Sunday, May 4, 2014

Có Được Biến Lễ Tang Thành Lễ Cưới Hay Lễ Phong Thánh Không?

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Tôi phải viết bài này vì đã được chứng kiến một vài việc xét thấy không phù hợp với giáo lý và niềm tin của Giáo Hội về việc cử hành lễ tang (funeral mass) cho ai đã ly trần. Tôi cần nói để giáo dân khỏi hoang mang khi có thể còn phải chứng kiến một việc tương tự không phù hợp với văn hóa Việt Nam và quan trọng hơn là giáo lý của Giáo Hội về việc cầu nguyện cho những người đã chết.

Thật vậy, như tôi đã có đôi lần viết rằng lễ tang (Funeral mass) cho bất cứ ai ly trần- dù là giáo dân, hay linh mục, Giám mục và cả Đức Giáo Hoàng nữa, thì cũng không bao giờ là lễ cưới hay lễ phong thánh (canonization) cho ai, dù cho biết rằng người quá cố là người đã sống một đời sống đạo đức thánh thiện đáng được hưởng phúc Thiên đàng theo nhãn quan con người. Phải nói như vậy, vì không ai có thể biết được Chúa phán xét ra sao cho một người đã ly trần, kể cả cho những người đã tự tử chết, hoặc chết mà không kịp được sức dầu và lãnh phép lành Tòa Thánh.

Vì Giáo Hội không biết được số phận đời đời của họ, nên chỉ dạy các tín hữu phải cầu nguyện cho những linh hồn đã ly trần mà thôi, dù người đó đã sống tốt lành hay bê bối ra sao, trước con mắt của người đời..Nghĩa là, ta không thể phán đoán ai đã được lên Thiên đàng rồi nên khỏi cần cầu nguyện cho họ nữa, hoặc ai đã sa hỏa ngục rồi nên cũng không cần cầu nguyện nữa.

Nhưng thực tế đã cho thấy là có một số linh mục đã biến lễ tang thành lễ phong thánh hay lễ cưới. Biến lễ tang thành lễ phong thánh, khi giảng rằng người này đã sống quá tốt lành nên chắc chắc đã được vào thiên đàng hưởng Thánh nhan Chúa rồi ! Nếu biết chắc như vậy, thì dâng lễ cầu nguyện cho họ làm gì nữa? Thật là điều không cần thiết, vì có giáo lý nào dạy dâng lễ cầu cho một ông thánh hay bà thánh nào trên Thiên Đàng đâu ??? hay chỉ có lễ kinh (feast or memorial) một hay nhiều vị thánh mà Giáo Hội đã tuyên phong lên hàng hiển thánh mà thôi.

Thử hỏi:  có ai sống thánh thiện hơn các Đức Giáo Hoàng ? Nhưng khi một vị qua đời thì Giáo Hội để tang trong 9 ngày và dâng lễ cầu hồn cho, chứ chưa hề tức khắc phong thánh cho ai bao giờ.

Có phong thánh cho ai thì cũng phải chờ một thời gian dài ngắn và đòi hỏi một số điều kiện như có 3 phép lạ được kiểm chứng nhờ cầu xin vị đã ly trần mà Chúa ban cho ai cầu xin, cũng như có đủ bằng chứng về đời sống thánh thiện của vị đó. Như vậy, dứt khoát không ai được tự ý phong thánh cho người đã ly trần trong một tang lễ, khi giảng rằng người quá cố - mà xác còn đang nằm trong nhà thờ đây- đã vào thiên Đàng rồi, vì khi còn sống đã làm biết bao việc từ thiện, giúp xây nhà thờ, nhà Dòng.v.v. Giảng như vậy chỉ có tác dụng đề cao người chết để làm vui lòng cho thân nhân còn sống mà thôi, nhưng đã đi vượt khỏi quyền phong thánh của Giáo Hội.

Lại nữa, trong một tang lễ mà tôi tham dự đồng tế, tôi rất đỗi ngạc nhiên khi nghe linh mục chủ tế là con của người đã ly trần, đã biến lễ tang của cha mình thành lễ cưới khi giảng rằng : hôm nay là ngày vui mừng vì cha tôi được vào dự bàn tiệc với rượu ngon và thịt béo, theo lời ngôn sứ I-saia nói về Tiệc cánh chung như sau:

"Ngày ấy trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc
Tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon
Thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế
Trên núi này Người sẽ xé bỏ chiếc khăn tang che phủ mọi dân
...
Ngày ấy, người ta sẽ nói: Đây là Thiên Chúa chúng ta
Chúng ta trông đợi Người và đã được Người thương cứu độ
Chính Người là ĐỨC CHÚA chúng ta từng đợi trông
Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ." (Is 25: 6- 9)

Lời ngôn sứ trên đây chỉ có ý nói về ngày sau hết khi Thiên Chúa mở tiệc khoản đãi những ai được cứu độ để vào dự bàn tiệc Nước Trời đã dọn sẵn cho họ. Nhưng có biết bao người đã từ chối không tham dự viện lý do này, lý do khác để khước từ lời mời như ta đọc thấy trong dụ ngôn "Tiệc cưới" của Tin Mừng Thánh Matthêu(Mt 22: 1-14; Lc 14: 15- 24)

Nghĩa là không phải tất cả mọi người, sau khi chết, đều đương nhiên được vào dự Tiệc "với rượu và thịt ngon" như ngôn sứ I-saia nói trên. Đó chỉ là điều mong muốn của Thiên Chúa "Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biêt chân lý" (1 Tm 2 : 4).

Chúa mong muốn như vậy vì Chúa là tình thương và khoan dung tha thứ. Nhưng con người vẫn có tự do để đáp lời mời gọi của Chúa vào dự tiệc cưới đã dọn sẵn hay khước từ lời mời đó vì còn quá quyến luyến những lợi lại và vui thú tội lỗi chóng qua ở đời này. Vì thế, bàn tiệc Nước Trời không đương nhiên dọn sẵn cho hết mọi người sau khi chết trong thân xác, mà chỉ dọn sẵn cho những ai có thiện chí muốn vào tham dự qua quyết tâm từ bỏ những quyến rũ của thế gian và cám dỗ của ma quỉ khi sống trên trần thế này.

Nghĩa là nếu người ta không quyết tâm tìm và yêu mến Chúa, trên hết mọi sự để xa tránh tội lỗi và sống theo đường lối của Chúa, thì họ đã từ chối lời mời của Chúa vào dự "bàn tiệc Nước Trời như những khách được mời đã viện đủ lý do để không đến dự tiệc cưới của con vua trong dụ ngôn tiệc cưới mà Chúa Giêsu đã kể trong Tin Mừng Thánh Matthêu 22 và tương tự trong Luca chương 14.

Nhưng ai là người có thiện chí muốn sống theo đường lối của Chúa để cuối cùng được vào dự "Tiệc Nước Trời" thì chỉ có Chúa biết và phán đoán đúng mà thôi. Chúng ta hoàn toàn không biết được nên chỉ biết cầu nguyện cho những người đã ly trần như Giáo Hội dạy mà thôi.

Lại nữa, trong mọi nền văn hóa nhân loại, cái chết là điều đau khổ nhất cho thân nhân còn sống, nên thương khóc người thân đã ra đi là điều tự nhiên phù hợp với nhân tính và đức tin. Chính Chúa Giêsu, khi mang thân phận con người, cũng đã cảm thông sự đau khổ này, nên khi nghe tin người bạn của Chúa là Laza rô chết, Chúa đã đến trước mồ của anh và đã "thổn thức trong lòng" khi thấy Maria, chị của Lazarô khóc và những người do thái đi với cô cũng khóc.

Nhưng Chúa không nói với họ là "hãy vui mừng lên vì La za rô đã vào dự bàn tiệc "Nước Trời với rượu và thịt ngon" rồi. Ngược laị Chúa đã khóc hay thổn thức trong lòng và nói với Mac-ta rằng: "Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống." (Ga 11: 25)

Sau đó Chúa đã truyền cho La za rô chỗi dậy, ra khỏi mồ, dù đã nằm chết được bốn ngày để an ủi chị em Maria và cũng để chứng mình lời Người vừa nói là "Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống."

Như thế khóc thương người đã ly trần là điều tự nhiên, phù hợp với nhân tính, và văn hóa của mọi dân tộc, (người da đen và Mễ Tây Cơ còn khóc to hơn người Viêt mỗi khi có thân nhân chết). Và Giáo Hội cũng không dạy phải biến lễ tang thành đám cưới, để thân nhân đừng khóc thương và để tang ai nữa.

Ngược lại Giáo Hội chỉ qui định nghi thức tang lễ (Order of Christian Funerals (Ordo Exsequiarum) cử hành từ trong nhà quàn, đến nhà thờ và tiễn đưa ra ngoài nghĩa trang. Cũng như dạy phải cầu nguyện cho người đã ly trần bất kể người đó đã sống ra sao trước khi chết. Như vậy, mượn lời ngôn sứ I-saia nói về bữa tiệc cánh chung khi những người đã được cứu độ vào dự bàn tiệc Nước Trời, để biến lễ tang thành lễ cưới là điều sai lầm xét về cả hai mặt văn hóa và giáo lý của Giáo Hội.

Vẫn biết ai cũng có quyền hy vọng cho thân nhân mình được phần rỗi để vào dự bàn tiệc Nước Trời đã dọn sẵn, nhưng làm sao chúng ta biết ngay được chắc chắn ai đã được vào để mừng vui với họ và không cần cầu nguyện và khóc thương nữa ? Và khóc thương thì có sao đâu, vì niềm tin và Giáo Lý của Giáo Hội đâu có ngăn cấm việc này ?

Giáo Hội chỉ dạy các tin hữu tin có sự sống lại của những ai đã ly trần, và đây là niềm an ủi cho chúng ta mỗi khi phải tiễn biệt ai trong trần thế này qua cái chết.

Chính vì không biết được phần rỗi của ai, nên Giáo Hội chỉ dạy phải cầu xin cho người đã ly trần mà thôi. Cụ thể, khi nghe tin một hồng y hay giám mục nào chết, Đức Thánh Cha luôn gửi lời phân ưu chia buồn (condolences) tới thân nhân hay giáo phận của vị đã qua đời. Chưa hề có Giáo Hoàng nào đã gửi lời chúc mừng đến thân nhân của ai qua đời, vì cho rằng người quá cố đã vào "Bàn Tiệc Nước Trời" rồi nên phải mừng vui, thay vì khóc thương và để tang !

Như vậy, biến lễ tang thành đám cưới hay lễ phong thánh là sai hoàn toàn mục đích của việc cầu xin cho người đã chết như giáo lý và giáo luật của Giáo Hội qui định. (x. giáo luật số 1177, )

Tuy nhiên, trước cái chết của ai, Giáo lý Giáo Hội dạy rằng: "Trong sự chết, Thiên Chúa gọi con người đến với Ngài. Bởi vậy người Ki tô hữu có thể có một ước mơ như Thánh Phaolô đã nói : "… ước ao của tôi là ra đi để được ở vói Chúa Kitô, điều này tốt hơn bội phần" (Pl 1: 23). Và người Kitô hữu cũng có thể biến sự chết của mình thành một hành vi vâng phục với Chúa Cha, theo gương Chúa Kitô. (Lc 23: 46.)."(x SGLGHCG số 1011).

Nói rõ hơn, trước sự chết, thái độ và tâm tình thích hợp của người tín hữu là hy vọng hay trông cậy Chúa sẽ cho người thân mà mình đang khóc thương bây giờ, được sống lại để vào Nước Trời vui hưởng hạnh phúc Thiên Đàng, như Chúa Kitô đã hứa cho những ai tin Người thì "dù đã chết cũng sẽ được sống lại."

Tóm lại, lễ cưới, lễ tang, lễ phong thánh đều có ý nghĩa và mục đích riêng khác nhau theo giáo lý và phụng vụ của Giáo Hội. nên không thể lẫn lộn làm theo ý riêng của mình được. Vả lại, làm như vậy là không am hiểu mục đích và ý nghĩa của phụng vụ thánh dành cho mỗi cử hành khác nhau.

Chúng ta đều được khuyến khích cậy trông và mong ước cho người thân đã ly trần của mình được vào hưởng Thánh Nhan Chúa. Và cầu nguyện cho họ chính là để nói lên ước muốn đó. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn không biết Chúa phán xét ra sao cho người thân của mình đã ly trần, nên chỉ biết trông cậy vào lòng khoan dung thương xót của Chúa mà thôi; chứ không nên đi quá giới hạn đó để tỏ ra vui mừng như thể đã thấy được người thân của mình đang dự "Bàn Tiệc Nước Trời" khiến không cần phải khóc thương hay để tang nữa.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
(http://danchuausa.net/song-dao/co-duoc-bien-le-tang-thanh-le-cuoi-hay-le-phong-thanh-khong/)

Saturday, March 22, 2014

THÁNH GIUSE THINH LẶNG

Đọc Phúc Âm để tìm hiểu thánh Giuse, tôi thấy một bầu khí âm thầm bao phủ Ngài. Có một chọn lựa khiêm nhường trong bầu khí đó. Khiêm nhường ấy đầy khó nghèo và khôn ngoan.

Ngắm nhìn các ảnh tượng thánh Giuse, tôi thấy lòng sùng kính các nơi dành cho thánh Giuse thực rất phong phú và đa dạng.

Nhưng năng lui tới thánh Giuse trong đời sống hằng ngày, nhất là qua các giờ phút cầu nguyện, gẫm suy, tôi thấy thánh Giuse rất gần gũi, rất sống động, nhất là rất dễ thương. Có một điểm dễ thương nơi Ngài đã gây ấn tượng sâu sắc nơi tôi, đó là sự thinh lặng của Ngài.

Sự thinh lặng của Ngài là trường dạy tôi về tu đức, mục vụ và truyền giáo. Tôi gọi đây là sự thinh lặng thánh.

Bởi vì không phải thinh lặng nào cũng tốt cả. Ai cũng biết có vô số thứ thinh lặng tiêu cực. Như thinh lặng vì kiêu căng. Thinh lặng vì lập dị. Thinh lặng vì dốt nát. Thinh lặng vì sợ sệt. Thinh lặng vì bất cần. Thinh lặng vì dửng dưng. Thinh lặng vì hờn giận. Thinh lặng vì ích kỷ vv...

Trái lại, sự thinh lặng của thánh Giuse là một hoạt động thường xuyên tích cực.

1. Trước hết sự thinh lặng của thánh Giuse tích cực ở chỗ Ngài luôn vâng phục đức tin.

Ngài tin con trẻ mà thiên thần báo mộng sẽ sinh ra bởi Ðức Maria, đúng thực là "Ðấng Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta" (Mt 1, 23). Cho dù gặp muôn vàn thử thách, Ngài vẫn vững tin: Ðấng Thiên Chúa ở cùng chúng ta đó chính là Con Thiên Chúa giáng trần. Con trẻ đó chính là Ðấng cứu thế.

Ngài tin Thiên Chúa thương yêu Ngài một cách hết sức đặc biệt. Ngài biết tình thương đặc biệt Chúa dành cho Ngài là hoàn toàn nhưng không, chứ không phải do công phúc nào của Ngài.

Ngài tin vào sứ vụ Chúa trao phó cho Ngài là vô cùng lớn lao. Sứ vụ đó là bảo vệ Ðức Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Ngài biết Chúa Giêsu sẽ làm chuyện lớn, nhưng bề ngoài chưa thấy có gì là lớn. Thực nhiệm mầu. Ngài chỉ biết tin. Ngài chưa hiểu hết. Nhưng không thắc mắc. Một sự kín đáo trong niềm tin đầy khiêm tốn, với nhận thức sâu sắc về tình trạng khó nghèo, bất xứng của mình, đó là một sự thinh lặng đáng kính phục.

Bảo vệ Ðức Mẹ và Chúa Giêsu trong hoàn cảnh thời đó nơi đó đầy khó khăn là một trách nhiệm rất nặng nề, đòi nhiều khôn ngoan sáng suốt và đức tin vững vàng. Ngài đã tin vững vàng và khôn ngoan sáng suốt trong thinh lặng. Thinh lặng đó không phải vì sợ. Nhưng vì vâng phục đức tin.

Tin Mừng là một mầu nhiệm "vốn được giữ kín từ ngàn xưa" (Rm 16, 25) sẽ được biểu lộ, sẽ được thông báo cách nào, lúc nào, bởi ai, cho ai, thì phải tuỳ ở Thiên Chúa là Ðấng khôn ngoan thượng trí mà thôi. Chúa muốn như vậy (Rm 16, 27).

Tôi thiết nghĩ thánh Giuse đã có đức tin như thế, và đã vâng phục đức tin đó. Vì thế mà Ngài khiêm tốn thinh lặng, Ngài tin rằng: Sứ mạng Chúa trao cho Ngài không phải là loan báo, mà là bảo vệ và giữ kín.

2. Ngoài ra, sự thinh lặng của thánh Giuse là rất tích cực ở chỗ Ngài được âm thầm đào tạo để có một sự tự do mới.

Ðọc Sách Thánh và chuyện các thánh, tôi thấy Thiên Chúa có một lối đào tạo độc đáo đối với các người của Ngài. Khi Thiên Chúa tính chuyện trao cho ai một sứ mệnh khó khăn, Ngài thường đưa họ vào sa mạc. Hoặc sa mạc địa lý là nơi vốn thanh vắng. Hoặc sa mạc tâm hồn là nơi phải thinh lặng.

  • Ông Môisen vào sa mạc Madian.
  • Thánh Gioan tiền hô vào sa mạc Giuđê.
  • Thánh Phaolô vào sa mạc Syria.
  • Thánh Benedictô lên núi Subiacô.
  • Thánh Phanxicô khó khăn vào hang Assisi.
  • Chính Chúa Giêsu vào sa mạc 40 đêm ngày.

Ðối với thánh Giuse, sa mạc là tâm hồn thinh lặng của Ngài. Trong sự thinh lặng của sa mạc tâm hồn, Chúa đào tạo cho Ngài có một sự tự do mới. Ðó là một sự tự do biết chọn Chúa là tất cả, chọn ý Chúa là trên hết. Một sự tự do sẵn sàng dứt bỏ ý riêng, để mau lẹ thực thi ý Chúa.

Ðọc Phúc Âm, tôi gặp thấy một cách nói hay được dùng, khi thuật lại việc phục vụ của thánh Giuse, để vâng phục ý Chúa. Cách nói đó là sẵn sàng và mau lẹ.

Ngài sẵn sàng đón Maria về nhà mình (Mt 1, 24). Ngài mau lẹ đang đêm, đưa Hài Nhi và Mẹ Ngài trốn sang Ai Cập (Mt 2, 14). Ngài liền vội vã chỗi dậy đem Hài Nhi và Mẹ Ngài về đất Israel (Mt 2, 21).

Những thái độ đó, được sự thinh lặng đào tạo, chứng tỏ thánh Giuse có một tâm hồn rất tự do. Không phải tự do đối với của cải và ý riêng, mà là tự do cho Chúa và cho những việc Chúa muốn.

Tôi có cảm tưởng là Chúa đôi khi cũng muốn bản thân tôi và những người thuộc về Ngài, phải bắt chước thánh Giuse xưa, có lúc phải vào sa mạc mà tế lễ Chúa. Tế lễ trong sa mạc là tế lễ trong tình trạng rất thiếu thốn: Không có nhà thờ, bàn thờ, đồ thờ. Không có những trang trọng vật chất. Không có cả những nhân đức cần có. Chỉ còn tập trung vào một mình Chúa đầy tình yêu thương xót. Chỉ còn chính bản thân mình là của lễ mà thôi. Thiếu tất cả, nhưng được tất cả. Chỉ còn thinh lặng tôn thờ và vâng phục với lửa thiêng của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mình như tia hy vọng. Sẽ rất nghèo, nhưng cũng rất vui mừng. Vì thấy mình được thông công vào việc Chúa cứu độ.

3. Sau cùng, tôi thấy thinh lặng của thánh Giuse là rất tích cực trong sự hiện diện phong phú của Ngài giữa đời.

Kinh nghiệm cho thấy: Nhiều khi sự hiện diện thinh lặng vẫn có sức gây được cảm tưởng tốt về Tin Mừng, hơn một sự hiện diện nhiều lời. Nhất là khi sự hiện diện đó có Chúa ở cùng. Tôi có cảm tưởng là thời nay tại Việt Nam này, dân chúng vẫn trân trọng và khát khao những người, tuy không nói, nhưng toả ra được ánh sáng tâm linh, lửa thiêng tâm hồn, hương thơm từ những giá trị nội tâm. Họ thinh lặng nhưng có chiều sâu tâm hồn, biết phân định, biết phấn đấu, biết sắp xếp, biết thanh luyện, biết ý tứ, biết tế nhị.

Ðiều đó không có nghĩa là thinh lặng luôn luôn có giá trị hơn nói. Tôi thiết nghĩ chọn thinh lặng hay chọn nói là một chọn lựa tuỳ ơn gọi. Các ơn gọi và các ơn thánh rất khác nhau. Con đường tốt hơn ta nên chọn là con đường mà sứ vụ Chúa trao cho ta, con đường mà hoàn cảnh chỉ cho ta, con đường mà ta thấy thích hợp cho tính tình và khả năng của ta, con đường mà ta cho rằng có thể thực hiện tốt hơn việc mến Chúa yêu người trong những hoàn cảnh cụ thể, đúng với yêu cầu của thời điểm.

Riêng tôi, trong năm Mân Côi này, tôi xin thánh Giuse cho tôi và mọi người chúng ta

  • biết thinh lặng hơn để nghe ý Chúa,
  • biết thinh lặng hơn để suy niệm các mầu nhiệm Mân Côi,
  • biết thinh lặng hơn để đón nhận ơn cứu độ,
  • biết thinh lặng hơn để cộng tác vào chương trình cứu độ,
  • biết thinh lặng hơn để khám phá ra những kỳ diệu Chúa Thánh Thần đang làm trong các linh hồn,
  • biết thinh lặng hơn, để đón nhận những bất ngờ Chúa gởi đến với đức tin sáng suốt.

Hình như nhiều linh hồn đang được ơn ấy. Họ là những người đơn sơ tỉnh thức và thinh lặng như thánh Giuse. Họ đang thinh lặng gieo rắc hạt giống Tin Mừng giữa xã hội Việt Nam hôm nay.

GM J.B. Bùi Tuần

Saturday, March 8, 2014

Giáo Dục Con Cái Trong Gia Đình Tín Hữu

1.LỜI CHÚA: Thánh Phao-lô dạy về việc giáo dục con cái như sau: "Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái phẫn nộ, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy" (Ep 6,4).

2.CÂU CHUYỆN: CHA BẮT CON TRAI 11 TUỔI ĂN PHÂN NGƯỜI

Trang mạng điện tử VnMedia đã ghi nhận câu chuyện một người cha giáo dục con cách độc ác như sau:

Mất mẹ khi mới 6 tuổi, Thuận bị bố bỏ rơi và được bà nội đón về chăm sóc. Bất ngờ, người bố lấy vợ ba rồi đòi quyền nuôi con. Sống cùng bố và dì ghẻ, bé trai 11 tuổi thường xuyên bị đánh bằng dây điện và bị bắt ăn… phân người. Tại nhà của bà Nguyễn Thị Dụn (61 tuổi, ở đội 2, thôn Minh Kha, xã Đồng Thái, An Dương, Hải Phòng), cháu Bùi Xuân Thuận (11 tuổi, hiện là học sinh lớp 5A Trường Tiểu học Đồng Thái) cho biết, cháu thường xuyên bị cha đẻ là Bùi Xuân Phong (33 tuổi) đánh đập dã man nhiều lần.

Theo trình bày của bé Thuận, vào ngày 6/10, Thuận lấy điện thoại của người chú để chơi điện tử. Đang chơi thì bất ngờ Phong trở về. Bé Thuận sợ quá nên không dám để điện thoại vào chỗ cũ mà vứt ở ngoài hiên nhà. Một lát sau, người chú tìm điện thoại và hỏi Thuận xem có lấy không, bé Thuận nói dối là không lấy. Khi tìm được chiếc điện thoại ở ngoài hiên, biết là do bé Thuận để ở đó, Phong đã nổi trận lôi đình đánh con. Người bố tàn ác đã bắt bé Thuận cởi trần truồng rồi dùng dây điện có lõi bằng đồng, chập hai, chập ba làm hung khí thẳng tay quật vào người con. Khắp người cháu bé chi chit những vết bầm tím, sưng tấy. Đến thời điểm bé Thuận được công an xã và bà nội đưa đi khám tại Bệnh viện đa khoa huyện An Dương thì vết thương đã trải qua 5 ngày, nhưng mức độ nghiêm trọng vẫn hằn sâu trên da thịt đứa trẻ. Theo kết quả khám thương, bé Thuận bị nhiều vết bầm tím tại cánh tay, cẳng tay, lưng và hai mông. Cậu bé đau đớn kể: "Cháu thường bị bố đánh bằng dây điện, có lần bị đánh bằng cây que. Bố đánh vào người, vào đầu…". Lần khám thương này, Thuận mới chỉ được khám ngoài da, còn vùng đầu chưa được giám định. Bé Thuận kể lại rằng, có lần, khi Thuận đi chơi về thì bố và dì đang ngồi ăn cơm. Khi bố gọi vào ăn, Thuận trả lời đã ăn rồi thì bất ngờ Phong lại nổi cáu vì cho rằng Thuận nói dối. Lần đó, người bố mất nhân tính đã đánh đập Thuận rồi nhốt vào hố xí sau nhà. Chưa dừng lại ở đó, Phong còn sai đứa con thứ hai (em trai ruột của Thuận, 5 tuổi – PV) cầm bát sứ ăn cơm ra sau nhà xúc một bát phân người vào bắt Thuận ăn. Thấy Phong quá độc ác, một người hàng xóm đã ra sức can ngăn nên Phong đã thôi, không bắt bé Thuận ăn bát phân ấy. Khi công an xã hỏi về chi tiết này, Phong cho rằng y chỉ... dọa.

3.SUY NIỆM:

Chúng ta thường được giáo dục để trở nên những đứa con tốt trong gia đình, nhưng rất ít khi chúng ta được giáo dục để trở nên những cha mẹ tốt. Ở trường học, chúng ta học rất nhiều môn, nhưng không môn nào dạy ta nghệ thuật làm cha mẹ, nghệ thuật mà ta phải áp dụng suốt cả cuộc đời kể từ khi có con, đồng thời cũng là một nghệ thuật hết sức quan trọng cho hạnh phúc của ta cũng như cho tương lai của con cái. Vì thế, đa số nhân loại khi lên làm cha mẹ đã không biết phải đóng vai trò đó như thế nào cho đúng. Thường thì chỉ khi làm cha mẹ chúng ta mới bắt đầu học nghệ thuật ấy, học theo kiểu "nghề dạy nghề", tự mò mẫm học, phải tự suy nghĩ để tìm ra phương pháp. Cũng có những sách nói về nghệ thuật này, nhưng không nhiều.

1. Đừng quá kỳ vọng vào con cái:

Con người không ai hòan hảo: "Nhân vô thập tòan", nên cha mẹ đừng đòi con cái phải tốt lành hoàn hảo làm hài lòng ta hoàn toàn. Vì khi nghĩ lại chính chúng ta cũng thấy mình bất tòan và không làm cho cha mẹ ta hài lòng. Dù vậy ta cũng nên đòi hỏi con cái thế nào để chúng cố gắng hơn. Cần biết khen ngợi khi thấy con có sự tiến bộ.

2. Hãy chấp nhận giới hạn của chúng:

Do ai cũng có giới hạn, mà dù có cố gắng đến đâu cũng khó lòng vượt qua. Điều quan trọng là đặt ra mục tiêu phù hợp với khả năng của con cái để động viên chúng thực hiện. Thông thường, cha mẹ hay đòi hỏi con mình phải thế này thế kia… Nhưng trong nhiều trường hợp, những kỳ vọng đó lại vượt quá khả năng của chúng. Ta không nên lấy mình làm khuôn mẫu cho con cái. Điều đó có thể làm cho chúng mang mặc cảm tự ti và bị nhụt chí khi. Hãy chấp nhận mức độ cao nhất mà chúng có thể đạt được. Cần đặt mình vào hòan cảnh của con để đánh giá sự việc cách chính xác.

3. Hãy dành thì giờ đối thoại với con:

Nên bỏ ra mỗi ngày ít nhất 15-20 phút tiếp xúc trò chuyện với con để tìm hiểu chúng thường là trong các bữa ăn. Nên khuyến khích chúng nói ra những điều chúng nghĩ và lắng nghe. Phải phản ứng kịp thời qua sự tán thành hay khen ngợi những gì chúng nói… Phải tập nói chuyện với chúng như bạn bè, nhất là khi chúng được 10 tuổi trở lên. Đừng để chúng trở thành hư hỏng lúc nào mà ta không biết.

4. Hãy tạo mối quan hệ thân mật với con cái:

Con cái ta cần được cha mẹ yêu thương, khuyến khích và hỗ trợ để phát triển. Do đó, cha mẹ cần liệu sao để chúng cảm nhận được tình thương của mình. Cần biểu lộ tình cảm của ta ra bên ngoài, qua ánh mắt, qua những cử chỉ âu yếm, những lời nói ngọt ngào, những hy sinh cụ thể của ta. Càng nhỏ, chúng càng nhạy cảm với tình thương của cha mẹ. Chúng cần tình thương để lớn lên và phát triển giống như cần thức ăn nước uống. Đừng chỉ yêu thương con bằng khối óc dù rằng rất cần, mà còn phải yêu chúng bằng con tim nữa.

5. Cần tạo cho con cái tin tưởng vào cha mẹ:

Trẻ mong tìm được những bảo đảm yêu thương từ nơi cha mẹ, nên ta phải trở nên chỗ dựa vững chắc cho chúng về mọi mặt. Phải sống làm sao để chúng cảm thấy an tâm. Mọi lời ta nói phải đúng để chúng tin tưởng, mọi việc ta làm phải tốt để chúng noi theo. Phải làm sao để chúng tin vào tình yêu, sự thành thật, khả năng hy sinh và sự cao thượng của cha mẹ.

6. Hãy luôn đồng hành với con cái:

Tuy nhiên, ta không nên tự thần tượng hóa mình trước mặt con cái. Tới một lúc nào đó, ta phải cho chúng thấy rằng chính ta cũng là người bất toàn đang phải nỗ lực tiến tới hoàn thiện. Ta chỉ là người đi trước và có trách nhiệm dẫn dắt chúng trong những bước đầu đời của chúng, đưa chúng đi vào đời sống nhân bản, và sau này, chính ta cũng cần sẵn sàng nhận lại sự nâng đỡ của con cái. Cần phải khiêm tốn nhận những khuyết điểm của mình. Cha mẹ nên trở thành bạn đồng hành của con cái và sẵn sàng nhận sự góp ý xây dựng của chúng.

7. Cần tôn trọng phẩm giá của con cái:

Đừng cấm đoán con cái những gì vô hại chỉ vì không hợp với sở thích của mình. Nên tôn trọng giờ học, giờ ngủ và giờ chơi của con cái. Nếu cần sửa phạt thì thì nên sửa phạt đúng mức, hợp lý và tránh sự quá đáng như mắng con bằng những lời thậm tệ, xúc phạm tới phẩm giá hoặc làm tổn thương tự ái của chúng. Đừng bêu xấu con trước mặt trẻ khác. Nếu được cha mẹ tôn trọng thì con cái mới biết tự trọng và sẽ có sự tự tin hơn.

8. Hãy tập cho con "đứng trên chính đôi chân của mình":

Khi còn nhỏ, con cái lệ thuộc cha mẹ về mọi mặt. Lúc đó, ta phải bắt chúng vâng lời, làm theo ý ta để phát triển đúng hướng. Nhưng ta phải giáo dục thế nào để chúng từng bước trưởng thành, có khả năng tự do và tự lập về mọi mặt. Đừng bắt chúng phải lệ thuộc và phải luôn làm theo ý ta. Cần phải biến con cái thành những người bạn ngang hàng với mình, liệu sao cho chúng có đủ điều kiện phát triển và ngày một trưởng thành hơn.

9. Hãy từng bước trao trách nhiệm cho con cái:

Phải tập cho con cái tinh thần trách nhiệm ngay từ khi chúng còn nhỏ bằng cách trao cho chúng những việc làm giúp đỡ cha mẹ từ dễ đến khó trong gia đình. Phải tập cho con cái dần dần quán xuyến được mọi việc trong nhà. Và khi chúng được 20 - 25 tuổi, phải tập cho chúng làm những việc người lớn như: làm ăn, giao thiệp, điều hành công việc,… Cần tập cho chúng làm hầu hết những công việc của cha mẹ, thậm chí có thể thay thế cha mẹ khi cần. Nên sớm giao trọng trách cho con cái đang khi chúng ta còn đứng đàng sau để hướng dẫn trợ giúp. Đừng để tới lúc ta không còn làm được gì nữa mới trao trách nhiệm cho con thì đã muộn, chúng có thể mắc phải sai lầm mà ta đành chịu bất lực vì không thể giúp gì được cho chúng.

10. Về việc giáo dục đức tin cho con cái:
Các cha mẹ Công Giáo cần ý thức trách nhiệm truyền đạt đức tin cho con cái ngay từ khi chúng còn nhỏ. Như một người trồng cây cảnh, muốn có cây cảnh có giá trị nghệ thuật, mang hình hươu nai hay chim phượng đẹp mắt… Ngoài việc chọn giống cây thích hợp và áp dụng kỹ thuật tưới bón theo từng loại cây, còn phải quan tâm định hình cho cây ngay từ khi cây mới ra cành non. Tránh để khi cây đã phát triển mới uốn thì đã muộn. Cũng vậy, cha mẹ tín hữu phải giáo dục đưc tin cho con cái ngay từ trong trứng nước, như có người nói: "Phải giáo dục đứa con ngay từ trước khi nó sinh ra 20 năm", nghĩa là phải giáo dục chính cha mẹ của nó. Từ cái khuôn đạo đức của cha mẹ mà đứa con sẽ được định hình phù hợp với đức tin truyền thống gia đình. Giáo dục đức tin không chỉ dừng lại ở các việc đạo đức như đọc kinh lần hạt, lập bàn thờ, treo tranh ảnh đạo, dự lễ tại nhà thờ, theo học các lớp giáo lý theo lứa tuổi… mà còn phải dạy con học sống lời Chúa, tuân giữ đặc biệt giới răn yêu thương qua thái độ luôn nghĩ đến người khác, qua cách ứng xử tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đinh. Cha mẹ biết dùng lời Chúa mà dạy dỗ con, nêu gương cầu nguyện tự phát phù hợp với hoàn cảnh trong các giờ kinh tối gia đình hay vào các ngày giỗ tết trong năm…

Kết luận:
Thế hệ con cái chúng ta có đức tin, đức hạnh và tài năng hay không phần lớn tùy thuộc vào sự giáo dục nhận được từ cha mẹ ngay từ nhỏ. Vì thế, các bậc cha mẹ cần phải biết cách giáo dục con cái cách khôn ngoan, phù hợp với khoa tâm lý giáo dục. Đừng phó mặc nhiệm vụ quan trọng này cho may rủi. Cũng đừng làm cách tùy tiện được chăng hay chớ.

4. THẢO LUẬN:
1) Bạn có đồng ý với các lời khuyên về việc giáo dục con cái nêu trên hay không ? Tại sao ?
2) Theo bạn, điều nào trong 10 lời khuyên nói trên là quan trọng nhất : Tại sao ?
3) Đọc đoạn Tin Mừng đầu bài và dâng lời cầu nguyện cho mình chu toàn bổn phận làm cha mẹ đối với con cái.

5.LỜI NGUYỆN:

Lạy Thiên Chúa Cha từ bi nhân ái. Xin cho các bậc cha mẹ chúng con biết noi gương Cha để yêu thương dạy dỗ con cái chúng con. Xin cho chúng con biết cách dạy dỗ con bằng tình yêu thương và bằng việc nêu gương sáng cho chúng. Xin cho chúng con biết xây dựng một thể chế gia đình nề nếp gia phong, trên thuận dưới hòa theo truyền thống đức tin Công Giáo, để gia đình chúng con trở nên thiên đàng ngay từ trần gian hôm nay và chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời cho các gia đình chưa nhận biết Chúa,- AMEN.

LM ĐAN VINH - HHTM

Sunday, March 2, 2014

Thời Tôn Thờ Con Bò Vàng

Alphonse Marie Trần Bình An
Chia sẻ Tin Mừng Chúa nhật 8 Thường niên, Năm A


Thời Tôn Thờ Con Bò Bàng


Sau khi động đất tại Nhật Bản hồi tháng 3, 2011 vừa qua đi, lực lượng cứu hộ bắt đầu các hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Và khi họ tiếp cận đống đổ nát từ ngôi nhà của một phụ nữ trẻ, họ thấy thi thể của cô qua các vết nứt. Nhưng tư thế của cô có gì đó rất lạ, tựa như một người đang quỳ gối cầu nguyện; cơ thể nghiêng về phía trước, và hai tay cô đang đỡ lấy một vật gì đó. Ngôi nhà sập lên lưng và đầu cô.

Đội trưởng đội cứu hộ đã gặp rất nhiều khó khăn khi anh luồn tay mình qua một khe hẹp trên tường để với tới thi thể nạn nhân. Anh hy vọng rằng, người phụ nữ này có thể vẫn còn sống. Thế nhưng cơ thể lạnh và cứng đờ cho thấy cô đã chết.

Cả đội rời đi và tiếp tục cuộc tìm kiếm ở tòa nhà đổ sập bên cạnh. Không hiểu sao, viên đội trưởng cảm thấy như bị một lực hút kéo trở lại ngôi nhà của người phụ nữ. Một lần nữa, anh quỳ xuống và luồn tay qua khe hẹp để tìm kiếm ở khoảng không nhỏ bên dưới xác chết. Bỗng nhiên, anh hét lên sung sướng: "Một đứa bé! Có một đứa bé!".

Cả đội đã cùng nhau làm việc; họ cẩn thận dỡ bỏ những cái cọc trong đống đổ nát xung quanh người phụ nữ. Có một cậu bé 3 tháng tuổi được bọc trong một chiếc chăn hoa bên dưới thi thể của người mẹ. Rõ ràng, người phụ nữ đã hy sinh để cứu con mình. Khi ngôi nhà sập, cô đã lấy thân mình làm tấm chắn bảo vệ con trai. Cậu bé vẫn đang ngủ một cách yên bình khi đội cứu hộ nhấc em lên.

Bác sĩ đã nhanh chóng kiểm tra sức khỏe của cậu bé. Sau khi mở tấm chăn, ông nhìn thấy một điện thoại di động bên trong. Có một tin nhắn trên màn hình, viết: "Nếu con có thể sống sót, con phải nhớ rằng mẹ rất yêu con". Chiếc điện thoại di động đã được truyền từ tay người này sang tay người khác. Tất cả những ai đã đọc mẩu tin đều không ngăn nổi dòng nước mắt.

Tình mẫu tử một lần nữa lại sáng chói trên bầu trời ảm đạm thế thái nhân tình. Tình mẹ phản ảnh phần nào lòng thương yêu vô vàn của Thiên Chúa với con người, như tiên tri Isaia đã khéo ví von: "Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau?  Cho dù nó có quên đi nữa thì Ta, Ta sẽ cũng chẳng quên ngươi bao giờ." (Is 49, 15)

Con bò vàng

Hầu hết các Cty, xí nghiệp và nhà người ngoài Kitô giáo, đều có bàn thờ Thần Tài, Ông Địa ở ngay phòng khách. Theo truyền thuyết, Thần Tài chính là Triệu Công Minh, người đời nhà Tần. Ông lánh đời đi tu tại núi Chung Nam. Về sau đắc đạo, ông được phong làm Chính Nhất Huyền Đàn Nguyên Soái, coi việc đuổi trừ ôn dịch, cứu bệnh trừ tà. Hơn nữa, ai bị oan ức đến cầu cứu ông thì được giúp đỡ. Người buôn bán thì cúng cầu ông để được phát đạt may mắn.

Hiện tượng thờ bái vật không chỉ thờ Thần Tài, mà còn thờ tất cả những gì họ cho là có thể đem lại danh lợi, thỏa mãn thị hiếu, cũng như tham vọng. Đó chính là hình thái thờ con bò vàng trong Cựu Ước (Xh 32, 1-35)

Con bò vàng hôm nay có thể là tiền bạc, của cải, chức tước, bổng lộc, quyền hành, thế lực. Con bò vàng còn là những phương tiện vật chất, nhà cao cửa rộng, tiện nghi, nội thất sang trọng, áo quần diêm dúa thời trang, phương tiện nghe nhìn hiện đại, vật dụng cá nhân cao cấp, xe cộ xa hoa đắt tiền,… Dĩ nhiên, khi tôn thờ con bò vàng, người ta dứt khoát chối bỏ Thiên Chúa, hiện diện trong đời. Hoặc chỉ thờ lạy Chúa trên môi mép, còn lòng trí thì quy hướng, tôn sùng con bò vàng. "Dân này thờ kính ta bằng môi bằng miệng, nhưng tâm hồn chúng thì xa ta." (Mc 7, 6)

Tín thác

Khi hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa Quan Phòng, đặt hết vào Ngài lòng trông cậy, niềm hy vọng, mới có thể thoát khỏi ách nô lệ con bò vàng, thoát khỏi những đam mê vật chất, cám dỗ thực dụng, tham sân si u mê mù quáng. "Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho." (Mt 6, 33)

Tìm kiếm Nước Thiên Chúa là đón nhận những điều mà thiên hạ vẫn cho là điên dại, dở hơi hay ngu đần, lo tránh xa tựa dịch bệnh, như tinh thần nghèo khó, chịu đau khổ, hiền lành, đói khát sự công chính, biết xót thương yêu người, tâm hồn trong sạch, hòa nhã, chịu bắt bớ vì sự công chính. Tất cả đã được gói ghém đầy đủ trong Bát Phúc, Hiến Chương Nước Trời.

Tìm đức công chính của Thiên Chúa là tuân theo, vâng phục Thánh Ý Chúa, trọn vẹn bổn phận, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Tu thân, tích đức cho cuộc đời sau viên mãn.

Tóm lại, "Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ." (Mt 6, 24). Đức Giêsu không chấp nhận sự chọn lựa cố tình nhập nhằng giữa Thiên Chúa hằng hữu và thế gian phù phiếm hư ảo.  "Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta." (Kh 3, 16).

"Theo Thầy bấy lâu nay, con có thiếu gì không?"- "Thưa Thầy không." Con bỏ tất cả, nhưng theo Chúa Quan Phòng, con còn lo gì? (Đường Hy Vọng, số 70)

Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con đường ngay nẻo chính để được hạnh phúc bên Chúa. Nhưng chúng con còn nặng lòng với thế gian, còn nuối tiếc củ hành, củ tỏi như dân Do Thái xưa nuối tiếc kiếp nô lệ Ai Cập. Xin Chúa ban cho chúng con ơn sủng ăn năn, sám hối, cũng như sáng suốt và sức mạnh chiến thắng bản thân, thế gian và ma quỷ, để trở thành chiên ngoan của Chúa.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng con biết sống khiêm nhường, khó nghèo và trung thành vâng theo Thánh Ý Chúa trọn đời. Amen.

Alphonse Marie Trần Bình An

Sunday, February 23, 2014

Pope Francis' Homily at Consistory

"The Church needs us also to be peacemakers, building peace by our works, our hopes and our prayers." - Pope Francis

VATICAN CITY, February 23, 2014 (Zenit.org) - Here is the translation of the Holy Father's homily at yesterday's Consistory where he elevated 19 prelates to the College of Cardinals.

* * *

"Jesus was walking ahead of them…" (Mk 10:32).

At this moment too, Jesus is walking ahead of us. He is always before us. He goes ahead of us and leads the way… This is the source of our confidence and our joy: to be his disciples, to remain with him, to walk behind him, to follow him…

When with the Cardinals we concelebrated the first Mass in the Sistine Chapel, the first word which the Lord proposed to us was "to walk", to journey with him: to journey, and then to build and to profess.

Today this same word is repeated, but now as an action, an action of Jesus which is ongoing: "Jesus was walking…". This is something striking about the Gospels: Jesus is often walking and he teaches his disciples along the way. This is important. Jesus did not come to teach a philosophy, an ideology… but rather "a way", a journey to be undertaken with him, and we learn the way as we go, by walking. Yes, dear brothers, this is our joy: to walk with Jesus.

And this is not easy, or comfortable, because the way that Jesus chooses is the way of the Cross. As they journey together, he speaks to his disciples about what will happen in Jerusalem: he foretells his passion, death and resurrection. And they are "shocked" and "full of fear". They were shocked, certainly, because for them going up to Jerusalem meant sharing in the triumph of the Messiah, in his victory – we see this in the request made by James and John. But they were also full of fear for what was about to happen to Jesus, and for what they themselves might have to endure.

Unlike the disciples in those days, we know that Jesus has won, and that we need not fear the Cross; indeed, the Cross is our hope. And yet, we are all too human, sinners, tempted to think as men do, not as God does.

And once we follow the thinking of the world, what happens? The Gospel tells us: "When the ten heard it, they began to be indignantat James and John" (Mk 10:41). They were indignant. Whenever a worldly mentality predominates, the result is rivalry, jealousy, factions…

And so the word which Jesus speaks to us today is most salutary. It purifies us inwardly, it enlightens our consciences and helps us to unite ourselves fully with Jesus, and to do so together, at this time when the College of Cardinals is enlarged by the entrance of new members.

"And Jesus called them to himself…" (Mk 10:42). Here is the other action of Jesus. Along the way, he is aware that he needs to speak to the Twelve; he stops and calls them to himself. Brothers, let us allow Jesus to call us to himself! Let us be "con-voked" by him. And let us listen to him, with the joy that comes from receiving his word together, from letting ourselves be taught by that word and by the Holy Spirit, and to become ever more of one heart and soul, gathered around him.

And as we are thus "con-voked", "called to himself" by our one Teacher, I will tell you what the Church needs: she needs you, your cooperation, and even more your communion, with me and among yourselves. The Church needs your courage, to proclaim the Gospel at all times, both in season and out of season, and to bear witness to the truth. The Church needs your prayer for the progress of Christ’s flock, that prayer – let us not forget this! – which, along with the proclamation of the Word, is the primary task of the Bishop. The Church needs your compassion, especially at this time of pain and suffering for so many countries throughout the world. Let us together express our spiritual closeness to the ecclesial communities and to all Christians suffering from discrimination and persecution. We must fight every form of discrimination! The Church needs our prayer for them, that they may be firm in faith and capable of responding to evil with good. And this prayer of ours extends to every man and women suffering injustice on account of their religious convictions.

The Church needs us also to be peacemakers, building peace by our works, our hopes and our prayers. Building peace! Being peacemakers! Let us therefore invoke peace and reconciliation for those peoples presently experiencing violence, exclusion and war.

Thank you, dear Brothers! Thank you! Let us walk together behind the Lord, and let us always be called together by him, in the midst of his faithful people, the holy People of God, holy Mother the Church. Thank you!

+ Pope Francis

Monday, February 17, 2014

Tại Sao Giáo Hội Cần Phải Nghèo Để Rao Giảng Tin Mừng?

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong một diễn từ mới đây, đã thẳng thắn nói rõ là thế giới hiện nay đang sống với thảm trạng "tôn thờ tiên bạc" (cult of money) và dửng dưng với bao triệu người nghèo đói ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia Phi Châu.

Không nói gì đến các nước vốn nghèo sẵn ở Á và Phi Châu, ngay ở Hoa Kỳ là nước được coi là giầu có nhất nhì thế giới mà cũng có biết bao người vô gia cư (homeless) nghèo đói sống vất vưởng trên hè phố ở các đô thị lớn như Los Angeles, Houston, Chicago, Nữu Ước. Họ nghèo đến nỗi không có nhà ở và hàng ngày phải xin ăn ở các cơ sở từ thiện, trong khi những người triệu phú, tỉ phú không hề quan tâm đến họ và chính quyền liên bang cũng như tiểu bang, cho đến nay, vẫn không có biện pháp tích cực nào để giúp những người nghèo vô gia cự này. Nhưng mỉa mai và nghịch lý là chánh quyền Mỹ cứ thi nhau đem tiền ra giúp các nước như Irak, Afghanistan, Pakistan, Ai Cập, Syria... vì quyền lợi chiến lược của Mỹ, mặc dù dân các nước trên vẫn chống Mỹ và muốn đuổi quân đội Mỹ ra khỏi đất nước họ! (Irak và Afghanistan)

Đức Thánh Cha phê phán thế giới "tôn thờ tiền bạc" vì người thấy rõ sự chênh lệch quá to lơn giữa người quyền thế giầu sang và người nghèo cô thân cô thế ở khắp nơi trên thế giới tục hóa này. Nên khi lên ngôi Giáo Hoàng ngày 13 tháng 3 năm qua (2013), ngài đã chọn danh hiệu "Phanxicô" cho triều đại Giáo Hoàng (Pontificate) của mình để nói lên ước muốn sống tình thần nghèo khó của Thánh Phan xicô khó khăn Thành Assisi và nhất là tình thần và đời sống khó nghèo thực sự của Chúa Giêsu Kitô, "Đấng vốn giầu sang phú quí nhưng đã tự ý trở nên khó nghèo vì anh em để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giầu có." (2 Cor 8:9)

Như thế, gương khó nghèo của Chúa Kitô mà Đức Thánh Cha muốn thực hành phải là gương sáng cho mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Hôi noi theo, đặc biệt là hàng giáo sĩ và tu sĩ là những người có sứ mạng và trách nhiệm rao giảng và sống Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô để nên nhân chứng cho Chúa, "Đấng đã đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người." (Mt 20: 28).

Đặc biệt trong thư gửi cho các Tân Hồng Y ngày 13 tháng 1 vừa qua (2014), Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh như sau:

"Cái mũ đỏ không có ý nghĩa là được thăng thưởng (promotion) một danh dự hay hào nhoáng bề ngoài (decoration) mà chỉ đơn thuần là một hình thức phục vụ đòi hỏi mở rộng tầm nhìn và con tim… do đó xin quí chư huynh nhận sự bổ nhiệm mới này với lòng khiêm cung, giản dị và vui mừng, nhưng vui mừng không theo cách người đời hay bất cách mừng vui nào xa lạ với tinh thần của Phúc Âm về sự khắc khổ (austerity) tiết độ (sobriety) và khó nghèo (poverty)".

Tại sao phải sống khó nghèo?

Khó nghèo ở đây không có nghĩa là phải đói khát rách rưới, vô gia cư,lang thang đầu đường xó chợ thì mới được chúc phúc. Ngược lại, phải lo cho mình và cho người mình có trách nhiệm coi sóc được có phương tiện sống cần thiết tối thiểu như nhà ở, cơm ăn áo mặc, phương tiện di chuyển như xe cộ, vì ở Bắc Mỹ và các quốc gia Âu châu, Úc châu thì linh mục phải có xe hơi thì mới làm mục vụ được, vì không thể đi bộ đến thăm bệnh nhân ở tư gia hay ở bệnh viện. Nghĩa là không "lý tưởng thiếu thực tế" để chỉ chú trọng đến đời sống tinh thần mà coi nhẹ hay sao nhãng đời sống vật chất đúng mức cho phù hợp với nhân phẩm.

Nhưng điều quan trọng nhất là phải thực sự sống tinh thần nghèo khó mà Chúa Kitô đã dạy các môn đệ và dân chúng xưa là "Phúc cho ai có tinh thần (tâm hồn) nghèo khó vì Nước Trời là của họ."(Mt 5:3; Lc 6 : 20)

Sự nghèo khó mà Chúa muốn dạy ở đây không có nghĩa là phải đói khát, rách rưới về phần xác như đã nói ở trên mà chỉ có nghĩa là không được ham mê tiền bạc và của cải vật chất, tiện nghi sa hoa, danh vọng trần thế đến độ làm nô lệ cho chúng để không chú trọng vào việc mở mang Nước Thiên Chúa trong tâm hồn của chính mình và nơi người khác; cụ thể là các giáo dân được trao phó cho mình phục vụ và săn sóc về mặt thiêng liêng.

Sự thành công của sứ mệnh rao giảng Tin Mừng không căn cứ ở những giáo đường, nhà xứ, Tòa Giám mục được xây cất sang trọng, lộng lẫy để khoe khoang với du khách mà cốt yếu ở chỗ xây dựng được đức tin và lòng yêu mến Chúa vững chắc trong tâm hồn của mọi giáo dân để giúp họ sống đạo có chiều xâu thực sự, chứ không phô trương bề ngoài với số con số đông tân tòng được rửa tội, đi lễ, đi rước ầm ỹ ngoài đường phố trong khi rất nhiều người vẫn sống thiếu bác ái và công bình với nhau và với người khác.

Mặt khác, người tông đồ lớn nhỏ - nam cũng như nữ- mà ham mê tiền của để đôn đáo chạy đi khắp đó đây, đi ra nước ngoài nhiều hơn là đi thăm con chiên bổn đạo chỉ vì mục đích kiếm tiền cho những nhu cầu bất tận, thì sẽ không bao giờ có thể sống và thực hành tinh thần khó nghèo của Chúa Kitô, Đấng đã sống lang thang như người vô gia cư đến nỗi có thể nói được về mình là "con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu." (Mt 8: 20)

Thử hỏi Chúa có đóng kich "khó nghèo" từ khi sinh ra trong hang bò lừa cho đến khi chết trần trụi trên thập giá hay không? Ai dám nói là có ? Nếu vậy, thì Chúa quả thực đã sống khó nghèo trong suốt cuộc đời tại thế để nêu gương nghèo khó trong tâm hồn và trong cuộc sống cho mọi người chúng ta. Nghĩa là các tông đồ của Chúa nói riêng và toàn thể dân Chúa nói chung phải thi hành lời Chúa để đi tìm và "tích trữ cho mình những kho tàng ở trên trời nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được." (Mt 6: 20)

Nếu chỉ chú trọng đi tìm tiền của và xây dựng nhà cửa cho sang trọng và không xa tránh những cám dỗ về tiền bạc và quan tâm đúng mức đến người nghèo khổ, thì chắc chắn sẽ không thể rao giảng Tin Mừng cách hữu hiệu được. Và cũng không thể làm nhân chứng cho Chúa Kitô về tinh thần nghèo khó của Phúc Âm mà Chúa đã nêu gương sáng từ khi Người sinh ra cho đến khi chết đi hoàn toàn trong khó nghèo và đau khổ để cho chúng ta được cứu rỗi và trở nên phú quí sang giầu trên Nước Trời mai sau.

Nói rõ hơn, giảng tinh thần khó nghèo của Chúa cho người khác, mà chính mình lại sống phản chứng bằng cách chạy theo tiền của, dùng những phương tiện di chuyển sang trọng như đi các xe đắt tiền loại Lexus, BMW, Mercedes… đeo đồng hồ longines, Omega …làm thân với người giầu, không nhận dâng lễ cho người nghèo có ít tiền xin lễ, mà chỉ nhận lễ có bổng lễ (stipends) cao thì chắc chắn sẽ không thuyết phục được ai tin và sống điều mình rao giảng cho họ, chỉ vì chính mình không sống điều mình rao giảng. Dĩ nhiên đây không phải là cách sống của tất cả mọi linh mục, giám mục nhưng dù chỉ có một thiểu số nhỏ cũng đủ gây tai tiếng cho tập thể nói chung vì "con sâu làm rầu nồi canh" như tục ngữ Việt Nam đã nói.

Tóm lại, Giáo Hội của Chúa phải thực sự nghèo khó theo gương Đấng sáng lập là Chúa Giê su-Kitô, Người đã thực sự sống và chết cách nghèo khó để dạy mọi người chúng ta coi khinh, coi thường sự sang giầu chóng qua ở đời này để đi tìm sự giầu sang đích thực là chính Thiên Chúa là cội nguồn của mọi vinh phúc giầu sang vĩnh cửu mà tiền bạc, của cải ở đời này không thể mua hay đổi chác được.

Chỉ có nghèo khó thực sự trong tâm hồn, thì Giáo Hội mới có thể để lách mình ra khỏi mãnh lực của đồng tiền, và của cải vật chất, để chú tâm vào việc thi hành sứ mệnh của mình là rao giảng Tin Mừng cứu độ của Chúa Kitô và chân lý của sự giầu sang đích thực là chính Thiên Chúa, Đấng đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta hạnh phúc mà "mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người chẳng hề nghĩ tới, đó là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người." (1 Cr 2: 9)

Nghĩa là phải yêu mến Chúa hơn yêu mến tiền của và mọi sự sang trọng phú quí của trần này, thì mới có thể rao giảng Tin Mừng Cứu Độ cách hữu hiệu cho người khác. Nước Thiên Chúa mà Giáo Hội có sứ mệnh mở mang trên trần thế này không phục vụ cho nhu cầu tìm kiếm tiền bạc, danh vọng và của cải vật chất hư hèn mà cho mục đích kiếm tìm hạnh phúc và bình an vinh cửu trên Nước Trời. Và đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã nói với anh thanh niên giầu có kia là "hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến mà theo tôi." (Mc 10: 21)

Lời Chúa trên đây phải là đèn soi cho mọi người tín hữu trong Giáo Hội bước đi qua bóng tối của tiền bạc và của cải vật chất, là những quyến rũ đã và đang mê hoặc con người ở khắp nơi, khiến họ say mê đi tìm kiếm và tôn thờ thay vì tìm kiếm và tôn thờ một mình Thiên Chúa là cội nguồn của mọi phú quý giầu sang đích thực mà thôi Chúa nói: "ai có tai nghe thì nghe" (Mt 13:43; Mc 4: 23; Lc 8:8)

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
(http://danchuausa.net/song-dao/tai-sao-giao-hoi-can-phai-ngheo-de-rao-giang-tin-mung/)

Tuesday, February 11, 2014

Bài giảng Thánh Lễ khai mạc Năm Thánh mừng 400 năm Dòng Tên đến Việt Nam

§ + GM Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ

Kính thưa Đức Tổng giám mục chủ sự và toàn thể cộng đoàn,

Ngày 18.1.1615, ba anh em Dòng Tên là cha Phanxicô Buzomi, người Ý, một linh mục người Bồ Đào Nha và một tu huynh người Bồ Đào Nha, đặt chân lên Cửa Hàn, nay là Đà Nẵng: đó là một mốc quan trọng hàng đầu trong lịch sử Hội Thánh tại Việt Nam. Hôm nay chúng ta họp nhau đây mở đầu một năm Dòng Tên tạ ơn Chúa và xin Chúa ban ơn để trung thành và can đảm tiếp bước các bậc tiền nhân. Từ Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội này, xin gửi lời chúc mừng đến giáo phận Đà Nẵng và giáo xứ Hội An hôm nay cùng kỷ niệm biến cố có thể nói là ngày khai sinh giáo phận và giáo xứ.

Trước ngày 18.1.1615, đã có những người đến rao giảng Tin Mừng ở Việt Nam. Thánh Giá được khắc trên đá ở Cù Lao Chàm năm 1523 là dấu hiệu đầu tiên của Kitô giáo trên quên hương chúng ta. Các thừa sai dòng Phanxicô và Đaminh cũng đến truyền giáo ở Đàng Trong (tức Miền Nam) và Đàng Ngoài (tức Miền Bắc), nhưng kết quả cụ thể không thấy lịch sử ghi nhận.

Ban đầu các vị thừa sai Dòng Tên chỉ muốn đến giúp các tín hữu Công Giáo Nhật Bản phải trốn đến Hội An để tránh cuộc bách hại khốc liệt trong nước. Chẳng bao lâu, các ngài thấy tâm hồn người Việt Nam rất gần với Tin Mừng, nên nhận ra Việt Nam là mảnh đất tốt để gieo Lời Chúa. Dịp lễ Phục Sinh năm ấy, các ngài đã đón nhận 10 tín hữu đầu tiên. Từ Hội An, các ngài mở rộng hành động truyền giáo đến Bình Định rồi Điện Bàn. Thật lạ lùng! Trong bối cảnh chạy loạn, Tin Mừng đã đến với dòng giống Con Rồng Cháu Tiên. Nhiều bậc tiền bối của chúng ta đã mở lòng đón nhận và Tin Mừng đã thấm dần vào dòng máu Việt mỗi ngày một sâu hơn.

Thấy Việt Nam đúng là mảnh đất mầu mỡ, từ trụ sở tại Macao, Dòng Tên tiếp tục gửi các thừa sai khác đến, trong đó vị nổi tiếng nhất là cha Alexandre de Rhodes mà ngày nay chúng ta quen gọi là cha Đắc Lộ. Sau một thời gian vất vả học tiếng Việt, ngài đã có thể giao tiếp và giảng dạy cho dân chúng. Ngày lễ thánh Giuse 19.3.1627, ngài cùng với một thừa sai khác đặt chân lên Cửa Bạng ở Thanh Hóa, rồi Kẻ Chợ, tức là Hà Nội, chính thức khởi đầu công cuộc truyền giáo ở Miền Bắc, lúc ấy gọi là Đàng Ngoài. Nhờ thông thạo ngôn ngữ và phong tục, nhất là nhờ gương sáng về đời tu và lòng bác ái, ngài đã mau chóng đón nhận đông đảo người xin học đạo và gia nhập đạo.

Ở Hà Nội, cha Đắc Lộ khởi sự hai việc rất ý nghĩa. Trước hết là quyển Phép Giảng Tám Ngày, quyển giáo lý Công Giáo đầu tiên bằng tiếng Việt, và cũng là quyển sách đầu tiên được viết bằng chữ Quốc Ngữ. Thật ra chữ Quốc Ngữ đã được các thừa sai và các thầy giảng Việt Nam khởi sự từ trước. Nhưng việc một quyển sách được in bằng chữ Quốc Ngữ cho thấy cách viết này đã có thể coi như hoàn chỉnh. Thứ đến là ngài đã quy tụ một số người có học và nhiệt thành lập nên Hội Thầy Giảng. Tổ chức này đã tỏ ra rất hiệu quả trong hoạt động truyền giáo, ngay cả khi không có các linh mục. Với quyển Phép Giảng Tám Ngày và Hội Thầy Giảng, có thể nói là Hội Thánh đã thực sự nhập thể trong xã hội Việt Nam: như xưa thánh Phaolô nói "Do Thái với người Do Thái, Hy Lạp với người Hy Lạp", thì với cha Đắc Lộ, chúng ta có thể nói đạo Chúa đã trở nên Việt Nam với người Việt Nam.

Công cuộc truyền giáo luôn luôn là một việc khó khăn. Đối với vua quan cũng như dân chúng Việt Nam, đạo Chúa là điều hoàn toàn mới lạ. Những hiểu lầm và ngay cả những vu cáo là điều hầu như không thể tránh được. Xã hội Việt Nam thời bấy giờ quen với tam cương ngũ thường, quen với con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa, nên khó lòng chấp nhận những điều mới mẻ như mọi người đều bình đẳng, lại phải thương yêu nhau như anh chị em một nhà; vua quan chẳng những không được áp bức bóc lột dân mà phải phục vụ dân như đầy tớ. Cha Đắc Lộ cho biết vào Tuần Thánh năm 1628, ngài rửa chân cho giáo dân trong thánh lễ chiều thứ năm tại Hà Nội, mọi người đều kinh ngạc. Người Việt Nam mau chóng gọi Công Giáo là đạo "thương nhau".

Dù vậy, các cuộc bách hại lẻ tẻ liên tiếp diễn ra và đã có nhiều người hy sinh mạng sống vì đức tin. Vị nổi tiếng nhất chính là chân phước thầy giảng Anrê Phú Yên,vị tử đạo tiên khởi của Việt Nam, mở đầu cho những trang sử hào hùng của Giáo Hội Việt Nam, trong đó có 16 anh em Dòng Tên, kể cả các thừa sai và người Việt Nam. Sau nửa thế kỷ, các thừa sai Dòng Tên đã rửa tội cho hơn 100 ngàn người ở Đàng Ngoài và chừng 50 ngàn người ở Đàng Trong, trước khi Tòa Thánh thiết lập hai giáo phận tiên khởi Đàng Trong và Đàng Ngoài. Đây là khởi đầu cho một Giáo Hội được coi là phát triển nhất ở khu vực Đông Á.

Lời Chúa trong thánh lễ khai mạc Năm Thánh hôm nay cho chúng ta một xác tín quan trọng: việc loan báo Tin Mừng xuất phát từ trái tim yêu thương của Thiên Chúa mong muốn cho con người được cứu độ và hạnh phúc đời đời. Chúa Giêsu nói với các tông đồ: Hãy đi giảng dạy muôn dân… Tại sao? Thánh Phaolô trả lời: "Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý." Truyện ông Giôna với thành Ninivê và cây thầu dầu cho thấy lòng con người nhỏ bé, trong khi trái tim Thiên Chúa thật cao cả.

Trong 400 năm qua, nói cho đúng thì Dòng Tên chỉ đóng góp một phần bé nhỏ trong lịch sử Hội Thánh tại Việt Nam. Bao nhiêu thừa sai khác, bao nhiêu dòng tu khác, bao nhiêu tâm hồn quảng đại và can đảm khác đã góp phần hết sức quan trọng vào công cuộc loan báo Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh tại Việt Nam. Đặc biệt chúng ta không quên được hơn 100 ngàn tín hữu thuộc đủ mọi thành phần đã lấy chính mạng sống mình làm chứng cho Chúa, trong đó 117 vị đã được tôn vinh lên bậc hiển thánh.

Sau khi bị giải thể năm 1773, Dòng Tên vắng bóng ở Việt Nam trong 150 năm. Hiện nay, sau hơn 50 năm trở lại miền đất thân yêu Việt Nam, Dòng Tên hân hạnh tiếp tục đóng góp phần nhỏ bé với một Giáo Hội đầy sức sống. Đâu là ước nguyện của Dòng Tên xưa cũng như nay? Xin phép được dùng một truyện để minh họa.

Trên rừng có muôn vàn loài cây, nhưng có thể chia làm 3 loại chính. Loại thứ nhất gồm những cây không ước mơ cũng không phấn đấu. Loại thứ hai gồm những cây có ước mơ nhưng không phấn đấu. Loại thứ ba gồm những cây vừa có ước mơ vừa biết phấn đấu. Trong loại ba này có 3 cây con. Cây thứ nhất ước mơ và phấn đấu để trở thành một cây gỗ quý, có thể dùng làm tráp cho vua chúa và hàng quý tộc đựng vàng bạc châu báu. Cây thứ hai ước mơ và phấn đấu trở thành một cây thật to và chắc, có thể đóng thuyền cho vua vượt đại dương. Cây thứ ba ước mơ và phấn đấu thành một cây cao, ai nhìn lên ngọn thì thấy trời và ai trèo lên đến ngọn thì cũng lên đến trời.

Một tiều phu lên rừng đốn củi: ông chẳng phân biệt cây loại này với cây loại kia, đem tất cả về bán cho ai trả giá hợp lý. Cây con thứ nhất rơi vào tay một nhà nông: thay vì làm tráp đựng vàng bạc châu báu thì ông đóng được một cái máng cho bò ăn cỏ. Cây con thứ hai rơi vào tay một người đóng thuyền: thay vì làm thuyền cho vua vượt đại dương, ông đóng được một cái thuyền đánh cá. Cây con thứ ba cong queo và sù sì rơi vào tay một bà nội trợ: bà chất đống củi đợi ngày cho vào bếp. Thật là đáng thất vọng cho cả ba.

Nhưng khi Chúa Giêsu sinh ra, Đức Mẹ đã đặt Chúa trong máng cỏ: đó chính là cây con thứ nhất. Khi Chúa Giêsu đi rao giảng, Chúa đã mượn thuyền của thánh Phêrô: đó chính là cây con thứ hai. Khi lính Rôma tìm gỗ làm thập giá đóng đinh Chúa, họ đã lấy chính cây con thứ ba trong đống củi của bà nội trợ. Quả thật ai nhìn lên cây thập giá của Chúa thì thấy trời cao và Chúa Giêsu nói: Khi được đưa lên cao, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.

Ngoài Thiên Chúa, những ước mơ của con người sẽ trở thành ảo vọng. Với Thiên Chúa, những ước mơ của con người trở thành hiện thực hơn chính con người mong đợi. Đó chính là điều thánh Inhã chờ mong nơi con cái của Dòng Tên: trở thành khí cụ trong tay Chúa để Chúa thực hiện kế hoạch cứu độ kỳ diệu cho con người.

Lời mời gọi của Chúa Giêsu vẫn tiếp tục vang lên trong lòng chúng ta hôm nay: Hãy lên đường! Hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy. Hãy làm cho cả đất nước Việt Nam này nhận biết Đấng là đường, sự thật và sự sống. Hôm nay khởi đầu tuần lễ cầu nguyện cho Hội Thánh được hiệp nhất, xin Chúa cho tất cả chúng ta luôn một lòng với Hội Thánh như ước nguyện của thánh Inhã trong Linh Thao. Chúng ta cũng vừa đón nhận tông huấn Niềm Vui Phúc Âm của Đức Thánh Cha Phanxicô, xin cho chúng ta cùng với cả Hội Thánh cảm nghiệm sâu xa niềm vui được làm những môn đệ thừa sai để tiếp bước Chúa Giêsu, các tông đồ, các nhà truyền giáo đã đem Tin Mừng đến cho quê hương thân yêu của chúng ta.

Hãy đặt cuộc đời bình thường của chúng ta trong tay Thiên Chúa tình yêu và Ngài sẽ thực hiện qua chúng ta những điều chính con người không dám mơ ước. Xin Thánh Inhã và các thánh Dòng Tên phù hộ chúng ta. Amen.

+ GM Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ

Thursday, January 23, 2014

Đức Thánh Cha tố giác những tư tế hư hỏng

Lm Trần Đức Anh, OP

VATICAN. Đức Thánh Cha tái lên tiếng tố giác những tư tế hư hỏng, thay vì trao bánh sự sống cho dân thánh của Chúa, thì lại cho những lương thực có thuốc độc!

ĐTC đưa ra nhận định trên đây trong bài giảng thánh lễ lúc 7 giờ sáng ngày 16-1-2014 tại nguyện đường nhà trọ thánh Marta ở Vatican. Chú giải bài đọc thứ I trong ngày và thánh vịnh đáp ca, kể lại sự thất trận của quân Israel trước quân Philistin, ĐTC nhận xét rằng dân Chúa thời ấy đã bỏ Chúa. Lúc ấy Lời Chúa "khan hiếm", Tư tế Elia già nua thì "nguội lạnh" và các con cái của ông thì "hư hỏng, làm dân chúng kinh hoàng và hành hạ họ". Để chiến đấu chống quân Philistin, dân Israel dùng "hòm bia giao ước" như một vật ma thuật, một điều bên ngoài. Và thế là họ bị thất trận, hòm bia giao ước bị địch quân chiếm. Không có niềm tin đích thực nơi Thiên Chúa, nơi sự hiện diện thực sự của Ngài trong cuộc sống."

ĐTC nói: "Đoạn Kinh Thánh này làm cho chúng ta suy nghĩ xem quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, với Lời Chúa như thế nào: phải chăng đó chỉ là một quan hệ hình thức, hời hợt, một quan hệ xa lạ? Lời Chúa có đi vào, có thay đổi tâm hồn chúng ta hay không, có quyền năng hay không? Nhưng tầm hồn lại khép kín đối với Lời Chúa. Điều này làm chúng ta nghĩ đến bao nhiêu thất bại trong Giáo Hội, bao nhiêu chiến bại của Dân Chúa chỉ vì họ không cảm thấy Chúa, không tìm Chúa, không để cho Chúa tìm họ! Và rồi sau khi thảm trạng xảy ra, người ta cầu nguyện: Lạy Chúa, làm sao điều ấy xảy ra được? Chúa đã làm cho chúng con bị các lân bang coi rẻ... Chúa biến chúng con thành sự nhạo cười của những dân quanh chúng con".

Đề cập đến những gương mù, những xì căng đan trong Giáo Hội, ĐTC đặt câu hỏi: "Chúng ta có xấu hổ không? Có bao nhiêu gương mù mà tôi không muốn nêu riêng rẽ ở đây, nhưng tất cả chúng ta đều biết, chúng ta biết chúng ở đâu. Những xì căng đan mà một số người đã bắt phải trả bao nhiêu tiền.. Thật là một ô nhục cho Giáo Hội. Chúng ta xấu hổ vì những xì căng đan, những chiến bại của các linh mục, giám mục, giáo dân? Lời Chúa trong những xì căng đan ấy thật là hiếm hoi!. Họ không có quan hệ với Thiên Chúa! Họ có một địa vị trong Giáo Hội, một địa vị quyền lực, và thoải mái. Nhưng lời Chúa thì họ không có. Họ biện minh: "Nhưng tôi có huy chương mà! Tôi có mang thánh giá mà!.. Đúng vậy, cũng như những người Israel xưa kia mang hòm bia giao ước vậy! Nhưng mà họ không có quan hệ sinh động với Thiên Chúa và với Lời Chúa!"

ĐTC nói: "Tôi nghĩ đến Lời Chúa Giêsu nói về những kẻ gây gương mù gương xấu.. và nơi đây xì căng đan đã xảy ra: tất cả sự sa đọa của dân Chúa, cho đến sự yếu nhược, sự hư hỏng của các tư tế".

Và ĐTC kết luận bài giảng, nghĩ đến Dân Chúa: "Tội nghiệp dân! Tội nghiệp dân! Chúng ta không cho họ bánh sự sống để ăn; chúng ta không cho họ chân lý! Thậm chí chúng ta cho họ ăn bánh bị nhiễm độc, bao nhiêu lần! .. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta đừng bao giờ đên Lời Chúa, Lời hằng sống, xin cho Lời Chúa đi vào tâm hồn chúng ta và không bao giờ quên dân thánh trung thành của Chúa, đang xin chúng ta bánh mạnh mẽ!" (SD 16-1-2014)

Lm Trần Đức Anh, OP