Monday, September 8, 2008

Giáo xứ Thái Hà quanh quẩn ký

Trần Khải Thanh Thủy
Thái Hà, 30-8-2008

Image Hosted by ImageShack.us
Hình: Hàng ngàn giáo dân Công Giáo từ khắp nơi đổ về khu đất của nhà xứ đang đòi nhà cầm quyền trả lại. Số người đổ về có dấu hiệu ngày một nhiều hơn.

Nhà mẹ tôi ở ngay gần khu vực giáo xứ Thái Hà, cách một trục đường Tây Sơn ngắn ngủi bằng khoảng 5-10 phút đi bộ. Vì vậy, tuy không phải là người theo đạo, nhưng tôi cảm nhận họ là những người mang một giá trị luân lý đạo đức cao hơn hẳn người bình thường chúng tôi.

Bên cạnh các giá trị xã hội thông thường như công việc, học hành, giao tiếp văn hóa xã hội v.v trong họ còn là sự kính Chúa, yêu nước, nhân ái sẻ chia, nhẫn nhịn chịu đựng, tha thứ, bao dung...

Hầu như ngày nào, tối nào, tuần nào họ cũng cầu nguyện tại nhà hay đi nhà thờ, đôi mắt ngước lên ảnh chúa đầy ngưỡng mộ, yêu thương, gắn bó. Trong giao tiếp họ thường hài hòa, nhỏ nhẹ, có vẻ như tâm hồn họ tràn đầy một thứ ánh sáng của lương tâm, của tình người, của chúa, vô cùng nhạy cảm, dễ xót xa, mủi lòng, thương người, thương đời vô tận. Mỗi khi có việc phải tiếp xúc với họ, dù là trẻ em hay người già, phụ nữ, trong tôi luôn trào lên niềm cảm mến, tin cậy, vô lo.

Chiều 28/8, tôi may mắn qua được "tai mắt nhân dân" để về lại với mẹ sau cả 9 ngày trời đằng đẵng bị nhốt trong hang đá.

Ngồi chưa ấm chỗ, cậu em trai đi đâu về, hồn nhiên bảo:

- Trước cửa công an quận Ðống Ða, bà con giáo dân Thái Hà tụ tập đông lắm.
- Thế à?

Tôi chưa kịp định thần, chưa kịp hiểu mọi chuyện thì lần lượt cả gia đình nhỏ gồm em dâu, cháu ruột và con gái đi làm, đi học về, tất cả đều bàng hoàng, phẫn uất:

- Tắc đường, bà con tràn từ giáo xứ ra đồn đòi người bị bắt đông quá, dễ đến hơn 100 người.

Thoạt đầu, chỉ nghe nhắc đến hai tiếng "giáo xứ", "giáo dân", "Thái Hà" đã gợi lên một điều gì đó hết sức bình lặng, thân thương rồi, sao lại có chuyện sách nhiễu, kích động để bị lực lượng của chính quyền bắt rồi phải kéo đến đồn công an đòi người? Ðiều này - giữa xã hội cộng sản, ngay đến lương dân cũng còn không dám nữa là, chắc lại có chuyện động trời rồi?

Tôi chưa kịp hỏi han, bàn luận, mẹ tôi ngồi bên cạnh đã thủng thẳng:

- À! Bà con tại giáo xứ Thái Hà từ cuối 2007 đã có chuyện đòi đất rồi. Nghe đâu đất của họ mua từ năm 1928 với diện tích 60,000 m2, có chứng thực bằng văn bản gốc tiếng Anh hay chữ La Tinh đàng hoàng mà bị nhà nước tịch thu gần hết, chỉ còn lại 1/20, nên bà con đòi lại để lấy chỗ làm nơi cầu nguyện, giảng dạy giáo lý.

"Thì ra là thế. Việc gì cũng có nhân quả của nó, của xê-ra phải trả lại cho xê-ra chứ? Cộng sản cứ dùng chính sách cướp trắng, cướp sạch rồi cả vú lấp miệng em, sao được?

Buổi tối, ăn cơm xong, tôi trở về hang đá nhỏ tại Gia Lâm, ngang qua địa phận giáo xứ Thái Hà, thấy bà con vẫn đang lũ lượt kéo đi... Ðã từng chứng kiến cảnh dân oan khắp miền bị đàn áp, lòng tôi quặn thắt bởi bao nhiêu ý nghĩ, tâm trạng lo lắng, đau buồn: "Liệu những con người bình dị, kính chúa, yêu nước kia có bị lũ chó người đàn áp không? Với sức lực nhỏ bé như thế, họ có chịu nổi những thế lực thù địch rõ ràng là lũ công an đảng không? Biết đâu chúng lợi dụng đêm tối để hiện hình trước mặt bà con với giày đinh, áo giáp, mũ sắt, roi gân bò và dùi cui điện, còng số 8 như với bà con dân oan thì sao?"

Về nhà, vừa mở cửa bước vào, tôi đã nghe tiếng bà con nháo nhác gọi điện thoại thông báo: 400 bà con giáo xứ Thái Hà bị đàn áp, thậm chí cậu em tôi còn nghe rõ cả tiếng quật vun vút của những roi gân bò, cả ánh điện lóe sáng của dùi cui điện, cả những chiếc giày đinh đạp thục mạng lên mặt, lên người bà con khiến người bị ngất tại chỗ, người bị tóe máu mặt, máu đầu, kêu khóc như ri...

Buông ống nghe, bất thần tôi kêu lên: "Chúa ơi, sao người lại sinh ra chúng con trong xã hội cộng sản khốn nạn này? Cái xã hội coi con người như một bóng ma, một bản nháp sơ sài, một mớ hồ sơ tạp nhạp, hết tố cáo này lại khiếu kiện kia, chúa ơi? Hàng triệu dân oan khắp 64 tỉnh thành cả nước còn chưa đủ sao mà ngay cả bà con giáo dân thuộc địa phận giáo xứ Thái Hà - vốn nổi tiếng là ngoan, hiền cũng không thoát khỏi lũ ác quỷ cộng sản sao, Chúa ơi?

Cả đêm tôi bần thần ngủ không ngon giấc, phần vì cốc trà sữa ở nhà mẹ đẻ với tỷ lệ chè khá cao so với một người dễ bị tổn thương về tinh thần như tôi, song chủ yếu là hình ảnh bà con bị đàn áp mà cậu em và những người dân oan chứng kiến đã nói lại với tôi qua điện thoại.

Theo địa chỉ mà Hoài Việt cung cấp, tôi bần thần ngồi bên trang mạng: chuacuuthe.com. Thanhlinh.net . Viet carothic.com v.v... đầu óc bấn loạn bao nhiêu hình ảnh xảy ra kể từ ngày 13-8 giữa giáo xứ Thái Hà, khi những ngày bình thường đã cháy lên, những người hiền lành đã đứng lên đòi quyền làm người, quyền sống, quyền cầu nguyện ngay trên mảnh đất mà đảng đã cướp trắng của họ và bán cho công ty may Chiến Thắng bao năm.

Qua những đoạn video và bài viết trên mạng, trong tôi văng vẳng những tiếng kêu gào hỗn loạn mà tôi đã từng nghe trong các cuộc trấn áp dân oan từ Mi Ðiền, (Bắc Giang), Tiền Phong (Thái Bình), Kim Nỗ (Ðông Anh), Ðại Mạch (Ðông Anh) v.v... Lại như mọi khi, trong nỗi xúc động dâng trào, tôi chỉ biết thoát ra khỏi cơn chấn động tâm thể của mình bằng những vần thơ:

Còi xe ủ công an xịch đến
Bao giáo dân chạy túa ra đường
Thôi tiếc gì nhân mạng nhỏ nhoi
Dẫu là Chúa, độc tài cũng đuổi
Ôi Kinh Thánh giữa tháng ngày bão nổi
Cháy tơi bời trong mắt giáo dân
Nơi cầu nguyện biến thành nơi máu đổ
Nước mắt con chiên chảy thành hồ


Kể từ ngày 14/8/2008, Cuộc sống của cả nghìn giáo dân trong giáo xứ đã không còn là điểm hội tụ của niềm tin, niềm kính chúa yêu nước. Ngược lại chỉ còn là nơi đan dệt những bất công, ngang trái, những tủi hổ, đớn đau, những hẩm hiu số phận, cũng là một bi kịch không hề lường trước trong suy nghĩ vô cùng trong sáng, thánh thiện của hầu hết giáo dân.

No comments: