Lm. Phêrô Hồng Phúc
VietCatholic News (Chúa Nhật 28/09/2008 12:37)
Thấm thoắt một năm đã trôi qua, từ ngày 15/09/2007, ngày Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, giám mục giáo phận Thanh Hoá, giám quản giáo phận Phát Diệm, chủ sự thánh lễ đồng tế với linh mục đoàn Phát Diệm tại núi Gò trên sông Hoàng Long thuộc xã Thượng Hoà, Nho Quan, Ninh Bình, hôm nay tôi mới có dịp trở lại viếng tượng Đức Mẹ Sầu Bi tại giáo xứ Đồng Đinh.
Vẫn là ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi, vẫn khung cảnh quen thuộc của sông Hoàng Long uốn khúc giữa một vùng phong cảnh “Sơn thuỷ hữu tình”, vẫn những giáo dân chân chất, bình dị, tận tình mến Đức Mẹ; nhưng hôm nay, bầu khí trở nên êm đềm, thân ái hơn và nhất là một tình yêu thương thay thế cho đau thương, toả ra từ bóng Đức Mẹ Sầu Bi trên núi Gò làm sống động cả một khúc sông rộng.
Chúng tôi lên một thuyền lớn có mặt phẳng như boong tầu để từ bến Nhà thờ xứ Đồng Đinh đi dọc sông khoảng 800m tới núi Gò, định vị giữa sông Hoàng Long. Gọi là núi nhưng vẫn là gò, vì thực chất là gò đá nổi lên trên mặt nước. Gò có từ xa xưa không mấy ai biết rõ xuất xứ, nhưng từ khi cây Thánh giá bằng gỗ được cắm nơi đây, thì núi Gò đã trở nên linh thiêng đối với người dân địa phương nói chung và đối với người Công giáo cả vùng nói riêng.
Năm ấy, cả vùng bị dịch tễ hoành hành, có làng chết trắng cả làng, làn tử khí tiến dần đến sát Đồng Đinh, cả làng bên đã là nạn nhân của bệnh dịch. Người Công giáo Đồng Đinh nhớ lời Chúa dạy: “Những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến với Ta, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi” (Mt 11,28) họ đã tín thác đặt “Thánh giá là mầu nhiệm của lòng thương xót Chúa” (kinh kính Thánh giá) trên núi Gò này, và quả nhiên, bệnh dịch đã không sát hại bất cứ ai trong giáo họ ven sông Đồng Đinh thuở ấy, sự kiện ấy xảy ra trước năm 1945, đến năm 1957, Thánh giá gỗ được thay bằng xi-măng, và ngày 15/09/2007 Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, đã về dâng Thánh lễ dưới chân cây Thánh giá nhân kỷ niệm 50 năm ngày dựng cây Thánh giá kiên cố tại đây.
Nói nhân kỷ niệm là vì ngày ấy còn là thánh lễ tạ ơn tượng Đức Mẹ Sầu Bi được tái tạo sau vụ đau thương bị kẻ xấu đập phá ngày 29/01/2007. Chín tháng trôi qua với bao sự kiện, bao quan điểm chồng chéo nhau, nhưng cuối cùng đau thương đã hoàn tất trong yêu thương. Lần đầu tiên, trong thánh lễ tạ ơn ngày 15/09/2007, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh gọi Đức Mẹ Pièta tại Đồng Đinh là Đức Mẹ từ bi.
Từ bi vì ngay hồi tượng Đức Mẹ Sầu Bi bị đập nát đầu và hai tay, (Chúa Giêsu cũng bị đập nát đầu và hai chân), thì có người đã thốt lên trong đau đớn rằng: “ Xin Đức Mẹ ra tay phạt chết hết quân chúng nó đi, vì chúng đã đập phá Mẹ như vậy !” Đức Mẹ đã không làm như thế, nhưng hoán cải chính những người đập tượng, đến nỗi người nhà xin đến “cúng” Đức Mẹ để tạ tội, giáo dân không cho thì họ “cúng” trộm ban đêm. Chính đương sự thì hối lỗi và mong có ngày lễ tạ ơn phục chế pho tượng để chính đương sự đi dự lễ tạ tội.
Từ bi vì thái độ của chính quyền địa phương từ ban đầu kiên quyết đưa tượng Đức Mẹ Sầu bi khỏi núi Gò, đến sau nhượng bộ cho tự chọn muốn đặt tại sườn đồi ven sông hay tại núi Gò, lại có những nhân viên an ninh đích thân đến cơ sở đắp tượng để động viên thợ tới sửa tượng Đức Mẹ càng sớm càng tốt.
Từ bi vì chưa bao giờ Đồng Đinh có một khung cảnh như trong ngày lễ tạ ơn 15/09/2007, ngày Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh về chủ sự Thánh lễ đồng tế cùng với 50 Linh mục và khoảng ba ngàn giáo dân, tất cả đều diễn ra trên triền sông, trước tượng Đức Mẹ Sầu Bi đặt tại chân núi Gò. Nỗi đau biến mất nhường cho niềm vui tràn đầy.
Và hôm nay, dường như cũng vẫn ba ngàn giáo dân năm ngoái quy tụ về. Họ trở về từ các triền sông, đủ mọi loại thuyền to, nhỏ. Đặc biệt là 14 thuyền độc mộc đặt dọc hai bên bờ sông, trên mỗi thuyền đặt một cây Thánh giá, định vị theo khoảng cách dọc khúc sông Hoàng Long từ Nhà thờ Giáo xứ Đồng Đinh tới núi Gò, trở thành 14 chặng đường Thánh giá; vừa sáng tạo, vừa chân chất, đáng yêu. Giữa dòng sông luôn có những thuyền dài hình thức như bơi trải, nhưng trên thuyền là những thanh niên tình nguyện sẵn sàng ứng cứu các tình huống bất trắc trên sông.
Cầu phao nổi bác ngang sông mọi ngày, hôm nay cũng được trưng dụng để làm cầu danh dự rước đoàn chủ tế từ thuyền lớn tiến lên lễ đài.
Vì chuẩn bị cho cuộc họp thường niên 2008 của HĐGMVN, trong cương vị phó chủ tịch HĐGMVN trách nhiệm nặng nề, Đức cha Giám quản Giuse Nguyễn Chí Linh không về chủ sự thánh lễ được, nhưng ai cũng vẫn coi đây là cuộc “duyên kỳ ngộ” vì lời Đức cha hứa chào từ năm ngoái: “Hẹn gặp lại vào lễ Đức Mẹ Sầu Bi sang năm”.
Khoảng 30 Linh mục tiến lên lễ đài trong tiếng kèn đồng âm vang suốt dọc sông, trong tiếng hát nhập lễ của ca đoàn và cộng đoàn Dân Chúa. Suốt 90 phút dưới trời nắng oi ả của “Nắng tháng tám, nắng rám trái bưởi” họ đã sốt sắng hiệp dâng thánh lễ trong niềm vui và ơn thánh. Ít ai mường tượng cảnh ba ngàn người lại có thể chen vai, sát cánh trên dòng sông Hoàng Long. Hình ảnh hiệp lễ trên sông cũng thật đặc biệt, những chiếc thuyền nan nhẹ nhàng đưa từng cha, len lỏi giữa các thuyền lớn cho cộng đoàn rước lễ. Sau Thánh lễ mọi người hướng về tượng Mẹ cùng hát bài hát ”Xin vâng” rất ý nghĩa và đầm ấm.
Quang cảnh thuyền về xem ra còn náo nhiệt hơn cả thuyền đến, vì đồng loạt toả đi từ núi Gò, nơi đặt tượng Mẹ. Anh em Linh mục chúng tôi bình luận với nhau: Nếu không có sự kiện đau thương đầu năm 2007 thì làm sao có khung cảnh hôm nay? Đức Mẹ Sầu Bi vẫn thắng!
Mẹ thắng bằng tình yêu thương, sau chiến thắng, không có xác ngổn ngang trên bãi chiến trường, chỉ có ba ngàn người chen vai trên dòng sông Hoàng Long thanh bình, êm ả.
Mẹ thắng bằng lời kinh, tiếng hát, thánh lễ để tràn ơn Chúa xuống cho cả vùng, không phải là say men chiến thắng trước nỗi đau đớn của kẻ chiến bại.
Mẹ thắng để quy tụ con cái xa gần về trung tâm hành hương, đón nhận tình mẫu tử, tình huynh đệ, để “Đúc gươm đao thành cuốc, thành cày; rèn giáo mác nên liềm, nên hái” (Is 2,4). Không phải là chiến lợi phẩm, hưởng thụ trên nước mắt người khác.
Mẹ thắng để bảo đảm một sự linh thiêng, cho con người thời nay biết tôn trọng giá trị của nhân phẩm và lương tâm, của đạo lý làm người.
Mẹ thắng để biến sự dữ ra sự lành, điều mà con người không thể làm được !
Trên đường xuôi dòng trở về, tôi bỗng gợn lên canh cánh một nỗi buồn. Nỗi buồn tăng lên từng ngày. Đã chục ngày trôi qua, nỗi buồn thành nỗi đau u uất: Người ta vẫn còn vẩy mắm, trát dầu lên tượng Mẹ rồi đưa tượng Mẹ khỏi khu đất Nhà thờ Thái Hà, cả tượng Mẹ Sầu Bi, Thánh giá ở Toà Khâm sứ cũng bị đặt vào ba hòm tôn đưa lên ô-tô chở đi đâu mất. Bài phát biểu của Đức tổng Giuse Ngô Quang Kiệt cũng bị cắt xén, biến ngài thành nạn nhân của chiến dịch lăng nhục.
Mẹ Sầu Bi vẫn mãi luôn phải sầu bi, nhưng khi đã gánh hết những sầu bi cho con cái, Mẹ lại sẽ biến sự dữ thành sự lành, Mẹ Từ Bi vẫn tiềm ẩn trong Mẹ Sầu Bi cho tới ngày Mẹ chiến thắng.
Lạy Mẹ Sầu Bi, con tin tưởng vào ngày chiến thắng của Mẹ.
Chiều nay tang tóc u mờ
Can-vê tin Mẹ gươm vừa đâm thâu.
Đồi cao Thập giá cắm sâu
Giêsu - Con Mẹ gục đầu tắt hơi.
* *
Bóng ai in giữa khung trời
Dưới chân Thánh giá treo người con yêu.
Tiếng ai nấc nghẹn bóng chiều,
Lệ nhoà theo cảnh tiêu điều hoàng hôn.
Vâng, từ chính cảnh u buồn
Con nhìn thấy Mẹ ngàn muôn dịu dàng,
Ánh lên muôn vẻ Thiên đàng
Toả ra muôn vẻ hiên ngang tuyệt vời!
* * *
Chiều nay nối đất với trời
Sầu Bi, Thánh giá, sáng ngời tình thương
Lời cầu con quyện trầm hương
Dâng lên kính Mẹ lưỡi gươm xé lòng./.
Lm. Phêrô Hồng Phúc
No comments:
Post a Comment