Sunday, June 13, 2010

Một Thoáng Suy Tư Về Giáo Hội Công Giáo Việt Nam (Bài I)

LM. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Lời Tòa Soạn: Theo tác giả, loạt bài Một Thoáng Suy Tư Về GHCGVN được viết từ cuối năm 2004 chỉ để gửi riêng cho một số chức sắc CG ở quốc nội. Đầu năm 2005, khi chia sẻ loạt bài này với một anh em trong nhóm chủ trương DĐGD, linh mục căn dặn tuyệt đối không phổ biến. Và người anh em chúng tôi đã giữ đúng lời cam kết với ngài.

Nhưng trong những ngày đầu tháng 8, không hiểu từ đâu và vì sao, một phần loạt bài đã được đưa lên NET. Sau khi điện đàm và trao đổi thư từ với linh mục tác giả, được sự đồng ý, chúng tôi chính thức công bố để rộng đường dư luận. Và dưới đây là bài 1.

Sau loạt bài này, với tư cách là một diễn đàn của người tín hữu giáo dân, chúng tôi sẽ chính thức trình bày quan điểm của mình và cũng ước mong nhận được những ý kiến từ mọi phía.

Tuy sống xa quê nhà trên 20 năm và đã phục vụ cho Giáo Hội Hoa Kỳ trong hơn 16 năm qua, tôi vẫn luôn cảm thấy gắn bó sâu xa với Giáo Hội Việt Nam tại quê hương là người Mẹ đã sinh tôi ra trong đức tin qua phép Rửa và Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô. Đây quả thật là một món nợ thiêng liêng mà tôi không thể đền đáp cách tương xứng được. Tuy nhiên trong khả năng và thiện chí hạn hẹp, tôi cũng cố gắng trả ơn Giáo Hội Mẹ trước hết bằng lời cầu nguyện thiết tha cho mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Hội tại quê nhà để mọi người không những giữ vững đức tin mà còn sống đức tin ấy cách kiêu hùng trong mọi hoàn cảnh khó khăn của quê hương và Giáo Hội.

Thật vậy, nghĩ đến Giáo Hội Mẹ tại quê nhà, trước hết tôi luôn cảm kích mạnh mẽ về gương sống đức tin của Hàng Giáo phẩm Việt Nam, của các bậc cha anh trong hàng giáo sĩ nói riêng và của toàn thể giáo dân Việt Nam nói chung.

Giáo Hội Việt Nam, từ thuở khai sinh cho đến nay, đã trải qua biết bao gian nan thử thách, đe dọa sự sống còn của hạt giống đức tin do các thừa sai dũng cảm và nhiệt thành mang đến gieo trồng và được lớn lên nhờ máu các Thánh Tử Đạo tiền nhân anh dũng đổ ra để vun trồng cho lớn mạnh như ngày nay. Khó khăn, thách đố rõ ràng đã không cản trở được mà ngược lại còn giúp cho Giáo Hội thêm tăng trưởng, sống mạnh trong đức tin và quyết tâm gắn bó với sứ mạng của mình. Gương sống thánh thiện và nhiệt thành trong Sứ vụ (Ministerium) của biết bao vị trong hàng giáo phẩm, giáo sĩ, tu sĩ cũng như gương anh dũng sống đức tin của giáo dân từ Bắc xuống miền nam đã và đang như những tiếng kèn thúc quân hăng hái xông pha vào chiến trận giành thắng lợi cho Chúa Kitô trên quê hương Việt Nam, trước mọi thế lực của thù địch muốn ngăn cản sứ mệnh phúc âm hóa của Giáo Hội…

Tuy nhiên, lòng biết ơn và cảm kích sâu xa đối với hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân Việt Nam tại quê nhà cũng không ngăn cản tôi muốn chân thành bày tỏ một vài quan ngại về hiện tình Giáo Hội Mẹ với ước mong góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng và phát triển Giáo Hội trên quê hương.

Thật vậy, khi ta yêu mến ai thì tự nhiên muốn bệnh vực và làm tốt cho người ấy. Càng yêu mến nhiều thì càng tha thiết gắn bó hơn trong tâm tình này. Vì vậy, những điều tôi muốn nói sau đây hoàn toàn bắt nguồn và được tác động bởi lòng yêu mến và biết ơn Giáo Hội Mẹ, tuyệt đối không vì một lý do hay động lực nào khác.

Mặt khác, tôi làm việc này cũng vì lời Chúa sau đây trong Sách Ezekiel:

«Phần ngươi, hỡi con người. Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Israel. Người sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay ta báo cho chúng biết. Nếu ta phán với kẻ gian ác rằng «hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã bảo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình». (Ez 33: 7-9)

Có Chúa Thánh Linh làm chứng cho lòng thành này của tôi.

Vậy tôi muốn nói những gì trong mối quan tâm của tôi về Giáo Hội Mẹ?

I- Truớc hết là vần đề các giáo sĩ, tu sĩ Việt Nam ra nước ngoài.

Từ mấy năm nay tôi luôn trăn trở về điều này: đó là việc các Giám mục, linh mục tu sĩ trong nước thi nhau ra nước ngoài và đặc biệt đến Hoa kỳ để xin trợ giúp tài chính cho công việc tái thiết, trùng tu và mục vụ tại quê nhà. Phải nói ngay là Giáo Hội bên nhà rất cần những trợ giúp này để tái thiết và phát triển sau bao nhiêu năm bị tàn phá, không được ai giúp đỡ để xây dựng lại những cơ sở tối cần cho việc thờ phượng, giáo dục và phúc âm hóa. Phải tạ ơn Chúa vì hoàn cảnh đã thay đổi cho phép các giáo sĩ có cơ hội ra nước ngoài để học hỏi và xin trợ giúp tài chính. Cho nên, nói về mục đích thì việc xin trợ giúp tài chính ở hải ngoại là hoàn toàn chính đáng, không có gì phải phàn nàn, chê trách vì thật cần thiết cho nhu cầu của Giáo Hội Mẹ.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế của mục đích này thì thật quả lại là điều đáng quan tâm và phải nói lên sự thật để cùng suy nghĩ và kịp thời tìm phương đối phó.

Thật vậy, làm sao người ta có thể cắt nghĩa cách thuận tình, hợp lý về sự kiện có những vị lãnh đạo như Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng, Đức Cha Nguyễn Khắc Ngữ, Đức Cha Bùi Tuần… cho đến nay chưa từng đặt chân đến Hoa Kỳ, Canada hay Úc Châu để thăm viếng giáo dân Việt Nam và nhận quà, hay tìm sự giúp đỡ tài chính của ai, trong khi hầu hết các Giám Mục khác kể cả Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã đến các quốc gia trên, đặc biệt là Hoa Kỳ, ít nhất một lần và có một số vị đã đến 4, 5, thậm chí 6, 7 lần tính đến nay! Có phải vì nhu cầu «mục vụ» mà các vị này cần đến thăm giáo dân của mình nhiều lần như vậy không?

Nếu vậy thì phải chăng các vị chưa từng đi thăm ai đã «lơ là nhiệm vụ chăn chiên của mình»? Nhưng thực ra theo Giáo Luật, thì các ngài không có trách nhiệm phải mở những cuộc «kinh lý mục vụ» như vậy đối với giáo dân Việt Nam ở hải ngoại đang thuộc quyền coi sóc mục vụ của các Giám Mục địa phương. Nhưng nếu vì «tình nghĩa cha-con» mà phải lặn lội đi thăm đàn chiên hải ngoại thì tại sao có trường hợp giáo dân lại từ chối tiếp đón Giám Mục gốc của mình khi ngài đến thăm họ lần thứ 2, thứ 3? Tôi biết rõ việc này đã xẩy ra cho 2 Giám mục trong mấy năm qua ở Mỹ.

Cũng liên hệ về việc này, tôi rất đỗi ngạc nhiên khi thấy một vị Giám mục đã sốt sắng đi ra nước ngoài nhiều hơn là chăm lo mục vụ cho đoàn chiên của mình trong Giáo phận. Bằng cớ ngài đã hơn một lần vắng mặt trong Địa phận suốt Tuần Thánh khiến không có ai làm phép Dầu Thánh (Chrism) cần thiết cho nhu cầu thiêng liêng suốt năm của Địa phận! Và riêng về ngài, thì không biết bao điều ta thán nghe được ở đây từ mấy năm nay sau lần viếng thăm thứ nhất của ngài. Vậy mà người ta vẫn thấy năm nào ngài cũng qua Mỹ một đôi lần!

Không biết ngài nghĩ sao về trách nhiệm coi sóc đoàn chiên được trao phó cho mình trong Giáo phận khi ngài thường xuyên xuất ngoại như vậy?

Đấy là về phần các Giám mục. Về phía các linh mục và nữ tu thì thực tế còn đáng quan ngại hơn nhiều. Có những linh mục và nữ tu đã sang Mỹ trên dưới 10 lần trong mấy năm qua, mà mục đích lần nào cũng chỉ để xin giúp đỡ để về xây lại nhà thờ, nhà nguyện, trường học, nhà xứ, tu viện, cư xá, nhà giữ trẻ v.v… Nhưng thực tế nghe được từ bên nhà thì thật đáng buồn: người ta rỉ tai nhau câu nói rất châm biếm này: «các đấng XÂY thì ít mà CẤT thì nhiều»! … nào có cha, sau mấy lần đi Mỹ về, đã mua xe hơi trị giá mấy chục ngàn đôla.., có cha mua nhà riêng đứng tên anh chị em, hoặc giúp gia đình mở tiệm buôn bán! Tệ hơn nữa, có Cha đã bỏ Giáo xứ trốn luôn sau mấy lần sang Mỹ và kiếm được khá nhiều tiền… nhiều cha đã đập nhà thờ cũ còn tốt để xây nhà thờ mới với mọi thiết bị đắt tiền mua ở ngoai quốc, còn sang trọng hơn cả nhiều nhà thờ bên Mỹ! Nào là trong khi giáo dân nhiều người chưa kiếm đủ ăn, đủ mặc thì cha xứ lại có đầy đủ mọi tiện nghi trong nhà như máy lạnh, tủ lạnh, TV, điện thoại Internet, cell phone, email!! ! Như vậy làm sao rao giảng Tin Mừng «phúc cho ai nghèo khó vì Nước Trời là của họ»? Một cha đã nói với tôi về một cha kia như sau: cha này ra Phường xin giấy đi Mỹ thì công an hỏi: một năm linh mục xuất ngoại 3, 4 lần, mỗi lần 1, 2 tháng. Như vậy còn thời gian nào linh mục lo cho giáo dân? vậy mà ngài vẫn tỉnh bơ xuất ngoại như đi chợ, trong khi nhiều anh em linh mục khác muốn đi mà không có cơ hội nào. Việc này các Đức Giám mục và Bề Trên các Dòng có biết không? Nếu biết thì tại sao lại cho phép một số linh mục và nữ tu xuất ngoại nhiều lần như vậy? Nếu chỉ cho một số linh mục nào «khôn khéo» đi thường xuyên thôi thì công bằng, bác ái ra sao đối với các linh mục khác trong Địa phận không «biết khôn khéo» ton hót với Bề trên và chánh quyền? Tôi rất thán phục khi nghe một bà kể rằng một ngày kia bà gọi điện thoại nói chuyện với một Đức Cha. Bà khoe với ngài là bà vừa giúp một số tiền cho một linh mục Long Xuyên đang có mặt ở Mỹ và cũng gửi biếu Đức Cha chút quà. Khoe xong bà tưởng Đức Cha sẽ cám ơn và khen ngợi. Nào ngờ thấy ngài im lặng trong ít phút, tưởng đường dây bị gián đoạn, bà lên tiêng hỏi thì Đức Cha dằn giọng trả lời: từ nay tôi sẽ không cho cha nào đi nữa! Tôi thật khâm phục thái độ cương trực và tinh thần khinh chê của cải vật chất của vị Giám Mục này.

Tuy nhiên, như tôi đã nói ở phần trên, Giáo Hội bên nhà rất thiếu thốn về mọi mặt, cần được trợ giúp để thi hành sứ vụ của mình. Tôi biết rất nhiều nhà thờ bị hư hại nặng nề cần được tái thiết để có nơi thờ phượng xứng đáng. Tôi thật đau lòng khi nghĩ đến hàng ngàn trẻ em, đặc biệt nhửng trẻ mồ côi và khuyết tật, nạn nhân xã hội và bị xã hội bỏ rơi, chỉ còn sống nhờ tình thương của các cơ quan từ thiện tôn giáo hay tư nhân. Tôi thông cảm sâu xa với các nhà Dòng, Tu Hội, Chủng viện không đủ phương tiện để nuôi những thanh thiếu nữ «tu chui» không có tiền để đóng góp và công khai sống ơn gọi. Trong những hoàn cảnh này thì sự trợ giúp tài chánh từ bên ngoài thật là cần thiết và phù hợp với đức bác ái Công giáo. Tuy nhiên, nếu những đồng tiền quyên được ở ngoại quốc đem về không được dùng đúng vào những mục tiêu chính đáng ấy thì đó mới là vần đề cần được các Bề trên liên hệ, cụ thể là các Đức Giám Mục, Bề Trên các Dòng và Tu Hội đã ký giấy cho phép các linh mục, nữ tu thuộc quyền xuất ngoại, phải lưu tâm xem xét và điều chỉnh cấp thời để lấy lại niềm tin của những người hảo tâm muốn giúp đỡ. Nhưng các Giám Mục cũng phải làm gương cho linh mục, tu sĩ bằng cách giới hạn lại những cuộc Mỹ du, dù với mục đích kỷ niệm thụ phong hay xin tiền về xây nhà hưu đưỡng, phúc âm hóa… Nếu Hồng Y, Giám Mục còn xuất ngoại như đi chợ, còn vắng Giáo Phận một vài tháng mỗi lần đi, thì nói làm sao được các linh mục và tu sĩ thuộc quyền? Các Hồng Y, Giám Mục Mỹ cũng không hề «kinh lược» ngay trong Giáo Phận của mình kỹ như vậy!

Nói đến những trợ giúp của giáo dân hải ngoại, cách riêng ở Mỹ, thì tôi cần nói rõ thực trạng sau đây: trong những năm đầu khi mới có ít Giám mục, Linh mục, nữ tu được ra nước ngoài, thì những vị đầu tiên đến Hoa Kỳ đều được tiếp đón nồng hậu, rất nồng hậu. Nhưng càng về sau, khi các vị ngày một sang đông và sang thường xuyên như trong mấy năm qua thì quả thật là một «vấn đề, một gánh nặng, một khổ tâm, một tai tiếng» cho các giáo xứ có giáo dân Việt Nam mỗi cuối tuần phải đón tiếp từ 2 đến 5 vị khách từ Việt Nam đến với cùng mục đích: xin trợ giúp tiền! Giáo dân Việt Nam ở Mỹ rất hảo tâm nhưng không phải ai cũng dư dã, sung túc, may mắn như nhau. Có nhiều gia đình rất khó khăn trong cuộc sống. Nghe các Cha, các Sơ tả cảnh khó nghèo thiếu thốn ở quê nhà thì ai cũng động lòng muốn giúp đỡ nhưng khả năng nhiều người chỉ có giới hạn. Tôi không làm việc cho giáo dân Việt Nam, nhưng ngày Chúa nhật thường gặp những giáo dân Việt Nam đến xứ tôi dự lễ với giáo dân Mỹ. Khi hỏi chuyện thì có người đã thành thật nói: con ngại đi lễ Việt Nam ở giáo xứ con vì không có tiền để giúp các cha các sơ từ Việt Nam qua thường đến xin mỗi Chúa nhật! Điều này chắc hẳn quí cha, quí sơ từng đến Mỹ đã nghe, đã biết. Chính vì tình trạng có quá nhiều cha, sơ đến xin trợ giúp, và đến nhiều lần mà các Cộng đoàn và Giáo xứ Việt Nam ở California và ở Houston từ mấy năm nay đã không còn cho các Cha các Sơ đến công khai xin và quyên tiền đợt 2 (second collection) sau Thánh lễ như trước nữa. Ở Cali, đa số giáo xứ có dân Việt Nam đều nằm trong các Giáo xứ Mỹ nên các Cha sở Mỹ đã cấm không cho các Cha Quản Nhiệm (Phó xứ) Việt Nam để các Cha khách Việt Nam giảng và xin tiền trong nhà thờ nữa vì sợ ảnh hưởng đến tiền collections của giáo xứ ngày Chúa Nhật.

Vì thế, các cha Việt Nam đến chỉ được đồng tế, (có nhiều khi không được) chứ không còn được giảng để kêu gọi gì nữa. Sau Thánh lễ các cha hay sơ ra ngoài nhà thờ chào giáo dân và «kín đáo» nhận tiền ủng hộ của ai có lòng. Tình trạng này không đẹp mắt chút nào, nhất là đối với các Giám mục vì thiếu sự tế nhị và kính trọng theo văn hóa Việt Nam. (Một lần ở Houston, GM kia đến giảng và sau lễ ngài ra ngoài nhà thờ chào hỏi và để nhận quà của giáo dân. Nhưng ngài đứng một lúc rồi đi vào vì cảm thấy không vui khi đứng như vậy, khác gì người hành khất!). Đó là thực trạng hiện nay ở các cộng đoàn, giáo xứ Việt Nam ở Mỹ nơi có nhiều giám mục, linh mục, nữ tu từ Việt Nam sang thăm viếng cuối tuần. Có người công khai lên tiếng ta thán: tại sao Đức cha, cha, sơ đó đến «thăm» giáo xứ của mình nhiều lần như vậy? Tại sao các cha, sơ khác không được đi mà chỉ thấy các Cha, Sơ này thôi? Bên này, giáo dân cũng phải đóng góp cho các Địa phận Mỹ và đóng góp xây dựng giáo xứ riêng chưa đủ, lấy đâu mà giúp mãi các Đức Cha, các Cha, Sơ thường xuyên đến xin tiền như vậy! Thật quả là một gánh nặng và khổ tâm cho họ từ mấy năm nay!

Mặt khác, bọn chống phá Giáo Hội Công Giáo thì từ lâu đã nói: Công Giáo là tay sai cho mọi chế độ nên các giáo sĩ, tu sĩ Công giáo mới được ưu đãi như vậy, vì tu sĩ của các tôn giáo khác có được xuất ngoại nhiều như vậy đâu?

Trước năm 1975, mãnh lực vật chất đã làm suy thoái nhiều người trong Giáo Hội Miền Nam. Nay đồng đôla Mỹ lại đang mê hoặc nhiều linh mục, tu sĩ bên nhà khiến họ thi nhau ra nước ngoài để kiếm đôla dưới danh nghĩa «xây cất, trùng tu, bảo trợ, v.v». Tình trạng này đang là gương xấu trong dư luận Công giáo hải ngoại và là mầm mống chia rẽ, ghen tị trong hàng ngũ linh mục, tu sĩ quốc nội. Lý do là có người được đi nhiều lần, kiếm được nhiều tiền về phung phí ngạo nghễ trước anh em không may mắn chịu thiệt ở nhà, và nhất là sự cười nhạo của những giáo dân còn rất thiếu thốn trong xứ phải nghe cha giảng Phúc Âm nghèo khó của Chúa Giêsu trong khi đời sống của Cha là một phản chứng quá hùng hồn, nhưng vẫn nhắm mắt làm thinh để hưởng thụ! Như vậy làm sao phúc âm hóa hữu hiệu cho người khác được?

Giáo Hội phải thực sự nghèo, giáo sĩ, tu sĩ phải thực sự «thoát tục», thực sự nêu gương thanh bần, liêm khiết, trong sạch thì mới làm nhân chứng cho Chúa Kitô được. Ngược lại sẽ chỉ là những phản chứng hùng hồn nhất và những lời giảng dạy của mình sẽ chỉ làm trò cười cho người nghe, chứ không thuyết phục được ai. Tôi thành tâm nghĩ và tin như vậy khi đang sống và phục vụ dân Chúa trong hoàn cảnh xã hội Mỹ hiện nay.

Vẫn biết «có thực mới vực được đạo» có tiền mới làm được nhiều việc cần thiết, hữu ích trong xã hội cũng như Giáo Hội, nhưng Giáo Hội tự bản chất phải khó nghèo, giống như Đức Kitô, Đấng sinh ra và chết đi trong sự nghèo nàn cùng cực của thân phận con người. Đừng nghỉ tôi lý tưởng không thực tế và chỉ trích thiếu thông cảm. Tôi chỉ muốn nói lên một băn khoăn, trình bày một thực trạng rất mỉa mai: đó là trong khi giáo dân, nhiều người còn thiếu thốn ngay cả những nhu cầu tối thiết để sống tương xứng với nhân phẩm, trong khi đại đa số người dân còn nghèo đói, mà ... một số linh mục Công giáo ung dung hưởng thụ những tiện nghi của một nếp sống sang giầu, thì thuyết phục được ai tin vào cái bánh vẽ «công bằng, bác ái, xóa đói giảm nghèo»?

Và nhất là làm chứng thế nào được cho tinh thần khó nghèo của Phúc Âm?

II- Việc đào tạo tân linh mục ở các chủng viện:

Đào tạo linh mục là một trách nhiệm vô cùng quan trọng của Giáo Hội nhằm tuyển chọn và đào luyện những tông đồ mới cho Chúa Giêsu để tiếp tục tham gia thi hành Sứ Vụ Cứu chuộc của Người. Giáo Hội và Dân Chúa rất cần những linh mục thánh thiện, nhiệt thành, có kiến thức cần thiết và vững chắc để thi hành nhiệm vụ ngôn sứ, tư tế và vương đế trong hoàn cảnh Giáo Hội và Thế giới ngày nay.

Để đáp ứng nhu cầu tối quan trọng này, chắc chắn các vị có trách nhiệm thuộc các Giáo phận bên nhà đã ý thức rõ và đầy đủ trọng trách của mình và dành cho công tác này một ưu tiên và quan tâm đúng mức..

Trong hoàn cảnh khó khăn cho đến nay của Giáo Hội tại quê nhà, chúng ta vẫn mừng vui và tạ ơn Chúa về sự Quan phòng dành cho Giáo Hội trong lãnh vực này để các chủng viện vẫn được hoạt động dù chỉ được thu nhận chủng sinh mức giới hạn. Chúng ta tạ ơn Chúa đặc biệt hơn nữa về số ơn gọi phong phú hiện nay của các Giáo phận. Tuy nhiên, nếu vui mừng về mức ơn gọi không thiếu, thì người ta cũng phải dè dặt nêu thắc mắc này: sự thực có ơn gọi làm linh mục và tận hiến tu trì (vocations for priesthood and religious life) nhiều như vậy một cách chính đáng trong giới thanh niên thanh nữ ở Việt Nam lâu nay không? Sở dĩ tôi nêu câu hỏi này vì trong một dịp nói chuyện với một Đức Cha qua thăm Houston, ngài có nói với chúng tôi thế này: «bây giờ ở Việt Nam, không có nghề nào sướng bằng nghề “làm linh mục”, học mấy năm ra là được mọi ưu tiên, ưu đãi vốn dành cho các cha từ trước đến nay» (!!! ). Ngài cũng nói thêm là «thời tôi đi tu thì có lớp mới vào được đến 40, 50 anh, nhưng khi làm linh mục thì chỉ được 5, 6 người! Bây giờ vào bao nhiêu thì hầu như ra bấy nhiêu, có khó khăn như trước đâu?» Tại sao vậy? Có thể vì những khó khăn do ..., nhưng thật sự câu hỏi này chỉ có các vị đang có trách nhiệm đào tạo ở các Chủng viện mới có câu trả lời chính xác mà thôi. Riêng tôi, tôi chỉ muốn góp ý về việc này dựa vào kinh nghiệm có được ở bên Mỹ: ở các chủng viện Mỹ việc đào luyện tu đức (spiritual formation) không được chú trọng nhiều như đào luyện kiến thức học vấn (academic formation).

Hệ thống tiểu chủng viện đã bị bãi bỏ từ lâu ở hầu hết các địa phận. Chỉ còn đại chủng viện (Major Seminary) thâu nhận những thanh niên học xong trung học để huấn luyện 4 năm ở bậc College (Đại Học) và sau đó vào Trường Thần học (Theologate) học thêm 4 năm nữa để lấy văn bằng Master of Divinity (Cao học thần học) rồi đi giúp xứ (internship) một năm là được thụ phong linh mục. Như vậy với 9 năm này, chủng sinh được huấn luyện nhiều về kiến thức chuyên môn (học vấn) hơn là tu đức (spirituality). Vì thế, có thể nói đời sống thiêng liêng của chủng sinh sau 9 năm trên chưa có gì là sâu sắc, đủ để đương đầu với những «cám dỗ, thách đố» của xã hội vật chất, tiêu thụ.

Cho nên, nhiều linh mục trẻ đã bỏ ơn gọi sau ít năm làm linh mục. Lý do chỉ vì đời sống thiêng liêng thiếu vững chắc, dễ bị chao đảo trước những cám dỗ về tiền bạc, phái tính v. v.

Ở Việt Nam hiện nay, vì những biện pháp ...., các tiểu chủng viện cũng đã ngưng hoạt động từ lâu. Chủng sinh được tuyển thẳng vào Đại chủng viện sau khi qua được lưới lọc tuyển sinh.... Chính vì lưới lọc này mà nhiều ứng sinh đáng được thâu nhận hơn nhưng vì không có «lý lịch tốt» nên đã bị loại! Thời gian đào tạo vừa học vấn chuyên môn đến tu đức chỉ được từ 6 đến 8 năm thì đã đủ để ra làm mục vụ chưa? Điều quan trọng hơn nữa là liệu các chủng sinh có đang được đào tạo khác với khuôn khổ cũ của các bậc cha anh hay vẫn chung một khôn mẫu đó, để rồi sau này ra trường cũng lại nối gót cha anh, «làm cha» để được hưởng thụ, ưu đãi thay vì để phục vụ đúng với tinh thần «Ta đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ» của Chúa Kitô Linh Mục?

Linh mục phải có chiều sâu đạo đức, lòng nhiệt thành phục vụ và ý thức sâu sắc về ơn gọi và sứ vụ (priestly vocation and ministry) của mình thì mới đáp ứng hữu hiệu cho nhu cầu thiêng liêng mà người giáo dân mong đợi. Ngược lại, nếu không được đào luyện (formation) thích đáng trong chiều kích ấy và ra trường với «hào quang sẵn có» của chức vị linh mục thì sẽ chẳng làm ích bao nhiêu cho con chiên bổn đạo ngày nay. Mặt khác, cũng cần phải giáo dục rõ cho chủng sinh biết rằng: danh vị «cha» mà Giáo Hội cho phép gọi các linh mục chỉ nói lên sứ vụ và trách nhiệm thiêng liêng mà linh mục lãnh nhận qua Thánh chức để thi hành điều Thánh Công Đồng Vaticanô II đã dạy trong Hiến Chế Lumen Gentium: «linh mục phải chăm sóc giáo dân như những người cha vì đã sinh ra họ cách thiêng liêng qua Phép Rửa và giáo huấn» (cf. LG, no. 28). Lời dạy này căn cứ vào giáo lý của Thánh Phaolô về vai trò: «người cha thiêng liêng» (spiritual Fatherhood) của hàng giáo sĩ (Giám Mục, linh mục) (cf. 1 Cor 4: 15, 1Tim 1, 2), Nhưng linh mục Việt Nam không nên vì thế mà lố bịch tự xưng «cha» với giáo dân, trừ với mấy em thiếu nhi nhỏ tuổi, dù được giáo dân gọi mình là «cha» và xưng «con». Tôi phải nói điều này vì thực tế đã có một số linh mục trẻ ngang nhiên «xưng cha» ngay cả với những giáo dân lớn tuổi! có những linh mục khi về với gia đình vẫn muốn cho anh chị em ruột gọi mình là «cha» trước mặt cả song thân và nghiễm nhiên chấp nhận lối xưng hô này! Điều này đã làm cho nhiều người bất mãn và lên tiếng đòi thay đổi cách xưng hô trên. Dĩ nhiên, đòi hỏi này cũng không chính đáng và tôi đã có dịp trả lời trước đây trên Vietcatholic và báo chí ở Mỹ. Điều tôi muốn nói ở đây là linh mục phải ý thức rõ sứ mạng phục vụ và chứng nhân Tin Mừng của mình, không nên hãnh diện về danh xưng «cha» khi tiếp xúc với giáo dân và không nên mong đợi những thù tiếp ưu đãi dành cho mình từ những giáo dân vẫn còn quen với cung cách tôn trọng, kính mến đến mức làm hư các linh mục vì những ưu tiên, ưu đãi đó.

Sau hết, một điều rất nghiêm trọng mà tôi phải nói ở đây là sự kiện tôi nghe được từ bên nhà: muốn được chịu chức linh mục, gia đình tân chức phải «biết điều» không nhửng với ... mà còn cả với «giáo quyền sở tại» nữa! Người ta nói rõ: sự «biết điều» này có khi lên đến mấy chục lượng vàng! Điều này, nếu đúng như vậy, thì thật là một sỉ nhục cho Giáo Hội, một phỉ nhổ vào chức thánh của linh mục. Chắc hẳn các Đức Giám Mục đã không biết, hoặc biết mà dung túng việc này, nhưng những ai ở trong cuộc, đã và đang âm thầm làm điều nhơ nhuốc này thì nên tự biết và hãy chuẩn bị trả lời trước mặt Chúa về tội simonia này. Tôi không thể tưởng tượng được một điều ô nhục như vậy lại có thể xảy ra ở Việt Nam liên quan đến «thủ tục» xin truyền chức của các tân linh mục!

Ngoài ra, tôi cũng nghe nói nhiều về những thủ đoạn «lobby» để tiến cử hay giành dật chức GM béo bở và quyền uy ở Việt Nam hiện nay. Nếu như vậy thì Chúa Thánh Thần còn hiện diện và làm việc trong Giáo Hội nữa hay không??? Và Giáo Hội sẽ đi về đâu với những luồng sóng ngầm ma quái này???

III- Linh mục và chế độ bổ nhiệm, qui chế đời sống Linh mục và quản trị các giáo xứ:

Có thể nói: Giáo Hội Việt Nam cho đến nay là Giáo Hội chậm tiến duy nhất về việc chăm lo cho đời sống của linh mục và về qui chế quản trị giáo xứ. Trên thế giới, đặc biệt là ở các nước Âu, Mỹ, ÚC, Canada thì các linh mục đều được hưởng lương bổng và ngày nghỉ hàng năm hơn kém giống nhau từ nước này qua nước kia và từ giáo phận này sang giáo phận khác. Thí dụ ở Đức thì chánh phủ trả lương cho giám muc, linh mục như mọi công chức phục vụ chánh quyền. Ở Mỹ thì lương này do các giáo xứ (parish) trả theo mức qui định của Tòa Giám Mục địa phương. Mức này thay đổi ở mỗi giáo phận. Làm việc trong giáo xứ, linh mục được lương tối thiểu, được cung cấp ăn, ở, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe và phụ cấp xăng dầu, bảo trì xe. Tất cả mọi linh mục đều được một ngày nghỉ (dayoff) trong tuần (riêng Cha xứ = pastor có thể nghỉ thêm một ngày nữa nếu cần). Hàng năm, các linh mục được một tháng nghỉ hè (vacation). Không linh mục phó xứ nào ở quá 5 năm trong một giáo xứ, và ít khi linh mục chánh xứ ở quá 2 nhiệm kỳ 6 năm khi còn dưới 60 tuổi. Linh mục chỉ là người quản lý (steward) mọi tài sản của giáo xứ bên cạnh trách nhiệm mục vụ (pastoral duties) của mình.. Khi thuyên chuyển đi xứ khác thì mọi tài sản của giáo xứ thuộc về giáo xứ. Giáo xứ giầu hay nghèo không ảnh hưởng gì đến quyền lợi và bổn phận của linh mục chánh hay phó xứ.

Ở Việt Nam cho đến nay thì trái lại. Linh mục không có lương bổng rõ ràng như ở ngoại quốc. Ngày nghỉ chính thức dường như cũng không có. Linh mục quản lý mọi tài sản của giáo xứ và chi tiêu theo ý muốn của mình. Xứ giầu thì cha xứ có nhiều tiền. Xứ nghèo thì cha phải lo mà kiếm sống, lo tìm phương tiện xây cất, trùng tu. Tình trạng này đưa đến hậu quả là các linh mục, phần đông, chỉ muốn về những xứ béo bở và ngại hay từ chối về những xứ nghèo, không có nguồn lợi gì. Bất công to lớn không tránh được trong hàng ngũ linh mục vì có người ở mãi những nơi nghèo hèn, xa xôi trong khi có người chỉ ở thành phố và đổi từ xứ giầu này sang xứ giầu khác có tiền mua xe hơi, mua máy móc và mọi tiện nghi hiện đại trong nhà (có linh mục ở Saigòn đã từ chối ý lễ 5 đôla ở ngoại quốc gửi về, trong khi ở hầu hết các Giáo Phận bên Mỹ, bổng lễ chỉ có 5 đôla! )

Tình trạng trên cần được thay đổi gấp với những qui chế rõ ràng về quyền lợi tối thiểu vật chất của linh mục bên cạnh trách nhiệm nặng nề chính yếu về sứ vụ và mục vụ để tránh những bất công hiện nay trong việc phục vụ của linh mục trên toàn quốc.

Hoàn cảnh Giáo Hội Việt Nam hiện nay rất khó cho việc thuyên chuyển linh mục từ xứ này sang xứ khác. Nhưng đối với những linh mục đang được phép coi xứ thì cần phải có qui chế về bổn phận và quyền lợi cho công bằng, hợp lý. Cần thay đổi ngay tình trạng: xứ giầu thì cha xứ giầu, xứ nghèo thì cha xứ phải vất vả ăn xin nơi này nơi kia. Khi có thể được, cũng cần thuyên chuyển các cha đã ở quá lâu trong một giáo xứ để «cất thánh giá» đi cho giáo dân nếu chẳng may cha xứ là «cây thập giá quá nặng» đối với họ.

Sau kết, rất cần bồi dưỡng chuyên môn cho các cha đã ra trường lâu năm và không có cơ hội học hỏi để cập nhật hóa những kiến thức thần học, kinh thánh và mục vụ của mình.

Đó là những băn khoăn, và cũng là những đóng góp nhỏ bé của tôi cho Giáo Hội Mẹ.

Ước mong được đón nhận với lòng khoan dung độ lượng và tha thứ nếu có điều gì làm phật ý ai, một điều tôi không muốn khi viết lên mối quan tâm này.

LM. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

No comments: