Saturday, November 22, 2008

Tu Dao Thoi Nay


Tử đạo thời nay

Chúa là ưu tiên một.

Tử đạo là các thánh đã đặt và chọn Chúa Giêsu là ưu tiên nhất. Do đó, khi phải chọn giữa của cải, danh vọng và ngay cả mạng sống, các ngài đã chọn Chúa.

Sự lựa chọn này phản ảnh một tình yêu và một niềm phó thác trọn vẹn vào Chúa.

Tử đạo theo tiến trình xưa -và để Giáo hội tuyên dương hiển thánh hoặc chân phước (mà thường gọi là phong thánh)- không phải là kết quả của một biến cố nhưng là một tiến trình. Tiến trình có thể kéo dài vài tháng hoặc vài năm.

Do đó, nhiều người sau thời gian đổi đời -và ngay bây giờ- ước ao rằng giá mà bỗng dưng quân cấm đạo, hoặc kẻ thù, bước chân vào nhà thờ, bắt mình đứng trước bàn thờ rồi hỏi: "Có bỏ đạo không? Nếu không sẽ bị bắn. Mình nhất định tuyên xưng đạo, nó bắn. Mình nên thánh." Sau đó mình làm thánh. Nếu như vậy, có thể được gọi là tử vì đạo thôi, chứ không chắc được "phong thánh" đâu.

Dằn vặt của lương tâm

Trong tiến trình tử đạo, các thánh nhân cha ông của chúng ta có đau khổ không? Có. Như Chúa chịu đau khổ trong tiến trình cứu chuộc. Nhưng trong đau khổ, các ngài tìm thấy và nhận được an bình.

Những dằn vặt này không chỉ là sự lựa chọn giữa thiện và ác, chân lý và sai lầm, nhưng còn là dằn vặt giữa hai điều thiện hảo. Nhiều lần, gia đình, nhất là vợ dại con thơ - cả nhà chỉ trông vào sự hướng dẫn và nuôi nấng của các ngài- đến tìm gặp cha, gặp chồng, xin các ngài thương gia đình, nhất là thương đàn con còn nhỏ dại, xin các ngài "tạm" làm ra bộ bỏ đạo; nhưng các ngài vẫn không thể lừa dối lương tâm. Đã có lần -nhiều lần- các ngài chối đạo về với gia đình, rồi lại tuyên xưng, rồi lại chối đạo, rồi lại tuyên xưng.

Dằn vặt lương tâm quả là không dễ dàng.

Phải chăng thực sự Thiên Chúa cần đến sự tuyên xưng của các ngài? Phải chăng Thiên Chúa muốn và cần con cái mình chết? Tệ hơn nữa, trong nhiều trường hợp, các ngài bị đồng hoá với quân phản loạn, với người bội bạc cùng tổ tiên, cùng truyền thống cha ông. Theo Kitô giáo là từ bỏ dòng tộc, từ bỏ Đạo Hiếu.

Lựa chọn của lương tâm quả thực khó khăn.

Nhưng các ngài đã chấp nhận Thiên Chúa là ưu tiên một và duy nhất. Các ngài đã vâng theo lời dậy dỗ của thánh kinh "Ai công khai tuyên tín rằng họ thuộc về Ta, Ta sẽ cũng làm như vậy trước mặt Cha Ta trên Trời. Nhưng ai chối bỏ Ta, Ta sẽ chối bỏ trước mặt Cha Ta trên Trời." (Mt. 10: 32-33)

Các ngài có ham sống không? Có. Nhưng khi ham sống, vẫn nhớ đến Chúa và đời sau. Chúng ta gọi là phó thác.

Các ngài có sợ không? Có. Nhưng trong cái sợ vẫn có niềm tin. Chính Chúa trong vườn cây dầu, trước giờ tử nạn, đã than thở: "Linh hồn Thầy lo buồn đến nỗi chết" (Mt 26: 38). Cho nên, nếu cảm nhận đau khổ, sợ hãi, thấy mất mát mà chấp nhận tử đạo, mới thực là hy sinh.

Chính trong an bình, phó thác và tin tưởng mà các ngài bằng lòng chịu tử đạo.

Sự chấp nhận tử đạo của các ngài phát xuất tự tâm với lòng thành thật. Các ngài không sống đạo tại tâm, nhưng sống đạo từ tâm với các tuyên xưng minh nhiên. Nhiều người khuyên các ngài giả vờ bước chân qua vòng tròn nhưng nói là thập giá, hoặc nhắm mắt như "vô tình" bước qua thập giá, hoặc đồng ý để quan nói là đã bước qua thập giá, nhưng thực tế thì không. Các ngài đã không bao giờ chấp nhận.

Đôi khi có người thắc mắc. Đời sống các ngài có bị cám dỗ không?

Có bị cám dỗ không?

Nghe đọc tiểu sử, hình như các ngài không bị, hoặc ít bị cám dỗ. Hình như các ngài luôn chăm chú đọc kinh cầu nguyện. Mà nếu thường xuyên đọc kinh cầu nguyện thì sẽ ít bị cám dỗ. Thánh trẻ Trần văn Thiện, dù còn nhỏ sắp vào tiểu chủng viện, đã có lòng đạo đức đặc biệt. Cậu siêng năng đi lễ và giúp việc nhà thờ. Được quan khuyến dụ cho ăn học thành tài làm quan, cậu vẫn từ chối. Lịch sử kể lại cha Dũng Lạc luôn ăn chay các ngày thứ tư và thứ sáu (còn chúng ta ăn chay một năm có 2 ngày đã thấy khó). Khi bị bắt, bổn đạo thương Ngài và xin đóng góp để giúp ngài thoát cảnh tù tội. Họ lý luận "nếu cha còn sống, thì sẽ giúp ích chúng con hơn. Ngài nói:

- Đây là lần thứ 3 tôi bị bắt, đúng là ý Chúa. Đừng mất tiền chuộc tôi làm gì.

Ngay quan huyện cũng khâm phục sự thông minh và can đảm của ngài, muốn cứu, nên nói

- Thầy còn trẻ, sao chịu chết? Hãy nhắm mắt bước qua thánh giá hoặc để lính của ta khiêng qua thánh giá, ta sẽ tha cho.

Ngài cám ơn lòng tốt của quan nhưng không đồng ý.

Còn thánh Lê văn Phụng là gương mẫu sáng ngời của gia trưởng một gia đình đạo hạnh với 9 người con. Gia đình giầu có, ngài không những xây nhà thờ cho họ đạo, nhà dòng cho các Sơ mà còn không quản ngại chính mình làm các việc lành bác ái. Ngài nổi tiếng khắp lành không chỉ vì đời sống đạo đức mà nhất là vì thực thi lòng từ thiện. Mười bốn mối phúc thật là kim chỉ nam đời sống. Là ông trùm họ, ngài khuyến khích giáo hữu vững lòng tin vào đạo Chúa và khuyên nhủ mọi người giúp đỡ lẫn nhau. Khi sắp bị tử hình, ngài cho người cháu gái thánh giá đang đeo và dặn dò:

"Ong cho cháu thánh giá này, còn quý hơn vàng bạc. Cháu hãy luôn đeo trên cổ và nhớ đến Chúa."

Trên thực tế, là người, các ngài cũng chịu và cũng có những cám dỗ như chúng ta. Thánh Huy, khi làm lính, thường xuyên xa nhà, đã có vợ hai. Quan tỉnh và lính tráng chế diễu:

"Người ta đạo đức, tốt lành cho nên mới muốn tử vì đạo, còn nhà ngươi thuộc vào loại 'vợ cả vợ hai, hai vợ đều là vợ cả', vậy mà muốn tử đạo à?"

Ngài thẳng thắn trả lời:

"Tôi sai lỗi và tôi hối lỗi. Chúa tha tôi và Chúa thương tôi."

Nhiều vị sống tinh thần hài hước tế nhị. Khi con gái đến thăm và thương mẹ vì những vết máu, mủ, bầm đọng trên áo, Thánh Anê Lê thị Thành trả lời với nụ cười:

"Trông thấy giống hoa hồng không con? Đó là hoa hồng của Chúa đấy con ạ."

Vị thánh khác, khi biết tính quan huyện thích ăn hối lộ, và khi ngài không đủ tiền đưa cho quan thì quan nặng tay, ra lệnh cho lính đánh phạt, và chỉ đánh một bên mông, như vậy sẽ đau đớn hơn, đã nói với quan:

"Lạ nhỉ, làm quan mà không công bằng. Có hai mông mà không chịu đối xử cho công bằng, nhất bên trọng nhất bên khinh. Đánh có một mông, còn mông kia để làm gì?"

Lính ôm miệng cười, còn quan thì tím mặt xấu hổ.

Tử đạo thời nay

Ngày nay cơ hội tử đạo không còn như xưa. Đương nhiên, cám dỗ và tử đạo mỗi thời một khác. Đau khổ vì thế cũng khác nhau. Ngày nay, để tử đạo qua cái chết không còn phổ thông lắm. Kẻ thù của Chúa và của Giáo hội biết nhiều cách tàn phá đạo Chúa và con cái Chúa cách tinh vi hơn. Tử Đạo không chỉ còn là sự lựa chọn giữa có và không, giữa sống và chết, nhưng là một cuộc tranh đấu kiên trì giữa tự do thật và phóng túng, thiện hảo thật và thiện hảo giả, quyền thực sự đương nhiên phải có và độc tài. Tử đạo thời nay không chỉ giới hạn trong phạm vi tôn giáo, trong nhà thờ. Tử đạo thời nay là cuộc tranh đấu giữa chính và tà, giữa Thiên Chúa và ma quỷ.

Tự do thật và phóng túng.

Giáo hội Công giáo và nhiều giáo hội Kitô giáo khác trong vài thập kỷ vừa qua phải đương đầu với nhiều phong trào nghe như dân chủ và có lý, nhưng ngược với quyền tự nhiên và quyền thiêng liêng của con người. Định nghĩa về tự do phá thai, về đồng tính luyến ái thành hôn và những thí dụ biểu tượng. Khoa học gia nào, bác sĩ nào với lương tâm chân chính của mình dám khẳng quyết rằng đúng 24 tuần thì thai nhi là người. Thế còn nếu một ngày, một giờ trước đó thì sao? Thai nhi chưa là người? Vậy dựa trên quyền gì để nói rằng phá thai trước 24 tuần là vô tội?

Tại một vài tiểu bang, nếu trẻ em dưới 14 tuổi đi xỏ lỗ tai, cần có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người chịu trách nhiệm, nhưng nếu đi phá thai thì không cần xin phép. Ý kiến của đám đông chưa hẳn là ý kiến đúng nếu không dựa trên luật tự nhiên và thần luật chân chính.

Thiện hảo thật và thiện hảo giả

Phải chăng mọi thứ đa số con người muốn đều là thiện hảo? Phải chăng đa số đồng ý thì sẽ trở nên thiện hảo? Phải chăng bất cứ phương tiện nào cũng là đúng nếu đạt được mục đích tốt? Phải chăng cần và nên hy sinh quyền cá nhân để đạt đến thành tựu lớn lao cho dân tộc? Các chính phủ thời Đức quốc xã và cộng sản ủng hộ phương pháp biện minh cho phương tiện. Chế độ tư bản cũng mặc nhiên cho rằng kiếm nhiều tiền là trên hết. Cách nào có tiền cũng đều có giá trị và người nào kiếm ra nhiều tiền là kiểu mẫu! Do đó, không ai lạ khi các triệu phú nhờ bài bạc, nhờ đánh "boxing", nhờ đóng phim -dù bất cứ loại phim gì-, nhờ chơi thể thao đều trở thành "heroes" cho tuổi trẻ!!! Lợi nhuận do phim ảnh xấu, do cờ bạc và do bán các vũ khí giết người tính theo tiền tỷ tỷ!!! Còn lương công chức của một người cần mẫn thì không đủ sống. Đâu là thiện hảo thật, đâu là thiện hảo giả?

Nhân quyền và độc tài

Quyền phải có đương nhiên khác với quyền xin-cho và càng khác với độc tài. Các nhà cầm quyền độc tài -dù là tư bản hay cộng sản- đều rất thâm độc khi điều hành. Thay vì đàn áp dân lành, biểu lộ rõ sự độc tài, họ dùng nhóm mang quyền lợi chống lại nhóm bị trị kia. Họ bảo vệ nhóm người của họ và nhóm người mang lợi ích cho họ. Dân bị trị, thỉnh thoảng được hưởng một chút quyền lợi lẽ ra đương nhiên phải có, cảm thấy hài lòng. Theo thời gian, họ trở thành nhu nhược và rồi khó chịu ngay cả với các người mà lẽ ra họ phải mang ơn và kính phục.

Hiến pháp nhiều quốc gia được tô vàng chuốt lục, rất đẹp và tuyệt hảo trên lý thuyết, nhưng khi áp dụng thì hoàn toàn khác với điều mà người có tâm lý bình thường mong đợi. Cũng có khi, nhóm lãnh tụ cởi mở một vài lãnh vực, rồi khép chặt các khía cạnh khác liên quan đến tôn giáo, tinh thần và tín ngưỡng. Người bảo vệ luân lý, tôn giáo trở thành kẻ bơi ngược dòng, trở thành người tử đạo thiếu người ủng hộ. Họ bị khép tội phỉ báng chế độ và bị khép bệnh tâm thần, mất bình thường. Nhiều trường hợp, họ thiếu sự nâng đỡ ngay từ những người thân cận nhất. Có rất nhiều người tử đạo cô đơn thời nay.

Gần đây, Giáo hội tuyên dương cha Kolbe, nạn nhân Đức quốc xã, lên bậc hiển thánh, tử đạo, không phải vì ngài trực tiếp chết nhân danh Chúa Giêsu. Ngài chết vì bác ái, vì Chúa Giêsu, khi đồng ý chịu tử hình thay cho một tội nhân khác, mà hoàn cảnh gia đình thực đáng thương. Cách đó 2000 năm, một vị tử đạo nổi tiếng chết vì công lý. Đó là thánh Gioan Bautixita.

Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đến quỳ trước mộ giám mục Romero và nói "Tôi đến thăm một đấng tử đạo." Đức cha Romero chết vì bênh vực người nghèo, chống lại chế độ độc tài.

Con cháu các thánh tử đạo Việt Nam và tử đạo mới.

Đôi khi chúng ta hiểu lầm rằng chỉ qua cái chết trực tiếp vì Chúa mới là tử đạo. Chúa Giêsu, trong 8 mối phúc thật, đã đưa ra tiêu chuẩn không chỉ sống đạo để nên thánh, mà còn là thánh tử đạo.

"Phúc thay ai tâm hồn nghèo khó, vì nước Trời là của họ."

"Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì nước Trời là của họ."

"Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta xỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao" (Mt 5: 1; 10-12).

Hãy nhìn chung quanh. Hãy vui mừng khi thấy chúng ta không thiếu những vị tử đạo thời mới đang chịu bách hại vì công chính, vì người nghèo, vì người bị áp bức, vì tự do phải có, vì bảo vệ nhân quyền, vì bảo vệ thiện hảo đích thực, vì sống bác ái, vì sống lời dậy dỗ của Chúa trong thánh kinh. Tử đạo thời nay là tiến trình tranh đấu cả đời, là sự lựa chọn giữa chính và tà.

Lm. Anthony Đào quang Chính, O.P.
VietCatholic News (Thứ Sáu 21/11/2008 23:28)

No comments: