Lm Anmai, C.Ss.R
Chúa nhật XVI TN năm C
St 18, 1-10a; Cl 1, 24-28; Lc 10, 38-42
Trong cuộc sống hằng ngày, ai cũng muốn được người ta tôn trọng và đón tiếp, ai cũng ca tụng tính hiếu khách vì hiếu khách là một đức tính tốt, và người hiếu khách là người có tinh thần bác ái. Đâu đó ta vẫn thấy có những cuộc đón tiếp hết sức nồng hậu. Không chỉ ở đời thường mà chúng ta bắt gặp như trong Thánh Kinh cũng để lại cho chúng ta những cuộc gặp gỡ đượm tình bác ái yêu thương.
Trang sách Sáng Thế hôm nay chúng ta được nghe cho chúng ta thấy lòng của Abraham. Abraham là một người hiếu khách, ông đã mời ba người khách lạ vào lều và hầu hạ họ như tôi tớ. Đáp lại tấm thịnh tình của ông, ba vị sứ giả của Thiên Chúa loan báo cho ông biết là ông sẽ có con trai trong tuổi già.
Ở trang Tin Mừng, chúng ta lại bắt gặp hình ảnh của Matta và Maria rất dễ thương và cũng là người hiếu khách. Matta và Maria đã đón tiếp Chúa Giêsu vào nhà và đã phục vụ Ngài một cách tận tình, tuy mỗi người có một cách phục vụ khác nhau.
Trong cách tương giao, câu chuyện giữa chủ và khách là một cuộc đối thoại chứ không phải là độc thoại. Theo tâm lý chung, ai cũng thích nói, muốn bộc lộ hết tâm tư cho người kia, nhưng người sành tâm lý và được người ta ưa chuộng là người biết lắng nghe, tạo cơ hội cho người kia bộc bạch hết tâm tình của mình. Trong cuộc đón tiếp Chúa Giêsu vào nhà, Matta chỉ bận rộn cho bữa ăn mà bỏ quên Ngài, còn Maria thì biết tạo cơ hội cho Ngài thổ lộ tâm tình và được hiểu biết những chân lý mà Ngài muốn mạc khải cho. Trong hai cách phục vụ thì Chúa thích lối phục vụ của Maria hơn, bởi Maria đã biết lắng nghe : "Maria đã chọn phần tốt nhất”.
Trong cuộc sống Kitô hữu, nhất là trong cuộc sống tông đồ, sinh hoạt để làm sáng danh Chúa là một điều tốt, nhưng những sinh hoạt ấy chỉ đem lại lợi ích nếu nó được đan dệt bằng sự cầu nguyện, bằng suy niệm và bằng sự thinh lặng trong sự hiện diện của Chúa. Chúng ta đừng đặt câu hỏi : Chúa có nói với chúng ta không, mà phải hỏi ngược lại : chúng ta có thinh lặng và yên tĩnh đủ để nghe Ngài hay không ?
Bêrania cách Giêrusalem ba cây số. Trên đường về, Chúa Giêsu ghé lại, nơi ở của Matta, Maria và Ladarô, một gia đình mà Ngài rất quen thân và vẫn thường lui về nghỉ ngơi trong những dịp thi hành sứ vụ tại thủ đô. Không có nơi nào tính cách nhân loại mà Luca chủ trương phác họa được diễn tả trọn vẹn hơn. Chúa Giêsu và các môn đệ ghé lại đây trong khung cảnh, bầu khí hết sức đầm ấm của gia đình. Một bức họa đẹp và sống động đầy vẻ nhân sinh trong cuộc đời Chúa Giêsu.
Matta là một người chị vốn có lòng hiếu khách. Với lòng mộ mến sâu xa đối với một bậc thầy, là bạn của gia đình nên chị định trổ tài nấu dọn một bữa ăn thật ngon để chiêu đãi Chúa. Và như vậy, chị lăng xăng lít xít chạy lên chạy xuống, lo sao cho mọi sự chu đáo…
Chị yêu mến thầy Giêsu và rất quan tâm tới sức khỏe của Ngài. Trên cuộc hành trình đi vào làng, Ngài mệt mỏi, đói bụng, phải được ăn uống bồi dưỡng để tiếp tục sứ vụ. Sự lo lắng cho sức khỏe của người khác là nét tinh tế của người phụ nữ. Vì yêu Chúa nhiều, Matta mới lo lắng và lăng xăng như thế. Tưởng chừng mình làm đẹp ý của Thầy nhưng lại nhận được phản ứng ngược : "Matta, Matta, con lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá”(Lc 10,42). Nói như vậy, phải chăng là Ngài phê bình Matta chỉ đặt trọng tâm vào việc ăn uống ?
Chuyện thầy Giêsu băn khoăn bây giờ, hay nói đúng hơn không phải là ngay bây giờ mà từ ngày nhập thể đó là chuyện lên Giêrusalem để đi vào cuộc thương khó và tử nạn vâng theo ý Chúa. Thầy nghĩ khác còn Matta nghĩ khác để rồi chị lại lo chuyện ăn uống. Bởi vậy, thầy muốn có người biết chia sẻ tâm tình hơn để làm vơi nỗi lòng mình, còn việc ăn uống lúc này thì chỉ là phụ thuộc, không cần thiết mấy. Maria đã đáp ứng đúng tâm trạng của Chúa Giêsu.
Còn Maria vì trực giác hơn được điều Chúa muốn nên cứ ngồi dưới chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Nàng biết Ngài mong ước được mạc khải chính mình, muốn ban cho họ những sứ điệp từ trời, không phải vì lợi ích cho Ngài, mà vì phần rỗi của nhân loại. Bởi vậy, theo nghệ thuật tiếp khách, nàng phải để ý đến ý muốn của vị khách trước. Trong việc tiếp đãi Thầy, nàng đã làm được việc lớn hơn chị nàng.
Trong khi đó, Maria lại nghĩ rằng không nên để Chúa ngồi đơn độc một mình. Vả lại, Chúa cũng chẳng muốn chỉ vác bụng đến ăn không, nhưng còn muốn chia sẻ cho hai chị em những lời ban sự sống. Do đó, một người thì muốn nói, một người lại thích nghe, quên hết cả mọi sự!
Cả hai đều yêu kính Thầy và ước ao được làm vui lòng Thầy của mình. Với tính cách này, cả hai chị em đều đáng khen. Matta đã làm quá nhiều để sửa soạn một bữa ăn ngon lành trong dịp này vì lòng nhiệt thành phục vụ. Thế nhưng trực giác của Maria mạnh hơn, chị đáp ứng điều Chúa muốn nên cứ ngồi dưới chân Chúa mà nghe Lời Ngài dạy. Cô biết Ngài mong ước được mạc khải chính mình, muốn ban cho họ những sứ điệp từ trời, không phải vì lợi ích cho Ngài, mà vì phần rỗi của nhân loại. Bởi vậy, theo nghệ thuật tiếp khách, cô phải để ý đến ý muốn của vị khách trước, phải lắng nghe người khác nói. Trong việc tiếp đãi Thầy, cô đã làm được việc lớn hơn chị cô.
Trong hoàn cảnh như vậy, Matta nổi cáu, trách Chúa không để ý đến mình, để mặc mình vất vả! Nỗi ghen tức kể ra cũng chính đáng. Nhưng Chúa cũng trách nhẹ Matta sao lo lắng nhiều chuyện quá làm chi. Chuyện ăn uống đâu có quan trọng đến nỗi ấy. Chỉ có một chuyện cần thiết thôi: “Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”.
“Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi”, có người giải thích câu nói: cho rằng Chúa muốn nói: “Chỉ cần làm một món ăn thôi cũng đủ rồi!”. Lời giải thích ấy không phải là vô căn cứ, giải thích theo nghĩa thông thường đi nữa, thì lời trách nhẹ của Chúa Giêsu vẫn chính đáng; bởi vì trong chuyện tiếp khách, vấn đề không phải chúng ta chỉ biết cho, và người khách chỉ biết nhận, mà chính chủ nhà cũng phải biết nhận và để cho khách niềm vui được chia sẻ.
Cho và nhận, đây không phải là có ý nói tới những gì là vật chất, như ăn uống, quà cáp… mà trước hết là sự hiện diện cũng như những câu chuyện trao đổi. Người xưa thường nói: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Nói như thế để chúng ta thấy rằng một người bạn thân khi đến với chúng ta trước hết với tình bạn của mình: người ấy muốn gặp chúng ta, muốn nói chuyện với chúng ta. Chuyện ăn uống chỉ là một cái cớ dù có được mời đến để dự tiệc cũng không bao giờ nghĩ đến là được ăn cho thỏa thích.
Chúa Giêsu trả lời cho Matta : "Matta, Matta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không ai lấy mất”. Câu trả lời của Chúa Giêsu đã gây nên nhiều tranh luận và tùy cách hiểu mà dịch ra khác nhau.
Một cách theo như nghĩa trong truyện thì cô Matta lo lắng cho nhiều làm chi, một món ăn là đủ rồi.
Một cách khác theo như bản Phổ thông lấy theo nghĩa thiêng liêng. Đối nghịch với những bận rộn đón tiếp của cô Martha, chỉ có một sự cần thiết là lắng nghe Lời Chúa.
Ở đây thực ra không có ý so sánh những của đời này với của duy nhất trên trời, mà là lấy làm hơn thái độ của Maria chăm chú nghe Chúa, cô Matta chia trí lo lắng quá nhiều sự. Vì thế, Chúa Giêsu đã tuyên bố Maria đã chọn phần nhất là nghe Lời Chúa.
Trang Tin mừng hôm nay chúng ta thấy Thánh Luca không hề muốn phân biệt giữa đời sống tu trì chiêm niệm và đời sống tu trì hoạt động, cũng không hề coi thường việc phục vụ người khác. Thánh sử Luca muốn nhấn mạnh đến “phần duy nhất cần thiết” là: làm môn đệ đích thực của Chúa Giêsu hãy lắng nghe giáo huấn của Người, để Người tiếp tục hướng dẫn.
Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để dẫu rằng vẫn bôn ba với cuộc sống trần gian như cơm ăn áo mặc nhưng luôn biết lắng nghe và thực hành lời Chúa dạy dỗ, bảo ban mỗi người chúng ta.
Lm Anmai, C.Ss.R
No comments:
Post a Comment