Gặp Gỡ Trên Đường Truyền Giáo
Năm 1989, mình về thăm quê hương Hiền Quan, sau 37 năm xa cách. Mình đi thật nhiều, để “trả thù” 14 năm bó cẳng ở Cà Mau. Mình đến thăm một họ đạo nhỏ bé : giáo dân chỉ có chừng 200 nhân danh. Nhà thờ nhỏ xíu, mái ngói rêu phong, vách ván mốc thếch, tượng Chúa và các Thánh sơn phết tèm lem, chân đèn tróc sơn loang lổ như làn da ghẻ lở. Ông trưởng ban hành giáo ngỏ lời với mình :
- Cha ở trong Nam ra, xin cha sắm cho chúng con một bộ Kèn Tây.
- Nghèo thì lo cơm ăn áo mặc, sắm Kèn Tây làm chi. Và còn phải lo truyền giáo chứ.
- Mình phải hơn người ngoại, thì người ngoại mới theo đạo mình.
- Như vậy là khoe đạo chứ không phải là truyền đạo đâu.
Ông trưởng ban hành giáo cười trừ và làm thinh.
* * *
Năm 1978, giáo dân từ Hà Nam Ninh dắt díu nhau vào thành lập nông trường U Minh. Có cơm ăn, có áo mặc, nhưng thiếu nhà thờ và thiếu thánh lễ. Bức xúc chịu không được, một ông cao niên đến gặp mình.
- Con xin phép lạy cha. Xin cha giúp đỡ để chúng con có nhà thờ, có cha xứ và có Thánh lễ. Chúng con tưởng rằng trong này thì thiếu gì nhà thờ. Ai ngờ… đồng không mông quạnh. Ở quê con, nhà thờ to lắm chứa được cả triệu người ấy.
- Theo luật xây dựng, nhà thờ chứa được một triệu người, thì phải có diện tích một triệu mét vuông. Một triệu mét vuông tức là một cây số vuông đấy.
- Xã của chúng con toàn tòng Công giáo, không có một người ngoại nào chen vào được.
- Như vậy là men không chịu ở với bột. Men để trong chai, trong bọc nilông. Men ấy sẽ mốc.
Mình nói thế mà ông cao niên không hiểu. Ông cứ tủm tỉm cười, cười một cách mãn nguyện.
* * *
Ba người lạ mặt đi xe ôm đến thăm mình. Lịch sự. Sáng láng. Mình ở vùng sâu vùng xa mà có khách đến thăm thì thích lắm. Ai ngờ.
- Họ đạo chúng tôi mới xây xong nhà thờ, còn thiếu cái tháp. Xin cha giúp chúng con với.
- Các ông xây mấy tháp và tháp cao bao nhiêu ?
- Chúng con xây hai tháp y như Nhà thờ Chính Tòa Sài Gòn.
- Họ đạo các ông có bao nhiêu giáo dân ?
- Chúng con có bốn trăm.
- Có bốn trăm giáo dân mà xây nhà thờ lớn làm chi ?
- Không xây thi thua người ta sao. Giáo họ nào cũng phải có nhà thờ. Nhà thờ nào cũng phải có tháp. Tháp nào cũng phải có chuông. Hai ba chuông.
Mình coi bản thiết kế. Hai tháp chuông cao hai mươi mét. Mình nhỏ nhẹ tâm sự :
- Cái Rắn tôi vẫn chưa có tháp, thì làm sao tôi giúp các ông xây tháp được. Ở đây có nhiều người nghèo quá, giúp cơm áo cho người nghèo chưa xong, thì lấy tiền đâu mà giúp các ông xây tháp.
Mình chỉ trao cho họ vài trăm ngàn để trả tiền xe ôm. Họ ra về. Buồn man mác. Đành phải vậy thôi.
* * *
Cách nay một nửa thế kỷ mình chứng kiến một cảnh rước kiệu Đức Mẹ thật hoành tráng :kiệu thì sơn son thếp vàng; người đi kiệu thì trùng trùng điệp điệp; cờ xí thì hằng hà sa số, tung bay phất phới; kèn đồng thổi lên nghe như sấm như sét…
Đoàn người đi kiệu chiếm hết lòng đường quốc lộ. Xe cộ ùn tắc như một bãi ốc bươu vàng. Tài xế và hành khách trên xe đò đều thở dài ngao ngán. Vài người thiếu tế nhị văng tục um sùm.
Mình ngồi trên xe vừa nghe hành khách chửi thề vừa nghe tiếng cầu kinh của đoàn người đi kiệu. Chẳng biết nên vui hay nên buồn. Người đi kiệu thì hãnh diện vô cùng. Người ngồi trên xe thì ấm ức quá chừng.
* * *
Bây giờ ngồi nghĩ lại chuyện xưa, mình thấy bối rối quá chừng. Mình sực nhớ dụ ngôn “Men trong bột”. Áp dụng vào văn hóa Việt Nam, mình đặt tên là “Men trong nếp”.
Để men biến thành cơm rượu, men phải có ba điều kiện : chỉ là một thiểu số; trộn đều trong nếp; âm thầm trong bóng tối.
Nhưng tiếc thay, đồng đạo của mình không muốn làm men theo những điều kiện trên. Chính vì thế :
Họ hãnh diện khoe : “ Xã tôi toàn tòng Công giáo, không có người ngoại đạo nào chen vào được”. Mình liên tưởng đến hũ cơm rượu ở nông thôn miền Nam. Nếu men không chịu trộn đều trong nếp thì : nếp bị thiu, men bị mốc. Họ đạo thì vẫn còn đó với nhà thờ hoành tráng và kinh kệ rền rĩ. Nhưng Đức Giêsu thì không thấy đâu. Mình đan cử một chuyện đã xảy ra tại một gíáo xứ kia :
Có một bà góa chửa hoang. Thế là vè vãn được sáng tác tràn lan. Trẻ con nghêu ngao đọc vè để chế giễu. Ông chánh trương tổ chức một buổi họp để giải quyết chuyện chửa hoang này. Ông nói với đứa con trai của bà góa : “Mày phải nhớ rắng : bây giờ mày là chủ của cái nhà này chứ không phải mẹ mày, bởi vì mày phải nuôi mẹ mày đi để giữ lấy gia phong”.
Mình tự hỏi, nếu Đức Giêsu có mặt ở đó, thì Ngài có giải quyết như thế không? Chắc chắn là không. Ngược lại, Ngài sẽ bảo ông chánh trương : Nếu ông sạch tội, thì hãy đuổi người đàn bà này đi.
Mình tự nghĩ, ông chánh trương này là tín đồ đạo Nho chứ không phải là Kitô hữu. Ông hành xử theo quan niệm Nho giáo : đàn bà có ba cái “theo”, theo cha, theo chồng, theo con.
Cả họ đạo ấy đều theo ý kiến của ông chánh trương. Thế là họ đánh mất Đức Giêsu rồi. Chỉ còn lại Đức Khổng.
Họ muốn có Kèn Tây, họ muốn có tháp cao và muốn có chuông to, để hơn người ta, để hơn người ngoại. Như vậy là khoe đạo chứ không phải truyền đạo.
Khoe đạo không làm cho người ngoại mến đạo mà còn làm cớ cho họ ghét đạo. Người khiêm nhu được mọi người quý mến. Người kiêu ngạo bị mọi người ghét bỏ. Đạo cũng vậy.
Chính vì thế mình chỉ mơ ước một thánh đường đơn sơ, mát mẻ, dễ cầu nguyện, chứ không cần hoành tráng. Mình không thích một áo dài thêu kim tuyến của các bà mệnh phụ. Mình chỉ thích một áo dài trắng đơn sơ của cô nữ sinh, vừa đẹp, vừa dễ thương. Mình thích truyền đạo chứ mình không thích khoe đạo.
LM. Piô Ngô Phúc Hậu
Bài giảng Chúa Nhật
TGP/SG tháng 10/2011
No comments:
Post a Comment