Lm JB Nguyễn Minh Hùng
“Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu”. Đó là chọn lựa của Chúa Giêsu khi chấp nhận làm người. Chúa đã không dành cho mình một đời sống tiện nghi, sung túc, hay tìm kiếm quyền lực, ham thích được “ăn trên ngồi trước thiên hạ”… Chúa đã chọn cho mình một cuộc sống, một cung cách sống gần gũi với tất cả những ai cùng cực, thiếu thốn, khổ đau, bị bỏ rơi…
Điều lạ lùng là, cuộc sống và cung cách sống đầy bấp bênh ấy lại trở thành nguồn cảm hứng và gợi hứng cho lẽ sống mà bao nhiêu anh chị em của chúng ta trong dòng lịch sử Hội Thánh đã bước theo.
Chẳng hạn: Thánh Phanxicô Assisi, đã can đảm vứt bỏ mọi giàu sang của thế gian, và sống nghèo khó vì nước trời. Mẹ Têrêsa thành Calcutta, một đời hy sinh cho những anh chị em đau khổ. Cha Đamiel, không còn nghĩ đến bản thân chỉ vì những anh chị em bị bệnh phong hành hạ. Nhiều những đan sĩ, chấp nhận chôn mình trong bốn bức tường của đan viện để cầu nguyện cho Hội Thánh, cho con người…
Ngay từ chính thời Chúa Giêsu, cuộc sống và cung cách sống ấy đã gây ấn tượng và thích thú cho nhiều người. Nhờ đó, họ sẵn sàng dấn thân theo Chúa khắp nơi như: các phụ nữ thành Giêrusalem, các tông đồ và nhiều môn đệ…
Hôm nay, bài Tin Mừng cho biết một thanh niên cũng xin theo Chúa. Hẳn anh đã ngưỡng mộ Chúa, đã nhận ra người Thầy Giêsu này có điều gì đó cao trọng, khả kính hơn bao nhiêu kẻ mà hằng ngày, mọi người vẫn gọi là thầy. Vì thế, ông muốn tự nguyện làm môn đệ của Chúa: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”.
Nhưng thật lạ lùng, trước lời cầu xin để được theo Chúa của người thanh niên, Chúa không vui. Ngược lại, Người nói lên hoàn cảnh của Người: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu”. Không biết cuối cùng, người thanh niên có dám theo Chúa không.
Nhưng lời của Chúa là bài học cần thiết cho chúng ta: Một khi muốn làm môn đệ của Chúa mà không trở nên giống Chúa, không thể là môn đệ, hoặc không bao giờ là môn đệ đúng nghĩa.
Bước theo Chúa, người môn đệ phải ý thức rằng, từ nay mình được mời gọi ném mình cho Chúa, phó thác hoàn toàn trong tay Thiên Chúa như Chúa Giêsu vậy. Vì thế, cũng như Chúa Giêsu nói với người thanh niên, Người cũng mời gọi chúng ta: muốn theo Người phải có lòng can đảm, phải biết chấp nhận và chịu đựng.
Theo Chúa là từ bỏ, là sống nghèo khó, là không tìm tư lợi, nhưng luôn đặt danh dự của Chúa và lợi ích phần rỗi của mình, của mọi người lên hàng đầu.
Theo Chúa là chấp nhận bấp bênh, là phải nhận ra tính chênh vênh của mình chính là điều kiện cần thiết để bản thân hoàn thành ơn gọi.
Theo Chúa là phải để cho bàn tay của mình trở thành bàn tay không, nhưng lòng mình thì đầy ắp lý tưởng, giàu nghị lực, tràn niềm vui, chiếu tỏa không ngừng sự hy sinh, sự dấn thân, đề cao thái độ quên mình…
Theo Chúa là sống giây phút hiện tại như chỉ có Chúa, chỉ có việc làm của Chúa để sống và để chết như một hy tế trọn vẹn trong tay Chúa.
Theo Chúa là nhìn anh chị em, đón nhận từng con người một cách chân thành, đơn sơ, như Chúa luôn noi gương cho chúng ta.
Theo Chúa là chấp nhận hủy mình cách dứt khoát, quyết liệt, không khoan nhượng, không lưỡng lự hay dùng dằn.
Điều kiện quan trọng nhất, cần thiết nhất để theo Chúa trọn vẹn, ngoài việc khước từ tất cả những gì cồng kềnh, cản lối, đòi chúng ta phải chấp nhận từ bỏ “cái tôi” của bàn thân. Nếu không từ bỏ “cái tôi” đầy cản trở, ham hố của mình, dù có theo Chúa, cũng chỉ là theo kiểu “hữu danh vô thực”.
Alfred Plumer, một học giả Thánh Kinh người Anh có lần phát biểu: “Cuộc đời Chúa Giêsu bắt đầu trong một chuồng bò đi mượn và kết thúc trong một ngôi mộ cũng đi mượn”.
Đó chính là thực trạng trần trụi, khó nghèo của Chúa Giêsu mà mỗi người môn đệ chúng ta hôm nay cần học lấy. Chúng ta hãy ghi khắc sâu xa lời của Chúa: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu”, để sống đúng với nghĩa vụ của người theo Chúa, làm môn đệ của Chúa.
Thực ra, khi chọn cho mình một cuộc sống và một cung cách sống nghèo như Chúa Giêsu, chúng ta trở thành người hạnh phúc vì giàu có sự thánh thiện, giàu có tình yêu của Chúa, giàu có sự bình an, giàu có lòng từ tâm, giàu có lòng hy sinh, giàu có sự dấn thân, giàu có tất cả những gì là tương quan với Thiên Chúa, với con người và mọi thụ tạo…
Ngược lại, khi không còn đặt Chúa làm trọng tâm cho sự phó thác của bản thân, chúng ta rơi vào sự nghèo nàn tận cùng. Nhất là nghèo nàn về tình yêu, về lòng cảm thông, chia sớt… Một khi tâm hồn nghèo nàn tận cùng như thế, sẽ gây nên bao đỗ vỡ trong chính tâm hồn mình, bao đổ vỡ trong mọi liên hệ với tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu, theo Chúa thật là khó biết bao. Bởi chúng con luôn muốn tích trữ, muốn tìm mọi thứ là của riêng mình, muốn mình được nổi nang, giàu có. Chúng con sợ phải từ bỏ, phải sống thua sút về quyền lợi, về vật chất, về danh dự…với mọi người.
Xin dạy chúng con biết học lấy luôn luôn bài học của Đấng giàu có nhưng trở nên nghèo khó để cứu độ chúng con, nhờ đó, chúng con sẽ can đảm hơn, biết từ bỏ hơn, biết xa tránh mọi cám dỗ của trần thế hơn. Amen.
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
No comments:
Post a Comment