Lm Vĩnh Sang dcct
(Hình minh họa từ VietCatholic)
Mấy ngày nay, trên các báo chí, người ta xôn xao về vụ phát hiện nhà máy bột ngọt Vedan bị bắt quả tang xả thẳng nước thải không qua xử lý làm ô nhiễm nặng nề con sông Thị Vải chảy loanh quanh từ tỉnh Đồng Nai sang đến tỉnh Bà Rịa – Vũng Tầu.
Đã hơn 14 năm trôi qua, mỗi ngày có hàng ngàn mét khối nước xả độc hại đổ ra dòng sông, con sông đã chết tự bao giờ, không còn một sinh vật nào có thể sống sót tại dòng sông này, con sông ghê tởm đến độ đã có những hãng vận tải từ chối không chuyển hàng di chuyển trên dòng sông này vì sợ bị phá hoại vỏ tàu.
Con sông chết kéo theo hàng loạt những cái chết hai bên bờ sông, hơn 10 cây số dọc bên sông không còn sự sống, không còn tôm cá, không còn cây trái, không sinh vật nào tồn tại. Con người thì sao ? Cũng thế, bao nhiêu cái chết đến từ sự nhiễm độc của dòng sông này ? Cư dân hai bên bờ sống dật dờ như đã chết, không còn có thể sinh nhai từ đất đai ao đầm, không thể tìm đâu ra nguồn nước ngọt để sinh hoạt ăn uống, không còn tìm đâu ra không khí để hít thở. Nhà cửa bị hư hoại, triều cường nước ngập, mang theo cả những hóa chất tàn phá các loại vật liệu... Không thể kể hết nỗi đau thương khốn khổ của người dân.
Lạ lùng, hơn 14 năm trôi qua, nay các quan chức các ngành chức năng mới phát hiện. 14 năm, bao nhiêu đơn từ đệ đạt khiếu nại, 14 năm, bao nhiêu tiếng than khóc của dân lành, 14 năm ,bao nhiêu cái chết thương tâm, 14 năm, bao nhiêu cuộc sống bị bào mòn vật vã, bao nhiêu cái chết tức tưởi uất ức không biết kêu đến ai, không biết kêu nơi nào !
Ai có thể tin được khi người ta kêu lên rằng thì là: “Tôi không thấy”; “Tôi chưa được nghe báo cáo”; “Tôi bị đánh lừa”... Có thật vậy không ? Có thật là không biết, không nghe, có thật là bị đánh lừa ? Không thể trả lời như vậy được !
Thú vật bỗng dưng chết mất vài con là người ta đã la toáng lên rồi, bao nhiêu mạng sống rõ ràng là người đã quằn quại nằm xuống mà sao những kẻ có trách nhiệm lại bảo không thấy, không hay ? Tại sao ngay trên đất nước mình, dòng sông mình có trách nhiệm canh giữ, vùng trời mình có trách nhiệm trông coi, tài nguyên mình có trách nhiệm quản lý mà mình lại như mù như điếc ? Trong khi người ta từ xứ lạ xa xôi đi tàu viễn dương tới mà người ta lại thấy rõ mồn một ra thế kia là tại sao ?
Kinh nghiệm sống những năm qua cho người ta thấy, bất cứ một sinh hoạt có ảnh hưởng công cộng, dù một sai sót nhỏ người ta cũng thấy ngay cơ mà ! Thử kéo một xe ba gác cát để chuẩn bị xây một cái gì coi, chỉ vài phút sau là anh trật tự môi trường đã phóng đến liền, thế mà với Vedan, chẳng thấy một anh môi trường, anh xây dựng, anh giao thông, anh công an khu vực, đủ thứ anh địa phương nào đến xét hỏi, điều tra, lập biên bản ! Sao cái dòng sông to đùng ra đó chết mà lại chối bai bải là “Tôi không thấy” ?
Nói chuyện Vedan lai nhớ đến chuyện Vinashin, quá trình hai vụ vi phạm này được phạt rất nhiều lần, mỗi lần giá trị phạt không bằng... cái dấu phẩy xa tắp tít trong bảng thống kê kế toán của công ty. Luật pháp cứ như trò đùa, bảo vệ luật pháp cứ như game show truyền hình, thi hành luật pháp mà như bỡn cợt nô giỡn của con nít ! Hạn thi hành quyết định bảo vệ môi trường cứ tha hồ di dời, hết hạn này lại gia hạn thêm nữa, tại sao vậy ?
Dòng sông cứ chết, con người và gia súc cứ chết, cùng lúc đó lương tâm của những người có trách nhiệm cũng đang chết ! Hãy nhìn vào sự giàu sang mà họ đang sống, thật ra họ đang chết trên đống của cải phi nhân phi nghĩa đó.
Tôi viết những ưu tư này trong khi bầu khí Thái Hà – Hà Nội đang hết sức căng thẳng. Giáo Xứ Thái Hà (178 Nguyễn Lương Bằng – Đống Đa) chưa hạ nhiệt thì lại bộc phát dữ dội ở Tòa Khâm Sứ (42 Nhà Chung). Có những tâm hồn và những trái tim đang chết vì nghẹn ngào đau khổ, vì chịu oan sai, vì bị áp bức. Cũng lại có những tâm hồn và những trái tim đang giãy chết vì chọn bạo tàn, vì theo bất công, vì sống độc ác vô luân. Chỉ khác nhau ở chỗ, có cái chết để sống muôn đời và có cái chết để vĩnh viễn là... chết !
Và, cay đắng hơn, có những niềm tin đã bị giết chết vì sự gian trá.
Lạy Chúa, may mà chúng con còn biết đặt niềm tin vào chính Chúa !
Lm Vĩnh Sang dcct
No comments:
Post a Comment