Monday, August 18, 2008

Sự Kiện Tượng Đức Mẹ Bạch Lâm

Là người đã sống gần 10 năm tại Tu hội Tông Đồ Nhỏ, trong giáo xứ Bạch lâm, câu truyện về hiện tượng lạ với tượng Đức Mẹ tại Bạch lâm đem tôi trở về với nhiều ký ức và kỷ niệm khó quên, về vùng đất đã cưu mang nhóm chủng sinh của lớp chúng tôi trong những tháng ngày gian khổ. Danh xưng tu hội Tông Đồ Nhỏ có thể gây ngộ nhận là một dòng tu. Thực tế là một tu hội triều, đúng ra là một đường hướng tu đức dành cho linh mục và chủng sinh mà đức cố giám mục Nguyễn Minh Nhật đã mộ mến và chia sẻ với các chủng sinh và linh mục do ngài linh hướng. Sau biến cố 1975, nhóm anh em chủng sinh lớp Pio X thuộc chủng viện Xuân Lộc truớc 1975 và số nhỏ anh em khác đã về sống tại tu hội TĐN. Qua bao nhiêu gian khổ và thử thách, nhiều anh em đã được hồng ân kiên trì theo bước đường ơn gọi. Do vậy, địa danh Bạch lâm gợi nhớ lại một đoạn đường đời rất đặc biệt của chúng tôi. Qua sự yêu thương và giáo dục của ĐC Nguyễn Minh Nhật, 12 linh mục đã xuất thân từ nhóm ban đầu này. Cám ơn vùng đất Gia tân, Gia kiệm, cám ơn các giáo dân ngoan đạo, nhiệt tình của các xứ đạo trong vùng đã giúp đỡ, củng cố ơn gọi, và cưu mang chúng tôi trong những ngày tháng gian khổ đó!

Phép lạ hay sự lạ luôn là điều giật gân, gây chú ý, gây tò mò cho nhiều người. Là người Công giáo trưởng thành, chúng ta nên có thái độ thế nào? Trước hết, phải khẳng định rằng, phép lạ hay sự lạ luôn hiện hữu trong cuộc sống chúng ta. Chính Chúa Giêsu lúc sinh thời đã thực hiện nhiều phép lạ hoặc sự lạ. Có bốn thánh sử viết Phúc âm. Họ kể truyện trực tiếp về đời của Chúa. Các vị đó tên là Mát-thêu, Mar-cô, Lu-ca, và Gio-an. Cả bốn vị đều kể về nhiều phép lạ hoặc sự lạ Chúa đã làm. Ba vị đầu tiên được gọi là các tác giả Nhất lãm vì các ngài có chung cái nhìn về dàn bài, và bằng cách này hay cách khác, chia sẻ chung nguồn tài liệu khi viết Phúc âm. Ba vị này gọi những điều lạ lùng Chúa làm là "phép lạ" (Miracle). Riêng vị thứ tư, thánh Gio-an, gọi các phép lạ hoặc sự lạ là "dấu chỉ" (Sign). Cả bốn vị đều có lý: nếu ta đặt trọng tâm vào hiện tượng của sự kiện lạ thì ta thấy việc lạ lùng của Chúa là "phép lạ". Nếu ta đặt trọng tâm vào ý nghĩa mục đích của việc lạ lùng Chúa làm, thì ta gọi là "dấu chỉ". theo như tinh thần của Gio-an.

Phép lạ hay dấu lạ vẫn xảy ra trong đời sống con người nói chung và mỗi cá nhân. Ta có nhận thấy hoặc nhìn thấy hay không lại là vấn đề khác. Nếu nhìn vào dấu lạ hoặc phép lạ, rồi chỉ dừng lại ở đó để ngạc nhiên và tò mò thì ta không đạt được mục đích Chúa muốn. Phép lạ hay dấu chỉ luôn chuyển đạt một lời nhắn gửi thầm kín hoặc một thông điệp từ Thiên Chúa, thí dụ: để củng cố và giúp ta vũng tin, để giúp cải thiện thay đổi đời sống, để xoá tan bóng tối mây mù của hoang mang ngờ vực, để thối thúc ta sống hoặc hành động theo sự tốt lành, để giúp ta vượt một khó khăn cụ thể nào đó. Chúa không thực hiện phép lạ để tự phô truơng chính mình, để trục lợi, để biến thị chứng nhân của phép lạ trở thành điên dại, hoặc cuồng tín vô lý. Phép lạ hay dấu chỉ là để xây dựng đức tin con người và hòan chỉnh con người. Phép lạ hoặc dấu lạ giúp con người sống tốt hơn, và cuối cùng tìm về với Chúa.

Phép lạ hay dấu chỉ có thể là hiển nhiên khi nhiều người cùng chứng kiến và quả quyết làm chứng; khi lãnh vực y khoa, hoặc khoa học nói chung cũng ngạc nhiên, bó tay không thể giải thích sự kiện; khi giáo quyền sau khi điều tra cầu nguyện suy xét, đã trực tiếp hay gián tiếp nhìn nhận. Phép lạ hay dấu chỉ cũng có thể chỉ hòan tòan mang tính riêng tư hoặc là một mạc khải tư. Chúng ta là con người có xác có hồn. Thái độ lành mạnh của người Ki tô hữu là dùng tinh thần đức tin và lý trí để nhìn nhận sự việc, dĩ nhiên cũng dùng tình cảm để mộ mến: chúng ta tôn trọng những dấu chỉ tốt của sự việc, nhưng không vội vã thêm lời hoặc cố ý gây ngộ nhận, không cứng lòng trước sự đánh động tâm linh. Nếu thực là việc Chúa làm, việc đó sẽ là việc tốt lành, sớm muộn sẽ được sáng tỏ. Người Công giáo truởng thành không nên cường điệu hóa hoặc phóng đại hóa những điều không có thật. Đừng làm gì có tính cuồng tín vô lý. Nhưng cũng đừng cứng lòng để rồi đóng cửa lòng không muốn đón nhận thông điệp của Chúa, qua các dấu chỉ thực sự Chúa muốn gửi tới. Hãy cứ mở tâm hồn cho Chúa để sống đức tin tốt hơn và thay đổi đời sống và đến gần Chúa!

Với sự kiện Bạch Lâm, chúng ta hãy nói điều thật, làm chứng điều thật. Chúng ta có thể tò mò ngạc nhiên và muốn tìm hiểu thêm cho rõ sự việc qua chứng nhân, qua truyền thông, qua lý trí suy xét. Chúng ta có thể cầu nguyện tại nhà hoặc đến chính Bạch lâm để cầu nguyện. Điều tích cực phải làm là tìm cho mình ý nghĩa đức tin và hướng đến sự thành tâm cầu nguyện. Đừng dùng những câu chuyện lạ để làm những điều khách quan không lành mạnh, hoặc thành dịp lỗi đức ái, hoặc trục lợi. Cầu xin Chúa qua sự chuyển cầu thần thế của Mẹ Maria giúp đem ta đến gần Chúa, xa tránh tội lỗi, và sống đức tin. Nếu là việc Chúa làm mọi sự sẽ là an bình và tốt lành. Lời trong kinh cầu Đức bà: Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa, cầu cho chúng con!

Lm. Tân Trần, Iowa, USA
(http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=5123)

No comments: