Tuesday, September 23, 2008

Lòng Trời, Lòng Người

(Mt 20:1-15)

Giáo Hội Việt Nam đang đi về đâu ? Câu trả lời bắt đầu ló rạng khi “Chuông Nhà thờ lớn Hà Nội đổ từng hồi dài, báo hiệu sự nguy khốn của Giáo hội. Trong giây phút nguy nan, hàng loạt các linh mục, giáo dân thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội đã về Toà Khâm sứ. Đoạn đường phố Nhà Chung đã bị phong toả hai đầu. Tất cả truờng học bị đóng cửa, Dòng Mến Thánh Giá và Toà TGM không có lối đi ra vào. Đang khi đó, mấy trăm công an, cảnh sát, chó săn, xe ủi, ngăn chặn không cho tu sĩ, linh mục và giáo dân tiến tới trước Tòa Khâm Sứ để cầu nguyện. Cảnh sát đã dây giăng thép gai hầu chắn mọi lối đột nhập vào Tòa Khâm Sứ...”[i]

Tại sao chính quyền phải hành động như thế ? Phải chăng họ chỉ còn nhìn thấy lợi lộc vật chất mà thôi ? Thế còn con người và những giá trị cao cả ở đâu ? Dụ ngôn Chúa Nhật hôm nay có thể soi sáng cho ta thấy những điểm mạnh yếu nào trong lòng người trên hành trình trần gian hôm nay ?

ÐỒNG TIỀN KỲ DIỆU

Ðồng lương là động lực quan trọng giúp con người có thể làm việc hiệu quả. Nếu tất cả nhân viên hay công nhân đều ngang nhau về lợi tức, địa vị, thời giờ, chuyên môn v.v., thi ai còn hứng thú làm việc ? Phải chăng đó là vấn đề dụ ngôn Chúa Nhật hôm nay đặt ra ?

Nếu hiểu vấn đề chỉ có như thế thì thật nông cạn. Dụ ngôn cho ta nhiều cái nhìn khác nhau. Về thời gian, chủ nhà đi mướn thợ làm vườn nho vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày. Có những người may mắn được vào làm việc từ sáng sớm. Có những người vào phút chót mới lững thững bước vào vườn nho. Không phải vì lười biếng, nhưng vì cơ hội không đến. Tất cả đều làm việc khi lãnh nhận công tác.

Cơ hội rất quan trọng đối với con người. Nhưng còn một điều quan trọng hơn. Ðó là khi chiều đến, lúc mọi người ngưng tay, ông chủ bắt đầu phát lương. Niềm vui mọi người lộ ra mặt khi thấy kết quả công việc. Nhưng thái độ mọi người bắt đầu thay đổi khi thấy ông chủ có kiểu phát lương khác thường. Thường tình đã có công lý thì mất tình yêu. Chẳng thế, tại sao người xưa lại thấy khó xử khi viết:

Thương em, anh để trong lòng,
Việc quan anh cứ phép công anh làm.

Ông chủ trong dụ ngôn đã tính toán rất kỹ mới có thể làm cho mọi người đều yên tâm. Ông phát lương từ kẻ đến giờ chót và làm ít nhất. Trong khi chờ đợi đến phiên mình, người thợ vất vả nhất từ sáng đến tối bỗng rộn lên niềm hy vọng. Thực tế, ông đã làm cho mọi người kinh ngạc. Kẻ đến sớm nhất cũng phải câm miệng. Người đến sau cùng cũng thầm cảm tạ và biết ơn. Không ai có thể kiện cáo ông bất công. Cũng không ai thấy ông xử công bình theo lẽ thường. Cùng nhận được một đồng, nhưng người phải nhận ông công bình, kẻ lại thấy ông hoàn toàn độ lượng. Ông hòa hợp tài tình công lý với tình yêu.

Tương tự, Nước Trời cũng làm cho mọi người ngạc nhiên, khi mạc khải lòng thương xót của Thiên Chúa. Nếu không được Chúa thương xót, không ai có thể chiếm được phần thưởng sau cùng. Thiên Chúa không mắc nợ ai. Khi tỏ lòng thương xót, Thiên Chúa muốn cho mọi người tìm thấy trong Nước Trời vừa có cả công lý lẫn tình yêu. Ðó không phải là nơi để con người tìm được phần thưởng tương xứng với công trạng mình. Nhưng ai cũng thấy những hy sinh không phải là vô ích.

Phần thưởng cuối cùng dành cho mỗi người chỉ là một đồng. Một đồng có hai mặt : công lý và tình yêu. Không ai có thể phản ánh hai mặt đó của Nước Trời, ngoài Chúa Giêsu. Cuối cùng, Chúa Giêsu chính là phần thưởng Chúa Cha dành cho mọi người. Người mạc khải công lý và tình yêu của Thiên Chúa Cha cả đời này lẫn đời sau. Người đến không phải để hứa phần thưởng sau này, nhưng mạc khải Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương xót và làm cho mọi người xích gần lại với Thiên Chúa. Không tin Thiên Chúa, con người không thể đón nhận bất kỳ phần thưởng nào.

Ðể đón nhận phần thưởng, con người cần nhận biết và tin tưởng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Chúa đến trần gian để công bố năm hồng ân, nghĩa là tạo cơ hội cho mọi người đón nhận ơn cứu độ và biết giờ Thiên Chúa đến kêu gọi mình vào làm vườn nho Chúa. Không ai bị loại trừ, chỉ trừ những kẻ kiêu căng và lười biếng. Ðược kêu gọi vào làm việc trong vườn nho Chúa với anh em, nhiều người lại độc quyền thao túng, đến nỗi Giáo Hội không còn là hình ảnh của Nước Trời trên trần gian nữa. Ðặc tính tối thiểu của Nước Trời cũng khó tìm được nơi cộng đoàn của họ. Dù không thiếu những công tác bác ái rùm beng, cộng đoàn vẫn coi công lý như một thứ xa xỉ phẩm. Mục tiêu trước tiên không phải là “tìm sự công chính và Nước Thiên Chúa,” nhưng tìm những lợi lộc vật chất để xây dựng nước trần gian. Tuy nắm những quyền lớn lao trong Giáo Hội, nhưng tầm nhìn của họ không khác những người vô thần.

Vật chất đã khép chặt tấm lòng của họ trước những đau khổ tha nhân. Muốn mở rộng tầm nhìn, họ cần tìm hiểu tấm lòng Thiên Chúa đối với nhân loại.

TẤM LÒNG THIÊN CHÚA

Muốn tìm lại những giá trị Nước Trời, cần đọc lại Tin Mừng hôm nay để khám phá ra “lòng tốt” của Thiên Chúa. Chính từ “lòng tốt” của Thiên Chúa, loài người đã được tạo dựng và cứu độ. Có trở về nguồn, mới mong cải thiện những tương giao hôm nay. “Một khi khám phá Thiên Chúa yêu thương mình, con người sẽ hiểu biết phẩm giá siêu việt của mình. Không phải tím cách thỏa mãn chính mình, nhưng học cách gặp gỡ người thân cận trong mối tương quan mãi mãi đích thực của con người. Những ai được tình yêu Thiên Chúa làm cho nên ‘mới,’ có thể thay đổi luật lệ và phẩm chất những tương quan, biến cải cả những cơ chế xã hội.”[ii] Cải thiện như thế mới thật sâu xa và hiệu lực.

Dụ ngôn hôm nay cho thấy những mối tương quan đầy ích kỷ của con người. Dù được tạo dựng do lòng tốt của Thiên Chúa, nhưng con người ít khi trở về nguồn để thấy rõ bản chất của mình là“tính bản thiện.” Có thấy rõ bản chất mới có thể nhắm tới mục tiêu đúng với bản chất ấy. Chính bản chất và mục tiêu ấy sẽ chi phối sâu xa tương quan giữa con người. Quả thật, “không thể yêu thương tha nhân như chính mình và kiên trì trong cách xử sự này, nếu không quyết tâm vững chắc và thường xuyên hành động vì lợi ích của mọi người và mỗi người, vì tất cả chúng ta thực sự có trách nhiệm với mọi người.”[iii] Những con người ích kỷ không thể thấy công ích, nhưng chỉ nhìn vào những quyền lợi của người để ganh tị mà thôi. Họ càng không thể nhìn thấy tấm lòng của Ðấng ban ơn, nhưng cắm mắt vào những ân huệ để so sánh hết người này tới người khác.

Nếu thấu hiểu tấm lòng của Ðấng ban ơn, sẽ thấy Thiên Chúa không bất công trong cách đối xử với mọi người. Chúa nhìn đến quyền lợi chung, chứ không thiên vị, như những người công nhân vào làm vườn ngay từ giờ thứ nhất tưởng tượng. Khi ban cho người lao động sau chót một đồng y như người đầu tiên, Chúa cho thấy Chúa thấu hiểu và cảm thông hoàn cảnh của những người sau cùng này biết chừng nào. Chỉ có một tấm lòng như Chúa, mới có thể có cách xử sự tuyệt vời như thế. Chính khi lên án Chúa bất công, người công nhân giờ thứ nhất đã tỏ ra bất công vì thiếu hiểu biết về Thiên Chúa và thiếu thông cảm với đồng bạn.

Xã hội nhắm công ích như mục đích đầu tiên. Công ích là ích lợi của mọi người và của toàn thể con người. Con người không thể kiện toàn chính mình, khi tách rời khỏi sự kiện họ đang hiện hữu ‘với’ và ‘cho' tha nhân. Chân lý này không chỉ đòi họ sống với tha nhân trong nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, nhưng muốn họ luôn thực tế tìm kiếm thiện ích, tức ý nghĩa và sự thật, trong các hình thức hiện tại của cuộc sống xã hội.”[iv] Như thế, người thợ vào vườn nho sớm nhất đã không tìm được ý nghĩa và sự thật trong các tương quan với tha nhân. Bởi vậy, họ mới lấy tiêu chuẩn định giá của mình mà áp đặt cho Thiên Chúa. Không ai có thể ngăn cản Thiên Chúa, vì Người tuyệt đối tự do quyết định mọi sự.

Khi trả cho mỗi người một đồng, không phải ông chủ chỉ có ý trả tiền cho họ đủ sống, nhưng chủ ý giúp họ duy trì và phát triển nhân phẩm. Tới giờ chót ông còn ra tuyển mộ nhân viên để cung cấp cơ hội làm việc cho họ. Quả thực, “việc làm xứng đáng là một môi trường để con người hoàn thành ơn gọi tự nhiên và siêu nhiên của mình.”[v] Vì yêu thương, Thiên Chúa dành cơ hội đồng đều cho mọi người hoàn thành ơn gọi và sứ mệnh theo kế hoạch cứu độ của Người.

HÀ NỘI HÔM NAY, VIỆT NAM NGÀY MAI

Cũng như người con cả trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, những người vào làm công đầu tiên trong vườn nho chỉ đánh giá mọi sự theo phương diện vật chất. Anh đòi hỏi một thứ công lý dựa trên quyền lợi hoàn toàn cá nhân. Ðúng ra, chẳng phải anh tha thiết đòi hỏi công lý cho mọi người sống hạnh phúc, bình an và ổn định. Nhưng rõ ràng anh chỉ muốn mưu lợi riêng, bất kể trời đất và con người.

Cũng như người anh cả và người thợ đầu tiên trong hai dụ ngôn trên, nhà nước Việt Nam cũng chỉ nhìn thấy cái lợi vật chất trước mắt và dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạt những lợi lộc cho phe đảng mình.

Vì không nhìn ra Ðấng ban ơn, họ cũng chẳng thấy những nhu cầu tha nhân. Tất cả những căng thẳng hôm nay đều bắt nguồn từ một ý muốn tiếm quyền Thiên Chúa trên con người. Nhiều người cứ tưởng nắm quyền là có thể tự do hành động tuyệt đối trên con người và của cải. Không còn một cá nhân hay đoàn thể nào có thể có quyền phản đối. Họ hành động không cần nhân danh công lý và bất kể đạo đức. Tất cả chỉ nhắm làm lợi cho cá nhân hay tổ chức của họ mà thôi. Họ còn giành toàn quyền định đoạt tài sản cho mỗi người theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bất kể quyền lợi thiết thực của đồng bào.

Ðó là điều đang xảy ra tại Hà Nội, Thủ đô Việt Nam hôm nay. Cách hành xử của nhà cầm quyền khác hẳn với thái độ của ông chủ trong Tin Mừng, hình ảnh của Thiên Chúa tình thương. Một bên Thiên Chúa hoàn toàn dùng quyền bính tuyệt đối để giúp đỡ con người có đủ điều kiện hoàn thành ơn gọi và sứ mệnh, đáp ứng nhu cầu mọi người. Một bên, nhà nước dùng mọi mưu mô xảo quyệt và bạo lực để chiếm đoạt tài sản Giáo Hội, không cần biết ai cần gì.

Ðây là tiếng nói lương tâm của một “lương dân”: “Mấy tuần qua tôi đã được nghe nhiều qua các kênh truyền hình nhà nước và qua lời bàn tán của người dân về việc đồng bào Thiên chúa giáo cầu nguyện tại khu đất thuộc Nhà thờ Thái Hà, Hà nội. Theo các thông tin của nhà nước thì lẽ phải rõ ràng thuộc về các cơ quan công quyền; giáo dân đã vi phạm pháp luật, đã tự tiện phá hoại tài sản, đập phá tường bao của Công ty cổ phần may Chiến thắng và đã gây mất trật tự an ninh của khu dân cư trong vùng... Ý kiến bình luận của người dân thì có khác. Người ta bảo: Nhà Nước mình "dân chủ quá", sao chính quyền không ra tay, bắt ngay những kẻ phạm pháp; điều tra, truy tố những kẻ chủ mưu gây rối loạn... Nhưng cũng có người tỏ ra hiểu biết hơn, lại thì thầm nhỏ to: Chính quyền... sai từ lâu rồi, sai ngay từ chính sách đến thực hiện. Ai đời, đất vốn thuộc quyền sử dụng của nhà thờ lại cho chuyển hết từ công ty này đến công ty khác, lại còn chia lô, cống rẻ cho các quan, lại còn định xây nhà cao tầng bán giá cao kiếm lời, thì người dân chịu sao nổi. Bới ra thì sẽ thấy khối việc làm sai nguyên tắc, khối vụ tham nhũng ở đây. Vì vậy "các ông ấy" cũng sợ, không dám mạnh tay. Mà dân, họ đã kêu, đã đòi đất từ bao nhiêu năm rồi, còn chính quyền thì cứ đánh bài lờ, giống như trăm ngàn vụ sai trái khác ở khắp nơi. Dân phải đấu tranh là đúng thôi!”[vi]

Tiếng lương tâm của những người cầm quyền đâu rồi? Phải chăng lương tâm họ đã chết? Nếu lương tâm đã chết, con người còn lại gì? Trong các loài Thiên Chúa dựng nên trên mặt đất này, chỉ con người mới có lương tâm mà thôi. Không có lương tâm không còn phải là người.

Khi không còn lương tâm, họ dùng mọi thủ đoạn và biện pháp để đạt mục tiêu, dù bất chính. Nhưng đã đến lúc con người vượt qua nỗi sợ, thử hỏi chính quyền còn dựa vào sức mạnh nào để đàn áp? Khi tình hình Tòa Khâm Sứ Hà Nội căng thẳng trở lại, Đức TGM Hà Nội lên tiếng kết án chế độ CSVN này ''không còn chính nghĩa và đạo lý''[vii]

Thái độ quả cảm đó sẽ được ghi sâu trong lịch sử và khơi dậy sức mạnh đấu tranh giành công lý cho cả một dân tộc đang bị đàn áp bất công. Chưa bao giờ thấy giữa tình hình căng thẳng một tinh thần quả cảm và đoàn kết của GHVN trong công cuộc lớn lao này. Ðọc thông cáo sau đây, càng thấy rõ tình hình căng thẳng và quyết tâm của GHVN tại Hà Nội .

TẠI TÒA KHÂM SỨ HÀ NỘI:

CHÍNH QUYỀN DÙNG BẠO LỰC BẢO VỆ CHO VIỆC CHIẾM ĐẤT TÒA KHÂM SỨ. CÁC LINH MỤC, TU SĨ VÀ GIÁO DÂN CHỈ PHẢN ĐỐI MỘT CÁCH HÒA BÌNH BẰNG CÁCH CẦU NGUYỆN. TRONG KHI ĐÓ CÁC CẢNH SÁT LẠI PHONG TỎA TÒA TỔNG GIÁM MỤC SỐ 40 NHÀ CHUNG VÀ DÒNG MTG HÀ NỘI SỐ 31 NHÀ CHUNG.

CÁC LINH MỤC, TU SĨ, VÀ CHỦNG SINH KHÔNG THỂ RA VÀO NHÀ MÌNH. CÁC NỮ TU DÒNG MẾN THÁNH GIÁ KHÔNG THỂ RA NGOÀI ĐI HỌC VÀ CŨNG KHÔNG THỂ VỀ LẠI NHÀ MÌNH.

CHÚNG TÔI CỰC LỰC LÊN ÁN HÀNH VI VÔ NHÂN ĐẠO VÀ VI PHẠM NHÂN QUYỀN NÀY. CHÚNG TÔI YÊU CẦU CÁC LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT PHẢI TRẢ TỰ DO ĐI LẠI CHO CHÚNG TÔI.

LINH MỤC, CHỦNG SINH VÀ TU SĨ Ở 40 NHÀ CHUNG VÀ 31 NHÀ CHUNG.

+ Đức TGM Ngô Quang Kiệt

GHVN không đòi công lý cho riêng mình, nhưng cho cả dân tộc, nhất là dân oan. GHVN đang đi theo con đường khổ giá của Chúa. Chắc chắn đức tin làm nền tảng hỗ trợ cho công cuộc đấu tranh hôm nay tới thành công. Từ xưa tới nay, các phong trào đấu tranh không thành công vì thiếu một niềm tin chung như thế.

Tóm lại, dụ ngôn hôm nay trình bày một ông chủ rất khéo léo và khôn ngoan đối với nhiều lớp thợ của ông. Ông vừa giữ trọn công lý vừa lấy tình yêu thông cảm với những người kém may mắn. Thái độ của ông đã làm cho những người thợ đến vào giờ chót cảm động đến kinh ngạc. Nhưng những người thợ vất vả suốt ngày và từ sáng sớm ghen tức. Từ đó phát sinh mọi tệ trạng. Vì không thấy được tấm lòng và con người ông chủ, nên những người thợ có công nhất mới ghen tương với đồng nghiệp và hậm hực với ông chủ. Công lý không bao giờ nghiêng về phía những con người như thế, dù đòi hỏi của họ có hợp lý tới mấy. Công lý luôn nhằm lợi ích chung cho mọi người. Thiên Chúa nắm vững công lý và hoàn toàn tự do định đoạt mọi sự con người. Người mới là câu trả lời thỏa đáng nhất cho những ai biết vượt lên trên những quyền lợi vật chất và dám chết cho công lý và sự thật.

Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã giúp chúng con thấy ánh sáng chân lý và công lý. Xin ban cho anh chị em thuộc Giáo Phận Hà Nội có một đức tin sắt đá như cha ông Tử Ðạo Việt Nam chúng con. Amen.

đỗ lực 21.09.2008
(http://danthan.org/SUYNIEM/DL/210908.htm)

[i] http://www.vietcatholic.net/News/Html/58730.htm
[ii] Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội, 4.
[iii] ibid., 43.
[iv] ibid., 165.
[v] ibid., 101.
[vi] http://www.vietcatholic.net/News/Html/58591.htm
[vii] http://www.vietcatholic.net/News/Html/58722.htm

No comments: