Friday, September 27, 2013

Nên đọc bản dịch Kinh Thánh nào?

Lm Phaolô Nguyễn Văn Tùng

LTG: Có người đã đề nghị dùng chữ Thánh Kinh, thay vì Kinh Thánh. Thiết tưởng đây là một từ Hán Việt được xử dụng thông thường đến nỗi dường như đã bị Việt hóa rồi. Nếu như vậy thì phải nói cho đúng văn phạm trong ngôn ngữ nước ta. Chữ Kinh (Lời của Chúa) là danh tự, Thánh là tĩnh tự. Trong tiếng Việt, danh tự luôn luôn đi trước tĩnh tự. Thí dụ: Người ta nói "cây xanh" chứ không ai nói "xanh cây"cả. Như vậy chữ Kinh Thánh chuẩn hơn.

Nếu người đọc dùng Kinh Thánh bằng tiếng Việt thì không là một vấn đề lớn vì cho đến nay ở Việt Nam mới chỉ có vài bản dịch Công Giáo. Bản dịch Kinh Thánh mới nhất vừa được phát hành ở Việt Nam năm 1999 đã do "Nhóm Giờ Kinh" dịch thuật. Bên các giáo hội Tin Lành, cũng đã có bản dịch Kinh Thánh toàn bộ do Bible Society (Hội Kinh Thánh) xuất bản.

Tuy nhiên, nếu người đọc, nhất là giới trẻ, dùng Kinh Thánh bằng tiếng Anh thì cần lưu ý một vài điểm quan trọng để tránh tình trạng "tìm không ra" đoạn Kinh Thánh mình muốn trích dẫn.

Lý do? Các bản dịch của bên Tin Lành đã không có 7 quyển sách trong Cựu Ước mà Công Giáo đã công nhận. Trong đó có các quyển Tôbia (Tobit) và Huấn Ca (Ecclesiasticus hay Sirach) mà giới trẻ thích trích dẫn vào dịp lễ hôn phối (Tob. 8:5-7; Sir. 26:1-4, 13-17).

Người ta cần ngược dòng lịch sử để có một cái nhìn tổng quát và tương đối khách quan về việc hình thành bộ Kinh Thánh.

CÁC BẢN DỊCH CỦA NGƯỜI DO THÁI

Người Do Thái có thể đã bắt đầu có các văn bản Kinh Thánh từ thế kỷ 12 trước Công Nguyên (B.C.) và việc hệ thống hóa các văn bản ấy được tiếp diễn liên tục trong khoảng một ngàn năm. Cuối cùng các văn bản ấy được công nhận cách chính thức là giáo huấn của Chúa đã mạc khải cho dân của Ngài qua sự linh ứng cho người viết. Toàn bộ những "quyển sách" được công nhận này được gọi là Qui Ðiển (Canon).

Kinh Thánh được tồn tại và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác là nhờ công sức của những người sao chép (Copyists hay Scribes) mà một vài dịch giả gọi là "Ký Lục." Truyền thống này còn được tiếp tục sang thời Tân Ước cho đến khi nhân loại có các ấn bản Kinh Thánh đầu tiên vào thế kỷ thứ 15 sau Công Nguyên (A.D.)

Tuy nhiên các văn bản cổ thời nhất đã bị thất lạc hay bị hủy hoại vì thời gian hoặc chiến tranh. Quyển sách thánh được coi là cổ nhất là sách của tiên tri Isaiah và một số văn bản rời rạc của các sách khác đã xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 3 (B.C.)

Ngoại trừ một vài bản được viết bằng tiếng A-ram (Aramaic), toàn bộ Cựu Ước của người Do Thái đã được viết bằng tiếng Do Thái (Hebrew). Ðến sau thời lưu đày (thế kỷ thứ VI, B.C.), tiếng Aram đã trở nên thông dụng trong những cộng đồng Do Thái do đó các bản dịch Kinh Thánh đã chuyển qua tiếng Aram.

Ðến thời vua Alexander Ðại Ðế (Thế Kỷ IV, B.C.) và về sau, tiếng Hi Lạp đã trở nên thông dụng trong khắp miền Ðịa Trung Hải (Mediterranean Sea). Các bản dịch Kinh Thánh lại được chuyển qua tiếng Hi Lạp. Văn bản Kinh Thánh bằng tiếng Hi Lạp nổi tiếng nhất là bộ Ngũ Kinh (Pentateuch) năm quyển sách thánh đầu tiên trong Cựu Ước mà người Do Thái gọi là "Torah" hay Lề Luật. Bản dịch này có tên là "Septuagint" mà tiếng Việt gọi là bản "Thất Thập" hay bản "Bảy Mươi." Chữ Septuagint được dùng trong Cựu Ước để chỉ 70 nhân vật đứng đầu trong dân (Kỳ Mục) được tuyển chọn để làm phụ tá cho ông Môi-Sen (Xuất hành 24:1). Tương truyền rằng bản dịch này đã được hoàn tất bởi 70 hay 72 học giả thuộc cộng đồng Do Thái ở Alexandria (Ai cập) vào khoảng năm 250 B.C.

Cũng vào thời này, một số sách khác đã xuất hiện và được các cộng đồng Do Thái công nhận. Ðó là các quyển: Tôbia, Judith, Macabê 1 và 2, Khôn Ngoan, Huấn Ca, Baruch, và một ít văn bản bổ túc cho các sách Esther và Daniel.

Sang thế kỷ đầu tiên của Công Nguyên, người Kitô giáo đã công nhận toàn bộ Cựu Ước theo bản dịch Hi Lạp cùng với những sách mới. Tuy nhiên, vào khoảng cuối thế kỷ này, hội đồng Do Thái đã có khuynh hướng dùng lại bản Hebrew và vì có tinh thần bài Kitô giáo, nên họ đã họp ở Jamnia và quyết định rằng chỉ có các sách viết bằng tiếng Hebrew và cho đến quyển Ezra là được cho vào qui điển. Như vậy là họ đã không công nhận 7 quyển sách mới có trong bản dịch Hi Lạp. Ít nhiều họ đã xử dụng những quyển sách thánh nói trên trải qua hơn ba thế kỷ. Sau này người ta còn tìm biết được rằng có nhiều phần trong các quyển sách được kể là có trước Ezra. Như vậy tính theo thời gian, Ezra đã được viết cùng lúc hay sau những quyển sách mới!

Toàn bộ Tân Ước gồm 27 quyển đã được viết bằng tiếng Hi Lạp, cho đến ngày nay vẫn được tất cả các Kitô hữu, (gồm Công Giáo, Tin Lành, Chính Thống v.v...) công nhận.

BẢN DỊCH TIẾNG LA TINH

Trong thời đế quốc La Mã (Roman Empire) tiếng La Tinh đã là ngôn ngữ thông dụng. Một vài sách trong Kinh Thánh đã được dịch qua tiếng La Tinh, nhưng thiếu đồng nhất và nhiều sơ sót. Do đó, năm 382, Ðức Giáo Hoàng Damasus I đã "sai" thánh Jerome, (tiếng Việt có người phiên âm là Hiêrônimô, có lẽ theo tiếng Tây Ban Nha) nghiên cứu và dịch toàn bộ Kinh Thánh qua tiếng La Tinh.

Thánh Jerome đã phải làm việc ròng rã trong hơn 20 năm. Tương truyền rằng có khi ngài đã xử dụng một căn hầm ngay dưới nền nhà thờ nơi Chúa sinh ra ở Bethlehem để dịch thuật. Thánh nhân đã xử dụng bản Cựu Ước tiếng Do Thái, bản Hi Lạp Septuagint, những bản đã được dịch qua tiếng La Tinh. Phần Tân Ước, ngài đã dịch từ nguyên bản tiếng Hi Lạp.

Công trình dịch thuật của thánh Jerome đã hoàn tất vào năm 405 và bản dịch này được gọi là Vulgata "the Common Version" (Bản dịch Thông Dụng). Kể từ đó bộ Kinh Thánh Vulgata đã được xử dụng cách chính thức trong giáo hội Công Giáo. Năm 1546, trước những cao trào cải cách (Reformation) và dịch thuật Kinh Thánh khác, các nghị phụ trong công đồng Trent đã tuyên dương thánh Jerome và tái xác định sự chính thức của bộ Vulgata trong giáo hội Công Giáo Roma.

NHỮNG BẢN DỊCH TIẾNG ANH

Kitô Giáo đã được rao giảng ở Anh Quốc hơn một ngàn năm trước khi có bản dịch Kinh Thánh bằng tiếng Anh. Bản dịch đầu tiên là do công sức của nhóm ông John Wyclif hoàn thành vào năm 1382. Họ đã dịch toàn bộ Kinh Thánh từ bản Vulgata. Nhóm của ông Wyclif đã bị Tòa Thánh La Mã (Roma) kết án vì họ đã làm việc này mà không có phép.

Người thứ hai là ông William Tyndale (1494-1536). Ông này đã chịu ảnh hưởng nhiều bởi nhà nhân bản học (humanist) Erasmus và nhà cải cách (hay thệ phản - protestant) Martin Luther, người đã chống giáo hội Công Giáo La Mã, cũng dịch Tân Ước qua tiếng Ðức. Từ năm 1525, ông Tyndale sống ở Cologne (Ðức) dịch bộ Tân Ước và lén gửi về Anh. Vì vậy, ông đã bị giáo hội Anh, lúc ấy chưa tách rời khỏi giáo hội La Mã, kết án là theo bè rối "Lu-Te-Rô" (Luther), và "giết chết sự thật.". Ông bắt đầu dịch Cựu Ước từ bản tiếng Do Thái vào năm 1530. Nhưng việc chưa thành thì ông đã bị bắt ở Antwerp và bị xử tử năm 1536.

Trong khi đó, năm 1535, vua Anh Quốc là Henry VIII đã đưa nước Anh tách rời khỏi giáo hội La Mã. Những người muốn dịch Kinh Thánh được tự do phổ biến các bản dịch của họ.

Năm 1535, bản dịch toàn bộ Kinh Thánh đầu tiên bằng tiếng Anh được ông Miles Coverdale cho xuất bản. Ông này đã dùng các tài liệu từ bản tiếng La Tinh, bản dịch qua tiếng Ðức của Luther và Zwingli, cũng như từ tài liệu chưa hoàn tất của ông Tyndale.

Năm 1537, bản dịch chưa hoàn tất của ông Tyndale được một người bạn tên là John Rogers tiếp tục và cho xuất bản.

Năm 1539, ông Richard Taverner cho xuất bản bản dịch của ông với phần Cựu Ước dựa trên các bản dịch của hai ông Tyndale và Rogers.

Cũng trong năm 1539, một bản dịch tự cho là Kinh Thánh Vĩ Ðại, in bản lớn 15" (inches) và 9", có ấn tín cho phép và lệnh của vua Anh Quốc là mỗi nhà thờ Anh Giáo phải trưng bày một ấn bản này. Tuy nhiên, phần nội dung đa số chỉ in lại bản dịch của hai ông Tyndale và Rogers.

Một số bản dịch bằng tiếng Anh khác được in ở Geneva (Thụy Sĩ) trong thời nữ hoàng Mary (theo Công Giáo) 1553-58. Qua thời nữ hoàng Elizabeth I (theo Anh Giáo) các bản dịch này lại được tự do xuất bản ở Anh, trong đó có bản nổi tiếng "Geneva Bible."

Giáo hội Công Giáo La Mã (Roman Catholic Church – cần nói rõ để phân biệt với một vài giáo hội cũng tự xưng là Công Giáo, nhưng không thuộc quyền Đức Giáo Hoàng) có bản dịch bằng tiếng Anh cho phần Tân Ước năm 1581. Bản này mang tên Rheims (Đức) vì các dịch giả đã làm việc ở đây. Ðến năm 1609, toàn bộ Kinh Thánh bằng tiếng Anh, dựa trên bản La Tinh Vulgata đã hoàn tất. Bản dịch này mang tên "Douay Bible" vì đó là tên của một thị trấn Pháp nơi phần dịch thuật đã được thực hiện. Bản này đã được ÐGM Challoner tu chính vào năm 1750.

Bản dịch khá nổi tiếng của Tin Lành, "King James", do lệnh của vua nước Anh: James I, ra đời vào năm 1611. Ðây là công trình của một số học giả ở hai đại học Oxford và Cambridge. Phần tài liệu, các học giả này đã dựa trên tất cả các bản dịch tiếng Anh trước, kể cả bản Douay của Công Giáo, các tài liệu bằng tiếng Do Thái và Hi Lạp, một phần từ bản Vulgata, và ngay cả bản dịch bằng tiếng Ðức của ông Luther. Nhưng bản dịch có ảnh hưởng nhiều nhất trên bộ King James là phần của ông Tyndale.

Sau này các học giả đã khám phá ra rằng bản King James đã có nhiều nơi không chính xác, nhất là trong các tài liệu Do Thái và Hi Lạp mà các học giả đã trích dẫn. Có những từ đã hoàn toàn mang ý nghĩa khác. Như họ đã dùng chữ "allege: dẫn chứng cách không chắc chắn" thay vì "prove: minh chứng" (Acts 17:3); chữ "conversation: đàm thoại" thay vì "behavior: cư xử" (2 Cor. 1:12); "prevent: ngăn cản" thay vì "precede: đi trước" (1 Thes. 4:15); "reprove: khiển trách" thay vì "decide: quyết định" (Is. 11:4); "communicate: thông tri, truyền thông" thay vì "share: phân chia" (Gal. 6:6).

Do đó, năm 1870 giáo hội Anh Giáo đã cử một ủy ban dịch lại bộ Kinh Thánh. Bộ này hoàn thành vào năm 1881 và mang tên "the English Revised Version" (Bản dịch Tu Chính Anh Ngữ.)

Năm 1901 "The American Standard Version" (Bản dịch Tiêu Chuẩn Hoa Kỳ) ra đời.

Năm 1952, "The Revised Standard Version" (Bản Dịch Tiêu Chuẩn Tu Chính) hoàn tất. Bản này còn được mệnh danh là bản dịch hòa đồng tôn giáo (Ecumenical) vì đây là công trình làm việc chung của các học giả Tin Lành, Công Giáo và Do Thái (cho phần Cựu Ước). Những vị này đã đã đến từ Anh Quốc, Hoa Kỳ và Gia Nã Ðại.

Về phía Công Giáo, Hội Ðồng Giám Mục Hoa kỳ đã cho phổ biến bản dịch "Kinh Thánh Hoa Kỳ Tân Biên" (the New American Bible) vào năm 1970. Bản này tự nhận là đã dùng những tài liệu cổ thời nhất, trung thực nhất từ những văn bản bằng các thứ tiếng Do Thái, Aram, và Hi Lạp. Các tài liệu mới tìm được ở Qumran (gần Biển Chết) cũng được dùng để bổ túc cho những văn bản đã có.

Các sách không có trong bản Do Thái được gọi là "Qui Ðiển Thứ" (Deuterocanonical Books). Các giáo hội Tin Lành vào thời mới phân chia, vì muốn tách biệt hẳn với giáo hội Công Giáo đã gọi các sách này là "Ngụy Thư" (Apocrypha).

Phía giáo hội Công Giáo ngay từ đầu đã không công nhận và gọi là ngụy thư một số sách trong Cựu Ước đã có trong qui điển của Kinh Thánh Hi Lạp như: Esdras 1 và 2, Prayer of Mannasseh, Maccabê 3 và 4, Thánh Vịnh số 151. Những quyển này thường lập lại những sách đã có và thêm những chi tiết không cần thiết như Esdras 1 và 2 đối với Ezra và Nehemiah. Một số văn bản Tân Ước (không được in trong Kinh Thánh Kitô giáo) cũng bị cho là ngụy thư.

NÊN ÐỌC BẢN DỊCH KINH THÁNH NÀO?

Trở lại vấn nạn nói trên, người Công Giáo có thể sẽ không tìm thấy đoạn Kinh Thánh mình muốn, nếu xử dụng các bản dịch của những giáo hội Tin Lành. Các sách trong "qui điển thứ" xem ra được xử dụng khá nhiều trong phụng vụ Công Giáo. Từ các thánh lễ hôn phối như đã trích dẫn ở trên đến thánh lễ an táng (sách Khôn Ngoan 3:1-9; 2 Mac.12:43-46) và thánh lễ trong những ngày Chúa Nhật, ngày thường, cũng như các lễ kính riêng, đã xử dụng tất các sách nói trên, nhất là hai quyển Huấn ca và Khôn Ngoan.

Hiện tại, có ít nhất ba bản dịch Kinh Thánh Công Giáo: Kinh Thánh Hoa Kỳ Tân Biên (the New American Bible), Bản Dịch Tiêu chuẩn Tu Chính (the Revised Standard Version) ấn bản Công Giáo, và Bản Dịch Anh Ngữ Ngày Nay (Today's English Version).

Ðể hiểu Kinh Thánh cách sâu xa và rộng rãi hơn, độc giả nên dùng cuốn "Chú Giải Kinh Thánh Jerome" (the Jerome Biblical Commentary) do nhà Prentice-Hall, New Jersey, 1968. Có 80 đề tài gồm cả Cựu lẫn Tân Ước do các chuyên viên Kinh Thánh Công Giáo diễn giải.

Nếu người đọc muốn có bản dịch đầy đủ nhất vớt tất cả các phần qui điển thứ và ngụy thư thì nên dùng bộ "the Revised Standard Version, Common Bible, with the Apocrypha/ Deuterocanonical Books, an Ecumenical Edition" do nhà xuất bản Collins ở New York, năm 1973.

Những ai muốn đọc thêm thì có bộ đối chiếu bốn bản dịch thông dụng nhất của các giáo hội Tin Lành: "the Layman's Parallel Bible" do nhà Zondervan Bible Publishers ở Grand Rapids, Michgan, 1974, ấn bản thứ ba. Bộ này có các bản dịch King James, Modern Language, Living, và Revised Standard.

TÌM HIỂU CÁC SÁCH TRONG QUI ÐIỂN THỨ

Thật là thiếu sót nếu chúng ta không nhìn qua những sách thánh trong qui điển thứ. Ít nhất là để xem các tài liệu giáo huấn quí giá này thực sự có đáng bỏ đi không.

Sách Tobia: Ðược viết vào khoảng năm 200 BC, có thể là ở Palestine và bằng tiếng Aram. Sách đề cao bổn phận đối với người đã qua đời và việc lành, bác ái, ý nghĩa đời sống gia đình. Ðặc biệt sách đã nói đến hôn nhân trong tinh thần Kitô giáo và ơn Chúa quan phòng trong đời sống hàng ngày.

Sách Judith: Ðược viết vào khoảng giữa thế kỷ thứ 2 BC ở Palestine, giữa lúc khí thế cách mạng do nhóm Macabê lãnh đạo đang nổi lên mãnh liệt trong lòng dân Do Thái. Sách đề cao lòng sốt sắng cầu nguyện và tuân giữ luật thanh sạch của Chúa. Khi đẹp lòng Chúa thì Ngài có thể dùng chỉ một phụ nữ yếu đuối mà đánh bại được đạo quân hùng mạnh đang định tiêu diệt dân của Ngài.

Sách Macabê I: Ðược viết vào khoảng năm 100 BC, nhằm vào lịch sử tôn giáo thay vì chính trị hay quân sự. Tác giả nói đến những thất bại, khốn cùng như sự trừng phạt của Chúa; ngược lại, chiến thắng là phần thưởng của Ngài đối với những người trung tín, dám đứng lên bảo vệ đức tin.

Sách Macabê II: Ðây không phải là sách viết tiếp tục cho quyển I. Thể văn cũng khác, nhất là lại được viết bằng tiếng Hi Lạp cách không hoàn chỉnh; người viết cũng không thuộc thành phần "sử gia." Tuy nhiên sách này được coi là quan trọng vì những quả quyết về việc kẻ chết sống lại, sự cần thiết của những lời cầu nguyện cho kẻ qua đời, các thánh cầu bầu, hình phạt đời sau, và phần thưởng cho những người tử vì đạo. Ðây là những điểm quan trọng mà các sách khác trong Cựu Ước không đề cập rõ ràng lắm.

Sách Khôn Ngoan: Ðược viết "lại" bằng tiếng Hi Lạp vì vua Solomon đã được coi là tác giả của quyển này. Trong bản dịch Hi Lạp, sách được gọi là "Sự Khôn Ngoan của Solomon." Tuy nhiên, cũng có thể tác giả đã "gán" cho Solomon như để có sự bảo trợ của một vị khôn ngoan trong lịch sử dân Chúa. Sách nêu lên vai trò của sự khôn ngoan trong đời sống con người đồng thời so sánh số phận người khôn ngoan và kẻ gian ác trong lúc sống cũng như sau khi chết.

Sách Huấn Ca: Sách được viết bằng tiếng Hebrew (Do Thái) vào khoảng năm 190 B.C. Sau đó sách được dịch qua tiếng Hi Lạp và mang tên là "Sự khôn ngoan của Giêsu con của Sirach" (the Wisdom of Jesus the Son of Sirach). Nhưng khi được dịch qua La Tinh, sách lại mang tên Ecclesiasticus có lẽ để nhấn mạnh đến việc giáo hội chính thức chấp nhận và xử dụng. (Không nên nhầm sách này với quyển Ecclesiastes: Giảng Viên) Tuy nhiên trong các bản tiếng Anh, sách được vắn tắt gọi là Sirach. Sách nói về khởi đầu của sự khôn ngoan là việc kính sợ Thiên Chúa; khôn ngoan đem lại tươi trẻ, hạnh phúc; về vận mạng con người và việc thưởng phạt của Chúa.

Sách Baruch: Theo lời mở đầu thì sách được ông Baruch, thư ký của tiên tri Jeremiah viết tại Babylon và gửi về Jerusalem để đọc trong các cuộc hội họp phụng vụ. Theo sách này, khôn ngoan được đồng hóa với Lề Luật; Jerusalem được nhân cách hóa nói chuyện với dân bị đi đày và khuyến khích sự tin tưởng vào ơn cứu độ của Chúa. Một đoạn trong bản dịch Hi Lạp của sách Baruch đã được tìm thấy ở một trong các hang Qumran. Các thử nghiệm cho thấy bản dịch đó đã được viết vào khoảng năm 100 B.C.

Khi dịch bộ Kinh Thánh, thánh Jerome đã có những ưu tư về việc có nên dịch cả những quyển sách mới nói trên, chỉ có trong qui điển Hi Lạp mà không có trong qui điển Hebrew. Cuối cùng thì thánh nhân đã dịch hết vì những giáo huấn giá trị trong các sách ấy cũng như vì vâng lời bề trên.

Các Kitô hữu ngày nay cần tự hỏi: Khi Chúa linh ứng cho ai viết ra những mạc khải của Ngài, không lẽ Ngài chỉ muốn những mạc khải ấy hiện hữu trong một thời kỳ (hơn ba thế kỷ đối với người Do Thái hay hơn mười thế kỷ đối với những anh em Tin Lành) rồi bị thải đi? Thật khó mà biện minh cho điều này. Có chăng chỉ vì con người đã để cho những yếu tố chính trị, quyền lực, lấn át tiếng gọi thiết tha và chân thực của Ngài.

Hãy để cho sự khôn ngoan của Chúa ngự trị trong tim, trong óc của mình, người đọc sẽ tự tìm thấy đâu là chân lý.

Lm Phaolô Nguyễn Văn Tùng
http://danchuausa.net/than-hoc-thanh-kinh/nen-doc-ban-dich-kinh-thanh-nao/
03.01.2011.

No comments: