Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô
Đọc báo hằng ngày, hầu như lúc nào tôi cũng thấy đăng một vài tin về tai nạn giao thông. Thường thường đó là những tai nạn thảm khốc hoặc chứa đựng những chi tiết hi hữu, còn vô số tai nạn xảy ra hằng ngày trên đất nuớc thì làm sao đưa tin cho xuể? Đàng sau một mẩu tin có khi rất vắn là cả một bi kịch cho cá nhân hay những cá nhân và gia đình họ. Lấy một trường hợp bất kỳ tôi mới đọc trên báo Tuổi Trẻ ngày 22-8-2008 làm thí dụ: một học sinh lớp 12 ở huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam lái xe máy lấn đường đâm thẳng vào xe một đôi uyên ương sắp cưới khiến họ bị thương rất nặng, và không những đám cưới của họ bị hoãn lại vô thời hạn mà còn làm hai gia đình lâm vào cảnh túng bấn, nợ nần chồng chất bởi phải vay tiền cứu mạng sống cho con, tuy thế cho tới nay gần một năm rưỡi sau, cả hai nạn nhân vẫn còn ngây ngây dại dại, không biết có trở lại cuộc sống bình thường được không? Bài báo viết rằng tai nạn giao thông này đã làm cho “hai cuộc đời bị phá huỷ”.
Qua theo dõi một số tai nạn giao thông, tôi thấy lỗi phần nhiều là do tài xế bất cẩn, không tuân giữ các qui định, chạy nhanh vượt ẩu, không làm chủ được tốc độ, đôi khi ngủ gật hoặc uống rượu bia. Nhưng phân tích sâu hơn, nhiều khi người ta còn có thể tìm ra những nguyên nhân gián tiếp khác, chẳng hạn chủ xe tham lam khống chế khắt khe thời gian tài xế phải hoàn thành lộ trình khiến anh ta phải chạy mau cho kịp, hoặc bắt tài xế làm việc quá tải; anh cảnh sát ăn tiền bỏ qua những vi phạm nặng hoặc những trường dạy lái xe tổ chức bán bằng; rồi con đường mới đưa vào sử dụng chưa được bao lâu, đã đầy ổ gà, ổ voi… Như thế rõ ràng vấn đề an toàn giao thông liên quan cách này hay cách khác tới nhiều người, nhiều ngành. Và nó không phải chỉ là một vấn đề kinh tế, xã hội, giáo dục công dân, luật pháp mà trên hết còn là vấn đề đạo đức nữa.
Vào những dịp nghỉ lễ hay mùa nghỉ, tai nạn giao thông lại tăng lên gấp nhiều lần. Ở phương Tây cũng vậy. Tháng 8 là tháng nghỉ hè, trên các đường cao tốc từng đoàn xe nối đuôi nhau chạy suốt mấy ngày đêm đến các nơi nghỉ. Mới đây, ngày 17 tháng 8, trước khi đọc kinh Truyền Tin chung với giáo dân như thường lệ, Đức Thánh Cha Bênêđitô đã kêu gọi họ: “Người Kitô hữu trước hết phải xét mình về cách thức họ lái xe và ngoài ra, các cộng đoàn phải giáo dục mỗi người biết coi việc lái xe cũng là một lãnh vực để bảo vệ sự sống và thực hành cụ thể lòng bác ái đối với tha nhân. Quả thật, sự sống con người là quá quí báu và thật là quá bất xứng với người ta khi phải chết hay phải tàn tật vì những nguyên nhân có thể tránh được trong phần lớn các trường hợp [tai nạn]’. Và Đức Thánh Cha tóm tắt tư lời kêu gọi của ngài trong một câu mạnh mẽ: “Lái một chiếc xe trên các con đường công cộng đòi hỏi một ý thức đạo đức và một ý thức công dân” (theo Zenit ngày 18-8-2008).
Nếu không phải Đức Giáo Hoàng nói những lời này mà tôi hay một linh mục khác nói, có lẽ một số người sẽ ngạc nhiên hoặc thắc mắc tại sao đưa chuyện đời vào nói như một chuyện đạo cho người Kitô hữu nghe. Nhưng nếu ta sống đạo không phải chỉ trong nhà thờ hay trong những việc kinh lễ nhưng cả trong cuộc sống cụ thể đời thường và trần tục nữa thì chuyện đó lại là bình thường. Mấy chục năm trước, công đồng Vaticanô II đã dạy: […]
“Hoàn cảnh biến đổi sâu rộng và nhanh chóng đòi hỏi cấp bách đừng ai chủ trương một thứ luân lý cá nhân chủ nghĩa mà không lưu tâm hoặc không màng chi tới diễn tiến thời cuộc. Bổn phận công bình và bác ái được chu toàn mỗi ngày một hơn là do mỗi người biết, tùy theo những khả năng của mình và nhu cầu của kẻ khác mà mưu ích chung, bằng cách cổ võ và trợ giúp những tổ chức công hay tư nhằm cải thiện những điều kiện sống của con người […]. Hơn nữa tại nhiều nơi có nhiều người còn coi thường các luật lệ và những qui định của xã hội. Một số người không ngần ngại dùng những hình thức gian lận và lừa đảo để trốn những thuế vụ chính đáng hoặc trốn những gì xã hội đòi buộc. Có người lại coi nhẹ một số luật lệ trong cuộc sống xã hội, chẳng hạn như những luật liên hệ tới việc bảo vệ sức khoẻ, hoặc việc xe cộ lưu thông, bởi vì họ không nhận thức rằng do bất cẩn như thế sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng của họ và của những người khác […] Mỗi người đều phải nhìn nhận và tôn trọng những liên đới xã hội như một trong những nghĩa vụ chính yếu của con người thời nay […] Điều ấy chỉ có thể được một khi mỗi người và cộng đoàn trau dồi nơi chính họ những đức tính luân lý và xã hội, đồng thời đem những đức tính ấy gieo rắc ngoài xã hội” (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 30).
Các linh mục khác thế nào tôi không biết, riêng tôi ngồi toà giải tội lâu năm, nhưng chưa từng nghe ai xưng tội liên quan tới “những luật lệ và qui định của xã hội” nhằm vào công ích, ví dụ tội phá hoại môi sinh, làm ô nhiễm môi trường, lái xe bất cẩn gây tai nạn, trốn tránh những nghĩa vụ chính đáng xã hội đòi buộc… Bản xét mình của giáo dân ta nhấn rất mạnh vào những tội thuộc phạm vi phụng tự (đi lễ, đọc kinh …) và phạm vi tôn giáo và luân lý đời sống cá nhân, rất ít quan tâm tới những nhu cầu và nghĩa vụ xã hội, như Công đồng dạy. Và có lẽ chính nhiều vị chủ chăn cũng chưa ra khỏi một quan niệm về đời sống đạo và đời sống luân lý mang tính “cá nhân chủ nghĩa”. Cái “xã hội” mà họ để ý tới thường là cái thế giới riêng của Giáo Hội ta, giáo họ, giáo xứ, giáo phận, giáo hội quốc gia hay quốc tế. Xã hội “trần thế” là chuyện của đời, chỉ bất đắc dĩ lắm mới phải nói tới mà thôi. Linh mục nào đem vào lời giảng dạy những nhắc nhở về bổn phận tôn trọng công ích, tôn trọng những qui định xã hội (như không được lấn chiếm lòng lề đường, không lái xe vượt ẩu, hoặc đổ rác, vất con vật chết vào cống rãnh, v.v. ) có thể bị coi là “làm việc của cán bộ nhà nước”. Dĩ nhiên đó là bổn phận chính của chính quyền, nhưng vì những chuyện tương tự mang chiều kích đạo đức, hơn nữa còn liên quan tới bổn phận bác ái, và vì, trong thực tế, giáo dục nhân bản, trình độ văn hoá cũng như ý thức công dân của người dân ta còn kém, nên một nền giáo dục tôn giáo toàn diện hiện nay vẫn rất nên đi vào những vấn đề đại loại như chúng ta vừa nghe Đức Bênêđitô và Vaticanô II dạy.
Nếu lái xe an toàn là một bổn phận đạo đức liên quan tới bảo vệ sự sống và bác ái đối với mình và tha nhân, thì góp phần trau dồi những đức tính luân lý và xã hội nơi người giáo dân cũng nằm trong trách nhiệm chung của người mục tử.
Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô
27-8-2008
Nguồn: NguoiTinHuu
No comments:
Post a Comment