khiêm nhu” bằng lòng với cái tầm sống chung chung của thiên hạ. Vấn nạn thật nan giải. Nhưng chúng ta đừng quên là Đức Giêsu đã từng mời gọi mọi chúng ta: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48). Không dám giải quyết vấn nạn cách kín lẽ, nhưng để tiếp cận vấn đề thì không gì hơn, chúng ta cần nhìn lại chân dung của những người mà Hội Thánh đã tuyên phong hiển thánh.

Các thánh là những ai ?

Câu hỏi này không muốn được trả lời bằng liệt kê một chuỗi danh sách, tên tuổi những người đã được hiển thánh, nhưng muốn chúng ta truy tìm chân dung các vị ấy. Dựa vào gợi ý của Hội Thánh qua các bài đọc trong Thánh Lễ kính các Thánh nam nữ (ngày 01-11), chúng ta thử sơ phác diện mạo các Ngài.

- Các thánh là một tập hợp “rất rất nhiều người”, đếm không xuể.

Tác giả sách Khải Huyền trong thị kiến đã thấy “đoàn người thật đông không tài nào đếm được, thuộc mọi nước, mọi dân, mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ” (Kh 7,9). Riêng số con dân Israel thì cũng đã là vô số. Ngài đưa ra con số biểu trưng: 144.000 người. Tức là cả ngàn lần của bình phương số 12 (12 x 12 x 1000 = 144.000). Số người đông không đếm xuể mà tác giả sách Khải Huyền đưa ra chắc hẳn không chỉ là lời động viên mà còn là lời xác nhận rằng ai cũng có thể làm thánh được. Không phải tôi muốn làm thánh là khác người nhưng trong khi có vô số người đã làm thánh, còn tôi thì ngại làm thánh mới là khác người.

- Các thánh vốn là những tội nhân.

“Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (c.14). Chiếc áo tâm hồn vương bẩn nghĩa là đã nhiễm tội. Họ không chỉ giặt mà còn phải tẩy chiếc áo tâm hồn trong máu Đấng cứu độ nghĩa là tâm hồn các Ngài không chỉ bẩn sơ sơ mà bẩn ghê lắm. “Không một thánh nhân nào mà không có một quá khứ, vì thế không có tội nhân nào lại không có một tương lai” (Têrêxa). Làm thánh không có nghĩa là không có tội. Thánh nhân cũng là những người yếu đuối và nhiều lầm lỗi như ta. Nhìn lên thập giá để nhớ lại năm xưa trên đỉnh đồi Canvê, người tử tội bị treo bên phải Chúa Giêsu, chính anh ta đã tự thú nhận tội lỗi anh ta xứng đáng với cái án hình nhục nhã là thập giá, thế mà anh ta đã là một trong những thánh nhân, một thánh nhân được đích thân Chúa Giêsu tuyên phong. Yếu đuối, lỗi lầm không phải là những yếu tố ngăn cản ta, không cho ta nên thánh.

- Chính Máu châu báu của Đức Kitô làm cho ta nên thanh sạch, nên thánh.

“Này là Máu Thầy, Máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu, đổ ra cho anh em và muôn người được tha tội” (x. Mt 26,28). Quả thật “trong Thánh Tử, nhờ Máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu độ, được thứ tha tội lỗi” (Ep 1,7). Chính tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ rõ nét qua Trái Tim bị đâm thâu của Đức Kitô mới làm cho chúng ta nên thanh sạch, nên thánh thiện, vô tì tích. Tuy nhiên Thánh giáo phụ Augustinô khẳng định: “Thiên Chúa có thể dựng nên tôi, không cần có tôi. Nhưng Người không thể cứu tôi mà không có tôi”. Đối với Thiên Chúa thì không có sự gì là không thể (Mc 10, 27). Thiên Chúa có thể làm được mọi sự, nhưng Người đã ban cho loài người một trong những hồng ân cao cả là sự tự do. Chính vì thế để cứu độ con người, Thiên Chúa cần đến sự cộng tác, sự đáp trả của con người. Thánh Gioan Tông đồ trong thư thứ nhất hé mở cho chúng ta về sự đáp trả ấy. “Phàm ai đặt hy vọng vào Đức Kitô thì làm cho mình nên thanh sạch như Người là Đấng thanh sạch” (1 Ga 3,3).

- Con đường nên thánh: tin cậy vào Đức Kitô.

Đến thế gian, Chúa Kitô thường mời gọi những nguời muốn nhận ơn lành của Người hãy tin vào Người. “Đức tin của con đã cứu chữa con; Bà tin sao thì được vậy; Anh có tin không ?...” Chúng ta vốn quen thuộc những kiểu nói này của Chúa Giêsu đến nỗi ta phải khẳng định rằng cách bình thường thì đó như là điều kiện tiên quyết để đón nhận ơn lành của Người. Thánh Phaolô Tông đồ trong hai thư gửi giáo đoàn Rôma và Galata đã nỗ lực minh chứng rằng chúng ta được nên công chính là nhờ tin vào Đức Kitô chứ không do bởi công nghiệp chúng ta. Quả thật, với hồng phúc được công chính hoá thì mọi cố gắng dù lớn lao đi mấy của chúng ta cũng không thể sánh bì. Hơn nữa giả như làm bản so sánh giữa công và tội thì được mấy ai có phần công nghiệp lớn hơn tội lỗi mà mình đã phạm. Tuy nhiên, đặt sự hy vọng hay niềm tin cậy vào Đức Kitô không phải là một tình cảm, cũng không chỉ là một quyết định một lần nhưng là một quá trình dõi theo con đường Đức Kitô đã đi, đó là con đường sống đức ái. Tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi (x. 1 Pr 4,8). Và sống Đức Ái là chu toàn mọi lề luật (x. Rm 13,10).

- Những nẻo đường nên thánh: theo chân Đức Kitô sống Đức Ái bằng “Tám mối phúc thật”.

Trong Thánh Lễ kính các Thánh nam nữ, Hội Thánh cho chúng ta nghe bài Tin mừng tường thuật việc Chúa Giêsu long trọng tuyên bố bản hiến chương Nước Trời là tám mối phúc thật. Tám mối phúc thực ra đó là những nẻo đường Đức Kitô đã đi khi Người nhập thể, nhập thế. Khó nghèo, hiền lành, khát khao sự công chính, xây dựng hoà bình… là những nẻo đường sống đức ái, đức trọn lành. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Đức Kitô (x. Ga 14,6). Để được làm công dân Nước Trời, nghĩa là để được làm thánh thì không thể không đi những nẻo đường Đức Kitô đã đi. Thế nhưng thử hỏi được có mấy ai đã đi qua đủ những nẻo đường ấy. Nhìn vào các Thánh mà Hội Thánh đã tuyên phong thì mỗi thánh mỗi vẻ, mỗi thánh mỗi con đường theo chân Giêsu. Cuộc đời của các thánh cho ta thấy các Ngài đã chọn một nẻo đường nào đó đặc biệt hơn để theo Đức Kitô. Thánh Phanxicô khó khăn chọn con đường khó nghèo để theo Thầy chí thánh. Thánh Vinh Sơn đệ Phaolô thì chọn con đường “biết xót thương người”. Các thánh tử đạo thì chọn con đường bị bách hại vì lẽ công chính. Và rồi cũng có những vị thánh mà cuộc sống không rõ nét là nẻo đường nào. Phải chăng ngoài tám nẻo đường chính thì vẫn có đó những con đường nhỏ tạm gọi là đường mòn, lối đi phụ ?

Theo cái nhìn của Kinh Dịch: Thái Cực sinh Lưỡng Nghi (âm – dương); Luỡng Nghi sinh Tứ Tượng (thái âm, thiếu âm; thái dương, thiếu dương); Tứ Tượng sinh Bát Quái (càn, khôn, ly, khảm, chấn, đoái, tốn, cấn); Và Bát Quái sinh muôn vật. Phải chăng sự giao thoa giữa Bát Phúc sẽ làm nên nhiều nhiều cái phúc khác ? Như thế, để theo chân Giêsu thì có muôn vạn nẻo đường ? Nhìn lên thập giá, nhớ lại đồi Canvê năm xưa, hướng nhìn lên người tử tội bên phải Chúa Giêsu, chúng ta thử hỏi rằng anh ta đã chọn con đường nào để vào Nước Trời ? Anh đã đến đích ngay hôm ấy. “Tôi bảo thật với anh: ngay hôm nay, anh sẽ ở trên Thiên đàng với Tôi” (Lc 23,43).

Những tiêu chí đê kiểm nghiệm hướng đến của các con đường.

Tuy nhiên, đường này hay nẻo kia, để kiểm nghiệm xem có thực chúng hướng đến lối đi của Đấng cứu độ hay không thì cần có tiêu chí xem xét. Có thể có nhiều tiêu chí, nhưng xin đề ra hai tiêu chí mà Tin Mừng hay lặp đi lặp lại. Trước hết là sự bỏ mình. Đường vào thiên quốc là “con đường hẹp” (Mt 7,13-14), là con đường “vác thập giá mình” (Mc 8,34-38). Thứ đến là một tấm lòng hướng tha, biết nghĩ đến thiện ích của người khác. Hãy về và làm như “người Samaritanô nhân hậu” thì sẽ được sự sống đời đời. (x. Lc 10,25-37). Dụ ngôn ngày cánh chung trong Mt 25 làm rõ tiêu chí này. Người tử tội bị treo bên phải Chúa Giêsu năm xưa khi tự nhận lỗi mình đã phạm thì anh ta cũng đã bỏ mình cách nào đó và anh ta cũng đã có chút tình với Chúa Giêsu khi anh ta trách sửa người đồng phạm: “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng vì xứng với việc đã làm. Còn Ngài đây đâu có làm điều gì sai trái” (Lc 23,41).

Với ân sủng Chúa ban, thì đường nên thánh quả là đã ở trong tầm tay của mỗi người. Vấn đề còn lại là ở chúng ta. Mong sao ta biết bỏ mình đi một chút để hướng về thiện ích của tha nhân. Sống thánh là thế đó. Quả thật, vừa dễ lại vừa khó. Để kết thúc những chia sẻ này, xin mượn lời người xưa: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi, e sông” (Nguyễn Bá Học). Làm thánh không khó, nhưng bạn, tôi, chúng ta vẫn đang ngại làm thánh !

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa