Sunday, June 13, 2010

Một Thoáng Suy Tư Về Giáo Hội Công Giáo Việt Nam (Bài II)

LM. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Tôi thành tâm cầu mong cho Giáo Hội được trở nên tinh tuyền, thánh thiện hơn nữa
để xứng đáng là «Hiền thê» của Chúa Giêsu khó nghèo, thánh thiện, công chính và nhân ái.


Tục ngữ Pháp có câu «Chó sủa mặc chó đoàn lữ hành cứ đi» (le chien aboie, la caravane passe! ). Câu này thường được nhắc lại để nói về thái độ khinh thị, làm ngơ của những người không muốn nghe ai phê bình dù đúng hay sai. Làm ngơ để tiếp tục sống và làm những điều mình tự cho là đúng là phải, không cần lắng nghe ý kiến của người khác dù xây dựng hay đả kích. Dĩ nhiên, cũng có những trường hợp người ta phải làm ngơ trước dư luận thiếu khách quan và tích cực, nhưng không thể lúc nào cũng bịt tai, nhắm mắt trước mọi dư luận và góp ý của người khác.

Sau khi viết bài trước nói lên một vài suy tư của tôi về Giáo Hội Việt Nam, một số người thân của tôi trong đó có một vài linh mục bên nhà đã nói với tôi thế này: «anh viết làm gì, họ có nghe đâu mà nói, cũng vô ích thôi!» Biết vậy, nhưng tôi không nản. Tôi cứ viết và phải viết những gì tôi tin là hữu ích và phải nói ra vì lương tâm không cho phép «mũ ni che tai» trước bao sự việc, -mà khách quan- thì thật là đáng quan ngại. Tôi viết vì thực tâm muốn góp phần xây dựng cho Giáo Hội ngày một thêm tốt đẹp xứng đáng là Bí Tích của Chúa Giêsu đặc biệt trong hoàn cảnh của quê hương và thế giới ngày nay, vì tôi rất yêu mến Giáo Hội và đang nỗ lực phục vụ Giáo Hội.

Sự kiện người ta không muốn nghe, muốn đọc thì không phải bây giờ mới là hiện tượng thông thường của thái độ quần chúng. Khi xưa, Chúa Giêsu cũng đã gặp phải thái độ cứng lòng và khinh thị này trong dân Do Thái, nên Chúa đã đôi lần nói:

«Ai có tai thì nghe!» (Mt 11, 15).

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa cũng đã nói đến thái độ khinh thị này của Dân Do Thái nhiều lần như sau:

«Nhưng dân ta đã chẳng nghe lời
Ít Ra en nào đâu có chịu
Ta đành mặc họ lòng chai dạ đá
muốn đi đâu thì cứ việc đi
» (Tv 81: 12-13)

Dầu vậy, Thiên Chúa vẫn không thất vọng. Ngài vẫn sai các Ngôn sứ mang Sứ điệp của Ngài đến cho dân để dạy dổ và cũng để cảnh cáo họ qua các thời đại như chúng ta đọc thấy trong Kinh Thánh. Điều này đã khích lệ tôi tiếp tục nói lên những suy tư về hiện tình Giáo Hội bên nhà cũng như ở hải ngoại qua những gì tôi được biết về những «hiện tượng không được bình thường» liên quan đến não trạng cũng như cung cách phục vụ của một số giáo sĩ đàn anh.

Người ta có thể cho tôi là «hỗn xược, dạy đời…» khi dám đề cập đến những vấn đề này, vì động chạm đến các «đấng các bậc». Khoan dung hơn nữa, người ta có thể nói: «tôi biết gì về thực trạng bên nhà mà dám nói đang khi tôi sống ở nước ngoài với hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt…». Đúng, tôi đang sống và phục vụ trong Giáo Hội Hoa Kỳ, thì làm sao thấu hiểu mọi khúc mắc của hiện tình Giáo Hội bên nhà. Dầu vậy, đứng ở góc cạnh suy tư thần học và mục vụ, tôi vẫn muốn đóng góp một cái gì với Giáo Hội Mẹ tại quê nhà mặc dù tôi không có vinh dự được phục vụ hiện nay và cũng không có hy vọng hay mơ ước gì được về phục vụ trong tương lai. Tuy nhiên, không phải vì thế mà tôi dửng dưng đối với Giáo Hội Mẹ.

Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn đề cập đến một số vấn đề cốt lõi của sứ mạng phúc âm hóa và xây dựng con người Kitô giáo cũng như nói thêm về những vấn đề đáng phải quan tâm về hiện tình Giáo Hội Việt Nam để mong chia sẻ và góp ý với các vị lãnh đạo Giáo Hội.

Thật vậy, tôi vẫn quan niệm và thâm tín rằng xây dựng con người, đào tạo những Kitô hữu đích thực thì quan trọng hơn việc xây dựng cơ sở vật chất, mặc dù việc này cũng cần trong mức độ chính đáng của nó. Xây dựng lòng yêu mến Chúa vững chắc để minh chứng đức tin chân chính thì cần thiết hơn là phô diễn lòng đạo đức bằng những hình thức rước xách, kinh kệ, xây cất tốn phí phô trương bề ngoài.

Cụ thể, theo tin khả tín của những người về thăm Việt Nam kể lại, thì tôi không thể tưởng tượng và thông cảm được lý do tại sao Tòa Giám Mục Bùi Chu, (và cả TGM Thái Bình với nhà thủy tạ thơ mộng phía trước) được xây nguy nga, đồ sộ hơn cả Nhà Thờ Chính Tòa. Cực kỳ khó hiểu hơn nữa là «Công Trường Mân Côi» ở Bùi Chu với Kinh Mân Côi được viết bằng 150 ngôn ngữ khác nhau trên những tấm đá cẩm thạch đắt tiền! Để LÀM GÌ? để xây dựng con người Kitô giáo cho có chiều sâu thích đáng hay để phô trương hợm hĩnh với du khách? Thử hỏi công trình kia tốn phí biết bao ngân khoản (chắc chắn đã xin được từ bên ngoài) mà đáng lẽ tiền đó nên được dùng để làm bao việc bác ái, y tế, giáo dục khác cần thiết hơn cho giáo dân trong Địa phận. Vả lại, ai đến đây để đọc kinh Mân Côi với 150 ngôn ngữ khác nhau viết trên những phiến đá cẩm thạch đắt tiền như vậy? Giáo Dân Việt Nam ai có khả năng đọc được 150 ngôn ngữ thế giới mà trưng ra để lòe họ? Còn du khách ngoại quốc thì Bùi Chu có phải là một «kỳ quan» của thế giới, có sức thu hút mọi người ở khắp mọi nơi đổ về đây để chiêm ngưỡng không? Vậy thì «Công Trường kia» để cho ai thưởng ngoạn?

Như vậy, rõ ràng đây là hình thức phô trương, chơi trội hơn là nhằm mục đích phúc âm hóa hữu hiệu, phản ảnh đích thực cái nghèo của Chúa Kitô.

Nhưng trước khi đi sâu vào chủ đề xây dựng con người Kitô giáo, tôi xin được nói qua về kinh nghiệm mục vụ của tôi với người Mễ Tây Cơ (Mexicans) ở Mỹ. Dân Mể Tây Cơ trước kia là Công Giáo toàn tòng do công truyền bá Tin Mừng của các thừa sai Tây Ban Nha. Nhưng dân Mễ hiện nay ở Mễ Tây Cơ hay đang sinh sống ở Hoa Kỳ, thì nhiều người đã bỏ sang các giáo phái Tin lành khác hoặc không theo tôn giáo nào nữa.

Những người còn sống đức tin Công giáo thì đa số tỏ ra lơ là trong việc sống Đạo cho có chiều sâu mong muốn.. Hàng năm chỉ có 2 dịp rất quan trọng đối với họ mà thôi: Đó là Lễ Tro (Ceniza) và Lễ Đức Mẹ Guadalupe (Dec. 12). Họ thường xuyên bỏ Lễ ngày Chúa nhật và các ngày Lễ Trọng quanh năm, Họ ít xưng tội và rước lễ. Nhưng 2 dịp quan trọng trên thì họ không thể bỏ qua được. Trong ngày Lễ Tro, nhà thờ nào có dân Mễ tham dự thì cũng chật ních người trong mọi Thánh lễ sáng chiều. Họ bồng bế con cái đến từ sáng sớm để được xức tro! Ở Xứ tôi với 50% là dân Mễ thì có năm đã 10 giờ đêm tối thứ tư Lễ Tro mà còn có người đến gõ cửa nhà xứ để xin xức tro vì trong ngày họ chưa đi kịp! Hình như «tro» là một cái gì quá linh thiêng đối với họ, còn hơn cả Thánh lễ và Thánh Thể nữa! Nhưng sau ngày Lễ Tro thì không thấy họ đâu nữa! Ngay cả Lễ Giáng Sinh và Phục Sinh cũng có rất ít người đi Lễ, mặc dù tôi đã biết bao lần giảng dạy cho ho biết sự cần thiết phải tham dự các ngày lễ quan trọng này. Ngày lễ Đức Mẹ Guadalupe cũng vậy. Từ 5 giờ sáng họ đã có mặt đông đủ ở nhà thờ để hát chào mừng Đức Mẹ buổi sáng (Mananitas) sau đó đi rước kiệu ảnh Đức Mẹ Guadalupe và tham dự Thánh Lễ rất đồng đảo và sốt sáng. Nhưng trừ ngày này ra, thì không sao thúc dục được họ đến tham dự đông như vậy các ngày Lễ trọng khác kính Đức Mẹ như Lể Đức Me là Mẹ Thiên Chúa (1/1) Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời (15/8) hoặc Lễ Đức Mẹ Vô Nhiểm Nguyện Tội (8/12) là những ngày Lễ buộc cho cả Giáo Hội. Tôi cũng đã biết bao lần giảng cho họ biết là chỉ có Một Đức Mẹ thôi, dù dưới nhiều danh hiệu khác nhau như Guadalupe, Lộ Đức, Fatima, LaVang, v.v nhưng cho đến nay dân Mễ ở khắp nơi nói chung và ở Xứ tôi nói riêng vẫn chỉ tôn sùng một mình Đức Mẹ Guadalupe thôi và chỉ xuất hiện đông đảo trong ngày Lễ này và ngày Lễ Tro hơn mọi dịp Lễ khác quanh năm!

Sư kiện này cho thấy là việc dạy dỗ, rao giảng Tin Mừng cũng như cổ võ lòng sùng kính (devotion) Đức Mẹ và các Thánh rất quan trọng ngay từ buổi đầu. Khi giáo dân đã quen với não trạng và lòng sùng kính nào rồi thì rất khó để thay đổi sau này dù đó là điều cần thiết phải làm. Còn giáo dân Việt Nam thì sao?

Có thể nói, giáo dân Việt Nam từ xưa đến nay vẫn thường được dạy đọc kinh cho nhiều, phải kính sợ Chúa qua việc tuân giữ các giới răn của Chúa và luật của Hội Thánh để được rỗi linh hồn, vì sợ phải xuống hỏa ngục sau khi chết. Thiên Chúa đối với họ dường như là một Quan tòa nghiêm khắc, hơn là một người Cha nhân lành đầy lòng xót thương, tha thứ. Sống Đạo trở thành một bổn phận, một gánh nặng đối với nhiều người hơn là một lý tưởng tự nguyện theo đuổi vì đã xác tín được giá trị của nó.

Phải chăng đây cũng là kết quả của việc phúc âm hóa, việc xây dựng con người Kitô hữu của giáo sĩ Việt Nam từ xưa đến nay? Như vậy phải xây dựng thế nào?

1- XÂY DỰNG CON NGƯỜI KITÔ GIÁO:

Xây dựng con người mang tên Chúa Kitô trong Giáo Hội Công Giáo không thể chỉ chú trọng vào việc dạy cho họ biết «giữ Đạo» như giữ tài sản, tính mạng, mà phải dạy cho họ biết sống đức tin một cách sâu sắc và trưởng thành ở cả hai chiều kích thiêng liêng và xã hội. Phải dạy cho họ biết một cách sâu sắc rằng Thiên Chúa quả thật là tình yêu. Ngài dựng lên con người và nhất là cứu chuộc con người trong Chúa Kitô chỉ vì Ngài yêu thương con người chứ tuyệt đối Ngài không được lợi lộc gì cả. Do đó, yêu mến Thiên Chúa và sống theo đường lối của Ngài là điều chỉ có lợi cho con người chứ không lợi ích gì cho Chúa. Nói khác đi, con người không «thi ơn cho Chúa» (do God a favor) khi yêu mến Ngài và cố gắng tuân giữ mọi giới răn của Ngài. Yêu mến vì Chúa đáng mến và giữ giới răn để thể hiện lòng mến đó như Chúa Giêsu đã dạy:

«Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy» (Jn 14, 15)

Như thế, sống Đạo phải là một niềm vui, một khát vọng, một lý tưởng tự chọn, một nhu cầu tối thiết cần thỏa mãn, chứ không phải là một một gánh nặng, một bổn phận miễn cưỡng phải chu toàn vì sợ bị phạt. Bao lâu giáo dân chưa ý thức rõ về điều này thì họ vẫn chưa «sống Đạo» đúng với ý nghĩa của từ ngữ mang nội dung này.

Ở chiều kích xã hội của đức tin và lòng mến, người Kitô giáo phải biết yêu thương mọi người, tôn trọng và quan tâm đúng mức đến những nhu cầu của nhau và của người khác. Không thể chỉ yêu mến Chúa bằng cách đọc kinh, cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ.. giữ mọi luật buộc nhưng lại sống thiếu bác ái, bất công và dửng dưng trước những đau khổ của anh chị em chung quanh mình. Cái tội lớn nhất của con người ngày nay là tội thơ ơ, dửng dưng (indifference, insensitivity) trước cảnh người khác bị bóc lột, bị phân biệt đối xử, bị đem bán làm vật mua vui cho những kẻ vô luân, vô đạo, bị bỏ đói và không được chữa trị bệnh tật chỉ vì không có tiền. Hố ngăn cách giữa giầu và nghèo ngày càng thêm sâu rộng vì con người của thời đại hôm nay nói chung trong đó có rất nhiều người Kitôgiaó nói riêng đã lãnh cảm (numb) trước sự khốn cùng, bất hạnh của người khác. Các chế độ chính trị chỉ phục vụ cho người giầu và cho chính quyền lợi của giai cấp thông trị hơn là phục vụ cho con người bất luận giầu nghèo, sang hèn.. Đây là một thứ «tội ác» (crime) chống lại chính Thiên Chúa là Đấng giầu lòng thương xót, nhân từ và quảng đại. Vương Quốc của Ngài, vì thế, chỉ dành cho những người biết xót thương, thông cảm và nhậy cảm (sensitive) với mọi nhu cầu chính đáng của tha nhân vì Chúa Giêsu thực sự hiện diện và đang đồng hành với những người khèo khó, bệnh tật và nạn nhân của mọi bất công xã hội. (cf. Mt 25: 31-46 Ngày phán xét chung)

Như vậy, nếu không chú trọng xây dựng con người Kitô giáo cách thích đáng trên hai bình diện thiêng liêng và xã hội, mà chỉ chú trọng vào việc xây cơ sở vật chất cho lớn cho đẹp, đập bỏ nhà thờ cũ còn tốt để xây nhà thờ mới quá tốn phí, hoặc xây «Công trường Kinh Mân Côi với 150 ngôn ngữ» để phô trương… thì chắc chắn Giáo Hội đã không chu toàn trách nhiệm xây dựng và phục vụ cho con người như Chúa mong muốn Giáo Hội không thể đồng tình với bất cứ thế lực chính trị nào để làm ngơ trước những bất công, bóc lột và tha hóa con người. Ngược lại, Giáo Hội phải có can đảm lên tiếng chống lại những tệ trạng và tội ác đó của xả hội trong khi thi hành Sứ mạng phúc âm hóa, xây dựng con người Kitôgiáo của mình.

Giáo dân Việt Nam cho đến nay chưa thực sự được đào luyện thích đáng trong hai chiều kích nói trên, nên vẫn còn «giữ Đạo» nhiều hơn là «sống Đạo». Vẫn chỉ quen đi Lễ, đọc kinh, lần chuỗi, rước kiệu, hành hương … hơn là biết sống lời Chúa cách thích đáng cụ thể bằng quyết tâm cải thiện đời sống theo tinh thần của «Phúc Âm sự Sống» (Gospel of Life) là mến Chúa phải đi đôi với yêu người, yêu sự thiện, chuộng công bình và thực hành bác ái. Không phải chỉ xưng các tội như bỏ đọc kinh tối sáng, lo ra khi dự Lễ, chửi rủa, ăn thịt ngày thứ sáu… mà quan trọng hơn là xưng tội bóc lột người khác, thơ ơ trước sự đau khổ, nghèo đói của anh chị em đồng loại, cũng như sống không trung thực với niềm tin nên đã buông thả theo những đòi hỏi của “văn hóa sự chết” (culture of death), -chối bỏ Thiên Chúa bằng đời sống -, đang bành trướng khắp nơi trên thế giới và ngay trong môi trường xã hội Việt Nam hiện nay.

Đời sống Kitô hữu phải phản ảnh trung thực những giá trị của Tin Mừng Cứu Độ mà Chúa Giêsu đã rao giảng và truyền lại cho Giáo Hội tiếp tục cho đến ngày viên mãn.

Sống giữa một thế giới gian tà, bất công, tôn thờ vật chất và đầy tội ác ngày nay, người Công giáo phải là những nhân chứng hùng hồn cho Chúa Kitô, Đấng đã đến để giải phóng cho con người khỏi mọi xiềng xích nô lệ cho tội lỗi, bất công và thù hận.

Nhưng muốn đạt mực tiêu đó, muốn cho tín hữu được sống đức tin cân xứng và trưởng thành để mang Đạo vào đời, thì người dạy dỗ, rao giảng cũng phải được đào luyện tương xứng để thực sự sống những điều mình giảng dạy. Nếu không, sẽ không thuyết phục được ai tin và thực hành những gì mình khuyên bảo. Cụ thể là các chủng sinh đang được tu học, thì cần thiết phải được huấn luyện cho có chiều sâu về tâm linh (rich spirituality) có lòng hăng say nhiệt thành (zeal and devotion) với sứ vụ (ministry) ngoài hiểu biết chuyên môn tối thiểu về học vấn (academic formation) .

Linh mục của thời đại hôm nay không phải chỉ biết làm Lễ, ban các Bí Tích mà quan trọng hơn hết phải là hình ảnh sống động của Chúa Giêsu đang hiện diện và phục vụ cho dân của Người thuộc chủng tộc, ngôn ngữ, và giai cấp xã hội.

Trong tinh thần ấy, Linh mục - một Alter Christus – không thể phản chứng bằng chính đời sống của mình giữa giáo dân và những người khác tín ngưỡng với mình.

Phản chứng (anti-witness) trước hết bằng thái độ hèn hạ chạy theo và làm tay sai cho «bất kể thế lực nào» để trục lợi cho mình, bất chấp quyền lợi của Giáo Hội, của dân Chúa được trao phó cho mình phục vụ. Phản chứng bằng đời sống suy thoái đạo đức, (moral deterioration) lỗi bác ái với anh em, tranh giành địa vị, quyền lợi, tha hóa vì tham mê tiền bạc, chuộng vui thú, tiện nghi vật chất của chủ nghĩa tiêu thụ và vật chất hóa (consumerism and materialism), là những biểu tượng của «văn hóa sự chết»…

Tóm lại, phải đặt nặng vấn đề đào tạo con người Kitô giáo (Christian formation) dù ở cương vị giáo dân hay giáo sĩ để sống xứng đáng với Ơn phúc được là Kitô hữu (the grace of being a Christian. )

Chính vì muốn nhấn mạnh về giá trị và tầm quan trọng của ơn phúc này, mà Thánh Âu Tinh (Augustine 354-430) đã nói một câu thời danh và rất sâu sắc như sau: «Cho anh em tôi là Giám Mục, với anh em tôi là Kitô hữu, danh hiệu Giám Mục nói lên một trách nhiệm đảm nhận, còn danh hiệu Kitô hữu là một ơn phúc. Danh hiệu Giám Mục nói lên một hiểm họa trong khi danh hiệu Kitô hữu nói đến sự cứu độ» = «For you I am a Bishop, with you I am a Christian. The former title speaks of a task undertaken, the latter a grace, the former betokens danger, the latter salvation» (cf. Sermon 340, 1: PL: 1483)

Như thế có nghĩa: được là Kitô hữu (Christian) thì quí trọng hơn làm Linh mục, Giám mục, Hồng Y hay cả Giáo Hoàng nữa. Do đó, không những tôi phải dạy cho tín hữu biết trân quí ân sủng này mà chính tôi cũng phải sống cho cân xứng với ân sủng đó trong cương vị là giáo sĩ với sứ mạng rao giảng, dạy dỗ, thánh hóa và làm chứng cho những điều tôi rao giảng, dạy dỗ người khác. Nếu không, tôi sẽ trở thành phản chứng và không còn thuyết phục được ai tin vào những lời giảng dạy của tôi nữa.

Cụ thể, nếu ơn phúc được là Kitô hữu quan trọng hơn vinh dự được làm Giám Mục, Hồng Y thì, trước hết, tôi không được phép chạy chọt «lobby» bằng mọi cách để được tiến cử lên những địa vị này vì đó là công việc của Chúa Thánh Thần, không phải là việc của người phàm đầy tham sân si. Tôi phải tôn trọng Chúa Thánh Thần trong việc hướng dẫn Giáo Hội để những ai Ngài muốn trao trách nhiệm thì được chọn lên mà thôi. Tôi cũng không được phép kéo phe kéo cánh đòi cho «người của chúng tôi», của «Địa phương» chúng tôi phải làm Giám Mục, làm Bề Trên, chứ không thể để người ở địa phương khác đến «cai trị chúng tôi» được. Hành động như vậy thì không những tôi đã can thiệp thô bạo vào công việc của Chúa Thánh Thần mà còn biến Giáo Hội của tôi thành một «tổ chức thế tục» qui tụ những người đầy tham vọng xấu xa, núp dưới chiêu bài «Ơn gọi làm Tông Đồ». Giáo Hội của tôi phải là Bí Tích của Chúa Kitô ở giữa trần gian, là «Tòa Nhà của Thiên Chúa», nơi qui tụ những người muốn được cứu rỗi nhờ Chúa Kitô và những người thực sự được kêu gọi mang ơn cứu độ này đến cho những ai cần Ơn ấy, chứ không phải là nơi «buôn thần bán thánh», tranh giành quyền lợi, địa vị, danh vọng…

Tóm lại, nếu quan niệm đúng đắn như vậy về ơn phúc được là Kitô hữu và tôn trọng Chúa Thánh Thần hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội, thì tôi không được thi hành bất cứ thủ đoạn nào để thỏa mãn tham vọng cá nhân mình về địa vị và quyền bính trong Giáo Hội địa phương. Đặc biệt, tôi không được phép «đi đêm» hay «thỏa hiệp»với bất cứ ai để «phá anh em» để ngăn chặn «người» tôi không muốn được tiến cử lên địa vị nào đó. Tôi cũng phải giữ kín những điều được thảo luận trong nội bộ Hội Đồng Giám Mục để không ai ở ngoài biết được một tin tức gì về những điều đã được bàn bạc trong nội bộ các Giám mục. Vì tại sao cho đến nay những gì được bàn kín trong Hội Đồng Giám Mục đều lọt ra ngoài ngay sau đó? Ai tiết lộ, Ai làm «antenna»??? Với mục đích gì???

Mặt khác, nếu là Kitô hữu thì cao trọng hơn làm Giám mục thì người ta phải chú trọng nhiều hơn nữa vào việc dạy dỗ giáo dân sao cho họ biết sống tương xứng với ơn phúc được là Kitô hữu, biết sống Đạo để mang Tin Mừng của Chúa Kitô đến với những người chưa biết Chúa vì Chúa «muốn cho mọi người được cứu rổi» (1 Tìm 2, 4).

Cũng phải chú ý hơn nữa vào việc bồi dưởng cho các linh mục đã làm mục vụ lâu năm để loại trừ những «tiêu cực, bê bối» như «giảng dai, giảng dài, giảng sai thần học, sai cả giáo lý» như có linh mục kia, khi giảng trong lể an táng của một giáo dân, đã quá đề cao người chết để «làm vui lòng người sống» bằng cách quả quyết rằng: «linh hồn này đã về Thiên Đàng rồi» ! Đã về rồi thì cần gì phải dâng Lễ cầu nguyện cho nữa? Có giáo lý nào dạy phải cầu nguyện cho các Thánh ở trên Thiên Đàng đâu? Lại nữa, một linh mục nọ đi xe Lexus, đeo đồng hồ Longines nhưng đã tự bào chữa cách trơ trẽn như thế này: linh mục phải ăn sung mặc sướng, sang trọng để cho giới trẻ thấy đó mà ham đi tu chứ! sống nghèo, sống khổ thì còn ai muốn đi tu làm linh mục nữa! Tệ hại hơn nữa là một linh mục nọ, khi giảng trong lễ cưới, đã vô liêm sỉ và rất thô lỗ khi diễu cợt trước cộng đoàn về các từ ngữ «cưới, cười rồi cưỡi»)! Chưa hết, hiện nay đang có nạn một số linh mục trẻ «chịu chơi» hay đi dự các tiệc cưới và nhẩy nhót với giới trẻ sau dạ tiệc! Có linh mục còn tham gia cả trò chơi «ném vớ» (stockings) với đôi tân hôn nữa, khiến cho nhiều khách dự tiệc phải nhăn mặt bỏ ra về!

Đây là gương xấu (scandal) cần phải tránh. Không thể lấy lý do «hòa đồng, chịu chơi» như vậy để làm mất tư cách của linh mục trước công chúng. Các linh mục Mỹ cũng không ai «chịu chơi» kiểu nhố nhăng này.

Linh mục là bí tích của Chúa Kitô, nên lời giảng dạy cũng như tư cách và ngôn từ phải phản ảnh trung thực cho Đấng đã gọi và sai mình đi rao giảng Tin Mừng cứu độ và làm chứng cho Ngài. Mọi lời giảng dạy phải có phẩm chất giáo huấn cao và có nội dung phù hợp với thần học, tín lý, giáo lý của Giáo Hội. Không thể nói năng bừa bãi, vô ý thức và hành xử gây tai tiếng làm giảm hay mất niềm tin của giáo dân được trao phó cho mình phục vụ và dẫn dắt và làm gương sáng. Muốn cho giáo dân kính trọng và tôn trọng vai trò mục tử của mình thì linh mục cũng phải sống cho phù hợp với cương vị của mình là những đại diện bí tích của Chúa Kitô qua sứ vụ (ministry).

Nếu trên đây là những «mặt tiêu cực» của việc giảng dạy và sống chứng nhân của giáo sĩ, thì cũng cần lưu ý ngay đến việc đào tạo chủng sinh hiện nay ở các chủng viện. Cần chú trọng hơn nữa việc đào luyện thiêng liêng hay tu đức (spiritual formation) cho họ để sau này ra phục vụ, họ không bị chao đảo bởi những cám dỗ về tiền bạc, về hư danh trần tục và tha hóa. Trong mục đích này, không nên làm ngơ trước sự kiện nhiều chủng sinh đang còn học nhưng đã đua nhau đi tìm «cha mẹ nuôi, chị thiêng liêng, anh tinh thần ở ngoại quốc để hàng tháng được nhận những gói quà hay tiền bạc gửi về trợ giúp cho ơn gọi của mình và mai sau được làm «Ông bà, anh, chị cố tinh thần của Cha mới» một hư danh rất tầm thường nhưng nhiều người vẫn còn ham thích đi tìm.

II- THỰC TRẠNG THA HÓA, SUY ĐỒI ĐẠO ĐỨC (Moral deterioration)

Sau hết, cũng trong tinh thần coi trọng ơn phúc được là Kitô hữu hơn là được làm lớn trong Giáo Hội, chúng ta cần khẩn trương lưu ý đến tình trạng tha hóa, suy thoái đạo đức (moral deterioration) trầm trọng trong Xã Hội Việt Nam và ở một vài nơi trong Giáo Hội hiện nay ở quê nhà.

Nói ra điều này, tôi có thể bị kết án là ngụy tạo, là xúc phạm đến uy tín của nhiều đấng bậc. Nhưng thực tế đau lòng khiến tôi phải mạnh dạn nói lên một lần nữa cho dù có bị chỉ trích và hiểu lầm.

Thực thế, trước hết không ai chối cãi được sự thực sa đọa, tha hóa, tham nhũng trầm trọng của xã hội .. hiện nay, một thực trạng ..... không che dấu nỗi và còn đề ra đến những biện pháp «cứu chữa» nhưng cho đến nay kết quả không đi đến đâu. Sa đọa, thoái hóa vì không còn ý thức đạo đức, giá trị luân lý nào được tôn trọng nữa. Cho nên, mặc sức người ta lừa đảo, bóc lột, gian manh, trộm cắp sống vô luân chỉ vì tiền bạc và lợi nhuận, đạp lên mọi giá trị tinh thần, đạo đức từng là nền tảng của xã hội và đời sống gia đình Việt Nam.

Trong bối cảnh này, những người có niềm tin vào một Thiên Chúa công bình, thánh thiện và nhân ái, chúng ta phải làm gì? Phải chăng đây là thời cơ thuận tiện, là dịp may để làm nhân chứng cho Chúa Kitô «Đấng vốn giầu sang phú quí, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em để lấy cái nghèo khó của mình mà làm cho anh em trở nên giầu có» (2 Cr 8, 9) ?

Như vậy, Giáo Hội có cần sống «cái nghèo» của Chúa Giêsu, Đấng sinh ra trong hang bò lừa vì không nhà, không cửa và khi chết, không có chỗ chôn, phải mượn ngôi mộ trống của người khác để nằm tạm trong 3 ngày?

Chúa Giêsu có «đóng kịch» nghèo khó cùng độ hay thực sự Người đã sống và chết nghèo như vậy để cho con người được giầu sang trong Nước Thiên Chúa?

Như thế, giáo sĩ có được tham gia vào cuộc chạy đua tìm tiền bạc, danh lợi, vui thú theo trào lưu tha hóa của xã hội không? Có nên tiếp tục đua nhau ra nước ngoài để xin tiền về xây nhà thờ mới, đập bỏ nhà thờ cũ để phô trương không?

Nếu việc xây cất này là cần thiết, thì tại sao nhiều xứ có nhà thờ đổ nát cần tái thiết, nhưng cha xứ lại không có cơ hội xuất ngoại để xin viện trợ, trong khi nhiều xứ có nhà thờ còn tốt mà cha xứ cứ được đi liên tục để xin tiền về làm gì??? Các Nhà Dòng, Tu Hội cũng vậy. Nhu cầu thực sự có nhiều như vậy không mà tại sao hàng tuần, hàng tháng, luôn có nhưng nữ tu thuộc nhiều Cộng đoàn đến xin trợ giúp ở các giáo xứ Việt Nam tại Mỹ? Tình trạng này đã đến mức «thái quá =excessive» rồi đó, nên cần phải «stop» lại để cứu vãn thanh danh cho Giáo Hội, cho giáo sĩ và tu sĩ, đang bị tai tiếng vì thực trạng tha hóa của một số người…

Sau hết nhưng đáng quan tâm hơn nữa là tình trạng «simonia» ở một vài nơi và một số phần tử trong Giáo Hội địa phương, liên quan đến «thủ tục» xin phong chức linh mục và cả khấn Dòng nữa… vì danh vị «Ông Cha, Bà Soeur» vẫn còn rất hấp dẫn đối với nhiều người. Cụm từ «trồng cây ...» là biểu hiện của tội lỗi này nơi những người đã bị tha hóa vì ham mê tiền của và làm nhơ nhuốc cho Giáo Hội. Cụm từ này đã mất nội dung chính trị ban đầu của nó để chuyên chở một nội dung mới mà chỉ những người và ở những nơi đang sử dụng nó mới hiểu ý nghĩa thực sự của nó mà thôi. Ai có tai thì nghe và tự hiểu. Những người đó đã biến Giáo Hội thành một «tổ chức buôn lậu» một nơi buôn thần bán thánh chứ không còn là một phương tiện cứu độ do chính Chúa Giêsu thiết lập trên nền tảng các Tông Đồ với sứ mệnh hoàn toàn siêu nhiên nữa.

Tôi tin chắc rằng các Giám mục và Bề trên các Dòng không biết và không dung dưỡng tệ trạng này, nhưng đó là điều có thực cần được các ngài lưu tâm điều tra để sửa trị hầu cứu vãn cho Giáo Hội khỏi lún sâu vào hố suy thoái vì của cải vật chất hư hèn. Giáo Hội phải thực sự nghèo như Chúa Kitô thì mới chinh phục được lòng người.

Xã hội sa đọa, tha hóa vì tiền, vì «chế độ xin cho». Đạo đức, luân lý đã hường chỗ cho tham vọng cá nhân về danh vọng, chức quyền, địa vị và quá ham mê tiền của, vui thú bất chính. Thực trạng này đáng phải lên án và diệt trừ.

Giáo Hội cần thiết phải sống nhân chứng cho Chúa Kitô trong bối cảnh này bằng hành động cụ thể lên án mọi hình thức thoái hóa, vô luân, vô đạo của xã hội, của thời đại.

Nếu không, Giáo Hội sẽ tự phản bội và phản bội chính Đấng đã gọi và ủy thác sứ mạng phúc âm hóa để cứu chuộc muôn người trong Chúa Kitô.

Tôi thành tâm cầu mong cho Giáo Hội được trở nên tinh tuyền, thánh thiện hơn nữa để xứng đáng là «Hiền thê» của Chúa Giêsu khó nghèo, thánh thiện, công chính và nhân ái.

Lễ Giáng sinh năm 2004 (Houston, Texas, Hoa Kỳ)
LM. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

No comments: